chiều.
nóte: viết vội buổi chiều mùng 3 nên còn nhiều sai sót. chúc mọi người năm mới vui vẻ, dù tết qua mất rồi.
và dành tặng cho tình yêu Tieuthanhbenho_149 của mình, để chị hết buồn ❤✨
__
"không về, ha chú?"
nắng chiếu sắc vàng linh lung, luồn lách qua áng mây trắng rọi góc sân vườn. góc vườn lao xao tiếng gió, tạt qua đỉnh đầu bụi tre, quyện cùng tiếng lòng nhớ nhung, da diết. lẫn trong âm thanh của đất trời trong những ngày cuối năm, là những lời nghe như hụt cả vài bước trong lòng.
"năm nay bận quá, chắc không về."
em nhạc sĩ đành lòng thế, tặc lưỡi, ngẩng đầu dòm trời cao xanh. mây trắng như gòn, lững lờ trôi, yên bình quá xá từ cái hồi miền nam giải phóng. không có tiếng đạn, tiếng pháo, ha bóng chiếc máy bay nào của mấy thằng tây xé toạc bầu trời. bình yên là thế, bao quanh làng mạc lại nhộn nhịp, nhà nào cũng xúng xính chuẩn bị sắm sửa đón tết quê. nào là mấy cô thôn nữ bận quần áo đẹp đi sắm lồng đèn đỏ chót, tiện sắm cho mình mấy bộ đồ mới chơi xuân. mấy anh thanh niên đi đào gốc trồng mai, khuân vác đồ đạc, mấy chậu bông ăn tết. mấy cụ già tuổi lớn ngồi nhàn nhạ, uống trà ngắm cảnh, trò chuyện về những thứ cổ lổ sĩ. còn có, mấy đứa nhỏ mừng vui giữa cái bầu không khí rộn rã cận xuân mà bay nhảy như mấy con chim non, ríu rít cả một vùng.
thân cũng là thanh niên trai tráng, phơi phới tuổi xuân, sao em nhạc sĩ không có phụ đi vác đồ, trồng hoa, mà ngồi đâu một góc thui thủi ngoài góc vườn, đơn côi thế?
"nhưng chú hứa với em chú về."
hàn chí thành hụt hẫng nói vào đầu nghe điện thoại, nơi mà còn phát ra tiếng rè rè hòa lẫn âm thanh đường phố náo nhiệt vọng tới từ đất sài gòn. gần tết, ở trển vui lắm, em dằn lòng. phải không chứ hả, cái vui đó níu chân chú em lại, không có cho chú em về. chú em đi quýnh giặc từ mùa xuân năm bảy lăm, sao ở trển riết, kêu về hổng về? bảo không phải do trên trển vui quá, thì là tại cái chi, mà chú em nỡ bỏ nhà đi lâu dữ thần thế?
chú bận cái gì, mà chú không về?
"anh mắc học, nào học xong, anh về."
đầu dây bên kia đáp lại, làm lòng em nhạc sĩ chùng xuống nặng nề hơn nốt trầm của cây đàn em ôm. gió tự nhiên lạnh, trời tự nhiên tắt nắng, tự nhiên em buồn.
hồi đợt chú học hành dở dang, tham gia vào chiến dịch năm bảy lăm, cũng hồi đánh xong quân mỹ, miền nam mới giải phóng. đó là cái mùa xuân đầu tiên chú không có về nhà. chí thành chôn chân ở chốn làng quê thấp thỏm, chả biết chú ra làm sao rồi, tây có bắn viên đạn nào trúng chú chưa. ngày nào cũng sát rạt bên cái đài, nghe ngóng tình hình ngoài thành phố, khi thì gọi điện cho chú liên tù tì, còn gởi điện tín tốn mấy chục ngàn.
hồi đó ấy à, phải chi mà chí thành lớn hơn chút xíu, đủ tuổi chút xíu, là em tự mình xung phong đi chung với chú được rồi.
từ mùa xuân đó tới nay, chú của em không có về. chú kẹt lại ở thành phố, chú tiếp tục chuyện học hành, mà chả biết có nhớ em không, sao chú chả thèm về quê. hai ba năm trời rồi, năm nay chú hứa chú về, mà giờ này sao chưa thấy bóng chú đâu hết cả.
lúc nào chú cũng nói chú mắc học, ở cái trường mỹ thuật ấy.
em buồn lòng một đống, buồn lắm ấy là một đằng. cúp máy mà lòng trĩu như nước đọng tán cây, đọng lâu đến khi bốc hơi cho bằng hết. khẽ khàng thoa mấy ngón tay lên mấy cọng dây đàn, mà khó chịu tới nỗi muốn quắp đứt cọng dây. sao mà em buồn thế này, chí thành thầm nghĩ. có chi để mà buồn đâu. mấy năm rồi chú em không về, chả lẽ lần này em lại buồn. chú em đi học, tốt cho chú, chú ra chiến trường, tốt cho đất nước. em quen rồi, chí thành quen rồi, mần sao em dám buồn cho được.
em đâu có buồn đâu.
chỉ là, thiệt tình, em nhớ chú quá.
♪ gió chiều thầm vương bao nhớ nhung.., ♪
dẫu buồn lòng là thế, nhưng thời gian thì đâu ai cản lại được, nhở? những ngày cận kề tết, mai bắt đầu trổ, hoa đua khoe sắc thắm, và người người bắt đầu đổ xô từ sài gòn về quê. mấy cô nàng xúng xính trong những tà áo thướt tha sắc đỏ, mấy cậu chàng xa nhà lâu ngày, những người rời quê để mần ăn xa xứ. tất cả, ồ ạt về trên những chuyến xe đò đông đúc, mấy chiếc ô tô xì khói chật chội, hay là mấy đoàn tàu lửa tu tu. họ về, về với niềm hân hoan rạng rỡ khóe môi, mi mắt, về trong niềm vui, và về trong sự đón chờ của người thân nơi quê nhà. như những đàn chim non rồi lại bay về tổ sau những ngày vất vả vỗ cánh trên nền trời xanh biếc, họ về quê như về với tổ ấm của mình, đoàn tụ với những người đã ngóng chờ họ theo thời gian, quây quần bên cạnh nhau những ngày tết ấm. thống nhất mấy năm rồi, tết cũng ấm no hơn, đủ đầy hơn, rực rỡ và nô nức hơn. nhất là khi đất quê hòa cùng tiếng cười nói, tiếng hát ca, tiếng chuyện trò của những gia đình chẳng vắng bóng đứa con nào, những cặp tình nhân chẳng hề thiếu vắng nửa kia.
chiều lại buông xuống, hắt nắng hồng rười rượi lên gò má hàn chí thành. lại một chiều quê xa thành phố, lại một chiều thiếu nắng cũng chẳng nhiều mưa, nhưng lại ngập trong những mùi vị ngậm ngùi khó nói, chôn tít tận dưới đáy lòng. em cầm theo cây đàn ghi ta cũ, vẽ trên thân đàn những đường nét mờ nhạt nhưng tỉ mỉ đến là lạ. những đóa hoa, em thầm nghĩ, những đóa hoa xinh đẹp.
"tặng em nhé, cho em những tuổi xuân đẹp như hoa."
chú em đã từng về nhà sau chặng đường dài lên huyện, nắng mưa dội cả lên mái tóc bám bụi của chú, chỉ để chú đến xưởng làm đàn của những người học lỏm từ bọn tây, sắm cho em cây đàn xịn nhất. chú vẽ lên đấy những bông hoa, bé có, lớn có, và chúng như ngập tràn sự sống, tỏa sắc trên từng âm nốt phát ra từ ngón tay em. "ngôn ngữ loài hoa là một thứ tuyệt diệu", chú nói, sau nhiều ngày dày công ngắm nghía những bức vẽ về hoa của người nước ngoài, và điểm tô chúng lên chiếc đàn, như lời nói thủ thỉ vào tai em rằng, những thanh âm ngọt ngào từ em đấy, sẽ luôn đẹp như ngôn ngữ của những bông hoa.
mà chú em thì, hồi năm em mười lăm ấy, chú rất thích hoa, chú vẽ chúng khắp nơi.
chí thành nâng chiếc đàn đã bốn năm tuổi lên đùi, và để gió thoáng nhẹ qua làn tóc em tung bay. em ngồi giữa chợ hoa trong xóm, nơi những khóm dừa cạn mọc thành chùm, những cành mai xinh tươi vương mình dưới nắng chiều, những chậu hoa sắc màu bung nụ và những bông hướng dương rũ xuống theo hướng mặt trời lặn đi. cảnh cùng người họa nên bức tranh đẹp như điểm khắc màu cọ dầu đắt tiền phương tây, những người đi đường qua lại đều nói thế.
"thằng thành, thành nhạc sĩ. trông nó đẹp dữ thần chúng mày nhỉ?"
"nhưng sao nó buồn thế?"
"chắc do thằng trấn họa sĩ chưa về."
"cũng bốn năm rồi nhờ?"
họ xì xầm vào tai nhau và nhìn em nhạc sĩ bằng ánh mắt buồn bã, rồi đứng lại nhìn em một lúc, đợi em cất tiếng đàn ngâm nga. hoa vẫn ở đó, người vẫn ở đó, vẫn là một cảnh sắc như mơ. nhưng thanh âm dịu êm từ những sợi dây đàn lại chẳng hề xuất hiện. hàn chí thành chỉ ngồi lặng yên trên phiến đá, ôm đàn trong lòng, thẫn thờ nhìn trời ngả bóng về tây. thuở nảo nao em đã từng rủ rỉ rù rì với chú, trước hồi chú đi xa, em đàn hay lắm, nhưng đợi chú về, em mới đàn lại chú nghe. trước ngày chú về, nhất quyết, em chả đàn cho ai nghe đâu, cũng chả viết thêm bài nhạc nào nữa.
chú cũng ác lắm, chú có cho em cơ hội được gãy lại mấy cọng dây đàn ấy đâu. mấy bài hát nghe trên đài em cũng sắp sửa quên hết rồi thây, còn chả mọc ra nổi một xíu xiu cảm xúc để mà viết tình ca.
"chắc nó không đàn", những người. xung quanh nghĩ, "nó đàn hát hay thế, cơ mà lại...", và họ nói. dù hoa có rạng rỡ thế nào, dù bóng hình áo trắng đơn côi nhỏ bé giữa ánh sắc đẹp đẽ từ những nụ hoa kia có ngồi ở đó và đẹp theo cách của riêng em đến bao nhiêu. những người kia cũng có những công việc tất bật của riêng mình, và họ đâu thể đợi mãi một tiếng đàn không bao giờ cất lên lại được. họ rời đi, lại hòa vào không khí xuân náo nức ngoài kia, và những việc bận rộn của ngày cuối năm.
cuối năm, à, cuối năm rồi đấy. chí thành nhìn nhà nhà mua về những xâu pháo, hay những cây pháo nổ đỏ chói mà sực nhớ. giao thừa, em lầm bầm, và mỉm cười khi nhìn thấy tất cả mọi người đều vui vẻ đón năm mới như thế. họ nườm nượp đi chợ mua thức ăn, nấu nướng và chuẩn bị những món đồ cúng bắt mắt. trời ạ, những nồi bánh với lửa vàng nghi ngút khói, đáng lẽ em phải để ý đến điều đấy khi đi dạo quanh xóm ngày hôm nay chứ. thế mà giờ đây đã là buổi chiều rồi đấy, và không lâu nữa thôi, mặt trời sẽ lặn, và những phút giây cận kề năm mới sẽ đến.
và rồi khoảnh khắc giao thừa đến, như mọi năm, chắc chí thành cũng chỉ lặng lẽ ngồi cạnh gia đình, ngắm pháo hoa cho qua đêm mà thôi.
rồi những ngày đầu tiên của năm mới lại bắt đầu, năm cũ qua đi. và mọi người sẽ đến chúc tết nhau bằng những câu nói ấm lòng, đám trẻ con sẽ được lì xì những bao thơ đỏ rực. chí thành ngẫm nghĩ, em cũng phải đi thăm hỏi nhà nhà thế thôi, chỉ khác ở chỗ em chẳng có được lộc lắm như hồi trước. những ngày đầu năm sẽ lại kết thúc một cách nhạt nhẽo thế đấy. mà, sang năm mới, liệu năm mới ấy em có được gặp lại chú của em hay không.
chí thành vốn chẳng cần những bao thơ đầy những tờ vài ngàn ấy mần chi. em chỉ mong lộc đầu năm đến với em là một thứ, thứ em ngóng trông từ lâu lắm rồi.
nhưng lộc năm mới của em sẽ không đến, chú sẽ không về, chú đã bảo thế rồi mà. chí thành nhìn bầu trời trong vắt một lúc, rồi đảo mắt nhìn làng quê nhộn nhịp đầy kỉ niệm của mình chung quanh, em lặng lẽ cười, rồi lắc đầu.
nếu tết năm nay lại như thế rồi, thì cứ để nó như vậy thôi.
thực sự chỉ có điều, em há có ngơ được nỗi nhớ nhung đâu chớ.
thoáng qua trong làn gió mát buổi chiều lại lần nữa thổi qua lọn tóc đen màu than là những điều quen thuộc. chí thành chẳng hề biết điều đó cụ thể là gì, nhưng tay em khẽ động, dây đàn phát ra vụn vỡ một âm khúc gãy đôi. như tiếng thổn thức trong lòng em lúc này. ấy là sự quen thuộc đến mức dù khoảng cách là bao nhiêu, dù có ăn vận kín cẩn đến mức nào, chỉ cần ở cùng một nơi với nhau, em sẽ nhận ra người nọ.
gió đưa hương sắc người nọ vào những cánh mai lấm tấm, lả lướt qua vai áo trắng tinh, khiến người như rơi vào mộng tỉnh. tiếng xốn xao quanh xóm làng bỗng dưng lặng tắt, thời gian ngưng đọng lại và hệt như mặt trời chỉ còn lại là một hoàng hôn vĩnh cửu, như thể thiên nhiên còn đang cố tiếp sức cho điều gì đấy diệu kì sắp xảy ra. cảm giác lạ kì chạy dọc từng mạch đập trong cơ thể khiến chí thành ngẩn người một lúc lâu. em sợ rằng đây thực sự là mơ, là một giấc mộng xuân bén rễ từ nỗi cô đơn nhớ nhung của em vùi lấp lại càng thêm chất chồng qua nhiều năm tháng.
nếu chỉ là một giấc mộng, như một hình bóng người thương quay về lướt qua cơn mơ mà thôi. sao âm thanh lại thân thuộc đến thế? tiếng giày da nện xuống nền đường phủ đất đá đầy sỏi, có chút ngắt quãng kì lạ, tiếng lộc cộc phát ra từ những túi hành lý to như vừa từ một chuyến tàu xa trở về, và, âm thanh trầm lắng cất lên từ đôi môi người nọ.
"thành không ra chào anh hả?"
♪ người yêu thoáng qua trong giấc mộng.., ♪
không phải mộng đâu.
chú hoàng đứng đầu chợ bông, bận bộ đồ lịch sự, áo sơ mi màu vàng, quần tây cũ sờn hai mép ống, chú cắp cái cặp màu nâu dưới cánh tay và một cái va li lớn sau lưng. chí thành có thể quên mấy cái bông chú từng vẽ màu sắc thế nào, quên đầu chú có bao nhiêu sợi quăng, quên đôi mắt chú có bao nhiêu vì tinh tú; chớ em không thể nào mà quên dáng người, gương mặt chú ra làm sao.
cao ráo, trẻ trung, đẹp mã là những câu từ em hay nghe người ta nói về chú nhất. chú cao, hơn em một xíu, dù gì thì em cũng đã lớn rồi chứ có còn mười lăm nữa mô. chú gầy đi trông thấy, chả biết gầy vì điều chi, nhưng em chắc chắn là mình chả ưa điều đó xíu nào. tóc chú được chải chuốt thẳng thóm, vuốt qua hai bên, để nguyên khuôn mặt đã từng được khen đẹp nhất cái làng ra cho người người ngắm nhìn. mà em, em nhìn gương mặt đó say đắm, như sà chân lại lần nữa vào cặp mắt kia, cặp mắt đầy nhớ thương mà đã bao năm ròng chẳng có tồn tại hình bóng em. em nhìn chú đứng tần ngần, không biết phải bày ra phản ứng ra sao.
em có nên ào đến ôm chú không? như xé đi khoảng cách thời gian xa vời vợi mà đến bên cạnh chú.
như mong ước của em là một chiếc bình bông cạn nước, để những cành ly héo úa dần dà. rồi chú về, hình bóng chú như đổ đầy cái bình rỗng, để nhành bông lần nữa vùng lên mang theo sức sống cùng sắc hương rạng ngời.
"chú nói, chú không về mà?"
chí thành cất đàn sang bên, hai mắt em mở to tròn, như muốn đem chú nhốt vào tầm mắt, để chú khỏi có đi nữa. chú cười với em, nụ cười đã từng mang màu nắng, mà bây giờ vẫn thế, nó thắp nắng trong lòng em nóng râm rang. rồi chú lững thững bước đến, bước từng bước vô chợ hoa. chí thành không đui, em thấy rõ rành mạch ra đấy. dù chú em mang giày da đẹp đẽ loáng bóng, nhưng đôi giày đấy nào có nâng bước chú vẹn nguyên. chú đi cà nhắc, tướng khó coi, hướng về phía em như hướng về điều trông chờ suốt mấy xuân.
em vội vã đứng lên, loạng choạng nắm hai bên tay chú, rồi dắt dìu chú đến gần phiến đá phẳng. tay em chạm vào lớp sơ mi dày quấn quanh da chú, như dấy lên trong lòng em một điều gì đó xốn xang rộn ràng, như ong vỡ tổ, như bươm bướm lượn vòng quanh đến khi mỏi cánh. muốn ôm chú lắm, ôm thiệt chặt. em cắn răng, nhưng thôi. em đỡ chú ngồi xuống, rồi nhìn hai chân chú bằng cặp mắt lo âu.
lo lắm chứ, hồi trước xuân bảy lăm, chân chú có như thế đâu. chú còn biết nhảy, biết khiêu vũ đồ nữa cơ mà.
"chân chú sao đó?"
"đạn trúng."
"hả?"
"đạn trúng, hai viên, què. sợ về em lo, đợi bốn năm cho nó lành bớt."
chiến trường là nơi khắc nghiệt, đợt đó chú em đi lính, nguyện lòng cháy cùng mùa xuân nọ để thống nhất tổ quốc. sao em không nghĩ tới chuyện chú sẽ bị thương mà không về được nhỉ. hay là do em có nghĩ, nhưng rồi lại ỷ y vì chú vẫn khẳng định với em qua từng cuộc điện thoại, từng tấm thư hồi đáp rằng chú vẫn khỏe re, vẫn đang học, thi cử. em không có ngờ, sau lần đó, chú em lại bị như thế. đạn pháo ngoài chiến trận, ghim vào da thịt, là cảm giác chí thành chưa từng trải qua. nhưng em biết qua đôi mắt buồn tủi khổ thương của những người trong làng, khi chồng con họ được khuân về với những viên đạn của bọn tây cắm sâu trong người, cảm giác đó đớn đau khủng khiếp. tựa như viên đạn đấy chẳng chỉ là xuyên qua lớp da của người lính đã ngã xuống, mà còn đâm thủng trái tim của những người ở lại.
thiệt may mắn, chú em không bị những phát đạn ấy giết chết. nhưng đau, em biết chú đau, em cũng đau nữa.
đau đến nổi, cả đời này, không cách nào mà chú em đi lại bình thường như những người khác được, không cách nào mà chú còn được nhảy nhót, được khiêu vũ hay bay chạy như hồi xưa.
mà hả, chú không về, bốn năm sau mùa xuân năm đó, không dịp nào về. vốn dĩ chú không muốn em dòm thấy chân chú lủng hai cái lỗ, vết thương to tổ bố, hay là chật vật tới nổi đi đứng không xong. chiến tranh để lại trên người chú một dấu tích, mà em, vốn dĩ là con bồ câu trắng trong lòng chú, chú không muốn em nhìn thấy những vết tích đấy đâu. đôi mắt em, chỉ nên nhìn thấy hòa bình và những an yên thái bình của tổ quốc ở nơi làng quê, chứ không nên nhìn thấy những điều khắc nghiệt mà chiến tranh để lại. chú sợ lắm những điều đó sẽ tàn sát đi nét ngây thơ trong em, giết đi đứa trẻ non nớt ấy.
chú hoàng vốn định không về đâu, không để em gặp lại chú, một kẻ tàn tật dưới họng súng quân thù.
nhưng chú nhớ những mùa xuân đẹp chốn quê, chú nhớ những tiếng đàn thơ ngây quyện vào làn gió mát. nhớ mắt em long lanh, nhớ má em hây hây hồng, nhớ em tha thiết.
chú phải về chớ, về với em chú, mắc công em đợi lâu nữa, chú thương.
♪ mối tình đầu xuân ai thấu chăng?
lòng tha thiết vương theo tiếng đàn ♪
chí thành nhìn chú hoàng, nhìn chân, rồi lại nhìn đôi bàn tay chai sạn của chú. đôi chân đấy đã từng chạy như bay nơi đạn xả như mưa, đôi tay đấy đã từng vác trên mình sức nặng của tổ quốc. chú em vĩ đại, vĩ đại ở chỗ chú vì việt nam thống nhất, ở chỗ chú vì em mà giếm đi cái tàn cái tật. chả qua chỉ là do chú sợ em phải lo lắng, sợ hãi, rồi sợ đủ thứ về chiến tranh. chí thành không phải một đứa dũng cảm gì cho cam, em yêu nước, nhưng cũng hãi hùng trước tiếng máy bay vụt trên bầu trời đất việt, tiếng bom nổ, tiếng khóc thảm thương của những người đã mất đi người thân yêu ở ngoài kia. chú hoàng không muốn em biết rằng người em thương cũng đã bị cuộc chiến ấy tàn phá như thế.
thà là lâu một chút, để cả hai cùng nhớ nhau đến đau xiết lòng, chứ chú không muốn để em rơi một giọt nước mắt nào vì tàn tích của đạn pháo mưa bay đâu.
"thành nè."
chú hoàng thủ thỉ gọi, kê gò má lên tóc em cọ trên bờ vai. tay em đặt trên những phím đàn, thả từng nốt nhạc vào nắng chạng vạng dần rơi. em ngưng đàn, ngưng nhìn mặt trời như hòn lửa đỏ lặn xuống mặt đất, em xoay mặt nhìn chú, như nhìn mặt trời của riêng mình em.
"dạ chú?"
"bốn năm rồi."
"ừ chú?"
"em gọi anh trấn đi, đừng gọi chú nữa."
em mỉm cười, nhìn quang cảnh đằng xa. đột nhiên lòng ấm nồng như có lát gừng phủ vào trái tim. đầu dựa vào vai chú, để mùi hương gỗ nhè nhẹ phủ lấy tâm trí, tay bâng quơ đàn những khúc ca thân quen. thật tình chú hoàng cũng chả lớn hơn em mấy nhiêu đâu, nhưng em quen mồm gọi chú, khó lòng sửa được. em và chú hoàng ngồi đấy, giữa chợ bông, từa tựa một đôi uyên ương vừa tìm được nhau trước phút giây giao nhau giữa hai niên kỷ.
và vẫn thế chứ, giữa không gian quê nhà đầy thân nhớ, mùi nhang cúng và mùi tết thoang thoảng khắp ngõ ngách đường làng. tiếng trống chiêng vang lên dồn dập, làn khói bạc mông mênh từ những nén nhang vừa thắp, rồi những tiếng pháo nổ, tiếng chúc mừng năm mới đồng loạt vọng đến từ khắp nơi. giao thừa đến, một lần nữa, sau những năm không có lấy quân tây xâm lược.
có điều, giao thừa năm này vui ở chỗ, có chú hoàng đón với em thành.
mùng một, mùng hai, những ngày tết, trôi qua êm ả nhưng cơn gió nâng niu những cánh diều đỏ chập chờn của đám trẻ thơ. em nhạc sĩ trẻ dẫn 'anh trấn' của em đi khắp nơi trong làng, như sợ anh đã quên mất chốn quê mình từ lâu. đồi hoa dừa cạn trong nắng, khoảng sân vườn trống trãi rợp bóng tán xanh hay những đoạn đường mòn và khu chợ nhỏ tấp nập người qua lại. chú em nhớ dai dữ thần, từ hồi đó, tới nay, chú vẫn còn nhớ mình đã từng dắt tay em đi chỗ này, chỗ kia. dắt em đi bộ lên đồi, dắt em đi thả diều ngoài sân vườn, chỉ em chạy xe cót két trên con đường dài phủ đầy đá sỏi, và nắm tay em luồn qua đám đông trong khu chợ đông nghịt người chỉ để mua những ly cà phê đá lạnh. trí nhớ của chú khiến em hoài nghi, rằng liệu những ngày ngồi ngoài chiến trường, tay ôm súng, lẫn cả những ngày ngồi cầm cọ trên trường mỹ thuật sài gòn ấy, liệu chú có nhớ quê mình lắm không. chú có thấy cô đơn, thấy quanh mình như biển rộng, đơn độc một chiếc thuyền nang. liệu là những anh lính ngoài chiến trận có đối tốt với chú như những chiến hữu lâu năm, những người trẻ trên sài gòn có mần thân với chú, có mang cho chú cảm giác như ở đây hay không.
cảm giác mà quê nhà ôm lấy mình như vòng tay mẹ già, còn có tình thương lớn lao mà em luôn dành cho chú nữa. họ có làm được thế hay không?
những mùa xuân xưa cũ, chúng sống lại trong lòng em, khi chú nắm bàn tay em đi qua những khóm mai vàng rực; hay tung tăng dưới những chiếc lồng đèn đỏ tỏa sáng dưới bầu trời đêm; hay là cùng nhau đi chúc tết những mái nhà tranh, và đôi khi là nhận lại những bao thơ nhỏ nhắn. mặc dầu cho chí thành năm nay cũng đã mười chín, và chú em cũng hai mươi mấy rồi, nhưng cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên như thời chú bằng tuổi em, và em bé nhỏ chui tọt vào lòng chú mà thôi. em yêu những khoảnh khắc đó, như khảm khắc chúng cùng với những hoài niệm vào trong lòng.
chỉ cần có chú em cạnh bên, mọi thứ đều là kỉ niệm, mọi mùa xuân đều đẹp như mơ.
em cài hoa lên vành tai chú, với nụ cười ngây ngốc và ánh mắt chú dịu dàng. chú lại cùng em đi quanh làng buổi mùng ba cuối tết với đôi chân khập khiễng. mỗi ngày đều như thế cả, từ bữa chú về. chú đan lồng bàn tay mình vào tay em, nắm chặt, để em không lạc khỏi chú, như hồi em còn bé ấy. thi thoảng em dắt chú ngồi dưới bụi thiên lý, gãy đàn tích tình tang, ca mấy bài mà em còn nhớ. chú thích lắm chớ, thích em ca, thích em đàn, chú thích em.
chiều nay cũng thế, đã qua ba bữa chiều có nhau kề bên. bữa chiều xuân cuối cùng của mùa xuân này. mát rượi khi gợn sóng trên thảm xanh bay bổng là những áng mây bồng bềnh, có khi làm khuất đi nắng chói. khí xuân vẫn còn đó, khi mà lâu lắm nữa hoa mới tàn, chợ tết mới dọn, và nhà nhà mới ngừng chúc nhau năm mới yên vui. chí thành lại dắt cây đàn ngang lưng, nắm tay chú em ra vườn, mắc võng ngồi đu đưa. ngoài kia vẫn còn rộn ràng lắm, tại chiều xuân cuối chớ có phải tàn xuân đâu. em ngồi với chú, cất lại mấy bài ca thêm lần nữa, mà, chú chả bao giờ ngán ngẩm khi em cứ hát mỗi mấy bài như thế.
tay chú đầy vết chai cứng, bàn tay đã từng ôm nét thân cọ vẽ, từng nắm chắc khẩu súng trong tay; luồn qua tóc em mượt mà. chú suýt xoa em hát hay quá, nhiều năm rồi vẫn vậy. và vội vàng, chú vẽ lại bóng em vào một tờ giấy nhỏ, gói trọn một mùa xuân nho nhỏ vào khuôn giấy ố vàng, dưới nét bút chì đen tựa màu than.
họa sĩ vẽ lại nhạc sĩ, giữa cơn mộng chiều xuân nên thơ. nhạc sĩ ca từng khúc, để họa sĩ lắng nghe trọn từng thanh âm. nắng có thương mà ngả lên màu tóc đôi trẻ, xin cũng hãy giữ mãi màu xanh đấy, để thời gian đừng bao giờ làm lụi đi mối tình, đừng để mộng vàng trôi theo gió chiều, để bóng chú hay em lạc nhau.
cánh mai hoe vàng rơi xuống đỉnh đầu chí thành, em vẫn còn ngẩn ngơ nhìn những tán cây xanh mơn mởn. chú hoàng nhìn em, rồi mân mê gỡ cánh mai xuống. chợt, lại ngẫm nghĩ điều chi đó, tay chú khựng lại.
mai cũng đã bắt đầu rơi, nàng xuân lại sắp sửa kéo lên tà lụa đào đi mất. chú vui xiết bao vì mùa xuân này được về bên em khi hoa mai còn tươi rói. nhưng xuân đi rồi, chú vẫn còn một điều giấu em.
không phải việc có bao nhiêu viên đạn đã thực sự ghim vào người chú, hay ở nơi thành thị xa vời kia chú đã buồn tình biết bao nhiêu. mà là, một điều nào đấy, bén rễ từ những tâm tình nảy nở trong lòng người họa sĩ, men theo con tim như nét màu men theo đường cọ. nở hoa, như cách những đóa hoa nở rộ đầu năm.
"thành. anh có chuyện muốn nói."
chú khều vai em, đanh nét mặt lại nghiêm túc biết mấy. em ngưng đàn, ngưng hát, chỉ dành mọi sự tập trung vào chú mà thôi. chẳng hiểu sao chú lại dòm em như sắp sửa nói ra điều chi to lớn lắm, kinh khủng lắm.
chả lẽ, chú định về quê mỗi những ngày tết, rồi lại bỏ lên sài gòn?
"anh tính lên sài gòn nữa à?"
chí thành lo sợ hỏi, em chả biết là mình đã suy diễn quá nhiều hay chăng, hay là do nhớ chú làm đầu óc em sợ hãi việc chú lại phải đi xa. chú lắc đầu, và bật cười như đang chê trách sự lố lăng nhất thời của em. chí thành chẳng biết nữa, có lẽ là em đoán sai đi, nhưng em vẫn rất lo.
lo lắm chứ.
"anh tính lên sài gòn."
chú hoàng đáp, với nụ cười trên môi, và em hụt hẫng như sa chân vào hố gà, đau điếng người. ít nhất đó là trước khi chú tiếp tục; "nhưng anh chỉ muốn lên trển chơi, anh dắt em theo."
"mắc chi dắt em theo?"
"anh muốn em được dòm thành phố."
"em có thèm thuồng gì cái đó đâu!"
chí thành bĩu môi, em xoay người đi hướng khác. chú lại làm cớ, chú muốn đi sài gòn chớ gì. lần trước chú đi, chú cũng nói dắt em theo, nhưng chú có dắt đâu. rồi chú đi lâu, lâu mà em buồn da buồn diết đó thây.
sao chú mới về, mới ở có một mùa tết mà lại đi rồi? chân chú như thế, chú còn muốn lên trển nữa, mần chi?
"ở trên đó có nhà cao tầng." chú hoàng vuốt tóc em, ôn tồn nói, giọng dịu dàng như cách một chiếc lá rơi xuống thảm cỏ xanh; "có ô tô, có cửa hiệu, có rạp chiếu bóng, có nhà hát nữa em. vui lắm."
"đấu tranh giành lại sài gòn, vì tổ quốc, anh cũng muốn em sau này được dòm thấy thành phố đấy, sau khi không còn bọn tây ở trển nữa."
"anh muốn sau này cưới em, anh dắt em lên trển ở."
tết hết rồi, nên chú bịnh hả? em nhạc sĩ định hỏi thế. mặt em ngơ ngác như vừa nghe chuyện gì đấy liên quan tới toán học. mới phút trước mắt em còn sáng như sao trời, vì những thứ lạ tai mới nghe có trên sài gòn, phút sau em đã chẳng sỏi chú đang nói cái chi cho lắm. cái gì là 'cưới em'? cái gì là 'dắt em lên trển ở'?
"thành, anh thương em."
khi đó, nắng, gió, và hoa, những ngôn từ xuất hiện nhiều nhất trong bức tranh chiều xuân này đã chẳng đủ để bộc lộ những gì đang xảy ra trong tâm em nhạc sĩ nữa. chẳng một từ ngữ nào trong tiếng việt biểu diễn được nội tâm em lúc này ra mần sao. em cảm thấy đầu mình choáng váng, quay cuồng, và ong ong như ai đó vừa ụp nồi lên đầu em rồi gõ mỏ. tim em đập nhanh như tiếng gõ trống múa lân đầu đình, và mặc dầu chả nóng cho lắm, mát là một đằng, nhưng hai bên gò má em đỏ ửng lên.
chú hoàng thương em?
thương, em biết nó đơn thuần chỉ là một cảm giác yêu mến một ai đó. em lớn lên trong vòng tay chú, chả nhẽ chú lại không thương em cho được. nhưng cái thương này, trong đó là những dập dè e ngại từ giọng nói chú, cách chú đan tay vào nhau trong lo lắng và cách chú đợi chờ từ em câu trả lời gì đấy như thể tiếng thương kia là một câu hỏi. chú biết rằng qua vốn ngôn ngữ của một tâm hồn đong đầy âm nhạc và những khúc tình ca, tiếng thương đấy to lớn lắm, to và đủ để ôm lấy trọn một con người, khiến người nọ cảm giác được cỗ ấm áp lạ kì bọc lấy mình, như thể người đem lòng thương yêu kia trao cho mình tất cả mọi điều trên thế gian.
đó là ý chú mà, trên mặt chú viết rành rành ra như thế, em còn chẳng buồn hỏi lại.
"từ khi nào?"
em hỏi, vờ như mình chẳng hề ngạc nhiên mà đang đối mặt với chuyện vốn dĩ nên như thế. theo em mà nói, vốn dĩ chú nên thích em mà. nếu chú thích người khác, nếu chú thương người khác, em sẽ buồn lòng lắm.
"từ lâu rồi."
chú hoàng nói, ánh mắt xa xăm như đang bảo chú đã thương mến em từ ngàn thiên niên kỷ trước. từ thời khai sơn lập địa, từ lúc lông ngỗng trắng còn vương trên nền đất, cho tới lúc bãi cọc nhọn cắm vùi bạch đằng, ha mãi cho đến khi thăng long mọc trên đất đại la, rồi đến tận bây giờ ấy. như là, hơn cả một ngàn mùa xuân rồi.
em biết không tài nào mà lâu đến thế được đâu. chỉ là, nếu tuổi thơ và những hoài niệm nơi em luôn gắn liền với hình bóng của người nào đấy, một người luôn yêu thương em và khiến em muốn yêu thương người ấy, thì người đấy vốn dĩ sẽ trở thành tình yêu của cuộc đời em mà.
khóe mắt chí thành âm ẩm, đến cả sống mũi cũng hơi cay cay. năm em còn bé, chú đi, chú đã mến em nhiều. rồi chú đem theo tình thương đó lên sài gòn, mang ra cả ngoài chiến trận, ôm nó trong mùa xuân đại thắng. cùng với vết thương dần dà lành lại trên cơ thể chú, là nỗi nhung nhớ ngày một thiết tha, cũng tình yêu bén lên theo năm tháng. chú hoàng thương em, chú yêu em, yêu nhiều lắm.
xiết bao nhiêu người thương chú, em biết chớ, chú em đẹp thế mà lại chả. nhưng chú ắt là chối từ cho bằng hết, vì chú chỉ có một tình thơ ở nơi quê nhà còn đang chờ đợi. em biết những điều đó thông qua ánh mắt chú, ánh mắt sâu thẳm như mặt hồ đọng ánh mai.
bốn năm ròng, chú về quê, và khi này thời gian cũng đã đợi chú đủ để cất lời yêu em. vừa hay, còn là vào một buổi chiều xuân phơi phới.
♪ hãy trả lời lòng anh mấy câu
tình duyên với em trong kiếp nào.. ♪
"trả lời anh đi thành."
"trả lời chi?"
"anh thương em."
ngang, mà chẳng phải một câu tỏ tình đàng hoàng thẳng thóm. chí thành để nụ cười rạng rỡ trên môi em thay cho câu trả lời mà chú cần. vừa hay khi đấy không gian tĩnh lặng đến là kì lạ, vọng lại đâu đó duy chỉ có tiếng lá xào xạt và tiếng chim vỗ cánh bay.
như thật tình, trời đất cũng đang ráng mần cho em với chú màn yêu đương hoành tráng vậy.
nhưng sau ngần đó thời gian, không xứng đáng ư?
chú hoàng biết lòng em cũng như thế, cũng yêu chú như một người tình nghìn xuân, qua một ánh mắt bé tẹo. chú chẳng nói gì nữa, lặng thầm vòng tay qua eo chí thành, như thể những cặp đôi yêu nhau khác. chú với em, khác một chút, chưa muốn ôm ấp, hôn hít, hay làm điều chi lãng mạn xà nẹo với nhau cả. chả phải ngồi cạnh nhau thế này, cũng đã đủ lãng mạn rồi chăng?
nhiều khi, cũng chả cần lời nói, hay hành động lắm thứ. chỉ cần ngồi đấy, một góc nhỏ, biết rằng em yêu tôi, và tôi cũng yêu em, thế là đủ. tựa như những đôi tình nhân trong đôi mắt những thi sĩ ấy.
xuân đấy, cũng là một buổi chiều, anh họa sĩ về trong lòng thầm mong nhớ. vẫn lại một buổi chiều khác, khi ngày cuối cùng của tết sắp qua đi, em nhạc sĩ sà vào vòng tay anh, như con thuyền đỗ bến, như cách ai đấy trở về từ một chuyến tàu xa, rồi về bên niềm thân thương quen thuộc, điều đã chờ đợi mình chẳng biết tận bao lâu.
"em sẽ lên sài gòn với anh."
"nhưng ấy, là để một mùa xuân khác đi."
"còn những xuân này, mình thương nhau ở đây là được rồi."
em chắc là, mình sẽ lên sài gòn với chú, nhưng là một mùa xuân khác cơ. khi ấy, không có khói lửa, không có bận bịu học hành, chỉ có chú, rồi có em mà thôi.
những buổi chiều xuân ấy à, tình ái ân như giấc mộng hảo huyền. có những khi mộng tàn theo gót nàng xuân, nhưng cũng có những khi, mộng vàng vẫn là vĩnh hằng, dù có bao nhiêu mùa xuân đi qua đi chăng nữa.
bởi vì chú họa sĩ và em nhạc sĩ, yêu nhau, nhiều đến nỗi mà, xuân có lụi đi cũng sẽ không dứt được.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top