bài luận từ trái tim
Năm lớp 11, trong chương trình trao đổi giáo dục, một trường trung học ở Canada sẽ nhận 10 học sinh từ trường tôi sang bên đó với các học bổng hấp dẫn. Tiêu chuẩn để nộp đơn tham dự chương trình học bổng mọi người trong lớp tôi đều thuộc nằm lòng. Trong số những ứng cử viên, tên tôi luôn được nhắc đến đầu tiên. Thầy chủ nhiệm dành cho tôi niềm tin đặc biệt. Tôi cũng rất tự tin. Tiếng Anh mọi người giỏi đều như nhau nên không tính tới, ưu thế của tôi chính là bảng thành tích học tập ấn tượng. Ngoài điểm số các môn rất cao, tôi còn nhận được hai huy chương, một vàng một bạc dành cho môn Hóa, trong hai kỳ thi Olympic học sinh giỏi toàn thành. Ở bàn tuyển chọn tại phòng Ban giám hiệu, hồ sơ của tôi được vào nhóm 15 hồ sơ tốt nhất, và chờ sau Tết đại diện trường bên Canada sang phỏng vấn chốt lại danh sách mà thôi.
Buổi phỏng vấn diễn ra tại phòng thầy Hiệu phó. Có bạn được giữ lại hỏi rất lâu. Có bạn chưa đầy năm phút đã quay trở ra. Không ai biết chắc mình có được chọn hay bị loại.
Tôi ở nhóm được phỏng vấn sau cùng. Bước vào và cất lời chào, tôi nhận ngay nụ cười đầy thiện cảm của cả ba thầy cô. Các câu hỏi lần lượt xoay quanh chuyện phương pháp học tập của cá nhân tôi, dự định nghề nghiệp tương lai, lý do tôi lại say mê ngành Hóa Sinh, tôi nghĩ gì về việc học sinh phải đi học thêm. Các câu hỏi này tôi đều có câu trả lời dễ dàng vì ở nhà tôi đã suy nghĩ trước. Ngay cả các câu hỏi của cô giáo duy nhất trong nhóm, hỏi về thú vui giải trí vào thời gian rảnh rỗi, tôi cũng làm cho cô hài lòng gật đầu vì giải thích rõ vì sao mình thích nghe nhạc buổi sáng và vì sao thích đọc truyện khoa học chứ không phải các loại sách khác. Lúc tôi tin cuộc phỏng vấn đã kết thúc, thầy mặc áo thun thể thao, người từ đầu chỉ gật gù lắng nghe, bỗng muốn biết thêm các hoạt động ngoại khóa mà tôi từng thực hiện. Tôi chỉ kể được một vài hoạt động do nhà trường tổ chức.
- Bạn đứng ra thực hiện hay bạn tham gia chương trình có sẵn? - Thầy nhấn mạnh.
Tôi trả lời thành thật:
- Em chỉ tham gia mà thôi!
Thầy gật đầu, cảm ơn nhưng không mỉm cười nữa. Câu hỏi cuối thường là câu hỏi quyết định. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn.
Đúng như linh cảm, tôi không có tên trong danh sách 10 học sinh lên đường vào học kỳ mùa thu. Tôi rất thất vọng, nhưng tôi không để nỗi buồn kéo dài. Thầy chủ nhiệm nhắc tôi vẫn còn nhiều cơ hội giành học bổng từ nhiều trường khác, nhất là ở khối 12. Có một lần thất bại cũng là kinh nghiệm giá trị để tôi biết mình còn thiếu hụt điều gì và cần phải làm gì.
Suốt mùa hè năm đó, tôi và nhóm bạn thân cùng nhau tổ chức hoạt động quyên góp sách và đồ chơi tặng các em nhỏ bên xóm chợ lao động, đến các nhà mở nấu ăn, tắm rửa cho các em bé bị dị tật, thiết kế và thực hiện đêm văn nghệ ở trường gây quỹ học bổng cho các em học sinh sắp vào lớp 10. Tất cả các hoạt động đó tôi đều chụp hình để lưu làm hồ sơ. Các bạn trong lớp cũng có một mùa hè giống như tôi vậy. Ai cũng biết rõ dù xin học bổng hay muốn nộp đơn thành công vào các trường đại học tốt, ngoài điểm số tiếng Anh đạt chuẩn, ngoài thành tích học tập ở trường và năng khiếu cá nhân, còn phải liệt kê các hoạt động xã hội. Ai cũng cảm thấy áp lực, thế nhưng nhìn những tấm gương anh chị lớp trước thành công và nghĩ đến cuộc cạnh tranh sắp tới rồi, mọi người đều cố gắng hết sức.
Giữa học kì I của lớp 12, tôi lại có tên trong danh sách đề xuất nhận học bổng. Nhưng lần này không phải phỏng vấn kiểm tra trực tiếp, mà trường bên đó đề nghị các ứng viên hãy viết bài luận tiếng Anh về một hoạt động thiện nguyện ấn tượng nhất mình đã tham gia trong một năm gần đây. Cách thể hiện và độ dài tùy ý. Các bạn cùng thi với tôi rất hào hứng. Có bạn đã theo công ty của bố mẹ đi xây cầu ở vùng sâu. Có bạn lên tận Tây Nguyên tặng quà cho trẻ em ở đó. So với các câu chuyện ấn tượng như vậy, những gì tôi đã làm được thật bình thường. Bỗng nhiên tôi cảm thấy hụt hẫng, chẳng có cảm hứng gì để viết cả.
Gần đến ngày nộp bài, thầy chủ nhiệm hỏi tôi bài luận đã làm đến đâu. Tôi nói hết với thầy suy nghĩ của mình. Thầy cũng đồng ý một bài luận viết theo kiểu liệt kê lượng gạo sẽ gây khó chịu không kém một bài viết khoa trương. Tôi khẽ dạ, càng thêm nản. Thầy bỗng hỏi:
- Đợt cuối hè, trong chương trình văn nghệ mà các em tổ chức, thầy nhớ lúc ca sĩ khách mời chưa tới, em có lên hát chữa cháy. Bài hát hay lắm, ấn tượng hơn cảm mấy phần biểu diễn chuyên nghiệp. Thầy với mọi người ở dưới coi rất xúc động. Sao em không viết về giây phút lên hát ca khúc đó?
Tôi đã viết bài luận tiếng Anh về bài hát chữa cháy trong đêm nhạc gây quỹ như gợi ý của thầy chủ nhiệm. Đúng là như có một phép màu. Khi viết, cảm xúc trong tôi trào dâng giống y như lúc tôi lên hát. Mục tiêu được học bổng không quan trọng nữa. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những gương mặt thầy cô và bạn bè mỉm cười trìu mến trong đêm nhạc, rồi tiếng hò reo khi cả nhóm đếm số tiền thu được vượt mức đề ra, rồi số tiền ấy được thầy Hiệu phó công bố trong ngày khai giảng và trao tặng cho các em học sinh lớp 10 có hoàn cảnh khó khăn nhưng đậu điểm cao vào trường... Tất cả được viết một mạch không gặp chút khó khăn nào.
Tôi đã có tên trong danh sách nhận học bổng du học. Thầy chủ nhiệm và các bạn rất vui. Tôi cũng vui, tất nhiên rồi. Nhưng có một điều khiến tôi nhớ mãi, đó là phát hiện khi mình làm một việc gì đó bằng cả trái tim, kể lại nó bằng cảm xúc chân thật, tôi sẽ được lắng nghe và chia sẻ trọn vẹn.
MINH THẢO
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top