MỘT SỐ LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VÙNG

MỘT SỐ LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VÙNG

I. Thuyết "khuyếch tán văn hoá" ở tây âu

Trước khi hình thành các trường phái chính của thuyết "khuyếch tán văn hoá" trong nhiều công trình nghiên cứu, các nhà bác học Âu - Mỹ đã đề cập tới cái gọi là "thiên di", "lan toả" (A. Bradford) "mô phỏng" (G. Tarde)... để giải thích hiện tượng tương đồng văn hoá. Có thể coi đó là những ý tưởng phôi thai tạo tiền đề cho thuyết "khuyếc tán văn hoá". Phải tới những năm 90 của thế kỷ XIX, đặc biệt là những thập kỷ đầu XX thì thuyết này mới phát triển tột đỉnh và hình thành những trường phái chính.

Ngày nay, trong quan niệm của các nhà nghiên cứu Mácxít, người ta quan niệm truyền bá luận như là một khuynh hướng của nhân học tư sản, giải thích các đặc điểm văn hoá giống nhau ở các dân tộc khác nhau bằng "truyền bá" văn hoá từ một trung tâm. Truyền bá luận giải thích sự phát triển của các nền văn minh, văn hoá không phải là sự tiến hoá độc lập, mà cơ bản hoặc thậm chí chỉ bằng những sự vay mượn các thành tựu văn hoá hay bằng các cuộc thiên di của các dân tộc (A.L.Perxisk, 1972). Tuy nhiên trong thuyết "khuyếch tán văn hoá", các trường phái khác nhau giải thích hiện tượng tương đồng văn hoá không phải hoàn toàn đồng nhất, mà giữa chúng có sự khác nhau về quan niệm lý thuyết cũng như xem xét các hiện tượng văn hoá cụ thể. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số trường phái của lý thuyết này ở Đức, áo, Mỹ, Anh.

1. Trường phái văn hoá - lịch sử ở Đức và áo

Những học giả tiêu biểu cho trường phải văn hoá - lịch sử là F. Ratsel, L. Frobenius, F. Grabner và W. Schmidt, trong đó F. Ratsel là người xây dựng những cơ sở tư tưởng đầu tiên cho lý thuyết này. Trong một số công trình xuất bản chính của ông từ năm 1882 đến 1900, như "Nhân chủng học địa lý", "Nghiên cứu dân tộc" (F. Ratsel, 1882), tác giả đã trình bày những tư tưởng cơ bản của mình, đưa ra các khái niệm về "khu vực văn hoá", "vòng văn hoá". Theo ông, cần phải xem xét tất cả những vấn đề của con người trong mối quan hệ của nó với môi trường tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên như vậy, sự di chuyển của các cộng đồng người và văn hoá của họ là không có ranh giới, và theo ông, không thể có cái gọi là tộc người "bản địa". Thông qua việc xem xét sự phân bố của các loại hình vũ khí, công cụ, đồ trang sức của các dân tộc, ông cho rằng, về cơ bản có sự trùng hợp về phạm vi phân bố các yếu tố đặc trưng dân tộc (tức các hiện tượng văn hoá kể trên) với phạm vi phân bố tộc người, tức là những người sáng tạo hay sử dụng các yếu tố văn hoá đó. Ông coi sự tiếp xúc và truyền bá (lan truyền) các thành tựu văn hoá là thuộc tính cơ bản của văn hoá. Ông cũng nêu ra phương thức lan truyền, đó là: a) Lan truyền toàn bộ văn hoá từ cộng đồng này sang cộng đồng khác hay còn gọi là hỗn dung văn hoá (acculturation) và, b) Lan truyền hay dịch chuyển từng yếu tố văn hoá riêng lẻ theo những hình thức khác nhau từ điểm cư dân này sang điểm cư dân khác.

Theo F. Ratsel, khái niệm "vòng văn hoá" cũng như "khu vực văn hoá", là một không gian địa lý phân bố các yếu tố văn hoá thuộc về một dân tộc hay một số dân tộc có mối quan hệ nguồn gốc từ thời xa xưa. Từ những quan niệm lý thuyết như vậy, tác giả cũng đã áp dụng để xem xét một số hiện tượng văn hoá cụ thể. Từ việc nghiên cứu các loại cung tên ở Châu Phi, ông đã phân các tộc người ở đây thành các nhóm tuỳ thuộc vào việc họ sử dụng các loại cung tên như thế nào. Ông cũng đã so sánh cung tên Châu Phi với Châu á, Mêlanêdi, từ đó nêu ra mối quan hệ văn hoá giữa các khu vực này. Ông cũng đã so sánh văn hoá Châu Mỹ với Châu Đại Dương và xếp chúng cùng vào một vòng văn hoá (hay khu vực văn hoá) Thái Bình Dương.

Sau F. Ratsel, người học trò của ông là L. Frobenius đã tiếp tục hướng tìm tòi này. L. Frobenus đánh giá cao sự giao lưu và pha trộn văn hoá trong sự phát triển và chuyển giao văn hoá giữa các dân tộc và các vùng khác nhau trên thế giới, coi đó như là quy luật cơ bản của phát triển văn hoá. Tuy nhiên, nếu với F. Ratsel văn hoá là bộ phận hữu cơ gắn với con người và dân tộc, thì L. Frobenius lại có quan điểm trái ngược, coi quá trình phát triển văn hoá độc lập với con người và dân tộc với tư cách là chủ nhân của văn hoá. Rằng văn hoá phát triển tự thân thiếu bóng con người và dân tộc. Ông đã đưa ra hai hình thức truyền bá văn hoá, đó là a) Ubertragung - tức là truyền bá không có sự vận động đáng kể của tộc người (không có di dân) và b) Verpflanzung - lan truyền cùng với sự di cư của tộc người.

Trong công trình nghiên cứu "Nguồn gốc các nền văn hoá Châu Phi", L.Frobenius không chỉ đưa ra các quan điểm mang tính lý thuyết trên, mà còn áp dụng vào phân tích các nền văn hoá Châu Phi. Trên cơ sở phân tích hình thái các hiện vật văn hoá như cung nỏ, dao, nhà ở, nhạc cụ, mặt nạ..., tác giả đã chia Châu Phi thành các vùng hay các vòng văn hoá với những đặc trưng khác nhau: Đó là vòng văn hoá Nam Phi, Tây Phi và Bắc Phi. Theo ông, vòng văn hoá Tây Phi có các đặc trưng, như nhà có mặt bằng hình chữ nhật, hai mái, cư dân dùng cung tên, mộc bằng tre, âm mhạc dùng các nhạc cụ như sáo, tiêu và trống... Trong các nền văn hoá kể trên thì văn hoá Nam Phi là cổ sơ hơn cả, và chính ở đây ông đã tìm thấy những tương đồng của nó với văn hoá ở Châu á và Châu Đại Dương. Theo ông, sự giao lưu, pha trộn các nền văn hoá này làm nảy sinh các nền văn hoá mới (L. Frobenius, 1898).

Kế tục các nhà nghiên cứu thuộc trường phái văn hoá - lịch sử và trở thành người đại biểu xuất sắc cho trường phái này là học giả người Đức F. Grabner (1877 - 1934). Chính W. Schimidt là người kế tục trường phái này sau một phần tư thế kỷ đã đánh giá F. Grabner là người đã có công đưa ra các vấn đề lý thuyết và xác lập các phương pháp để nghiên cứu các mối giao tiếp văn hoá giữa các dân tộc, làm rõ những mối quan hệ không chỉ về mặt không gian mà cả thời gian cũng như hệ quả của những giao tiếp văn hoá đó.

Lần đầu tiên trong số các nhà nghiên cứu không chỉ thuộc trường phái tiến hoá luận mà cả trường phái văn hoá - lịch sử, F. Grabner đã nhìn nhận tách bạch hiện tượng đồng quy văn hoá và giao tiếp văn hoá. Ông đưa ra vấn đề là trong thực tế, có hai hiện tượng văn hoá cùng xuất hiện ở những tộc người khác nhau, hoàn toàn không có mối quan hệ nguồn gốc và giao lưu, là do họ cùng sinh sống trong những điều kiện tự nhiên như nhau hay là "cùng những tư tưởng cơ bản", tức là tính đồng quy nhân loại.

F. Grabner nhìn nhận vấn đề tương đồng văn hoá không chỉ về phương diện không gian phân bố đồng đại mà còn quan tâm tới cả sự phát triển lịch đại giữa chúng thông qua việc xem xét trật tự phát triển trước sau của các vòng văn hoá. Theo ông, tầng văn hoá cổ xưa nhất của nhân loại là tầng văn hoá ngoại vi ở Nam á, gồm các vòng văn hoá Bumêrăng, Taxmani, vòng văn hoá săn bắn ở Bắc Cực. Sau đó văn hoá nhân loại phát triển theo hai hướng: a) Hướng văn hoá phụ quyền của cư dân săn bắn và b) Hướng văn hoá mẫu quyền của cư dân nông nghiệp. Trong các hướng văn hoá kể trên lại bao gồm nhiều vòng văn hoá khác nhau.

Để nghiên cứu các mối quan hệ văn hoá về phương diện đồng đại và lịch đại, F. Grabner đã để công tìm tòi các tiêu chí để phân định. Theo ông, đó là các tiêu chí về hình thái, tức hình thức bên ngoài của sự vật, hiện tượng và tiêu chí về sự trùng lặp số lượng. Chẳng hạn, ông lấy các tiêu chí về hình thái và số lượng trong ngôn ngữ, thể hiện qua kết cấu ngữ pháp, vỏ ngữ âm và các từ vựng. Nếu số lượng trùng hợp cao thì chứng tỏ giữa hai nền văn hoá của hai dân tộc có mối quan hệ nguồn gốc, ngược lại số lượng trùng hợp thấp thì chứng tỏ giữa chúng ít có mối quan hệ.

F. Grabner cho rằng các thành tựu văn hoá thường lan truyền theo tổ hợp và việc lan truyền của một hiện tượng văn hoá riêng lẻ nào đó là phi văn hoá - lịch sử (F. Grabner, 1911). Có thể hiểu luận điểm trên của tác giả từ hai phương diện.

Thứ nhất, một hiện tượng văn hoá nào đó lan truyền từ nhóm cư dân này sang nhóm cư dân khác ít khi là hiện tượng đơn lẻ mà thường kèm theo một tổ hợp hiện tượng đi liền và gắn bó với nhau. Thứ hai, là khi một hiện tượng văn hoá nào đó thâm nhập vào môi trường xã hội mới lạ thì dần dần nó tạo nên sự liên kết mới, tạo thành một tổ hợp văn hoá.

ở áo, người ủng hộ và đại diện xuất sắc cho trường phái văn hoá - lịch sử là W. Schmidt. Ông đặc biệt chú ý tới lý thuyết "vòng văn hoá", mà trong cuốn sách xuất bản năm 1937 nhan đề "Hướng dẫn phương pháp văn hoá - lịch sử trong dân tộc học" (W. Schmidt, 1937), ông đã dành hẳn một chương đề cập tới vấn đề này. Theo ông, dù lý thuyết "vòng văn hoá" giữ vai trò quan trọng trong trường phái văn hoá - lịch sử, nhưng cũng không đủ để mệnh danh trường phái này là "trường phái vòng văn hoá" như một số người đã gọi. Ông cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên lịch sử văn hoá nhân loại không phải là sự thiên di, truyền bá của một yếu tố văn hoá này hay khác mà phải là một tổ hợp nguyên vẹn. Theo ông, tổ hợp văn hoá này bao gồm toàn bộ các phương diện khác nhau của sự tồn tại thiết yếu nhất của một nền văn hoá, như văn hoá vật chất, kinh tế, đời sống xã hội, các tập tục và tôn giáo, thì có thể gọi nó là "vòng văn hoá". Chủ nhân của các vòng văn hoá đó thường là nhóm cư dân của các bộ lạc hay dân tộc, bởi thế, vòng văn hoá tồn tại như một thực thể sống động. Thường trong một vòng văn hoá, các nhân tố văn hoá và ngôn ngữ có sự trùng hợp và kết hợp với nhau một cách hữu cơ.

W. Schmidt cũng chú ý nhiều với mối quan hệ giữa các vòng văn hoá. Ông chia tác động qua lại giữa các vòng văn hoá thành các tác động tích cực và tiêu cực. ảnh hưởng tích cực của một dân tộc, một nền văn hoá tới một dân tộc và một nền văn hoá khác là thúc đẩy sự phát triển của bản thân mỗi nền văn hoá. Còn tác động tiêu cực khi mà một nền văn hoá tiếp nhận một cách tiêu cực ảnh hưởng của nền văn hoá khác. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, xét đến cùng, không có ảnh hưởng nào hoàn toàn chỉ là tiêu cực cả, bởi vì người tiếp nhận văn hoá luôn sẵn có cơ chế tự lựa chọn những cái gì phù hợp với mình, hơn nữa những ảnh hưởng văn hoá qua lại không thuần tuý chỉ là cho hoặc tiếp nhận hiện tượng văn hoá này hay khác, mà những ảnh hưởng đó còn có tác dụng kích thích sự xuất hiện cái mới ngay trong bản thân các nền văn hoá chịu ảnh hưởng.

Những quan điểm của W. Schmidt về vòng văn hoá đã có ảnh hưởng tới các nhà nghiên cứu văn hoá ở nhiều nước Âu Mỹ vào những thập kỷ 20, 30, như W. Koppers, R. Heine - Geldern, O. Menghin ở áo, Van Bulck ở Bỉ, K. Birket ở Đan Mạch, Pinard de la buollaye ở Pháp, G. Montandon ở Thụy Sĩ. J. Imbelloni ở Achentina... Đặc biệt, trong số những người chịu ảnh hưởng tư tưởng của trường phái này phải kể tới R. Heine - Geldern, một nhà khảo cổ học người áo đã nghiên cứu tiền sử vùng Đông Dương và Đông Nam á. Từ việc tìm thấy những tương đồng về hiện vật đồ đá ở khu vực này, ông đã đưa ra quan điểm về sự tồn tại các nền văn hoá khác nhau liên quan tới rìu có vai, rìu từ giác và rìu hình trụ, và từ đó ông còn liên hệ đến cả sự tương đồng các nền văn hoá ấy với các tộc người nói các ngôn ngữ và mang những đặc trương nhân chủng tương ứng. Theo ông, văn hoá rìu bầu dục tồn tại chủ yếu ở miền Đông Nam á hải đảo. Nền văn hoá rìu có vai thì phân bố trên phạm vi rộng từ Đông Bắc ấn Độ, qua Nam Trung Quốc, Đông Dương cho tới bán đảo Malắcca. Cư dân dùng loại rìu này, theo ông, đó là các dân tộc Nam á, nói các ngôn ngữ khác nhau của ngữ hệ cùng tên. Còn nền văn hoá rìu tứ giác có niên đại muộn hơn hai nền văn hoá trên và phân bố ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Inđônexia, Polinêdi, trung và bắc Việt Nam, Lào và Campuchia..., theo ông, chủ nhân của loại rìu này là cư dân các dân tộc nói ngôn ngữ Malayo - Polinêdiêng, quê hương từ nam Trung Quốc mà bành trướng xuống Đông Nam á. Chính G. Heine - Geldern cũng đã căn cứ trên một số hiện tượng văn hoá, đặc biệt là chiếc thuyền có cầu thăng bằng để vẽ ra cuộc thiên di của cư dân nói ngôn ngữ Malayo - Polinedieng từ Nam Trung Quốc theo các dòng sông lớn xuống vịnh Băngan rồi toả khắp Đông Nam á hải đảo (R. Heine -Geldern, 1932).

Trường phái văn hoá - lịch sử, một hình thức của thuyết "khuyếch tán văn hoá" đã có những cố gắng lớn trong việc sưu tầm và tập hợp các dữ kiện văn hoá từ nhiều dân tộc và khu vực trên thế giới, đã có những cố gắng tìm tòi về mặt lý luận và phương pháp nhằm xác định các vùng văn hoá, các vòng văn hoá, nhận rõ vai trò của giao tiếp văn hoá trong phát triển văn hoá nhân loại, tìm kiếm các tiêu chí hình thức và số lượng để xác định các mối quan hệ văn hoá đó. Tuy nhiên là những người còn chịu nhiều ảnh hưởng của thuyết quyết định luận địa lý, hơn nữa trong việc xử lý các tài liệu lại chỉ nặng về tài liệu dân tộc học mà thực tế các tài liệu này lại không có niên đại, nên từ đó việc tổng hợp các hiện tượng đã phát hiện được, cũng như liên kết chúng lại, tìm ra các mối quan hệ dịch chuyển giữa chúng là không hoàn toàn tin cậy, nhiều khi mang tính ngẫu nhiên và khiên cưỡng. Hơn nữa, các tiêu chí nặng tính hình thức và số lượng, lại bị tách rời những điều kiện cụ thể của thực trạng kinh tế - xã hội và lịch sử, từ đó vạch định các vùng, các vòng văn hoá cũng thiếu tính thuyết phục.

2. Trường phái "age and area" Bắc Mỹ

Trong nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Bắc Mỹ có một số nhà nghiên cứu chịu ảnh hưởng của thuyết "khuyếch tán văn hoá" và tự mệnh danh là trường phái "age and area" (thời gian và không gian). Những người đứng đầu của trường phái này, như F. Boas và U. Wisler, sau này đã đưa ra lý thuyết "khu vực văn hoá" mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau, thì họ cũng đã từng đề xuất các quan điểm về khuyếch tán văn hoá.

Các học giả thuộc trường phái này đều thừa nhận ý nghĩa của sự truyền bá trong sự phát triển văn hoá nhân loại, thậm chí đó còn là nguyên nhân chính tạo nên những nét tương đồng văn hoá giữa các dân tộc, các vùng. Theo họ, sự truyền bá những yếu tố văn hoá không nhất thiết gắn liền với di cư. Thậm chí di cư không đóng vai trò chính trong sự truyền bá văn hoá. Theo R. Dixon, còn có sự phân biệt cụ thể hơn các hình thức truyền bá, đó là: a) Truyền bá tiên phát là sự phổ biến hiện tượng văn hoá mới từ nơi phát sinh trong cộng đồng người đã phát minh ra hiện tượng đó và b) Truyền bá thứ phát là sự truyền bá ra ngoài khuôn khổ cộng đồng hay vùng mà ở đó hiện tượng văn hoá đã phát sinh (R. Dixon, 1928). Chính R. Dixon cũng đã lên tiếng phê phán quan điểm trung tâm văn hoá của C. Wisler và chứng minh rằng trung tâm phát minh không nhất thiết là trung tâm về mặt địa lý vùng mà hiện tượng văn hoá đó phổ biến, cũng như phạm vi phổ biến càng rộng thì hiện tượng văn hoá càng cổ.

A. L. Kroeber còn góp phần làm phong phú hơn các quan niệm truyền bá văn hoá bằng việc đưa ra khái niệm "Stimulus diffusion" (sự truyền bá tác nhân kích thích). Đó là, trong một hoàn cảnh nhất định, sự truyền bá văn hoá, nhất là sự truyền bá về tư tưởng một khi nó thâm nhập vào được môi trường mới thì nó có tác dụng tập hợp và làm nảy sinh những nội dung và yếu tố mới khác kèm theo (A.Kroeber, 1940).

Cũng như các học giả Châu Âu thuộc trường phái văn hoá - lịch sử, ở Bắc Mỹ lúc này người ta cũng băn khoăn trong việc tìm ra các tiêu chí phân biệt thế nào là sự tương đồng văn hoá do phát minh độc lập và thế nào là do truyền bá. Vấn đề này phải chờ tới các nhà dân tộc học Xô Viết với lý thuyết loại hình kinh tế - văn hoá và khu vực văn hoá - lịch sử mới có thể giải quyết một cách tương đối thoả đáng.

3. Trường phái truyền bá văn hoá ở Anh

Những người theo thuyết truyền bá văn hoá ở Anh còn được gọi với tên khác là "Trường phái Manchester", vì những đại diện chính của nó tập trung ở trường đại học tổng hợp Manchester. Các học giả tiêu biểu cho trường phái này ở Anh là W. Rivers, G.Elliot Smith. W. Pery, J. Jacson, W. Dawson...

W. Rivers và những người thuộc trường phái này đều đánh giá cao vai trò của truyền bá văn hoá trong lịch sử văn hoá nhân loại. Ông nhấn mạnh rằng sự tiếp xúc và tác động qua lại giữa các dân tộc là điểm mở đầu cho mọi cuộc vận động vĩ đại trong lịch sử loài người, rằng sự truyền bá là tác nhân kích thích cho sự phát triển. Chính nhờ thông qua việc truyền bá và tác động qua lại ấy đã làm nảy sinh những hiện tượng văn hoá mới mà trước đó chúng ta chưa từng quan sát thấy ở bất cứ nền văn hoá nào. Tuy nhiên, trong truyền bá văn hoá, ông cho rằng không nên đồng nhất, mà phải có sự phân biệt. Thông qua thực tế tiếp xúc văn hoá ở Mêlanêdi thì các yếu tố văn hoá vật chất thường phổ biến bằng sự tiếp xúc đơn giản và không ảnh hưởng gì tới những đặc trưng văn hoá khác. Các hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng thì ảnh hưởng qua lại khó hơn và khó hơn cả là cơ cấu xã hội. Cấu trúc xã hội chỉ thay đổi khi có sự dung hợp chặt chẽ giữa các dân tộc và đó cũng là mức đánh dấu ở trình độ cao của truyền bá văn hoá (W. Rivers, 1914). Điều này hoàn toàn trái ngược với F. Grabner ở chỗ ông lại cho rằng đẳng cấp xã hội, tôn giáo truyền bá từ dân tộc này sang dân tộc khác, vùng này sang vùng khác cũng giống như vũ khí và công cụ sản xuất vậy.

Đại biểu lớn nhất của "Truyền bá luận" Anh là G. Elliot Smith (1871 - 1937). Trên cơ sở nghiên cứu vấn đề ảnh hưởng văn hoá Ai Cập cổ đại với các nền văn minh khác ở Châu Âu cũng như vấn đề nguồn gốc văn hoá Cự Thạch (G. Elliot Smith, 1911), ông đã trình bày các quan điểm của mình về truyền bá văn hoá. Lúc đầu, cũng như nhiều nhà truyền bá luận khác thường đồng nhất vấn đề truyền bá văn hoá với thiên di của cư dân, tuy nhiên sau đó ông thấy cần phải tách bạch hai vấn đề này. Theo ông, trong một số trường hợp, một nhóm nhỏ nhập cư có thể áp đặt nên văn hoá của họ lên số đông cư dân địa phương, nếu như họ có khả năng chinh phục được người bản địa. Trong nhiều trường hợp khác chỉ là sự giao lưu, vay mượn bình thường dưới nhiều dạng và hình thức khác nhau. Ông cũng tỏ ra nghi ngờ cái gọi là tính chất nguyên bản văn hoá của một tộc người hay nhóm dân cư nào đó.

G. E. Smith cũng như nhiều nhà truyền bá luận Anh khác ít đi vào các vấn đề lý thuyết, mà thường hướng sự chú ý của mình vào các mối quan hệ văn hoá cụ thể. Tiếp thu quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu đi trước. S. E. Smith đã nêu ra các nền văn minh Châu Âu và xa hơn nữa đối với cả phương Đông, châu Đại Dương và Châu Mỹ. Những ảnh hưởng đó xuất phát từ Cận Đông ven theo bờ biển Nam á để vào Polynêdi và sang Châu Mỹ. Ông cũng nêu rõ những ảnh hưởng của phương Tây trong việc hình thành văn hoá Châu Mỹ, mà ngày nay người ta có thể quan sát sự tương đồng của các Kim Tự Tháp ở Châu Mỹ, Cămpuchia, Java, cũng như các hệ thống tín ngưỡng, tập tục, các nghề thủ công của Cựu thế giới và Tân thế giới.

Trong số những người theo lý thuyết truyền bá thì các nhà truyền bá luận Anh bị phê phán nhiều nhất. Có thể nhận thấy những yếu điểm của họ cả phương diện lý thuyết và giải quyết các hiện tượng văn hoá cụ thể. Trước nhất, những nhà truyền bá luận Anh không đi vào xây dựng các quan điểm và phương pháp cụ thể để từ đó làm cơ sở cho việc xác định các mối quan hệ tương đồng văn hoá giữa các tộc người và các vùng khác nhau. Hơn thế nữa, khác với các nhà truyền bá luận Đức, áo và Mỹ, người Anh đi sâu tìm kiếm các mối quan hệ văn hoá của các yếu tố khác nhau trên phạm vi không gian rất rộng, từ Ai Cập qua Châu Âu, Cận Đông, Châu á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ. Việc cắt nghĩa cho các xu hướng truyền bá đó cũng tỏ ra thiếu cơ sở. Thí dụ, để giải thích hiện tượng phổ biến tục ướp xác và thờ phụng người chết là từ nhu cầu đi tìm kiếm khoáng vật và đá quý của cư dân cổ đại. Các nhà truyền bá luận Anh thường thường được mệnh danh là "những nhà truyền bá luận khoa trương", "những nhà truyền bá luận cực đoan" (E.G. Alêcxandrêkov, 1976).

Trong ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, như đã nêu trên là thời kỳ tìm kiếm và xây dựng các quan điểm lý luận sôi nổi nhất của các nhà truyền bá luận. Trong những năm 40 và 50 ngoài việc biến mất của trường phái truyền bá Anh và Mỹ (age and area), thì các trường phái còn lại chỉ có thể làm được việc bổ sung vào những sơ đồ cũ đã vạch ra trước đó. Từ những năm 60 đến 70, truyền bá luận lại chủ yếu được chuyển vào các nhà khảo cổ học, bởi vì các cuộc khai quật được tiến hành ở nhiều nơi, với sự trợ giúp của các phương pháp nghiên cứu mới, đặc biệt là xác định niên đại bằng C.14, nên tài liệu so sánh chuyển từ tài liệu dân tộc học xưa kia thành tài liệu khảo cổ học. Các nhà khảo cổ học không chỉ chú ý tới vấn đề truyền bá văn hoá mà còn thử tiến hành phân loại các hình thức tiếp xúc văn hoá.

Thời kỳ này, dưới ánh sáng của các tư liệu mới phát hiện, các nhà khảo cổ học tiếp tục bàn tới vấn đề vai trò của truyền bá và phát triển tự thân trong quá trình hình thành các nền văn hoá, các văn minh ở Tân và Cựu thế giới. Đặc biệt lôi cuốn các nhà truyền bá luận lúc này là mối quan hệ văn hoá giữa Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu á, trong đó có vai trò chuyển tải của người Polynêdi. Chính từ nội dung nghiên cứu này mà sau này người ta đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của vùng văn hoá Thái Bình Dương. Nếu như trước kia, người ta cho rằng những người Polynêdi đã vượt biển sang Châu Mỹ trước Côlômbô, thì với những tư liệu mới, người ta lại chứng minh ngược lại là chính người Châu Mỹ đã phát hiện ra Polynêdi. Chính vì vậy, người ta lại đi tìm kiếm mối quan hệ văn hoá mới giữa Cựu thế giới và Tân thế giới qua con đường Đại Tây Dương (E.G. Alêcxandrêcôv, 1976).

Tư tưởng truyền bá luận tập trung chú ý trước hết vào việc đánh giá những hiện tượng tương đồng trong văn hoá các dân tộc khác nhau, coi đó như là một bằng chứng của mối quan hệ nguồn gốc hay quan hệ lịch sử giữa các dân tộc đó. Mục tiêu ấy đã được các nhà truyền bá luận xem xét cả về phương diện lý luận, phương pháp xác định và các mối quan hệ văn hoá cụ thể. So với các nhà tiến hoá luận trước đó thì họ không chỉ thừa nhận sự vay mượn trong phát triển văn hoá mà còn xác định các hình thức vay mượn, nguyên nhân sự vay mượn và vai trò vay mượn trong phát triển văn hoá, cũng như các nguyên tắc xác định các mối quan hệ vay mượn đó.

Tuy nhiên, các nhà truyền bá luận không phải không bộc lộ các hạn chế, ở tính xác thực, ở các nguồn tư liệu, ở tính cực đoan thổi phồng các mối liên hệ văn hoá và vai trò của chúng trong sự hình thành và phát triển các nền văn hoá riêng lẻ, ở việc xa rời các quan hệ kinh tế - xã hội cụ thể khi lý giải các thành tựu văn hoá, ở việc tìm kiếm các nguyên nhân thúc đẩy sự giao lưu và phát triển văn hoá không phải chủ yếu ở hoạt động con người, mà quá nhấn mạnh tới khía cạnh tinh thần và tôn giáo, mà thực tế đó là cách giải thích mang nặng tính duy tâm.

II. Lý thuyết "vùng văn hoá" trong nhân chủng học Mỹ

Lý thuyết "vùng văn hoá" của nhân chủng học Mỹ ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một mặt, nó chống lại quan điểm tiến hoá của L. Morgan và E. Taylor; mặt khác, nó cũng phê phán những quan điểm "vòng văn hoá", "khuyếch tán văn hoá" cực đoan của các nhà nghiên cứu Tây Âu. Trên cơ sở nghiên cứu khá tường tận người Da Đỏ Châu Mỹ, các nhà nhân chủng học Mỹ đưa ra lý thuyết "vùng văn hoá", "Loại hình văn hoá", mà đại diện chính là C.L. Wisler và A.L. Kroeber. Trước C.L. Wisler, tư tưởng về không gian phân bố các đặc trưng văn hoá đã được một số học giả Mỹ quan tâm tới. Trước nhất, phải kể tới F. Boas, một nhà nhân chủng học có ảnh hưởng lớn đến các khuynh hướng nghiên cứu văn hoá Mỹ thế kỷ XX. Theo F. Boas, một mặt ông thừa nhận tính thống nhất và quy luật chung của phát triển văn hoá nhân loại; nhưng mặt khác, cũng khẳng định một cách hoàn toàn có lý rằng, văn hoá của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý cụ thể. Bởi thế, ông cũng tỏ ra hoài nghi và phê phán những tư tưởng cực đoan của các học giả Châu Âu về khuyếch tán văn hoá, đặc biệt là lý thuyết "vòng văn hoá", mà đại diện là F. Graebner và W. Schmidt (S.J. Sterm, 1943).

Cùng với F. Boas, O. T. Mason cũng đặc biệt chú ý tới những ảnh hưởng của môi trường địa lý đối với văn hoá của các dân tộc ở Bắc Mỹ, từ đó ông đã chia Bắc Mỹ thành 12 "môi trường tộc người" (O.T. Mason, 1896), mà sau này CL. Wisler khi nghiên cứu vùng văn hoá đã tiếp thu phần nào cách phân chia trên của ông.

Như vậy, ở Mỹ, từ L. Morgan đến F.Boas, O. T. Mason, thì một ý niệm về một lãnh thổ có nhiều dân tộc sinh sống, mà văn hoá của họ có những đặc trưng chung đã hình thành. Tuy nhiên, đòi hỏi đặt ra là, từ những ý niệm như vậy, cần xây dựng thành những quan điểm và phương pháp khoa học, dùng nó để nhận thức các vùng văn hoá, xác định ranh giới giữa chúng và những ảnh hưởng văn hoá tác động qua lại, tìm ra các nguyên nhân giải thích sự hình thành và phát triển các vùng văn hoá... Chính CL. Wisler từ thực tế nghiên cứu của mình đã từng bước đặt nền móng cho việc giải quyết những đòi hỏi thiết thực cho nghiên cứu trên.

Cuốn sách "Người Mỹ Da Đỏ" của CL. Wisler, xuất bản lần đầu vào năm 1917 và tái bản lần thứ hai năm 1922, đã thể hiện một cách tương đối đầy đủ các quan điểm học thuật của tác giả về vấn đề đang được đặt ra xem xét, và cũng là tác phẩm có được những ảnh hưởng rộng lớn thời đó. Thể nghiệm đầu tiên của CL. Wisler là từ khía cạnh tiếp cận các dạng thực phẩm chính mà những người Mỹ Da Đỏ dùng hàng ngày, để chia toàn bộ lãnh thổ cư trú của họ thành 8 vùng. Ngay trong việc phân chia này, tác giả cũng đã gặp những lúng túng bởi vì tính bất hợp lý của nó. Người Da Đỏ sống giáp ranh với những cánh rừng cũng săn bắt thú và ăn thịt thú giống như những người Eskimô, và như vậy là họ ở cùng trong một vùng là điều không thể chấp nhận được. Còn đối với các vùng nghề nông phát triển, thì ranh giới giữa vùng trồng ngô và lúa mạch cũng không phải bao giờ cũng rõ ràng... Từ đây, chính tác giả cũng đã tự thấy tính không có hiệu quả của cách tiếp cận với vùng văn hoá lại từ một khía cạnh quá hẹp như vậy.

Từ thực tế trên, Cl. Wisler đã đi đến kết luận mang tính nguyên tắc là nghiên cứu các vùng văn hoá nhất thiết phải bắt đầu từ việc phân tích một tổ hợp các yếu tố văn hoá, rằng không thể nhìn nhận riêng rẽ từng yếu tố một, chúng hợp thành một thể thống nhất không thể chia cắt, và đó chính là kết quả của quá trình lâu dài nhóm cư dân ấy thích ứng với những điều kiện của môi trường sinh thái (CL. Wisler, 1922).

Với những khái quát từ các tư liệu so sánh của nhiều bộ môn khoa học, như khảo cổ, dân tộc học, ngữ văn học..., tác giả đã đi đến sự phân chia mới về các vùng văn hoá. Theo ông toàn bộ lãnh thổ người Mỹ Da Đỏ có thể chia thành 15 vùng văn hoá. Chẳng hạn, vùng đồng bằng rộng lớn phía tây nước Mỹ thời đó có 31 bộ lạc sinh sống, giữa họ có những đặc trưng văn hoá chung nhất, đó là: Săn bắn bò rừng, không đánh cá và trồng trọt, du cư, đi lại vận chuyển bằng chó kéo và sau này có thêm ngựa, nghề đan và nghề gốm phát triển, bên cạnh nghề thuộc da cũng khá phát đạt. Tín ngưỡng thờ mặt trời và các điệu múa liên quan tới tín ngưỡng này; hoa văn trang trí theo phong cách hình học hoá. Xã hội phụ hệ có khuynh hướng chuyển sang quan hệ công xã láng giềng... CL. Wisler gọi các đặc trưng trên là "típ đặc trưng cho vùng" (CL. Wisler, 1922).

CL. Wisler quy các típ văn hoá đặc trưng trên thuộc về 11 bộ lạc đặc trưng trong số 31 bộ lạc sinh sống trong vùng ấy. Đó là những bộ lạc giữ vai trò chính trong quá trình tạo nên các đặc trưng văn hoá của vùng. Ông cũng đã tiến xa hơn nữa từ các típ đặc trưng của các bộ lạc đặc trưng đến cái mà ông gọi là "Trung tâm văn hoá". Theo CL. Wisler, trung tâm văn hoá đã có những ảnh hưởng mang tính quyết định đối với mỗi vùng văn hoá.

"Vùng văn hoá", "loại hình văn hoá" và "trung tâm văn hoá" là những khái niệm cơ bản thuộc phần lý luận trong cuốn sách kể trên của Wisler. Chính từ thực tế nghiên cứu, CL. Wisler đã từ bỏ cách tiếp cận vùng văn hoá từ một đặc trưng hạn hẹp là những thực phẩm chính, đi đến chỗ xem xét nó trên cơ sở một tập hợp nhiều yếu tố văn hoá. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một tập hợp vô hạn mang tính chất đồng đều, mà trong vô số các yếu tố đó, người nghiên cứu biết lựa chọn một tập hợp các yếu tố đặc trưng, đó chính là "típ đặc trưng cho vùng" hay là "loại hình văn hoá" của vùng. Quả thực, đây là bước tiến mang tính lý luận và phương pháp nghiên cứu mà CL. Wisler đã đạt được.

Để làm rõ cái gọi là "loại hình văn hoá", "típ văn hoá đặc trưng", CL. Wisler cũng đã đề cập tới quan niệm về sự lựa chọn chuyên môn hoá của các vùng văn hoá khác nhau và coi đó như là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sắc thái riêng của các vùng văn hoá. Việc lựa chọn chuyên môn hoá ở đây là lựa chọn những khả năng mang tính định hướng khai thác môi trường của mỗi cộng đồng người, như đánh cá, săn bắn thú rừng trồng trọt các loại sản phẩm khác nhau. Tác giả cho rằng "Con người trong vùng văn hoá đã chọn một số ít những khả năng và tập trung đặc biệt lên các khả năng đó mà không hề động đến các tài nguyên khác". Từ những lựa chọn chuyên môn hoá như vậy, dẫn tới các đặc trưng xã hội và sinh hoạt văn hoá của các nhóm cư dân cũng khác nhau (CL. Wisler, 1922). Để giải thích hiện tượng chuyên môn hoá này, CL. Wisler lại một lần nữa quay về sự quy định của môi trường sinh thái và các tập tục truyền thống, nói cách khác, đó là sự dẫn dắt của tự nhiên đối với con người thụ động. Thực ra, đi vào các trường hợp cụ thể của sự lựa chọn chuyên môn hoá này, chúng ta phải tính đến không chỉ là sự quy định của môi trường mà còn có cả các nhân tố kinh tế - xã hội và sự phân công lao động giữa các nhóm cư dân sinh sống kề cạnh nhau nữa.

"Trung tâm văn hoá" cũng là một trong những luận điểm quan trọng nhất của lý thuyết vùng văn hoá của CL. Wisler. Ông cho rằng "trung tâm văn hoá" chính là nơi sinh sống của "các bộ lạc đặc trưng". Giữa hai trung tâm văn hoá là nơi phân bố của các bộ lạc mang tính chuyển tiếp văn hoá (CL. Wisler, 1922). Do vậy, theo tác giả, chính vùng văn hoá hình thành như là vùng ảnh hưởng của trung tâm văn hoá, nên văn hoá ở trung tâm bao giờ cũng mang tính đặc trưng và điển hình hơn văn hoá ở ngoài trung tâm. Mặt khác, nhìn văn hoá từ khía cạnh động thái, thì văn hoá trung tâm bao giờ cũng biến đổi mạnh hơn các vùng xa trung tâm, tạo nên một hiện tượng mà trong văn hoá học gọi là "hoá thạch ngoại vi", để chỉ hiện tượng bảo lưu các dạng cổ của văn hoá ngoại vi so với những biến đổi nhanh của vùng trung tâm.

Trong các công trình xuất bản sau đó, như "Con người và văn hoá""Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở Châu Mỹ bản xứ" (CL. Wisler,1923, 1926). CL. Wisler đã nhắc lại và tiếp tục phát triển thêm một số vấn đề lý thuyết đã từng đặt ra ở công trình trước đó. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh đến khái niệm "tổ hợp văn hoá" là tập hợp những yếu tố văn hoá đặc trưng, gắn với trung tâm của vùng văn hoá. Do vậy, nghiên cứu động thái của vùng văn hoá đi liền với việc xem xét quá trình lan truyền các yếu tố văn hoá từ trung tâm. Chính vùng văn hoá không phải cái gì khác là tổng hợp các yếu tố văn hoá của tổ hợp ấy trong một phạm vi lãnh thổ xác định.

Với Cl. Wisler, việc nghiên cứu vùng văn hoá cả về phương diện lý thuyết cũng như thực tế đã có bước tiến rõ rệt và khá cơ bản. ở Ông, những ý tưởng khoa học, cùng với việc xây dựng khái niệm để nhận thức không gian phân bố các hiện tượng văn hoá, việc áp dụng lý thuyết và phương pháp vào giải quyết các hiện tượng văn hoá cụ thể của người Indian, nói chung đã đi theo khuynh hướng đúng đắn. Tuy nhiên, đặt trong khung cảnh phát triển khoa học thời đó, chúng ta không thể không thấy ở CL. Wisler bộc lộ những hạn chế.

Phê phán trường phái tiến hoá về một sơ đồ đơn tuyến phát triển văn hoá nhân loại, cũng như chống lại những quan điểm cực đoan của thuyết khuyếch tán văn hoá của học giả Châu Âu, nhưng về mặt nào đó, CL. Wisler vẫn chưa phải đã đoạn tuyệt hẳn với thuyết quyết định luận địa lý. Trong khá nhiều trường hợp để giải thích các hiện tượng tương đồng văn hoá, ông thường nhìn nó một cách tĩnh tại và tìm về với sơ đồ sơ lược về sự quy định của môi trường sinh thái và sự thích ứng có phần thụ động của con người đối với môi trường. Tác giả cũng như nhiều học giả Âu Mỹ thời đó, chưa xem xét một cách cụ thể và biện chứng mối quan hệ văn hoá với cơ sở kinh tế - xã hội nhất định, nhìn nhận các hiện tượng văn hoá trong những điều kiện lịch sử cụ thể của tộc người.

Tiếp cận vùng văn hoá từ tổ hợp các yếu tố văn hoá đặc trưng, nhất là quy nó về các bộ lạc và nhóm bộ lạc đặc trưng nào đó, nhiều khi tác giả đã cường điệu ý nghĩa của các yếu tố đặc trưng ấy, xem xét nó trong sự tách rời biệt lập với những điều kiện cụ thể của môi trường và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của tộc người.

Khẳng định vai trò của trung tâm đối với sự hình thành các vùng văn hoá, nhưng điều đó không có nghĩa là cường điệu quá mức vai trò của nó, không thấy được sự lan truyền văn hoá không chỉ một chiều từ trung tâm đến ngoại vi, mà còn có chiều ngược lại. Quá nhấn mạnh và tuyệt đối hoá vai trò của trung tâm sẽ rơi vào thuyết phát tán và thiên di văn hoá từ một trung tâm nào đó.

Sau CL. Wisler, A. L. Kroeber đã tiếp thu có phê phán và phát triển lý thuyết vùng văn hoá và đã tạo nên những ảnh hưởng đáng kể ở Mỹ thời đó. Theo ông, việc phân loại theo vùng văn hoá của CL. Wisler là hệ thống phân loại tĩnh, nó có ít giá trị trong việc nghiên cứu sự phát triển văn hoá của cư dân bản địa Châu Mỹ. Trước nhất, A. L. Kroeber nhận thấy cần phát triển sâu sắc hơn lý luận vùng văn hoá của CL. Wisler trên các phương diện trung tâm văn hoá, các đặc trưng vùng và ranh giới giữa các vùng văn hoá.

Trong công trình "Tra cứu về người Da đỏ ở Kaliphocnia" xuất bản năm 1925 (A.L. Kroeber, 1925), AL. Kroeber đã phát triển các quan điểm của mình về trung tâm văn hoá. Theo ông, hoàn toàn không thể cho rằng tất cả các nhân tố văn hoá đều được sáng tạo và phổ biến từ một nhóm nhỏ trung tâm, mà mỗi một bộ lạc đều có thể tham gia vào việc sáng tạo những giá trị và đặc trưng văn hoá của vùng. Chỉ có khác là, ở trung tâm văn hoá phát triển mạnh mẽ hơn và chuyên môn hoá sâu hơn mà thôi. Ông cũng đã có phát hiện về mối quan hệ đa chiều giữa trung tâm và ngoại vi, chứ không đơn giản và một chiều như quan điểm của CL. Wisler. Để hình thành các vùng văn hoá khác nhau, AL. Kroeber cũng đã tính tới các nhân tố lịch sử. Đó là mối quan hệ nguồn gốc hay gần gũi về lịch sử giữa các bộ lạc và các nhóm cư dân trong vùng văn hoá. Đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, nhất là với các thời kỳ phát triển sớm của các dân tộc bản địa ở Mỹ. Khác với CL. Wisler, AL. Kroeber cũng đã lưu ý tới tính chất phát triển không đồng đều giữa các bộ lạc và cư dân trong vùng, nhất là giữa trung tâm và vùng ngoại vi.

Ngoài các vấn đề lý thuyết, AL. Kroeber cũng đã hiệu đính lại một số vùng văn hoá trong nước Mỹ mà CL. Wisler đã vạch ra, đặc biệt, ông đã đi vào nghiên cứu khá cụ thể và kỹ lưỡng một số vùng, như vùng người Da Đỏ ở Kaliphocnia. Trên cơ sở vùng Kaliphocnia mà CL. Wisler đã phác hoạ, AL. Kroeber đã phân chia thành 4 tiểu vùng và nghiên cứu tương đối cụ thể trong công trình công bố của mình. Hơn thế nữa, AL. Kroeber cũng đã áp dụng lý thuyết trên, mở rộng phạm vị nghiên cứu ra các nền văn minh phát triển cao ở Cựu thế giới, như La Mã cổ đại, Cận Đông, ấn Độ, Trung Quốc và kể cả Châu Âu thời tư bản chủ nghĩa.

Trong các công trình xuất bản sau này của mình, AL. Kroeber có tham vọng mở rộng khái niệm vùng văn hoá và phân loại chúng không chỉ ở trên tư liệu văn hoá tộc người, mà ông còn coi các hệ tư tưởng và các hệ thống chính trị phức tạp thời La Mã cổ đại cũng như Châu Âu thời tư bản chủ nghĩa đều nằm trong phạm trù vùng văn hoá và nghiên cứu, phân chia chúng như đối với người Da Đỏ bản địa Châu Mỹ (A.L. Kroeber, 1962). Tất nhiên đối với các xã hội có giai cấp phát triển cao, lý thuyết "vùng văn hoá" trên hoàn toàn không đầy đủ để nghiên cứu nó một cách có hiệu quả. Ông cũng đã nhìn nhận vấn đề tiến hoá văn hoá của các nền văn mình lớn dưới quan điểm vùng văn hoá tỏ ra thiếu cơ sở khoa học.

Khi nghiên cứu nền văn hoá Cận Đông AL. Kroeber đã cố gắng có những nhìn nhận và giải thích hiện tượng truyền bá của đạo Hồi, một tôn giáo đã góp phần đáng kể tạo nên các sắc thái văn hoá phức tạp và độc đáo vùng này. Theo ông, hiện tượng nảy sinh và phổ biến của đạo Hồi không liên quan gì tới nền kinh tế và xã hội vốn trì trệ ở đây. Ông cho rằng, đạo Hồi là hiện tượng văn hoá địa phương có từ khá sớm, nhưng trong quá trình tồn tại, cũng giống như chữ ả Rập, nó đơn giản hoá đi và chính vì vậy, đạo này đã vượt ra khỏi cái lò sản sinh ra nó và phát triển rộng rãi trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, đặc biệt là vùng Cận Đông (A.L. Kroeber, 1947). Ông cũng đã áp dụng lý thuyết vùng văn hoá để phê phán các luận điểm tiến hoá luận của Morgan và nêu ra những khác biệt giữa Tân và Cựu thế giới...

Sau hai đại diện lớn của khuynh hướng nghiên cứu vùng văn hoá ở Mỹ là CL. Wisler và AL. Kroeber, một số tác giả khác đã tiếp tục tìm tòi cả về phương diện lý thuyết và thực tế nghiên cứu. Chẳng hạn như H.E. Driver cho rằng vùng văn hoá như là một phương thức thích hợp giúp người ta miêu tả lối sống của nhiều dân tộc cùng chung sống trên một đại lục hay các khu vực khác nhau trên hành tinh (H.E. Driver, 1961). Còn R.V. Erikh thì áp dụng lý thuyết này vào việc nghiên cứu một cách có hiệu quả vùng Địa Trung Hải và đã bổ sung vào vốn lý thuyết chung về khái niệm phân cấp các vùng văn hoá thành tiểu vùng, vùng, miền...

Những tìm tòi và nghiên cứu của các nhà nhân học văn hoá Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu XX về sự phân bố địa lý các hiện tượng văn hoá trên cơ sở lý thuyết "vùng văn hoá" là một đóng góp thực sự cho khoa học, khiến cho các nhà nghiên cứu Xô Viết sau này đã đánh giá CL. Wisler là người tiền bối trong lĩnh vực nghiên cứu này của mình (M.G. Lêvin, N.N.Trêbôcxarôv, 1955). Tuy nhiên, lý thuyết vùng văn hoá này cũng thể hiện những hạn chế, đó là việc quá nhấn mạnh đến điều kiện môi trường sinh thái, bởi vậy không phải không có lúc họ rơi vào thuyết quyết định luận địa lý, họ chưa chú ý đúng mức tới những cơ sở kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư trong sáng tạo và tiếp thu văn hoá. Về phương diện nào đó CL. Wisler vẫn còn chịu ảnh hưởng của quan điểm phát tán văn hoá khi quá nhấn mạnh một chiều vai trò của trung tâm trong sáng tạo văn hoá. Trong nhiều trường hợp các đặc trưng văn hoá vùng bị tuyệt đối hoá và bị nhìn nhận tách rời với môi trường xã hội và lịch sử tộc người. Nói chung, các tác giả Mỹ còn chưa có sự phân biệt rõ hiện tượng đồng quy văn hoá với giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa các cộng đồng người, mà sau này các nhà nghiên cứu Xô Viết đã giải thích chúng trên cơ sở lý thuyết loại hình kinh tế - văn hoá và khu vực văn hoá - lịch sử.

III. Lý thuyết "loại hình kinh tế - văn hoá" và "khu vực văn hoá - lịch sử" của dân tộc học xô viết

Trên cơ sở tiếp thu có phê phán những quan điểm nghiên cứu trước đây về không gian phân bố các hiện tượng văn hoá, đặc biệt là lý thuyết "vùng văn hoá" của nhân học văn hoá Mỹ, các nhà dân tộc học Xô Viết, trên cơ sở phương pháp luận duy vật lịch sử, đã tiếp tục và có những bước tiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu quan trọng này. Cũng cần nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề không còn chỉ nằm trong khuôn khổ nghiên cứu văn hoá tộc người, mà nó nghiên cứu liên văn hoá trên phạm vi lãnh thổ rộng lớn có nhiều dân tộc cư trú, nên về phương diện nào đó, vấn đề vùng văn hoá đã thuộc phạm vi của bộ môn văn hoá học.

ở Liên Xô (cũ), từ những năm 30 của thế kỷ này, trong một số công trình của S. P Tônxtốp và AM. Dôlôtarep đã đề cập tới vấn đề không gian địa lý của các hiện tượng văn hoá. Năm 1932, trong công trình "Đại cương về đạo Islam sơ khai", S.P. Tônxtốp đã nhìn nhận vấn đề nảy sinh và phổ biến của đạo Islam từ những cơ sở kinh tế - xã hội của vùng Cận Đông và đã đưa ra khái niệm "Loại hình kinh tế" của các bộ lạc thời đồ đá ở các vùng khác nhau (S.P. Tônxtốp, 1932). Năm 1933, AM. Dôlôtarep trong khi nghiên cứu các nền văn hoá khảo cổ vùng Bắc á, đặc biệt là trong công trình bàn về sự hình thành giai cấp ở người Ghilếc công bố năm 1938, tác giả đã sử dụng khái niệm "Địa phương văn hoá - lịch sử" (A.M. Dôlôtarep, 1938). Sau đó, năm 1946, trong công trình nghiên cứu vùng Bắc á, cũng như trong bài báo "Dân tộc học và hiện đại", SP. Tônxtốp chính thức dùng khái niệm "Loại hình kinh tế - văn hoá" (S.P. Tônxtôp, 1946).

Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1955, với bài báo của MG. Lêvin và NN. Trêbốcxarốp công bố trên tạp chí Dân tộc học Xô Viết, thì những quan điểm mang tính lý thuyết về loại hình kinh tế - văn hoá và khu vực văn hoá - lịch sử (còn gọi là khu vực lịch sử - dân tộc học) mới thực sự hình thành một cách có hệ thống (M.G. Lêvin, N.N. Trêbôcxarôp, 1955). Từ đó tới nay, N.N. Trêbốcxarốp cùng với S.A. Tôkarep, B.V. Anđrianốp, SA. Aruchiunốp, Ia.V. Tresnốp... đã bổ sung làm phong phú hơn các cơ sở lý luận của lý thuyết kể trên (M.G.Lêvin, S.P. Tônxtôp, N.N. Trêbôcxarôp, 1957; B.V. Andrianôp, N.N. Trêbôcxarôp, 1975, 1976; B.V. Andrianôp, 1968; N.N. Trêbôcxarôp, I.A. Trêbôcxarôpva, 1971;, M.G. Lêvin, 1947; Ia. Tresnôp, 1970...) Trên cơ sở những quan điểm lý thuyết, các nhà nghiên cứu Xô Viết cũng đã áp dụng nghiên cứu các vùng văn hoá lịch sử, cũng như các loại hình kinh tế - văn hoá khác nhau trên thế giới, đặc biệt đã phân chia các vùng văn hoá - lịch sử, các loại hình kinh tế - văn hoá và thể hiện chúng lên bản đồ toàn thế giới.

1. Loại hình kinh tế - văn hoá

Trong đời sống văn hoá của các dân tộc sống ở các miền trên hành tinh, chúng ta thường bắt gặp các hiện tượng khác biệt hay tương đồng về các đặc trưng văn hoá. Thí dụ, người Hungari ở trung lưu sông Đanuyp nói cùng một ngôn ngữ với người Manxi và Khantư ở Xibêri, nhưng kinh tế, văn hoá, tập quán của họ thì cơ bản khác biệt nhau. Trái lại, có những dân tộc sống xa nhau, không cùng chung ngôn ngữ và nguồn gốc, nhưng lại có những tương đồng về sinh hoạt kinh tế, văn hoá. Vậy cái gì đã quy định sự tương đồng và khác biệt ấy?

Các nhà dân tộc học Xô Viết đã đưa ra khái niệm loại hình kinh tế - văn hoá (Loại hình KT-VH) chính là nhằm giải thích hiện tượng tương đồng và khác biệt văn hoá kể trên. Đó là một tổng thể các đặc điểm kinh tế và văn hoá hình thành trong quá trình lịch sử của các dân tộc khác nhau, cùng ở một trình độ phát triển kinh tế - xã hội và sinh sống trong môi trường địa lý tự nhiên như nhau (N.N. Trêbôcxarôp, I.A. Trêbôcxarôpva, 1971). Như vậy, mỗi loại hình KT - VH luôn gắn với sự phát triển của lực lượng sản xuất của một cộng đồng người cụ thể, cũng như mối quan hệ khăng khít của cộng đồng người đó với môi trường tự nhiên xung quanh vào những thời kỳ lịch sử nhất định. Bởi vậy, có thể ở nhiều dân tộc khác nhau, sinh sống ở những vùng xa cách nhau, không hề có mối liên hệ qua lại, nhưng lại thuộc về một loại hình KT - VH nào đó. Sự khác biệt giữa các loại hình KT - VH thường thấy trước hết ở các ngành nghề nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi, đánh cá, ở các công cụ sản xuất, ăn uống, nhà cửa, các phương tiện giao thông, đồ dùng quần áo và các yếu tố văn hoá vật chất khác. Sự khác biệt về xã hội giữa các loại hình KT - VH thể hiện chính khi mà giữa chúng có sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội. Sự khác biệt trong lĩnh vực văn hoá tinh thần chủ yếu ở các phong tục, tập quán, nghệ thuật tạo hình, tín ngưỡng, thờ cúng và các sinh hoạt văn hoá dân gian khác.

Các loại hình KT - VH có thể hình thành ở những thời đại lịch sử khác nhau. Chẳng hạn, nhóm loại hình KT - VH hái lượm, săn bắn và đánh cá đã hình thành từ xa xưa, khi loài người còn ở thời kỳ đồ đá, nhưng cũng có loại hình KT - VH hình thành ở các giai đoạn lịch sử sau này, như loại hình nông nghiệp thì sớm nhất cũng chỉ mới cách đây 4 - 5 nghìn năm mà thôi. Đến thời kỳ Tư bản chủ nghĩa thì các loại hình kinh tế - văn hoá hình thành trước đó đã dần dần biến đổi và hoà nhập vào các tổ hợp kinh tế - văn hoá hình thành ở các vùng khác nhau trên thế giới. Như vậy, nói đến các loại hình KT - VH chủ yếu chỉ đề cập tới với cư dân các tộc người ở thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, thuộc các nền văn hoá, văn minh tiền công nghiệp.

Toàn bộ các loại hình kinh tế - văn hoá đã được hình thành ở thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, đã được các nhà dân tộc học Xô Viết phân chia thành ba nhóm loại hình lớn, khác biệt nhau khá rõ rệt bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phương thức khai thác tài nguyên môi trường, cũng như lối sống và những đặc trưng văn hoá. Trong mỗi nhóm loại hình thường bao gồm nhiều loại hình kinh tế - văn hoá khác biệt nhau, nhưng ở mức độ ít hơn so với ba nhóm loại hình lớn kể trên.

Loại hình KT - VH hình thành sớm nhất là nhóm loại hình KT - VH săn bắt, hái lượm và đánh cá. Tùy theo trình độ phát triển sản xuất và những đặc trưng của đời sống xã hội và văn hoá, người ta phân chia nhóm loại hình này thành 8 loại hình KT - VH. Đó là loại hình KT - VH của những người săn bắn, hái lượm ở vùng rừng xích đạo, thuộc loại hình KT - VH sớm nhất của loài người. Loại hình KT - VH săn bắn ở vùng rừng và đài nguyên phương bắc, loại hình săn bắt và đánh cá ở vùng rừng Taiga, loại hình đánh bắt cá ở các lưu vực sông lớn và ven biển ôn đới, loại hình hái lượm và đánh cá ở vùng ôn đới, loại hình săn bắn và hái lượm ở vùng thảo nguyên.

Nhóm loại hình KT - VH cổ xưa nhất và ở trình độ phát triển thấp nhất liên quan tới những cư dân sinh sống bằng săn bắt, hái lượm và đánh cá. ở họ, chủ yếu là thừa hưởng những sản phẩm sẵn có của tự nhiên, chứ không đạt tới trình độ sản xuất. Trong nhóm loại hình này, người ta thường kể tới loại hình cổ xưa hơn cả là của những người săn bắt, hái lượm ở vùng rừng nhiệt đới. Trước thời kỳ xuất hiện nông nghiệp, loại hình này phổ biến rộng khắp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng hiện nay chỉ còn thấy ở một số nhóm tộc người nhỏ ở Nam á và Đông Nam á, ở người Pichmê ở Châu Phi, ở một số bộ lạc nhỏ người Anhđiêng Nam Mỹ.

Cũng ở vùng nhiệt đới, còn có loại hình KT - VH những người hái lượm và đánh cá ven sông, hồ, ven biển, mà trước kia còn thấy ở những người thổ dân trên các đảo ở Đông Nam á.

Loại hình KT - VH của những người săn bắt và hái lượm ở vùng thảo nguyên và bán sa mạc, mà trước thời kỳ chủ nghĩa tư bản còn thấy ở những người thổ dân Châu úc, người Busơmen ở Nam Phi, ở một số bộ lạc Indiêng Nam Mỹ, ở cư dân Bắc Mỹ, Tây Nam á, Trung á và Trung tâm Châu á...

Loại hình KT - VH của những người hái lượm và đánh cá ven bờ biển ôn đới, mà gần đây người ta còn quan sát thấy ở người Ainu ở Nhật Bản, ở một bộ phận người Nhật ở Đông á, và ở người vùng Đất Lửa tận cùng Nam Mỹ.

Loại hình KT - VH của người đánh cá ở lưu vực sông lớn và ven biển vùng lạnh giá, điển hình là các tộc người ở Xêbiri, ở lưu vực sông Obi, Amua, Kamchatka, người Anhđiêng Bắc Mỹ.

Loại hình của những bộ lạc săn bắt và đánh cá ở vùng rừng ôn đới, mà gần đây còn quan sát thấy ở những bộ lạc người Két, Mensi, Khan... ở Xêbiri, và ở một số bộ lạc người Inđiêng ở Bắc Mỹ và Canada...

Loại hình của những người săn bắn ở vùng đồng lầy và rừng đồng lầy gần bắc cực mà đại diện là người Eskimô săn bắn tuần lộc, bò, chồn, và một số loại chim... Văn hoá của họ có phần nào gần với cư dân săn bắn ở vùng rừng Taiga

Loại hình KT - VH của những người sắn bắn thú bắc cực mà đại diện là người Eskimô Bắc Mỹ, và một số bộ lạc ở Xêbiri thuộc Nga.

Nhóm loại hình KT - VH thứ hai liên quan tới những cư dân làm nông nghiệp dùng cuốc và chăn nuôi. So với các loại hình KT - VH thuộc nhóm thứ nhất, thì đây là bước tiến quan trọng về phát triển lực lượng sản xuất và khai thác môi trường theo hướng sản xuất ra của cải vật chất chứ không đơn thuần là thu lượm các sản vật sẵn có trong tự nhiên. Các ngành thủ công đã hình thành và ở một số bộ phận dân cư đã có sự tách biệt giữa nghề này với sản xuất nông nghiệp. Xã hội của những tộc người này đã nảy sinh các quan hệ xã hội có giai cấp sớm và phần nào đã thuộc phạm trù xã hội phong kiến và nô lệ.

Nhóm thứ hai này, được phân chia thành các loại hình KT - VH khác nhau, như loại hình những người nuôi tuần lộc ở đài nguyên phương Bắc, loại hình săn bắn và chăn nuôi ở vùng Taiga, loại hình chăn nuôi du mục ở vùng núi cao, loại hình chăn nuôi du mục ở thảo nguyên và bán sa mạc, loại hình những người chăn nuôi và làm nông nghiệp ở vùng lạnh và vùng ôn đới, loại hình nông nghiệp dùng cuốc ở thảo nguyên và vùng trước núi, loại hình nông nghiệp dùng tay và chăn nuôi ở vùng núi và loại hình nông nghiệp dùng tay (có khi dùng cuốc) ở vùng xích đạo.

ở nước ta, loại hình nông nghiệp dùng tay (có khi dùng cuốc) là loại hình KT - VH chủ yếu của các tộc người sinh sống ở vùng núi và cao nguyên, đặc biệt là các tộc người nói ngôn ngữ Môn - Khơme, Nam Đảo, Mèo - Dao. Chính phương thức canh tác nương rẫy dùng các công cụ cầm tay, đặc biệt là cuốc, đã quy định nhiều đặc trưng chung về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần.

Nhóm loại hình KT - VH thứ ba liên quan tới những người làm nông nghiệp dùng cày với sức kéo của động vật. Rõ ràng đây là bước tiến quan trọng của phát triển lực lượng sản xuất của con người khi họ biết sử dụng cày và sức kéo vào canh tác nông nghiệp trên phạm vi rộng lớn. Với loại hình KT - VH này, xã hội đã bước hẳn sang xã hội có giai cấp, thuộc chế độ nô lệ và phong kiến, và các nền văn hoá nông nghiệp lớn cũng hình thành ở một số trung tâm và đạt tới đỉnh cao như Hy La, Tiền á, ấn Độ, Trung Quốc... Không như công cụ cuốc có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc và độc lập với nhau, thì nông nghiệp dùng cày chỉ xuất hiện từ một số trung tâm và có sự giao lưu giữa các vùng. ở Châu Mỹ, việc phổ biến loại hình nông nghiệp dùng cày chỉ sau khi thực dân Châu Âu đến vào thế kỷ XVI, còn ở Châu úc và Châu Đại Dương thì mới xuất hiện vào thế kỷ XVIII - XIX.

Trong nhóm này, loại hình KT - VH nông nghiệp dùng cày ở vùng đất khô là cổ xưa hơn cả. Có lẽ loại hình này nảy sinh sớm nhất ở vùng Tây Nam á, sau đó phổ biến trên một vùng rộng lớn gồm Địa Trung Hải, Tây Nam á, Trung á, Bắc ấn Độ, Bắc Trung Quốc và Triều Tiên...

Loại hình KT - VH nông nghiệp dùng cày ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt, ở các nước Nam và Đông Nam á, như vùng trung tâm và nam Inđustan, Sri Lanka, Đông Dương, nam Trung Quốc, tây Inđônêxia, ven biển Philipin. Có nhiều cứ liệu chứng tỏ loại hình này trực tiếp biến đổi từ loại hình nông nghiệp bằng tay của cư dân làm nương rẫy sang nông nghiệp dùng cày.

Loại hình KT - VH nông nghiệp dùng cày ở vùng rừng thảo nguyên và rừng ôn đới, mà đại diện của nó là những người nông dân ở Châu Âu, nam Xêbêri, Viễn Đông thuộc Nga và Bắc Mỹ.

Rõ ràng là, thuộc một nhóm loại hình hay thuộc từng loại hình KT - VH bao gồm nhiều tộc người, sinh sống ở những vùng nhiều khi rất cách biệt nhau, hầu như không có một mối quan hệ giao lưu nào, nhưng do cùng sống trong điều kiện môi trường tự nhiên giống nhau, cùng trình độ phát triển xã hội tương tự nhau, nên ở họ đã hình thành một tổ hợp những đặc trưng kinh tế và văn hoá tương đồng với nhau.

Việc phân loại các dân tộc theo loại hình KT - VH này, không chỉ giải thích những tương đồng và khác biệt về văn hoá giữa các vùng, các tộc người khác nhau, mà còn cho thấy một quá trình thống nhất của sự phát triển liên tục của xã hội loài người. Sự phát triển đó không phải là sự tiến hoá đơn tuyến, mà khá đa dạng tuỳ thuộc vào những điều kiện môi trường và truyền thống tộc người khác nhau. Mỗi loại hình KT - VH là một bước phát triển của lịch sử, một sự thích ứng tích cực của con người với điều kiện môi trường, sự tác động sáng tạo của con người với ngoại giới xung quanh mình, và sự phong phú của đời sống văn hoá loài người.

2. Khu vực văn hoá - lịch sử

Để bao quát việc nhận thức các hiện tượng tương đồng và khác biệt văn hoá giữa các vùng và các dân tộc, các nhà dân tộc học Xô Viết không chỉ sử dụng khái niệm loại hình KT - VH mà còn dùng cả khái niệm vùng văn hoá - lịch sử (Vùng VH-LS).

Vùng văn hoá - lịch sử (vùng lịch sử - dân tộc học) là một vùng mà ở đó sinh sống những tộc người. Trong quá trình lịch sử lâu dài, giữa họ có những giao lưu, ảnh hưởng khăng khít với nhau, từ đó hình thành nên những yếu tố văn hoá chung thể hiện trong văn hoá vật chất cũng như văn hoá tình thần (N.N. Trêbôcxarôp, I.A. Trêbôcxarôpva, 1971). Do vậy, nếu như trong loại hình KT - VH, tính tương đồng về điều kiện môi trường tự nhiên và trình độ phát triển xã hội là những điều kiện tiên quyết để hình thành nên những đặc trưng chung về kinh tế và văn hoá, thì với khu vực văn hoá - lịch sử, thì mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng lâu đời giữa các tộc người lại là nhân tố cơ bản tạo nên tính thống nhất văn hóa vùng. Điều đó cũng không loại trừ trong một vùng văn hóa - lịch sử cũng có những tương đồng về môi trường địa lý, những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử giữa các tộc người. Điều đó càng củng cố hơn tính thống nhất về các đặc trưng văn hoá của vùng. Đặc trưng văn hoá của vùng VH - LS là một tập hợp những yếu tố văn hoá gắn bó hữu cơ với nhau, thể hiện rõ hơn cả là trong văn hoá vật chất, như nhà cửa, trang phục, ăn uống, phương tiện đi lại, trang trí, cũng như trong đời sống tinh thần, như lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, các sáng tác truyền miệng dân gian... Đối với các dân tộc còn ở trình độ văn minh tiền công nghiệp, thì văn hoá dân gian (folklore) thể hiện rõ nét và cơ bản những sắc thái văn hoá đặc trưng cho vùng văn hoá - lịch sử.

Các nhà học giả Xô - Viết cho rằng, vùng VH - LS là một phạm trù lịch sử. Trước nhất, các vùng VH-LS hình thành và biến đổi tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của các dân tộc ở mỗi vùng. Có những vùng VH-LS hình thành từ thời cổ đại, khi con người còn sinh sống trong thời đại đồ đá, như vùng VH-LS Đông Nam á hình thành ít nhất cũng từ thời đá giữa với nền văn hoá Hoà Bình, cách ngày nay gần chục nghìn năm. Ngược lại, cũng không ít những vùng VH - LS mới hình thành ở những giai đoạn lịch sử sau này. Những đặc trưng văn hoá và ranh giới các vùng VH - LS cũng biến đổi tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể từng vùng. Thí dụ, thời kỳ trước công nguyên, vùng VH - LS Đông Nam á bao gồm cả vùng đất nam sông Dương Tử của Trung Quốc ngày nay. Nhưng từ sau công nguyên, do quá trình di cư và Hán hoá vùng nam Trung Quốc, thì dần dần vùng này nằm ra ngoài quỹ đạo phát triển văn hoá của Đông Nam á, nên ranh giới vùng VH - LS Đông Nam á thu hẹp lại như Đông Nam á ngày nay. Các vùng VH - LS của thế giới cuối thế kỷ XIX đầu XX về cơ bản còn tồn tại tới ngày nay. Tuy vậy, trong quá trình công nghiệp hoá, cũng như việc phân chia thế giới thành những nước có chế độ xã hội khác nhau, cũng đang tác động làm thay đổi nhiều đặc trưng văn hoá, ranh giới giữa các vùng, đặc biệt đang hình thành những vùng tổ hợp kinh tế - văn hoá mới, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản ở Viễn Đông.

Để phản ánh được tính muôn vẻ của đời sống văn hoá từng vùng, người ta phân các cấp bậc vùng theo phạm vi lớn nhỏ khác nhau. Phạm vi không gian văn hoá lớn hơn vùng"miền" hay "khu vực" (trong tiếng Nga gọi là provincia). Cấp bậc hẹp hơn vùng (tiếng Nga gọi là oblaseh) là tiểu vùng (tiếng nga gọi là pođoblaseh hay là raion). Dưới vùng và tiểu vùng còn có thể phân ra nhỏ hơn nữa tuỳ thuộc vào thực tế mỗi vùng VH - LS.

Chẳng hạn, Đông Nam á là một miền (hay khu vực) văn hoá - lịch sử, trong đó bao gồm Đông Nam á lục địa (Đông Dương) và Đông Nam á hải đảo là những khu vực văn hoá - lịch sử. Tới lượt nó, khu vực VH - LS Đông Dương lại có thể phân chia thành tiểu khu vực như đông Đông Dương và tây Đông Dương. Trong tiểu khu vực đông Đông Dương, trong đó có nước ta, lại có thể chia nhỏ hơn thành các vùng như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ... tồn tại với tư cách là một không gian văn hoá chứa đựng những đặc trưng chung (Ngô Đức Thịnh, 1980).

Trong một vùng văn hoá - lịch sử có thể tồn tại nhiều loại cộng đồng người khác nhau, như cộng đồng chủng tộc, cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng tộc người, cộng đồng tôn giáo... Rõ ràng là, giữa vùng văn hoá - lịch sử với các loại cộng đồng kể trên có mối quan hệ gắn bó, bởi lẽ, trong một không gian địa lý nhất định (miền, vùng, tiểu vùng) có thể sinh sống những nhóm cư dân thuộc các chủng tộc nhất định, nói các ngôn ngữ xác đinh, thuộc về các dân tộc hay theo các tôn giáo nào đó. Tuy vậy, phạm vi giữa vùng văn hoá - lịch sử với phạm vi các cộng đồng kể trên không nhất thiết trùng khớp nhau. Thường là trong một vùng văn hoá - lịch sử có thể là nơi sinh sống của các nhóm cư dân thuộc các loại hình nhân chủng khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau, tự nhận mình thuộc các tộc người khác nhau, thậm chí theo những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Điều quan trong nhất không phải là sự trùng khớp kể trên, mà là mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa họ trong quá trình lịch sử như thế nào, để giữa họ hình thành nên những đặc trưng chung về văn hoá và lối sống. Tuy nhiên, trong thực tế, khi phân cấp các vùng văn hoá - lịch sử, phạm vi các vùng càng nhỏ, thì khả năng trùng hợp càng lớn hơn. Thí dụ: trong phạm vi vùng VH - LS Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, thì tuyệt đại đa số là người Việt, nói ngôn ngữ Việt, cùng thuộc loại hình nhân chủng Nam á.

Nhưng với vùng văn hoá lịch sử Nam Bộ thì cư dân ở đó lại thuộc về ít nhất ba tộc người Việt, Khơme và Hoa, nói các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí lại thuộc các loại hình nhân chủng khác nhau: Nam á (Việt) Inđônêdiêng (Khơme) và Môngôlôit (Hoa).

Người ta cũng phân biệt khá rõ sự khác biệt giữa loại hình KT - VH và vùng VH - LS. Nếu vùng văn hoá - lịch sử là một không gian địa lý liên tục, liền khoảnh, thì loại hình kinh tế - văn hoá có thể bao gồm trong nó nhiều vùng đất thuộc những vùng địa lý và đại lục khác nhau. Thí dụ, loại hình KT - VH đánh cá ở vùng biển ôn đới thì không chỉ bao gồm vùng đất cư trú của người Ainu và một bộ phận người Nhật Bản, mà còn cả người Đất Lửa ở xa xôi cực nam Nam Mỹ.

Trong một vùng VH - LS có thể bao gồm những cư dân thuộc về nhiều loại hình KT - VH khác nhau, cũng như cùng loại hình KT - VH có thể lại thuộc nhiều vùng VH - LS. Thí dụ trong vùng văn hoá - lịch sử Tây Nguyên không chỉ có loại hình kinh tế - văn hoá nông nghiệp dùng tay (công cụ cuốc), mà còn thấy những tàn dư rõ nét loại hình săn bắt, hái lượm là loại hình cổ sơ nhất của loài người, cũng như loại hình tiến bộ, đó là nông nghiệp dùng cày ở thung lũng làm ruộng nước. Trong khi đó, loại hình nông nghiệp dùng cày ở trên ruộng nước, thì lại thấy phổ biến ở nhiều vùng VH - LS, như Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải bắc Trung Bộ, duyên hải nam Trung Bộ...

Bên cạnh việc làm rõ những vấn đề lý thuyết vùng văn hoá - lịch sử, các nhà dân tộc học Xô -Viết còn phân loại các vùng VH -LS trên thế giới, cũng như đi sâu nghiên cứu một số vùng, trong đó có miền Đông Nam á. Theo các nhà nghiên cứu Xô- Viết, cho tới cuối thế kỷ XIX đầu XX, trên hành tinh chúng ta tồn tại các miền (provincia) VH - LS như sau: Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu, phần Châu Âu thuộc Liên Xô, Kápcadơ, Trung á, trung tâm Châu á, Đông á, Đông Nam á, Bắc phi, Đông Phi, Nam Phi và Trung Phi, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu úc và Châu Đại Dương.

Trong mỗi miền như vậy, lại chia thành nhiều vùng và tiểu vùng. Thí dụ, với miền VH - LS Đông Nam á, có thể phân chia thành hai vùng lớn là Đông Nam á lục địa và Đông Nam á hải đảo. Đối với vùng hải đảo, lại có thể chia thành các tiểu vùng đông và tây. Còn đối với vùng Đông Nam á lục địa thì cũng có thể chia thành tiểu vùng đông Đông Dương và tây Đông Dương (N.N. Trêbôcxarôp, I.A. Trêbôcxarôpva, 1971).

Hiện nay, vấn đề tồn tại và biến đổi của các vùng VH - LS trong thế giới hiện đại là điều đang lôi cuốn sự chú ý của những người quan tâm tới lĩnh vực này. Một số người cho rằng, với văn minh công nghiệp và chủ nghĩa tư bản thì không còn tồn tại các loại hình kinh tế - văn hoá và vùng văn hoá - lịch sử, rằng chúng sẽ biến đổi dưới tác động của những nhân tố mới để hình thành các tổ hợp kinh tế-văn hóa mới với những đặc trưng và ranh giới khác với các vùng văn hoá - lịch sử đã từng tồn tại trước kia.

Trong số các nước tư bản phát triển, chúng ta đang thấy nổi lên các trung tâm lớn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Viễn Đông của Nhật Bản. Trong các nước đang phát triển thuộc "Thế giới thứ ba" thì đang diễn ra quá trình hoà hợp văn hoá để hình thành các cộng đồng văn hoá lớn hoặc nhỏ. Còn với Phi Châu xích đạo thì các quá trình phát triển kinh tế, chính trị cũng đang tác động lớn tới việc hình thành các vùng văn hoá mới.

Như vậy, từ những cảm nhận và nhận thức về sự tương đồng và khác biệt văn hoá nhân loại về không gian phát sinh và tồn tại những hiện tượng văn hoá đã có mầm mống từ thời cổ đại, càng về sau càng được con người lưu tâm quan sát. Và đặc biệt từ thế kỷ XIX tới nay, cùng với sự phát triển của các ngành khoa học nhân văn, nhiều lý thuyết đã ra đời nhằm lý giải cho các hiện tượng văn hoá trên, trong đó tiêu biểu là lý thuyết "khuếch tán" trong nhân loại học Tây Âu, lý thuyết "vùng văn hoá" của nhân loại học Mỹ và lý thuyết loại hình KT - VH và vùng văn hoá - lịch sử của dân tộc học Xô Viết.

Trường phái tiến hoá luận thế kỷ XIX, mà đại diện là L. Morgan và E. Taylor, trong khi tập trung sự cố gắng của mình xây dựng hệ thống quan điểm về tính thống nhất, về quy luật phát triển toàn nhân loại và quá trình phát triển theo từng bước tiến hoá từ thấp tới cao một cách tuần tự, thì bước đầu họ cũng đã giải thích tương đồng văn hoá từ nguồn gốc chung cũng như những giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa các dân tộc. Tuy những giải thích như vậy chịu ảnh hưởng của những hạn chế mang tính tiến hoá luận, nhưng sự nhìn nhận của họ về sự tương đồng và khác biệt văn hoá về mặt nào đó gần gũi với thực tế hơn là những quan điểm của trường phái khuếch tán văn hoá.

Trường phái văn hoá - lịch sử với lý thuyết khuếch tán văn hoá đã có những nỗ lực lớn trong việc tập hợp những hiểu biết đa dạng và phong phú về văn hoá của các dân tộc từ nhiều khu vực khác nhau trên hành tinh, đã xây dựng những cơ sở lý thuyết về "vòng văn hoá" "vùng văn hoá", "khuếch tán văn hoá", từ đó áp dụng vào để nhận thức và giải thích các quá trình văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh những đóng góp như vậy, về phương diện lý luận cũng như nhận thức thực tế, trường phái này cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế cơ bản. Trước nhất, họ nhìn nhận diện mạo và các quá trình văn hoá nhân loại từ quan điểm quyết định luận địa lý cực đoan, tách văn hoá ra khỏi các quá trình kinh tế - xã hội và lịch sử cụ thể của từng dân tộc, quy việc sáng tạo văn hoá cho một số tộc người và một số trung tâm nào đó, từ đó phủ nhận sáng tạo văn hoá của các dân tộc khác. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương pháp hình thái học, họ nhìn nhận các hiện tượng văn hoá tách rời nhau, tùy tiện tuyệt đối hoá từng yếu tố văn hoá, không chú ý đúng mức tới tính tổng thể văn hoá và giữa văn hoá với môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội. Bởi thế, các vòng văn hoá, các vùng văn hoá, các con đường khuyếch tán văn hoá mà họ vạch ra đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của thuyết quyết định luận địa lý. Tuy còn những ảnh hưởng nào đó từ thuyết khuyếch tán văn hoá, nhưng trường phái nhân học Mỹ, nhất là lý thuyết vùng văn hóa, đã nhìn nhận các hiện tượng văn hoá trong mối quan hệ với cơ sở kinh tế - xã hội và trong các quá trình lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi vùng, từ đó đi vào lý giải các hiên tượng văn hóa, các vùng VH - LS một cách thuyết phục.

 Các nhà nghiên cứu Xô -Viết đã nhìn nhận vấn đề tương đồng và khác biệt văn hoá, vấn đề không gian phân bố các hiện tượng văn hoá bằng lý thuyết loại hình KT - VH và vùng VH - LS. Không thể đồng nhất hiện tượng tương đồng và đồng quy văn hoá do những cộng đồng người khác nhau sinh sống ở những vùng khác nhau, nhưng cùng điều kiện môi trường địa lý và trình độ phát triển xã hội với hiện tượng tương đồng văn hoá do quá trình ảnh hưởng giao lưu giữa các cộng đồng người sinh sống trong một vùng có quá trình lịch sử lâu dài. Bằng những lý thuyết này, các nhà dân tộc học Xô Viết đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình nhận thức và lý giải sự tương đồng và khác biệt văn hoá giữa các cộng đồng và các vùng khác nhau trên hành tinh chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: