NHÂN QUẢ XUẤT THẾ GIAN

Thời Đức Phật tại thế, có một chàng thanh niên thuộc gia đình giàu có nơi thị trấn, vì mê cô đào hát mà bỏ nhà đi theo gánh hát lang thang khắp nơi. Chàng chỉ biết giữ con, chăn ngựa, cắt cỏ, phụ các việc vặt cho đoàn. Vợ chàng thường chọc chàng bằng cách gọi con là "con của một người vô tích sự". Thét rồi tự ái, chàng cũng luyện tập môn xiết để trở thành một diễn viên và trở nên xuất sắc.

Năm tháng qua mau, đoàn hát trở lại thị trấn cũ. Đêm trình diễn rất đông đảo người đến xem. Chàng biểu diễn hai màn leo lên cây sào 20 thước để nhào lộn.

Ngay khi ấy Đức Phật từ xa đi tới, bằng âm thanh như chuông đồng vang thật xa, hướng về chàng đọc lên bài kệ ngắn. Và liền đó chàng chứng quả Alahán, từ trên cây sào 20 thước bay xuống đảnh lễ dưới chân Phật xin xuất gia. Người vợ cũng theo xuất gia và cũng chứng Alahán. Các tỳ kheo ngạc nhiên vì một con người như thế, đã vì theo gái mà bỏ nhà ra đi, lang thang làm tài tử, tại sao chỉ nghe một bài kệ ngắn liền chứng Alahán quả, từ cây sào 20 thước bay xuống đảnh lễ Phật. Các Thầy đem điều thắc mắc này thưa với Phật, và Phật kể lại nhân duyên đời quá khứ đã bị tái sinh che dấu.

Thuở quá khứ, hai người này là hai vợ chồng. Trong lần phát tâm cúng dường vị Alahán, họ đã nguyện:

"Nguyện cho chúng con được dự vào quả vị mà Ngài đã chứng"

Vị Alahán  mĩm cười vì biết họ sẽ thành tựu, rồi ra đi.

Ngay khi đó người vợ buộc miệng:

– Ngài cười trông đẹp như tài tử phải không anh?
Người chồng hùa theo:

– Ờ hén!

Chỉ vì họa theo hai chữ "ờ hén" mà qua nhiều đời quá khứ, người chồng cứ bỏ nhà theo vợ là tài tử, và cũng từ công đức cung kính cúng dường với lời nguyện chân thành, nên bây giờ họ chứng thánh quả.

Hầu hết trong các kinh điển đều nói những việc tương tự. Khi trả lời về nhân duyên chứng ngộ của một vị Alahán, Đức Phật không bảo vì họ đã tu theo pháp môn này hoặc pháp môn kia, mà chỉ vì họ đã cung kính cúng dường một bậc thánh giác ngộ thời quá khứ.

Như vậy, kính trọng bậc thánh là nhân, và dự vào dòng thánh là  quả.
Dĩ nhiên, lòng kính trọng là gốc, mà thể hiện sự kính trọng đó qua bốn việc sau đây mới là cần thiết:

*  Đảnh lễ.
*  Cúng dường.
*  Tán thán.
*  Làm theo lời dạy.

Bốn việc trên chính là bày tỏ niềm cung kính đối với bậc thánh giác ngộ và sẽ kết thành quả báo xuất thế gian.

Nếu cúng dường cho một bậc thánh giác ngộ, mà chúng ta biết rõ đó là bậc giác ngộ, sẽ cảm quả báo đời đời sung mãn, lại thêm được chủng tử giác ngộ gieo vào tàng thức và lớn lên dần dần. Đến khi phước đủ, gặp duyên tu tập thiền quán sẽ có sở đắc.

Nếu cúng dường cho một bậc giác ngộ, nhưng chúng ta không biết rõ đó là bậc giác ngộ, chỉ cảm quả báo đời đời sung mãn thuộc hữu vi mà thôi.
Khi chân thành ca ngợi ai về điều tốt của họ, chúng ta sẽ cảm quả báo được điều tốt như thế. Khi chúng ta tán thán các công hạnh, tán thán sự tự tại, trí tuệ của Đức Phật, Bồ Tát, Alahán khiến người khác nghe cũng sinh lòng kính ngưỡng, chúng ta sẽ cảm quả báo được đầy đủ công hạnh, trí tuệ giải thoát của thánh.

Ngược lại, nếu chúng ta thường chê bai kẻ này còn phiền não, kẻ kia hay nổi sân, cũng sẽ cảm quả báo không vượt khỏi phiền não. Thế nên phải dấu chỗ dở của người.

Nếu chúng ta công kích nhằm một bậc thánh, lại không biết sám hối khẩn thiết gây tạo công đức, sẽ phải đọa địa ngục, ra khỏi địa ngục làm phàm phu vài trăm kiếp.

Nhân Quả xuất thế gian có hai loại, tích cực và tiêu cực. Nhân Quả tích cực là kính trọng bậc giải thoát và giúp mọi người được giải thoát. Nhân Quả tiêu cực là không gây nhân thế tục, thì quả thế tục không còn nữa. Những gì là nhân thế tục phải dừng lại?

– Làm loạn tâm người bằng ái dục. Nếu chúng ta có mặt trên đời này rồi đem yêu thương ái dục quyến luyến ràng buộc người khác, khiến người khác vì chúng ta mà phải ưu tư, thương nhớ, mơ mộng, ray rức. Chúng ta sẽ cảm quả báo chính tâm mình bị loạn động.

– Làm loạn tâm người bằng thù oán.

Nếu chúng ta đem thù hận tranh chấp giành giật với người khác khiến người phải lo lắng tính toán chống đỡ không yên, ta sẽ cảm quả báo tâm bất an.

– Làm loạn tâm người bằng nghệ thuật.

Nếu chúng ta đem các môn nghệ thuật khêu gợi tình ái, hận thù, khúc mắc, éo le của cuộc sống để gây sự bận tâm chú ý để mê của người, sẽ cảm quả báo tâm bất an.

– Làm loạn tâm người bằng sự ồn ào.

Nếu sự có mặt của chúng ta quá ồn ào rộn rịp khiến người bị tán tâm chi phối, sẽ cảm quả báo bất an. Chúng ta cẩn thận đừng gây ồn náo với môi trường chung quanh mình, sống thầm lặng ít quấy rầy người khác là tốt.
– Mơ mộng dự trù việc tương lai.

Luân hồi được nối tiếp vì có sức mạnh của nghiệp thức thúc đẩy. Chúng ta nhớ tiếc quá khứ, không bằng lòng hiện tại, và mơ mộng dự trù tương lai, khiến cho chủng tử luân hồi nẩy nở sinh sôi mãi. Tâm niệm hướng về tương lai dù xa xôi đến đời sau, năm sau tháng sau, hoặc gần gũi như vài giờ phút sắp tới đều là chủng tử thế gian. Bậc giải thoát cất chân đi còn không có niệm phải đến.

Chúng ta tập sống thế nào cho không còn ai phải bận tâm vì mình, không luyến ái, không sợ hãi, không hận thù mình, không phân tâm lo âu cho mình, " vào rừng không khua lá, vào nước không gợn sóng". Như thế những nghiệp của quá khứ dần dần hết, nghiệp nhân hiện tại không gieo, và quả thế tục không trổ ra thêm nữa.

Chúng ta cẩn thận đến từng lời nói ra, vì đều làm cho người nghe phải có chút suy nghĩ.

Nếu sự xuất hiện của chúng ta, nhân cách và lời nói khiến người hân hoan an ổn, sẽ cảm quả báo tâm dễ được yên.

Khi vì người thuyết pháp đừng tỏ vẻ mình như ông thánh, phải khéo léo nói làm sao để người nghe nhận được giáo pháp cao siêu mà vẫn không quá kính trọng mình. Nếu có chút xíu tác ý, rất vi tế, làm cho người xem mình như thánh, sẽ bị tổn phước xuất thế gian. Thế nên phải nói lời nhún nhường bày cái dở của mình để tích phước.

Trường hợp bất đắc dĩ vì người thuyết pháp, hãy nói lời nói đầu:
" Tôi có được xem kinh thấy Phật nói như thế này..."
" Sư phụ chúng tôi có dạy chúng tôi rằng ..." để đừng tỏ mình là hay.

Ái dục là điều chướng ngăn giải thoát ghê gớm nhất. Chúng ta tự mình không đắm nhiễm ái dục, và nên khuyên bảo mọi người đừng đắm nhiễm ái dục. Chớ bao giờ làm mai mối tác hợp việc ái dục của người khác sẽ mắc quả báo bị ái dục thúc bách nung nấu không yên. Nếu còn hoan hỷ khi chứng kiến việc hôn nhân của người khác, dù chỉ hoan hỷ rất ít, là tâm ái dục còn nhiều, huống hồ là mở miệng khuyên người khác lập gia đình. Nếu là người thiết tha giải thoát, tin hiểu rằng chỉ có giải thoát là cao thượng hơn tất cả, thì người này không bao giờ còn ý nghĩ muốn cho chúng sinh chìm đắm trong ái dục, nhìn ai cũng muốn cho họ được giải thoát.

Tuy nhiên, để không bị mắc quả báo, chúng ta đừng có ý nghĩ, lời nói, hành vi tỏ vẻ chê bai khinh người đang vướng mắc ái dục.

ĐƠN GIẢN

Đời sống giải thoát là đơn giản. Tự chúng ta nên sống một đời đơn giản và giúp mọi người có đời sống đơn giản. Đừng bày chuyện khiến cho mọi người trở nên bận rộn, phức tạp, lo lắng, kẻo mắc quả báo không yên tâm. Thời Đức Phật còn tại thế, Phật Pháp còn trong thời kỳ chánh pháp. Sở dĩ là chánh pháp vì đời sống Đức Phật và Tăng đoàn vô cùng đơn giản. Mỗi vị chỉ có ba y một bát, đi khất thực ăn ngày một bữa, không có kho đụn bếp núc giữ thức ăn qua đêm, ở trong rừng vắng, dưới cội cây, chỉ chuyên chú từng phút giây tu tập. Thế nên nhiều vị chứng được thánh quả cao thượng.

Khi Phật nhập diệt, y bát được truyền lại cho tôn giả Đại Ca Diếp để Ngài kế thừa sự nghiệp của Phật giữ gìn Phật Pháp tồn tại lâu dài về sau.
Đây là một bài học có ý nghĩa sâu xa và vĩ đại vô cùng. Tôn giả Đại Ca Diếp là người tu theo hạnh đầu đà khắc khổ sống đơn giản tột độ. Chỉ những người biết sống đơn giản, người đó mới có thể giữ gìn được chánh pháp. Mỗi khi nhớ đến đời sống đơn giản của Đức Phật và chư Tăng thời đó, chúng ta vẫn thấy lòng cảm khái bùi ngùi và sùng mộ vô biên.

Chúng ta hãy sống đời đơn giản, ca ngợi tán thán đời sống đơn giản, và sắp xếp cho mọi người được sống đơn giản.

HỘ GIỚI

Người tu có xứng đáng với giá trị cao cả của mình là nhờ trì giới. Người giữ giới đứng đắn sẽ được yên tâm thiền quán, không bị dày vò hối hận bất an. Giới luật còn gọi là Balađề Mộc Xoa, nghĩa là Biệt Giải Thoát. Từ nơi trí tuệ giác ngộ sâu xa mà Đức Phật chế giới, thế nên giới luật đã tự có tính cách giải thoát. Chúng ta cố gắng giữ giới cho mình và giúp mọi người giữ giới. Nếu thấy người khác có mầm mống phạm giới, hãy vì họ khéo léo ngăn cản, đừng để họ đi sâu vào tội lỗi. Nếu làm được việc này, về sau có khi chúng ta chớm sai lầm sẽ được nhắc nhở kéo lại. Nếu chúng ta thấy người đang đi dần vào sai trái, có thể cản được mà không cản, về sau chúng ta bị sai sót, không ai chỉ bảo giùm.

Thời Đức Phật có vị tỳ kheo ra đời đến sáu lần. Lần thứ bảy xuất gia trở lại mới chứng Alahán. Khi được hỏi về nguyên do, Đức Phật bảo vì thời quá khứ ông chẳng những đã không cản, mà còn đồng ý cho một người huynh đệ muốn trở  lại thế tục, nên phải cảm quả báo ra đời sáu lần.

Giới có hai mục đích, giữ gìn cho mình trong sạch và khiến cho người không nghi ngờ. Nếu người khác nghi ngờ sự tu hành của một vị xuất gia, tâm bồ đề của họ có phần sứt mẻ. Thế nên người giữ giới trong sạch đã có tự  lợi lợi tha, khiến người kính tin Tam Bảo và Bồ Đề tâm họ tăng trưởng. Như thế người giữ giới sẽ được quả báo về uy đức trang nghiêm, đạo nghiệp chóng thành.

Đối với những người không đủ sức giữ giới trọn vẹn, nếu chúng ta không có duyên sách tấn họ thì thôi, không nên rêu rao lỗi của họ cho mọi người biết kẻo lại cảm quả báo sẽ phạm lỗi như họ.

GẦN GŨI THIỆN TRI THỨC

Người cầu giải thoát khỏi tam giới, đoạn sạch vô minh, giác ngộ viên mãn thì phải gần gũi chân sư thiện hữu, không thể có tâm ngã mạn cho mình đũ Trí Tuệ tự tu chẳng cần thầy. Chúng ta có thể tài giỏi rất nhiều vấn đề, thông thạo rất nhiều kỹ thuật, nhưng đối với việc tu hành sâu xa thì chúng ta chỉ như con nai tơ ngu ngốc, không chịu thân cận chân sư thì sai lầm chất đầy hư không!

Hiểu biết nhiều thì sanh ngã mạn, không hiểu biết thì tu sai lạc thành bệnh hoặc rẻ qua đường tà, cố sức tinh tấn thì hay nổi sân, không tinh tấn thì thành dãi đãi. Ráng giữ giới dễ thành chấp tướng, không ráng giữ giới phạm sai lầm đọa lạc. Không rõ lý duyên hợp thì chấp có, không thấu đáo Nhân Quả thì chấp không... Vô số những khúc mắc tế nhị trên đường tu, nếu không thân cận thiện tri thức rất khó vượt qua nổi.

Nếu người thường thân cận thiện tri thức, đến khi làm thầy được đông đảo đệ tử  tụ hội.

Bây giờ chúng ta chưa đủ trình độ giáo hóa chúng sinh, hãy làm cái gạch nối để lời dạy của thiện tri thức truyền đi cho mọi người, và để cho mọi người biết tìm đến thiện tri thức cũng được công đức lớn.

Đối với thiện tri thức, chúng ta hãy tuân phục vô điều kiện, bỏ hết ý kiến của mình, chỉ biết vâng lời không chút chống trái, hãy dâng cả cuộc đời mình cho vị thiện tri thức. Dù vị ấy có hiện nghịch hạnh, chúng ta vẫn một lòng cung kính trọn vẹn. Hãy như thánh sư Milarepas thừa sự sư phụ Marpa với lòng ôn nhu nhẫn nại và cuối cùng trở thành người thừa kế giáo pháp.

PHÁP THÍ

Pháp thí là công đức quan trọng trong Phật Pháp. Hoặc tự mình đã thông đạt giáo pháp rồi nói lại cho người khác nghe, hoặc thuật lại lời dạy của bậc giác ngộ, hoặc đưa kinh sách cho người xem đều gọi là pháp thí. Người nghe được giáo Pháp nên bỏ ác theo thiện, bớt si mê, thêm trí tuệ, bớt ác nghiệp, thêm phước duyên, được công đức tăng trưởng, từ  đời sống này sang đời sống khác đều ít khổ nhiều vui cho đến khi hoàn toàn giải thoát.

Vì pháp thí lợi ích lâu dài lớn lao như thế nên người hành pháp thí được công đức không thể kể xiết. Làm cho người hiểu Nhân Quả nên người bỏ điều tội làm điều phước, chính mình cảm quả báo có trí tuệ được phước lạc cả thân tâm. Giúp cho người sáng lý Tứ Đế, suốt lẽ Nhân Duyên giả hợp, rõ bản chất vô thường giả tạm của Vạn Hữu, giác ngộ được pháp thân, chính mình sẽ cảm quả báo tăng tiến thiền định, đạo nghiệp sớm thành.

Vì mây che nên trăng không hiện
Vì kiết sử che nên Phật  tánh không lộ bày.

Kiết sử tan vỡ, Phật tánh tỏa hào quang
Kiết sử là quả, mà si mê và tội lỗi là nhân.

Bình thường chúng ta xem lại trong tâm không thấy kiết sử này ở đâu, những vị đốn ngộ, giây phút ấy thấy rõ kiết sử tan vỡ.

Có khi kiết sử ấy mỏng dần dần, đây gọi là tiệm tu tiệm ngộ.
Trường hợp nơi những người có sở đắc đời quá khứ, đời này các ấm tạm bị che, sau một thời gian dụng công hoặc nghe một nhân duyên nào thích hợp, kiết sử liền tan vỡ. Đây gọi là đốn ngộ.

Vì kiết sử  là duyên hợp của si mê và tội lỗi (còn gọi là vô minh và ác nghiệp) nên muốn phá trừ  kiết sử  phải mở sáng trí tuệ và bồi tạo công đức. Chúng ta tán thán Phật là Đấng Lưỡng Túc Tôn cũng bởi vì Phật đầy đủ Phước và Huệ như vậy. Để dặn dò các Phật tử bước chân vào Phật đạo mà nơi lá phái quy y in to bốn chữ Phước Huệ Song Tu.

Trí tuệ và công đức đã đủ thì kiết sử dù chúng ta không muốn cũng phải tan. Tu trí tuệ thường quan sát các lẽ thật mà Phật đã khám phá rồi nói lại cho chúng ta đó là quán sát Nhân Quả, quán lý Tứ Đế, quán lý Mười Hai Nhân Duyên, quán thân bất tịnh, cảm thọ là khổ, tâm là vô thường, các pháp không tự tánh, quán các pháp đều là huyễn hóa, như giấc mộng, như  ảo ảnh, thấy rõ từng tâm niệm từ thô đến tế khởi lên và biến mất.

Tu phước là làm lợi ích cho chúng sinh, hoặc ngắn ngủi như giúp qua cơn đói bố thí tài vật sống qua một thời gian, dùng sức lực đắp một đoạn đường, an ủi người qua cơn buồn khổ, hoặc làm lợi ích cho người lâu dài như  in kinh, tô đắp tượng Phật cho người chiêm bái, độ người xuất gia thọ giới...

Vua Lương Võ Đế hỏi:
– Trẫm thường cất chùa, in kinh, độ Tăng, có công đức gì chăng?
Tổ Đạt Ma bảo:
– Không!

BÌNH: Một tiếng hét vỡ tan trời đất!
Chữ "không" của tổ khiến người sau hoang mang không ít và cũng luận giải khá nhiều. Người thì theo Lục Tổ chia đôi phước đức hữu vi và công đức tự  tánh, người thì cho Nhân Quả không liên quan tới vấn đề giải thoát...

Lời ngắn gọn của tổ nghe hỏi liền đáp mà nay đem ra giải hơi nhiều thật là oan uổng. Chỉ vì thời tiết nhân duyên chưa đến nên sau cái gạt ngang của Tổ, kiết sử của Đế không tan.

Nếu thời tiết đã đến, Tổ đã hất tay của Đế khỏi chỗ bám chấp công và e Huệ Khả không phải đệ nhị Tổ Đông Độ.

Hành pháp thí chính là giúp người biết cách tu huệ và tu phước. Huệ và Phước đã đầy đủ thì tam giới không ràng buộc được người này, và công đức của người thí pháp rất lớn.
                                                                
THÔNG HUYỀN (Thường Chiếu)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top