Những loài chim từng xuất hiện cùng Soukoku và Shin Soukoku? (Phần 1)
Chán nói về hoa hoa cỏ cỏ rồi, lần này mình cùng nói về chim chóc các thứ đi? :)) Cũng giống như goods về chủ đề hoa, các nhân vật trong BSD cũng từng xuất hiện cùng nhiều loại chim khác nhau trong cả 4 mùa xuân hạ thu đông.
-----------tôi là vạch ngăn cách---------
MÙA XUÂN
Nakajima Atsushi: chim vành khuyên Nhật Bản
Nền văn hoá Nhật Bản dành một vị trí đặc biệt cho loài chim vành khuyên, khi loài chim xinh đẹp này đã xuất hiện rất nhiều lần trong hội hoạ, văn học và cả đời sống dân gian trong suốt nhiều thế kỷ cho tới hiện tại. Sự xuất hiện của chúng tại công viên hoặc trong chính khu vườn của gia đình báo hiệu mùa xuân đang đến gần, cùng với rất nhiều may mắn và thịnh vượng, theo quan niệm của người Nhật Bản.
Ngoài ra, người ta cho rằng chim vành khuyên tượng trưng cho sắc đẹp, tình yêu, hạnh phúc và sự thuần khiết, thậm chí chúng còn có mối liên hệ với vị thần trí tuệ của Nhật Bản nữa. Bên cạnh sức ảnh hưởng về mặt tín ngưỡng, hình tượng loài chim này còn trở nên bất tử trong nghệ thuật Nhật Bản khi nhiều hoạ sĩ và nhà thơ đã thành công khắc hoạ hết thảy vẻ đẹp và sự cuốn hút của chúng qua vô vàn tác phẩm nghệ thuật.
Akutagawa Ryunosuke: chim chích bụi Nhật Bản
Loài chim này thường xuất hiện trong thơ ca và văn học như một dấu hiệu của mùa xuân đang đến gần và sự chấm dứt của những ngày đông lạnh giá. Vì vậy, chim chích bụi còn được gọi là "chim báo xuân" và "loài chim của thơ ca". Thật vậy, thơ ca Nhật Bản đã dành một tình yêu nồng nhiệt cho loài chim này, ví dụ như trong "Vạn diệp tập" (Manyoshu, tuyển tập thơ của Nhật Bản lớn nhất và cổ xưa nhất còn lại đến ngày nay) hay "Cổ kim hoà ca tập" (Kokin Wakashu, một tuyển tập thơ ra đời vào thời Heian được liệt vào hàng kinh điển của thơ ca Nhật Bản). Tiếng hót rộn ràng của chim chích bụi được coi như dấu hiệu của một mùa xuân ấm áp, và loài chim nhỏ bé này tượng trưng cho một khởi đầu mới và điềm lành. Lý giải cho quan niệm này, truyền thuyết kể lại hồi xa xưa trước đây, chim chích bụi chỉ là một loài chim trắng thuần khiết. Một ngày nọ, nó vô tình nuốt phải nghiên mực, nên bộ lông trên cơ thể chim chích bụi đều lem nhem hết cả. Cũng kể từ đó, cứ nhắc đến chim chích bụi, người ta lại cho rằng nó là loài chim mang tới may mắn và sự phát tài phát lộc.
Điều thú vị là, hình ảnh chim chích bụi thường gắn liền với hoa mận từ thơ ca cho đến hội hoạ. Theo thông tin từ trang Đại sứ quán Nhật Bản tại Singapore, nhiều hoạ sĩ cổ xưa của Nhật Bản đã ghép hai hình ảnh này lại với nhau vì họ cho rằng chim chích bụi dễ bị thu hút bởi hoa mận nở rộ. Trên thực tế, chim chích bụi có màu xám nên rất có thể các hoạ sĩ ngày xưa đã nhìn thấy chim vành khuyên rồi nhầm lẫn với chim chích bụi. Tuy nhiên, tầm quan trọng văn học của chim chích bụi và hoa mận vẫn giữ nguyên như vậy, thậm chí sự kết hợp này còn tạo nên câu nói "ume ni uguisu" (ume là hoa mận, uguisu là chim chích bụi), tương đồng với câu "tâm đầu ý hợp" tại Việt Nam mình đó!
Dazai Osamu: chim nhạn bụng trắng
Chim nhạn là loài chim có tập tính di cư hằng năm và chúng thường tới Nhật Bản vào lúc đầu xuân. Chúng là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, tình thương gia đình, sự thủy chung trong tình yêu, sự dịu dàng và ngọt ngào.
Người xưa cho rằng, chim nhạn bản tính trung trinh, một khi đã chọn bạn đời thì sẽ bên nhau như hình với bóng. Nếu như một trong 2 con bất hạnh mà chết sớm, thì con kia sẽ sống đơn độc một mình như thế cho đến hết phần đời còn lại, nó sẽ không chọn thêm bất kì một con chim nhạn nào khác ở bên bầu bạn nữa. Bản tính tốt nhất của chim nhạn cũng đã trở thành một hình mẫu trong sáng tác hí khúc. Kinh kịch Trung Quốc có một hí khúc gọi là "Hồng nhạn sao thư".
Câu chuyện kể về Tiết Nhân Quý, người phải rời xa quê hương vì chiến tranh và Vương Bảo Xuyến, người vợ đã thủ tiết chờ chồng suốt 18 năm. Có một ngày, Vương Bảo Xuyến đang cắt cỏ ngoài đồng, đột nhiên nghe thấy tiếng kêu của hồng nhạn từ trên bầu trời. Vương Bảo Xuyến chợt nghĩ đến chồng, thế là nàng nhờ chim nhạn chuyển cho chồng một lá thư. Vương Bảo Xuyến nóng lòng để viết thư cho chồng, thế nhưng lại hết mực, trong lúc cấp bách, nàng vội xé miếng vải ở quần, rồi cắn ngón tay, máu tươi hòa cùng với những giọt nước mắt nhớ nhung viết nên một bức thư để thổ lộ hết những tâm tình của mình, đang ngày ngày trông mong phu quân trở về. Chim nhạn chuyển thư, một bức thư của sự nhớ nhung sâu đậm, một bức thư về tình yêu tuyệt đẹp, trung trinh không thay lòng.
Ngoài ra, trong văn hoá Nhật Bản, chim nhạn thường đi kèm với hình ảnh cây liễu, bởi cả hai đều biểu trưng cho hạnh phúc và hoà hảo.
Nakahara Chuuya: chim đớp ruồi Nhật Bản
Đây là một loài chim xinh đẹp có bộ lông trắng và xanh (nên tên Tiếng Anh của chúng là Blue-and-White Flycatcher.-.), và nằm trong danh sách 3 loài chim có tiếng hót hay nhất Nhật Bản, bên cạnh chim oanh và chim vành khuyên. Bởi vậy, người ta còn ưu ái gọi chim đớp ruồi Nhật Bản là "viên đá quý xanh" và "vị ca sĩ nức tiếng nơi rừng rậm". Màu xanh của loài chim này còn biểu tượng cho hạnh phúc và hy vọng, nên nó còn trở thành biểu tượng cho thành phố Tottori của Nhật Bản, với ngụ ý thật nhiều may mắn sẽ đến với cư dân nơi đây.
------
Tận 4 phần Xuân, Hạ, Thu, Đông, viết bao giờ mới xong, với tần suất 3 tháng onl 1 lần 🏃💨
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top