CHƯƠNG 11 : HAI CHỤC CẦN CÂU
Phượng Em con ông Ấm Rắn Hổ là cô bé mới 15 tuổi, nhưng coi ra có tay nghề vững vàng trong việc "câu cắm" này lắm. Con gái mà như con trai, cũng leo cây thoăn thoắt, chỉ không bằng vượn hay khỉ thôi. Cũng bắn nỏ lim dim một nửa con mắt như người lớn để ngắm và hạ được cu xanh, gà rừng là chuyện thường: không tỏ tí gì là hồi hộp hoặc tái mặt. Thỉnh thoảng đôi tuần lại "đi rừng" một chuyến, cắt suối mà đi, phạt cây mà đi. Còn chuyện người ta đồn đại rằng con bé có lần luồn rừng buổi sáng bắn chim, buổi trưa về bị nước lũ dâng trào không qua được suối, phải leo lên một thân cây sao tít mọc sát bờ khe rồi đánh đu chuyền cành sang cây khác mọc ngay bên kia bờ mà về nhà... thì đó là chuyện bịa đặt, xạo, không có đâu!
"Câu cắm" là lối câu không cần có người đứng canh giữ chờ phao nhúc nhích để giật cá. Kiểu câu cắm này chỉ cần biết chọn vùng sông, suối, hồ, ao có luồng cá thường hay qua lại kiếm ăn... thì ta "cắm" cần. Thường cắm vào khoảng chiều tối. Việc này thì Phượng Em là tay tổ. Nó khéo léo từ cách cắm chiếc cần xuống bùn với độ bề chừng mức, hay cho cần bổ nhoài để ngọn cần chỉ đứng cách mặt nước nửa tấc thôi, thì đó là chuyện tinh tế của nghề cha truyền con nối.
Ông Ấm Rắn Hổ nhiều lần đã bảo với đôi ông bạn già trong một bữa nhậu đơn sơ thịt rừng nhấm với rượu nếp cất lấy:
- Coi vậy, chớ vót một cần câu cắm không dễ. Chọn được cây tre tạm tạm về thì cưa ra từng đoạn ngắn, khoảng một mét. Tránh các mắt kiến, đốt teo ruột, khúc quẹo lệch. Qua khâu vót chuốt để làm thành chiếc cần câu cắm cũng phải thật khéo tay. Nhất là phần ngọn cần, "chế" nó làm sao cho thật vút....
Một bác hỏi vào:
- Sao phải công phu quá vậy?
Ông Ấm cười vui:
- Quan trong bậc nhất là ở chỗ này. Con cá đớp mồi xong, nó còn ngậm hờ một tí đã chứ không phải nuốt chửng ngay đâu. Nếu có mặt người đi câu ở đó, họ cũng vẫn chưa vội giật: để chờ thêm một hai giây nữa cho cá nuốt hẳn ải mới giật... Nhưng nếu câu cắm thì làm gì có người lúc đó! Cho nên phải cậy nhờ đến cái ngọn cần câu thật vút, thật nhạy, để tự nó giật ngược lùi miếng mồi - tức lưỡi câu, quật trở lại. Vậy là các mắc câu một cách khỏe re...
Cả hai ông khách đều cười thoải mái:
- Giỏi! Giỏi thiệt!
Ông Ấm Rắn Hổ nháy Phượng Em lấy thêm xị rượu, rồi bảo:
- Cái quan trọng thứ hai là chuyện chọn những lưỡi câu. Dưới thành phố hiện nay người ta bán tràn đầy, mua cả bụm cũng được. Chỉ cần kiếm thứ lưỡi câu cỡ nhỏ: đề từ cá lớn đến cá bé cứ nuốt chửng, vào bụng mà không thấy vướng. Vậy là đã có ngay sức bật quay về của ngọn cần câu ngoặc trẹo vào ruột cá.
Ai đến nhà ông cụ chơi, ngoài việc xem bọn khướu bạc má, hạo mi đất, chào mào đầu đen má son, mỗi con một lồng riêng có che hờ mảnh vải bên ngoài nên chim ta tha hồ khoe giọng, thì sẽ còn thấy cả khóm cần câu cắm dựng tạm ở góc nhà. Giá như cô con cố gắng hôm nào cũng đi đặt câu, nhất định hằng ngày đều có đủ cá ăn. Nhưng Phượng Em nó cũng hơi lười. Vừa lười trong việc đi đào trùn hoặc đi kiếm tổ ong nghệ làm mồi câu nhiều hôm toát mồ hôi, sôi nước mắt chứ đâu tưởng bở! Lại vừa lười về chuyện sục tìm địa điểm cắm câu: cắm câu cũng phải tùy mùa, tùy con nước, tùy con cá (có loài thích sống lẩn quẩn ra vào một nơi, có giống ưa đi giang hồ kiếm ăn tứ xứ).
Gặp như tiết trời cuối xuân hè hiện nay thì đi "đặt cần" thuận tiện rồi đây. Suối khe yên tĩnh, dòng nước có chảy nhưng trang trải nhẹ nhàng lơ mơ, chảy mà như dừng. Phượng Em nói với bố:
- Chiều nay con đi đặt câu ba nhá?
Ông Ấm đang nằm võng hỏi:
- Có đủ mồi chưa?
- Con đi đào từ lúc sáng, đủ lắm rồi. Con vào tận khe Ầm Ầm, không cần đào bới mất công, lật ngược lên ở mấy tảng đá bẹp sát bờ, trùn vô khối. To có, lỡ có, nhỏ có, tha hồ mà nhặt...
- Địa điểm đặt câu đã tìm ra chưa?
- Con định thọc vào ngã Cây Bàng bốn tầng, rồi vòng qua suối Lở, tới chỗ giáp giới con khe Điếc mùa này nước vẫn lưu thông với khe Tành Tành... mà cắm câu. Ba thấy sao?
Ông Ấm bảo:
- Cũng được! Cần phải đặt hơi xa nhau. Liệu xem mặt nước cạn sâu, dòng chảy lững lờ hay luông tuồng, đoán xem nơi con cá thích đi kiếm ăn mà đặt mồi... Đi sơm sớm mà về, nhớ đem theo mác lào, dao rừng. Mày là đại chủ quan.
Dù mới là khoảng ba giờ chiều, nắng cuối xuân đã chuyển sang đầu hè khá gắt. Nhưng chẳng ăn thua: nắng gắt là ở ngoài đồng cỏ, ở mấy vùng lúp xúp đồi mua, đồi sim, đồi cỏ hôi, đồi đá trọc kia... chứ trong rừng dưới những tàn cây vòi vọi, tiếng chim kêu không xuống tới mặt đất thì im mát như ở trong nhà. Cho nên Phượng Em vừa nghe xong mấy tiếng "mày là đại chủ quan" là đi ngay.
Vì tất cả đều sẵn sàng: nó chuẩn bị từ khi đi đào mồi về... Bó cần câu đã có đây rồi. Bảo rằng "hai chục cần câu" nhưng cuối cùng chỉ có 18 chiếc: một chiếc gãy ngọn vì con vện đuổi gà trống vào bĩnh trong nhà, một chiếc đứt mất lưỡi câu do tháng trước khi tập trung mớ cần lại sau buổi đặt câu trở về đã quên tháo hết các mồi trù nên chuột cắn đứt mất luôn. Và lon mồi trùn. Cả chiếc mác lào ngắn, rất vừa tay phóng đối với Phượng Em. Và cái dao rừng mà theo lời ông bố, nó là vật bất ly thân. Vừa bước ra khỏi cổng, Phượng Em đã nghe một tiếng gà rừng gáy như nghe từ giấc mơ. Phượng ta vừa bước vừa nói thành tiếng một mình: "Mày chào mừng chị đấy phải không? Chị cũng đang vào phía đó đây!". Lại một tiếng gà rừng thứ hai, nhưng ở hướng khác....
Đặt cho hết 18 cần câu cũng là chuyện vất vả chứ không như lúc suy nghĩ ở nhà. Có những đoạn khe nhìn xa xa, thấy mặt nước có tăm cá quẫy, rất thuận tiện, nhưng đến gần, định cắm cần câu xuống... thì không thể được! Dưới đáy là những mẩu đá lục cục, trơn tuột như lưng ếch, không có chỗ để cắm. Đành phải tìm nơi khác. Nhưng cuối cùng rồi cũng đặt xong mớ cần...
Qua sáng hôm sau... Phượng Em đang ngủ say thì có tiếng con khướu bạc má của nhà mình hình như vừa nghe tiếng một đồng loại ngoài rừng nhắn nhủ gì đó, đã đáp lại một câu mở đầu gì đó. Phượng Em nhớ ngay những cần câu cắm đã đặt ngày hôm qua. Rửa qua mặt mày xong, nó nắm cây mác lào cùng với dao rừng đi ngay. Hai con vện định chạy theo chân thì Phượng Em đã dứ dứ chiếc cán mác lào vào hướng chúng nó: bọn này sợ tới quặp đuôi, biến mất ngay.
Buổi sáng trong rừng thì hướng nào cũng đầy tiếng chim. Chưa phải là vùng rừng sâu nên không có âm vang dối trá của tiếng vượn vừa đu bay vừa hót từng tràng đổ hồi. Phượng Em đã vào đến địa điểm hôm qua. Những chiếc cần câu vẫn còn đó y nguyên: giống như không có một khoảng chiều tối đã qua, một ban đêm cùng bao tiếng động của rừng đã qua, một giấc ngủ đẫm mắt của Phượng Em đã qua.
Cần câu thứ nhất: chẳng có gì, mồi trùn nguyên vẹn, con trùn từ sắc nâu chuyển qua trắng bệch. Cần câu thứ nhì: có khác cần câu thứ nhất ở chỗ không còn tí ti mồi nào. Cần câu thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu cũng giống hệt hai cần câu thứ nhất thứ nhì. Cần câu thứ bẩy một con rô đẹt, cho mèo, nó cũng ngửi ngửi rồi đi (thế cũng là hên). Bóc cá cho vào giỏ để nó vùng vẫy rèn rẹt cho vui giỏ.
Cần thứ tám, chín, mười... cho tới mười ba, đều có cần nhưng chỉ còn trơ lưỡi câu, có cần còn lại tẹo mồi. Phượng Em đã thấy chán ngấy cho cái "nghề" câu cắm! Thôi thì cứ làm việc như cách hôm qua có phận sự đi cắm thì hôm nay có phận sự đi dỡ. Làm nhanh nhanh tay mà về. Từ lượt này xong, sẽ chờ qua một lượt sau, mà có lẽ cũng không còn lượt tiếp nối nào nữa đâu. Cô bé nhớ ngay cách nói đỏng đà của mẹ: "Câu gì mà câu, câu rạo là cạo râu hả?"
Cần thứ mười bốn: có chuyện hơi lạ. Ngọn cần đã chúi đầu xuống nước mất tăm. Phượng Em rút cần lên... và ... một con cá gì quá to đang vùng vẫy dữ dội khi biết mình đã bị đánh bẫy. Nó phóng chạy bằng cả thân mình cùng với các phần vi, vảy, đập đuôi, quyết không chịu lìa khỏi mặt nước. Nhưng Phượng Em bằng cả hai tay: một tay kéo sợi chỉ câu, và một tay chụp bắt con cá - một con gáy - ấn nó vào cả người mình mà tóm chắc vào hai bàn tay đã quen công việc nặng nhọc. Giỏ cá lại được thêm con nữa (và phải đưa tên gáy lên bờ rồi mới tống nó vào giỏ, tránh sự trở quẻ của cá).
Cần thứ mười lăm: đê-rô và mất mồi. Cần thứ mười sáu một con lươn bự, lưng đen, bụng vàng cháy. (Cũng đưa lên bờ mà tháo khỏi lưỡi câu... Thịt ngon nhưng hắn cứ quằn quẹo như rắn trườn giữa không khí gớm chết).
Cần thứ mười bẩy: một con trê lớn, thân đen huyền, cứ vùng vẫy loằng ngoằng với cả mang phồng, râu tủa, vi sẻ, đuôi vung. như muốn kêu lên: "Không, không, không, không!"
Cần thứ mười tám: một ếch núi kéo cả cần câu nổi lênh bềnh và đang vướng vào một thân môn nước. Phượng Em tự nghĩ trong đầu: "Sao mày ngốc thế ếch? Tao câu cá chứ đâu có câu mày? Dòng họ mày thường đớp mồi trên cạn, tại sao hôm nay xuống xơi dưới nước?"
Cũng ở trong đầu nó một Phượng em khác đâm ngang vào:
- Cá hay ếch thì có gì khác nhau? Cá ngon theo cá, ếch ngon theo ếch. Tao thì tao rõ lắm. Ba thích ếch và lươn. Mẹ thích trê và gáy....
Phượng Em thứ nhất đế ngay một ý đâm họng:
- Còn con rô đẹt phần mày nha?
Phượng Em thứ hai tức lộn ruột:
- Được thôi! Được thôi!
Vừa bước đi vừa tranh cãi bốp chát một mình như vậy, không ngờ đã về ngang cây bồ đề bị sét đánh chẻ đôi ra hai cây. Đi thêm đoạn nữa, đã đến cổng nhà có hai cây dầu rái. Xóc tay vào bên trong cánh cổng lồ ô, Phượng Em rút chốt. Một tiếng "éo" kéo dài ngã ngớn, cánh cổng mở. Đôi chó nhà đã đứng chờ ở đây từ lúc nào chẳng ai biết được. Chúng cứ loăng quăng bên chân cô chủ, vừa ư ứ rên xiết một cách mừng rỡ quá trời, vừa cảnh giác không khéo cô ta bực mình đâu đâu rồi hạ đòn cho mỗi con một đá thì lợi bất cập hại!
Vừa thấy bố đang nằm võng hút thuốc lá, và mẹ đang cất thêm mẻ rượu nếp cho ngày giỗ ông sắp sửa, Phượng Em nói ngay:
- Cũng khá ba ơi! Ban đầu, đã tưởng hôm nay gặp xui xẻo... Không ngờ càng về sau càng gặp hên. Một gáy khá bự. Một trê không nhỏ. Một lươn kha khá. Và một ếch.
Ông Ấm hỏi đùa con, không cười:
- Còn một gì nữa không?
Cô con nhớ ra, trả lời thật thà:
- Dạ còn một rô đẹt nữa!
Ông bố và bà mẹ đều tưởng con bé nói đùa.
(Tháng 8 - 1992)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top