Học theo cao nhân

Cao nhân hành xử khác tiểu nhân!
***
Cao nhân có thể thắng nhưng không thắng..?

Như thế nào được gọi là cao nhân? Đôi khi thắng chưa phải là hay, thua cũng không hẳn là do bạn dở, thế nên thắng thua được mất chưa đủ để thể hiện trọn vẹn một con người.

Đạo của người quân tử là vậy, đoạt lý thì sẽ mất tình. Khiêm nhường, nhẫn nhục chưa hẳn là thua, là hèn nhát. Lão Tử dạy Khổng Tử rằng: "Ẩn trí không phải là vô dụng, mà lại đại dung".

Nghe nói, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ. Kỳ thực gần như không có ai là đối thủ của Tả Tông Đường.
Có một lần Tả Tông Đường ăn mặc cải trang che dấu thân phận đi tuần tra các nơi. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một ngôi nhà tranh, bên trên treo một tấm biển "Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ". Tả Tông Đường rất không phục liền tiến vào nhà tranh đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ liền.
Chơi cả ba ván cờ, người chủ nhân này đều bị thua, Tả Tông Đường cười lớn và nói: "Ông có thể hạ tấm biển này xuống được rồi đó!" Sau đó, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, vui vẻ bước đi tiếp.
Không lâu sau khi Tả Tông Đường quay trở lại con đường ấy để về triều. Khi ông đi ngang qua ngôi nhà kia, ông ngạc nhiên vì vẫn nhìn thấy tấm biển "Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ" vẫn không bị chủ nhân dỡ xuống. Tả Tông Đường liền vào trong nhà và lại đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ nữa.
Lần này, chơi cả ba ván cờ, Tả Tông Đường đều thua.
Tả Tông Đường rất kinh ngạc liền hỏi vị chủ nhân xem nguyên nhân vì sao?
Người chủ nhân của ngôi nhà này đáp: "Thưa ngài, lần trước là trên thân ngài còn mang trọng trách lớn, phải dẫn binh đi tuần. Tôi đương nhiên không thể làm giảm nhuệ khí của ngài được. Hôm nay, ngài đã thắng lợi trở về, tôi đương nhiên có thể chơi hết sức mình, việc đáng làm thì phải làm thôi..."
Cao nhân thực sự trong thế gian chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người.
Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, chẳng phải cũng như vậy sao?
Thông minh thì không nhất định là có trí tuệ nhưng trí tuệ thì bao gồm cả thông minh. Người thông minh không xem trọng được mất, người có trí tuệ biết dũng cảm buông bỏ và vượt qua. Tai thực sự thính chính là có thể nghe được tiếng lòng, mắt thực sự sáng là có thể nhìn thấu tâm linh.
Nhìn, không hẳn đã là nhìn thấy.
Nhìn thấy không hẳn đã là nhìn thấy rõ
Nhìn thấy rõ không hẳn đã là nhìn thấy hiểu
Nhìn thấy hiểu không hẳn đã là nhìn thấu.
Nhìn thấu không hẳn đã là thông suốt.

***
Ở nước A-bàn-đề một có ông trưởng giả hết sức giàu có, của cải nhiều không kể xiết, nhưng hết sức keo kiệt và bủn xỉn, để cho người nữ tỳ trong nhà phải sống hết sức nghèo hèn, áo mặc không đủ che thân, cơm ăn không đủ no bụng, lại thường bị đánh đập hành hạ, dù đã già yếu.
Người ấy muốn chết đi cho thoát khổ mà không chết được. Một hôm nọ, người nữ tỳ già nua ấy mang bình ra bờ sông lấy nước, tủi thân khóc lóc thảm thiết.
Một vị đệ tử Phật là ngài Ca-chiên-diên thấy vậy thương xót liền hỏi: "Nếu như bà chán ghét kiếp nghèo khổ, sao không mang bán nó đi?"
Lão nô tỳ thưa: "Có ai lại chịu mua cái nghèo?"
Ngài Ca-chiên-diên nói: "Được, cái nghèo khổ của bà đó quả thật có thể bán đi được."
Lão nô tỳ liền hỏi: "Làm cách nào để bán được?"
Ngài Ca-chiên-diên dạy: "Nếu lão bà quả thật muốn bán cái nghèo đi, thì phải hết lòng tin theo lời ta. Trước hết hãy súc rửa bình này cho thật sạch, sau đó lấy nước sạch vào bình mang đến bố thí cúng dường chư tăng."
Lão nô tỳ hỏi: "Bình này là tài sản duy nhất, để lấy nước hằng ngày để dùng, làm sao có thể mang cúng dường?"
Ngài Ca-chiên-diên đáp: Cái đáng quý là tài sản duy nhất mà biết bố thí thì phước đức thật là to lớn hãy Cho đi một sẽ nhân được nhiều hơn thế.
Lão bà hiểu ra, liền mang bình lấy nước cúng dường. Ngài Ca-chiên-diên đích thân thọ nhận sự cúng dường đó, rồi lại truyền dạy Tam quy, Ngũ giới cho bà, sau đó lại dạy bà hướng thiện, niệm Phật...!
Một hôm, lão bà qua đời trong nhà chủ nhân. Sáng ra, người chủ thấy vậy nổi giận, mang xác vất vào trong rừng Lạnh (chỉ một khu rừng nằm bên ngoài thành Vương Xá, nguyên tên tiếng Phạn là Śītavana, dịch âm là Thi-đa-bà-na, nên cũng gọi là Thi-đà lâm. Khu rừng này từ lâu được người trong thành Vương Xá dùng làm chỗ vất bỏ những xác chết không người mai táng, để cho cầm thú ăn)
Thần thức lão bà khi ấy đã sinh lên cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân nơi đó ở trong những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ của cung trời, từ xa nhìn thấy thân xác cũ liền cùng với chư thiên quyến thuộc hiện đến rải hoa trời lên thi thể ấy.
Lời bàn: Nếu biết thực hành bố thí cúng dường có thể "bán đi sự nghèo khổ", tất nhiên sẽ biết rằng việc kính lễ chư Thánh, Chư Phật có thể "bán đi sự hèn kém", thực hành phóng sinh có thể "bán đi sự chết yểu", siêng năng học hỏi có thể "bán đi sự ngu si", biết yêu thương có thể "bán đi sự đau khổ"..v.v.. Người có trí tuệ, chỉ nghe qua một điều có thể hiểu thấu ra trăm ngàn lẽ. Đối với hết thảy những nghịch cảnh bất như ý trong chốn thế gian này, há có điều gì lại không thể "bán đi" như thế?
"CHO LÀ CÓ chứ mất đâu, GIEO NHÂN HÁI QUẢ cũng thâu về mình"
(Trích từ kinh Hiền ngu nhân duyên)

****

Lời dạy 93: Gương Phật và Tổ (HT Thích Thanh Từ)

Đức Phật là một Thái tử đi tu, ông Tổ của mình là một ông vua đi tu, còn chúng ta là gì? Là bần cố nông đi tu! Nhớ lại Phật, nhớ lại Tổ, chúng ta có cảm thấy xấu hổ hay không? Các Ngài bỏ hết địa vị quyền lợi và hạnh phúc của thế gian, chịu cực, chịu khổ tìm đạo, học đạo và ngộ đạo rồi các Ngài giảng dạy cho chúng sanh. So lại chúng ta ngày nay chưa phải là người giàu có, vẫn làm lụng vất vả mới có cơm ăn, có đi tu thì chúng ta hy sinh những gì? Có chăng là hy sinh cái nghèo, để được làm thầy tu. Hy sinh cái nghèo đâu phải việc khó. Có người đem bán cái nghèo, không ai chịu mua kia mà, thế thì đâu có gì gọi là hy sinh! Như vậy chúng ta bỏ cái nghèo để đi tu là việc làm dễ trăm phần, nếu không làm được thì thật quá dở. So với đức Phật và Sơ Tổ Trúc Lâm, các ngài ở trong hoàn cảnh khó khăn đủ mọi bề. Là một Thái tử đi tu, vua cha buồn rầu không biết giao sự nghiệp cho ai, vợ con khóc than không ai lo lắng, quần thần và nhân dân đều trông cậy, thế mà Ngài bỏ đi một cách dễ dàng. Đến như Sơ Tổ Trúc Lâm, Ngài là vua đang cai trị muôn dân, quần thần và toàn dân tín nhiệm mà Ngài cũng bỏ ngai vàng đi tu. Những việc rất khó làm mà các Ngài đã làm được, thì chúng ta ngày nay là những kẻ hậu sanh hậu học làm một chuyện hết sức dễ và đơn giản mà chúng ta không nỗ lực gắng làm cho thành công hay sao? Thế nên đọc qua lịch sử của người xưa, chúng ta phải làm sao cố gắng hơn, không thể lơ là lôi thôi như thế này mãi.

Trích "Tam Tổ Trúc Lâm – Giảng Giải"

Nguồn: facebook Chánh Thiện Đạt

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top