khói đêm cuối năm

Đêm muộn, dọc đường phố vắng, những đống lửa bắt đầu được đốt lên. Xúm xít xung quanh là những người chạy xe tải nhỏ tự chế, những người cửu vạn đợi khách thuê chở chậu hoa Tết. Giữa giá lạnh, khói đậm đà từ đống lửa cuộn theo gió khiến người đi bộ ngang qua thấy mắt cay xè. Thấy nhớ những ngọn lửa ấm nơi gian bếp cũ của căn nhà xưa. Nơi mỗi ai có tuổi thơ rơm rạ đều từng ít nhất một lần chảy nước mắt nhen lửa đun nấu chiều cuối năm. Nơi những mẹ cha quệt nước mắt thổi lửa chờ đứa con xa trở về. Nơi những gia đình sum họp trong đêm lạnh chờ năm cũ dần qua, nghe con nước mằn mặn cay xè dâng lên từ tim mình.

Những chiều lạnh giá tiễn đi một năm, tiễn thời gian đi qua đời người. Con người khi trẻ và khi già thường khác hẳn nhau. Nhưng người già và trẻ con thì luôn giống nhau ở một trạng thái tâm lý là dễ khóc, dễ rơi nước mắt. Cho dù trẻ thường khóc vì oan ức trở ngại, già hay khóc vì điều thơm thảo nhẹ bồng thì hết thảy đều giống ở chỗ sẵn lòng để cho cảm xúc ùa tràn không giấu giếm, không e ngại.

Đôi lần tôi thoáng nghĩ, ngày tháng là chiếc khung ngặt nghèo đóng cứng con người. Đóng khung trong "già", đóng khung trong "trẻ". Đóng cứng cả từng thế hệ, cầm tù nhau trong những lớp lang đại từ đại từ nhân xưng. Đôi khi cầm tù cả chính mình trong những ám ảnh.
"Khi trẻ
Từ hay quên nhất
Là từ "Trẻ".
Khi già
Từ hơi một tí là nghĩ đến
Là từ "Già". (Nguyễn Vĩnh Tiến).
Ám ảnh về thời gian, về tháng, về năm khiến ta cầm tù chính mình, ta đưa mình vào vùng ngưng đọng, ta đưa mình vào vùng nén chịu, vào chốn khô cằn, vào nơi không còn chỗ cho cảm xúc. Lớn lên đâu phải là để trở thành cứng rắn. Già đi nào phải để ra người cay nghiệt.

Cuối năm, đi trong cay xè khói tỏa từ những đống lửa người đốt lên sưởi ấm bên phố vắng, tôi nhớ một câu người thầy giáo dạy tiếng Đức năm nào hỏi cả lớp: "Anh, chị có biết khóc không?". Câu trả lời là một tràng cười. Rồi tràng cười tắt lịm khi thầy nói: Thực ra không phải dễ để biết khóc đâu.

Còn biết khóc là còn biết mình đang sống thật. Còn biết khóc là biết mình còn chưa thành vùng hoang mạc cằn cỗi, thành người sáp sống cùng tâm hồn trống rỗng. Còn biết rơi nước mắt là biết mình còn chân thành với cảm xúc, là "con người có miệng có môi, khi buồn thì khóc khi vui lại cười ". Là biết mình còn chưa bị lạc bước hay bị dẫn dụ vào vùng đất của giả dối, của nước mắt cá sấu và nụ cười dao găm.

Cho dù ta đang lớn lên hay đang già đi, hãy nhớ làm người dễ rơi nước mắt. Khóc vì oan ức xót thương hay khóc vì cảm động với điều thơm thảo đều bằng những giọt nước trong veo.

Đêm cuối năm gặp lại những người bạn thuở nhỏ trèo cây tắm sông, có ai đó thốt lên: "Mi ngày xưa hay khóc lắm". Chỉ hai tiếng "ngày xưa" thôi, mà sao nghe như có gì cuồn cuộn bỗng dâng tràn lên mắt.

HÀ NHÂN

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top