CHƯƠNG 12 : CU ẾT
Cu Ết vào cơ quan chúng tôi khi vừa mười hai tuổi. Hôm ấy anh Toàn thủ trưởng và tôi ở đồng bằng trở về chiến khu. Trên đường vào cơ quan, đang đi ngang nhà bác Chít, một nông dân nghèo đồng thời là thợ mộc, thì bác mời vào uống chè Huế có pha gừng. Đang lúc khát nước, và đồng thời cũng để nghỉ chân, chúng tôi ghé chơi. Một chú bé bụng ỏng, mặt xanh bủng, đang xách nước từ giếng đi vào. Nó đã thấy bọn tôi nhưng không chào, làm như chưa thấy. Trận càn của địch vào tháng trước đã đốt rụi cả xóm làng, nhà bác Chít cũng mới dựng lại, chỉ nhỏ bằng phần ba trước đây, lợp tranh rạ tươi còn phảng phất mùi lúa chín.
Vừa ngồi uống nước, anh Toàn hỏi bác Chít:
- Chú có được mấy cháu?
Bác Chít rót nước vào mấy chén tống, nói:
- Có một thôi. Con gái. Hắn đang vô làm rẫy với bà con trong núi... còn thằng ni là cháu. Kêu tui bằng bác ruột. Cha mẹ chết cả rồi, về ở với tui. Sốt rét tứ tung nhưng cũng siêng năng làm việc. Nếu mấy anh.... coi cần có đứa để sai vặt, cho nó theo với!
Anh Toàn cười vui vui, hất mặt sang tôi như cách hỏi: cậu thấy thế nào, hay ta đồng ý đi?
Tôi bảo:
- Tùy anh, cũng được....
Nói như vậy vì lâu nay, cơ quan tôi đang thiếu một chú bé giúp công việc lặt vặt như: đưa thư vào mấy cơ quan bạn đóng cách đôi ba cây số hoặc phụ giúp anh cấp dưỡng về bếp núc, cũng có lúc chỉ để trông nhà cho anh em đi công tác vài ba tuần mới về.
Anh Toàn bảo:
- Chú thử hỏi qua ý nó coi... hay thôi. Em gì đó ơi! (bác Chít bảo: "thằng Ết!") Ết ơi, vào đây anh hỏi. Em có muốn làm việc với bọn anh không?
Không ngờ nó vừa đi vừa hỏi lại:
- Dạ việc chi?
Tôi cười ngất trong đầu nhưng chỉ mỉm trên miệng. Anh Toàn trả lời:
- Có nhiều công việc cho em làm. Bây giờ thì xách nước, phụ bếp quét sân. Chừng sang năm, liên lạc đưa thư cho vài cơ quan đóng gần. Khi rỗi thì học.....
Bác Chít nói vào:
- Được vậy thì là lên tiên rồi! Mi thích là tao cho đi theo các anh luôn. Rồi cố gắng học nữa. Để sau còn cất đầu lên một chút con à! Nghe chưa?
Cả tôi và anh Toàn đang nhìn thái độ Ết. Nó cười. Cái cười chắc là giống kiểu cười thằng Bờm.
Bọn tôi chào bác Chít để vào chiến khu, có Ết lon ton theo sau trên vai, quàng một chiếc túi vải xanh bạc mầu, xem ra không có gì nặng ở bên trong, và một tay nó cầm chiếc cần câu đơn sơ.
Trong cơ quan, thật ra cũng chẳng có gì là bận rộn, nhất là với một cơ quan văn nghệ thời kháng chiến chín năm. Bốn cán bộ và một anh cấp dưỡng lo bữa ăn thường ngày. Và bây giờ có thêm cu Ết. Bốn cán bộ thì trừ anh Toàn thủ trưởng, thỉnh thoảng cần thiết lắm mới tạt về đồng bằng họp chớp nhoáng rồi lên ngay, còn lại ba anh em cứ phân chia công tác ra, về từng huyện nào đó mà làm việc. Một hai tuần tạm xong, lại trở về chiến khu. Cho nên rất ít khi có mặt đông đủ cả sáu người ở cơ quan. Thường ngày chỉ có anh Toàn, anh Cục (cấp dưỡng, vừa lùng sục vào các gia đình nông dân để mua cái ăn chính hàng ngày), một anh em cán bộ nào đó chưa phải đi công tác, và cu Ết.
Chú bé này coi vậy mà là đứa trẻ thật năng nổ, thật hiếu động. Luôn luôn giữ cho cái sân cơ quan (từ trước mặt nhà bên đến quanh nhà bếp) không có một ngọn lá khô rơi, không có một tổ kiến lửa đục rãnh, không có một bãi phân gà. Từ bếp cơ quan xuống tới mặt suối không xa lắm, nhưng rất khó đi vì phải bước qua từng cấp nền hơi trơn tuột. Thế nhưng sáng nào, Ết ta cũng sách từng xô nước từ suối lên đổ đầy hai thùng sắt. Thỉnh thoảng lại "ngã" sốt rét đôi ba ngày. Đắp hai chăn bông, một bành tô của anh Toàn, uống lá tiết dê đắng hơn ký ninh cũng chịu uống. Hết bệnh, lại bắt đầu các công việc hàng ngày.
Những buổi trưa buôn tay, Ết ta cùng chơi với anh Cục, vót vót đẽo đẽo, "chế" những loại bẫy chim: bẫy chim cút, bẫy gà rừng, bẫy phi làng phi họ (cà cưởng núi). Hoặc làm cần câu cắm. Công việc "cắt" lưỡi câu thì đã có anh Cục phụ trách. Chỗ khó nhất là cứa cho thành cái ngạnh từ một chiếc kim băng. Nhờ trước kia Cục là thợ bạc, nay làm cái lưỡi câu thì có gì là khó! Cu Ết cũng bắt chước làm. Cái thứ nhất còn vụng, cắt mẩu ngạnh còn thô, tùi nhưng anh Cục phán:
- Dù còn kém, nhưng vẫn câu được. Mi làm tới cái thứ tư thì có thể xinh...
Nhưng chiến công lừng lẫy của Ết là hôm chú ta bẫy được cả con gà rừng: gà trống! Mặt đỏ, tai trắng, chân, mỏ và đôi cựa cong vòng đều đen ngòm. Đuôi dài dài bè bè chứ không vỗng cao như gà trống nhà. Tuyệt cú nhất là có mặt cả sáu anh em, không phải lích kích để phần lại cho ai cả. Không cần tốn miệng một anh em nào quảng cáo thêm, chuyện thằng Ết nó đặt cái bẫy thế này, con gà rừng bị treo cổ thế này, cái cựa nó mắc vào tay thằng Ết thế này: cho nên Ết mới bị chảy máu tay thế đó....
Vậy là không ngờ hôm nay, chủ nhật buổi trưa, chúng tôi bỗng nhiên có một bữa ăn rất thịnh soạn do công lao của Ết. Cũng phải kể đến chai rượu nếp giá trị của một ông cụ gửi biếu anh Toàn nữa. Ai uống được nhiều, cứ uống, nhưng loạng quặng là bị quét vôi vào trán và chân. Ai thích điệu nhâm nhi để triết lý về "cái ăn" thì cứ việc nhâm nhi kiểu ấy. Ai không uống được thì càng hoan hô.
Buổi tối, vào giờ mấy dòng khe suối, gốc cây già, tảng đá mình vọi, hay các đường mòn ngang dọc cùng nhau rầm rì kể chuyện riêng tư ban đêm. Ết ta mới đi câu trê. Nó chỉ thích đi một mình. Có hôm anh Cục bảo chờ một chút tao đi với, tưởng đâu nó thích mê vì có bạn đường. Không ngờ nó bảo:
- Thôi anh ở nhà ngủ cho khỏe. Tôi đi một mình được rồi...
- Có tao cùng đi càng vui chớ!
- Không được! Câu trê ban đêm, con cá nó kiêng cái ồn ào. Nó không ăn mồi.
Hình như Cục hơi tự ái:
- Vậy mi đi một mình, bước chân mi không ồn ào sao?
Ết vẫn nhỏ nhẹ:
- Không! Tui đi như mèo đi. Anh không biết cách đi này...
Anh Cục có phần bực mình nhưng cũng thấy đúng:
- Vậy thì thôi. À, mi câu mồi gì đó?
Ết cầm cần câu và giỏ đựng cá đi, bảo:
- Ruột gà.
Khoảng chừng có tiếng gà rừng gáy đợt một (giống gà rừng thường bật gáy cũng rất nhiêu khê, chỉ khoảng một hai giờ đem đã te te rồi) Ết ta về. Cả cơ quan anh em đã ngủ cả. Anh Cục cũng vậy. Nhưng khi có tiếng đánh diêm và kèm theo sau là một vùng ánh sáng khiêm nhường của đĩa đèn dầu rái, anh Cục tỉnh dậy. Vừa để đi giải vừa để coi thằng này có giật được con trê nào không: nếu không ta sẽ bảo lướt một câu: "Mi đi một mình mới câu được cá, sao đem về cái giỏ không vậy?"
Anh Cục quả thật ngạc nhiên lúc nhìn vào cái chậu thau thủng đã nhém hắc ín: năm con trê cỡ bự, vàng màu đất sét, đang bơi trong nước, luồn lách từng vòng tròn theo đường cung bờ chậu thau.
- Ôi thằng này quá giỏi? Tao thật phục sát đất mi rồi đó. Cũng phải... cũng phải!
Bỗng thấy anh Toàn đi xuống, nét mặt vui vui, có lẽ vừa rồi đã nghe những câu khen ngợi của Cục về tài câu cá của thằng Ết. Cục cầm cây đèn dầu rái đến bên chậu cá trê để anh Toàn xem cho rõ.
- Toàn trê cả hè! Ết mình thật giỏi! Em câu mồi gì?
- Dạ ruột gà...
Anh thủ trưởng hơi nhăn mày. Nghĩ nhanh rằng cơ quan ta có nuôi gà đâu mà bảo dùng ruột gà? Nhưng liền đó anh nhớ ra ngay, là lúc trưa anh em vừa "liên hoan một bữa" thịt gà rừng không chê, nên càng thấy công lao thằng nhỏ này thật đáng mến.
- Thôi, ta chuẩn bị lên ngủ thôi. Anh Cục lấy cái gì đó đậy lại. Cá trê nếu sống, nó tìm lối, trườn xuống suối ngay. Ết rửa tay chân mà đi ngủ...
Loay hoay mới đó mà đã được hai năm kể từ ngày cu Ết vào cơ quan này. Công tác hiện nay của nó là liên lạc đưa thư. Cùng là chiến khu, nhưng có cơ quan đóng gần, có cơ quan đóng xa gọi là A Tê Ca, tức là An Toàn Khu, cách chỗ anh em hiện nay đến 40, 50 cây số. Cho nên phải ở lại một đôi hôm mới trở về.
Một hôm cũng do Ết kể lại, trên đường công tác về nó phải nhịn đói tới ba hôm. Do nước lũ ở các khe suối dâng cao "như biển": ta đang về ngang đâu đó. thì cứ phải ở lại đó. Ết tìm được cái chòi canh heo rừng xiêu vẹo của ai đó đã bỏ lại từ lâu. Nhưng đối với nó vậy đã thích mê rồi. Tránh được những ngày mưa rừng Thừa Thiên. Mưa xối xả. Mưa triền miên. Mưa chẳng thấy trời thấy đất. Ết nhớ ra rằng hôm qua, trước khi vào trú tại chòi canh này, nó còn thấy cả vạt thân cây bắp đã hái hết quả. Nó cởi phăng áo quần, cứ tồng ngồng trong những bè mưa nghiêng ngả, phải vuốt nước trên mặt cho dễ thấy mọi cái trước mắt, để bẻ tận gốc các thân bắp làm thành một bó lớn tướng. Xong rồi, kéo lên chòi. Coi như ta đang tắm trong những buổi trời mưa khi ở nhà. Cần quái gì hai điều lạnh, run? Thế mà lúc nãy, tưởng đâu đói đã hai ngày chẳng có củ khoai bỏ miệng - lúc sáng đói quá đã ngỡ bị bại xuội, không ngờ hứng nước mưa uống tới non lít, lại thấp dễ chịu nhiều...
- Dạ không, em bẻ cả bó cây bắp đem lên chòi canh đâu phải để đốt lửa cho ấm? Những cây bắp đó em lấy để ăn mà! Nhai nó, ngọt như ăn mía non. Em ăn thong thả, nuốt nước ngang mô, thấy khoẻ ngang đó. Chờ tới ngày thứ ba, nước rút là em rút về đây.
Anh Cục vừa lùi cho mấy khẩu sắn nướng... rứa là ấm bụng.
Anh Toàn nhường cho Ết một lon sữa bò hiệu Chim tha mồi. Bảo anh Cục khuấy ngay cho Ết một bát sữa bò chưa quá đát này, chờ lát nữa ăn cơm chiều luôn...
Một hôm hai trung đội phần đông là lính Pháp và lính Âu Phi mở cuộc càn lớn đánh vào chiến khu I. Đốt phá xong xóm làng và nhà cửa đồng bào, cả những bờ tre, cau, chuối, cây ăn trái, cày, bừa, giường phản, bàn thờ, bàn ghế, nồi, võng - chúng đóng quân lại phía ngoài chiến khu chuẩn bị bữa ăn dã chiến. Có sẵn heo gà vịt đó rồi cứ hạ ngay bằng súng mà ăn... Nhưng chưa kịp ăn đã bị chủ lực Việt Minh đánh úp. Tây đen, Tây trắng, lính da vàng, thằng nào chưa chết thì cố gắng chạy. Vừa chạy, vừa chết. Thây ngổn ngang. Rất nhiều kiểu nằm. Nhiều đứa chết rất lạ. Không hiểu vì sao trong cả bụi tre gai chi chít cành cây tua tủa, đến chó chui rúc không thể lọt vào bên trong được, vậy mà vẫn có hai xác chết nằm vắt ở trong kia?
Sự việc này do chính Ết kể lại. Ngay chiều hôm xảy ra trận càn, Ết đi công tác về, còn dừng lại dạo xem toàn cảnh. Nó lặn hụp xuống con sông Dương Hòa ở ngay đó, tìm vớt chiến lợi phẩm. Hai súng trường. Băng đạn. Lựu đạn chày. Một chai rượu Sâm-banh còn nguyên rượu ở bên trong nên đã chìm xuống sông. Hai hộp đồ cạo râu và xà phòng cạo mặt. Một khẩu phần cho lính dã chiến. Sau đó nó nộp những thứ súng đạn cho đơn vị dân quân đóng gần đó. Chai Sâm-banh nó biếu bác Chít. Hai hộp đồ cạo râu nó đem vào cơ quan. Nhiều anh, cả tôi nữa không râu vì hay nhổ bằng nhíp hoặc bằng hai hạt lúa, cũng cạo chơi. Và khen mất lập trường dạo cạo "của nó" quá sắc...
Qua ngày mai lại, Ết có công tác, lại lên đường. Khoảng một tiếng đồng hồ sau chúng tôi ở cơ quan nghe tiếng bom đạn nổi lên về phía chiến trận hôm qua. Anh Toàn và tôi đoán rằng, chúng nó sau khi thất trận, chắc là sáng nay đến ném bom trả thù. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau nữa, một anh công an địa phương vào cơ quan gặp anh Toàn thủ trưởng, báo cáo rằng "Em Ết đã hy sinh" trên đường đi công tác ngang trận địa chiều qua, cùng với hai thanh niên khác nữa. Anh Toàn và tôi vội vã theo anh công an ra ngay địa điểm. Chúng tôi bước nhanh như chạy chậm, không ai nói với ai một lời. Riêng tôi, cứ mong ràng... Ết chỉ bị thương nặng, đang được công an và dân quân sửa soạn võng vào bệnh viện chiến khu thôi!
Ra đến nơi: nghĩa là tại nhà bác Chít. Cả ba xác người nằm xếp hàng ngang nhau tại căn nhà nhỏ của bác. Mỗi người đều được đắp tấm chăn, nhưng tấm của Ết xem ra còn mới hơn cả. Trên mỗi mặt người, đều được lấp một mảnh vải trắng hình như vừa được xé ra từ một súc vải mới nguyên. Bác Chít nói (chỉ tập trung vào trường hợp không may của cháu mình):
- Hắn vừa vô đây thăm tui, ăn hai củ khoai nướng xong là đi công tác. Ai dè vừa ra tới chỗ đánh nhau bữa qua thì dừng lại coi bên bụi hóp cháy lá. Thình lình máy bay cổ ngỗng xẹt tới nhả bom. Hắn với hai anh thanh niên nằm đây đang định chạy tìm chỗ nấp, thì hai trái bom đã dội xuống. Anh Thấu bị lòi ruột. Anh Xáng bị mảnh bom găm vô ngực và cổ. Hắn bị... hắn bị... ôi chao trời ơi là trời, con ơi!
Bác Chít nói ngang đó thì khóc lên hù hù. Vừa khóc vừa đến dở khẽ tấm vải lập mặt của Ết lên, vuốt nhẹ hai mắt đứa cháu xuống trong lúc đôi mắt ấy đã nhắm lại từ trước rồi.
Anh Toàn vừa quỳ xuống một bên Ết vừa vuốt tóc nó: nước mắt chảy dài trên hai má không lau. Một bên anh, tôi ngồi. Đôi mắt tôi... cũng như anh Toàn. (Chuyện xảy ra vào cuối năm 1949, tại chiến khu Thừa Thiên).
(20/12/1992)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top