CHƯƠNG 10 : CÂU NY - LÔNG
Gần đây, trong xóm có nhiều gia đình ra sông câu túi nhựa ni-lông. Mấy thứ tưởng đâu vớ vẩn đồ bỏ thường nằm lẫn lộn trong những đống rác trên đường mà xe vệ sinh chưa kịp bốc đi và nhờ vậy, nhiều kẻ đến khều ra nhặt tiếp ấy, không ai ngờ dưới đáy sông lại vô khối. Có người thảnh thơi một mình, ung dung một thuyền. Có thuyền hai người cùng làm, chắc là một gia đình.
Anh em Rô bàn nhau cũng thử bắt chước họ, "đi" vài chuyến coi. Chúng nó bảo nhau thật bí mật:
- Không có thuyền thì tụi mình làm bè chuối, sợ khỉ gì.
Cả hai đứa thử hỏi coi ý chú Tám Giồng. Vừa nghe qua chủ đã nổi lên cười hặc hặc, sặc cả nước miếng, làm ho luôn một dây khoái trá. "Không có thuyền thì tụi con làm bè chuối..." A. Trời đất! Bốn chín tuổi đầu rồi, bây giờ mới nghe sắp nhỏ này ngứa óc nghĩ ra một chuyện tréo cẳng ngỗng vậy... nhưng mà suy cho thật kỹ, thì cũng có thể làm được. Làm được lắm, ừ...
- Để đó tao!
Chú Tám không ủng hộ suông. Chú còn xung phong "để đó tao" đốn chuối kết bè cho. Đó là những cây chuối trước kia thuộc dòng chuối hột nhưng qua ba bốn đời sau thì trở thành chuối đực mất rồi. Vòm lá không tỏa ngang rồi rũ xuống mà lại đâm chỉa lên trời, xanh ngăn ngắt, chẳng bao giờ đậu buồng vì làm gì có hoa. Mẹ con Rô vẫn thường dùng nó nuôi heo. Chú Tám cũng phải sang nói khéo với thím Sáu mẹ Rô vài câu như cách đả thông nước. Chú sợ đàn bà hay nghĩ bằng cái mút ngón út, thấy ngay mất tiêu bốn hoặc năm cây chuối mà không thấy hai thằng con câu về được mỗi ngày vài ba ký ni-lông nếu bán cân, giá sẽ gấp đôi nhôm bể và gấp mười ve chai, dép đứt. Hợp tác xã sản xuất bao bì người ta dám mua hết. Còn những cây chuối thì... nếu được ngâm nước, chuối sẽ lâu héo lâu thối. Tới lúc thôi dùng bè thì dùng chuối nuôi heo, đâu hườn lại đó.
Không ngờ chú Tám mới nói qua, mẹ Rô đã đồng ý ngay. Hình như mọi chuyện trong gia đình này chuyện nào nếu được chú Tám cho rằng "ừ, phải..." là mẹ Rô đều "ừ, được...".
Tốn gần cả một ngày trời có cả anh em Rô lăng xăng tiếp tay, chiếc bè chuối mà chú Tám bảo rằng "bè chuối đi biển" này đã làm xong. Nhìn xéo hay ngó nghiêng đều thấy thật kiên cố, chắc như bộ phản ngựa. Chừng năm người lớn ngồi lên cũng cứ qua sông Sài Gòn mà không ướt chéo áo. Thợ mộc cũng có khác, chú Tám Giồng vừa khéo tay lại vừa có nhiều kinh nghiệm. Chú đóng bè ngay ngoài bờ sông, vác ngênh ngênh cái cổ từng cây chuối ra tận đây, để khi đóng bè xong là đẩy chuối nó xuống sông êm rơ. Ai đi qua cũng đứng lại nhìn, trầm trồ cái bè tốt thiệt. Có bác gì đó quên thân với gia đình thím Sáu, nói chơi:
- Gắn vô cái máy xình xịch nữa là thằng Rô em "qua biển" tìm ba nó được đây...
Nhiều người cười túa lên, cho là bác này nói chuyện hóm quá là hóm. Nhưng Rô anh thì hoàn toàn không thích, ghét bác ấy nữa là khác! Nó không muốn ai nhắc đến chuyện em nó là đứa lai Mỹ đen. Việc này dính dáng đến nhiều chuyện buồn phiền của má là thím Sáu trước đây, khi ba chưa bị xe nhà binh Mỹ cán chết. Nó còn nghe bà con kể lại, ngày má vừa sinh thằng Rô em, nước da nó đen ngăm, tóc quăn, khóc tiếng o-ngoe nhưng giọng thật khỏe - ba đã đạp xích lô đi luôn một tuần không về nhà. Sáng đó chú Tám qua chơi. Ngồi không nói gì mà chỉ thấy quấn điếu thuốc lá to, hút phì khói um nhà cho đến lúc ném tàn. Chú đứng lên, nói ràng để chú đi tìm kêu ba về, đâu rồi có đó cả. Nghe nói khi đã mời chú lên xích-lô rồi, ba đạp xe đi thong thả. Chiếc xe chuyển bánh lòng vòng, chú Tám quở rầy ba dọc đường thật to, làm người đi đường tưởng ông già say rượu, cũng là chuyện thường. Về tới nhà, chú nằm lên võng lấy chân đong đưa quay về mặt đất. Chú rít từng hơi thuốc lá, điếu thuốc gần bằng ngón chân cái, nói rằng ba không được buồn, vì sao, vì không ai có lỗi hết. Lỗi là lỗi thằng ngoại bang, và chăng chuyện qua rồi, cách như mình ngó theo chiếc tàu hoả huýt huýt chạy qua trước mặt vậy, qua rồi! Mình phải tính chuyện mần ăn cách khác chớ, phải có bổn phận với nhau chớ, tao coi thằng nhỏ tuy da ngăm ngăm chút xíu vậy chớ mặt mày coi được lắm, trán nó là trán thông minh hiếu thảo như thầy Tử Lộ đội gạo về nuôi mẹ, để mà coi sau này lời tao có ứng linh không? Đã cưới nhau là phải gắn bó sắt đá vàng thau cho con cái nó khỏi tủi hổ. Con nào cũng là con, mình thương nó là nó thương mình, không có sao hết...
Nhờ chú Tám la đè vậy mà sau đó, ba không có tiếng này tiếng nọ với má nữa. Lạ nhất là từ đó ba rất thương thằng Rô em... cho đến ngày bị xe nhà binh Mỹ nghiến chết.
Chú Tám còn đóng thêm một cọc chèo trên bè chuối, và một chiếc "cào móc" bằng đoạn thanh sắt có răng bừa chung quanh. Vậy là xong.
Bắt đầu lên đường. Rô anh đứng giữ lái. Rô em chèo mũi, hướng cho bè chuối ra giữa lòng sông. Hai đứa đã có kinh nghiệm chèo chống gì đâu. "Làm rồi quen chớ" - thằng anh bắt chước lối nói dứt khoát của chú Tám Giồng, bắt chước luôn cả cán hất mặt ra đằng trước, sau tiếng "chớ".
Bè chuối đã ra đi giữa sông. Suốt cả dòng sông dài từ xa đến gần, không cần lim dim con mắt cũng thấy rõ bao thuyền đi câu túi nhựa. Hình như họ ra đây từ sáng sớm tờ mờ. Cũng chẳng ai vô công rồi nghề nhìn đến cái bè chuối ba láp và sơ khai của hai anh em.
Rô anh thả cái "neo thuyền" xuống sông. Đó là một chiếc kiềng ba chân bằng sắt nhặt đâu đó quên rồi, chú Tám buộc vào thêm hai viên gạch vồ để tăng thêm sức nặng. Thằng anh nhìn mặt nước đang chảy xiết, nhìn sợi dây neo:
- Bữa nay động trời nước chảy dữ!
Cũng gần trưa. Những tiếng nổ máy giòn tan của các loại hon-da, vet-xpa, xe lam, xe buýt, xích lô máy từ mấy ngã đường vòng cung trên thành phố, nghe ra thật hồ hởi siêng năng. Những tiếng ấy cộng với những bóng người cứ ngắn dần lại, làm nên một khoảng giờ giấc áng chừng nào đó, không cần đồng hồ cũng ước tính vào độ mười rưỡi hoặc mười một giờ. Hai anh em đã mệt nhoài. Cả ngày hôm qua chúng nó vác chuối từ nhà ra bên cùng chú Tám, vác thiếu đường sái lưng. Tối lại còn đi học văn hóa lớp "học sinh nghèo thất học", vừa ngồi nghe giảng vừa ngáp tải suốt buổi, cho nên sáng nay người chóng uể oải vậy... Nhưng hiện giờ phải nói là phấn khởi lắm: rất hên! Đã vớt được gần phần ba giỏ cần xé các loại túi ni-lông đủ cỡ lớn bé. Có cả những bao tải, túi nhựa, mảnh chiếu ni-lông rách nát mà còn giữ nguyên màu sắc loè loẹt. Có cả mấy con tôm đất đen thui, vài con cá bống bùn bằng cái mút đũa đang phồng mang nép vào trong ấy nên bị tóm cổ luôn.
Rô anh bảo em:
- Xong mẻ này là về luôn... Tao mệt lắm rồi, bàn tay phồng rộp hết nè. Bữa nay là chuyến thử bè, câu thử được vậy là khá lắm rồi. Ngày mai thì phải biết!
Rô em không ừ, cũng không hử, nghĩa là đồng ý. Chính nó cũng đang đói lắm. Bây giờ mà về đưa giỏ cần xé ra má coi, má sẽ kêu lên: "Trời đất quỷ thần ơi, mần chơi ăn thiệt nè! Tới nói ngay chú Tám mày qua coi cho chú mừng đi... Đã đói thấy bà chưa con? Cơm sắp chín đó. Hồi sáng bọn bay không nói trưa về hay không về, vậy mà má cũng cứ nấu dự phòng đó..."
Má bước đến xúc vòng hai bàn tay vào giỏ cần xé, ước lượng coi nhiều ít, đánh giá bằng nhấp nháy đôi mắt, nét mặt vui rộn ràng. Chú Tám ngoài ngõ đủng đỉnh đi vào. "Hai đứa về đó rồi con? Coi nào..." Chú nhìn vào giỏ cần xé, đánh giá mớ túi ni-lông để biết giá trị của cái bè chuối. Hai con mắt chú lúc nào vui vừa hay vui hết cỡ cũng chỉ nheo lại him him ở đằng cuối đuôi mắt... Đó là câu chuyện trong đầu Rô em.
Rô anh đang kéo cái dây "neo thuyền" lên để sửa soạn ra về thì bỗng mất đà ngã ập xuống sông. Hai tay nó chới với lựa chiều lái người giữa dòng nước chảy xiết. Thấy dòng nước tống anh đi quá hăng. Rô em phóng theo. Nó lặn người xuống nước, bương sải đôi tay mấy ngoai là đến kịp thằng anh. Nó vừa bơi vừa quàng một tay Rô anh vào vai mình, nương nhẹ theo luồng nước. Thằng em mười ba tuổi, thua anh ba tuổi mà sức vóc khi xuống nước thấy rõ ràng không thua kém anh, lại rất nhanh nhẹn tháo vát. Nó nói lúm búm trong dòng nước, như ra lệnh:
- Vô bến Cây Bần cụt đọt. Trước mặt đó!
Bỗng nhiên cả hai bị đẩy vào dòng nước xoáy rồi bị nhận chìm. Chỉ một lúc cả hai dã ngoai đầu lên được. Rô em vẫn giữ cho cánh tay anh quàng vào vai mình. Rô anh đã sặc nước tới ngụm thứ ba:
- Tao mệt... mệt lắm rồi! Cái bè chuối.. cái giỏ cần xé...
- Không sao đâu! Vô bờ tính sau... Thoát khỏi luồng nước xoáy rồi...
Rô em cũng đã mệt lắm, nhưng vẫn quyết tâm lái cho cả hai đâm ngang vào bờ. Dòng nước như dòng thác, vẫn chảy băng băng, im lặng mà thật nham hiểm. Cứ mỗi lần Rô em cùng với anh hướng người bơi vào phía bờ, thảy đều bị nó bẻ quật trở lại, đuổi cả hai anh em trơ ra giữa lòng sông. Bên Cây Bần cụt đọt dã qua khỏi từ lâu. Thằng anh hỏi:
- Mày mệt lắm rồi hả?
Thằng em trả lời qua hơi thở mạnh:
- Đâu có! Bơi cả giờ nữa dư sức... Anh đeo riết... vai tui nghen!
Rô anh nghe tiếng thở của thằng em đã gấp lắm. Nó thương em quá nhưng chính nó cũng đã mệt rã rời, tay chân như không phải là của mình nữa. Nó chỉ muốn buông tay khỏi cái vai đen láng để nhẹ bớt cho thằng em một lúc.
Bờ đang gần lại. Gắng tí nữa thôi. Bỗng bàn tay Rô anh thấy bị hẫng tuột. Cả thân mình Rô em đã chìm nghỉm...
- Có tao!
Một giọng đỉnh đạc của ông già nào kèm theo hai lần đẩy xô bằng một cánh tay rất khỏe, thân thể Rô anh đã bị tống ập vào bờ. Và bên một bả vai rộng của mình, ông cụ xoác cánh tay Rô em kéo nó vào luôn.
- Đất dưới chân đó!
Cả hai đứa quờ thử chân. Đúng là bùn ở dưới chân. Nhưng cả hai cứ lảo đảo suýt ngã bên này bên kia mấy lần. Hai anh em đã nằm ngửa trên bờ nhìn trời và thở một cách thoải mái.
Ông già vóc người lực lưỡng, một chân như bị cố tật từ bao giờ, làm cho bước đi hơi cà nhắc. Ông không chú ý gì đến chiếc quần xà lỏn toạc rách kiểu hình tam giác ở phía sau mông. Ông cười, răng cửa sún bốn cái:
- Tụi bây nhà đâu?
Rô anh đáp:
- Dạ, trên ấp 5. Tụi con đi vớt ni-lông. Lỡ té xuống sông, rồi anh em con bị nước tống từ trên đó về. Tụi con cám ơn ông.
- Ừ. Nghỉ chút rồi về nhà. Vừa rồi tao tập bơi cho mấy anh em tân binh. Xong đó tao tắm, vậy là gặp tụi bay. Bơi vậy là giỏi rồi, nhưng phải luyện thêm. Nay mai có đi nghĩa vụ, còn tập cho mấy đứa khác...
Ông già bước đi cà nhắc, làm cho dáng thật dễ thương, rồi khuất dần vào con hẻm. Rô em hỏi:
- Anh khỏe chưa?
- Khỏe rồi. Về chớ? Bây giờ mình cứ đi nép theo bờ sông mà về là tiện nhất...
Anh em Rô đã lên tới bến cũ, chỗ lúc sáng hai đứa chống bè ra sông. Cái bè chuối ở trên có giỏ cần xé thân yêu đang còn đó y nguyên, chẳng có bàn tay nào động tới.
Rô em ngó mông ra phía bè chuối:
- Bây giờ vầy nghen. Tụi mình vòng lên phía trên kia cà. Rồi mình phóng ra sông. Không cần bơi, dòng nước cũng cứ đẩy mình xuống phía dưới. Tụi mình quơ tay ra là nắm được bè chuối . Anh còn bơi nổi chớ?
Rô anh vẻ tự tin, hất mặt:
- Tao khỏe rồi. Làm luôn!
(1981)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top