Ngày vắng
Tôi choàng tỉnh giấc bởi hồi sấm rền vang giữa cái chảo trời đen kịt không đựng lấy một gợn mây xốp bồng. Màn đêm không rực sáng, lối nhỏ vẫn tối om, và thành thị phía sau lưng toà cao ốc mấy mươi năm tuổi cũng chỉ như những ngọn đuốc bắt lửa màu xanh đỏ chớp nháy, thắp lên nhờ hộp quẹt thơm mùi tiền, tài, xác, máu, và mồ hôi mà thôi.
Không, không. Không còn bất kì cơn giông nào kéo đến vào đêm hè này nữa.
Thượng đế rốt cuộc cũng rủ lòng xót thương cho những đứa con của ngài. Một cách muộn màng, vô nghĩa, khi mà chúng chẳng cần đến, dù chỉ là một giọt mưa li ti, để bước đi trông thảm hại như hiệu ứng trong cảnh phim truyền hình phát sóng vào giờ cơm chiều.
Cố nhiên, những đứa con của ngài không khóc. Sự đời bạc bẽo buộc chúng sống ngỗ nghịch: để tuyến lệ ngược ngạo chảy về hốc mắt, gói ghém, chôn vùi tất thảy sâu dưới đáy lòng, mặc kệ ấy là làm trái với quy tắc mà ông cha tại thượng đã đề ra từ thuở quả đất này hình thành. Nên chúng nào cần ngài giấu hộ bằng một màn mưa?
Vì rằng mưa hay không mưa cũng có khác gì nhau đâu, khi đời vốn dĩ được định sẵn là một mùa bão tố.
Và thượng đế thì là một ông cha tồi. Lẽ ra ông ta không nên để tất cả những điều ấy xảy ra, những cơn giông ồ ạt kéo vào đời, để rồi vờ vịt bù đắp bằng một ngày trời quang đãng. Ngay từ đầu. Quả là cồng kềnh, quả là làm lòng người ta nặng đến vô ngần.
Tôi không hay trách trời, từng coi khinh những kẻ chỉ biết đổ lỗi cho số phận. Nhưng lần này, ông ta làm tôi chán ngán.
Tôi chỉ hơi thất thần, đứng sững người dưới mái hiên cửa hàng tiện lợi ngay phía chân toà trụ sở cũ, mải chìm trong những miên man của chính mình trước khi bị thực tại nện cho một cú đau điếng.
Em không ở đây.
Vài giờ trước đây thôi, tôi vẫn nhớ rõ cái cảm giác hai bên thái dương đau đến ngỡ nứt toạc vì âm thanh báo máy bận cứ hoài ráo riết bám đuôi nhau vang lên lạnh tanh giữa buổi xế hạ gắt gỏng, lẫn vào tiếng đế giày nện mấy vòng lên sàn gỗ kêu lộp cộp và niềm nức nở sắp trào dâng trong những lời cầu nguyện của mấy kẻ xung quanh. Và gì nữa? À, cánh cửa phòng tập thình lình bị giật tung sau đó, mái đầu nâu thẫm của ai đấy lấm tấm mồ hôi trong khi người nọ chống gối, giọng run rẩy không rõ là vì nhịp thở hổn hển vẫn chưa kịp ổn định lại sau chuyến chạy vội, hay vì lời sắp sửa nói ra.
Hanbin không ở kí túc xá. Hanbin không ở phòng thu của em.
Em thôi lì lợm ngoan cố trốn trong đấy cả ngày trời, khoá trái cửa và lén giấu đi những buồn đau riêng em như mọi hồi. Rồi điều gì xảy đến tiếp nữa? Chả rõ. Hoặc rằng là vì những việc ấy quá đỗi vụn vỡ để tôi đừng quên lãng, hoặc rằng do bởi tay chân bắt chệch nhịp với nghĩ suy. Tất cả những gì đọng lại trong trí não tôi giờ đây chỉ còn là tiếng cửa đóng sầm vọng đến từ sau gáy và đoạn đường đã từng đi đến quen gót trải thứ tơ lụa óng ánh dệt nên bằng một miền kí ức xưa cũ cứ không ngừng chắp vá.
Ở nơi cuối đường, ngay đây đây, nơi mũi giày tôi đứng sững không còn thể bước tiếp, kiếm hoài mà người đâu sao chưa thấy dáng? Rồi tôi chợt ngộ ra, ngẩn ngơ trong một thoáng hoang mang, ngỡ ngàng.
Này tôi, miền kí ức ấy đã đứt đoạn từ bao giờ rồi?
Những sợi tơ xoắn xít quấn vào nhau, rối tung rối mù như cách tôi nhớ về em, về chúng tôi, về những ngày xa xưa không rõ tháng nọ năm nào. Những ngày ban công giăng đầy áo thun quần thụng bết bát mồ hôi, hoài bão hong khô khát vọng treo trên khuông nhạc.
—
Tay tôi chạm lên bờ tường đã sớm bong tróc sơn vẫn ám bao lời ca mình từng viết, từng vang vọng khi mở tung cánh cửa căn phòng thu cũ chật hẹp. Tôi và em, dành mấy mấy năm trời cắm cọc ở nơi này, giữa bốn bề kín mít, gục đầu lên bản thảo ý tưởng bài dựng cho buổi đánh giá hằng tháng vương vãi vụn bánh pringles vị hành mà Hanbin yêu nhất.
Mấy giờ rồi? Ngày hay đêm? Không ai biết, không ai đáp lời. Không ai còn hỏi, không ai buồn hỏi.
Ánh mặt trời đã từng là tia sáng hắt ra từ màn hình vi tính lưu trữ những tệp nhạc, còn màn đêm là màu tóc đen nhánh của em thỉnh thoảng hai đứa biếng nhác nằm dài ra bàn. Nhìn nhau. Mệt nhoài.
Rồi những khi đói meo, Hanbin sẽ kéo tôi ngồi bệt trên bậc thang thoát hiểm, ngửa đầu húp cạn nước mì còn sót trong cốc. Em bảo, ăn trong đấy sẽ để lại mùi. Mà em thì không muốn mình chỉ nhớ mỗi vị bữa ngon.
Em không ở đây.
—
Hanbin không ở đây.
Tôi đã chạy khắp mấy hàng quán loanh quanh tòa trụ sở cũ nơi chúng tôi thường nhẵn mặt ghé ngang cái thời thực tập xưa lắm, trước khi căn phòng thu nhỏ bị tách làm đôi, nhưng lỗ tai nghe thì chẳng chia hai nữa. Chúng tôi dọn đến những góc trời riêng, rộng rãi hơn, lắm tiện nghi hơn, và cũng kết giao bạn mới. Nhưng đó không phải là căn phòng thu cũ, không phải là chúng tôi, không có tôi cùng em. Tôi say sưa lắc lư theo những giai điệu em chưa từng nghe, quên dần cơn ngứa ngáy khi ngọn tóc em mềm khẽ cọ lên vầng trán giữa hai mái đầu châu vào một chỗ, quên dần tiếng em reo hò mỗi lúc chăm chú nghe tôi lôi ra cho bằng hết đống ý tưởng dính nị trong đầu. Hanbin thích chúng, và việc ấy đem đến cho tôi cảm giác thỏa mãn kì lạ vô cùng. Cũng phải, có tên nghệ sĩ nào mà chẳng sướng đến ngây ngất khi đón nhận tiếng hoan hô nồng nhiệt của quần chúng khán giả đâu? Chắc chỉ đơn giản là vậy, bản chất hư vinh thuần tuý của một kẻ hành nghề ca nghệ, hay điều gì đó hơn cả thế. Tôi không biết, không muốn biết. Dù gì cũng có còn nữa đâu. Mất cả rồi, mất sạch.
Khi tôi dừng chân tại nơi này, tôi biết mình sẽ không tìm được em ở bất kì đâu, bất kì đâu mà tôi biết, nhớ đến và có thể nghĩ được.
Hanbin khác trước nhiều.
Em đã từng bay cao, bay rất xa với đôi cánh chắp nên bởi niềm kiêu hãnh và những ngông cuồng ngày chập chững vào đời. Em trông thấy bạt ngàn biển người, trông thấy núi rừng cao tầng đồ sộ. Em bước ra khỏi căn phòng thu chật ních, em đứng dưới ngọn đèn, em chu du khắp bốn bể qua những chuyến lưu diễn dài tận bao tháng trời ròng rã.
Sau tất cả những điều ấy, nơi xa nhất em có thể đến được đã không còn là bờ sông Hàn năm nào nữa rồi.
Có điều, Hanbin dường như đã từng gửi cho tôi tín hiệu, rất nhiều là đằng khác. Tín hiệu chỉ cho tôi biết vị trí của em. Và cả mấy lời không rõ nghĩa của những người xung quanh nữa.
Chanwoo từng nói với tôi trong lúc say mèm, vẫn cái kiểu láu cá như thường lệ: để ý ánh mắt anh Hanbin nhìn anh nhiều vào, đần ạ; hay cách lão Jinhwan vẫn ngầm kéo chúng tôi lại gần nhau hơn.
Họ biết điều gì đó. Có lẽ tôi cũng vậy, nhưng tôi chọn phủ nhận. Tôi cố lờ đi đôi con ngươi long lanh của em mỗi khi nhìn tôi, ngay cả khi bản thân có thừa cơ hội thẳng thừng đối diện với chúng đi chăng nữa.
Hanbin đẹp. Thảng hoặc, cái sự đẹp của em khiến tôi bối rối, và buộc mình bác bỏ những suy tư trong lòng. Em, nét thiện lành của em, cùng mái tóc sáng màu bạch kim, cùng những buổi sớm tinh mơ chạy lịch trình dưới cái nắng dịu êm nữa. Thiên sứ, đầu tôi bỗng chốc bật ra cụm ấy khi bước sau lưng em, và ánh nhìn của em thì là ngọn lửa trộm về từ địa ngục. Tôi khao khát chúng, muốn chiếm đoạt lấy, nhưng không thể. Bản án phạt tựa lưỡi gươm treo lủng lẳng trên đỉnh đầu đang đợi tôi, và mọi thứ sẽ kết thúc một khi tôi vươn tay với lấy. Ngọn lửa kia sẽ thiêu rụi chúng tôi mất.
Chúng tôi, tất cả chúng tôi, bảy người.
Vậy nên tôi buộc mình tách khỏi em, kìm hãm bản năng của bất kì tên loài người nào lại. Bản năng yêu và được yêu. Hào quang không đồng giá với những bóng đèn màu chớp nháy, nó đắt bằng hàng triệu ánh nhìn dõi theo và tràng vỗ tay dội vang từ dưới khán đài nữa. Tôi không có quyền tham lam, không có quyền quyết định bất kì điều gì thay những người khác, những người anh em, đồng đội sát cánh kề vai. Kể cả là, tôi có trở thành một thằng đồng tính bệnh hoạn, một tên khốn ích kỉ, hay một gã trai hèn nhát đi chăng nữa, kể cả là như vậy, họ không đáng. Nỗ lực của họ không đáng đưa tôi phí hoài.
Thành thử, tôi vờ cau có, cố tỏ ra bài xích những cái chạm khẽ khàng. Những nhịp rơi bất chợt của một trái tim đang đập, những nỗi đau đậm màu dần nơi con ngươi đen láy như bức màn trời từng có dải đèn sao vắt ngang của em năm lần bảy lượt bị khước từ.
Dần, bóng em nhạt màu, phôi phai, trong cả xưa lẫn nay và mai này, sau vô vạn những lần nhu nhược lảng tránh.
Tôi lạc em rồi, chẳng rõ là từ bao giờ nữa.
—
Em trở về cùng đôi vai run lẩy bẩy ẩn nhẫn dưới chiếc áo khoác hiệu mà Yunhyeong yêu nhất, ngoái đầu lại nhìn khi ai đưa mình lướt qua nhau. Một khắc ấy, tôi ngỡ mình sẽ trông ra từ đáy mắt em dù chỉ một vì tinh tú còn sót lại, trộm lấy, và đem cất lên hòm trời trống hoác trên đầu.
Nhưng tiếc thay, dự báo nói rằng cái tiết sớm mai là cái tiết ảm đạm, vì bầu trời đêm mười hai tháng sáu năm mười chín đã trót nhuốm màu buồn thương.
Tôi bước ngang qua cái tổ người đang vây ôm lấy em, trở về nhà, về phòng mình. Hình như có đôi mắt ai đấy níu lấy vạt áo tôi khi tôi xoay lưng, đầy thống khổ, tuyệt vọng, tựa lời khẩn cầu của một mảnh hồn sắp tan ra dưới cái buốt lạnh giữa đêm hè vậy. Dẫu thế, tôi không thể quay đầu, không thể đối diện với Hanbin. Tôi không cho phép, không được phép.
Thứ nhất là, kẻ duy nhất không tìm thấy em chính là chẳng ai khác ngoài tôi. Tôi cứ mải bận tự chất vấn lòng mình, bận hoài nghi với những gì vốn đã được bày ra trước mắt từ lâu. Hanbin có lẽ yêu tôi, và tôi cũng yêu em nữa. Nhưng điều đấy liệu có nghĩa gì không khi ái tình đã lỡ mất mùa đơm nở? Đã qua rồi cái thời đẹp nhất cho ái tình kết trái, ngày sau này chỉ còn độc mỗi phong ba. Em vui sao? Em cười sao? Tôi có thể đem đến cho em an yên sao? Không, chắc chắn rồi. Tôi lo sao được cho đời em hạnh phúc khi phận mình vẫn hoài lênh đênh?
Thứ hai là, thật sẽ nực cười quá đỗi nếu đến tận lúc này đây, tôi mới hét lên, gào thi với gió, rằng tôi nhớ em, tôi muốn giữ em lại, muốn sống và bị người đời chỉ thẳng vào mặt như một thằng đồng tính bệnh hoạn, một tên khốn ích kỉ, một gã trai hèn nhát giấu diếm tâm tư bấy lâu nay. Dẫu vậy, đấy chẳng hề là một cảnh tượng xúc động, tôi cũng không là nam chính trong những tập phim dẫn đầu làn sóng Hallyu. Sẽ chỉ là một mớ hỗn độn chồng chất lên một mớ hỗn độn có sẵn mà thôi. Vô nghĩa. Phiền hà.
Thật tình thì, tôi là một quả bom lép. Tôi vốn dĩ được châm ngòi để nổ tung, để xé toạc cái lớp vỏ "hình tượng" mà công ty kì công đắp nặn cho, để giận dữ, để chỉ trỏ vào giữa biển người và chửi đổng lên như cách tôi vẫn thường làm với những con beat máu lửa vậy.
Nhưng không, tôi vô năng, tôi chết yểu dưới những cái ngoác mồm đang chực chờ nuốt chửng lấy em. Tôi không thể che chắn cho em, không thể làm bất kể điều gì, dù là nhân danh tình yêu, tình bạn hay thậm chí là tình người đi chăng nữa.
—
"Hanbin đi đâu?"
"Bờ sông Hàn", tôi nhận được câu trả lời từ Donghyuk rạng sáng hôm sau khi nó đã thôi khóc vì kiệt sức. Tôi không phụt cười khi trông thấy gương mặt lấm lem cùng đôi con ngươi đỏ ửng của nó nữa. Như kiểu, điều đó thậm chí chả hài hước ở cái chỗ khỉ gió nào cả, vẫn luôn là như vậy. Chỉ là khi đó chúng tôi vui, còn vui, nên việc chi cũng làm mình cười. Hoặc là, bấy nhiêu không đủ để vớt vát cái tình cảnh hiện tại, không đủ để tôi ép mình nặn lên khoé môi cong cong.
Căn nhà đã im lìm những tiếng thút thít của anh Jinhwan vọng sang từ phòng bên cạnh. Mấy chai rượu rỗng của Junhoe ngừng lăn lốc trên sàn gỗ rồi va vào tường, vài vệt nước rơi vãi trên tập thơ của nó cũng chóng khô.
Không, không nên là như vậy. Sao em không chạy thật xa, chạy khỏi nanh vuốt sắc nhọn của bầy chó săn vẫn luôn rình rập bám theo vết chân em bước vào đời, chạy khỏi ánh mắt soi mói của chúng người độc địa sâu cay đang hô hào nhau đem em lên giàn xét xử? Hanbin nên chạy chứ, chạy đến nơi người ta không còn quan tâm em là ai, em làm gì; chạy đến nơi người ta chỉ trông em gai mắt vì những cú va chạm tình cờ dọc cung đường đông nghịt người có khả năng làm lỡ mất thì giờ quý hơn vàng, và chỉ thế thôi, không còn vì bất kì điều gì khác.
Em cũng nên thay đổi chứ, sau ngần ấy chuyện, em nên khác xưa, em nên không còn là em ngày nào nữa, như tôi đã nghĩ. Phải không?
À đâu, nào có. Ra là em vẫn vậy, em vẫn giữ hoài cái nét thơ ngây, khờ dại, mặc cho dòng lũ thời gian chảy xiết cuốn trôi cái mã ngoài hào nhoáng của cuộc đời, mặc cho vận tốc tịnh tiến của trái đất dần nhanh đến độ muốn hất văng ta phiêu bạt giữa ngân hà, và mặc cho tôi đổi thay, chúng ta đổi thay. Là chúng ta, là cách mình bên nhau.
Không phải em, chưa từng là em.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top