CHƯƠNG 3 : KHI PHAO ĐI NGANG

Thằng Ấn và tôi hai đứa đã bàn nhau rất kỹ chuyện này từ trước lúc nghỉ hè một tháng. Cần câu không phải chỉ có một mà mỗi đứa hai cần. Và toàn bằng những cây "hóp lụi", vừa đặc ruột, vừa ngắn đốt, các đoạn mắt đều nổi nhớ thành gờ tròn, chỉ bào sơ sịa bằng dao cùn từ khoảng nửa phần trên cần là đủ xinh. Lưỡi câu là thứ lưỡi câu Tây. Có đứa bảo đó là lưỡi câu Nhật, bọn tôi chẳng biết mô tê gì thôi thì cũng cứ nói vuốt đuôi rằng à đúng, đúng, vì nó có hơi cong vênh tí xíu ở đằng cuối lưỡi, giật cá cái bóc là trăm phần trăm.

Bọn tôi nghỉ hè ngay trước cả tiếng trống bãi trường vào lúc năm giờ chiều. Ra khỏi cổng là hai đứa bắt đầu cắm cổ chạy thục mạng giống như hai thằng kẻ cướp vừa giật được của ai món gì đó. Nhà Ấn ở cách nhà tôi 136 bước chân của nó, nhưng tôi cho rằng nó nói ba xạo, vì tôi đã đếm kỹ: đúng chỉ có 128 bước chân tôi thôi. Chuyện này vẫn chưa ngã ngũ trắng đen. Khi đến cổng nhà nó, Ấn dừng lại:

- Đúng sáng mai nha?

- Ừ. Sáng mai. Sáu rưỡi. Mày nhớ đem theo cái gáo dừa.

Nó hỏi kỹ:

- Để đào trùn nước bỏ vào hả?

- ... Ừ...

Lúc này nó đã khuất lưng sau cánh cổng rồi.

Buổi sáng, mới vào khoảng hơn sáu giờ, chim chích choè còn líu lường xí xoọng trên ngọn tre cao đã có người gọi cổng. Tôi nhảy xuống giường chạy ra vì biết tiếng gõ là của Ấn. Cứ thế này: "Cọc cọc cọc", chừng hai tích tắc, "cộp!". Có thể nó gõ bằng cục gạch nhặt đâu đó, thiếu gì! Có thể nó gõ bằng cái gáo dừa khô, vỏ dày như ngói, nhưng bao giờ cũng một điệu cọc cọc cọc, chừng hai tích tắc, cộp... Má tôi thường ngày đã có nhận xét:

- Thằng này (tức thằng Ấn), cái gì cũng được hết. Nhưng đập cửa ầm ầm là tao không ưa. Chắc nó nện bằng chày giã gạo quá!

Mở cổng xong tôi bảo:

- Mày chờ tao ở đây chút. Trong nhà đang ngủ. Tao chạy vào rửa qua mặt, lấy cần câu là ra ngay...

Hai đứa lên đường. Mỗi đứa đem theo hai cần để phòng khi cá ăn câu, giật lên không khéo đứt chỉ, mất lưỡi câu... là có cần khác ngay. Một chiếc trang làm bằng mảnh guốc lép có cán bằng cây sào nhỏ, dùng để quậy bùn cho cá đánh hơi, sẽ đến tìm mồi. Mỗi đứa có giỏ đựng cá riêng. Con mồi thì dùng chung, thừa thãi. Địa điểm câu đã có cả con hói rộng, dài hàng chục cây số hoặc dài hơn nữa. Con hói chạy dọc qua bao nhiêu đồng ruộng phì nhiêu trước khi giáp mạt con sông có cả thuyền buồm lướt đi chẳng ai biết đi đâu về đâu. Trên bờ hói có tí đường hẹp, mùa mưa bước không quen dễ thụt chân xuống ruộng như chơi, nhưng mùa nắng đi thoải mái cả lúc ban đêm. Bọn tôi đặt xuống mấy thứ mang theo: cần câu, giỏ, cái trang, gáo dừa, lon không, và cái túi gì đó của thằng Ấn mang theo.

Tôi quen cách đào trùn nước nên tự lãnh phần này. Thằng Ấn đứng nhìn học cách. Từ trên đường men theo ruộng bùn, tôi đã trông thấy bao nhiêu chấm lổ đổ phô ra trên mặt ruộng nhão nhoẹt. Nhất định ở dưới có cơ man loại trùn nước ở. Con trùn nước thân dài ngoằng, mình vuông, mềm như sợi bún nên rất dễ đứt. Muốn bắt được nó, đôi bàn tay ta phải xắn vụp xuống lớp bùn nhão. Xắn sâu rồi lật ngược khối bùn láng ánh lên ngay. Có từng đoạn thân trùn đang cùng nhau rút khỏi ánh sáng: tay ta không lẹ đối phó là đứt ngay cả đoạn thân trùn.

Trùn nước là loại tạp ăn, dù thức ăn chỉ toàn bùn khắm, nên chóng lớn. Biết vậy. tôi không bắt từng con bằng hai ngón mà chỉ bụm chúng vào lòng bàn tay. Phải thật khéo tách ra từng mảng bùn đặc như bánh canh: đây, trùn, đây, bùn, đây, trùn, đây, bùn. Tôi không nhìn thằng Ấn nhưng biết tỏng nó đang coi tôi như cả ông trời bao la. Chỉ không quá mươi phút, đã đào được một mớ trùn nước nếu đem cho gà thì hai con mái ăn nứt diều mới quyệt mỏ qua về rồi đi vì quá ngấy. Nghĩa là lượng mồi dùng câu được tới đôi ba hôm. Tôi đưa lên cho thằng Ấn tất, chỉ lấy một ít cho vào chiếc lon cùng với ít bùn để trùn ở. Tạm chia mồi ra như vậy, vì địa điểm câu có thể ở cách xa nhau.

Bắt đầu. Tôi lấy chiếc trang sục mạnh xuống lòng hói, khoắng tung lớp bùn, đẩy ngang, dọc, qua, về, lên, xuống, rồi quậy cả mặt nước cho thành tiếng lũm bũm... để kêu gọi lũ cá trê. Thằng Ấn đã chuẩn bị xong mồi cả hai cần của nó. Tôi bảo:

- Tao xuống đoạn hói dưới kìa. Mày bắt đầu đi! Đặt hai cần cách xa nhau ra để lúc cá ăn, giật khỏi vướng chỉ...

Tôi xuống một khoảng dưới kia, cũng quậy trang giống như vừa rồi. Tra mồi vào lưỡi câu cũng không dễ đâu. Ấn con trùn nước cho nó ôm trọn lưỡi câu, lại phải nương tay sao cho cả phần thân lòng thòng còn lại không đứt ngang. Để cá lầm đây là con trùn nước thật, chứ chẳng có ai đánh bẫy mình cả. Rồi ước lượng cả mặt nước sâu nông của con hói, đẩy phao làm sao cho con trùn xuống nằm tận mặt bùn và chiếc phao nằm ngang trên mặt nước...và chờ. "Chẳng có gì phải sốt ruột khi chờ cá ăn mồi..." Ông cậu tôi là tay nghề câu cá thường nhắc như vậy.

Tiếng thằng Ấn vọng xuống:

- Mày nghe gì không?

Tôi bảo lên:

- Nghe quá chứ. Nói đi!

- Không phải nghe tiếng tao nói. Chim chiền chiện kia!

Tôi hỏi đâu đâu, chiền chiện đâu? Rồi im ngay. Vì cái phao đang động đậy. Phao đang động đậy thì trời sập hay pháo bầy đang nã bên hông cũng dẹp, chẳng ai thèm chú ý. Đấy... Đang... Chờ tí ti... Trống ngực đập loạn xạ và rất muốn đi giải.

Và giật ngược cần đúng ngay khi phao đang bị kéo đi ngang. Một tên trê bự vàng khè còn mắc ở cuối sợi chỉ câu đang kêu oọc ẹc oọc ẹc. Mùa hè vừa mới bắt đầu mà bọn tôi đã gặp hên tức khắc. Nắm con trê để tách nó ra khỏi lưỡi câu nếu không quen là rất dễ bị ngạnh nó chích cho (giống như mảnh chai cứa): sẽ vừa nhức buốt, vừa túa máu đỏ tay.

Tôi đã cho cá vào giỏ, buộc giỏ vào một thân cỏ lùm ngâm xuống nước để cá sống. Và nhìn lên phía thằng Ấn thì thấy nó cũng đang giựt được một con trê. Tôi gọi nó, hoan hô nó bằng một câu giỏi, giỏi, cố lên, vừa rồi mày nói cái gì chiền chiện?

Nó trả lời:

- Mày không nghe chim chiền chiện đang hót ríu rít trên đầu mình sao?

Cái phao của chiếc cần thứ hai của tôi bỗng nhúc nhích. Thụt xuống một nửa phao rồi thả nổi lên lại. Phao động đậy thêm tí tẹo tôi ngờ nghệch nhích đi, thận trọng như người mù. Và nó đi ngang. Giật! Ủa! Không phải một tên trê mà là tên giếc... à không, đây là tên gáy. Đúng, con gáy: thân dày, vảy to, có hai râu trắng xuôi theo ven miệng cá, và màu lưng đen xanh. Cá gáy thường rất cảnh giác nên khó câu được, con này chắc ngứa mép sao đó, đã đớp một con trùn nước có cài chiếc lưỡi câu trong bụng nên bị oan trái đây thôi.

Rõ ràng đang có tiếng chim chiền chiện réo rắt trên cao. Hình như chim càng chập chờn trên cao, tiếng càng nghe rõ, thanh thoát, trong veo hơn nhiều. Vừa nghe chim hót, tôi vẫn không rời chú ý tới hai chiếc phao chưa thấy có gì thay đổi thái độ. Tôi nhìn lên chỗ thằng Ấn. Nó đang làm gì loay hoay như kiểu đang tra một con mồi sau khi giật được cá. Tôi hỏi:

- Vừa được thêm đứa nữa hả? Vẫn trê chứ?

Tôi đoán nó đang cười. Tiếng nó:

- Đứa nữa. Trê. Vàng như củ nghệ. Trơn như lươn. Chích tao một mũi đau như ong vò vẽ đốt đây...

Cái phao của cần câu thứ nhất của tôi lại lúm nhúm. Lại thụt xuống. Tưởng nó sẽ có mặt trở lại nhưng đã mất tăm mãi mãi. Tôi giật! Một con trê màu nâu phớt vàng tung lên một đoạn theo sợi chỉ câu loằng ngoằng rồi bỗng nó tách biệt. Cá rơi xuống mặt nước, chắc có cả tiếng tũm. Mình vốn trơn tuột của loài cá đã giúp nó biến nhanh như ông Bụt sau khi dạy cho Tấm học thuộc lòng bài bống bống bang bang. Tôi bắt chước ông cậu tôi nói triết lý mỗi lần giật tuột cá:

- "Chẳng lẽ hên mãi sao?"

Xong rồi, cầm nhẹ cần câu lên, cả hai cần, đặt vào chỗ ruộng khô. Lấy chiếc trang quậy bùn lần nữa. Khoắng, đẩy, ấn, tống cả vũng nước đặc ngầu bùn, một loại bùn thường hay có mùi vị lập lờ khong thối không thơm, chỉ hơi tanh. Bùn làm nổi lên từng khối bong bóng mẹ bong bóng con lục ục lúm úm cho đến lúc từng bong bóng một bị vỡ kêu ụp là xong đời. Lại bỏ mồi xuống. Lại chờ.

Thằng Ấn lại giật câu. Lại một trê. Thằng này suốt cả mùa hè chắc còn hên nhiều nữa. Tôi khen nó, gần như hét lên:

- Mày tài như ông Khương Tử Nha nghe!

Hắn cười, không nói gì. Nghĩa là rất đồng ý với tôi rằng: hắn đang là ông Khương Tử Nha...mặc dù cả cặp chúng tôi vẫn cứ ù ù cạc cạc về ông có họ Khương này là ông nào, Tây, Tàu, Ấn Độ, hay ta?

Cái phao của cần câu thứ nhì lại hơi nhấp nhổm. Không cần có nhúc nhích nhiều hay ít, đã bắt đầu có động đậy là phao sẽ rung rinh: ban đầu chỉ thoang thoảng, rồi dáng điệu nhặt hơn, rồi gấp rút thêm, rồi thụt, buông, và bắt đầu phao xê đi một lối dung dăng dung dẻ.

Tôi giật... Lại một thằng trê mầu da lươn. Lại kêu lên những tiếng oọc ẹc oọc ẹc vui tai. Tôi chẳng cần quảng cáo ồn ả với thằng Ấn làm gì. Nó đang ngồi mắc mồi vào lưỡi câu. Có lẽ hắn ta vừa tóm được thêm đứa nữa. Cũng có thể hắn giật hụt, cá biến và mất luôn mồi.

Hai đứa ham vui quên cả nắng đã lên cao, mồ hôi túa đầy mặt, cổ, hai vai, hai tay. Kiểu nắng gắt này là ở vào khoảng xê qua xích lại đã mười giờ sáng đây. Bọn cá càng về sau, càng ít nhấm nháp món trùn nước hấp dẫn.

Thằng Ấn đang đứng gồng mình, bẻ người bên này, bên kia cho xương sống kêu rắc, nghe cho sướng tai. Như vậy là nó cũng thấy: nếu dọn dẹp các đồ nghề lăng nhăng kia để ra về thì cũng được rồi. Nhất là mỗi đứa cũng đã thu hoạch được mở mớ cá không ít. Thỉnh thoảng tôi cũng giống nó, giả vờ quên mất con số cá, con số lần giật, con số lượt tiếng nghe oọc ẹc oọc ẹc của bọn trê mà chỉ nhớm thứ nặng nhẹ cái giỏ cá, cân đông bằng tay nhom nhớm cho khoái. Thằng Ấn hỏi to:

- Về chưa? Mày được tổ đãi nhiều ít?

Tôi bảo vọng lên:

- Cũng em em mày đó...

Thật ra cũng không phải khen nịnh hắn mà chỉ nhận xét nó câu giỏi hơn tôi. Ngay sáng nay, thỉnh thoảng tôi nhìn lên lại thấy nó đang giật. Hình như không bị tuột cá lần nào. Đó là cái giỏi riêng của nó. Giật sao cho cá không tuột mất để cần câu trở thành hẫng hụt, thì mới tài nghệ.

Tôi chuẩn bị ra về, trước tiên là coi lại giỏ cá. Đâu có nhẹ tay? Cá trê không nhảy, không tung, chỉ luồn để lách. Và co nào cũng cứ thích rúc đầu xuống phía dưới bụng những con khác, giống như bọn gà chọi hay chui vào cánh đối phương, tìm thế đá móc vào họng con kia. Mặc dù khó đếm nhưng đôi mắt chúng ta rất cừ: nhìn tách ra từng lưng và từng đầu tre lúc nhúc (con gáy thì vụng về hơn, lại to bề ngang, dễ phân biệt), tôi cộng trừ được ngay: bốn trê, ba bự, hai hơi sút kém, và một gáy, nhớ là đã giật cong ngọn cần. Đến bên thằng Ấn... tôi cầm giỏ nó lên xem. Quả thật nó đã hơn tôi về số lượng cá. Đang đếm nhẩm xem thì nó bảo:

- Sáu chú! Chút nữa là bảy. Tao để tuột một con, vì giật hơi sớm...

Nó cầm giỏ của tôi lên, gật đầu:

- Cũng khá! Lại thêm con gáy, Kho rim tương ăn với đưa cải trường thì thủng nồi nghe!

Hai đứa bước về, đi trong tiếng chim chiền chiện líu ríu trên trời.

(7/10/1992)


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top