I
Chúng tôi đang bàn luận về việc thiếu thốn tính đa dạng trong đời sống người Mỹ, sự vắng mặt của những nét đặc sắc nổi bật. Không phải tại một câu lạc bộ (1). Đây là một cuộc trò chuyện tự phát của những người tình cờ ở cùng nhau, và đã rơi vào một thói quen không thể cưỡng lại được là tình cờ ở cùng nhau. Có thể đã có một câu lạc bộ nghiên cứu về việc Thiếu thốn Tính đa dạng trong Đời sống người Mỹ. Các thành viên bắt buộc phải dành riêng một khoảng thời gian nhất định cho nó, tham dự như một nghĩa vụ, và có tâm trạng để thảo luận về chủ đề này vào một thời điểm đã hẹn trong tương lai. Họ bỏ ra một phần quý giá khác trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại cho cuộc sống cá nhân.
(1) Chỉ những câu lạc bộ tư nhân dành cho tầng lớp thượng lưu.
Có một suy nghĩ gợi ý rằng vào một thời điểm nhất định trên khắp Hoa Kỳ, vô số câu lạc bộ có thể đang tìm hiểu về việc Thiếu thốn Tính đa dạng trong Đời sống người Mỹ. Chỉ thông qua cách này, theo phương pháp hiện tại của chúng ta, mới có thể trông đợi đạt được bất cứ điều gì liên quan đến sự thiếu thốn xa lạ này. Dường như phi lý khi có thể tạo nên sự đa dạng bằng cách tất cả cùng làm một việc vào cùng một thời điểm, nhưng chúng ta hiểu được giá trị của nỗ lực tập thể là thế nào. Những người quan sát hời hợt cho rằng dường như tất cả người Mỹ sinh ra đã bận rộn. Không phải vậy. Họ sinh ra với tâm lý sợ không được bận rộn; và nếu họ thông minh và đang nhàn rỗi, họ có ý thức trách nhiệm phải nhanh chóng lấp đầy thời gian biểu của mình và không để thừa khoảng trống nào. Đây là sự tận tâm ở phụ nữ chứ không phải thao thức. Có một ngày dành cho âm nhạc, một ngày dành cho hội họa, một ngày dành cho việc trưng bày trà phục, một ngày dành cho Dante, một ngày dành cho kịch Hy Lạp, một ngày dành cho Hiệp hội Cứu trợ Động vật Cơ nhỡ, một ngày dành cho Hiệp hội Tuyên truyền của người Anh-Điêng, v.v. Khi một năm kết thúc, khó có thể ước tính những điều đã đạt được bởi hoạt động không ngừng nghỉ này. Riêng lẻ thì có thể không nhiều. Nhưng hãy nhìn xem Chaucer (2) sẽ ở đâu nếu không nhờ thành quả của những câu lạc bộ Chaucer, và tác động như thế nào lên sự tiến bộ chung của mọi thứ được tạo nên từ sự tập trung cộng tác của rất nhiều bộ óc về vị thi sĩ này.
(2) Geoffrey Chaucer, một tác giả và nhà thơ người Anh được vinh danh là cha đẻ của nền văn học Anh.
Một người hoài nghi bảo rằng các câu lạc bộ và vòng tròn kết giao là để tích lũy thông tin hời hợt và trút nó lên người khác, mà không có nhiều sự say mê của cá nhân đối với bất kỳ ai. Giống như tất cả sự hoài nghi, điều này chỉ chứa một nửa sự thật, và đơn giản có nghĩa là sự truyền bá thông thường của thông tin được lĩnh hội một nửa không nâng cao trình độ thông minh chung, vốn chỉ có thể được nâng cao bằng cách tự trau dồi thấu đáo, bằng cách tiếp thu, lĩnh hội, suy ngẫm cho bất kỳ mục đích nào. Con ong bận rộn là một ví von ưa thích về chúng ta, và ta có xu hướng bỏ qua thực tế rằng phần ít quan trọng nhất trong ví dụ của chúng là vo ve xung quanh. Nếu đàn ong chỉ đơn giản là tập hợp lại với nhau và kêu vo ve, hoặc thậm chí mang theo mật đường chưa tinh chế từ một cuốn bách khoa toàn thư về mật đường chẳng hạn, thì sẽ chẳng có lượng mật ong nào được thêm vào kho tích trữ chung.
Cuối cùng, ai đó trong cuộc trò chuyện sẽ nghĩ đến việc ngăn chặn sự đơn điệu mệt mỏi này trong đời sống người Mỹ. Và điều này mở ra một khía cạnh mới trong cuộc thảo luận. Tại sao lại như vậy, với mọi chủng tộc dưới bầu trời được đại diện ở đây, và mỗi chủng tộc đang đấu tranh để khẳng định chính mình, và không có sự đồng nhất nào được thiết lập ngay cả giữa những dân tộc thuộc các Tiểu bang lâu đời nhất? Lý thuyết cho rằng các cấp độ dân chủ, và việc theo đuổi khắc khoải một đối tượng chung là tiền bạc có xu hướng trở nên đồng dạng, và cơ sở giao tiếp đó lan rộng khắp vùng đất tương tự như xu hướng ăn mặc; và lặp đi lặp lại khắp mọi nơi như một kiểu phong cách nhà ở, và như các trường công lập khiến tất cả trẻ em ở Hoa Kỳ có sự thông minh ngoài mặt giống nhau. Và có một quan niệm nghiêm trọng hơn, rằng trong một xã hội không có giai cấp, có một loại áp đặt của dư luận xã hội đè bẹp lên những đặc thù cá nhân, mà nếu không có chúng thì giao tiếp giữa con người với nhau chẳng hề thú vị. Đúng thế, một nền dân chủ không khoan dung đối với những biến thể so với chuẩn mực chung, và một xã hội mới cho phép các thành viên của mình ít phạm vi lệch chuẩn hơn so với một xã hội cũ.
Nhưng ngoài tất cả những điều này, người ta cũng phải thừa nhận rằng khó khăn mà tiểu thuyết gia Mỹ gặp phải là tiếp cận được với những gì được chấp nhận rộng rãi là đặc điểm của đời sống người Mỹ, rất khác biệt trong những loại hình ở các khu vực cách xa nhau, những quan điểm khác nhau ngay cả trong các quy ước, và lương tâm tác động một cách rất khác biệt đối với các vấn đề đạo đức giữa cộng đồng này và cộng đồng khác. Bộ phận này không thể áp đặt cho bộ phận khác những quy tắc của nó về sở thích và khuôn phép trong cách hành xử—và sở thích thường có tác dụng mạnh mẽ trong việc xác định cách hành xử tương đương như nguyên tắc—cũng như để làm cho văn học của bộ phận đó được bộ phận khác chấp nhận. Nếu ở xứ sở của mặt trời và hoa nhài, cá sấu và cây sung, văn học New England dường như vô cảm và rụt rè trước những cảm xúc chi phối của cuộc sống, lẽ nào chúng ta không nên cảm ơn Thượng đế vì sự đa dạng của khí độ cũng như của khí hậu mà về lâu dài sẽ cứu giúp ta khỏi sự giống nhau mà ta đang trôi dạt vào đó?
Khi tôi nghĩ về đất nước rộng lớn này với sự chú ý vào những phát triển của địa phương, tôi ấn tượng với những điểm khác biệt hơn là những điểm tương đồng. Và bên cạnh đó, nếu người ta có khả năng phác hoạ ra một cá nhân duy nhất trong một cộng đồng đồng nhất nhất, thì thành phẩm này sẽ khiến mọi người sửng sốt. Do đó, chúng ta không thể tự tâng bốc mình rằng ta đã loại bỏ những đặc điểm của bản chất con người theo các quy luật và cơ hội bình đẳng. Nhìn từ xa, số đông người dân Nga có vẻ đơn điệu như thảo nguyên và làng xã của họ, nhưng các tiểu thuyết gia Nga tìm ra cá tính được cá nhân hóa một cách hoàn hảo trong số đông này, và quả thực, khiến chúng ta ấn tượng rằng tất cả người Nga đều là những hình đa giác bất quy tắc. Có lẽ nếu các tiểu thuyết gia của chúng ta cũng nhìn những cá nhân một cách chủ tâm như vậy, họ có thể tạo cho thế giới ấn tượng rằng đời sống xã hội ở đây cũng khó chịu như trong những tiểu thuyết ở Nga.
Đây là một phần nội dung của những gì đã đàm luận vào một buổi tối mùa đông trước đống củi lửa trong thư viện của một ngôi nhà ở Brandon, một trong những thành phố nhỏ của New England. Giống như hàng trăm nhà ở thuộc loại này, nó nằm ở vùng ngoại ô, giữa rừng cây, một mặt hướng tầm nhìn ra các đỉnh chóp và toà tháp của thành phố, còn mặt kia là một vùng quê đổ nát với những cây cối và nhà tranh mọc thành cụm, vươn cao về phía một dãy đồi mang màu tím và sự ấm áp trên nền màu rơm nhạt của hoàng hôn mùa đông. Điều thú vị trong hoàn cảnh này, ngôi nhà là một trong nhiều nơi trú ngụ thoải mái, mỗi ngôi nhà đều biệt lập, nhưng đủ gần nhau để tạo thành một khu phố; có nghĩa là, một nhóm những người hàng xóm tôn trọng sự riêng tư của nhau, nhưng đôi khi vẫn chuyện trò vui vẻ cùng nhau mà không có chút quy ước nào. Và một khu phố thực sự ngày càng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Tôi không chắc rằng những người nói chuyện trong cuộc đàm luận này đã bày tỏ tình cảm dứt khoát, thực sự của họ, hay họ có phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã nói hay không. Không gì có thể chắc chắn giết chết quyền tự do phát ngôn bằng việc có vài người đơn giản ngay lập tức trừng trị bạn vì một số nhận xét bốc đồng lóe lên trong chốc lát, thay vì đùa giỡn với nhận xét ấy và tung hứng theo cách phơi bày sự vô lý của nó hoặc chỉ ra giá trị của nó. Tự do bị đánh mất khi có quá nhiều trách nhiệm và sự nghiêm túc, và sự thật có nhiều khả năng được tìm ra trong một trò chơi khẳng định và phản bác sống động hơn là khi phải cân nhắc tất cả các từ ngữ và cảm xúc. Một người không thể nói ra những gì họ nghĩ cho đến khi những suy nghĩ của họ được phơi bày ra ngoài, và chính những nguỵ lý sáng suốt và hành động mạo hiểm hấp tấp, bốc đồng trong cuộc đàm luận thường mang lại hiệu quả cao nhất cho cả người nói và người nghe. Cuộc trò chuyện luôn bị chế ngự nếu không ai dám làm gì. Tôi đã thấy nghịch biện hứa hẹn nhất trở nên thất bại chỉ bằng một câu đơn giản "Bạn có nghĩ vậy không?" Đôi khi tôi nghĩ, không ai phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì họ nói trong cuộc đàm luận riêng tư, bởi sự sôi nổi của nó nằm trong một trò chơi thăm dò về chủ đề. Và đây là lý do hoàn chỉnh tại sao người ta nên từ chối đăng tải bất kỳ cuộc đàm luận riêng tư nào trên báo chí. Bị trói chặt mãi mãi vào những gì ta viết và in đã đủ tồi tệ rồi, nhưng xiềng xích một người bằng tất cả những lời nói nhất thời của họ, điều mà có thể một con quỷ nào đó trong không trung nhét vào miệng họ, chính là tình trạng nô lệ quá quắt. Một người tốt hơn nên im lặng nếu hôm nay họ chỉ có thể nói những gì họ sẽ làm vào ngày mai, hoặc nếu họ không thể đưa vào đối thoại chung những ý nghĩ bất chợt và giả tưởng tại thời điểm này. Những cuộc trò chuyện thú vị, đặc sắc chỉ là những suy nghĩ được biểu lộ, và không ai có thể bắt một người phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ dồn dập, mâu thuẫn và thay thế lẫn nhau trong tâm trí họ. Có lẽ không ai thực sự suy nghĩ tường tận cho đến khi họ hành động hoặc đưa ra kết luận nằm ngoài khả năng ghi nhớ của mình. Tại sao một người lại bị tước đoạt đặc quyền trình bày những tư tưởng thô vụng của mình trong một cuộc đàm luận nơi chúng có thể có cơ hội được mài dũa?
Tôi nhớ là Morgan đã nói trong cuộc trò chuyện này rằng có quá nhiều sự đa dạng. "Hầu như mọi nhà thờ đều gặp khó khăn với cách biệt về điều kiện xã hội."
Một người Anh có mặt tại đó vểnh tai lên nghe điều này, như thể anh ta mong nhận được một lời chú giải về đặc điểm của những Người biệt giáo. "Tôi tưởng tất cả các nhà thờ ở đây đều được tổ chức dựa trên những tương đồng xã hội?" anh hỏi.
"Ồ, không; khả năng lớn nó liên quan đến sự lân cận. Khi các bất động sản mọc lên, một phần cần thiết của kế hoạch là xây dựng một nhà thờ ở trung tâm của nó, để—"
"Em muốn nói thế này anh Page," bà Morgan nói, "anh sẽ cho anh Lyon một ý niệm hoàn toàn sai lầm. Tất nhiên phải có một nhà thờ thuận tiện cho các tín đồ ở mỗi quận."
"Đó chính là những gì anh đang nói, em yêu. Vì khu định cư không được hình thành trên cơ sở tôn giáo, mà có lẽ bởi những động cơ thuần túy trần tục, nên những yếu tố thường thấy trong nhà thờ có khuynh hướng không thích hợp về mặt xã hội, không phải lúc nào cũng có thể hợp nhất được với nhau thậm chí ngay cả như nhà bếp của nhà thờ và phòng khách của nhà thờ."
"Vậy thì không phải tính đặc thù của nhà thờ đã thu hút những tín đồ đến với nhau một cách tự nhiên, mà nhà thờ là một nhu cầu bắt buộc của khu phố?" Anh Lyon hỏi tiếp.
"Tóm lại là," tôi đánh bạo thêm vào, "các nhà thờ mọc lên như những ngôi trường, nơi chúng cần có mặt."
"Tôi xin lỗi," ông Morgan nói; "Tôi đang nói về loại mong muốn tạo ra chúng. Nếu việc xây dựng một hội trường âm nhạc, một phòng tập thể dục, hay một phòng chờ đường sắt cũng giống như vậy, thì tôi không còn gì để nói nữa."
"Vậy thì, tư tưởng của người Mỹ các bạn có phải là một nhà thờ chỉ nên được thành lập cho những người đồng thuận với nhau về mặt xã hội không?" chàng trai người Anh hỏi.
"Tôi không có tư tưởng của người Mỹ. Tôi chỉ bình luận về các sự kiện; nhưng một trong số đó chính là điều khó khăn nhất trên thế giới là hòa hợp đoàn thể tôn giáo với các đòi hỏi thực chất hoặc nhân tạo của đời sống xã hội."
"Em không nghĩ anh cố gắng nhiều," bà Morgan nói, người đã tuân thủ tôn giáo truyền thống của mình cùng sự ngưỡng mộ biết ơn đối với chồng.
Ông Page Morgan được thừa hưởng tiền bạc và một địa vị thuận lợi nhất định để quan sát cuộc sống và phê bình nó, đôi khi một cách hài hước, và không hề có ý định nghiêm túc làm xáo trộn nó. Ông đã gia tăng khối tàn sản kha khá của mình bằng cách kết hôn với cô con gái xinh xắn được nuôi nấng bởi một người kéo sợi bông, và ông ấy chỉ phải tham dự các cuộc họp của giám đốc và theo dõi các khoản đầu tư của mình để né tránh khỏi luật Tiểu bang hiện hành liên quan đến những người lang thang, và đưa ra ý kiến có trọng lượng xã hội lớn hơn so với nếu ông bị buộc phải làm việc để duy trì cuộc sống của mình. Gia đình Page Morgan hoạt động khá nhiều ở nước ngoài, và họ không phải là những người Mỹ tệ hại tiếp xúc với suy nghĩ rằng có những dân tộc khác khá thịnh vượng và hạnh phúc mà không cần bất kỳ lợi thế nào của chúng ta.
"Đối với tôi, dường như," anh Lyon, người luôn có thái độ học hỏi trong cuộc đàm luận, nói, "người Mỹ các bạn đang băn khoăn với quan điểm cho rằng tôn giáo phải tạo ra bình đẳng xã hội."
Anh Lyon có vẻ truyền đạt một ấn tượng rằng vấn đề này đã được giải quyết ở Anh, và rằng nước Mỹ rất hứng thú vì có nhiều thí nghiệm thuộc thể loại này. Tâm trạng này không gây khó chịu cho những người đối thoại với anh ấy, vì họ đã quen với nó ở những du khách xuyên Đại Tây Dương. Thật vậy, ở anh John Lyon không có gì là công kích và cũng chẳng có gì là phòng thủ cả. Tôi nghĩ, điều chúng ta thích ở anh ấy là việc anh đơn giản chấp nhận một vị trí không cần giải thích hay xin lỗi, một điều kiện xã hội đã loại bỏ ý thức về nhân cách của chính anh, và cho phép anh ấy tự do một cách hoàn hảo để có thể hoàn toàn trung thực. Mặc dù là con trai cả và là người kế vị bá tước, nhưng anh vẫn còn trẻ. Anh ấy vừa mới từ Oxford, Nam Phi, Úc và British Columbia đến để nghiên cứu về Hoa Kỳ với mục đích hoàn thiện bản thân cho việc đảm nhận nghĩa vụ của mình là một nhà lập pháp cho thế giới khi anh được gọi vào Hạ viện. Anh ấy không thể hiện bản thân như một bá tước, bất kể anh có ý thức được rằng địa vị tương lai của mình giúp anh có thể an toàn đùa cợt các hình thức bình đẳng khác nhau ở nước ngoài trong thế hệ này hay không.
"Tôi không biết Cơ đốc giáo sẽ tạo ra điều gì," ông Morgan trả lời, một cách trầm ngâm; "nhưng tôi cho rằng những tín đồ Cơ đốc đầu tiên trong các hội nhóm của họ đều biết nhau, đã gặp nhau ở nơi khác trong các cuộc xã giao, hoặc, nếu không quen biết, họ đã đánh mất sự ưu đãi cho những lợi ích cao hơn. Nhưng tôi lại không cho rằng họ thực sự văn minh."
"Còn những người Hành hương và tín đồ Thanh giáo?" Bà Fletcher hỏi, lúc này tham gia câu chuyện, trong đó bà là người lắng nghe sôi nổi và hào hứng nhất, đôi mắt xám sâu thẳm của bà lấp lánh niềm vui trí tuệ.
"Tôi không muốn trả lời 'không' với hậu duệ của Mayflower (3). Đúng, họ rất văn minh. Và nếu tuân thủ các phương pháp của họ, ta đã tránh được rất nhiều nhầm lẫn. Hội quán, bà còn nhớ chứ, có một ủy ban sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người theo phẩm chất của họ. Họ rất khôn ngoan, nhưng đã không nghĩ đến việc dành những chiếc ghế dài tốt nhất cho những ai có thể trả nhiều tiền nhất cho họ. Họ đã thoát khỏi rắc rối của việc dung hòa các ý tưởng trọng thương và tôn giáo."
(3) Con tàu đưa những tín đồ Thanh giáo từ Anh đến Hoa Kỳ.
"Dù sao đi nữa," bà Fletcher nói, "họ mời đủ loại người vào cùng một hội quán."
"Phải, và làm cho họ cảm thấy họ thuộc đủ thành phần; nhưng hồi đó, họ không bị cảm giác ấy quấy rầy nhiều."
"Ý ông nói rằng," anh Lyon hỏi, "ở đất nước này ông có những nhà thờ dành cho người giàu và những nhà thờ khác dành cho người nghèo phải không?"
"Không hề. Ở các thành phố chúng tôi có nhà thờ giàu và nhà thờ nghèo, với giá ghế dài tùy theo phương tiện tài chính của từng nhà thờ, và người giàu luôn vui mừng khi người nghèo đến, và nếu họ không được dành cho những chiếc ghế tốt nhất, họ cân bằng nó bằng cách quyên góp một bộ sưu tập cho nhà thờ."
"Anh Lyon," bà Morgan cắt ngang, "anh đang hiểu sai toàn bộ sự việc. Tôi không tin rằng có một nơi nào khác trên thế giới có tinh thần bác ái Cơ đốc giáo như trong các nhà thờ thuộc mọi giáo phái của chúng tôi."
"Không có nghi ngờ gì về tinh thần bác ái, nhưng điều đó dường như không làm cho bộ máy xã hội vận hành trơn tru hơn trong các đoàn thể của nhà thờ. Tôi không chắc nhưng chúng ta sẽ phải quay lại tư tưởng cũ về việc coi nhà thờ là nơi thờ cúng, chứ không phải nơi tạo cơ hội cho các hiệp hội may mặc và nâng cao bình đẳng xã hội."
"Tôi đã nghe một tư tưởng ở Rome," anh Lyon nói, "rằng Hoa Kỳ hiện là mảnh đất hứa hẹn nhất cho sự truyền bá và trường tồn của đức tin Công giáo La Mã."
"Tại sao lại như vậy?" Ông Fletcher hỏi, với nụ cười hoài nghi của tín đồ Thanh giáo.
"Một viên chức cấp cao ở Ban Tuyên truyền đã đưa ra lý do rằng Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ nhất và Công giáo La Mã là tôn giáo dân chủ nhất, có một quan niệm rằng tất cả mọi người, cao hay thấp, đều là tội nhân như nhau và đều cần một điều duy nhất. Và tôi phải nói rằng ở đất nước này, tôi không thấy vấn đề bình đẳng xã hội ảnh hưởng nhiều đến công việc trong các nhà thờ của họ."
"Đó là bởi vì họ không cố gắng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn mà chỉ chuẩn bị cho một thế giới khác," bà Fletcher nói.
"Bây giờ, chúng ta nghĩ rằng càng tiếp cận gần hơn tư tưởng về vương-quốc-thiên-đường trên trái đất, thì ta sẽ càng có cuộc sống tốt hơn sau này. Đó có phải là một tư tưởng hiện đại không?"
"Đó là một tư tưởng đang gây cho chúng ta rất nhiều rắc rối. Chúng ta đã bước vào một trạng thái phức tạp đến mức dường như chăm lo cho tương lai dễ dàng hơn là cho hiện tại."
"Và đó không phải là một học thuyết tồi, nếu bạn quan tâm đến hiện tại, tương lai sẽ tự chăm sóc nó," bà Fletcher đáp lại.
"Vâng, tôi biết," ông Morgan nhấn mạnh; "Đó là quan niệm hiện đại về sự tích lũy và đền bù—hãy lo cho những đồng xu lẻ và đồng bảng Anh sẽ tự lo cho mình (4)—phúc âm của Benjamin Franklin."
(4) Tục ngữ, nghĩa là nếu quan tâm đến từng việc nhỏ nhặt, dần dần chúng sẽ tích luỹ thành chuyện lớn.
"À," tôi nói, nhìn lên một người vừa mới bước vào, "Margaret, cô vừa kịp lúc để bắn phát súng cuối cùng, theo như ông Morgan đề cập đến Franklin ở vị trí Bunker Hill của ông, thì rõ ràng là ông ấy đang hết thuốc súng."
Cô gái đứng lại một lúc, dáng người mảnh khảnh của cô đóng khung ở ngưỡng cửa trong khi những người khác đứng dậy chào đón cô, với vẻ nửa ngập ngừng, nửa dò hỏi trên khuôn mặt rạng rỡ của cô mà tôi đã thấy hàng nghìn lần.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top