Chữ PHAI
Đời cứ chảy trôi thế, mà cũng có lúc thịnh, lúc suy, lúc đậm đà, lúc phôi phai. Đôi lúc tôi cảm nhận được cả hơi thở thời gian, như cứ dần tắt lịm, xuôi về một thời dĩ vãng, tôi bỗng thấy đồng cảm sâu sắc với ông Xuân Diệu. Cái ông viết sao mà như thanh âm rung lên trong bản nhạc tâm hồn của rất nhiều người. Mỗi tác phẩm viết ra cứ như tâm lí nhân loại, khiến độc giả mọi thời đều không quên được. Đó là chữ Phai !
Tối qua bỗng ngẫu hứng tán chuyện cùng một người đã lâu chẳng ngó tới, bỗng thấy trong hai tâm hồn có sự đồng điệu nhất quán. Anh hơn tôi 5 tuổi, năm nay 21. Là sinh viên ngành kĩ thuật, anh chẳng yêu mến thiết tha gì văn chương, nhưng anh yêu những bài hát thấm đượm chất thơ bàng bạc nỗi đời. Hôm qua anh bảo tôi nghe bài "vì đời". Thế là bật youtube lên nghe, cả bài hát, tôi bỗng khựng lại ở một khúc giai điệu :" có khi nắng cũng phai màu".
Ta cứ sống mà tưởng nắng là nắng thôi, mà nắng cũng có lúc phai. Ta nghe nắng hanh, nắng gắt, nắng nhẹ, chứ chưa nghe nắng phai màu. Hình ảnh lạ thật !
Mà lại dùng "có khi". Sao không là nắng phai màu. Mà lại là "có khi nắng phai màu".
Phải chăng là một điều hiển nhiên, nhưng không phải vậy. Tôi xin trích một đoạn :"Màu "nắng" của Trịnh Công Sơn lại rất lạ, giàu chất thơ và biểu cảm, "nắng" có màu hồng và có cả vị nồng say, dịu ngọt:
"Nắng có hồng bằng đôi môi em?
Mưa có buồn bằng đôi mắt em?
Với nữ sĩ Anh Thơ, nắng lại có sắc màu khác. Nắng ở đây là một màu đỏ thắm vì sự khúc xạ của hoa lựu đơm đầy trong buổi trưa hè:
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.
Nhưng sắc nắng trong "Trường tương tư" lại là màu hường:
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng (...)
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi.
Nắng thu trong thơ Tố Hữu thì có màu xanh như màu của da trời biêng biếc, vời vợi nhưng nghe sao mà chới với, chơi vơi:
Bác đã đi rồi, sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời.
"Nắng" trong thơ Xuân Diệu, do sự phản chiếu với bờ cát trắng phau nên sống động, lấp lánh và trong suốt như pha lê:
"Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê"
Vậy là thi ca có nắng ửng, nắng tía, nắng vàng, nắng xanh, nắng hường, nắng hồng, nắng đỏ, nắng pha lê... nhưng cái phai của nắng vẫn lạ thật. Hình ảnh đẹp nên thơ vậy. Bỗng tạo một chiều sâu giao cảm với thính giả, tạo cảm giác miên man khắc khoải. Tôi lại nghe "chuyện đời".
"Em ơi thanh xuân nào đâu có lâu
Ôi bao nước mắt cuốn trôi nhan sắc phai mầu
Mỗi lúc ta thấy mình lại bạc thêm chút râu
Ai cho ta xin chút thanh xuân sau lớp da nhầu."
Thấm đượm cả bài hát như nỗi niềm hoài cổ, tiếc. Anh nói anh nghe khi muốn bắt lại nhịp thở với đời. Tôi hỏi, nghe nhạc thế này có bị chán sống không, anh bảo không, nghe chữ phai mà thấy tươi hẳn. Ngoài văn chương, âm nhạc cũng diệu kì. Anh dạy tôi rằng, ta đừng cố hiểu cuộc đời, mà hãy cảm nhận nó. Có hoà mình làm một phần của đời thì mới sống một cách toàn vẹn. Còn ai dành cả đời đi hiểu cho hết lẽ đời, thì là sự thất bại ngay khi mới bắt đầu.
Ngay cả trong văn chương, người ta hay "cảm đời". Xuân Diệu cảm đời, Hàn Mặc Tử cảm đòi, Nguyễn Bính cảm đời, và kể cả Victor Huy gô cũng vậy. Mà nhà văn cần nhất là cái cảm nhận về đời. Một cái nhìn, một quan điểm, một cách cảm. Người ta đâu có cần anh viết những bản lí luận triết học khô khan, họ tìm đến anh để anh kích lại nhịp sống cho họ, làm họ thấy yêu thêm, thương mến thêm cuộc đời. Dù anh nói về chữ phai phôi nhưng người ta vẫn yêu những vần thơ, nhạc điệu mà anh viết.
Tôi có niềm xúc cảm đặc biệt với phai phôi. Cái mùi tháng năm, cái vị thời gian, nó mang một sắc như trời xanh quang đãng, đẹp, tinh khiết trong lành nhưng chẳng bao giờ chạm tới. Nó cứ chảy trôi về những miền trời xa lạ. Xưa kia trời đất là một, mà càng ngày lại càng xa. Có những buổi trưa hè ngước lên nhìn bầu trời cao rộng, tôi bỗng man mác một nỗi niềm khắc khoải. Xa quá, như cái thời mà ta chẳng thể níu giữ lại.
Chữ phai khi nào cũng làm ta sợ, nhưng cái gì càng phôi phai càng làm ta lưu luyến khôn nguôi !
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top