Đối đáp với thiền sư
Có một chú tiểu rất thông minh đến gặp một vị Lạt Ma và nói rằng:
"Trời ơi Ngài nổi tiếng lắm, đi đâu con cũng nghe danh ngài".
Được khen, vị Lạt Ma liền hướng vô bên trong và kêu:
"Này thị giả, hãy mang kẹo ra cho chú tiểu".
Chú tiểu nói tiếp:
"Ngài làm như vậy, sao mà giống như Phật dạy quá!" .
Vị Lạt Ma lại gọi:
"Thị giả, mang thức ăn ngon ra cho chú tiểu".
Chú tiểu khôn ngoan đó lại nói tiếp:
"Chính Ngài là Đức Phật tại thế".
Vị Lạt Ma lại gọi vào trong:
"Hãy mang thêm 3 đồng tiền vàng cho chú".
Chú tiểu nghĩ rằng như vậy là đủ rồi, và đứng chờ nhận quà.
Chờ mãi mà không thấy ai ra, chú hỏi vị Lạt Ma sao thị giả của Ngài chưa đem kẹo, thức ăn và vàng ra.
Vị Lạt Ma nói:
"Tại sao ta phải cho con kẹo, thức ăn, vàng thật chớ?
Con chỉ cho ta những lời nói trống rỗng. Ta cũng cho lại con những lời nói trống rỗng".
Nếu có ai khen lập tức quý vị cảm thấy vui sướng. Quý vị hay thường bị gạt gẫm bởi những lời nói vô nghĩa. Những lời nói đó đôi khi lừa gạt quý vị.
Khi tôi sắp rời thành phố này, có một Phật tử đã làm thơ tặng tôi.
Trong bài thơ đó cô ta nói: "Nụ cười của Ngài làm tan hết phiền não của con."Tôi thấy thật buồn cười cho chính bản thân. Chính tôi tu hành mười mấy năm mà chưa tan hết phiền não của mình, thì làm sao nụ cười của tôi có thể làm tan đi phiền não của người khác?
Cho nên người tu khi được người khen cũng không lấy đó làm vui, và khi bị người chê cũng không lấy đó làm buồn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tĩnh Tâm
_((()))_ NHỮNG LỜI PHẬT DẠY _((()))_
Một thiên nhân đến với Phật trong hóa thân một người Bà la Môn, với vẻ mặt rạng rỡ và bộ trang phục trắng như tuyết. Vị thiên nhân hỏi những câu mà Ðức Phật trả lời sau đây.
Thiên nhân hỏi:
- Thanh kiếm nào sắc bén nhất?
Chất độc nào tàn hại nhất?
Ngọn lửa nào dữ dội nhất?
Bóng đêm nào đen tối nhất?
- Ðức Phật trả lời:
Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất,
dục vọng là chất độc tàn hại nhất,
đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất,
vô minh là bóng đêm đen tối nhất.
- Vị thiên nhân lại hỏi:
''Ai là người lợi lạc nhiều nhất?
Ai là người chịu thiệt thòi nhất?
Áo giáp nào không thể bị xuyên thủng?
Vũ khí nào lợi hại nhất?''
- Ðức Phật trả lời:
- Người lợi lạc nhiều nhất là người đã cho đi nhiều, mà không thấy đã cho.
Kẻ chịu thiệt thòi nhất là kẻ chỉ biết nhận một cách tham lam không chút biết ơn. Nhẫn nhục là áo giáp không xuyên thủng được, và trí tuệ là vũ khí lợi hại nhất.
- Vị Thiên nhân hỏi:
''Ai là kẻ trộm nguy hiểm nhất? Cái gì là kho tàng quý báu nhất?
Ai đã thành công trong việc chiếm đoạt bằng vũ lực không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới? - Ðâu là nơi an toàn nhất để kho báu?''
- Ðức Phật trả lời::
''Những tư tưởng xấu xa là kẻ trộm nguy hiểm nhất. Ðức hạnh là kho tàng quý báu nhất. Tâm thức con người chiếm đoạt mọi sự không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới. Đất Vô Sanh là nơi an toàn nhất để kho báu.''
- Thiên nhân hỏi:
''Cái gì là hấp dẫn? Cái gì là ghê tởm?
Cái đau nào thống thiết nhất? Cái vui nào lớn nhất?''
- Ðức Phật trả lời:
''Thiện là hấp dẫn, Ác là ghê tởm;
một lương tâm bị dầy vò là nỗi đau thống thiết nhất,
sự giải thoát là cái vui lớn nhất.''
- Thiên nhân hỏi:
''Cái gì gây ra sự tàn phá trên thế giới?
Cái gì làm tình bạn tan vỡ?
Cơn sốt nào mãnh liệt nhất?
Ai là vị thầy thuốc giỏi nhất?''
- Ðức Phật trả lời:
''Sự tăm tối, vô minh gây ra sự tàn phá trên thế giới.
Sự ganh tị và ích kỷ làm tình bạn tan vỡ.
Hận thù là cơn sốt mãnh liệt nhất,
và Pháp vương là vị thầy thuốc giỏi nhất.''
- Vị thiên nhân lại hỏi:
''Bây giờ con chỉ còn một thắc mắc, xin Ðức Thế Tôn giải đáp cho.
Cái gì mà không bị lửa đốt cháy, không bị nước làm mòn, không bị gió làm đổ, mà lại có thể cải cách cả thế giới?''
- Ðức Thế Tôn trả lời:
''Phước đức. Không có lửa nào, nước nào, gió nào có thể hủy diệt được phước đức của một việc thiện, và những phước đức đó cải cách cả thế giới.'' !!!
***
Buông..!
Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau.
Đệ tử: Thưa thầy đạo Phật khuyên người ta buông bỏ, cái gì nên buông được thì nên buông, như vậy cần buông bỏ hết mọi thứ có đúng không?
Sư Phụ: "chưa đúng"
Đệ tử̉: Vậy tại sao thầy thường hay nói buông bỏ hết đi, vậy Buông bỏ hết để làm gì..? Đệ tử cũng thấy rất e ngại! Cảm giác Phật Pháp khiến người ta có cái nhìn theo xu hướng tiêu cực. Có một vài người hỏi đệ tử: Nếu tất cả đều đặt xuống và buông bỏ hết, vậy tiền từ đâu mà có? Quần áo và thực phẩm từ đâu ra? Đều không lao động làm việc gì hết. Vậy thì thế giới này không phải là sụp đổ rồi sao?
Sư Phụ: Mọi sự đều buông bỏ hết sẽ dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng sụp đổ.
Đệ tử: Như vậy phải làm thế nào?
Sư Phụ: "Thay thế và hoán đổi."
Đệ tử: Xin thỉnh Sư Phụ minh thị chỉ rõ cho con.
Sư Phụ: Con có thể khiến người ăn mày cam tâm tình nguyện buông bỏ chấp mê vào những đồng tiền đang nắm chặt trong tay họ không..?
Đệ tử: Không buông bỏ, họ ôm giữ chặt.
Sư Phụ: Con có thể dùng hòn sỏi đổi về số tiền trong tay người ăn mày không?
Đệ tử: "Không được."
Sư Phụ: Tại sao vậy?
Đệ tử: "Vì tiền đáng giá hơn."
Sư Phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao.
Đệ tử: "Thế thì được."
Sư Phụ: Tại sao?
Đệ tử: Vì vàng đáng giá hơn.
Sư Phụ: "Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta buông bỏ không được là vì không giành được thứ tốt hơn.
- Khi dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao giết mổ.
- Dùng bố thí thay cho đòi hỏi con sẽ buông bỏ được tham lam.
- Dùng tín ngưỡng thay cho trống rỗng con sẽ buông bỏ được lạnh lẽo cô đơn.
- Dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, si mê con sẽ buông bỏ được chấp mê và vô minh.
- Dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được vọng niệm.
- Dùng tùy hỷ, hảo tâm thay cho tật đố kỵ, con sẽ buông bỏ được ưu phiền.
- Dùng nhẫn nhục thay cho oán giận, báo oán con sẽ buông bỏ được sân hận, hận thù.
- Dùng từ ái thay cho tham ái, con sẽ buông bỏ được tâm bệnh..v..v....
Không hiểu được vấn đề bắt đầu khởi lên từ đâu sẽ không minh bạch biết rõ để buông bỏ. Muốn buông bỏ được gì đó, đầu tiên cần hiểu được là nó bắt đầu khởi lên từ đâu. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là dùng trí huệ để hiểu được lẽ hoán đổi để lấy cái thực sự tốt hơn..!
Đối đáp với thiền sư: 5 câu chuyện nhỏ giúp bạn lập tức thay đổi tâm thái.
Nỗi khổ trong cuộc đời là hạt muối, mặn hay nhạt là do đồ chứa đựng hạt muối ấy!
Năm câu chuyện nhỏ sau đây sẽ giúp tâm trí bạn trở nên rộng mở hơn khi đối diện với cuộc đời...
Câu chuyện thứ nhất
Thiền sư hỏi đệ tử: Ngươi cảm thấy một thỏi vàng tốt hơn hay một đống bùn nhão tốt hơn?
Đệ tử: Thưa thầy, đương nhiên là thỏi vàng tốt hơn rồi ạ!
Thiền sư cười và nói: Nếu như ngươi là một hạt giống thì sao?
Kỳ thực, thay đổi tâm thái một chút bạn sẽ có thể đạt được sự giải thoát
Câu chuyện thứ hai
Hòa Thượng hỏi: Thế gian điều gì là trân quý nhất?
Đệ tử: Thưa sư phụ đó chính là thứ đã mất đi và điều chưa đạt được ạ
Hòa Thượng không nói gì...
Sau khi trải qua mấy năm xảy ra nhiều biến đổi tang thương.
Hòa Thượng hỏi lại đệ tử, đệ tử trả lời: Thế gian không có gì trân quý hơn là thứ mình đang có ạ!
Câu chuyện thứ ba
Có một thanh niên trẻ tuổi hỏi vị thiền sư: "Thưa ngài, có người nói tôi là thiên tài nhưng cũng có người lại mắng tôi là đồ đại ngốc, vậy theo thiền sư tôi là thế nào?"
Thiền sư hỏi lại người thanh niên: "Vậy ngươi đối đãi như thế nào với chính bản thân mình?"
Người thanh niên nghe xong câu hỏi cảm thấy mờ mịt...
"Ví dụ 1kg gạo, nếu ở trong con mắt người đầu bếp nó sẽ là mấy bát cơm, nếu ở trong con mắt của thợ làm bánh thì nó sẽ là mấy chiếc bánh nướng, trong con mắt của người nấu rượu thì nó lại là rượu, nhưng gạo vẫn chính là gạo đấy thôi! Cũng giống như vậy, ngươi vẫn là ngươi, có được bao nhiêu tiền đồ là do tự ngươi đối đãi với bản thân mình như thế nào." Người thanh niên nghe xong cảm thấy thông hiểu, rộng mở...
Câu chuyện thứ tư
Một thanh niên hỏi một vị cao nhân: "Làm thế nào để trở thành một người vui vẻ và đem lại niềm vui cho người khác?"
Vị cao nhân vui vẻ trả lời: "Có bốn loại cảnh giới, ngươi có thể lĩnh hội điều tuyệt vời trong đó. Đầu tiên là: "Phải coi mình là người khác" – đây là "vô ngã". Thứ hai là: "Phải coi người khác là chính mình" – đây là "từ bi". Thứ ba là: "Phải coi người khác là bản thân họ" – đây là "trí tuệ". Cuối cùng là: "Phải coi mình chính là mình" – đây là "tự tại"."
Câu chuyện thứ năm
Một vị thiền sư nọ có một đệ tử rất hay phàn nàn. Một hôm vị thiền sư đem một thìa muối đổ vào trong một cốc nước và bảo đệ tử này uống.
Đệ tử nói: Mặn đến phát khổ như vậy con làm sao uống được?
Vị thiền sư không nói gì, lại đem thìa muối đổ xuống một hồ nước và bảo đệ tử của mình uống.
Đệ tử sau khi uống một ngụm liền nói: Thưa thầy nước vẫn ngọt ạ!
Vị thiền sư bấy giờ mới nói: "Những thống khổ trong cuộc đời giống như muối, độ mặn độ nhạt của nó là do vật chứa đựng nó mà ra. Con nguyện làm một cốc nước hay muốn làm một hồ nước đây?"
Vị đệ tử hiểu ra và từ đó giảm bớt tính phàn nàn đi rất nhiều, luốn mở rộng lòng và đón nhận mọi điều trong cuộc sống.
Tâm tịnh thì cõi tịnh
Có một vị nam cư sĩ mỗi ngày thường hái hoa tươi trong vườn nhà mình đem đến chùa chí thành dâng cúng Phật. Một hôm, khi đem hoa đến điện Phật, chợt gặp Thiền sư Vô Đức từ pháp đường đi ra. Thiền sư hoan hỷ nói:
- Lành thay! Lành thay! Mỗi ngày anh đều đem hương hoa chí thành dâng cúng Phật, theo kinh nói, thường dùng hương hoa cúng dường, đời sau sẽ được phước báo thân tướng trang nghiêm!
Cư sĩ nghe nói, vui vẻ đáp:
- Đó là bổn phận con phải làm! Mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật thì tâm con mát mẻ, giống như được tẩy rửa nhưng khi về đến nhà thì lại phiền muộn. Bà nội trợ thường phiền hà ồn náo như cái chợ, con làm sao giữ gìn tâm mình cho thanh tịnh thuần khiết?
Thiền sư Vô Đức hỏi:
- Ông thường dùng hoa tươi cúng Phật, hẳn có ít nhiều kiến thức về cắm hoa, bây giờ tôi hỏi ông, làm cách nào để giữ cho hoa được tươi lâu, tốt đẹp?
Cư sĩ đáp:
- Muốn giữ gìn hoa được tươi lâu, mỗi ngày phải thay nước, và khi thay nước nên cắt bỏ một phần dưới cành hoa đi, vì phần cành nằm trong nước dễ bị thối rữa. Khi cành thối rữa thì khó hấp thu nước, làm cho hoa mau héo tàn.
Thiền sư Vô Đức nói:
- Giữ gìn cái tâm thanh tịnh thuần khiết cũng giống như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta giống như nước trong bình, còn chúng ta là hoa. Chỉ có thường xuyên lọc sạch thân tâm, sửa đổi tính tình và luôn luôn sám hối, sửa đổi khuyết điểm mới có thể tạo nên sự tươi mát, an nhiên.
Nghe xong, cư sĩ hoan hỷ làm lễ cảm tạ:
- Cám ơn thiền sư khai thị cho con! Hy vọng sau này có cơ hội, con sẽ thân cận thiền sư, ở trong tự viện làm thiền giả, an hưởng chuông sớm mõ chiều, yên tâm tĩnh trí trong tiếng kệ lời kinh.
Thiền sư Vô Đức nói:
- Đâu cần đợi cơ hội đến ở trong tự viện, ông hít vô thở ra đó là kinh kệ, mạch đập đó là chuông mõ, thân thể là chùa chiền, hai tai là tỉnh giác thì ở đâu cũng yên tĩnh.
(Theo Tinh Vân thiền thoại)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Nước trong bình tự nó không thể trở nên hôi thối nếu không cắm hoa vào. Hoàn cảnh sống của chúng ta cũng như thế, sẽ không rắc rối, phiền phức... nếu chẳng có những tâm niệm xấu ác hiện hành. Kinh Phật nói "Tâm tịnh thì cõi tịnh". Một khi tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng là đạo tràng, trở thành Tịnh độ. Vì vậy, mấu chốt của việc tu tập là luôn tịnh hóa thân tâm của mình.
Nhiều người nghĩ rằng, cuộc đời vốn đầy dẫy những nhiễm ô, tệ nạn, cám dỗ nên khó giữ tâm trong sạch. Họ ước muốn có một hoàn cảnh sống tốt hơn để có thể tu tập, và hẹn một ngày nào đó, có cơ hội sẽ vô chùa tu chẳng hạn. Nhưng họ đâu biết rằng, nếu đem tâm niệm bất thiện vào chùa thì cũng khó giữ được thanh tịnh chốn thiền môn!
Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: "Tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc". Đó là nhân cách của người học Phật. Vẫn sống giữa cuộc đời, phải đối mặt với cơm ăn áo mặc, bon chen danh lợi, nói chung bị vây quanh bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục... mà người con Phật vẫn nỗ lực để luôn giữ mình trong sạch, không bị thói đời chi phối, vẩn đục. Để làm được điều này, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải "tự tịnh kỳ ý", tức làm sạch tâm ý của mình. Một khi tâm ý đã thanh tịnh thì mình có thể "Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian nhưng không bị nhấn chìm trong dòng xoáy dơ bẩn của thế gian".
Kinh Duy Ma nói: "Chúng sinh là Tịnh độ của Bồ tát". Chúng ta chưa phải là Bồ tát nhưng nếu có thể giữ "tâm bình khí hòa", biết lắng nghe và chia sẻ trong tinh thần hiểu biết-thương yêu, thì mỗi gia đình của chúng ta cũng sẽ biến thành một Tịnh độ nho nhỏ
Câu chuyện bảy bát nước cứu khổ
Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có một gia đình bá hộ nối tiếng giàu có nhất vùng. Người người nể phục, nhà cao cửa rộng, đồng ruộng thì mênh mông bát ngát, thẳng cánh có bay, gia súc thì từng đàn, lúa chất đầy bồ, trong nhà không thiếu thứ gì, kẻ ăn người ở có tới chừng mấy mươi người. Cao lương mỹ vị ăn mãi không hết.
Gia đình bá hộ có hai người con, một trai một gái. Ai cũng khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp và nết na. Nhưng rồi tai họa đã giáng suống gia đình họ, khi người con gái vì uất ức với mối tình cùng chàng thi sĩ mà quyên sinh, còn cậu con trai trong một lần đi săn trong rừng sâu, bất cẩn bị sập bẫy mà trở thành kẻ tàn phế.
Người mẹ vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà sống trong nỗi ám ảnh và oán hờn. Ngày ngày bà ăn chay niệm Phật cầu xin được bình an và không còn phiền muộn. Rồi một ngày kia, bà cho gọi tất cả những người dân mang nợ với gia đình bà đến và phán rằng:
- Từ xưa tới nay, gia đình ta ăn ở có trên có dưới, ai khó khăn ta đều cứu giúp, cho vay bạc và lúa gạo, sau mỗi lần thu hoạch thì gia đình các ngươi đều có trả nhưng vẫn không thể hết. Nay ta cho gọi các ngươi tới để xóa tất cả các món nợ từ trước đến nay. Dù nợ nhiều hay ít. Từ nay trở về sau, giữa gia đình ta và gia đình những nông dân này không còn bất kỳ món nợ nào.
Những người nông dân nghèo khổ vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, có những người đã quỳ lạy cảm tạ tấm lòng của bà mà khóc nức nở, nguyện làm thân trâu ngựa để báo đáp ơn này. Nhưng bà một lòng từ chối "Kẻ ăn người ở trong gia đình ta nay đã có đủ vì vậy ta không cần thêm nữa, các ngươi hãy về lo làm ăn và sống cuộc sống như mình mong muốn"
Việc làm này của bà, những tưởng rằng như vậy thì trong lòng bà sẽ thấy thanh thản nhưng sao vẫn nặng trĩu một nỗi buồn.
Nhân dịp một lần vào viếng chùa, bà đã xin gặp vị Hòa thượng và bạch rằng hãy cho bà xin một bài thuốc để diệt trừ khổ đau và phiền não. Vị Hòa thượng mỉm cười hiền hậu nhìn người phụ nữ sang trọng, quý phái nhưng có khuôn mặt đượm buồn mà nói, bà hãy tìm đến bảy gia đình chưa bao giờ biết khổ, xin mỗi gia đình một bát nước. Với bảy bát nước đặc biệt này, tôi sẽ nấu thành một loại thuốc giải cứu những sầu muộn trong lòng bà.
Ngay sau đó, bà lên đường tới thăm gia đình thứ nhất mà bà quen biết bấy lâu nay, bà nghĩ rằng ắt hẳn gia đình này đang hạnh phúc và bà có thể xin được một bát nước. Quả là éo le, sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà nhìn bà với ánh mắt ngấn lệ, rằng bà đã đến không đúng nhà và tìm không đúng người.
Lúc này, người chủ nhà bắt đầu kể về câu chuyện gia đình, họ đã sống những ngày đau khổ, bất hạnh ra sao, con cái khiến họ mệt mỏi và buồn phiền như thế nào v.v... Nghe xong, bà lại nói những lời động viên, an ủi, vỗ về yêu thương trước khi bà tới thăm gia đình khác.
Cả ngày hôm ấy, bà không xin được một bát nước nào. Nước là thứ đi đâu cũng có thể lấy, dễ tìm nhưng bà không thể xin được. Gia đình nào cũng có nỗi sầu khổ riêng, không ai giống ai và tất cả những điều ấy khiến bà chạnh lòng, như một phản xạ rất tự nhiên, của một người phụ nữ đã trải qua những mất mát những đau thương trong cuộc sống, bà đều nói lời khích lệ tinh thần, hay đơn giản chỉ là lắng nghe họ tâm sự đề thấu hiểu những gì họ đã trải qua bằng tất cả tình yêu thương vốn có.
Suốt những tháng ngày sau đó, bà kiên nhẫn đi xin, nhưng cũng không tìm thấy gia đình nào hạnh phúc thật sự như bà vẫn thấy. Nơi nào cũng chất chứa nỗi niềm khổ đau và hờn tủi. Bà luôn bận tâm suy nghĩ làm thế nào để an ủi, giúp mọi người thoát khỏi phiền não, xoa dịu đau thương, và bà đã quên đi đau khổ của chính mình.
Giờ đây hơn bao giờ hết, bà thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng. Khi ta cho đi cũng là khi ta nhận lại nhiều hơn thế, nỗi buồn sẽ vơi đi khi ta cởi mở lòng mình, đón nhận lời sẻ chia, lời thân thiện từ những người chung quanh.
Sẽ không có bất kỳ loại thuốc nào có thể "chữa lành" những phiền muộn trong mỗi thân thể con người. Cách mà vị Hòa thượng chỉ cho người phụ nữ bất hạnh kia thật sâu sắc và ý nhị. Sự từng trải, lòng khoan dung, tình yêu thương của một người đàn bà từng làm vợ, làm mẹ của những đứa con, đã giúp bà nhận ra rất nhiều thứ xung quanh cuộc sống này. Điều mà từ trước tới giờ bà chưa một lần được biết và thấu hiểu.
Bảy bát nước, bà mãi không bao giờ tìm thấy nhưng con số bảy cho bà nhiều trải nghiệm đáng quý, nó giống như thiên thần hộ mệnh dẫn dắt bà đến với những điều bản thân tưởng chừng như không thể. Nỗi đau mà bà đang chịu đựng rất nhỏ so với những người khác, phải chăng đó là một điều hạnh phúc?
Đôi khi trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ chống lại bạn, đến nỗi bạn cảm tưởng rằng mình không thể chịu đựng hơn được nữa, nhưng hãy cố gắng đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì rồi mọi thứ cũng sẽ qua đi. Chính nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và tất nhiên nó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn nữa. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng đến phía sau những nỗi cô đơn dù không thể diễn tả thành lời.
Huyền Bùi (LNCS) - Theo Truyền Thông Phật Giáo
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top