Khi gió thổi

CHƯƠNG 1: Khi gió thổi
Ghi chép: Năm 1935, xã hội loạn lạc, người người đói khổ. Dân mình sướng nhất có bọn địa chủ và dòng dõi quý tộc. Chúng "ăn tay trên" của những người khốn khổ, qua lại với bọn Tây là chuyện đã thường. Riêng về trí thức, tuy có chiều hướng "ba gai" mà cũng khổ không kém ("đốc tờ"* còn đỡ chứ cái phận văn thơ nổi danh thì được nhờ, chìm nghỉm thì lại chẳng nghèo kiết xác).

Hoàng Nhân Tuấn đờ đẫn nhìn lên trần nhà tòa soạn X, trong lòng thầm thán phục trình độ điêu khắc siêu tỉ mỉ của những gã kiến trúc sư phương Tây. Đây là tòa soạn chuyên ngành lớn nhất khắp cả nước và cũng là nơi giao lưu văn nghệ giữa các thi sĩ, văn sĩ có tiếng trong giới. Hoàng Nhân Tuấn nhìn vào lão phó tổng biên tập trước mắt - gã vận một chiếc com-ple kệch cỡm nhưng sang trọng, một đôi giày da có vẻ đắt đỏ, rất phù hợp với những chiếc xế hộp cồng kềnh đang bấm còi inh ỏi ngoài đường phố. Cậu lại nhìn xuống bản thân mình - trẻ tuổi nhưng ăn vận không hợp thời trong bộ đồ tây đã xỉn màu, to bất thường so với kích thước cơ thể cùng hai má đã gầy sốp đến độ hóp kỹ lại, da thịt cũng chẳng còn bao nhiêu. Thật ra thì cậu cũng không muốn thế, chỉ là hoàn cảnh đẩy đưa đến bước đường này, không có cách nào thoát khỏi được. Lại nói, Hoàng Nhân Tuấn trước giờ vốn dĩ là nhà văn, năm nay độ 25 tuổi, đã có vợ và một đứa con trai. Gia đình ê hề là thế nhưng cậu thì nghèo kiết xác, đến tiền ăn cho một người còn chẳng kham nổi, nói chi đến vợ con. Thế là cứ như bao nhà khác trong làng, đi cày ruộng thuê cho nhà địa chủ giàu có trên huyện, tiền không nhiều nhưng vừa đủ lay lắt sống. Cái nghiệp văn chương đã bám theo y từ hồi cha sinh mẹ đẻ nhưng không phải muốn là làm được. Trước kia, y có quen biết một vị trí thức làng bên, danh xưng La Tại Dân, sở trường thơ trữ tình. Năm kia anh ta rời làng, cũng chẳng biết là vô tình hay hữu ý để lại cho y một bài thơ phải nói là rất sến, đề mục "gởi tặng Hoàng Nhân Tuấn". Lúc ấy y đọc cũng không thấy có gì bất thường, nghĩ rằng tên này thật yếu đuối, song sau này cũng chẳng gặp lại.

Xui xẻo thay, Hoàng Nhân Tuấn không chỉ tịt đường tài mà đường tình có vẻ cũng thua nốt. Vợ cậu là một ả đàn bà đanh đá và vô cùng ích kỷ. Ả cứ lải nhải mãi về chuyện tiền bạc, về việc Hoàng Nhân Tuấn bất tài ra sao và cứ mãi so sánh cậu với ông này, bà nọ. Những lúc như thế, Nhân Tuấn cũng lấy làm bất lực, một mình ôm con ra ngoài hiên dạy chữ. Đứa con trai của cậu tuy chỉ mới năm tuổi nhưng đã rất hiểu chuyện. Nó biết rằng cái bủa vây nhà nó là cái nghèo khổ, từ nhỏ đến lớn chưa từng đòi hỏi điều gì. Hoàng Nhân Tuấn thương con vô cùng tận, trìu mến đặt con tên "Hoàng Nhân Minh". Nhân trong nhân ái, Minh trong thông minh. Thế nhưng, sự hiểu chuyện của con trai hay sự cam chịu của Hoàng Nhân Tuấn cũng không đến được với trái tim của ả đàn bà tham lam nọ. Vào năm con cậu tròn 5 tuổi, ả ta quyết làm liều, mặc cho không còn trong trắng, lén lút bỏ đi lừa cưới một gã giàu có trong huyện cho sướng đã cái thân mình, bỏ lại phía sau chồng và con trai. Chuyện xảy ra sau đó thì Hoàng Nhân Tuấn không rành lắm, chỉ nghe loáng thoáng có người làng bên bảo gã đàn ông kia phát hiện cô ta không còn trong trắng thì nổi giận đùng đùng vứt ả vào nhà chứa, cho đi làm đĩ, ngày đêm hầu đám khách làng chơi. Cái việc mất nết hư thân đó bấy giờ cũng khá thịnh hành, nói chung để kiếm ra đồng tiền thì phẩm giá cũng chẳng còn quan trọng. Mặc khác, Hoàng Nhân Tuấn biết chuyện lại tức tối dữ dội. Cậu vừa thương con, vừa thương ả như một chút nghĩa tình còn sót lại. Hoàng Nhân Tuấn sợ con mang tiếng "con của đĩ", triệt để cắt đứt mọi liên hệ xưa cũ, một lớn một nhỏ lên thành phố lớn tìm cơ hội được biết đến.

Ấy thế, chuyện nổi tiếng cũng chẳng dễ dàng như xơi cái kẹo, uống tách trà. Văn chương của Hoàng Nhân Tuấn cứ như một "viên ngọc thô", có chất nhưng cần được mài dũa, cần được phát hiện. Nhưng mới đây thôi, gã phó tổng biên tập của tòa soạn X lần thứ 5 trong tháng vứt thẳng tay bản thảo còn chưa khô mực của cậu vào sọt rác ngay khi gã còn chưa đọc lấy một chữ. Cũng như mọi lần, y chỉnh lại cổ áo sơmi màu sữa, giở ra chất giọng chua ngoa như đấm thẳng vào tai người khác:

"Cậu Hoàng, hình như cậu chưa hiểu. Nhìn bên đó đi, ấy là nhà của ông đốc tờ nổi danh nhất nhì khu, vậy mà tôi còn không nhận bài của tên nhà văn nhờ ông ấy gửi giúp."

Gã bắt đầu kể lể vô tận rằng có ông này ông kia gửi đến nhưng cũng không nhận, suy cho cùng cũng là đạo lý "phải có người đỡ lưng" mà Hoàng Nhân Tuấn đã nghe đến phát chán. Tất cả điều này cậu đều biết, đều hiểu. Thế nhưng người như thế thì tìm đâu ra? Cậu không phải không muốn dựa vào người khác, chỉ là bất khả**. Giữa chốn thành thị hoa lệ, xa hoa và lộng lẫy, chẳng có kẻ điên giàu có nào tự dưng lại ban phát phước lành cho tên nghệ sĩ vô vọng.

Kể từ khi lên phố cũng đã tròn trĩnh một tháng. Cậu và con trai thuê được căn nhà bé xíu trong một góc của thành phố, vừa đủ cho hai người ở. Chỗ này điều kiện sinh hoạt so với ở làng còn kém xa hơn nhiều: tường bong tróc và ẩm mốc, không khí cũng chẳng trong lành nhưng đã đến đây thì cũng đành chịu. Duy có điều làm Nhân Tuấn khó chịu nhất đó chính là nơi này nằm ở ngay phía sau nhà chứa lớn nhất thành phố, ngày đêm phải chứng kiến nhiều cảnh tượng trai gái rất buồn nôn: những tên macô*** nhiệt tình đến suồng sã, mụ chủ với chiếc áo dài nửa kín nửa hở chẳng che nổi chiếc bụng vĩ đại của ả và còn có...rất nhiều đĩ. Hoàng Nhân Tuấn sợ rằng, rồi sẽ có ngày đứa con trai của y bắt gặp mẹ nó ở đây. Trong đầu của một đứa trẻ khi ấy liệu sẽ nghĩ gì? Sẽ nghĩ đến điều gì khi nhìn mẹ nó hớ hênh trong những bộ váy ngắn cũn, với những cử chỉ khiêu dâm không hợp mắt dành cho những gã đàn ông xa lạ? Thành thật mà nói, y cũng không biết bản thân mình sẽ cảm thấy như thế nào. Cứ cho là...thương cảm! Xót xa thay cho cái thân phận đàn bà nhục nhã, phải chi có tình nhân bao nuôi thì còn đỡ, chớ không cả đời còn phải tiếp dài dài những đám khách làng chơi. Ngộ nhỡ cô ả mắc phải bệnh lậu rồi chết đi ở đất người thì khổ quá, thì buồn quá! Hoàng Nhân Tuấn không muốn nghĩ tiếp, chỉ biết rằng nhất định phải rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Hoàng Nhân Minh vẫn rất hiểu chuyện, ban ngày cùng cha đi đánh giày cho những gã đàn ông lịch lãm tới lui nhà chứa, tiền đủ ăn qua ngày, tạm thời có thể duy trì sự sống.

Bữa nay, Hoàng Nhân Tuấn cũng thất tha thất thiểu đi về nhà (tựa như bao hôm trước). Con trai vừa nhìn dáng vẻ của cha đã biết ý, không đề cập đến chuyện tòa soạn. Nó lảng lảng đi ra gian sau, tay chân bận rộn bê ra một nồi cháo nhỏ vẫn còn hơi âm ấm trước ánh mắt ngỡ ngàng của ông bô. Thấy thế, nó vội vàng phân định:

"Bữa nay con đánh giày cho một ông kia, ông ấy cho 10 hào ạ. Con lấy một ít đi mua cháo, phần còn lại để đưa cho cha ạ."

Nó nói với điệu bộ tự hào không tả nổi, tay phối hợp đưa cho cậu số tiền còn lại trong túi áo đã rách tươm. Hoàng Nhân Tuấn cảm thấy rất khó hiểu. Chưa từng có ai chỉ đánh giày thôi lại trả đến tận 10 hào. Cậu toang muốn tra hỏi cho ra nhẽ, chẳng may lại vạ vào việc gì không hay thì lại chết mất! Cái số đã khổ lắm rồi, nom không chịu nổi cái khổ nào hơn nữa. Hoàng Nhân Tuấn nhìn theo đứa con đang múc cháo ra hai cái bát con con, không nhịn được hỏi:

"Ông ấy cho con thật à? Sao lại trả nhiều tiền thế kia?"

Thấy cha nhìn mình bằng ánh mắt quỷ dị, như chợt nhớ đến điều gì đó, nó đứng bật dậy, trông chỉ bé tí hon nhưng lời nói lại đĩnh đạc không tưởng:

"Thưa cha, ông kia xưng là đốc tờ Paul Lý, người nhà thống đốc Lý ở lộ trên. Ông đốc tờ Paul Lý bảo cha đến gặp ông ở cửa phía nam nhà thống đốc Lý vào giờ thìn ngày mơi."

Nó nói một mạch, cố gắng để không cắn vào lưỡi khi cứ phải lặp đi lặp lại chữ "Lý". Hoàng Nhân Minh kéo tay ông bô còn đang đứng trời trồng giữa nhà, vui vẻ đẩy một chén cháo đầy về phía cha. Bên đây, Hoàng Nhân Tuấn chợt cảm thấy bất an khó tả. Y đã từng nghe La Tại Dân kể về thống đốc Lý (làm sao gã biết thì Nhân Tuấn cũng không rõ). Ông thống đốc danh xưng Lý Hoàn - chủ của nhiều đồn điền cũng như đất đai trong nước. Người đàn ông này sớm nổi danh về độ độc ác, lại còn vô cùng hà tiện. Ông ta lắm khi thẳng tay đánh đập người làm trong nhà đến chết, nhiều lần bóc lột, tra tấn những người nông dân nợ đất, nợ thuế. Lại nói, ông Lý có hẳn ba người con trai trong gia phả: cậu hai Paul Lý được cho sang Anh đi học từ nhỏ, sớm trở thành người nối nghiệp nhà họ Lý. Không có quá nhiều thông tin về cậu hai Paul Lý hay đứa con trai út mà La Tại Dân còn chẳng biết tên nhưng danh tiếng của cậu ba Lý Khải Xán thì nổi vô kể. Lý Khải Xán là một tên công tử ăn chơi trác táng chánh hiệu, bao thứ như tửu, sắc, yên và đồ (rượu, gái, thuốc phiện và cờ bạc) đều tìm đến như cơm bữa. Gã nhiều lần bị ông Lý phạt roi ngay trước sân nhà nhưng mãi mà không chừa, tiếp tục nghênh ngang đi ban phát tiền tài cho khắp các cửa hiệu đắt đỏ trên phố, lắm lúc bị bắt gặp khi còn đang phê thuốc ngay trước vài đồn điền xa gần. Trước kia, khi La Tại Dân kể những chuyện phiếm về nhà ông kia bà nọ, Hoàng Nhân Tuấn chẳng mảy may lấy làm quan tâm, thế mà đến hôm nay lại cần dùng tới. Y còn nhớ khi kể đến người con cả Paul Lý, La Tại Dân đã làm ra bộ dạng như trông thấy ma quỷ. Gã thi sĩ lắm mồm vẫn thường bảo:

"Nhân Tuấn, tôi nghe người ta đồn Paul Lý rất ác độc, xem người khác là cỏ rác chẳng phải điều khác thường. Để xem...là trăng! Anh ta chính là trăng!"

*Đốc tờ: doctor/Bác sĩ
**Bất khả: không thể
***Macô: tiếng pháp là Maquercan, để chỉ những tên đi gọi gái cho khách làng chơi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top