Note 1: Chuyện Xưa

Ông nội tôi là một quân nhân. Ông vẫn thường hay kể về hồi tại ngũ, những năm tháng nằm gai nếm mật trong các cuộc chiến vùng biên giới. Trong các câu chuyện của ông có vô vàn những điều mới mẻ, những điều lạ lẫm và đôi khi là kỳ quặc. Ông hay hồi tưởng về một thời xa xưa, lúc chiến tranh biên giới với Trung Quốc bước vào hồi cam go quyết liệt, khi ấy, ông tôi là một tiểu đội trưởng, bên dưới có khoảng mười chàng lính, chàng nào chàng nấy trắng bóc do ở lâu trong núi lạnh. Thời bấy giờ, ông đóng quân trên dãy Hoàng Liên, đêm ngủ nhờ trong bản, ngày làm ruộng giúp dân. Những câu chuyện về làng về bản nghe sao li kỳ đến nỗi hồi còn bé ngày nào tôi cũng bắt ông kể lại. Ông kể rằng ở trên đấy, thời tiết khắc nghiệt lắm, nhưng càng vì thế, con người lại càng kiên cường mạnh mẽ. Một đứa nhỏ mới hai ba tuổi đã giúp mẹ nấu cơm. Lớn tầm năm sáu tuổi đã có thể lên nương bẻ ngô, mót sắn. Thêm chút nữa đã biết đeo gùi trên lưng, băng rừng kiếm thuốc, kiếm quả. Ở nơi đó, những cá thể mạnh mới tồn tại được, âu cho cùng cũng là chọn lọc tự nhiên.
Tiểu đội ông cư ngụ trong một bản làng của người Dao đỏ, ngày ngày học nói tiếng Miền, đêm đêm thăm dò, thám thính, ba ngày sẽ có một trận nhỏ, mười ngày một trận lớn với các nhóm quân nhập cư trái phép từ biên giới Việt Trung, các nhóm buôn thuốc phiện, buôn gỗ, khi thì đốt phá các đồi hoa Anh Túc. Trong một cuộc chiến đấu gay gắt với nhóm buôn thuốc phiện xuyên biên giới, tiểu đội ông, lúc này chỉ còn có ba người, bị dồn đến bên một vách núi. Mặt trước là vực sâu thăm thẳm mịt mờ sương khói, mặt sau là bọn buôn lậu theo sát như hổ rình mồi, trên người ông nội đang giữ một tin tình báo cơ mật, chết cũng phải mang theo, tuyệt đối không thể để rơi vào tay bọn chúng. Trước tình huống đó, ba người họ đã quyết định buông mình xuống vực, cầu một cửa sinh từ cửa tử. Trời đất linh thiêng, thời điểm này vào độ tháng 9, đúng mùa nước lên, ông nội t ngã thẳng xuống một con sông, níu giữ được một đường sống, lúc ông tôi tỉnh dậy đã là ở trong một ngôi nhà sạch sẽ. Ông kể rằng khi đó, ông không thể cử động được, cảm giác như xương cốt gãy vỡ hết. Người đầu tiên ông gặp là một cậu chàng hết sức khôi ngô.
Ông tôi thời bấy giờ tầm ba lăm tuổi, cậu ta trông trẻ lắm, chỉ khoảng hai ba, hai bốn, thế mà cao hơn ông tôi đến nửa cái đầu. Ông đc chăm sóc gần ba tháng mới có thể đứng dậy ra khỏi nhà. Đây là một bản của dân tộc thiểu số nào đó mà ông tôi chưa từng gặp. Họ có cách ăn mặc hết sức kỳ quái. Đàn ông để trần thân trên, ngoại trừ cậu chàng mà ông gặp khi mới tỉnh lại, cậu ta khoác một tấm da hổ. Thân dưới mặt một chiếc quần bằng vải sợi, sờ vừa thô vừa cứng, chẳng có lấy một hoạ tiết gì. Đàn bà mặc một chiếc váy rộng bằng thứ vải đấy, kéo dài đến tận gót chân. Bên dưới chân của họ, không có lấy một đôi tất hay giày dép nào, mà chỉ lấy lá cây bó lại. Khuôn mặt được vẽ tỷ mỉ bằng nước của một loại cây nào đó, nhác trông như những vệt lông trên mặt hổ. Ông tôi gọi họ là tộc Hổ.
Tộc Hổ chỉ có khoảng trên dưới ba mươi nhà, lấy nhà cậu chàng kỳ lạ kia làm trung tâm. Họ không hiểu tiếng Miền lại càng không hiểu tiếng Kinh, thời kỳ đầu ông tôi đã rất khó khăn để giao tiếp, phải qua sáu tháng, ông tôi mới có thể lờ mờ hiểu họ nói gì. Hồi còn thơ bé, tôi đã từng nằng nặc đòi ông dạy tiếng, bọn trẻ con trong xóm không chịu chơi với tôi vì tôi cứ ba la bô lô toàn những thứ bọn nó không thể hiểu. Lớn thêm chút nữa, khi bận vùi đầu với những bài kiểm tra, với những tiếng Anh, tiếng Pháp, thì những đam mê, tò mò của tôi với thứ tiếng kia mới bị dập tắt. Còn với ông tôi, ông ở lại đấy ba năm, nói tiếng đã như người bản địa. Ba năm này cũng là thời gian ông trải qua những câu chuyện kỳ dị khiến ông khắc sâu đến tận bây giờ. Như một lẽ tự nhiên, tộc Hổ thờ cúng thần Hổ, cậu chàng kia giống như một tư tế của tộc, là người nắm chức vụ cao nhất, có thể giao tiếp với thần. Mỗi khi làm lễ, cậu ta đội trên đầu một chiếc mũ có tai hổ, dân làng bắt gà rừng hoặc thỏ, để sống, cho vào một cái rọ đan bằng nứa để hiến tế. Nghi lễ được tổ chức bên ngoài một miệng hang lớn, cậu ta một tay cầm đuốc, một tay xách rọ từ từ tiến vào hang. Người dân bên ngoài lập một đàn tế, quỳ khấn cầu nguyện. Một lát sau, từ trong hàng, vang lên một tiếng gầm của thú hoang, nghe kinh thiên động địa, lần đầu tiên tham dự buổi tế lễ, nếu ko phải bị giữ chặt lại, ông tôi, với tinh thần quân nhân, đã lao vào cứu cậu trai kia. Mãi sau này, cậu trai đó mới giải thích với ông rằng, thần gầm lên một tiếng có nghĩa là đã chấp nhận đồ hiến tế và trong tháng đó, dân trong bản sẽ ko phải lo sợ chết oan dưới vuốt hổ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #mỹ#đam