moitruong

Đề bài: Trình bày nhận thức về môi trường sinh thái thế giới và nêu lên những giải pháp

nước ta cần thực hiện để bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH HĐH

Đặt vấn đề: Chúng ta có thể khái niệm một cách chung nhất rằng môi trường sinh thái mà trung tâm là môi trường sống của con người, đó là môi trường tự nhiên –xã hội mà trong đó có bốn yêu tố cơ bản đó là : môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước và môi trường sinh học, trong đó môi trường sinh học tồn tại sự sống. Môi trường sống bao gồm các yếu tố về tự nhiên, vật chất, xã hội có liên quan mật thiết với nhau, bao quanh con người chúng ta và ảnh hưởng đến đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên .  

 Môi trường sinh thái là một trong những vấn đề toàn cầu của thế giới hiện nay; tác động của nó liên quan đến mọi quốc gia, dân tộc; để giải quyết nó đòi hỏi phải có sự hợp tác của toàn nhân loại. Nhận thức đúng thực trạng  môi trường và có giải pháp hợp lý sẽ giúp chúng ta bảo vệ môi trường thế giới ngày càng xanh, sạch đẹp.

Ô nhiễm môi trường là những biến đổi có hại xung quanh con người và làm thay đổi tính chất môi trường, vi phạm các tiêu chuẩn môi trường tới mức gây hại sinh vật sống nói chung cho sức khỏe con người nói riêng.

Bảo vệ môi trường sống là khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh giữa con người và thế giới tự nhiên làm cho quan hệ đó trở nên hài hoà với nhau.      

Thực trạng môi trường sinh thái thế giới hiện nay là: Môi trường sinh thái thế giới đang cạn kiệt, suy thoái  và ô nhiễm nặng nề.

* Môi trường sinh thái thế giới cạn kiệt suy thóai được thể hiện ở các dấu hiệu sau đây:

- Nguồn nước ngọt sạch cạn kiệt, độ sâu nước ngầm ngày càng tăng, nước sạch ngày càng khan hiếm. Nước ngọt trên thế giới hiện chỉ chiếm 2,53%, lại chủ yếu đang ở dạng đóng băng. 43 quốc gia hiện đang thiếu nước nghiêm trọng. Ở Cô Oét, một lít nước ngọt có giá bằng hai lít dầu lửa.

- Tài nguyên khoáng sản bị khai thác một cách lãng phí dẫn đến cạn kiệt. Tài nguyên biển bị đe dọa nghiêm trọng. Có 15 ngư trường lớn trên thế giới bị con người đánh bắt đến giới hạn không thể đánh bắt được nữa.  Nhiều vùng đất ngập nước cùng với  nhiều kiểu hệ sinh thái biển, ven biển  đang bị biến đổi nhanh chóng. Áp lực kinh tế hiện nay đã biến rừng ngập mặn thành đất canh tác, nuôi trồng thủy sản. Nghề đánh cá ven bờ thì  khai thác quá mức, phương pháp đánh bắt có tính hủy diệt. Mặt khác, việc sinh sống của cư dân tập trung phần lớn ở vùng ven biển cộng với việc sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp đều tập trung ở vùng này nên tình trạng ô nhiễm công nghiệp và đô thị cùng nhiều hình thức phát triển khác trong vùng lưu vực sông lại càng đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên vùng viển và ven biển. Theo số liệu thống kê của tạp chí môi trường số 11/2004 cho thấy :

     + Tám mươi phần trăm ô nhiễm ở biển và đại dương là do các hoạt động từ đất liền

     + Mỗi năm chất thải nhựa tổng hợp đã giết chết khoảng 1 triệu con chim biển, 100.000 động vật có vú ở biển và nhiều loài cá biển khác

     + Các rạn san hô nhiệt đới nằm gần với bờ biển của 109 nước, phần lớn là các nước kém phát triển bị ảnh hưởng. Suy thoái các rạn san hô quan trọng đã xuất hiện ở 93 nước.

     + Quần thể các loài cá lớn có tính thương mại cao như cá ngừ, cá tuyết, cá kiếm, cá cờ đã giảm tới gần 90% trong thế kỷ qua….

Vấn đề Dầu mỏ đang là điểm nóng của thế giới; giá dầu mỏ liên tục tăng và chưa có dấu hiệu chững lại.

- Đất đai bị xói mòn, độ phì cuả đất giảm do mất đi lớp phủ thực vật; hiện tượng sa mạc hoá tăng, đất bạc màu tăng. Độ che phủ giảm từ đó đã dẫn tới một vấn đề khác là suy thoái đất và đó cũng là một vấn đề nan giải lớn ở tất cả các nước thuộc Nam Á. Tình trạng hoang mạc hoá đã làm cho Mông cổ và Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái đất và mất lớp đất mặt, gây ra những tác động xấu tới đất trồng và đe doạ an ninh lương thực. Sa mạc hóa đang diễn ra ở hơn 100 quốc gia

- Khí hậu trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính gây hậu quả xấu cho hệ sinh thái nói chung và mùa màng nói riêng. Như báo cáo của cơ quan môi trường châu Âu (EEA) đã công bố (8/2004): những năm 1990 là thập kỷ nóng nhất và có ba năm nóng kỷ lục là các năm 1998, 2002 và 2003 diễn ra trong vòng 6 năm qua. Tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay là gần 0,200C/ thập kỷ. Còn Báo cáo đánh giá đa quốc gia về tác động khí hậu ở Bắc cực (ACIA) gần đây đã kết luận, trong 50 năm qua, Alaska, phía tây Canađa, và miền đông nước Nga, nhiệt độ trung bình đã tăng từ 3 – 40C. Mức tăng này gần gấp hai lần mức trung bình toàn cầu. Ở Barrow, Alaska (thành phố ở cực bắc của Hoa Kỳ), nhiệt độ trung bình tăng từ 2,5 đến 30C trong vòng 30 năm và Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 1,6 đến 5,50C vào cuối thập kỷ.

- Nhiều loại động thực vật đã biến mất, nhiều loại sinh vật đã được ghi vào sách đỏ thế giới.

- Rừng bị tàn phá nhanh, nhất là rừng nhiệt đới đã làm cho sự đa dạng sinh học suy giảm, nhiều nguồn gien quý hiếm không còn. Mỗi năm con người chặt phá 11 đến 17 triệu ha rừng. Con người hiện chỉ quản lý được 5% diện tích rừng. ½ diện tích rừng có nguy cơ bị tàn phá dẫn tới sa mạc hóa.

* Môi trường sinh thái bị ô nhiễm được thể hiện ở chỗ:

- Ô nhiễm nguồn nước: do con người sử dụng bừa bãi, thiếu tính toán nên nguồn nước sạch không chỉ bị cạn kiệt mà còn bị ô nhiễm nặng. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp không được xử lý hoặc xử lý chưa thoả đáng đã làm cho nguồn nước sạch bị ô nhiễm rất lớn.

- Ô nhiễm không khí: Hàng năm, bằng các hoạt động của mình con người đã thải vào khí quyển hàng tỉ tấn khí độc, bụi các loại. Những đám cháy rừng cùng với sự khai thác bừa bãi là một nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí xuyên biên giới, . 

Với tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng mạnh, nếu con người không có những biện pháp chống ô nhiễm thì bầu khí quyển sẽ bị ô nhiễm nặng.

Nguyên nhân làm cho môi trường sinh thái thế giới suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm là do:

- Sự gia tăng dân số quá cao. Dân số đông đã buộc con người khai thác tài nguyên (rừng, khoáng sản, tài nguyên biển) một cách thiếu khoa học, phung phí.

- Nhận thức không đúng của con người về tài nguyên, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên dẫn đến thái độ và hành vi ứng xử sai lầm như:

+ Thế giới có nguồn tài nguyên vô tận, cho phép con người sử dụng, không cần phải để dành cho các thế hệ mai sau.

+Tự nhiên là một cái gì đó bị chế ngự. Công nghệ trở thành công cụ để con người chinh phục tự nhiên. Thế nhưng chính điều này lại mâu thuẫn với sự phát triển bền vững, vì phát triển bền vững không có nghĩa là con người phải chế ngự tự nhiên mà phải tôn trọng sự tồn tại và phát triển của tự nhiên như là một tất yếu.

 +Thái độ bàng quan với môi trường tài nguyên, thờ ơ đối với các quá trình diễn biến xã hội, coi sự giới hạn của tài nguyên và sự ô nhiễm môi trường như là một vấn đề đối với người khác chứ không phải của mình.

 +Hành vi ứng xử tự cho mình là trung tâm. Hậu quả của triết lý "bản thân mình là trung tâm" sẽ đi đến một cuộc sống có nguy cơ ô nhiễm môi trường toàn cầu.

  +Ngược lại với quan điểm "cá nhân là trung tâm", không ít người cho rằng, vai trò của cá nhân mình quá nhỏ bé. Thực ra, rắc rối bắt đầu từ đây. Bởi vì, hơn 6 tỉ người trên thế giới này đều suy nghĩ như vậy, hoạt động của họ đã tạo ra ô nhiễm môi trường khắp nước và toàn cầu, rồi chúng ta sẽ tự hủy diệt mình.

 +Con người hiện nay đã quá lạm dụng kỹ thuật. Nhiều vấn đề của ngày hôm nay là kết quả của sự phát triển và áp dụng công nghệ một cách thiếu suy nghĩ, từ "chủ nghĩa lạc quan kỹ thuật" về khả năng của công nghệ để giải quyết các vấn đề. Điều này đang xảy ra khắp mọi nơi. Thí dụ như: Trong nỗ lực làm giảm sự hủy diệt lớp ô-dôn ở tầng bình lưu, DuPont và các công ty khác tìm kiếm sự thay thế chất Chlorofluorocarbons, chất thay thế như là một giải pháp về mặt kỹ thuật, chất HCFC- 22, nó làm giảm 20 lần so với mức độ tàn phá của chất CFCs. Nhưng một cuộc kiểm tra gần đây cho thấy chất này cũng lại là loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Điều tệ hại hơn, HCFC lại có tác hại làm nóng bầu khí quyển hơn chất carbon dioxyde. Hay nói cách khác, việc cố gắng giải quyết bằng kỹ thuật này, chúng có thể tạo ra vấn đề khác tồi tệ hơn.

- Các chất thải độc hại trong công nghiệp, trong sinh hoạt không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình, quy phạm trước khi thải vào môi trường.

- Do chiến tranh, đặc biệt chiến tranh huỷ diệt, sử dụng vũ khí hạt nhân, hoá học, sinh học…

Thực trạng môi trường sinh thái hiện nay đang đe dọa cuộc sống nhân loại, đòi hỏi cả nhân loại phải quan tâm. Để bảo vệ môi trường sinh thái trong thời kỳ CNH, HĐH, nước ta cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây (theo Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 cuả Bộ Chính trị):

- Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.

Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục Quốc gia.

Tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản bảo vệ môi trường.

Động viên, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường như  Phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, Vườn - Ao - Chuồng (VAC), Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR), Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trướng, gia đình văn hoá vệ sinh tốt…

- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản Pháp luật Bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm chình thi hành Luật bảo vệ môi trường.

Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật đảm bảo nâng cao hiệu lực của luật.

Ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích áp dụng các công nghệ sạch.

Thể chế hoá việc đóng góp chi phí bảo vệ môi trường.

Thể chế hoá việc phối hợp giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường: Trong các kế hoạch phát triển kinh tế – XH phải có các chỉ tiêu, biện pháp bảo vệ môi trường. Tính toán hiệu quả kinh tế, so sánh các phương án, phải tính toán cả chi phí về bảo vệ môi trường.

- Chủ động phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường.

Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của  luật bảo vệ môi trường về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc xét duyệt cấp phép các quy hoạch, các dự án đầu tư. Nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường không được chấp nhận thì không cho thực hiện các quy hoạch dự án này.

Đối với các cơ sở SXKD đang hoạt động, cơ sở nào gây ô nhiễm quá mức cho phép thì phải quy định thời gian xử lý, cơ sở nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc di chuyển địa điểm.

Áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng.

Các đô thị, các khu công nghiệp phài sớm có và thực hiện tốt phương án xử lý chất thải; ưu tiên xử lý chất thải độc hại, chất thải bệnh viện.

- Khai thác sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn thiên nhiên.

Nghiên cứu, sử dụng các nguồn năng lượng, vật liêu mới.

- Áp dụng các biện pháp kinh tế và pháp luật cần thiết tăng nhanh tỉ lệ che phủ rừng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn động thực vật hoang dã, các vườn Quốc gia bảo vệ đa dạng sinh học.

Nhanh chóng chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gayâ lãng phí tài nguyên, huỷ hoại rừng, suy thoaí đất và ô nhiễm môi trường.

Chấm dứt ngay việc sử dụng các biện pháp có tính huỷ diệt (như điện, xung điện, chất nổ, chất đốt…) để khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản.

Tăng cường các biện pháp quản lý và đối phó với nguy cơ thiếu nước.

- Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường .

Có chính sách và cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực từ các ngành, các thành phần kinh tế và của người dân để bảo vệ môi trường.

Khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho bảo vệ môi trường của VN.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến điạ phương.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, đánh giá và dự báo diễn biến môi trường của cả nước.

Hình thành hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường.

Tổ chức hệ thống đào tạo cán bộ, chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường.

Chú trọng hình thành và phát triển ngành công nghệ môi trường phù hợp với điều kliện nước ta.

- Có biện pháp tái tạo khi khai thác tài nguyên thông qua các công cụ tài chính.

- Đảm bảo phát triển gia tăng dân số hợp lý, gắn cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình với bảo vệ môi trường sống.

- Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường.

Tham gia các chương trình hợp tác có mục tiêu để giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ môi trường chung với các quốc gia có liên quan.

 Kết luận: Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và gương mẫu, tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động lãnh đạo quần chúng bảo vệ môi trường. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: