Luôn có một con đường để tốt lành trở lại
Cuộc sống này chưa bao giờ ngập tràn màu hồng. Luôn có những khó khăn, những cơn biến động thình lình kéo đến làm náo động đời người. Trước những sóng gió ấy, ta nên làm gì đây? Liệu ta nên quyết tâm đối mặt hay chùn bước buông xuôi? Có ai đó từng dũng cảm gắng sức vượt qua nhưng rồi chịu thua và phó mặc cho thời gian giải quyết. Ai trong chúng ta cũng ít nhất vài lần như vậy. Thế nhưng, Hosseini Khaled nói: "Luôn có một con đường để tốt lành trở lại". Liệu rằng bản thân ta có thể tìm thấy ánh sáng trong mọi mê cung tăm tối tưởng như không còn lối thoát trên thế gian này?
Hossein Khaled là tác giả của cuốn sách "Người đua diều", viết về những năm nửa cuối thế kỉ 19 đầy biến động của đất nước Afghanistan. Trước tội lỗi của Amin với Hassan, Amin đã tìm ra con đường chuộc tội và sau cuối, những dòng tiểu thuyết xuất hiện một câu nói đầy tính nhân văn: "Luôn có một con đường để tốt lành trở lại". "Tốt lành trở lại"- là khi ta tự mình thoát khỏi những u ám của cuộc đời, của hồn người. U ám đó là hoàn cảnh éo le đã kiềm toả hạnh phúc, niềm vui, cũng là những góc khuất trong chính tâm hồn của ta với những dục vọng tầm thường. Khi ta vượt qua mọi u ám, là lúc ta "tốt lành trở lại", cảm nhận được cái đẹp, cái hạnh phúc chứa chan trong cuộc đời thường, thức tỉnh phần thiện lương, phần người khỏi phần con đầy bản năng vị kỷ. Có những nghịch cảnh quấn chặt lấy ta khiến ta tưởng rằng mãi mãi chẳng thể giải thoát. Nhưng Hosseini lại khẳng định "Luôn có một con đường", một phương cách để tìm ra lối thoát, tìm ra cánh cửa đưa ta khỏi bộn bề, kinh sợ. Câu nói nêu lên quan điểm của tác giả: Chúng ta sẽ gặp những chông gai nhưng nó đều có phương cách giải quyết.
Tại sao chúng ta lại "tốt lành trở lại"? Phải chăng trước đó, có điều gì đã khiến ta lâm vào bể khổ, khiến ta tuyệt vọng, chán trường? Đời người luôn bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh. Những áp lực cuộc sống đè nặng trên vai, những mối quan hệ gần gũi ngày càng xa cách đã gián tiếp đẩy ta vào hố sâu tăm tối. Đối với Amin trong "Người đua diều" là khi chiến tranh bùng nổ, một người con Afghanistan phải lưu lạc bao năm tại nước Mỹ xa lạ. Đối với cuộc sống ngày nay, là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, con người phải đối mặt với những nguy cơ thất nghiệp, với đồng lương còi cọc khi giá cả tăng cao. Chúng ta cũng phải đối mặt với sự nguội lạnh của lòng người trước tác động của công nghệ số. Đó là những yếu tố ngoại cảnh đưa ta ra xa hai chữ "tốt lành".
Vậy tâm hồn ta có những rào cản ngăn cách gì với điều tốt lành ấy? Như tôi đã nói, đó là dục vọng. Những suy nghĩ vị kỷ tầm thường khi tâm hồn chất chứa những tham lam, sân hận. Ta bị lòng hẹp hòi che khuất những phẩm chất cao quý, những thiên lương trong sáng cùng tâm hồn thanh sạch. Những góc khuất tâm hồn đã khiến ta hành động theo bản năng, làm những điều trái với lương tâm. Nhiều lần như vậy, bản thân ta bị giam hãm trong điều bất nhân, xấu xa và đê tiện. Chính mình đã tách mình ra xa những thiện lành, tốt đẹp.
"Luôn có một con đường để tốt lành trở lại". Đúng vậy! Trước bao góc khuất của ngoại cảnh và nội tâm, ta vẫn có thể tìm được lối ra, tìm ra sự giải thoát đưa mình đến ánh sáng. Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có một lần được sống, hãy sống một cuộc sống trọn vẹn. Bạn sẽ bỏ lỡ những tươi đẹp, hạnh phúc khi triền miên trong nghịch cảnh. Cuộc đời chưa bao giờ là đoạn thẳng kéo dài từ điểm đầu đến điểm cuối mà biến động không ngừng. Trên hành trình ấy, sẽ có hạnh phúc và cả đau buồn. Không hạnh phúc nào là mãi mãi và cũng không khổ đau nào là mãi mãi. Mọi thứ sẽ qua đi và trải qua một quá trình, một khoảng thời gian nhất định, ta sẽ tìm được bình yên sau những ngày giông tố.
Vậy nếu cuộc đời gò ép ta trong tăm tối, khiến ta cuốn vào những yếu tố ngoại cảnh chẳng thể gỡ rối được thì sao? Đó là lúc ta cần tìm ra con đường giải thoát cho tâm hồn. Cuối cùng, Hassan vẫn chết nhưng Ami đã giải thoát mình khỏi tội lỗi suốt hơn ba mươi năm trời. Khi đánh bại những rối ren trong suy nghĩ, ta sẽ cảm nhận được những niềm vui, những điều đẹp đẽ khuất lấp, ẩn tàng dưới chông gai cuộc sống. Tìm thấy hạnh phúc và an yên trong trong chông gai kiếp đời. Ta giải thoát tâm hồn khi dòng đời bế tắc. Tuy nhiên, kể cả không gặp những tác động tiêu cực từ bên ngoài, ta vẫn cần giữ một tấm lòng trong sáng, nhân văn.
Từ những quan niệm trên, tôi trăn trở một suy ngẫm: "Làm thế nào để vượt qua những sóng gió, chông gai?". Ta có thể phó mặc cho thời gian, để mọi thứ trôi đi mà không cần chủ động thay đổi. Nó có thể thành công nhưng thành công ấy thật mông lung, vô định. Hãy chủ động thay đổi, trong hành động và tư duy. Ta nên sống chậm hơn, dành thời gian cho nội tâm của mình. Hãy gọi tên cảm xúc, chỉ ra những khúc mắc trong tâm lý, tìm kiếm những hạn chế của tư duy. Sau đó, hãy dũng cảm, vượt qua bản năng để hướng đến điều tốt lành, lương thiện. Ta nên để tâm hồn thanh thản bằng cách cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp lòng người. Khi ta tân trang cho tâm hồn, ta sẽ nhận ra cái đẹp của cuộc sống và từ đó nội tâm lại thêm đẹp hơn, phong phú hơn.
Từ những suy ngẫm trong tâm lý, ta nên thay đổi trong hành động. Một cách dứt khoát và dũng cảm, chúng ta cần loại bỏ gốc rễ của mọi nghịch cảnh. Ta cần chấm dứt những mối quan hệ độc hại, những điều gàn dở, thừa thãi, cần tập trung phát triển những điều có ý nghĩa trong cuộc sống, quan tâm đến những người mình trân trọng, yêu thương. Và khi cảm thấy mình thật sai lầm và tội lỗi, như cách Amin làm, hãy đối mặt với sai trái, hãy đương đầu với nỗi sợ, hãy thay đổi bằng những hành động nhân văn.
Nazim Hikmet nói: "Nếu anh không cháy lên, nếu tôi không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối có thể thành ánh sáng". Yếu tố quan trọng nhất để thoát khỏi bóng tối là sự nỗ lực không ngừng. Đến với nước Anh xa xôi và gặp gỡ một nhà vật lý học huyền thoại, Stephen Hawking từ nhỏ đã là một thiên tài. Ông đỗ Oxford lúc mới mười bảy tuổi và đạt được danh hiệu xuất sắc khi chỉ học mỗi ngày một tiếng đồng hồ. Tưởng chừng tương lai sẽ thuận buồm xuôi gió với một bộ não thông minh như vậy, nhưng đến năm hai mươi mốt tuổi, Stephen đã mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên và chỉ sống được thêm vài năm. Trong nghịch cảnh ấy, có những người sẽ lâm vào tuyệt vọng, buông xuôi tất cả và chờ đợi cái chết. Nhưng Stephen đã luôn tin vào cuộc sống, sống với sự lạc quan và lòng nhiệt thành. Từ việc chống nạng rồi ngồi trên xe lăn, với thân hình còi cọc cùng những động tác chuyển động đầy khó khăn, Stephen vẫn dành một tình yêu to lớn cho vật lý. Sau cùng, từ những ngày nghiên cứu đầy gian nan với sự bất tiện và đau yếu trong cơ thể, ông đã nghiên cứu thành công lý thuyết về sự phình to của vũ trụ, trở thành một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất, có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ. Stephen Hawking chính là một đài bất diệt trong lĩnh vực khoa học vũ trụ của nhân loại. Hoàn cảnh của ông đầy khó khăn, cùng cực, nhưng dù thế, Stephen vẫn có thể vượt qua. Điều ấy càng chứng tỏ rằng, con đường để tốt đẹp hơn dẫu phong ba, bão táp luôn luôn tồn tại. Nó chỉ đang chờ bạn kiếm tìm.
Nghĩ lại về bản thân mình, tôi bàng hoàng nhận ra có những lúc chính bản thân mình đã thật ích kỷ, với mọi người và với chính tôi. Tôi không dám thực hiện những ước mơ của mình để khi thất bại lại âm thầm ghen tị với những người dũng cảm hơn. Khi trưởng thành hơn, tôi vừa xấu hổ, vừa tội lỗi trước những suy nghĩ vị kỷ ấy. Sau này, khi đã biết suy nghĩ thấu đáo hơn, tôi đã dũng cảm hơn để theo đuổi đam mê của mình, giữ một tâm hồn trong sáng, không ghen ghét, không ác cảm với ai. Nhưng đương nhiên, tôi vẫn có một tinh thần cạnh tranh đầy say mê, nhiệt huyết. Con đường phía trước thật dài và khó khăn, nhưng tôi sẽ "tốt lành" như đã nói, cháy lên và tỏa sáng hết mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top