Tôn trọng sự khác biệt
Thượng Đế đã tạo ra thế gian với muôn hình vạn trạng. Hàng tỷ loài cây, hàng tỷ loài sinh vật, hàng trăm nghìn cảnh quan cùng tồn tại trong một bầu sinh quyển. Sự đa dạng không chỉ xảy ra ở các loài khác nhau mà trong cùng một loài cũng có sự khác biệt. Triệu bông hoa hồng nở rộ dưới nắng vàng, không bông nào giống bông nào. Triệu con cá voi ngụp lặn dưới đại dương sâu, không con nào giống con nào. Triệu ngọn núi mọc trong rừng xa thăm thẳm, không ngọn nào giống ngọn nào. Con người cũng như vậy. Mỗi cá thể đều có sự khác nhau rõ ràng. Vậy chúng ta nên đối diện với sự khác biệt đó thế nào đây? Theo tôi, hãy để khác biệt được tự do thể hiện. Và lúc đó, trăm vẻ khác nhau sẽ tạo nên sự dung hòa cho thế gian thêm đẹp. Điều đó thành hiện thực khi ta chiêm nghiệm ra thái độ sống: tôn trọng sự khác biệt.
Xã hội này tồn tại vô vàn khác biệt. Khác biệt là những nét không tương đồng giữa những tập thể với tập thể, cá thế với cá thể, ảnh hưởng từ môi trường sống của mỗi người. Khác biệt đầu tiên kể từ khi ta sinh ra đó là nền tảng của mỗi cá nhân: hình hài, gia đình, vùng miền, quê hương,... Từ nền tảng riêng biệt ấy, ta sẽ trưởng thành, sẽ lớn lên và sinh ra vô vàn khác biệt khác: nhân cách, lối tư duy, lối sống. Đó là thế giới phi vật chất trong tâm thức mỗi người. Bên cạnh đó, địa vị xã hội của từng người cũng khác biệt, có người quyền cao chức trọng nhưng có người phải bôn ba, phiêu dạt với thân phận nhỏ bé. Trước sự khác biệt ấy, như tôi đã nói, ta cần dành một thái độ tôn trọng. Chúng ta nên thông cảm, suy nghĩ thấu đáo, không vội đánh giá, chỉ trích với góc nhìn phiến diện, thiển cận. Đó là tôn trọng sự khác biệt đối cộng đồng đầy nhân văn, tốt đẹp. Ngoài cộng đồng, xã hội, chúng ta cũng cần tôn trọng sự khác biệt về nền tảng, thế giới tinh thần và địa vị của chính bản thân mình.
Tại sao chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt? Mỗi một sinh vật trên trái đất này đều có những khác biệt riêng từ vật chất đến phi vật chất. Cuộc sống đã chứng tỏ một sự thật hiển nhiên rằng, chúng ta không thể thống nhất những khác biệt để quy thành một thể loại thống nhất. Chính vì không thể thống nhất, ta mới cần sự tôn trọng này. Tôn trọng sự khác biệt sẽ cho đối phương cảm thấy mình được trân trọng, dạy bản thân trở thành người thấu đáo, tử tế. Và hơn cả, sự tôn trọng khác biệt tạo nên đa dạng mà hài hoà cho cuộc sống khi xã hội có những nét riêng trong nền tảng, tinh thần mà lại có nét chung là dựng xây một thế giới tốt đẹp, văn minh và phát triển.
Chúng ta cần có thái độ trân quý, cảm thông trước những nét riêng ở nền tảng mỗi người. Nhân cách con người có thể thay đổi, địa vị con người có thể thay đổi. Thế nhưng, nền tảng sẽ không bao giờ thay đổi. Tôn trọng sự khác biệt nền tảng là tôn trọng phẩm giá con người. Nền tảng xây dựng nhân cách, xây dựng cuộc đời. Nếu tự tin, tự hào về nền tảng, chúng ta sẽ tạo nên nền móng vững chắc để phát triển tương lai. Trái lại, nếu ta có thái độ tủi hổ, tự ti, tương lai ắt sẽ có lúc mông lung, vô định.
Ngày nay có bao nhiêu nạn phân biệt như phân biệt ngoại hình, phân biệt chủng tộc, phân biệt vùng miền, giới tính hay xu hướng tính dục,... Những nhóm người ở nền tảng này sẽ kỳ thị sự khác biệt những nhóm người ở nền tảng kia. Sự thiếu tôn trọng ở những nét riêng ấy đã kìm kẹp sự tự tin, phủ nhận những giá trị cốt lõi đầy nhân văn và cao quý. Điều này khiến những đối tượng bị xúc phạm rơi vào trạng thái bế tắc hay từ chối chấp nhận những nền tảng đầy thiêng liêng, cao đẹp. Từ đó, ta mới có thể nhận ra, sự tôn trọng tưởng như đơn giản lại đáng trân quý đến nhường nào. Chính sự tôn trọng sẽ giúp con người có niềm tin hơn ở nền tảng cá nhân, phát triển tương lai, thêm yêu cuộc sống.
Bên cạnh việc tôn trọng sự khác biệt ở nền tảng, ta cần sự tôn trọng sự khác biệt ở thế giới tinh thần. Tôi muốn khẳng định rằng, sự khác biệt trong tâm thức ở đây không phải hai chiều trái ngược như thiện lành và độc ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Khác biệt nằm ở những lối tính cách và suy nghĩ riêng biệt, mang tính cá nhân nhưng vẫn đem lại những giá trị cho cộng đồng. Sự tôn trọng khác biệt đó khiến ta có thể thoải mái thể hiện bản thân. Nó xây dựng nên một xã hội đầy đa dạng, phong phú khi quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến cá nhân, thể hiện cái tôi của mình được đề cao, trân trọng. Thế giới sẽ thêm phát triển hơn từ vô vàn phương để cách khác nhau để tổng hợp ra lựa chọn sáng suốt nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội và đường lối chính trị các quốc gia. Đồng thời, khi thế giới tinh thần của mỗi người được tôn trọng, thế giới tinh thần của xã hội lại càng thêm hài hoà, tươi đẹp.
Địa vị của mỗi người đều khác nhau, thế nhưng, dù giàu sang hay nghèo khổ, ta vẫn cần trân trọng họ với tư cách là một người văn minh. Đối với những người khó khăn, không nên khinh rẻ, coi thường. Với những người giàu có, không nên nghi ngờ, coi sự phát đạt ấy đến từ lừa lọc, cướp bóc. Địa vị là thứ chính ta khó lòng định đoạt và cách biệt giai cấp là điều hiển nhiên, luôn luôn và cần có trong xã hội. Nhưng sự kỳ thị, coi thường, hoài nghi sẽ giết chết tính nhân văn của cộng đồng. Tôn trọng sự khác biệt ở địa vị xã hội sẽ nâng cao sự tử tế, thiện lành, tăng tính đoàn kết, hàn gắn cộng đồng với nhau.
Và sau cả, như tôi đã nói, tôn trọng khác biệt của cộng đồng đồng thời hãy tôn trọng khác biệt của chính ta. Chúng ta cũng có những khác biệt riêng so với cộng đồng, nhưng vì lo sợ mình sẽ bị kì thị, sẽ lạc lõng nên ta đôi khi sẽ tìm cách giấu đi, che lấp phần khác biệt ấy. Có lẽ chúng ta chưa thấy được rằng, nếu ta bộc lộ những nét riêng ấy, ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui khi mong muốn thực sự của bản thân được chính mình nỗ lực theo đuổi, những yêu thích của bản thân được thoải mái thể hiện và dáng vẻ của bản thân là dáng vẻ mình luôn mong muốn và ước ao. Tôn trọng sự khác biệt của chính mình sẽ đưa ta về con người thật, một con người sống đúng với mục đích, ước mơ.
Vậy ta nên làm cách nào để có thái độ tôn trọng ấy đây? Câu trả lời là hãy sống thật sâu, hãy suy nghĩ thật kỹ. Khi bạn cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, bạn sẽ nhận ra nét đẹp của những điều trước đó mình cho là tầm thường, xấu xí. Và hãy trân trọng bản thân mình khi hòa mình với vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người và đời sống xã hội. Khi đó, ta sẽ thêm yêu ta và khi yêu ta, ta sẽ càng yêu cuộc đời này. Tôn trọng bắt nguồn từ yêu thường và đồng cảm. Chúng ta nên trao đi yêu thương, trở thành con người vị tha, bao dung, biết đặt xuống bản ngã đầy cao ngạo để suy nghĩ, ứng xử. Khi sắm sửa một tấm lòng nhân văn, đôn hậu, sự trân trọng sẽ hình thành và tô lên những sắc màu tươi sáng cho xã hội chúng ta.
Ông vua dầu mỏ Rockerfeller đã nhận xét về Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ mười sáu của Hoa Kỳ: "Ngài Abraham Lincoln, vị tổng thống đầu tiên xứng đáng với Chúa và nhân loại". Một trong những lý do Lincoln luôn là vĩ nhân của loài người là sự tôn trọng những khác biệt của chủng tộc cùng lòng bác ái và vị tha. Sống ở thời đại mà nạn phân biệt chủng tộc ở xã hội Mỹ diễn ra đầy vô nhân tính, áp bức quyền sống và tự do của những người da đen, là một người da trắng, Lincoln đã thấu hiểu, đau xót và tôn trọng tuyệt đối với những kiếp đời da màu khổ hạnh. Trên cương vị của một tổng thống, Lincoln đã ban hành Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ. Ông đã giải phóng khoảng bốn triệu nô lệ thấp hèn và đè bẹp hơn hai mươi bảy triệu người với tư tưởng kỳ thị sắc tộc dã man. Nếu tư tưởng của Lincoln giống như phần đông người da trắng khác, nếu ông không tôn trọng về sự đa dạng chủng tộc, liệu bình đẳng sắc tộc sẽ chiếu rọi lên nước Mỹ từ ba trăm năm trước hay phải đợi đến một khoảng thời gian xa xôi nào đó, khi người da đen ngày càng bị dày xéo bởi sự phi lý và vô nhân đạo? Lincoln đã nhận ra và tôn trọng sự khác biệt màu da ấy, đưa nước Mỹ vào con đường chính nghĩa và nhân văn.
Khác biệt là điều hiển nhiên của xã hội. Tôn trọng là điều nên làm của đạo đức. Tuy nhiên, sự khác biệt rất khác so với cá biệt. Cá biệt là những điều làm trái với quy chuẩn đạo đức xã hội, vượt qua ngoài ranh giới của nhân đạo và nhân văn. Trong những trường hợp ấy, chúng ta nên tự nhận thức và sửa chữa những sai lệch của mình. Đồng thời, hãy truyền đạt và cảm hoá những người cá biệt bằng cảm thông và chân thành, để họ cảm thấy được quan tâm và từ đó định hình lại nhân cách, phong cách của mình.
Trước khi tiếp cận đề tài này, tôi đã mông lung không rõ về "tôn trọng sự khác biệt". Nhưng bây giờ, trong tôi lại có đôi phần hạnh phúc vì bản thân luôn trân trọng, đồng cảm về những khác biệt của mọi người xung quanh. Thế nhưng, đối với bản thân mình, tôi đã tự hỏi: "Liệu mình đã tôn trọng khác biệt của chính mình hay chưa?". Có những lúc tôi không dám nói lên suy nghĩ của mình vì sợ sai, sợ khác với mọi người, có những khi tôi quên mất mục đích thực sự của bản thân để chạy theo xu hướng của xã hội. Lúc này, tôi đang thay đổi, trân trọng con đường riêng của bản thân và theo đuổi ước mơ chính mình mà không sợ ai làm nản lòng, nhụt chí. Ngoại Thương là ngôi trường mà tôi hằng mơ tới. Tôi đã có dũng cảm để theo đuổi, dẫu khó khăn, chông gai vẫn cố gắng từng ngày.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top