Một thúc đẩy sáng tác


" Dedicate yourself and you can find yourself
Standing in the hall of fame."

Người ta nói thời thế tạo anh hùng. Mà bản thân bọn nó sinh ra cũng là người trần mắt thịt, do cái hoàn cảnh thì mới bộc phát và có chỗ dùng khả năng ẩn tàng. Thử hỏi anh hùng mà sinh ra trong cuộc sống ấm no hạnh phúc, chả ai đả động đến cuộc sống của họ, thì đã chẳng có mấy bộ Marvel cho giới trẻ xem. Mấy ông nhà văn cũng thế. Bác giáo sư bên khoa văn cứ bảo thời nay chả viết được gì ra hồn. Văn chương nhạt như nước ốc. Lại thêm mấy cuốn ngôn tình làm mù mắt giới trẻ, đọc lại cứ hão huyền ra. Ngẫm lại thì cũng đúng, xa xưa thì có Thơ Đường, lại gần chút nữa có mấy ông bà lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,... gần ta hơn lại có mấy ông "khổng lồ" mà cái thằng Pháp nó đào tạo nào là Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... rồi cả văn học hiện thực có Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,...

Thế thời nay có ai ? Mà có, thì cũng có một số ông viết được, tuân thủ cái nguyên tắc sáng tạo của văn chương, viết về cái sự thật ở đời. Mà văn cũng thường, chẳng có sáng tạo, chẳng có mới mẻ, so với các bậc tiền bối thì quả là thua xa. Có viết, có sáng tác, thì vẫn mãi chả đập được cái điển phạm (canon) mà mấy ông trước xây . Cũng đúng, thời thế tạo anh hùng. Có loạn lạc, có đau khổ, có biến cố mới có văn chương đích thực. Thời đại chạy đua vật chất, sống sung túc thế này, ai dám cày xới ra bộ mặt của xã hội. Họ còn lo sống, sống cho thân mình đã, viết quan trọng gì.

Ai mà đọc "mối chúa" rồi thì mới thấy, nó lật tung cả xã hội tham nhũng như Vũ Trọng Phụng tát vào mặt xã hội chó đểu. Mà "xã hội" ăn tát thì mấy ông lớn làm to có mà nhục mặt, nói trúng tim đen không đau cũng thột. Thế là thu hồi. Giờ tìm được nghe cũng khó. Hồi xưa cấm viết còn thể viết chui viết lủi, giờ cấm thì mấy ông nhà văn có mà bó tay. Đành ngậm bút mà nhỏ lệ. Có lật mặt ra thì cái xã hội mới tốt lên, chứ chả nhìn mấy ông chủ nghĩa hiện thực, đào sâu vào đáy xã hội, đi sâu vào "con người bên trong con người". Đó mới là văn chương.

Tôi sang nhà chị Ánh, học đại học sư phạm văn ở đại học Tôn Đức. Mà may thay, tôi học cấp ba, nằm trong đội tuyển quốc gia, nên mấy ông giáo sư bên đại học Tôn Đức tôi cũng được nghe giảng cả . Nào ông Dũng Huy trưởng khoa, kiến thức lão lành uyên thâm, văn chương Việt Nam và thế giới chả có gì không biết, đến thơ Hai cư của Nhật hay thơ Trung mà ông còn viết được cả nguyên tác. Ông bình mà cứ như chim hót, già cả mà còn sung sức, dạy chả biết mệt, còn cả ông Thanh, chuyên mảng văn học trung đại. Hay ông Đặng, cô Lê.

Vừa bước vào cổng nhà đã nghe tiếng đọc thơ lanh lảnh :
"Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong".
- Chà, chào chị Ánh, lại đọc mấy câu của ông Bính buồn não ruột ra đấy.
Chị sai thằng em ra mở cổng, nó mới lớp 9, thua tôi có 1 tuổi. Nó lại theo lệ, chào tôi thật to : " Chị Nhung, chị lại sang chơi đấy à ". Tôi cũng ừ đại, cả nhà nó theo văn, mà mỗi mình nó theo toán. May là lễ phép biết điều, lại ngoan ngoãn, không thích múa mép. Tự nói với bản thân, tôi ghét nhất trên thế giới là loại đàn ông nói nhiều, tính đàn bà. Mà đối với nó, cũng có cái thiện cảm.

Tôi bước vào nhà, cầm theo 5 đề văn cô mới ra. Chết thật đấy ! 5 đề văn trong 1 tuần lễ. Thế này thì có mà viết, mà có viết, cũng là viết máy móc, sáng tạo ý hay ý mới đâu ra nữa. Tôi thích một nét văn cao ngạo, tôi thích một nét văn chỉ mình tôi có, không ai có, tôi thích cái độc lạ. Khi tham gia kì thi chọn học sinh giỏi Duyên Hải và Đồng Bằng Bắc Bộ, tôi may mắn được huy chương vàng. Nhưng ngẫm lại, có những ý trong bài làm, quả thực vượt khỏi đáp án, nhưng không sai. Lúc đó tâm thế vô thức, viết theo một lối hoàn toàn khác, cho nên có những ý, cả tôi cũng không ngờ đến. Nhưng mà kể từ khi vào luồng, bị ép chặt cho kì thi học sinh giỏi quốc gia. Lối văn sáng tạo mất đi phân nửa, học nhồi nhét đuổi cho kịp chương trình, bắt học sinh nhớ trước khi cảm thụ, bắt học sinh thuộc lòng trước khi phát hiện điểm mới.

- Chị Ánh, Lý Bạch khi xưa vì mê trăng, đắm theo hơi tửu, chạy theo cái đẹp mà ngã vào sông trăng chết. Say rượu mới thoát khỏi cái phàm tục của nhân gian.

Chị quay đầu lại nhìn tôi. " Cho nên viết là tự giết mình. " là giết bản thân ư. Thế thì ai dám cầm bút lên mà viết nữa đây. Chết thật ! Tôi cũng thấy có người chết vì tiền tài danh vọng, chết vì ngu, chết vì ham hố mà chưa thấy ai chết vì nghệ thuật. Đó là những câu chuyện trong quá khứ. Thời nay càng không có, và không thể có. Có chăng người ta hiểu "giết mình " là cống hiến, đem cái tinh hoa quý nhất của bản thân đem hội tụ vào văn chương. Chứ chằng có ai vì văn mà bỏ mạng, mà không màng cuộc sống.

Lý Bạch cũng đúng là tự giết mình vì văn chương, vì cái đẹp. Mà kể cả trong " Yêu miêu truyện", Bạch Cư Dị viết nên Trường Hận Ca cũng là đánh đổi sinh mệnh, phá nát cõi lòng vì một Dương Ngọc Hoàn, vì Dương Quý Phi mà ông hão huyền, mê hoặc bản thân vì cái không thực. Rút ruột rút gian, đánh đổi mà viết, thì mới có kiệt tác.

- Em sang hỏi bài đúng không ?

Tôi khẽ gật đầu. Sang học thì ít. Mà bàn chuyện đời thì nhiều.

- Sau này, nếu chị là cô giáo, chị sẽ dạy chúng nó cảm thụ văn chương, hay dạy chúng nó sáng tạo nghệ thuật ?

Ngu ngốc, đúng là ngu ngốc. Một câu hỏi ngu ngốc, ngu hết đường.

- sao em lại hỏi câu này ?

Ý tứ của một sinh viên loại giỏi, con cưng của các giáo sư, người sẽ thành giáo viên của nhiều thế hệ đúng là không bình thường.

- Em chỉ tò mò.

- Người có tố chất thì họ viết văn rồi, còn chúng ta là những người bình thường, chỉ mong là người nghiên cứu, cảm thụ văn học. Tư chất viết những áng văn kiệt tác, chúng ta không thể, chỉ là dùng chút tâm tư, cố gắng mà cống hiến cho văn đoàn.

- Nhưng các cô giáo của em không như vậy, chị nhìn xem, 5 bài tập văn trong 1 tuần, dạy và học đến cực đoan, em không muốn. Em muốn viết văn, em muốn viết điều mới, em cũng không muốn là nhà văn. Em chỉ muốn viết, viết để thoả lòng, viết để đối thoại, viết ra những điều chưa ai viết. Em không muốn viết những gì người khác đã viết, càng không muốn dẫn đưa một lối văn sáo mòn.

Chị chỉ nhìn tôi và cười, tôi không nhìn ra một chút tâm tư nào của chị. Nét mặt vừa cứng rắn, cương nghị lại vừa ôn hoà.

- Nhưng đời không có cho em viết đâu. Lãng mạn có những đỉnh cao của nó, hiện thực cũng có. Ngay cả siêu thực, cả những lĩnh vực thơ Hai cư trước đây em chưa từng được tiếp xúc cũng có rồi. Truyện ngắn có những truyện về quan niệm văn chương, nào là Hộ, là Giôn xi... rồi truyện ngắn về cuộc sống con người. Cả tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết hiện thực. Mỗi đỉnh cao đều có một giọng văn riêng

- Nhưng em biết không, văn học hiện thực của những đỉnh cao cũng chỉ mới viết về thời của họ. Còn thời của ta là khác, thơ ca luôn mang một điệu thở chung, đỉnh của thơ chính là đáy của lòng người, nhưng cảm xúc của bà Xuân Hương, cụ Nguyễn Trãi khác với Tú Xương, khác Nguyễn Khuyến. Rồi khác cả Trần Dần, Lê Đạt,... chỉ cần em có một đôi mắt mới mẻ, một cái nhìn riêng biệt, một tấm lòng đối với văn chương. Thì cái em viết ra chẳng bao giờ cũ.

Tôi hiểu rồi. Nhưng sao tôi vẫn thấy nghề văn bạc. Họ có nghe tiếng lòng của một đứa 16 tuổi không. Khi nó viết về nhân sinh, về cuộc đời, họ có nghe một kẻ điên nói về tại sao nó điên không ? Có thể chứ, Thằng Chí Phèo. Nhưng tôi lại khác. Quan niệm văn chương gắn với cuộc đời, gắn với đời sống con người và những xung đột bên trong, như Williams Faulker và nhiều người nói quả chẳng sai, thì cũng đúng là thực tại qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ, và cũng cả quan điểm mĩ học trong văn chương. Văn chương ý thức đầy đủ nguyên tắc sáng tạo của nó rồi, vậy kẻ đến sau này ? Đóng góp được gì nữa ? Đáng buồn.

Vậy viết cái cũ cũng không đành mà viết cái mới chẳng được. Thế hỏi sao thời nay chằng có mấy thiên tài văn chương nữa. Người ta không viết, không sáng tạo mà chỉ chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu. Ý thức của họ, là một áng văn bất hủ sẽ không được sáng tác nữa. Mà có viết, có phản ảnh chân thực đi vào bề sâu, có tình cảm dạt dào, thì cũng không vươn tới, không bước qua được nền văn học cũ được. Nên họ cứ bình thôi.

Có một đề bài thầy Đặng cho chúng tôi về câu nói của Vũ Trọng Phụng, " các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và những người cùng chí hướng muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời". Bây giờ không tìm được cái mới trong sáng tạo nghệ thuật nữa. Khó lắm ! Nên tìm cái mới trong phê bình văn chương. Mà cái phê bình ấy chả có hồi kết. Ngay cả chúng ta còn đối thoại được với Nguyễn Công Trứ khi ông nói về Kiều :
" Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Tấm thân tàn đem bán lại chốn thanh lâu"
Vì văn của ta là chủ quan, là sáng tạo, nên tiếp diễn mãi mãi.
Khi nào mới lại có một Nguyễn Du, một Nam Cao ? Nhưng tôi không muốn là họ, tôi chỉ muốn là tôi, viết những trang văn khiến người ta phải suy ngẫm, và kể cả khi không viết được gì lớn lao, cũng đủ bút lực mà ghi lại tôi đã sống như thế nào ?

- chị ạ, khi nào mới có một bình minh mới trong nền văn học nước nhà ? Bình cái cũ dù có mới cũng khiến em cảm thấy quá đỗi xưa. Em mong chờ một kiệt tác. Không phải những gì quá tầm thương. Một áng văn hay, mới lạ, và độc đáo để ta bình, để ta suy ngẫm.

- Sao em không là người ấy ? Chị đã năm cuối, gần ra trường, chị không có cảm hứng. Chỉ là những gì chị có ngày hôm nay là sự cần mẫn, yêu văn. Nhưng tự sâu một con người như chị không hề có tố chất, mà như thế, có viết bao nhiêu cũng chằng nên hồn.

Tôi chỉ mỉm cười. Tôi sẽ viết một điệu văn khiến người khác suy ngẫm, tôi muốn viết văn khoét sâu vào xã hội, tôi muốn viết văn của uyên bác, ngông cuồng, tôi muốn viết cho cái đẹp. Quả thực tham lam. Nhưng nếu không tham lam thì đời chán quá. Một áng văn thâu gộp, một ánh văn của sử thi, của cách mạng, của hiện thực, của lãng mạng. Một áng văn kết tinh. Có thể không ? Tôi sẽ viết chứ ?

- Giáo dục chán quá. Muốn cũng không được, em viết rồi ai đọc đây?

Nhìn vào con mắt chị long lanh, tôi biết, chị sẽ là người đầu tiên nghiên cứu bình áng văn đầu tiên trong cuộc đời tôi, dù thành hay bại.

———————————————————
Tác giả : Hồng Nhung
Tuổi     : 16
Sinh ngày : 12/02/2002

Nếu bạn có bất kì điểm nghi ngờ hoặc trăn trở về bài viết đầu tiên này. Xin hãy inb cho mình nếu có thể. Chúng ta sẽ có cơ hội giao tiếp và hoàn thiện nhận thức cho nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top