giữ một lời hứa

Có một điểm không chỉ xung quanh mà chính tôi cũng vô cùng khó chịu về bản thân, đó là việc tôi không thể giữ lời hứa. Trong tình huống khó khăn hay khẩn cấp, tôi sẵn sàng gật đầu với các giao hẹn. Không những thế, tôi còn nhìn thấy mình sẽ thực hiện điều đó thế nào, trong thời hạn bao lâu. Thái độ chắc nịch của tôi làm cho ai nấy đều tin tưởng. Tuy nhiên, những gì đã hứa như bốc hơi khỏi trí nhớ của tôi. Nếu ai đó nhắc nhở, tôi cũng tự nhủ từ từ rồi làm. Tuy nhiên, việc thực hiện lời hứa gần như chẳng bao giờ xảy ra. Mấy tên bạn đặt đủ thứ nick khó chịu sau lưng tôi, hết Dưa Leo rồi lại Thèo Lèo, có đứa còn gọi thẳng vô mặt tôi là Huy Lèo nữa.

Hồi lớp 10, bỗng dưng tôi bị hút chặt vô game. Thấy tôi suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính, ba đặt ra các quy ước khi nào học, khi nào mới được chơi game. Tôi hứa hẹn chục lần nhưng cả chục lần phá vỡ cam kết. Quá tức giận, ba gỡ bỏ hết các kết nối mạng ở nhà. Nhưng tôi vẫn có thể đến tiệm net. Trước kia tôi học rất khá, top 5 của lớp là bình thường. Nhưng hết lớp 10 thì tôi ở nhóm cuối lớp. Lâu nay mỗi khi ba la rầy trừng phạt, má còn đứng ra bênh vực, giờ chính má quyết định gửi tôi vô trường nội trú nổi tiếng của thành phố. Ở đó những tên cứng đầu sẽ được rèn luyện trở thành người có kỷ luật, học hành đàng hoàng và bỏ hết thói hư tật xấu.

Một cuộc sống hoàn toàn khác mở ra. Một tháng tôi chỉ được về nhà một lần. Nếu không có việc gấp thì ba má cũng không đến thăm. Đồ dùng học tập, thiết bị vui chơi giải trí, đồ ăn thức uống trong nhà nội trú đều đủ. Muốn liên lạc với gia đình thì xuống phòng chung, ở đó luôn có sẵn đường dây điện thoại. Nếu đau ốm thì đã có phòng y tế phát thuốc. Vì chẳng có gì để mua sắm nên học sinh vô đây cũng không cần giữ tiền theo làm gì.

Trong phòng nội trú tôi là người mới. Các bạn không khoái tôi chút nào, nhất là sau vụ tôi hứa dọn dẹp tủ chứa đồ chung mà quên không làm. Nhiều thứ mọi người bàn bạc riêng. Trong đó có việc giấu đồ ăn để ăn với nhau. Nghe có vẻ là chuyện nhỏ nhưng thực ra việc ăn uống trong trường nội trú khá đặc biệt. Các bữa ăn trong trường phục vụ theo kiểu tự chọn. Tôi ăn cũng khí thế, nhất là buổi tối. Tuy nhiên, lúc học bài khuya, khoảng từ 9 tới trở đi là tôi bắt đầu đói bụng. Đói đến nỗi nhìn cái gì cũng thấy hoa lên. Nội quy trường không cho phép giữ đồ ăn thức uống. Nhưng mấy tên bạn vẫn giấu được các loại bánh trái, mang lên sân thượng, không rủ tôi. Để quên cơn đói, tôi xuống tầng trệt, lang thang ra khoảng sân phía sau.

Bức tường sau nhà nội trú xây gạch và lưới xen kẽ. Tôi ngồi một mình trên băng ghế đá, nhìn ra xe cộ chạy vun vút trên con đường nhỏ bên ngoài. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ thấy hơi buồn chán. Lúc tôi sắp đứng lên về phòng, bỗng có chiếc xe máy cũ nhảy lên trên vỉa hè. Sau yên xe gắn cái thùng kính dán chữ Xuân bằng đề can xanh. Bên trong gắn túyp đèn, chiếu rõ những chiếc bánh bao, bánh cam, những miếng xôi vị ba màu, món bánh hồi ở nhà má làm cho tôi ăn hoài. Chưa đầy nửa tiếng mà người bán hàng, chắc cỡ tuổi tôi là cùng, đã bán được hơn một nửa số bánh. Cứ mỗi lần cậu ấy mở cánh cửa thùng kính, mùi thơm nức mũi của mấy loại bánh theo chiều gió lại bay tới chỗ tôi ngồi. Tôi đứng dậy, tới gần tấm lưới. Nghe tiếng chân tôi cậu bạn bán bánh quay lại. Câu đầu tiên cậu ấy hỏi là có mua gì không, giọng nói mộc mạc vui vẻ. Tôi lắc đầu, nói thiệt là không có tiền, chỉ muốn hỏi chuyện cho vui thôi. Xuân nhe răng cười:

- Hàng còn chưa bán hết. Đợi tui chút được không? Trong khi chờ thì ăn cái bánh nha. Tui mời. Bạn thích ăn loại nào?

Tôi chỉ vô cái xôi vị lá cẩm. Cậu bạn cho bánh vô bao nhựa, luồn qua mắc lưới. Tôi ăn ngon lành, vừa ăn vừa xem Xuân bán hàng. Đến lúc cái thùng kính trống trơn thì đã hơn 10 giờ, tôi phải lên phòng ngủ trước khi thầy giám thị đi kiểm tra. Cậu bán hàng hẹn:

- Mai gặp lại nha!

Thế là tối nào tôi cũng gặp Xuân. Nhà cậu ấy rất khó khăn. Là con trai lớn lên tôi ấy kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Một bác trong xóm bán bánh ban ngày đã cho cậu ấy mượn xe bán hàng buổi tối.

- Tiền bán bánh đủ để tui và đứa em đi học đó! - Xuân khoe.

Nghe vậy tôi rất ngại vì không có tiền. Nhưng bữa nào Xuân cũng đưa cho tôi một hai chiếc bánh, bắt ăn. Tôi hứa sẽ trả tiền. Tuy nhiên, lần đầu về nhà tôi quên xin tiền ba má. Lần thứ nhì, ba má cho tiền thì tôi lại mua bộ truyện tranh ôm vô trường đọc. Khi gặp Xuân, tôi mới nhớ ra và rất áy náy. Nhưng cậu ấy tỉnh queo, vẫn đưa bánh kêu tôi ăn, chẳng nhắc nhở chi hết. Hai đứa nói chuyện với nhau đã rôm rả. Cậu ấy tỏ ra rất khoái khi tôi chỉ cho các chiêu làm toán và bài tập tin học. Còn nhờ có Xuân, mấy vụ buồn chán ở nhà nội trú đều nhẹ đi nhiều. Lần nào chia tay, hai đứa cũng nói đúng một câu là hẹn ngày mai gặp lại.

Lần thứ ba khi tôi về nhà, xin được tiền và cất kỹ để đưa cho Xuân thì cậu ấy bỗng biến mất. Tôi chờ cả tuần không thấy cậu ấy đến dựng xe bán bánh. Thấy tôi buồn, mấy cậu bạn trong phòng nói chuyện với tôi nhiều hơn, rủ tôi lên sân thượng ăn khuya. Mọi việc có vẻ tốt lên, nhưng tôi vẫn cứ nhớ Xuân, nhớ về những lần tôi đã thất hứa.

Một tối mưa lớn, tôi ngó ra ban công, bỗng thấy dưới ngọn đèn đường vỉa hè bóng người mặc áo mưa, kế bên là xe bánh quen thuộc. Tôi chạy ào xuống, quên cả mũ nón, quên cả cuộn tiền cất dưới đáy ba lô. Thấy tôi Xuân cũng chạy ào tới rào lưới. Đợt rồi mấy em Xuân bệnh liên tiếp, cậu ấy phải ở nhà chăm sóc. Bữa nay tụi nhỏ khá rồi. Dù trời mưa Xuân vẫn đi bán, chắc không được nhiều, nhưng cậu ấy nói vì đã hứa và sợ tôi chờ. Cậu ấy cũng lo đã lâu tôi không có ăn bánh ăn buổi khuya, chắc đói bụng dữ lắm. Tôi cắn miếng bánh nóng hổi bọc trong bao nhựa, cười. Chắc Xuân nghĩ tôi cười vui khi gặp lại nhau. Nhưng thật ra tôi đang khóc. Khóc vì nhận ra giữ một lời hứa quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đến chừng nào.

HUY BẢO

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top