Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí


Hướng dẫn giải

      Người lính nông dân, như một lẽ tự nhiên đã đi vào biết bao bài thơ trong văn học Việt Nam. Hình ảnh của họ hiện lên thật giản dị, gần gũi như Nhớ của Hồng Nguyên, Cá nước của Tố Hữu,… và cũng nằm trong mạch chung ấy, ta không thể không nhắc đến Đồng chí của Chính Hữu. Bài thơ là bài ca ca ngợi tình cảm đồng chí, đồng đội tha thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.

      Cũng như biết bao bài thơ viết về người lính nông dân khác, đọc câu thơ ta cảm nhận được sự lo toan vất vả, cuộc sống còn nghèo khó, nhọc nhằn của họ:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

      Họ thuộc mọi miền tổ quốc quy tụ về đây, người là vùng đồng bằng nước mặn đồng chua, người vùng trung du đất cày lên sỏi đá, dù ở miền quê nào cũng đều hiện lên sự khó khăn, cực nhọc. Nhưng ở họ đều có một điểm chung ấy là lên đường chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước. Từ anh với tôi đến câu thơ thứ ba đã có bước chuyển hóa mạnh mẽ thành đôi người. Không phải là hai mà là đôi, cho thấy giữa họ đã bắt đầu có sự gắn bó với nhau. Họ cùng nhau về đây, tự nguyện bên với nhau: Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rết chung chăn thành đôi tri kỉ. Họ không chỉ kề vai sát cánh bên nhau trong chiến đấu, trong lí tưởng mà họ còn bên nhau trong những khó khăn, gian khổ của cuộc đời chiến đấu. Cái giá lạnh của núi rừng Việt Bắc có thể làm lạnh cơ thể họ, nhưng nó lại khiến cho tình cảm của những người lính trở nên ấm áp, nồng đậm hơn. Câu thơ nói về cái rét, cái lạnh mà tuyệt nhiên người đọc không thấy hơi lạnh thấu xương, chỉ thấy một cảm giác ấm áp của tình người, của tình đồng đội, san sẻ với nhau những khó khăn. Hai chữ tri kỉ thật thiêng liêng, thật đáng trân trọng, họ không còn dừng lại ở đôi bạn như thuở ban đầu mới gặp, mà trải qua những gian lao, chia sẻ với nhau mọi điều họ đã là đôi tri kỉ, thấu hiểu nhau như hiểu chính mình. Câu thơ thứ bảy: Đồng chí, vang lên là kết tinh đẹp đẽ nhất của thứ tình cảm thiêng liêng đó. Nếu không kể nhan đề thì đây là lần duy nhất từ này xuất hiện trong bài thơ, câu thơ có vị trí quan trọng, bản lề khép mở hai mạch thơ chính của cả bài. Sáu câu thơ đầu là nền tảng, là cơ sở để đến đây được nâng lên thành một tình cảm mới mẻ, sâu sắc: tình đồng chí. Đồng chí ở đây không chỉ là những người gắn bó, yêu thương, quan tâm nhau mà họ còn có chung một mục đích, lý tưởng, ý chí phấn đấu. Bởi vậy hai tiếng đồng chí càng trở nên cao quý, đáng trân trọng hơn.

      Ở những câu thơ tiếp theo, tình cảm đồng chí, đồng đội được khắc họa cụ thể, rõ nét hơn. Họ - những người con của quê hương, dù mang trong mình ý chí quyết tâm, thái độ dứt khoát mặc kệ tất cả, gửi lại gia đình, ruộng nương để lên đường chiến đấu nhưng trong lòng họ vẫn không thôi khắc khoải, nhớ nhung về gia đình. Những hình ảnh giếng nước, gốc đa là những hình ảnh gần gũi, thân thương nhất với họ, bởi vậy họ luôn nhớ về chúng. Nỗi nhớ ấy cũng chính là nỗi nhớ về gia đình, về người cha, người mẹ đang ở nhà ngày ngày mong ngóng con. Trong cùng một hoàn cảnh, nên những người lính có sự đồng cảm sâu sắc với nhau. Họ cảm thông, thấu hiểu bằng tình cảm chân thành.


      Hình ảnh quê nhà, cùng với sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người đồng đội là nguồn năng lượng cổ vũ động viên họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách :

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng tránn ướt mồ hôi

Ao anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

      Câu thơ đã một lần nữa khắc họa hiện thực chiến tranh gian khổ, khốc liệt mà không ít chiến sĩ đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Họ thiếu thốn đủ thứ về vật chất: không giày, áo rách, quần vá. Nhưng họ có thể vượt lên tất cả hiện thực tàn khốc ấy bằng cái nắm tay nồng ấm, nó giống như cái bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi của những người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật. Chỉ cái bắt tay thôi mà mang lại sức mạnh to lớn cho những người chiến sĩ, để họ vững lòng tin, chắc tay súng bảo vệ tổ quốc: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo. Ba câu thơ cuối có thể coi là bức tranh đồng chí, đồng đội đẹp đẽ nhất về người lính. Trên nền hiện thực khốc liệt, hoang vu lạnh lẽo, những người lính bình tĩnh, chủ động, hiên ngang, nắm chắc cây súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Câu thơ cuối cùng là một hình ảnh thơ thật đẹp đẽ, lãng mạn, nó là biểu tượng cho người lính vừa anh dũng, kiên cường nhưng vẫn có nét thi sĩ, trữ tình, một tâm hồn đầy mơ mộng giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc. Đây cũng là vẻ đẹp trữ tình mới mẻ, đặc sắc của thơ ca thời kì kháng chiến đã được Chính Hữu vận dụng tài tình qua hình ảnh trăng và súng mà không hề bó hẹp, khiên cưỡng.

      Cả bài thơ toát lên hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ thật giản dị, chân thật. Người đọc còn có thể cảm nhận thấy tình cảm đồng đội gắn bó sâu nặng giữa những người đồng chí, đồng đội ấy. Chính tình đồng chí, sự cảm thông, thấu hiểu với nhau là động lực giúp họ vượt lên hoàn cảnh hiện thực khắc nghiệt. Kết hợp với ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi, hàm súc, tất cả các yếu tố đó đã gây nên sức ám sánh sâu đậm trong lòng người đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vanhoc