Vạn sự tuỳ duyên!

"Tùy Duyên Tự Tại..!
Có duyên thì đến... Không duyên thì đi...
Có duyên không từ... Không duyên chẳng cầu..
Đến thì hoan nghênh... Đi thì chúc phúc..
Tất cả tuỳ duyên.. Thuận theo tự nhiên...
Buông được nên buông... Vấn vương chi khổ...
Đại bi không khóc, đại ngộ không lời
Duyên đến nên quý, duyên hết nên buông
Tuy vuông mà tròn, Thử hỏi chỗ nào không tự tại..?"

"Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được hành động nhưng không thể kiểm soát được kết quả" (trích Kinh Thánh)
Con người luôn nghĩ rằng kết quả là do hành động sinh ra, nhưng kết quả như thế nào thì không có nghĩa là theo ý muốn của ta được. Bởi kết quả không chỉ do năng lực, khả năng ta thực hiện mà còn do những yếu tố phụ bên ngoài mà ta không thể biết trước được.
Đừng để ý đến kết quả chỉ nên quan tâm đến hành động.
Khi con người làm 1 việc gì đó là vì kết quả, họ chỉ nghĩ đến kết quả nên kết quả ra sao ảnh hưởng đến tâm trạng của con người: Nếu kết quả tốt đẹp mỹ mãn, người ta thấy hài lòng, vui vẻ. Ngược lại nếu kêt quả không được như ý muốn, thất bại ta thấy buồn, khó chịu. Khi ta để ý đến kết quả, mong đợi nhiều ở kết quả thì trong quá trình ta làm việc gì đó, hành động ta có thể chịu nhiều áp lực hơn, lo sợ kết quả không được như ý muốn và khi đó với tâm trạng như vậy chất lượng của kết quả có thể sẽ giảm đi hoặc gặp thất bại. Đừng đặt nhiều kỳ vọng nhiều quá vào kết quả mà chỉ nên chú tâm vào hành động, hoàn tòan chú tâm vào hành động của mình mà không có bất kỳ một mong đợi nào, một lo lắng nào. Kết quả ra sao thì  nên hạn chế quan tâm, ta nên làm, chỉ làm với tinh thần nhiệt huyết của ta.
Cũng có câu là "hãy sống tùy duyên", câu này cũng tương tự như câu trên. Nghĩa là chúng ta chỉ nên tạo ra nhân duyên tốt đẹp (hành động) nhưng thái độ của ta là tùy duyên, "cái gì đến sẽ đến, đi sẽ đi" đừng bám chấp, đừng có níu giữ, hãy thanh thản trong cuộc sống cho dù gặp bất kỳ sóng gió gì. Đây không phải là 1 thái độ bị động mà là một thái độ chủ động và tích cực. "mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân - quả, nên còn gọi là nhân duyên". Chúng ta chịu trách nhiệm cho tư tưởng (suy nghĩ), lời nói, hành động, cảm xúc, lý trí, ý chí. Vì những quá trình này thuộc về ta, do ta làm chủ. Còn những gì không thuộc về ta là thuộc về yếu tố hoàn cảnh bên ngoài (tác động lên ta) cho nên mọi thứ xảy ra là do đã hội tụ đủ nhân duyên: hành động do ta tạo tác, yếu tố môi trường bên ngoài, nghiệp nhân từ quá khứ. Nếu ta hành động - gieo nhân lành thì ta sẽ gặt được quả tốt, nhưng quả này có thể chưa xảy ra liền mà phải hội tụ đủ nhân duyên .
Còn nếu như ta "vô duyên" thì nghĩa là cưỡng cầu, tranh đoạt cố chấp, bám chấp, sống không bao giờ biết bình thản, nuối tiếc Quá Khứ, lo sợ Tương Lai .Nói tóm lại... Không Phải là Tùy Duyên thì là "Zô Ziên"
Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc được tựu thành thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nên chỉ cần thiếu một duyên thì nó cũng có thể chưa thành (cũng giống như từ nhân đến quả phải có duyên phụ trợ. Ví dụ như 1 hạt giống muốn nảy mầm thì cần đến duyên, duyên đó là: đất, nước, không khí, ánh nắng... khi hội đủ các nhân duyên ấy thì tự nhiên hạt giống đó sẽ nảy mầm thành cái cây). Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi.
Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi cho ta gọi là thuận duyên và những điều kiện bất lợi cho ta gọi là nghịch duyên. Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với tất cả vạn vật trong khắp vũ trụ này. Cho nên bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi.
Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ nó.
Nhưng chưa hẵn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên lại đưa tới cho bạn các kinh nghiệm sống, các bài học, sự khôn lớn, trưởng thành.... và đôi khi là cả giác ngộ nữa, còn thuận duyên thì dễ khiến ta yếu đuối... Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta để chuyển đổi các nhân duyên này.
Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành (duyên tốt) thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động đó mà kết nối theo. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính tâm mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, cứ thong dong tự tại..!
"Hãy sống tùy duyên" cũng còn hợp với 4 nguyên tắt tâm linh của người Ấn độ:
1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp"
Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, gặp gỡ đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại. Vì vậy, hãy tôn trọng và coi trọng những người mà chúng ta gặp gỡ..!
2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra"
Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất.
Không có: "Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi.
"Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta có thêm bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.
3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm"
Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn.
Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.
4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, thì cho qua"
Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.
Tôi nghĩ là không phải là tình cờ mà bạn đang đọc những dòng này.
Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả.
***
Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn!
Hãy yêu thương với tất cả tâm hồn bạn!
Hãy luôn hạnh phúc
"Bất biến tùy duyên, Tuỳ duyên mà bất biến trong dòng đời vạn biến..!"
Tùy duyên là người khác muốn làm thế nào đó, ta không có muốn. Ta không muốn thì ta tự tại, ta liền an vui. "Ta muốn thế nào, thế nào đó", muốn người khác tùy thuận ta, vậy thì khổ liền đến, chướng ngại liền đến, bạn liền lại mê hoặc, lại thoái chuyển. Ta có thể tùy thuận người khác, tùy duyên bất biến.
Bất biến là gì? Quyết định không khởi tham-sân-si-mạn, quyết định không khởi phân biệt, chấp trước, đó là bất biến.
***
PHÀM LÀM VIỆC GÌ CŨNG PHẢI TÙY DUYÊN, CHỚ NÊN PHAN DUYÊN SẼ SINH PHIỀN NÃO.

Chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc quan trọng là: phát nguyện phải chân thật, tiếp tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, phải ghi nhớ là tùy duyên chứ không phan duyên. Khi duyên chưa hiện tiền thì không miễn cưỡng, không cầu. Không đi tạo cơ hội, nếu tạo điều kiện, vậy là sai rồi. Có ý niệm tạo cơ hội, tạo điều kiện, thì tâm không thanh tịnh, sẽ không như pháp. Cho nên, phải chờ đợi đến khi nhân duyên chín muồi; nhân duyên chưa chín muồi thì phải chăm chỉ tu hành, tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, hạ công phu ở phương diện này. Chờ đợi cơ duyên chín muồi, quyết định không được phan duyên.

Hoằng pháp lợi sanh làm hay không? Phải làm, phải tùy duyên mà làm, không được phan duyên mà làm. Có cơ hội thì làm, không có cơ hội thì không đi tìm để mà làm, vậy là đúng rồi. Làm cũng như không làm. Nếu kể công, tôi đã làm được bao nhiêu việc tốt, đây là chấp trước tướng mà tu phước, sẽ không có công đức gì cả. Phải "Tam luân thể không", trong tâm một lòng một dạ niệm Phật.

Có cơ hội thì tùy duyên giúp đỡ chúng sanh, tùy duyên cũng phải tận tâm tận lực, công việc mới làm được viên mãn. Nếu không có cơ hội thì tự mình lão thật niêm Phật. Thật sự chân thành niệm Phật, thì sẽ được đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước ngày giờ, lâm chung không có đau khổ.

Trên thế gian này làm mọi việc tốt, mọi thứ công đức, đều không bằng câu "A Di Đà Phật". Tất cả hành vi thiện, việc thiện, chúng ta tùy duyên làm, quyết không phan duyên. Phan duyên là có ý muốn làm, vậy là tâm đã xen tạp. Tùy duyên là nguyện lực làm, là gặp thì làm; khi chưa gặp thì ý niệm cũng không có. Khi gặp rồi, làm xong cũng không nghĩ tới nữa, đây là tùy duyên. Tuy làm mọi việc thiện, tâm địa thanh tịnh, trong tâm vẫn là một câu "A Di Đà Phật" quyết định không có thay đổi, quyết định không có xen tạp.
Phải tu phước, tu huệ, không cần tu thứ khác, lão thật niệm câu "A Di Đà Phật" là được rồi. Niệm đến thân tâm thanh tịnh, phước huệ sẽ hiện tiền, đạo lý này phải tin sâu không hoài nghi. Nếu không thể tin sâu như vậy, thì trong xã hội ngày nay đề xướng những việc làm từ thiện, chúng ta nên làm nhiều việc tốt, tùy duyên tu phước là đúng, chấp có ý tu phước là sai rồi.

Niệm Phật niệm đến tâm thanh tịnh, cái được đó là phước vô lậu. Phước vô lậu thì tương lai được vãng sanh Tịnh độ, y (báo) chánh (báo) trang nghiêm với Phật không hai không khác, phước hữu lậu làm sao sánh bằng? Không phải nói người học Phật không đi làm việc thiện, việc thiện phải tùy duyên mà làm, không phan duyên thì tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh.

Người học Phật tâm địa phải thanh tịnh, hàng ngày đối nhân, xử thế, tiếp vật đều phải tùy duyên. "Tùy duyên" là không tự mình chủ trương (theo ý riêng). Trong tùy duyên mà đoạn ác tu thiện...

Phàm là đối với mình có lợi đều là ác. Phàm là đối với cả Phật pháp có lợi ích, đối với chúng sanh có lợi ích, đều là thiện. Phật pháp từ đầu đến cuối là phá ngã chấp, phá pháp chấp. Có ý kiến là có chấp trước, có chấp trước đó là ác, thì có ngã chấp, có pháp chấp... Tùy duyên là cái gì cũng tốt, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, ta đều hoan hỉ mà cùng cư xử với họ, vì họ có chấp trước, ta thì không có; họ có phân biệt, ta không có phân biệt, họ có vọng tưởng, ta không có vọng tưởng; không có, thì cái gì cũng tùy thuận; có rồi, thì đối lập, thì có đụng chạm. Đâu có hoàn cảnh nào mà không thể cùng sống chung? Đâu có nhân sự nào mà không thể cùng cư xử?

Có nguyện mà không cầu thì được tự tại. Có nguyện, sau cái nguyện còn có một cái tâm hy cầu (hy vọng và cầu xin), đây là gánh nặng rất lớn, cũng rất khổ não. Cái gì khổ? Cầu không được thì khổ. Khi cầu được thì lại lo lắng được mất, sợ mất đi, thì khổ lại đến nữa. Cho nên, Phật dạy chúng ta "Tùy duyên mà không phan duyên", đây thì được đại tự tại rồi. Cho dù hoằng pháp lợi sanh, cũng không ngoại lệ. Có duyên thì chúng ta làm cho tốt, không có duyên thì chúng ta niệm Phật cho tốt, càng tự tại. Có duyên, quý vị phải tận tâm tận lực mà làm thì mới viên mãn; không có duyên, tâm của ta vừa phát là viên mãn rồi, không cần đi làm, đây là tùy duyên.

HT Tịnh Không (Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top