#1 Bức ảnh kì lạ

Tôi đứng lặng trước ngôi nhà lợp ngói đỏ, bờ tường phủ đầy rêu phong như những nét chạm trổ của thời gian. Cánh cổng sắt kẽo kẹt mỗi lần mở ra, âm thanh cũ kỹ vang vọng giữa khoảng trời chiều lặng lẽ, nghe mà nao lòng.

Đây là ngôi nhà của ông bà ngoại - nơi tôi đã sống trọn vẹn những ngày tháng tuổi thơ.

Bước chân khẽ chạm lên thềm gạch cũ, cái lạnh ran của gạch nung như truyền thẳng vào lòng bàn chân, đánh thức những hồi ức đã ngủ quên. Hình ảnh đám trẻ con chạy nhảy trên sân, tiếng bà ngoại cười hiền trong buổi chiều hong tóc tôi, dáng ông ngoại trầm ngâm bên tách trà nóng, kể những câu chuyện về chiến trường... Tất cả hiện về, rõ ràng đến mức tôi tưởng như chỉ cần quay đầu lại, họ vẫn đang ngồi đó, vẫn cười, vẫn nói, như chưa từng có cuộc chia ly nào.

Nhưng giờ đây, khoảng sân trống không. Trên bậu cửa sổ, gió vẫn vờn quanh như thể đang tìm lại một mảnh hồn cũ đã bay xa.

Tôi lặng lẽ đẩy cánh cửa vào nhà.

Căn nhà cũ im lặng đến lạ thường.

Lớp bụi mỏng phủ lên mặt bàn, lên những khung ảnh cũ, lên từng ngóc ngách quen thuộc. Tôi đưa tay vuốt nhẹ, từng hạt bụi nhỏ li ti bay lên trong ánh nắng nhạt xuyên qua khe cửa. Bên ngoài, gió khẽ lay động những tán lá, mang theo mùi hương của đất, của cỏ cây, của một quãng đời tưởng đã xa nhưng vẫn còn đây, mơ hồ mà vương vấn.

Bỗng, một âm thanh vang lên.

Bịch.

Tôi giật mình quay lại.

Trên sàn gỗ, một quyển sổ cũ nằm lặng lẽ.

Nó hẳn đã rơi từ kệ sách xuống, có lẽ vì cơn gió vô tình nào đó hoặc cũng có thể... là vì một sự sắp đặt của định mệnh.

Bìa sổ cũ kỹ, sờn rách, mép giấy quăn lại sau bao năm tháng. Tôi cúi xuống nhặt lên, đầu ngón tay lướt nhẹ trên bìa da đã ngả màu, cảm nhận sự thô ráp của thời gian còn vương lại. Quyển sổ có mùi của giấy cũ, phảng phất đâu đây là hương mực tàu đã phai, là dấu vết của một câu chuyện đã bị chôn giấu trong dĩ vãng.

Tôi lật trang đầu tiên.

Dòng chữ viết tay ngay ngắn hiện ra, dù nét mực đã nhòe theo năm tháng:

Nhật ký chiến trường - Nguyễn Văn Dũng.

Tim tôi khẽ rung lên.

Là ông ngoại.

Là những ký ức của ông, là những câu chuyện tôi từng nghe loáng thoáng qua lời kể ngày xưa, nay hiện lên rõ ràng trên trang giấy này.

Tôi nhẹ nhàng lật giở từng trang. Nét chữ vẫn còn đó, thẳng thớm và cứng cáp như chính con người ông ngoại. Những nét chữ như một dòng hồi tưởng kể về những ngày tháng trên chiến trường, về những người đồng đội, về những trận đánh khốc liệt, về những lần vào sinh ra tử, về những ngày tháng chiến tranh rực lửa mà tôi chỉ được học qua sách vở.

Tôi lật giở từng trang, như thể đang theo bước chân ông trên những chặng đường cũ. Cho đến khi...

Một bức ảnh nhỏ rơi ra khỏi cuốn sổ.

Bức ảnh đã ố vàng, phần giấy sờn rách được ông ngoại tôi cẩn thận ép phẳng phiu trong cuốn nhật kí.

Trong ảnh là hai người: một chàng trai trong bộ quân phục và một cô gái trẻ.

Chàng trai ấy còn rất trẻ, khoác trên mình chiếc áo bộ đội bạc màu, súng trường vắt ngang vai, nụ cười rạng rỡ như ánh nắng rọi qua ngày giông bão. Đôi mắt anh sáng lạ thường, vừa kiên định, vừa dịu dàng. Tôi không biết vì sao mình lại dừng mắt ở đó thật lâu, như thể đôi mắt ấy có một sức hút kỳ lạ, như thể... tôi đã từng nhìn thấy ánh mắt ấy ở đâu đó trong giấc mơ xa xăm nào mà chính tôi cũng không nhớ nổi.

Nhìn kĩ bức ảnh...tôi cảm thấy cô gái đứng cạnh chàng lính đó giống hệt tôi!

Từ mái tóc dài, khuôn mặt, nụ cười...tất cả đều giống tôi như đúc.

Tựa như tôi đã từng đứng đó, giữa một thời đại đã qua, bên cạnh chàng trai ấy.

Đằng sau bức ảnh, tôi loáng thoáng nhìn thấy dòng chữ viết tay ngay ngắn.

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng và vợ.

Vợ!?

Chẳng hiểu sao khi nhìn thấy cái tên đó, tôi bỗng cảm thấy thân quen đến lạ. Cảm giác vừa lạ vừa quen khiến tôi bồi hồi khó chịu, lòng ngổn ngang những cảm xúc phức tạp.

Lật giở lại những trang giấy cũ, tôi cố tìm thêm manh mối về chàng trai kia. Và rồi, giữa những dòng chữ mờ nhoè của năm tháng, cái tên đó lại một lần nữa hiện ra.

"Thắng học giỏi lắm, giỏi nhất trong đám chúng tôi. Trước khi nhập ngũ, cậu ấy là sinh viên đại học Bách Khoa, là niềm ngưỡng mộ của biết bao người. Thắng luôn nói với chúng tôi, khi nào chiến tranh kết thúc, cậu ấy sẽ tiếp tục đi học, sẽ trở thành một kĩ sư để xây dựng đất nước..."

Những dòng chữ tiếp theo đã nhoè, chỉ còn lại một câu ngắn ngủi đọng lại nơi trang giấy cuối.

"6/9/1972 Nguyễn Đức Thắng hi sinh...hưởng dương 23 tuổi."

Hi sinh!?

Đọc đến đây, trái tim tôi như thắt lại, cảm giác đau đớn đó khiến tôi đột nhiên bật khóc. Chẳng hiểu sao, tôi lại đau lòng đến thế...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top