Ngày 2
Ngày 2:
Nhiều người được ba mẹ yêu thương.
Họ nghĩ ai cũng giống như vậy.
Hai câu này, là tôi nói với một người bạn trước khi khép lại khoảng thời gian dài chơi chung. Suy cho cùng, sự khác biệt giữa hai chúng tôi chẳng lớn, chỉ cần tôn trọng nhau là đã có thể tiếp tục duy trì tình bạn. Nhưng cả tôi và nó, hai người đều không thể làm được.
Một đứa cho rằng cảnh người mẹ ôm con giữa trời mưa gió đi bán vé số là rất đáng thương. Đứa còn lại cho rằng điều đó đáng trách nhiều hơn.
Bạn nghĩ xem, một trong hai quan điểm vừa rồi, đâu là tôi và đâu là nó?
...
Trong suốt hành trình trưởng thành này của tôi, tôi không phủ nhận những chuyện vui mà tôi và mẹ từng có. Nhưng nói thật, tôi cũng tự trách mình sao dễ quên quá. Khi trưởng thành lại chỉ ôm ấp lấy những niềm đau, nỗi buồn mà thôi. Chuyện vui vẻ thì tôi chẳng mang theo nhiều.
Bạn biết không?
Cái lời khuyên hãy sống tích cực và hãy suy nghĩ tích cực gì đó, đối với một người trưởng thành bằng những vết thương lòng như tôi...
Vô nghĩa lắm.
Đi được một phần cuộc đời rồi, tôi nhận ra không phải bản thân dễ quên như vậy, chỉ là sự trải qua của tôi được ví như những tai nạn cảm xúc mà thôi. Tôi vẫn nhớ những ngày mẹ con vui vẻ bên nhau, nhớ những cái ôm chầm của mẹ nhưng so với hàng chục vết thương mà tôi đã chịu. Những cái ôm của mẹ không tài nào băng bó nỗi.
Ngày tôi năm bảy tuổi, cuộc sống mà mẹ chọn đã đẩy tôi vào ánh mắt khinh chê của đời. Lúc đó, tôi có giơ cả mười ngón tay và mười ngón chân cũng không thể đếm cho hết số lần bị chửi rủa và khinh miệt. Đôi khi, tôi còn tự cho rằng việc mình bị chửi là đúng, dù người đứng ở phía đối diện đem những ngôn từ tồi tệ ném về phía tôi là ai cũng vậy.
Ngày tôi mười mấy tuổi, người buông lời cay nghiệt với tôi đã sống được nửa cuộc đời.
Ngày tôi sống được nửa cuộc đời, người buông lời cay nghiệt với tôi chỉ mười mấy tuổi.
Nhưng tôi khờ đến mức không biết hận thù, lúc nào cái cảm giác áy náy trong lòng cũng nhiều hơn cả. Nó khiến tôi quay ngược tự trách bản thân, trách bản thân ngay cả khi bị người ta đối xử thua một con chó.
Tại vì sao à?
Vì tôi được sinh ra ở cái tầm đó, sống cuộc đời con người theo cách mà mẹ nuôi những con chó.
Năm tôi sáu tuổi, ba giờ sáng đã thức dậy cùng với mẹ để đến một trong những căn nhà giàu nhất khu chợ đó. Mẹ tôi phụ dọn dẹp lặt vặt đến tầm sáu giờ, người ta trả cho được một con số nhỏ đủ để mua đồ ăn trong một ngày. Con hẻm nhỏ mà mẹ con cùng ở đó không có cửa nẻo đàng hoàng, nên mẹ không thể chọn cách nào khác hơn việc mang tôi theo.
Dù có những lúc, tôi không ngồi dậy nổi nên phải nằm lăn nơi góc cầu thang và tiếp tục ngủ. Có những khi khá hơn, tôi co ro ngồi vào một góc nhìn mẹ quần quật bên dưới căn phòng giặt đồ của họ. Mùi nước cống hôi thối xộc lên rất nặng. Chuột, gián, muỗi đưa tôi từ cơn sợ hãi tột cùng đến những tháng ngày đối diện với nó trong cái đau đầu đơn giản vậy thôi. Tôi không dám sợ nữa, vì nếu tôi sợ... công việc có thể kiếm ra tiền của mẹ cũng sẽ gián đoạn.
Mẹ thường nói: "Tao phải làm, mày chỉ có ngồi một chỗ thôi mà cũng la làng nữa hả? Chuột, gián thôi mà... có gì đâu mà sợ dữ vậy?"
Tôi biết, nếu mình không tự giác kiềm chế nỗi sợ hãi đó, việc làm ồn có thể khiến họ không thuê mẹ nữa. Vậy là dù cho gián có bò lên chân, tôi cũng chỉ ngồi im không dám hé miệng nửa câu than thở.
Tôi không còn sợ nữa, nhưng cũng không biết mùi nước cống đã trở thành một trong nhiều nỗi ám ảnh lớn của tôi sau này.
Xong việc, nhận tiền.
Trên đường về mẹ sẽ ghé mua cho tôi phần đồ ăn sáng mà tôi thích nhất. Có một lần, tôi ôm gói xôi mặn về con hẻm nhỏ rồi để trên bàn, phải tranh thủ chui xuống gầm sạp quần áo của nhà bên cạnh để hốt mấy đống phân chó đã đi đêm qua. Mẹ không bắt ép tôi phải làm điều này, tôi chỉ tự giác làm vì không muốn nhà bên cạnh nặng lời với mình. Họ khó chịu vì đám chó con mà mẹ tôi nuôi chui xuống gầm sạp của họ rồi ỉa ra đó. Mùi hôi thối khiến việc kinh doanh ảnh hưởng, nhưng vì mẹ tôi là một người có cá tính mạnh, thỉnh thoảng mẹ cũng ngông và hay chửi đổng. Họ không dám trực tiếp góp ý với mẹ, vậy thì chỉ còn cách là chửi cho tôi đủ nghe mà thôi.
Thỉnh thoảng, con trai dì Thanh – chủ của sạp vải... thằng bé đó nhỏ hơn tôi vài tuổi, nó gặp tôi trên đường sẽ nói là tôi: "Hôi mùi cứt chó!"
Không chỉ nói, nó còn bịt mũi và chạy xa thật xa khiến tôi bẽ mặt với đám bạn cùng đi bộ. Bà nội của thằng bé tuy là rất tốt, nhưng đối với chuyện này thì cũng cay nghiệt góp ý với tôi. Ngày hôm đó, tôi nhớ bà chặn đường khi tôi vừa đi học về, mẹ bận giác hơi cho một người khách quen. Bà tranh thủ lúc không có mặt mẹ tôi ở đó đã rất thẳng thắn phê bình việc mẹ nuôi bầy chó đẻ, để chó con kêu la om sòm, còn để chó chui xuống gầm sạp của con dâu bà mà ỉa dưới đó.
Dù chỉ mới sáu tuổi, tôi cũng phân biệt được những điều người khác phàn nàn với mình là đúng. Dù những lời bà nói có cay nghiệt đi chăng nữa, tôi cũng cảm nhận được phần lỗi của mình và không hề trách giận bà. Ở cái tuổi bồng bột của tôi... tôi đã thầm cảm thấy biết ơn vì bà thẳng thắn nói ra với mình những điều như vậy. Tôi tự nghĩ ra cách giải quyết là chui xuống hốt sạch những phần dơ bẩn đó trước khi người ta dọn hàng.
Cứ như vậy mỗi ngày trước bữa ăn sáng, tôi đều cầm đèn pin chui xuống gầm sạp, dùng những chiếc hộp giấy xé ra để hốt sạch phân chó con bên dưới. Xong xuôi rồi, tôi mới đi tắm rửa thay đồ và ngồi trước con hẻm nhỏ để mà ăn sáng.
Sáng hôm đó, lúc trở ra thì hộp xôi mặn của tôi đã bị con chó mẹ ở trong bầy xé ra tanh bành. Như bao đứa trẻ con khác ở trong chợ, xảy ra chuyện như vậy tôi chỉ biết nói với mẹ mà thôi. Chỉ khác là mẹ tôi không giống như mẹ người ta, nghe được chuyện con chó xé đi hộp xôi, mẹ quay sang hỏi tôi một câu mà tôi nhớ mãi:
"Là tại mày hay tại tao?"
Tôi còn nhớ những câu sau đó, nhưng bây giờ để viết nó ra... ngay cả bản thân tôi còn không tin được là mình thật sự đã từng trải qua những chuyện như vậy.
"Tao đi kiếm tiền mua đồ cho mày ăn mà mày không biết giữ thì thôi chớ? Mày còn nói với tao làm gì?"
Lúc đó tôi không phân định được là mình đã đúng hay sai, cũng không thắc mắc xem mẹ đúng hay sai. Suy cho cùng, lựa chọn đi hốt phân chó là do tôi, để hộp xôi trên bàn cũng là do tôi, phí số tiền giặt đồ vất vả của mẹ cũng là do tôi. Vậy nên tôi chấp nhận để bụng trống không mà vào lớp học.
Trưa về nhà, điều khiến tôi vui mừng nhiều nhất là nhìn thấy mẹ đứng trước cổng trường đợi đón. Dù buổi sáng vừa bị la xong, nhưng chỉ cần cùng đi bộ về với mẹ, kể cho mẹ nghe chuyện ở trường... vậy là tôi đã nguôi ngoai sự ngậm ngùi vừa nhận lấy vào buổi sáng.
Bữa cơm trưa vào ngày "có tiền" của mẹ con tôi cũng đơn giản lắm. Bởi vì số tiền đó còn phải chia phần cho vài tấm vé cầu may, chia phần vào trong vài điếu thuốc của mẹ. Nhưng dù phải ăn cơm với cá khô mặn, hay húp vội chén nước rau luộc, đối với tôi chỉ cần được ngồi bên mẹ trước cái bếp củi bốc khói nghi ngút là đã ấm áp lắm rồi.
Có những ngày may mắn với bữa cơm trưa no bụng, tôi sẽ đi rong ruổi khắp chợ để nhặt những miếng carton, đi dài ra bờ suối để tìm cây khô đem về nhóm lửa. Mặc dù ở cái độ tuổi đó, đám bạn bè của tôi có đứa còn được mẹ đút lấy từng muỗng cơm. Nhưng dù có vất vả bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không thấy mệt mỏi và kiệt sức. Tôi không sợ cái khổ ập đến nơi cuộc đời mình...
Mà chỉ sợ những ngày mẹ chìm ngập vào cơn say.
Sợ cái được gọi là cảm giác yêu thương nhất thời mà tôi vẫn nhận từ mẹ. Trong khi tôi thật sự rất cần một tình thương dài hạn và xa xăm. Tôi không cần ăn một bữa no thật no, để rồi phải thấp thỏm nghĩ xem còn tiền để dành cho bữa sau không? Tôi có thể chịu thiếu thốn thật nhiều ngày, nhưng ngày nào cũng không phải lo sợ mình bị đói.
Điều mà lắm khi tôi cũng nói với mẹ, nhưng lại chỉ nhận được đôi câu phớt lờ mà thôi.
"Tại sao mẹ lại buồn, lại khóc... khi bán đi một con chó để có tiền mua đồ ăn cho con... mà mẹ lại không buồn những lúc nó ăn mất phần đồ ăn con đã để dành?"
Con đáng thương lắm có phải không? Cả tuổi thơ dài đến như vậy đã quen so bì với những con chó mẹ nuôi.
Lẽ ra mẹ chỉ cần dànhhết yêu thương cho mình con thôi là đủ. Nếu như con may mắn giống những đứa trẻxung quanh, có lẽ con cũng không phải ganh tị với đám chó làm gì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top