CHƯƠNG 1 : CHÚ THẤT RÔ

Khi lên khoảng tuổi 11, 12 gì đó, tôi đã thấy chú Thất Rô thỉnh thoảng đến nhà ở chơi đôi ba ngày rồi đi. Tôi hỏi má tôi về chú ấy thì được nói:

- Khùng...

Mà cũng chưa phải là thật khùng đâu, chỉ hơi hơi thôi. Chú là con của ông em ông nội bọn con đó. Có cô vợ mặt mày xinh xắn nhưng lẳng lơ hoa nguyệt theo trai, nên gia đình cho "về" luôn. Từ đó chú bị... cách như thằng thất tình, nên người ta đặt tên cho chú là Thất. Trước kia tên chú là Thật. Còn "Rô" là vì chú có tài câu cá rô kềnh, một loại rô to bự giống cá rô phi, rất thơm thịt. Cứ sáng đi câu là trưa về, ghé qua chợ bán luôn mớ cá đang lên lách nhau kêu rẹt rẹt trong giỏ.

Tôi rất thương chú ấy. Thương nhất là cái tính ít nói, không nói. Chú vẫn ở với ông anh ruột làm thầy thuốc nổi tiếng trong vùng. Nhưng xem ra vì sao đó, cả gia đình ông bác này cũng không thích gì chú lắm: chỉ nuôi chú mỗi ngày hai bữa cơm cà là tốt rồi.

Chiều qua lại thấy chú đến thăm gia đình tôi. "Đến thăm" là cách nói cho lịch sự nhẹ nhàng, thật ra chú đến chỉ để ăn bữa cơm chiều. Nếu ba má tôi không tỏ ý gì đá thúng đụng nia, chú sẽ ở thêm ngày nữa. Chú Thất Rô chào ba tôi, chào má tôi bằng một cử chỉ chắp tay qua loa, không cười, không hồ hởi, cũng không nhìn tôi đứng gần đó, coi tôi như cái cột nhà. Má tôi gật đầu lấy lệ - hình như các bà nội trợ Việt Nam thường hay có tính suy nghĩ cộng trừ: bây giờ là đầu tháng, hay cuối tháng, gạo trong khạp đong bằng lon gạt vẹt thật hõm còn được bao nhiêu, nước mắm kho còn phần ba chai hay nửa chai, ba con gà mái thì hai con đẻ ấm ớ đôi ngày mới được một trứng, một con tịt đẻ - cứ hay có cách tính toán chi li như vậy. Nhưng ý nghĩ thường hay bén táp quá nhạy như thế thôi, rồi ngay đó đã trở lại từ bi hỉ hả tức thì. Má tôi nói dửng dưng:

- Chú ngồi chơi. Có nước chè lá mới nấu thơm lắm, chú vô rót uống. Có vui tay sửa lại cái cần câu, hai chú cháu đi giật vài con rô kềnh về kho tương tối nay thì càng hay...

Chú không cười, không nhăn qua đôi mày, không gật đầu, chỉ thấy đôi mí mắt nhắm xuống, rồi mở ra ngay. Chú thong thả xuống nhà bếp, rót nước chè uống ba ực là hết bát. Chú không hỏi tôi cần câu để đâu, tự đi kiếm lấy. Hai cần câu của ba tôi từ gần nửa năm nay không dùng đến, chú lấy ra kiểm tra ra lại. Cần: vơ mảnh giẻ đâu đó, chùi quanh từ gốc đến ngọn cho hết mạng nhện, thấy còn tốt như lúc mới dùng. Chỉ câu cũng vậy, loại chỉ đàn nguyệt, dùng năm bảy năm còn bền. Lưỡi câu trước đây, tự tay ba tôi cắt gọt lấy, bằng mẩu thép đồng, ngạnh vạc khéo không thua lưỡi câu tây. Phao lông đuôi công đã hơi ngả vàng, lấy múi chanh chùi cẩn thận là trắng lốp ra ngay.

Chú Thất Rô tìm cái bát mẻ rồi đi ra vườn, không có cử chỉ bảo tôi theo. Chú tới mấy bụi huỳnh tinh, nhổ bật gốc một bụi. Những còn trùn đất nhảy lên loăng quăng, nhiều quá, chụp bắt từng mẩu một. Mỗi bụi huỳnh tinh giật bật gốc là có được bảy tám con trùn đất to có, nhỏ có, nhưng đều vừa mồi rô kềnh. Chỉ cần ba lần nhổ từng khóm, mồi câu được cả ngày. Nhặt từng lứa trùn xong, chú đặt cả tụm cây xuống lại, đưa chân giẫm mạnh gốc, bụi cây trở lại nguyên xi như trước. Tôi định hỏi sao chú biết ở dưới mấy gốc huỳnh tinh lại có được nhiều trùn vậy chú, nhưng biết chẳng bao giờ có câu trả lời.

Hai chú cháu ra đi vào khoảng hai giờ chiều. Chú Thất Rô bước trước, một tay: cầm đôi cần câu, một tay đánh nhịp loạng quoạng đồng đều. Tôi theo sau thỉnh thoảng bước thật nhanh cho khỏi tụt hậu, tay xách cái giỏ đựng cá vừa mồ hóng, vừa bụi khói, vừa mạng nhện lâu ngày, lúc nãy quên lau. Cũng chẳng hiểu câu hồ nào, ao nào, hói sông nào. Chỉ biết cứ bước theo người đi trước. Đôi lần định hỏi còn xa gần nữa chú, nhưng sợ quê, hớ, người ta khinh cho, vừa đi khoảng nửa tiếng đồng hồ mà chân cẳng lệt quệt rồi hả? Đi qua nhiều xóm, nhiều thôn, có khi gặp một chợ xép, người bán đông hơn kẻ mua, ruồi đói thường lỳ, bâu đầy mẹt cá mà đuổi chỉ né tránh, không bay.

Ít đi xa, tôi đã thấy mỏi cả chân, nhưng cứ phải tỏ ra chẳng ăn thua, đi lên rừng cũng được. Nắng khoảng hai giờ rưỡi chiều mà còn nóng khiếp, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, vẫn cứ phải bước nữa. Bỗng dưng có làn gió mát rượi, không phải gió đưa lại mà là mình bước vào một vùng thoáng, như sắp có sông nước gì đây. Và có mùi lá sen. Thơm rất dễ chịu, hương bay hình như rộng bao la... Tôi đoán trước mặt mình là hồ, chắc là hồ sen.

Đúng quá. Chú Thất đi chậm lại. Rồi nhìn lướt qua mặt hồ. Một hồ sen quá rộng. Tôi nghĩ nếu có ai đứng bên này gọi to, bên bờ kia cũng không nghe được. Chú đặt đôi cần câu xuống mặt cỏ. Rồi bước ven theo bờ đi một quãng xa, lại trở về chỗ cũ. Sen đã gần tàn, chỉ còn lại những lá già rộng vành, thỉnh thoảng mới trồi lên một bông hiếm hoi. Hương thơm hôm nay là hương thơm của lá, mùi đạm hơn hoa, tỏa rộng cả vùng mênh mông. Chú Thất móc mồi vào lưỡi câu cho cả hai cần, đưa cho tôi một cần, chẳng nói câu gì. Thỉnh thoảng dưới mặt hồ lại nổi lên một tiếng cá quẫy vui tai. Đúng là cái quẫy mình của loài rô kềnh hiếu động, nhanh nhẹn, tạp ăn, thích đấu đá, từng lúc lại nhô thoắt lên mặt nước đớp một tẹo khí trời rồi ngoáy mình lặn ngay xuống nước, phô rõ cả dạng hình "mặt trăng" in dằng cuối đuôi.

Chú Thất đã bước xa chỗ tôi chuẩn bị buông mồi. Vừa đó, chú đã giật được một con rô kềnh rồi. Tôi thích quá, đặt cần xuống cỏ chạy lại xem cho đã mắt, vừa xem con rô kềnh, vừa xem cách thức của chú câu. Nét mặt chú cứ dửng dưng như kẻ đang làm gì đó chứ không phải câu cá. Cách nắm con cá rô trong hai ngón tay nhin nhín mà chắc như gọng kìm, thấy cũng đủ mến phục. Rô kềnh là loài rô sống lâu năm, đen như than, thân mập ú, đường vây trên lởm chởm như răng cưa. Chú Thất chuồi cá vào giỏ xong, lại buông mồi xuống mặt hồ. Không phải buông đại mồi vào khoảng nước nào cũng được... mà phải chọn nơi thế nào đó thì mới thả câu. Đây là chuyện bí mật nhà nghề, tôi không dễ gì hiểu được thấu đáo.

Câu rô kềnh phải tụt phao xuống ngắn khoảng dưới tầm mặt nước độ vài ba gang tay, và phải "nhắp" luôn cho máu trùn động đậy, chọc thèm con cá. Chú Thất lại giật. Sợi chỉ câu và mình cá vướng vào một cọng thân sen. Chú giật thêm cái nữa, lưỡi câu cùng với sợi chỉ hẵng hụt tung lên nhùng nhằng giữa không khí một giây. Tôi tái mặt vì tiếc, con rô kềnh này to hơn con vừa rồi. Nhưng mặt chú Thất lại lãnh đạm như không...

Tôi trở lại chỗ đặt cần câu. Chọn một mặt bằng thoáng của làn nước không có lá sen, lá súng, không có bèo, rong đuôi chồn, và buông mồi xuống nước. Phao chưa kịp dựng đứng thì đã bị kéo tịt, rồi vừa sắp nổi lên thì thụt xuống lại ngay, cố chơi cút bắt. Tôi giật. Một rô tẹo, bằng hai ngón tay chập lại. Thế cũng hên rồi. Cú đầu tiên đã được ngay một rô. To hay nhỏ cũng là con rô, kho tương ăn dè xẻn cũng được cả chén cơm. Tham mồi, lại câu tiếp. Cũng bắt chước chú Thất, cũng nhắp mồi thong thả nhưng liên tục. Phao lại động đậy, bị kéo thụt xuống rồi trả lại ngay, rồi thụt xuống, tôi trả về nằm ngang mặt nước một cách ngả ngớn, chỉ động đậy nhỏ nhẹ, sơ sịa thân phao... và tôi giật! Một con diếc to gấp đôi con rô vừa rồi. Cá diếc tuy lắm xương hom, nhưng thịt ngọt, nhiều người cho là cá long hội, in nghĩa là "lôi họng", nghĩa là dễ hóc xương - nhưng ta ăn thong thả, nhai từ từ, lưỡi kiểm soát chặt chẽ tận gốc các xương hom chữ "V" hoa, thì sức mấy chúng lôi họng được ta?

Tôi xâu con diếc cùng với con rô vào một thân cỏ gà, để khi nào con số cá leo lên tới bốn năm đứa, sẽ xách cả chùm tới chú Thất, bỏ cả tốp vào giỏ... cho chú ấy vui. Biết trước là chú không tỏ một tí ti hồ hởi đâu - nhưng trong cặp mắt dửng dưng kia, thế nào cũng có một nét vui phơn phớt. Tôi lại bỏ một mồi câu khác xuống lòng hồ, nhích sang một vùng nước khác. Hễ chưa thấy động tĩnh gì thì phải nhắp mồi câu. Trời càng về chiều, ánh nắng không nhạt bớt mà thấy càng đậm hơn, vàng hơn, chém tạt vào cả phân nửa những thân cây có những góc to bự. Đây là giai đoạn lũ cá hay nổi quẫy, những con lớn xác phóng đớp bọn mình bé để ăn thịt... nhưng chẳng bao giờ chộp được hết... Càng mình bé, càng dễ tránh lách, tàng hình. Ông trời đủ sấm đủ sét cũng chịu bó tay với bọn nhóc lỏi này. Với lại những thân sen già, thân súng, thân rong đuôi chồn, túm rễ bèo, cột bong bóng nước vô cớ nổi tên thành tiếng lục ục - chúng nó đã che chở cho lũ cá bé hình kia.

Cái phao động đậy rất khẽ (gần như chẳng có gì cả), giống như chính cái phao ấy đang cảnh giác với tất cả chung quanh. Rồi nó từ từ thụt xuống, thụt xuống, thụt nữa, đến mất tăm phao. Tôi giật xéo lên. Lòng bàn tay vừa bảo khẽ cho tôi biết rằng sẽ có con cá gì khá bự đây:

- Nhưng mày đừng có mừng run lên như vậy. Chờ tí nữa... tí nữa...

Cả đầu óc tôi bỗng quá hốt hoảng. Không phải con cá. Nó là con... lươn, lưng đen nhưng bụng vàng cháy. Tôi cầm chiếc cần câu với cả hai tay, có cả con lươn vùng vẫy, chạy tới chỗ chú Thất, nhờ chú tháo dùm lươn ra. Chú một tay cầm sợi chỉ câu. một tay tóm cổ con lươn, ngoáy một cái là rồi. Chú bỏ lươn vào giỏ, đậy hom cẩn thận.

Nó là con... lươn, lưng đen nhưng bụng vàng cháy

Tôi thấy giỏ cá đã rất nặng. Hình như phần đông là bọn rô kềnh... Má tôi chắc là sẽ vui lắm. Chú Thất chắc còn sẽ ở lại gia đình tôi thêm một hai hôm. Trời càng chiều, lũ cá dưới hồ càng xôn xao vùng quẫy. Có những tiếng quẫy đánh oạc, như cá đã chộp bắt được cả con mồi lớn, tôi biết đó là những anh quả vừa dữ tính, vừa khoẻ sức, vừa thích đánh đông dẹp bắc. Có tiếng quẫy vui tai nghe đánh "tụp" một cái, và cá biết là sắp hết mặt trời, ta lên đớp tí chút nắng vàng cho khoái phối: tôi biết đó là chú trê hoặc thân đen, thân nâu, thân vàng tùy vào chỗ hang ổ là bùn đen, bùn nâu, bùn vàng... Cái phao bị giật đâu mất tiêu. Tôi chờ một tí xíu thì giờ nhỏ bằng cái xước móng tay, để cho "con gì đó" nuốt trọn cả phần trùn xong xuôi, nuốt trọn cả lưỡi câu xong xuôi, và giật!

Một con rô kềnh mình đen xanh, có bộ vây lưng quá dữ tợn. Tôi hơi lúng túng, đang tìm cách gỡ cá khỏi lưỡi câu thì đã có bàn tay chú Thất đưa vào rồi. Chú vẫn im lặng, con rô và cả nhóm cá tôi câu được đang bị xọc vào mang, cho vào giỏ đã gần đầy. Tôi xách giỏ lên, ước đoán trên vài ký. Không, không thể nhiều như vậy được. Khoảng kỹ rưỡi. Cũng còn hơi cao. Một ký thì.. chắc quá bóp, vừa bao nhiêu rô kềnh, rô thường, rô mặt trăng, diếc, lươn, con lươn nặng vẹo tay chứ đâu phải lươn đũa, vậy mà một ký, ăn nói vậy nghe sao được! Thôi thì cứ cho đi ký ba, ký tư gì đó.

Chú Thất cầm chắc giỏ cá lên, tôi đoán chú cũng muốn đánh giá coi nặng nhẹ. Xong, đưa cho tôi xách. Thế có nghĩa chú bảo: "Thôi ta về thôi". Chú cầm hai cần câu bước đi. Tôi sách cá theo sau. Nghĩ: chắc chú cũng có chút niềm vui vì câu được nhiều cá...

Hai chú cháu về tới nhà, trời vẫn còn đủng đỉnh chưa tối. Tôi biết đây là một loại hoàng hôn cuối hè sang thu, mặt trời thường hay lười biếng chút ít, đi đứng chậm lại. Tôi chạy vào nhà trước, xách theo giỏ cá nặng, tìm ngay má tôi để bà vui. Má tôi đang ngồi sàng sảy qua loa gạo, chuẩn bị cho bữa cơm tối...

- Má ơi! Nhiều lắm má à. Ăn tới ngày kia chưa hết.

Bà đứng lên cầm giỏ xem nặng nhẹ.

- Ừ, Giỏi đây! Mày có giật được con nào không?

Chú Thất cũng đã có mặt. Chẳng có tiếng nói nào, chú đi xuống nhà bếp hình như để rửa ráy mặt mũi chân tay,. Tôi bảo với má:

- Phần con, cũng giật được bốn năm tên, trong đó, có một con kềnh. Thích nhất là thêm anh lươn tướng!

Cá nhảy tanh tách, vừa búng, vừa lách qua lại giữa những lưng cá với lưng cá.

Má tôi đã đổ cá ra chiếc rổ rộng vành. Cá nhảy tanh tách, vừa búng, vừa lách qua lại giữa những lưng cá với lưng cá. Chú Thất vừa trở lên. Ba tôi ở nhà trên bước xuống. Nhìn mớ cá quá nhiều, mặt ông chỉ tỏ ra vui vui, nói chậm rãi:

- Ba đã có nói với má rồi! Nếu như chú Thất không từ chối, ta mời chú về đây ở luôn. Hỏi thật, ý chú thế nào?

Chú Thất không tỏ một thái độ nào, chỉ hơi hơi gật đầu...

(28/10/1992)


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top