U19 và bài học leo núi

Bạn nào yêu bóng đá hẳn sẽ nhớ ông Takeshi Okada, vị huấn luyện viên trầm lặng như một triết gia của Đội tuyển bóng đá Nhật Bản. Sau WC 2010 tại Nam Phi, nơi đội của ông thi đấu rất ấn tượng, ông Okada có nói mình sẽ từ giã bóng đá, trở về với cuộc sống "seikuo-udoku". Đây là cách người Nhật gọi lối sống lui về ở ẩn, thông qua hình ảnh "trồng trọt khi trời nắng và đọc sách khi trời mưa". Tuy vậy, nhiều phóng viên thể thao đã không hiểu được ý ông Okada, họ mang đến cho người đọc thông điệp "đi lạc". Rằng ông muốn trở về làm ruộng thật sự, "để được đọc sách dưới trời mưa, bước trên đất xốp mỗi khi nắng sáng".

Người Nhật có đời sống có chiều sâu triết lý thăm thẳm. Trong công việc, họ cũng ứng xử như vậy. Nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng có chiều sâu văn hóa và triết học như thế. Để hiểu được hết đôi khi đã là việc mất công của vài thế hệ.

Trò chuyện đầu tuần nhắc lại chuyện ông Okada vì tuần trước, niềm hi vọng U19 Việt Nam vừa thua U19 Nhật Bản tới 7 bàn không gỡ. Không chỉ là tỷ số, mà còn thua thế trận, lối chơi, khi mấy chục phút liền không lên nổi một đường bóng uy hiếp khung thành đối phương. Trên tất cả, chúng ta đã thua vì đứng ở một nền tảng triết lý thể thao gần như không có gì. Bóng đá không đơn giản chỉ là chạy và sút. Ai chịu khó rèn luyện cũng có thể đạt được một trình độ chơi bóng nhất định. Nhưng chiến thuật thi đấu, kỹ năng đọc trận đấu, triết lý để chiến thắng thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Thuở Hà Nội chưa nhiều nhà cao tầng, đứng ở ga xe lửa, nhìn ra phía sông Hồng, thấy tòa nhà Vietcombank cứ như ở cạnh bờ Hồ Gươm. Đến Hồ Gươm rồi thấy đi bộ còn xa nữa mới đến. Giờ đây nếu bạn đứng bên kia sông Hồng nhìn về Mỹ Đình, thấy cao ốc Keangnam cứ như gần ngay trước mặt. Đi rừng, điều này càng dễ đánh lừa chúng ta. Người ta ví như là "ngọn núi ảo ảnh". Tôi cũng từng bị ảo ảnh đánh lừa như thế trong một lần chinh phục thác Phướn ở vùng núi Thừa Thiên Huế. Cứ ngỡ đi bộ ít lâu sẽ đến, nào ngờ mất cả nửa ngày kiệt sức mới đến được ngọn thác, thực ra giáp với dãy Bạch Mã nổi tiếng.

Cảm xúc dễ dẫn lối cho ta đi lạc. Đôi khi chỉ vì biết chơi bóng đá mà ta nhầm lẫn mình có một nền thể thao. Nhìn ngọn núi cao có thể thấy rõ mồn một bằng mắt thường mà nhầm đường đi tới đó không dài. Thấy một người cao lớn lội nước mà nhầm sông cạn. Thấy đối phương đá phòng ngự mà ngỡ mình mạnh trong tấn công.

Cho dù ước vọng lớn lao đến đâu, ta hãy nhớ đặt chân lên mặt đất. Để nhấc chân trái bước lên phía trước rồi lại nhấc chân phải lên phía trước. Đi tới mỗi ngày mà không cần quá bận tâm vào "ngọn núi ảo ảnh". Như người đời từng nói, có đi thì sẽ đến.

HÀ NHÂN

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top