Chương 25: Tâm tư của Hà Anh Thảo

Chào các bạn! Tôi là Thảo. Họ tên đầy đủ là Hà Anh Thảo.

Nhìn chung, con người tôi vốn đơn giản, cho nên cuộc đời cũng khá là đơn giản. Dữ liệu lưu trữ ở trí nhớ tôi bắt đầu hình thành từ năm tôi lên năm. Khi ấy thế giới của tôi đã luôn xoay quanh hai anh em Kiều Anh Tuấn và Kiều Như Hoài. 

Vì sao lại nói như vậy?

Khi tôi bắt đầu lên năm, ba mẹ ngày càng trở nên bận rộn hơn. Tôi chỉ có thể nhìn thấy họ vào khoảng thời gian buổi sáng sớm hay là lúc chiều tối. Tính luôn cả ngày thì thời gian của tôi bên ba mẹ chỉ khoảng từ ba đến bốn tiếng. Mẹ không gửi tôi vào nhà trẻ, thay vào đó mẹ gửi tôi vào nhà cô bạn thân của mẹ. Và ở đó tôi chơi với Hoài, đơn giản vì tôi chỉ có thể chơi với bạn ấy.

Nhưng có lẽ Hoài không thích tôi. Hoài không nói gì với tôi cả. Hoài suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào mấy quyển sách mà không thèm đoái hoài gì đến tôi. 

Tôi không biết vì sao, nhưng tôi ghét việc sự tồn tại của mình bị lơ đi. Và điều này khiến tôi nổi điên với Hoài.

Có một lần tôi bực vì Hoài không chú ý tới mình. Vì thế mà tôi chạy lại giật quyển sách Hoài đọc mà quăng đi, Hoài cầm quyển nào, tôi quăng quyển ấy. Đến khi tất cả các quyển sách bị ném đi hết thì Hoài mới chú ý đến tôi. Hoài nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe, Hoài không khóc, chỉ lầm lũi nhìn tôi như thế rồi đứng lên nhặt lại mấy quyển sách mà tôi quăng đi. Sau đó, bỏ lại tôi như cách ba mẹ làm khi để tôi một mình trong căn phòng mà chẳng có ai chơi cùng.

Kể từ ngày hôm đó, mỗi lần tôi qua nhà, Hoài đều nhốt mình trong phòng. Ngay cả mẹ Hoài có gọi thế nào thì Hoài cũng không ra. Có lẽ Hoài đã ghét tôi thật rồi.

Buồn quá. Thế thì không ai chơi với tôi nữa rồi.

Hoài có một người anh trai. Anh tên là Tuấn. Anh Tuấn thích xem phim chưởng, nhưng tôi thì không. Tôi thích xem phim búp bê. Nhưng vì chỉ có mỗi anh Tuấn là chịu ngồi gần tôi, nên tôi phải chịu khó ngồi xem phim với anh.

Anh Tuấn thường mở phim vào buổi trưa lúc đi học về. Ngày nào anh ấy cũng mở xem. Và mỗi lần như thế, tôi đều ngồi xem chung với anh. Cả một buổi sáng, tôi chỉ mong chờ tới lúc này. Mặc dù anh Tuấn cũng không nói chuyện với tôi giống như Hoài, nhưng tôi vẫn thích anh ấy hơn Hoài. 

Vào một buổi trưa tôi đang xem phim với anh Tuấn. Hoài tiến lại chúng tôi với gương mặt lầm lì. Hoài tự nhiên ngồi vào lòng anh Tuấn và cảm nhận những cái xoa đầu từ anh. Rồi Hoài nhõng nhẽo anh Tuấn muốn xem phim búp bê. Và anh Tuấn lại mở phim búp bê cho Hoài xem. 

Tôi chỉ biết yên lặng nhìn Hoài mà ghen tị. Có anh trai sướng thật. Ước gì mình cũng có anh trai. Mới nghĩ tới đó mà mũi tôi đã bắt đầu cay cay.

Nếu có anh trai thì mình chẳng phải sang đây. 

Nếu có anh trai thì mình sẽ có người chơi cùng.

Nếu có anh trai thì mình sẽ có người mở phim búp bê cho xem.

Nếu có anh trai thì mình...

Tôi òa lên khóc nức nở. Tại sao lại không có anh trai? Tại sao lại không có ai cả?

Tôi khóc thật to, thật lớn. Buồn quá đi, buồn quá.

Giữa cơn buồn tủi đang dâng trào, đột nhiên tôi cảm nhận được từng nhịp vuốt đầu nhè nhẹ, từng cái xoa lưng đầy dịu dàng. Tôi tèm nhem mở mắt ra và ngay tức khắc khoảnh khắc trước mặt khiến đôi mắt tôi dịu lại. Bên phải tôi, anh Tuấn vẫn đều đều dùng bàn tay ấm áp của mình vuốt nhẹ đầu tôi. Bên còn lại, Hoài xoa lưng tôi với bàn tay bé nhỏ. Hoài lau nước mắt tôi, dỗ dành tôi đừng khóc.

"Thảo thích xem phim gì? Anh mở Thảo xem nhá!"

Tôi lấy tay mình dụi mắt rồi mếu máo mà nói: "Em muốn xem búp bê."

Anh Tuấn nghe xong liền đi tới với cái điều khiển mở phim. Hoài đột nhiên chạy đi đâu đó và một lúc sau quay lại với hộp sữa trên tay. Hoài cắm ống hút và đưa sang tôi.

"Thảo uống."

Tôi nhận lấy hộp sữa, sụt sịt lau nước mũi rồi uống. Hộp sữa ngày hôm đó cứ như là cái máy bơm năng lượng đặc biệt. Chỉ cần một lượng nhiên liệu đó thôi mà tôi lại thấy tràn đầy sức sống trở lại. 

Hôm đó, cuối cùng tôi cũng được xem phim búp bê. Vui quá!

Chúng tôi cứ thế mà lớn lên cùng nhau. Tôi dần thích khoảng thời gian ở bên Hoài và anh Tuấn hơn cả ở với ba mẹ. Vì vậy mà tôi cho phép mình lãng quên đi ba mẹ. Tôi tăng thêm thời gian ở cùng Hoài và anh Tuấn, và cũng đồng nghĩa với việc tôi giảm đi thời gian ở cùng với ba mẹ. Tôi cứ thế mà vô tư rút ngắn đi thời gian dành cho hai người yêu thương tôi. 

Và rồi, thời gian ở cùng ba cũng đã chính thức cạn kiệt.

***

Đó là một ngày hè nóng như đổ lửa. Ngày mà cái nắng tàn nhẫn thiu đốt đi trái tim của mẹ. 

Ba tôi xa rời nhân thế trong một vụ tai nạn giao thông. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng hét của mẹ trước cửa phòng cấp cứu, khi ông bác sĩ già xuất hiện cùng cái lắc đầu đầy nặng nề. Câu nói xin lỗi mà ông ấy bật ra thành công giết đi người mẹ đáng thương của tôi. 

Mẹ hét lên như điên dại. Gương mặt đau đớn nhèo nhoẹt nước mắt khắc sâu vào tâm trí tôi ngày ấy. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ mất kiểm soát như vậy. Và tôi khóc, tôi thả những cơn hoảng loạn của mình vào trong tiếng khóc. Trước cửa phòng cấp cứu, tôi hòa cùng mẹ làm ồn cái không gian đầy tàn nhẫn này.

Sự việc xảy ra ngày hôm đó vượt khỏi giới hạn sự hiểu biết của tôi. Tôi còn quá nhỏ để hiểu về cái chết. Tôi còn quá nhỏ để hiểu được cảm giác của mẹ. 

Tôi còn quá nhỏ để nhận ra rằng, mẹ khi ấy đã chết đi một nửa linh hồn.

Cái nức nở mà tôi hòa cùng mẹ trước của phòng cấp cứu không phải vì ba, mà là vì mẹ.

Ba cứ thế rời đi mà không cho mẹ thời gian kịp chuẩn bị. Mẹ sống như người mất hồn. Mẹ không ăn, không uống. Mẹ không nói chuyện với ai cả, bao gồm cả tôi. Mẹ thu mình trong căn phòng, ngày qua ngày nhấm nháp từng kỷ niệm xưa cũ. 

Mỗi lần nhìn mẹ như thế tim tôi như thắt lại. Tôi không hiểu vì sao mẹ lại thành như thế, và tôi nghĩ, có phải mẹ như vậy là do tôi gây ra lỗi gì hay không. Tôi không biết phải làm sao cả. Những lúc thấy mẹ như thế, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Tôi ghét mẹ như thế này!

Đó là khoảng thời gian kinh khủng đối với con nhóc chỉ mới bảy tuổi đầu như tôi.

Mẹ mất hơn năm tháng để phục hồi lại. Tôi không biết mẹ có thực sự đã ổn chưa, nhưng nhìn thấy mẹ tươi cười và ôm chặt tôi vào trong lòng, cảm xúc bên trong tôi lại nổi bùng lên, ẩn hiện ngay trong tiếng khóc vỡ òa của tôi. Tôi trách mẹ vì sao lại vô tâm với tôi trong khoảng thời gian dài như vậy. Rồi tôi lại xin lỗi mẹ vì đã làm mẹ giận trong khoảng thời gian dài như vậy. Hai mẹ con chúng tôi cứ ôm nhau mà khóc.

Trong khoảng thời gian mẹ mất tinh thần. Thì mẹ của Hoài - cô Thương đã giúp đỡ mẹ cũng như giúp đỡ tôi rất nhiều. Một tay cô chăm sóc, vực dậy tinh thần mẹ. Ở thời điểm đó, có lẽ chỉ có cô Thương mới có thể đánh thức được mẹ. Vì điều đó mà tôi biết ơn cô rất nhiều. Tôi xem cô như người mẹ thứ hai của mình, và xem gia đình cô như gia đình thứ hai của mình.

Sau vụ việc đó, mẹ và tôi có nhiều thời gian bên cạnh nhau hơn. Mẹ bắt đầu đi làm trở lại, nhưng khối lượng công việc đã giảm đi ít nhiều. 

Tôi vẫn dành thời gian ở cùng Hoài. Dù thế, thời gian ở cùng mẹ bây giờ đã nhiều hơn trước. Tôi không dám rút ngắn thêm thời gian như thế bao giờ nữa. Trong thâm tâm tôi lúc đó vẫn còn sợ rằng mẹ sẽ giống ba mà bỏ tôi đi.

Tôi với mẹ bắt đầu cuộc sống với chỉ hai người. Dù mẹ đã giảm bớt khối lượng công việc thì mẹ vẫn ở lại công ty đầy đủ 8 tiếng. Nhưng bù lại, thời gian buổi tối mẹ khá rỗi rãi, đủ để dành cho hai mẹ con đi chơi đâu đó.

***

Và thế, ngày qua ngày. Tôi lên lớp 8. 

Hoài tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh. Hoài trước giờ vẫn thế. Hoài sống với một nhịp điệu luôn được kiểm soát. Hoài vẫn kiệm lời và ngại người lạ. 

Tôi thì khác Hoài hoàn toàn. Mối quan hệ của tôi rất rộng. Thật ra chỉ có mỗi Hoài thôi thì không đủ cho tôi. Tôi muốn khi mình quay sang hướng nào thì vẫn có người nhìn mình. Tôi muốn được nhận sự quan tâm nhiều nhất có thể. 

Tôi và Hoài không chỉ khác nhau mỗi điểm đó, mà còn khau nhau về việc biểu lộ cảm xúc. Tôi không phải con nhỏ thích che giấu cảm xúc trong lòng. Việc giằng nén lại cảm xúc bên trong đối với tôi không khác nào hình phạt hành hạ tinh thần. Tôi không thể làm như thế được. Nhưng bạn tôi thì có thể.

Hoài vốn lầm lì, nhưng khi vào đội tuyển Anh lại càng lầm lì hơn. Tôi không để ý nhiều cho đến khi qua nhà mượn vở Hoài và nhìn thấy những quyển vở bị xé rát nát, nguệch ngoạc những nét vẽ, nét chữ gớm ghiếc. 

Tôi đã phải làm um sùm lên, đòi nhảy xuống mét cô Thương với chú Thưởng thì Hoài mới chịu kể.

Nghe Hoài kể về việc bị mấy đứa trong đổi tuyển bắt nạt mà tôi điên người lên. Và tôi càng điên hơn khi thấy Hoài vẫn không có ý định báo cáo lại chuyện này cho phía nhà trường. Hoài đối mặt chuyện này với một thái độ khá là dửng dưng. Phải mất một lúc suy nghĩ tôi mới nhận ra, Hoài không nói ra không phải vì sợ, mà là Hoài không muốn chuyện này tác động quá nhiều tới cuộc sống Hoài. Hoài không phải đang chịu đựng mà chỉ đơn giản là muốn lơ đi. Hoài để mấy đứa kia thỏa sức xé vở, phá hỏng tất cả tài liệu và đồ dùng học tập. Đơn giản vì những thứ bị phá hỏng đấy Hoài có thể dễ dàng mua mới lại. Cách suy nghĩ đó của Hoài là tôi ghét đến điên người. Và Hoài nhịn được, không đồng nghĩa với việc tôi cũng nhịn được.

Đụng tới bạn của tôi thì mấy đứa đó xác định rồi. 

Hôm sau, tôi mang những quyển vở, những đồ dùng bị hư hại đi thẳng tới phòng đội tuyển đang học ném thẳng vào mặt mấy đứa trong đó. Trước khi làm việc này thì tôi có trau chuốt lại ngoại hình chút đỉnh, làm theo kiểu ngầu lòi đồ đó. Đối mặt với mấy đứa bắt nạt này, tôi phải dạy cho chúng nó một trận ra trò. Hồi đó cũng thời trẻ trâu, máu liều nhiều mà. Quan tâm gì tới hệ quả, cứ thế không thèm nể mặt ai mà quát tháo um sùm cả lên.

"Mấy đứa kia! Chúng mày dám làm hỏng thêm một quyển vở hay một cây bút của con Hoài nữa thử xem. Tụi bây có tin tao cho chúng mày người không ra người, ngợm không ngợm luôn không? Hoài có thể hiền nhưng con điên này thì không đâu nhá! Thấy gì trên kia không? Tao mà khùng lên, tao đem mấy quyển vở này lên thầy cô kêu xét lại camera thì chúng mày no đòn. Khỏi học sinh giỏi, khỏi đi thi gì hết. Tao cho chúng mày bị đuổi học hết! Tao cảnh cáo thêm một lần nữa. Khi nào mà tao thấy Hoài hay những thứ gì liên quan tới Hoài sứt hỏng một miếng là tao cho bay đi một lũ luôn. Hiểu không???"

Nguyên một lũ con ngoan trò giỏi xanh lét hết mặt mày. Xời, cái lũ con nít ranh! Đít còn đỏ hỏn mà bày đặt đóng vai kẻ bắt nạt. Chị mày xử hết chúng mày!

Hoài lúc đó nhìn tôi kiểu ngưỡng mộ lắm.

Nhưng chỉ hùng hổ vậy thôi. Đến lúc la hét xong, kênh kiệu khoanh tay rồi banh mắt to nhìn mấy đứa nó, tim tôi lại run lên vài nhịp bất an. Lỡ đâu chúng nó không chịu thua, đứng lên hội đồng lại tôi với Hoài thì có mà chết. Hai đứa chúng tôi nhìn như hai con cá mắm, chúng nó mà nhào vô thì chỉ biết vẫy cờ trắng thôi.

Mà may sao lúc đó trang bị về ngoại hình của tôi đã làm cho chúng nó áp lực. Một hồi sau thì thấy thỏ thẻ mở miệng xin lỗi. Tôi vờ bình tĩnh, làm kiểu như đang hài lòng, gật gật đầu một hồi rồi cũng chuồn mất.

Kế hoạch thành công!

Vài ngày sau, Hoài xin rút ra khỏi đội tuyển, lấy lý do không theo kịp. Dù gì, Hoài không bị mấy đứa kia làm khó dễ nữa thì vui rồi. Quan trọng là Hoài rời đội tuyển thì thời gian dành cho tôi cũng nhiều hơn trước. Cái này thì tôi đặc biệt vui. 

Tôi không hiểu sao mấy đứa học sinh cứ thích đâm đầu vào mấy cái đội tuyển học sinh giỏi như thế. Chúng nó không vui vẻ khi làm học sinh bình thường sao?

Sau ngày Hoài rời đội tuyển thì tôi và Hoài đặc biệt dính nhau. Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ là Hoài quấn tôi, nhưng thật ra không phải như vậy, là tôi quấn Hoài mới đúng.

Tôi quấn Hoài từ cấp 1, cấp 2 và lên đến cấp 3. Tới cái này không thể nói là tôi quấn. Vì chỉ có mỗi cái trường cấp 3 này là tôi đủ sức thi vào thôi. Ở thị trấn chúng tôi có hai trường cấp 3, vì thế sự lựa chọn của chúng tôi chỉ có thế. Còn hai trường cấp 3 khác nữa, nhưng nó không ở thị trấn này mà xa xa trên kia, do thế mà tôi đã loại đi hai trường đó mà chọn một trong hai trường ở thị trấn. 

Hoài ban đầu được chú Thưởng định hướng cho vào trường chuyên trên Tỉnh, vì chú cũng là giáo viên dạy ở đó. Nhưng vì Hoài không muốn nên thôi cho Hoài học chung trường với tôi. Với lại anh Tuấn cũng học ở đây, có anh có em thì cũng vui. Tôi nghĩ Hoài không thi chuyên vì mấy đứa trong đội tuyển, vì mấy đứa nó đều thi trường chuyên hết. Nhưng mà biết đâu, Hoài thi vào trường này là vì thích học chung với cô bạn đáng yêu là tôi đây thì sao.

Tôi không biết là vì gì nhưng chung quy thì tôi với Hoài được học cùng nhau tiếp. Đáng tiếc là không cùng lớp thôi.

Khi bước vào ngôi trường này, tôi luôn mơ mộng mình có thể tạo được một màu sắc tuổi trẻ thật bùng cháy ở đây. Vì thế mà vừa vào trường tôi đã lật đật tìm kiếm và tham gia vào Đoàn. 

À, quên giới thiệu với các bạn một người. Cao Hoàng Nam, chí cốt của tôi.

Tôi với Nam ban đầu là bạn qua game. Tôi ngoài là một học sinh trung học bình thường, thì còn là một tay đua thứ thiệt. Tôi với nó biết nhau trong một lần ghép đội để đua xe. Đua nhiều, thấy hợp cạ nhắn tin rồi quen biết luôn tới giờ. Thằng chả không chỉ hợp cạ trên game mà còn hợp cạ với tôi ngoài đời. Mặc dù, đôi lúc có hơi phiền khi trêu chọc chiều cao của tôi.

Khi biết thằng Nam học chung trường, mà còn lại chung lớp với Hoài thì tôi đã thấy mờ mờ sợi dây liên kết của nó với tôi rồi. 

Vào trường chưa hết học kỳ mà đi đâu tôi cũng đụng mặt người quen. Dù mối quan hệ không rộng rãi như ở cấp 2, nhưng nhìn chung cũng được xem là nhiều. 

Anh Tuấn cũng học ở đây mà, tôi vẫn đụng mặt anh suốt.

"Trưa qua nhà anh ăn cơm."

Cứ mỗi lần đụng phải mặt tôi thì anh lại nói câu đó. Câu nói đó, hai anh em nhà Kiều cứ nói với tôi riết. Hôm nay anh nói, thì hôm sau em nói. Đấy nhé! Không phải tôi mặt dày ăn trực gì đâu. Do có người rủ đấy. Hì, có người ăn cùng vẫn tốt hơn là ăn một mình mà.

"Thảo, em biết nick Facebook của người ta không? Cho chị với."

Với những câu hỏi mang tính tìm hiểu thông tin về anh em nhà Kiều, câu trả lời chỉ là cái lắc đầu. Hai anh em họ có sở thích là sống ẩn mà. Mà cái nick Facebook như acc clone, vào đó cũng có gì để xem đâu.

Như đã nói ở trên là tôi có rất nhiều bạn, nhưng phiền một nỗi là tôi hay thấy cô đơn. Tôi chơi với nhiều người, nhưng vẫn thích ở với Hoài nhất. 

Tôi hay tạo ra nhiều cuộc chơi cùng bạn bè và những cuộc vui đó tôi đều háo hức và vui vẻ. Tiếc là trạng thái vui vẻ của tôi không thể kéo lâu, chỉ chừng nửa hiệp là tôi bắt đầu thấy chán và muốn rời khỏi rồi. Nghe có chút mất nết, nhưng thật sự là như thế. Và thông thường những cuộc vui với tôi sẽ kết thúc khá sớm.

Tôi thường hẹn họ vào buổi tối, đặc biệt là tối thứ Bảy. Vì tôi nghĩ tối thứ Bảy sẽ kích thích cơn thèm chơi của tôi. Nhưng không, đâu rồi cũng vào đấy. Tôi chán nản và quay về với Hoài. 

Cứ lặp đi lặp lại như thế. Mỗi tối thứ Bảy tôi đi chơi đến lúc chán thì quay về với Hoài. Bên Hoài đôi lúc cũng có hơi vô vị. Nhưng kỳ lạ một chỗ là tôi lại không thấy chán. Hoài là điều gì đó ngăn được cơn chán nản của tôi, cũng như là điều gì đó có thể lấp đi nỗi trống rỗng trong tôi.

Rồi một hôm, tôi qua Hoài và Hoài không có ở nhà. Tôi gọi điện và biết được Hoài đang đi chơi với cậu bạn mới thân là Toàn. Hoài ít khi rời nhà vào buổi tối lắm, nhất là khi đi cùng con trai và còn là thằng con trai mới quen nữa. Tôi hơi bất ngờ đấy! Thằng Toàn xem bộ sức hút của nó cũng ngang ngửa tôi rồi.

Thế là tôi đành cúp máy và lặng lẽ đi về thôi. Nhưng chân tôi chưa bước ra khỏi nhà thì một tiếng động lớn phát ra từ trong phòng cô Thương và chú Thưởng. Tim tôi thót lên. 

Tôi ngập ngừng, lê từng bước lại gần. Cửa chỉ khép nhẹ, dù vậy tôi vẫn không dám đẩy cửa vào.

"Cô Thương?" tôi nói, "Chú Thưởng?"

Vẫn không ai trả lời. Chắc không gì đâu nhỉ. Tôi quay người chuẩn bị rời đi thì là Rầm thêm một tiếng mạnh. Không chần chừ nữa, tôi vội vã mở cửa phòng.

Và cảnh tượng trước mặt tôi đây khiến tôi vừa hoảng, vừa e ngại. 

Chú Thưởng đang có tư thế nằm bẹp dưới sàn không được hay ho cho lắm. Tôi đi tới lay người chú. Mùi nồng của bia xộc vào mũi và tôi hiểu giờ có lay tới thế nào thì chú cũng không tỉnh được. 

Tôi quýnh quáng lấy máy gọi cho Hoài.

"Hoài ơi! Ba bị té này!"

[Hở? Ba té à? Ở đâu?]

Ơ, nội dung đúng nhưng giọng nói không đúng. Tôi đưa máy ra trước mặt thì phát hiện mình gọi nhầm qua cho anh Tuấn. Do cái tên hai người này tôi lưu một người "anh Kiều", một người "em Kiều". Lúc đó quýnh quáng không để ý mà gọi cho anh.

"À, b-ba bị té ở nhà."

[Đợi anh.]

Và tôi đợi anh.

Được một lúc thì anh cũng xuất hiện ở trong nhà. Thấy anh về tới, tôi chỉ anh vào trong phòng. Anh bước vào và đỡ chú Thưởng lên giường nằm lại. Để chú chăn êm nệm ấm cả rồi. Đột nhiên chú ngồi bật dậy, thình lình như thế. Và rồi lại nằm xuống.

Tôi với anh Tuấn nhìn nhau. Quả là một cảnh tượng khiến người khác đau tim.

Xong xuôi thì cũng đến lúc về thôi.

"À, Thảo! Em có thích đọc truyện tranh không?"

Anh Tuấn gọi tôi lại khi tôi vừa xỏ được một chân vào giày. 

Ngoài truyện chữ ra thì truyện gì tôi cũng đọc. Thế là tôi gật đầu.

"Anh có mượn bạn quyển truyện. Em xem thử có thích không, lấy về mà đọc."

Anh Tuấn dẫn tôi lên phòng. Lâu lắm rồi tôi mới vào lại phòng của anh, trừ hồi nhỏ ra vào thường xuyên. Chứ giờ lớn rồi, con gái người ta cũng biết ý tứ chứ.

Lúc bước vào đó, tôi chẳng nghĩ gì tới chuyện nam nữ trong phòng riêng đâu. Đơn giản là anh trai, em gái trong phòng thôi. 

Tôi vô tư ngồi trên giường anh, đợi anh đi lấy truyện. Nhìn quanh phòng, tôi nghĩ lối sống gọn gàng có thể di truyền được. Thế cái phòng bừa bộn của tôi chắc chắn chỉ có thể là do mẹ di truyền.

Anh Tuấn đi lại với hai quyển truyện trên tay. Tôi nhận lấy và quan sát xem thử cái bìa. Nhìn cái bìa đầy hường phấn, tôi nghi ngại ngẩng đầu lên nhìn anh.

"Anh... cũng đọc mấy quyển này à?"

Anh nhìn tôi rồi phì cười, "Vì nghĩ đến em nên anh mượn thôi."

À, ra thế. Anh Tuấn cũng ngồi xuống kế bên.

"Sao? Thích không? Cho em lấy về đọc đó."

"Ui! Thế em xin."

"Đọc đi rồi anh mượn bạn tiếp cho."

Niềm vui bộc phát bên trong. Tôi hí hửng dơ hai ngón tay cái trước mặt.

"Anh là đỉnh nhất!"

Anh Tuấn chỉ cười mà không nói gì. Theo tôi đánh giá, nụ cười này của anh tốn gái lắm nhé. Nhưng đối với một đứa con gái bên anh hơn mười cái xuân xanh thì nụ cười này đã sớm chai mòn mắt tôi rồi.

Cứ cách vài ngày có quyển mới thì anh gọi qua nhà. Thường là anh nhắn tin, không thì khi đụng mặt trên trường anh sẽ nói: "Tối qua nhà, có quyển mới." 

Rồi một hôm, tôi theo thói quen qua anh mượn quyển khác. Tôi tính qua mượn truyện sẵn lên chơi với Hoài luôn. Tới trước phòng, thay vì gõ cửa tôi theo thói quen mà đẩy cửa bước vào luôn. Với tôi quan điểm với anh Tuấn cũng giống như Hoài thôi, nhà em cũng là nhà anh, và phòng anh cũng là phòng em. Với cái quan điểm đó, nó đã gây ra một rắc rối cho tôi sau này.

Vào phòng thì không thấy anh Tuấn. Nghe tiếng nước xả bên kia, tôi đoán anh đang đi tắm. Tôi không đợi anh ra mà lần mò đi tìm truyện luôn. Nếu như những bữa trước thì anh sẽ bỏ truyện trong cặp. Tôi mở cặp anh ra, và không phải mất thời gian tìm kiếm, quyển truyện nằm ngăn nắp ngay trong ngăn cặp. 

Sao lại có người vừa ngăn nắp bên ngoài lại vừa ngăn nắp bên trong như thế.

Phòng anh Tuấn và Hoài đều có một điểm giống nhau là chiếc kệ sách lớn này. Nói đúng là cả phòng cô Thương và chú Thưởng cũng thế. Gen nhà này mạnh về sở thích đọc sách nhỉ. Tôi nhìn lên nhìn xuống và nhận ra một đặc điểm khác nhau giữa kệ sách của Hoài và anh Tuấn. Đó là bên anh có nhiều sách kỹ năng hơn Hoài, nó chiếm phần lớn của kệ. Hoài đọc sách, nhưng theo tôi quan sát thì sách kỹ năng chỉ có hai ba quyển, còn lại chủ yếu là văn học, trinh thám gì đó.

Cạch.

Tôi theo mãi quan sát kệ sách mà không để ý chủ nhân căn phòng đã tắm xong từ khi nào. Mùi hương sau cách cửa phòng tắm trong phút chốc bao trùm cả căn phòng. 

Tôi quay ra sau. Tim như ngừng lại khi nhìn thấy anh. 

Anh bước tới tôi với dáng vẻ của một người con trai vừa mới tắm xong. Mái tóc ướt đó chính là vũ khí của anh bây giờ. Một vũ khí đáng gờm khiến hô hấp của tôi trở nên khó khăn. 

Tôi có thể chai mắt trước nụ cười của anh. Nhưng với dáng vẻ này thì không. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh anh bước ra phòng tắm với cái đầu ướt và mùi hương dầu gội nam tính đầy phòng thế này.

Mỗi bước anh tiến lại tôi là mỗi lần tim tôi tăng nhịp. 

Tôi cảm tưởng mình sẽ ngừng thở khi anh đứng trước mặt mình mất. 

Rồi, anh đứng trước mặt tôi. Với chiều cao này, anh hơn tôi cả một cái đầu, nên tầm nhìn hiện tại của tôi hướng thẳng là lòng ngực của anh. 

Anh áp sát tôi vài ba giây rồi kéo giãn khoảng cách. Chết thôi, tôi quên mất cách thở rồi.

"Quyển này là anh mua cho em."

Tôi nhìn quyển sách mà anh giơ ra trước mặt. Tim vẫn thôi đập lại đúng nhịp. Nó vẫn tưng tưng trong lòng ngực tôi như thế. 

Tôi nhận lấy quyển sách mà không nhìn anh. Tôi không thể nhìn vào mắt anh nữa rồi. Cái cảm giác ngượng ngùng không biết bao lâu rồi mới trở lại trong tôi. Nó trở lại ngay lúc này làm tôi khổ sở quá. Tôi muốn trốn khỏi đây!

"À, em cảm ơn. Em về nhá."

Do chiều cao chênh lệch, với lại cộng thêm việc tôi cúi gầm mặt thế này, tôi đoán chắc anh Tuấn không nhìn thấy vẻ mặt dị hợm của tôi bây giờ đâu. Trốn thôi!

Nhưng anh không để tôi thoát nhanh như vậy. 

Anh Tuấn kéo tôi lại, áp bàn tay mát lạnh của anh lên trán tôi. Nhiệt độ hai bên trái ngược nên cảm giác càng rõ ràng hơn. Gương mặt anh bây giờ gần quá mức cần thiết rồi...

"Em bệnh hả, Thảo? Mắt lờ đờ, trán nóng lên rồi này."

Tôi trốn không được càng thêm nản, đã thế còn tặng kèm cho hành động này nữa, có lẽ tôi bệnh thật cũng nên.

"Ha, chắc thế. Thôi em về mua thuốc uống trước đây."

"Không được. Em lên phòng Hoài nghỉ đi. Để anh đi mua thuốc cho."

Tôi xua tay bảo anh không cần. Bây giờ cách làm tôi hết bệnh nhanh nhất chính là giữ khoảng cách với anh. Nhưng anh không hiểu, anh kéo tôi qua tận phòng Hoài, đẩy tôi vào, rồi đi khỏi như vậy, không kịp để tôi giải thích gì thêm. 

Tôi, ngày hôm đó, nằm trong phòng Hoài, suy nghĩ rất nhiều.

Tôi vẫn nghĩ là khi ấy mình có những phản ứng không được bình thường như thế là vì tôi bị đánh úp với cái đẹp mà thôi. Tôi chỉ kịp xác nhận lại mãi cho tới tuần sau, khi tôi suýt xoa lòng bàn tay bị rướm máu vì bị té trong lúc chuẩn bị lễ chào cờ.

Vết thương không lớn, nhưng đủ để tôi cảm thấy rát. Tôi bê cái tay rướm chút máu đi tới phòng tế với một niềm hy vọng có người trong đó. Đúng là có người, nhưng tệ là không phải người tôi mong đợi.

Anh Tuấn nhìn thấy bàn tay tôi thì nhăn mặt lại. Anh bước nhanh tới và nâng bàn tay tôi lên.

"Sao đây?" Anh vừa nói vừa kéo tôi tới giường ngồi.

"Nãy em xuống chỗ cầu thang ngoài sân khấu, bị vấp chân té."

"Chậc. Em không những khờ mà còn hậu đậu."

Anh thản nhiên thả một câu chê bai rồi đi lấy hộp cứu thương xử lý vết thương cho tôi. Những lúc thuốc sát trùng tiếp xúc với vết thương là mỗi lần rát. Tôi muốn nói chuyện với anh để phân tán đi sự chú ý.

"Anh làm gì ở đây vậy?"

"Anh xuống lấy thuốc đau bụng cho bạn."

"A!" Cách này có vẻ không hiệu quả lắm. Tôi vẫn không thôi nghĩ về cơn rát nơi bàn tay.

"Em đừng nhìn vào đây. Thử tập trung nhìn chỗ nào khác đi."

Không nhìn vết thương nữa, nghe lời anh tôi đưa mắt lên trần nhà nhìn quạt trần quay quay, đưa qua cái giường trống nằm ở phía đối diện, qua khoảng sân trường đầy ắp lũ học sinh đang chuẩn bị tất tả đổ ra sân trường làm lễ Chào cờ, qua cửa sổ mở toang với khóm hoa sắc vàng, và rồi... qua anh. 

Tôi quan sát anh, quan sát từng cái nhíu mày làm nhăn vầng trán, từng đường nét khắc họa nên gương mặt của anh, và quan sát từng ánh mắt, từng cảm xúc biểu lộ thay phiên nhau xuất hiện. Ngồi gần thế này, tôi có thể ngửi được mùi hương dầu gội mà hôm tôi tới phòng anh. Tôi nhìn anh thật lâu, quên mất đi vết thương đang được sát trùng. 

"Xong rồi."

Câu nói anh vừa dứt, tôi cũng liền dừng ngay cái ánh nhìn của mình lên anh.

"Em cảm ơn."

Tôi chỉ muốn nói là cái con nhỏ ngồi bẽn lẽn cảm ơn thế này không phải là tôi đâu!

Có vẻ anh nhận ra nên anh nhìn tôi như nhìn điều gì kỳ lạ lắm. 

"Anh mới mua cho em quyển truyện mới. Tối qua anh, sẵn để anh kiểm tra vết thương luôn."

Tôi ngại ngùng gật đầu. Tôi vẫn không tin được mình sẽ dùng từ này để mô tả trạng thái của mình!

Rồi tôi lấy hết can đảm nhìn thẳng vào mắt anh. Cuối cùng thì tôi và anh Tuấn cũng chạm mắt với nhau. 

Miệng tôi bất giác cong lên cười, không phải cái cười mỉm hay cười dễ thương, mà là cái cười khờ khạo. Tôi chắc chắn bây giờ biểu cảm trên mặt tôi trông vô cùng ngốc nghếch. Vì thế mà anh mới phì cười như vậy. Đầu tôi bắt đầu nóng lên. Nụ cười mà tôi chai sạn bao nhiên năm qua giờ lại phát huy tác dụng, khiến tim tôi điên cuồng đập loạn nhịp.

Tôi tiêu rồi! 

Tiêu mất rồi! 

Tiêu mất rồi!!!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top