Review by Chiễm Phong
Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga – Mishima Yukio
.
~oOo~
.
Cá nhân tôi không thấy mình hợp với văn học Nhật, không hợp theo kiểu “anh rất tốt nhưng tôi rất tiếc”. Thế nhưng tôi gần đây lại có xu hướng dính dáng đến Mishima Yukio hơi nhiều. Vậy nên sau truyện ngắn Ưu quốc (link) tôi lại đem đến Reading Cafe thêm một truyện ngắn khác của ông: Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga, trích từ tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè, được viết năm 1953.
Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga ra đời vào thời kì văn học hậu chiến ở Nhật Bản, giai đoạn các nhà văn Nhật hoang mang khi nhiều giá trị truyền thống bị rạn vỡ trước thất bại của thần quốc Nhật Bản và sự sụp đổ quyền lực của Thiên hoàng. Với tinh thần ái quốc đến mức cực đoan, Mishima Yukio là một tên tuổi biểu trưng cho sự khác biệt của văn học giai đoạn đó. Ông kiên trì hoài vọng các giá trị quá khứ – một trong những điều đã đưa ông trở nên thân thiết với nhà văn lão thành đầy danh tiếng lúc bấy giờ là Yasunari Kawabata. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bối cảnh mà Mishima chọn lựa trong câu chuyện này, cũng như nhiều tác phẩm khác của ông, là bối cảnh của triều đại huy hoàng nhất lịch sử nước Nhật – thời Heian.
Bối cảnh Heian, nền tảng là tinh thần Phật giáo, Mishima kể lại một câu chuyện cổ về mối tình của vị cao tăng đức cao vọng trọng với một vị thứ phi của nhà vua. Tình tiết truyện không có gì quá đặc biệt, điều Mishima chú trọng hoàn toàn là diễn biến tâm lý nhân vật. Những mâu thuẫn được đặt ra, giữa hai con người, hai thân phận, hai giai cấp, hai lối sống, hai nỗi đau… nhưng mâu thuẫn lớn nhất, theo tôi, có lẽ là mâu thuẫn trong chính bản thể mỗi người.
Đây là câu chuyện về nội tâm của một con người, trước dục vọng và sự giải thoát. Mishima dành một chương đầu tiên để giới thiệu đôi lời về cõi Tịnh Độ – đích đến của các nhân vật trong truyện. Nhưng những lời dông dài ấy dường như chỉ là một sự chế nhạo ngấm ngầm đối với lớp vàng ròng mà con người phàm trần dát lên cửa Phật. Do đó, nội dung truyện là một quá trình đánh tráo khái niệm, xóa nhòa các lằn ranh giữa cõi vô minh. Tưởng là có mà hóa ra không, tưởng là không mà thực ra là có.
Vị cao tăng vào đầu truyện có vẻ đã chạm đến cực đỉnh của tu hành, chỉ còn chờ rời bỏ xác phàm mà nhập Tịnh Độ. Tưởng đã thành mà hóa ra không, bởi trong khoảnh khắc ngắn ngủi liếc mắt, ông đã chìm sâu vào tình yêu với bà thứ phi. Mọi thức tu hành đều tan thành tro bụi. Tình yêu lại tưởng như dìm ông xuống đáy, đến mức ông phải đến tận kinh đô, diện kiến người trong mộng. Vậy mà ở đây, trong vài dòng ngắn ngủi của cái kết, trước thử thách chờ đợi đằng đẵng của bà thứ phi, Mishima đã cho vị cao tăng bật ra tiếng khóc. Phải chăng đó là tiếng khóc của sự giác ngộ? Khi mà nhà sư đã nhận ra lẽ sắc không của lời Phật dạy? Tu hành đến mấy cũng là không, yêu thương đến mấy cũng là không, xác phàm là không mà trí lực cũng là không. Đến cả cõi Tịnh Độ lòe lòe ánh hào quang kia cũng chỉ là không nốt. Một lòng muốn đến cõi ấy để thành chính quả, phải chăng cũng là một thứ dục? Tôi nghĩ, tiếng khóc ấy quả thực là tiếng khóc của sự giác ngộ.
Vì vậy, giống như đã được chọn đúng khớp để mở bung mạch ngầm của câu chuyện vốn có giọng văn hàm súc, có độ tiết chế cao, chúng ta có thể thấy rằng Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga thể hiện không chỉ bút lực sắc bén của Mishima Yukio mà còn cả sự thấm nhuần sâu sắc tinh thần Phật giáo của nhà văn. Điều này đã đem đến sự hòa hợp vừa truyền thống vừa hiện đại trong tác phẩm, khiến nó trở nên đa nghĩa và đẹp một vẻ đẹp hoàn mỹ mà lại tinh tế, khiêm nhường rất Nhật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top