Chương ba

  Tôi có một người cha tệ hại nhất trần đời, và phải nói thực là tôi chúa ghét lão. Hồi nhỏ, tôi luôn tìm mọi cách tránh xa khỏi thằng cha già ấy. Cứ trông thấy cái bản mặt đấy mà tôi phát tởm. Lão thuộc kiểu người chẳng bao giờ có thể ăn nói hay làm bất cứ cái gì trông tử tế, đàng hoàng dẫu chỉ một phút. Tôi nói không ngoa đâu. Để tôi kể cho mà nghe, vào cái ngày mẹ tôi mất, lão còn cóc thèm đến. Lão kêu lão bận, ừ thì bận làm tình với con bồ đĩ thoa của lão. Đừng hỏi tại sao tôi biết, hôm nào chẳng thế, cứ tầm chiều chiều, quý cô Margaret thân thiện lại sang nhà tôi. Kỳ thực, ả chỉ giở cái trò tầm phào ấy với tôi và Ethan khi đi bên cạnh lão già. Còn hễ cứ xểnh ra cái, lão già biến đi đâu là cái mặt nạ của ả cũng chạy đi theo. Con mẹ kể ra cũng khéo thật!

Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu như hai người không rủ nhau vào phòng ngủ rồi khoá chặt cửa lại cho thêm cái vẻ bí mật. Tôi cũng cóc có hiểu làm vậy để làm gì, nhất là khi Margaret cứ cố tình để lộ cái bản tính hoang dại ấy. Ả kêu la oai oái, rên la mãnh liệt trong cơn đê mê mà chẳng màng bận tâm tới việc tôi và em Ethan ngồi chơi ngay gác dưới. Nghĩ cũng nực cười. Lão công khai việc ngoại tình với mẹ tôi, ấy sao không dám vác con bồ của lão ra ngoài đường rồi làm cho bàn dân thiên hạ coi? Thà rằng sau vài hiệp, lão kiệt sức rồi chết mẹ đi cho đỡ khuất mắt tôi, ấy vậy khi mà đám tang sắp sửa kết thúc, lão vẫn còn cố ló cái bản mặt tới.

Thú thực, tôi ấn tượng với mấy việc thổ tả lão làm trong đám tang của bà lắm. Tôi chẳng tài nào tưởng tượng nổi tại sao một con người mà có thể giống một con thú đến chừng đấy. Lão xuất hiện trong bộ dạng tức tưởi của một thằng ăn mày nghèo hèn, cúc áo đơm lệch, quần không kéo khoá, tóc tai bù xù, hai mắt đỏ ngầu, trợn ngược như con chó dại cắn phải bả, lắc lư trên tay chai rượu vodka - thứ chất lỏng cay nồng uống vài hơi là hết, trong khi cái giá phải trả là cơn đói đến cồn cào ruột gan của hai đứa trẻ ở độ tuổi trưởng thành. Cũng phải nói đôi lời cảm ơn dành tặng cho cô hàng xóm tốt bụng Patricia. Hồi đấy nếu không có cô, hai anh em chúng cháu chẳng biết xoay sở kiểu đếch nào. Mỗi khi gần đến giờ ăn, cô lại mang đồ ăn đến cho anh em tôi. Ngày nào cũng thế, lặp đi lặp lại suốt hơn bốn tháng trời. Chúa có thực thì mong lão phù hộ cho cô. Mà kể cũng lạ, bốn tháng trời không đưa chúng tôi một cent, đồ ăn cũng cóc thèm mua hay nấu, ấy vậy mà lão chẳng bao giờ tự hỏi tại sao tôi và em Ethan vẫn còn sống nhăn răng ra sao? Nói là vậy, nhưng chẳng ai có quyền đánh giá người khác qua ngoại hình của họ, nên cái việc lão ăn mặc thổ tả thế nào, tôi xin tạm gác qua một bên. Cái chính vẫn là hành động của lão. Lão đến đấy, không thèm chào hỏi một ai, thậm chí là một cái gật đầu nhẹ để bày tỏ sự tôn trọng, xót thương hay luyến tiếc cũng không. Như một món quà tiễn đưa cho người vợ quá cố của mình, lão ném thẳng chai rượu lên mồ của bà. Quả thực, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, bản tính thú vật cũng chẳng thể ẩn náu mãi trong hình hài người cha. Trước sự sửng sốt của mọi người, lão chỉ thẳng tay lên ngôi mộ, hoặc có lẽ là những mảnh thuỷ tinh tan vỡ đến từ chai rượu của lão, ấy rồi lão gằn giọng:

"Sao đám tang của con điếm này vẫn chưa kết thúc? Việc đéo gì cần phải tổ chức cầu kì thế này? Đáng lẽ chúng mày nên đốt xác nó cho nhanh rồi đưa hết tiền tổ chức cho tao uống rượu."

Nó khá dài, nhưng đừng hỏi tại sao tôi nhớ chi tiết như vậy. Phủi phui cái mồm, nhưng nếu có ai đó dám nói vậy trong đám tang mẹ bạn, nhất là khi người đấy lại còn là cha bạn, liệu thử hỏi bạn có quên được không? Tôi thì chắc chắn đéo! Câu nói đấy đã hằn sâu trong tâm trí tôi suốt hơn hai mươi năm cuộc đời. Thỉnh thoảng, tôi lại mơ về cái đám tang ấy, về lão, về người mẹ quá cố của mình. Tôi hối hận vô kể, chỉ ước rằng lúc đó mình đủ nhanh nhẹn và tỉnh táo để bịt tai em Ethan lại. Lúc lão vừa dứt câu, tôi đứng sững người, mặt cắt không còn một giọt máu. Tôi bật khóc.

Đừng thắc mắc bởi vì sao tôi đã không nhỏ một giọt nước mắt nào trong đám tang của bà mà chỉ vỡ oà cho đến khi lão xuất hiện. Tôi không muốn khóc trước mặt em Ethan. Đêm trước hôm đó, tôi đã lẻn ra ngoài. Tôi quay về một khu nhà vắng vẻ bỏ hoang - nơi tụ tập của lũ nghiện hút vào ban đêm, và doanh trại của tôi cùng với các chiến hữu vào buổi sáng. Chúng tôi hay đùa nhau và gọi vui ấy là cái "Kho vũ khí hạng nặng". Kể cũng đúng, bởi cái kho ấy toàn bơm xilanh dính máu và giấy bạc vứt bừa bãi của lũ nghiện. Tôi cũng chẳng lấy làm gì sợ. Nhìn chung, họ đa phần đều tử tế cả. Con đường của họ cũng chẳng sai, có sai đi chăng nữa là do họ chơi nhầm hàng. Thú thực, hàng nào ngon, tay nào lão luyện, cái nào nên, cái nào không nên, tôi đều biết tỏng. Dân trong nghề cả mà. Nhưng ấy là bây giờ, còn hồi bé, tôi ghét ma tuý như ghét lão già!

Đêm hôm đấy, tụi nghiện nằm vật vờ một góc, san sát lại gần nhau như bầy rắn trườn bò trong hang ổ, tựa trông ngồ ngộ mà giống đến đáo để mấy đường tĩnh mạch ngoằn ngoèo trải dài từ cổ tay đang co giật và còn rơm rớm ít máu trên vết chích của chúng; còn tôi ngồi một góc khác. Tất nhiên, ngu đâu mà ngồi gần. Nói là tôi không sợ, nhưng cũng chẳng dại mà liều mạng vậy. Tôi chẳng biết phải làm gì. Loay hoay mất một lúc, tôi đưa mắt lên nhìn dọc bầu trời: hôm ấy trời không sao, còn tôi không có mẹ. Chúng tôi đều bất hạnh như nhau: vô vọng, tăm tối và lạc lối. Nhưng nghĩ lại cũng tủi thân. Rồi sớm mai, sẽ có một ngôi, hay một chùm sao khác xuất hiện để rồi rọi sáng cho màn đêm rực rỡ trở lại, còn tôi vẫn phải ngồi đây, buộc chấp nhận cái sự thực phũ phàng ấy là bà vẫn bơ vơ đâu đó ngoài kia, bỏ mặc anh em tôi mà đi. Tôi cười thầm, nói đoạn đủ hiểu mặt tôi lúc đó trông ngớ ngẩn ra sao. Tôi nhớ bà, nhớ những lần bà ôm tôi vào lòng, dỗ dành và âu yếm tôi sau những trận đánh đập nhừ tử của lão già; nhớ những lần bà trổ tài nấu mấy món Nga mà bà học được từ ngoại, nhưng có điều chúng dở ẹc; nhớ những lần bà hứa sẽ đưa tôi tới thăm quê hương Moskva của bà vào một ngày tuyết rơi phủ trời; nhớ cái hôm bà khóc nức nở và xin lỗi tôi khi bảo rằng nhà không còn đủ tiền để cho tôi đi học.

Khoé mắt tôi ươn ướt và hai hàng mi cũng vậy. Tôi chưa từng muốn có một gia đình, dẫu cho nó có tử tế và hạnh phúc đến nhường nào. Nhưng khi bà mất đi, tôi nhận ra mình chỉ là một thằng khốn to mồm. Cả thế giới của tôi sụp đổ và tan nát thành ngàn mảnh. Sáng mai sẽ không còn cái cảnh tôi và bà cứ nhường nhịn nhau, đẩy qua đẩy lại cái đĩa sứt mẻ có chút thức ăn ít ỏi cho bữa sáng; không còn có những lúc tôi tươi cười khi bà phát âm tiếng Anh pha đậm cái chất Nga ấy; không còn có những hôm tôi bẽn lẽn chạy sau lưng bà và đòi phụ giúp bà làm đồng một tay.

Tôi cứ thế mà khóc, mỗi lúc một to. Cứ thế mà rên rỉ, mà gào thét. Nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Tôi cắn chặt môi đến mức bật cả máu, càu cấu hai bàn tay, bàn chân đến độ xước cả da cả thịt. Bà đi, tôi thương bà, nhưng thương cả em Ethan nữa. Tôi dẫu sao cũng có được cái hạnh phúc ấy là sống cùng bà trọn vẹn suốt mười lăm năm đầu đời, nhưng Ethan, nó mới lên năm. Sáng mai, tôi sẽ phải giải thích thế nào cho thằng bé hiểu? Nó xứng đáng được hưởng một cuộc đời tốt đẹp hơn thế này nhiều. Bạn cùng trang lứa nó được đến trường, được sống trong vòng tay của cha mẹ; còn nó, nó sống trong những lời chửi rủa và châm chọc của lũ trẻ cùng khu phố vào ban ngày, và sống trong cơn đau của những vết tái bầm do bị lão già đánh đập vào ban đêm. Tôi còn có mấy thằng loắt choắt chơi thân, nhưng nó chỉ có mình tôi làm bạn. Sao mọi chuyện tồi tệ cứ nhất định phải đổ lên cái gia đình chết dẫm này?

Có lẽ, tôi đã hơi vô ý khi mà cứ khóc lóc như vậy mà không màng tới việc có một đám người đang phê pha ngoài kia. Tôi đã đánh thức chúng dậy. Mặc dù đêm khuya, nhưng tôi vẫn thấy lờ mờ cái bóng của vài ba đứa trong số chúng kéo đến chỗ tôi. Đáng lẽ, tôi nên co giò lên mà chạy cho thục mạng, nhưng có thứ gì đó cứ níu chân tôi ở lại. Lúc đấy, tôi đã sợ, thực sự hoảng sợ. Những giọt nước mắt khiến tôi rơi vào giai đoạn yếu đuối nhất. Kể cũng ngu, tôi ngồi gần cửa, mà ngay phía ngoài lại có bóng đèn nhà bên rọi vào, chẳng khác nào con nai xé xác đồng loại rồi nhả từng mẩu thịt nhỏ trên đường đi để dẫn con báo về xơi cả bầy. Mỗi lúc, chúng lại một gần hơn. Chính xác là hai tên. Chúng dừng lại khi đứng cách tôi tầm một mét. Thế rồi, thằng cao kều nhất gằn giọng lên mà nạt tôi:

"Mẹ thằng ôn khốn khiếp. Đây đéo phải là chỗ cho mày ngồi khóc. Cút. Ngay. Trước. Khi. Tụi. Tao. Chích. Cho. Mày. Một. Phát."

Nghe hắn nói vậy, tôi đột nhiên trấn tĩnh lại. Tưởng gì, nếu lại là những lời xỉ vả và chửi rủa tầm thường ấy thì tôi đây quen, quá quen rồi.  Tôi nhất định không được yếu đuối hay sợ hãi bất cứ ai nữa. Phải, mẹ đã mất, điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải trông nom và nuôi nấng em Ethan thay cho bà. Tôi liếc nó một hồi. Không có gương soi, nhưng tôi đủ hiểu rằng mắt tôi lúc đó đỏ ngầu và sưng đến độ nào. Tôi đáp lại, nhại theo đúng cái giọng của nó:

"Đéo. Bao. Giờ."

Chưa kịp định hình chuyện gì vừa xảy ra, đầu tôi đập thẳng vào tường. Cũng chính là cái thằng ôn vừa nãy, nó không ngần ngại đạp thẳng một phát vô mặt tôi. Đó là lần đầu tiên có người đánh tôi mạnh đến vậy, tất nhiên, không tính lão già vì lão đâu phải là người. Đầu tôi đập bốp về phía sau. Đau ê ẩm, nhưng cũng chẳng là mấy khi so với cái cơn đau triền miên như tan nát hộp sọ của bá-tước-di-căn-lên-não. Mũi tôi tưởng chừng như bị gãy, chảy cả máu cơ mà! Chơi ác thật.

Một thằng khác, đứng ngay sau thằng kều, kéo vai nó lại rồi cả hai thằng cùng thì thầm to nhỏ. Tôi chẳng nhìn rõ nó lắm, cũng chẳng để tâm, bởi tôi còn bận loay hoay kìm cho máu mũi ngưng chảy, nhưng nom nó quen đến lạ thường! Liếng thoáng xong, tụi nó bèn quay trở lại chỗ cũ. May mà chúng không tọng cái xilanh vô mặt tôi như cái cách mà lão già tọng thẳng chai bia lên mộ bà. Tôi không biết do là nom tôi đáng sợ, hay do tụi nó thương tình tôi đang ngồi khóc lóc, không thèm chấp vặt mà bỏ đi. Tôi mặc kệ, cứ thế mà lại ngồi khóc tiếp. Quái lạ là chúng chẳng bèn ra nạt tôi thêm lần nữa. Tôi bỏ nhà đi cũng tầm lúc khuya khoắt, ấy vậy mà khóc có một hồi, trời lại trở sáng.

Nhanh thật, tôi còn chưa kịp làm gì. Giá mà cái cơn đau khi bị lão già đánh cũng trôi qua nhanh như vậy. Tụi nghiện cũng thức dậy rồi. Chúng lại kéo đến chỗ tôi, nhưng lần này là ba thằng. Chắc thằng thứ ba tối qua còn nằm vật vờ nên không thèm ra coi tôi khóc. Mà đâu phải tối qua, vừa cách mấy tiếng thôi. Xem chừng, bị tôi phá giấc, chúng có vẻ uể oải và thiếu sức sống ghê gớm. Hoặc có khi lúc nào chúng cũng vậy. Lúc này, tôi tự tin rằng có thể đủ sức mà quật cho mỗi đứa một trận nhừ tử!

Vẫn thằng cao kêu đấy, nhưng trông nó không xấc xược như vừa nãy. Nó lại gần tôi, nói liếng thoáng cái mẹ gì vài ba hồi, tôi nghe chẳng rõ. Nôm na, nó cảnh cáo tôi rằng không được bén mảng tới chỗ mấy cái xilanh kia của chúng. Tôi đành cười trừ. Chỉ cười thôi, tôi cũng chẳng có hứng thú mấy mà đáp lại. Bây giờ chúng đạp vào mặt tôi, mấy năm nữa chúng chết, tôi đạp sập mộ từng thằng. Ba thằng bèn bỏ đi ngay khi vừa dứt câu.

Tôi nhìn cả ba đứa chúng nó bước đi. Đăm chiêu một hồi, tôi cảm giác có thứ gì đó rất ư là quen thuộc đến từ cái thằng đứng cạnh thằng cao kều đêm qua. Phải rồi. Tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Không ai khác, nó chính là ông anh của thằng Brandom, tức lão Travis. Lâu rồi tôi không gặp ông. Có lẽ nào do dính líu vào ma tuý nên ông chẳng buồn ra khỏi nhà vào ban ngày nữa? Chính ông đã can ngăn lại thằng chó đạp vào mặt tôi, bởi ông nhận ra tôi là ai. Cái tin mẹ tôi mất chắc hẳn cũng đã đến tai ông, nên ông đã giải thích lại vậy với hai thằng kia. Cũng hợp lí, nếu không, chắc chắn chúng sẽ ghé thăm tôi lần hai vào đêm qua nếu như tiếp tục nghe thấy tiếng tôi khóc. Vậy có lẽ, chúng bỏ đi vì thương xót tôi chứ không phải do uy lực của cái trừng mắt. Nếu vậy thì thực ra, họ cũng không có xấu xa tới cái mức mà mọi người thường kể. Trong họ luôn ẩn chứa những điều tốt  Có điều, tôi vẫn sẽ đạp sập mộ chúng.

Tôi đưa mắt nhìn qua bãi chiến trường của chúng. Bình minh hửng sáng và chói lọi, đỏ một màu ánh kim của vệt máu dính trên bơm xilanh. Tôi đứng dậy. Sau hôm nay, tôi phải hỏi thằng Brandom một trận ra trò, can cái tội giấu anh em sự thực về ông Travis. Nói vậy, nhưng tôi cũng chẳng định hỏi đâu, vì cũng chẳng giúp được gì nó, có khi còn làm mọi chuyện rối rắm thêm. Dẫu sao, vài ba lời động viên có lẽ vẫn là điều cần thiết. Tôi chuẩn bị về chỉn chu quần áo rồi đếm đang tang của bà.

Quay trở lại cái đám tang ấy, để tôi lí giải cho bạn hiểu cái cớ tại sao tôi lại khóc. Đừng nhầm lẫn, bởi đó không phải giọt nước mắt của sự yếu đuối. Tôi khóc cho đám tang về những lòng tôn kính và e sợ trước kia của tôi dành cho cái chữ "cha". Một đám tang nhưng có hai người chết. Chính thức kể từ ngày hôm ấy, tôi thành trẻ mồ côi. Nhanh chóng, tôi lấy tay quệt vội hai dòng nước mắt. Mặt tôi vẫn còn lấm tấm những vết bẩn khi ăn phải một cước từ giày thằng nghiện.

Brandom, Matthew, Kevin, cả ba đứa chúng nó đều tham dự đám tang của bà. Nhân lúc mọi người không để ý, tôi kéo thằng Matthew lại gần, rồi thì thầm:

"Đưa em tao ra khỏi đây, nhanh lên. Đừng để nó nhìn thấy cảnh này."

"Nhưng..."

"Đéo nhưng gì cả, đưa nó ra khỏi đây, NGAY LẬP TỨC."

Tôi thường không cáu gắt như vậy, nhất là đối với những chiến hữu. Nhưng lần này, tôi buộc phải làm vậy. Matthew xem chừng có vẻ giật mình và bối rối khi thấy tôi tỏ thái độ cáu gắt đến lạ thường. Nó bèn liếc tôi một vài giây, đưa cái nhìn nửa thì trách móc, nửa thì kiểu do mẹ mày mới mất nên lần này tao bỏ qua, ậm ừ rồi bế em Ethan đi mất. Thằng bé đang khóc, nên tôi không muốn nó nhìn thấy cảnh tượng sắp tới này.

Tôi bèn chờ hai đứa khuất dần sau đám đông. Được rồi, mọi chuyện đều đã ổn thoả. Không mải suy nghĩ, tôi hành động theo bản năng, lao thẳng tới phía trước, giáng một cú cực kì mạnh vào giữa lưng lao già. Cay đắng, phẫn nộ và uất ức của tôi như được gạt bỏ phần nào. Lão già ngã bổ nhào về phía trước. May mắn cho tôi và xui xẻo thay cho lão, ngã lại ngã trúng vào đám thuỷ tinh vương vãi kia. Thuỷ tinh găm vào đùi, vào ngực và cả vào tay lão, mong là vào nốt cả gậy của lão! Lão già hét lên chẳng khác nào con lợn bị chọc tiết. Kể cũng hơi ác, nhưng có là gì so với những vết thâm và bầm tím khắp tay, chân, lưng và ngực hai anh em tôi? Hay là những phát tát, những vết thâm tím tái ở cả hai mắt và một khoảng tóc trọc lốc trên đầu của mẹ tôi khi bà bị lão kéo, giật rồi đập đầu vào tường?

Lão già cố gắng bật dậy, xem chừng có vẻ khó khăn lắm bởi hai tay cứ run bần bật. Có gì đó hơi thiêu thiếu. Phải, như này là chưa đủ. Chưa hề đủ, quá ít ỏi, cũng chẳng là gì khi so với cái quá khứ huy hoàng mà lão đã gây dựng nên với cái gia đình này. Tôi tiến lại gần đến cái chỗ lão đang nằm bệt. Nhìn thấy hai bàn chân tôi, lão rên rỉ:

  "M...ẹ kiế...p thằ...ng s..úc si...nh."

  "Cảm ơn."

Mẹ, nếu mẹ có nghe thấy, thì con là Fred - con trai của mẹ, và đúng như mẹ đã từng dạy, con sẽ luôn nói cảm ơn với người khác dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngay sau chút suy nghĩ ấy, tôi dậm thật mạnh lên lưng của lão. Tôi mỉm cười, nói:

"Cú này là dành cho ngoại, cho quãng thời gian mày đánh đập bà khi còn sống."

Lão hét oai oái lên. Mặt lão khóc lóc như thể van xin tôi. Ước gì, lão cũng dừng lại khi tôi cầu xin lão đừng đánh đập mẹ và em tôi nữa.  Máu rỉ ra những mảnh thuỷ tinh mỗi lúc một nhiều. Vẫn chưa đủ. Tôi muốn lão phải tắm bằng máu mình để rửa sạch tội lỗi của bản thân. Đùa vậy thôi, chứ nói thế chẳng khác nào dùng bùn để mà gột sạch những vết nhơ bám dính trên tường. Mải nghĩ ngợi, tôi cũng không quên việc phải chặn họng lão trước khi lão kịp lên tiếng:

"Cú tiếp này là dành cho em Ethan, cho quãng thời gian mày hành hạ nó."

Lại một lần nữa, tôi dẫm lên lưng lão. Những mảnh thuỷ tinh cắm sâu hơn vào da, vào thịt lão sau mỗi lần. Lão kêu la thảm thiết, nước mắt chảy đầm chảy đìa vì đau. Cứ làm như là oan ức lắm không bằng. Nhìn lão lúc này hệt như em Ethan. Vậy thì tôi sẽ đóng vai lão, sẽ để ngoài tai những âm thanh đó, như cái cách mà lão để ngoài tai tiếng khóc nức nở của em Ethan khi bị ăn đánh. Tôi tin rằng ngần ấy vẫn chưa đủ. Tôi bèn tiếp tục:

"Cú này là dành cho chính tao, cho quãng thời gian mày xích tao lại, ức hiếp tao, và xỉ vả tao."

Viễn cảnh chẳng khác gì như hai lần trước, có điều, lão đã đuối dần và mệt mỏi nên không còn la hét nữa. Lần này, tôi gào lên, thật to, đủ để cho tất cả những người xung quanh nghe thấy:

"VÀ CHO NHỮNG LẦN MÀY LĂNG MẠ, XÚC PHẠM VÀ HÀNH HUNG MẸ TAO."

Một cú giáng trời thẳng lên đầu lão. Máu chảy mỗi lúc một nhiều. Lão ngất lịm đi, hoặc có lẽ đã chết mẹ từ lúc nào không hay. Tôi chẳng buồn quan tâm. Đánh xong, tôi bỏ chạy thục mạng. Tôi buộc phải chạy nếu muốn sống. Chẳng ai đủ nhanh và khôn khéo để bắt kịp tôi, bởi địa hình khu này, tôi nắm rõ như trở lòng bàn tay. Nhưng cũng chẳng ai giữ tôi lại. Họ hàng của lão già: người thì chết cả, người thì rời bỏ lão, nên đám tang đa phần toàn là người thân quen của mẹ tôi. Chắc hẳn, họ cũng hả hê lắm, duy trừ một người: Catherin. Con mẹ ấy gào rú lên:

"BẮT THẰNG NHỎ LẠI CHO TAO. NHANH LÊN. BẮT NÓ LẠI VỀ ĐÂY."

Không một ai thèm để tâm mụ béo nói gì. Nhìn mụ cáu tức thế kia, tóc tai lại bù xù, chân tay giẫy đành đạch, nom trông cũng buồn cười đáo để. Tôi chạy đi xa, nhưng vẫn đủ để nghe thấy tiếng mụ kêu trong bất lực. Không chỉ mình tôi cười, những người họ hàng của mẹ tôi cũng cười theo. Nhất là dì của mẹ. Dì chắc hẳn phải tự hào lắm khi thấy cái cảnh tôi ban ơn huệ cho lão già. Cái đám tang của cả một đời người chưa bao giờ là rôm rả đến thế!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top