câu hỏi tháng Ba
Ông bà Ishikawa Toyoji có ba căn nhà. Một căn nhà to để sinh hoạt hằng ngày. Một căn nhà to không kém kế bên để cất trữ gỗ và vật liệu, dụng cụ trồng nấm. Bên kia con đường phủ tuyết trắng là một căn nhà to hơn nữa, có bếp ăn lớn có thể nấu cho hàng chục người ăn. Căn nhà này dành cho các hoạt động văn hóa giải trí, vì ông thì thích đánh trống trong dàn nhạc cổ truyền, bà rất thích múa dân gian. Ba căn nhà to nhưng chỉ có hai ông bà già.
Nhật Bản là đất nước có tỷ lệ người già cao. Khác với Việt Nam, đang trong thời kỳ dân số vàng. Ra đường là thấy thanh niên, thấy người trẻ, thấy trẻ con ríu rít. Người trẻ làm nên sức sống của cộng đồng. Người trẻ cũng đã trở thành trụ cột trong nhiều lĩnh vực sản xuất, sáng tạo. Người trẻ sống và lan tỏa khát vọng, khiến cho cả xã hội luôn thường trực ý nghĩ hướng về tương lai.
Tháng Ba nhắc mọi người về tuổi trẻ. Là những ngày của nắng ấm, của mưa Xuân, của đâm chồi, của sinh sôi nảy nở. Tháng Ba mở đầu cho một chu kỳ sinh trưởng mới của muôn loài. Tháng Ba những năm gần đây được chọn làm Tháng Thanh Niên. Tháng nhắc mỗi người trẻ ý thức về vai trò của mình với cộng đồng. Tháng gợi cho xã hội sự quan tâm cần thiết cho mỗi người trẻ trưởng thành.
Thời gian nhắc ta đời người hữu hạn. Tuổi trẻ thường qua nhanh. Thời kỳ dân số vàng cũng sẽ qua nhanh. Quốc gia dù đông người trẻ nhưng nếu chỉ sống ơ hờ thì cũng sớm già nua và tạo bất ổn an sinh. Cộng đồng dân số vàng mà người trẻ đi chậm hoặc lẽo đẽo theo sau thì đất nước tụt hậu và quẩn quanh với bẫy thu nhập trung bình. Đường đời phía trước còn dài mà người trẻ sớm sa chân vào xoáy kim tiền, vào hỗn loạn ăn tranh sống vội thì quốc gia sao có thể tới được tương lai sáng sủa. Khi còn trẻ ta thường hỏi người để biết, để hiểu. Nhưng muốn lớn lên, muốn trưởng thành thật sự, muốn được công nhận, muốn xác lập được chỗ đứng trong lịch sử thì ta phải năng hỏi chính mình. Tháng Ba là thời điểm đẹp để mỗi chúng ta tự hỏi chính mình và trả lời bằng hành động. Khi còn trẻ ta hay hỏi về quyền. Khi trưởng thành ta biết phải hỏi thêm về trách nhiệm.
Dịp đó cũng vào tháng Ba. Nửa đêm giá buốt tuyết rơi trĩu mái nhà ông bà Ishikawa, tôi nằm cuộn trong chăn và cảm thấy cái lạnh như từ bên trong mình toát ra. Nước Nhật đi lên từ đổ nát sau chiến tranh với vài thế hệ thanh niên chăm chỉ làm việc đến mức khai sinh ra một hội chứng gọi là Karoshi (đột tử do làm việc quá sức). Khi về già, chất trẻ, chất thanh niên vẫn không ngơi nghỉ trong con người họ. Ông Ishikawa vẫn miệt mài trồng nấm mỗi ngày như thể ông đương hai mươi tuổi. Vì thế ta đâu dễ gọi xã hội Nhật là xã hội già nua. Ta học được gì từ đó để đi tới trong chăm chỉ và nỗ lực, khi ta có tuổi trẻ, có tháng rộng năm dài phía trước?
HÀ NHÂN
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top