cứ bừa bộn mà lớn lên

Học trò ai cũng có một nỗi khổ thầm kín với phụ huynh, gọi tên là "con người ta". Từ "con người ta sao mà chịu khó" đến "con người ta học hành sao mà giỏi giang", "con người ta sao mà ngăn nắp", rồi đến cả "con người ta chẳng có mà ăn"..."Con nhà người ta" là nỗi khổ đau không nói ra thì ai cũng biết của học trò. Còn với phụ huynh, đó là cách gởi đi thông điệp về những khắc khoải kỳ vọng, đôi khi có lý và rất nhiều khi vô lý.

Ôi, giá mà bố mẹ hiểu được rằng mỗi người là một tiểu vũ trụ. Chẳng ai giống ai, chẳng "con người ta" nào lại giống "con người ta" nào. Người lớn khôn ngoan thì phải biết tùy căn cơ của từng học trò mà hóa độ. Xã hội đa dạng, cuộc sống đa sắc, thực tế phong phú. Nếu tất cả đều cùng một khuôn mẫu thì cuộc sống xiết bao nhàm chán. Thiếu sự đa sắc rồi ra ai cũng giống ai, cùng một hành động, cùng giọng khóc tiếng cười thì cũng không có chỗ cho thử nghiệm, cho sáng tạo, cho những đóng góp có lý trong những điều thoạt nhìn như là kỳ dị. Người quản lý sáng suốt hẳn phải biết khôn ngoan gom góp những ý tưởng và nguồn lực rời rạc, đôi khi kì dị để làm thành ngọn triều năng lượng thúc đẩy quốc gia thịnh vượng.

Tuổi mới lớn là tuổi của thử nghiệm và trải nghiệm, của lựa chọn. Đó là quãng đời của bừa bộn nhưng là sự bừa bộn cần thiết cho trưởng thành. Con không giống "con người ta" là bởi "con người ta" cũng đâu có giống "con của người ta" khác nữa. Con lớn lên trong sự khác biệt, trong những niềm đau nỗi khổ, trong khóc cười và đóng góp của riêng con. Tôi lớn lên và tôi không giống ai, không rập khuôn ai, điều đó không ngăn cản, mà chính là điều tốt đẹp của riêng tôi đóng góp cho cộng đồng, cho nhân loại. Bừa bộn là sinh khí của quốc gia được xem là đang phát triển.

Quy về một dòng, một chủng loại, một giai tầng, một nhóm hay giống loài là công việc người ta thường ưa thích làm với mong muốn hiểu thế giới một cách mạch lạc. Người làm giáo khoa có thể chỉ ra hai loài lừa và ngựa. Nhưng ai cũng biết rằng làm thế thì chỗ cho con la nằm ở đâu, trong khi nó vẫn có thể kéo xe thồ hàng chẳng thua kém. Sợ sự "bừa bộn" thì có thể bỏ qua con la, bỏ qua những điều có vẻ như chẳng "ăn nhập" vào đâu. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa là bỏ qua một nguồn lực đáng giá, một sự đóng góp đáng kể. Và hơn thế, đôi khi đó còn là bỏ rơi một thân phận.

Đang lớn nghĩa là có điều gì đó chưa thực sự qua, trong khi một điều gì đó dường như đã đến. Đang lớn nghĩa là tăng trưởng, mà dấu hiệu chính là sự bừa bộn, không giống ai, đôi khi còn không giống cả chính mình của giây phút trước. Khi ta hết sợ hãi sự bừa bộn, ta mới có thể đi tới, có thể dung nạp, có thể chấp nhận thử thách, mới có thể xứng đáng để tận hưởng thành quả ngày mai.

HÀ NHÂN

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top