Giới luật

Phật pháp căn bản:

Bài 4: GIỚI HỌC

Giới luật trong đạo Phật không có tính chất cưỡng ép mà người tu tự giác phát tâm thọ nhận hành trì. Vì vậy thọ giới là để hành trì chứ không phải để có chức vị và ăn trên ngồi trước mà vội vàng khi chưa đủ kham nhận. Giới như lan can báu hay hàng cây báu trong kinh Di-đà. Nó giúp người tu đi trên con đường ngay chánh không bị rơi rớt, chính nó là phao nổi của người bị chìm, là thuyền bè cho người qua sông, là phương tiện của người tu giải thoát. Cụ thể giới có những công năng như sau:
- Thân tâm không bị ngoại cảnh bức bách: Người giữ giới không bị vật dục trói buộc, không bị ngoại cảnh làm điên đảo mà sống trong sự tự tại tri túc thoát khỏi mọi sự câu thúc, lại không xúc phạm đến kẻ khác, nên không bị bức hại mình.
- Không tạo nghiệp ác mà tôn trọng sự thật và sự công bằng: Nhờ giữ giới, thân không có hành vi bạo ngược, sai trái, bất thiện, ý không có những ý nghĩ xằng bậy thì không có những hậu quả bất hảo họa ương. Như không sát sanh thì không những không bị đền mạng mà còn biết tôn trọng sự sống của người và vật. Không nói dối để lừa gạt trục lợi thì không làm việc xấu xa mà biết hướng đến sự thật, tôn trọng sự công bằng.
- Cải thiện thân tâm, tăng trưởng năng lực giác ngộ giải thoát: Trong đời sống chúng ta bị thị dục chi phối rất nhiều nếu không có một ý chí cương quyết và cố gắng giữ gìn giới luật không ngừng thì khó mà thăng tiến trên đường giải thoát. Song nhờ sống lâu trong tinh thần chỉ ác tác thiện và thấm nhuần giới phẩm mà thân tâm dần dần có sức mạnh thoát khỏi sự chi phối của ngoại cảnh, đồng thời vận dụng ý lực, tâm lực để đi đến giác ngộ giải thoát.
* Các loại giới: Đại cương giới có thể chia làm hai phần: Tiểu thừa có năm giới, tám giới, mười giới và cụ túc giới (tăng: 250, ni 348). Trong đó có bốn cấp, hai cấp tại gia, hai cấp xuất gia. Đại thừa có Bồ-tát giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh...Giới lại được phân làm bốn khoa: Giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng. Giới lại chia làm ba loại:
- Nhiếp luật nghi giới: Là những giới luật có khả năng thu nhiếp thân tâm khiến không vi phạm những điều sai trái tội lỗi. Tức là chư ác mạc tác.
- Nhiếp thiện pháp giới: Là những điều răn thu nhiếp pháp lành, làm những việc lợi mình lợi người. Tức là chúng thiện phụng hành.
- Nhiêu ích hữu tình giới: Là những giới điều làm lợi ích cho loài hữu tình. Sống hòa nhập vào thế tục để ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Tức là phổ độ nhất thiết chúng sanh.

Những điều trình bày trên cho thấy tầm quan trọng, công năng và lợi ích thiết thực của giới luật. Chúng ta nên phát tâm dõng mãnh hành trì. Khi đã thọ giới mà không giữ giới thì chẳng khác gì đem giới luật của Phật ra phỉ báng. Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Nên trước khi nhập diệt, Đức Phật đã tha thiết dặn dò chư đệ tử: " sau khi Ta diệt độ, các thầy phải trân trọng cung kính tịnh giới như mù tối mà được sáng mắt, như nghèo nàn mà được vàng ngọc.Phải biết tịnh giới là Đức Thầy cao cả của các thầy. Nếu Ta ở đời cũng không khác gì tịnh giới vậy".

(trích dẫn: Giáo trình trung cấp Phật học - Phật pháp căn bản năm thứ nhất do thầy Thích Nhựt Chiếu biên soạn)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top