Việt Kiều

Mới đây mà đã hơn 5 tháng; cuối cùng chúng tôi đã nhận được thư phỏng vấn. Các thủ tục khám sức khỏe cũng đã xong, tháng sau là đi phỏng vấn rồi. Gia đình tôi rất háo hức, chúng tôi bắt xe taxi đi đến Sở Tư Pháp rất sớm. Bên ngoài sở là cả một hàng dài những người đứng chờ mấy trăm mét, trời thì đang mưa lắc rắc, đứng bên ngoài nửa tiếng cũng đủ ướt áo. Sau 1 tiếng chờ đợi, cũng đã đến lượt của chúng tôi; trước khi vào phòng chờ, an ninh sẽ quét máy dò từng người để đảm bảo an toàn. Tất cả điện thoại hay túi xách đều phải bỏ trong tủ bảo mật, chỉ được mang hồ sơ vào. Ai nấy cũng hồi hộp, các dãy phỏng vấn được chia thành từng ô với số thứ tự trên đó, đến số của ai thì vào ô đó phỏng vấn. Chúng tôi được anh Mỹ trắng và chị người Việt phỏng vấn ở ô số 16, một người hỏi và một người phiên dịch. Câu hỏi đầu tiên là: ai là người bảo lãnh chúng tôi; người đó sống ở tiểu bang nào, còn khỏe không? Cả bọn đứng cùng nhau nhưng chỉ có mẹ tôi được trả lời, vì bà ấy là nhân vật chính. Hỏi xong, họ nói với chúng tôi: "Chúc mừng gia đình đã được cấp visa, nhưng anh nhà phải chờ kết quả xét nghiệm phổi, nếu không có vấn đề gì thì mới được cấp". Gia đình tôi mừng rỡ nhưng có chút lo lắng, ba tôi bị trục trặc trong vấn đề hồ sơ khám bệnh; ông ấy có một vết mờ ngay phổi khi chụp hình x-quang. Chúng tôi nói lời cảm ơn với phỏng vấn viên và đi ra ngoài, mẹ tôi thốt lên:

- Trời ơi, ông này làm áp lực muốn chết, hỏi mấy câu dễ như ăn cháo mà ông bắt tui học thuộc cái này cái kia quài. Tui nói đúng chưa, tui gặp ai là người đó dễ, tại tui dễ.

- Ờ, bà dễ quá, dễ ăn đạp á, khảo bài còn quên lên quên xuống, hỏi ông ba sống ở đâu còn không nhớ, hên là gặp thằng này dễ, mấy đứa nhỏ tuổi nó dễ lắm, dễ hơn bà Mỹ đen kế bên, Mỹ đen khó lắm. (Ba tôi đáp)

Kết thúc buổi phỏng vấn, chúng tôi ra ngoài lấy đồ; trước cổng là mấy người bán hàng rong, đông lắm. Có một chị gái trẻ tuổi đến mời chúng tôi mua nước, mẹ tôi kêu: "Cho một chai oolong", chị gái mang chai nước đến, thấy chai nhỏ quá nên mẹ tôi kêu thêm một chai nữa.

- Bao nhiêu tiền vậy em? (Mẹ tôi hỏi)

- Dạ 80 chị, còn 20 ngàn chị lì xì cho em luôn nha, em khỏi thối.

- Cái gì? Trời đất ơi, 2 chai nhỏ xíu vậy mà 80? Thôi lấy một chai thôi. (Mẹ tôi ngỡ ngàng trả lại một chai)

- Đi mà chị, em năn nỉ, tụi em bán không có được nhiêu hết. (Chị bán hàng nài nỉ mẹ tôi. Nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng trả lại)

- Gì mà cắt cổ vậy, người ta bán 20, 25 là có lời rồi, nghĩ sao 40 ngàn một chai, lời gì mà lời dữ vậy. (Mẹ tôi quay sang nói với tôi trong lúc chị kia đi lấy tiền thối)

Trong lúc đợi taxi, có một ông chú nhỏ hơn ba tôi vài tuổi, chú ấy bán đậu phộng luộc. Trên tay chú là một cái mâm tre lắp đầy đậu phộng trên đó, đồ xúc là một lon sữa rỗng, trông giống như hộp sữa ông thọ. Ông đi đến chỗ chúng tôi đang đứng và dõng dạc hỏi:

- Gia đình mình đậu chưa chị? Đậu rồi phải không?

- Ờ, đậu rồi. (Mẹ tôi gật đầu trả lời)

- Đậu rồi thì mua đậu phộng ủng hộ em đi chị, mới luộc ngon lắm nè. (Ông chú làm một tràn)

- Hồi nãy bả mua rồi mà. (Ông chú bán vé số đứng kế bên nói)

- Ủa bả mua rồi hả, mua chưa, mua hồi nào? (Chú bán đậu phộng đáp)

- Nè, lấy tui một bịch đi, nhiêu tiền? (Mẹ tôi vừa nói vừa đưa tờ 20 ngàn)

- 50 ngàn một lon chị. (Chú mỉm cười toe toét đáp)

- Gì? Một lon có mấy hột mà 50, thôi lấy 40 thôi, tiền nè. (Mẹ tôi vừa nói vừa lấy thêm tờ 20 nữa)

Ông chú xúc cho mẹ tôi 1 lon, bỏ vào bịch rồi cầm tiền. Mẹ tôi cầm lấy bịch đậu phộng rồi rời đi, cùng lúc đó ông chú nói:

- Này là đậu Mỹ chứ không phải đậu Việt Nam. (Ông chú đùa giỡn)

Tôi với thằng em nghe xong liền bật cười, ông chú vỗ vai chúc mừng tôi rồi rời đi, đúng là một kỉ niệm khó quên. Chúng tôi về nhà sau buổi phỏng vấn ấy, chỉ còn giải quyết vấn đề nhà cửa nữa thôi là xong. Chúng tôi mang tất cả đồ đạc về quê cho ông bà ngoại; bà ngoại tôi lấy chồng khác khi ông ngoại tôi đi vượt biên, bà còn có mấy người em gái sống cùng nữa, tôi đều gọi là bà ngoại, hoặc là bà dì. Chúng tôi về Sóc Trăng chơi nửa tháng, ông bà nấu cho tôi nhiều món ăn ngon, đều là món tôi thích: tôm kho tàu, bún mắm, cá viên chiên; đặc biệt là cơm nhão xịt với nước tương, canh khoai mỡ, ngon vô cùng! Sao tôi nhớ hương vị đó quá, chỉ có một mình ngoại tôi nấu món đó hợp khẩu vị của tôi. Tôi dặn lòng sẽ không được khóc khi chia tay ông bà, sợ họ lo lắng rồi khóc theo. Khoảnh khắc tôi bước lên chiếc xe 7 chỗ của ba, tôi quay mặt đi và bật khóc. Giờ đây tôi phải rời xa những người chăm sóc cho tôi từ nhỏ đến lớn rồi. Ông bà dặn tôi qua bển nhớ gọi về hỏi thăm, chứ không là ông bà buồn lắm, tuổi già chẳng còn ai bên cạnh, tôi cũng hơi lo. Nhưng biết làm sao đây, tôi phải đi Mỹ vì tương lai, chỉ mong ông bà vẫn còn khỏe mạnh đợi tôi về thăm.

Một tuần sau, chúng tôi soạn sẵn đồ đạc và bắt taxi ra phi trường lúc 4 giờ sáng. Chuyến bay sẽ cất cánh lúc 7 giờ, chúng tôi phải đến sớm 3 tiếng để làm thủ tục. 9 thùng đồ và 4 cái vali xách tay, chao ôi, nặng quá! Nào là đồ mặc, nào là đồ ăn tặng cho bà con bên Mỹ, đếm không xuể. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi nước ngoài, hãng bay ANA rất tử tế, họ phục vụ đồ ăn liên tục trong suốt chuyến bay, tôi bị đau họng vì uống nước lạnh quá nhiều; nào là sữa, nào là cà phê, nước trái cây,... Chúng tôi quá cảnh ở Nhật sau chuyến bay 5 tiếng, check in và kiểm tra an ninh thêm lần nữa rồi mới được bay tiếp. Hãng bay tiếp theo là American Airlines, chỗ ngồi hơi chật, đồ ăn thì không ngon bằng ANA, nhân viên cũng hơi khó tính; tôi thích mấy cô tiếp viên Nhật Bản hơn, họ dễ thương lắm. Bay thêm 7 tiếng nữa là tới Mỹ rồi, chúng tôi xem phim hoạt hình để giết thời gian. Vừa hạ cánh tới Mỹ, các tiếp viên chúc mừng mọi người đã hạ cánh an toàn, "Chào mừng đến với nước Mỹ!". Gia đình ông bà mợ và bà nội út của tôi nhắn tin hỏi chúng tôi đã đáp xuống chưa, cả nhà đã đợi sẵn ở cổng số 4. Nhưng vì sân bay quá đông hành khách và hiện tại chưa có cổng, nên máy bay của chúng tôi đã di chuyển sang cổng số 6 và chờ đợi suốt nửa tiếng, ông bà sốt ruột lắm. Sau hơn 30 phút chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đã được vào cổng. Điều đầu tiên chúng tôi làm đó là đi vệ sinh và đóng dấu hải quan; sau đó lấy hành lý và đi ra ngoài. Ông cậu là anh trai của bà nội tôi, bà ấy mất từ khi tôi còn nhỏ, còn bà nội út là em gái của bà ấy. Gia đình ông cậu có 3 người: bà mợ, ông cậu và cô Tú - cô con gái khuyết tật của ông, cái chân bên phải của cô Tú không được khỏe như người bình thường, nên mỗi lần đi hay bị té, phải bám vào cái gì đó thì mới đi được. "Chúng mình ba đứa" là biệt danh mà ông bà hay gọi. Ra tới cổng, mọi người ôm nhau mừng rỡ vì đã được đoàn tụ, ông bà còn có hẳn một tấm bảng "Welcome to America!" để chào mừng chúng tôi nữa. Câu đầu tiên mà họ nói là: "Hế lô, khỏe hông, khỏe hông?". Chào hỏi xong, chúng tôi chụp hình kỉ niệm; sau đó về nhà cất đồ rồi đi ăn phở. Đường sá bên đây rộng quá, bằng cả 3 cái cao tốc ở Việt Nam gộp lại, xe nào cũng chạy hơn 80km/h, tôi có phần hồi hộp vì chưa quen. Quán ăn đầu tiên mà chúng tôi được trải nghiệm đó là quán Phở Vĩnh Ký ở thành phố Westminster, hương vị ở đây cũng khá giống ở Việt Nam. Chúng tôi sống ở quận Cam nên có nhiều người Việt, dễ giao tiếp nhưng cách cư xử của họ lạ lắm, không giống người Việt giúp đỡ nhau. Ở đây giống như Sài Gòn vậy, đông đúc và tấp nập; khu nhà của bà mợ tôi hiện đang lên giá gần cả triệu đô, đúng là lạm phát; trước đây chỉ có mấy ngàn đô la thôi, do người ta sinh sống ngày càng nhiều nên mọi thứ đều lên giá. Nhà của bà mợ tôi rộng lắm, có một cái garage chứa được 2 chiếc xe van, 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và một cái sân sau rộng bằng 1/3 cánh đồng lúa, bà hay trồng rau và trái cây ở đây. Chúng tôi sống trong cái garage của bà, tất cả đều đã được bố trí từ mấy năm trước; trên mọi bức tường đều là những tấm hình gia đình bà đi du lịch cùng nhau, nó giống như một căn phòng kí ức chứ không phải chiếc garage hay nhà kho bình thường nữa; cái tủ trưng bày cũng đã đầy các món quà lưu niệm từ các nước khác nhau, căn nhà ấm áp vô cùng. Chúng tôi ở đó được nửa tháng, gia đình ông chú Long - em trai của ông ngoại tôi sống bên Pennsylvania gọi điện kêu ba tôi qua đó ở, ông ấy hứa sẽ tìm việc cho. Nghe xong, ba tôi liền đồng ý dời đi, vì gia đình tôi sống ở đây không được thoải mái, 7 mạng người mà chỉ có một cái toilet. Kèm theo chuyện ông bà ăn uống mấy món để lâu ngày nên ba tôi sợ bị bệnh; ba mẹ tôi chỉ ăn cơm với nước tương, chịu không nổi nên đòi đi, tôi cũng sụt 2kg vì không ăn gì nhiều. Tôi nhớ có lần ba tôi hỏi bà mợ về cái bịch cá khô mà ông ấy tặng cho bà đã ăn chưa, lúc đó cô Tú lên tiếng:

- Đồ người ta cho để mười mấy năm mới ăn you ơi!

Nghe xong ba tôi hoảng hốt... "Gì mà mười mấy năm dữ vậy chị, cùng lắm là mấy năm thôi chớ".

- Tại vì chưa ăn hết cái này là người ta cho cái khác, để riết, ăn không nổi nên đem đi dục. Cái hủ chanh muối này 40 năm rồi nè, ai bệnh cũng tới xin hết, làm một muỗng là hết bệnh luôn! (Bà mợ đáp)

Trong suy nghĩ của bà là gia đình tôi nên qua bên Pennsylvania chơi một chuyến, xem xét tình hình rồi mới qua ở, nhưng ba tôi cứ nằng nặc đòi qua vì có việc làm; tôi thì không thích nên đã quyết định ở lại nhà bà mợ, bà cũng đồng ý và ủng hộ tôi. Ông chú Long nói rằng nếu tôi muốn học cao đẳng bên đó thì phải có bằng GED, học bổ túc 6 tháng... Tôi nghe vậy nên không muốn qua nữa, vì tôi biết mình không học GED được, nó giống chương trình cấp 3 ở Việt Nam. Thế là gia đình tôi chuyển qua bên đó sống, tôi ở lại chơi 1 tuần rồi mới về. Bên đó lạnh lắm, rất ít người Việt Nam, cái gì cũng rẻ, không phải trả tiền thuế khi mua quần áo và đồ thời trang. Tôi cũng có chút buồn vì xa ba mẹ và em trai, họ là những người không thể thiếu trong cuộc sống của tôi, nhưng đôi khi tôi phải nghĩ cho bản thân mình trước, đành vậy! Nhà ông chú tôi có một tầng trệt, một lầu và một tầng hầm, cũng khá rộng cho 6 người ở, thấy họ đối xử tốt nên tôi cũng yên tâm.

Tôi trở về Cali một mình sau chuyến đi. Đã vào học kì mùa thu rồi, trường tôi theo học là Golden West College; bà mợ muốn tôi học trường Santa Ana vì có nhiều người Mexico, sẵn đi học tiếng Mễ luôn, nhưng tôi không thích, tôi đã tìm hiểu và chọn Golden West khi còn ở Việt Nam. Do số lượng học sinh đông quá nên tôi chỉ đăng ký được hai lớp, được gọi là ELL (English Language Learning), tất cả đều miễn phí, chỉ có lớp ESL (English as Second Language) và các lớp chuyên ngành mới đóng tiền thôi, tôi học khóa đàm thoại và ngữ pháp. Gia đình bà mợ đưa tôi đi học vào ngày khai giảng, chúng tôi chụp hình cùng nhau, ông bà đứng ngoài lớp chờ đợi cùng tôi... cho đến khi giáo sư vào lớp thì họ mới ra về. Ngôi trường rộng hơn cả sân vận động Mỹ Đình, các phòng học rất mới, tất cả đều sạch sẽ, bàn ghế rất rộng và thoải mái, các thiết bị cũng được trang bị đầy đủ. Buổi học đầu tiên của tôi là lớp ngữ pháp do cô Michelle đảm nhiệm, cô có thân hình cân đối, cô trạc tuổi bà ngoại tôi, mái tóc xoăn màu bạc dài qua vai một chút, khuôn mặt cô rất hiền hậu, giọng nói truyền cảm nên ai cũng yêu mến. Cô cho chúng tôi làm bài kiểm tra trong 30 phút để đánh giá năng lực của chúng tôi. Trong lớp đều là người lớn tuổi, các bạn bằng tuổi tôi không học lớp này, họ học lớp chuyên ngành chứ không phải nâng cao kĩ năng. Làm bài xong, cô chấm điểm cho tôi và bảo tôi nên đăng ký lớp cao hơn, vì tôi làm bài đúng 99%. Tôi nghe lời cô và quyết định đăng ký lớp khác, level 3 là lớp cao nhất. Ngày hôm sau đến lớp học mới, cô Michelle đi ngang qua tôi và dừng lại hỏi rằng tôi đã đăng ký lớp cao hơn chưa, tôi bảo rồi, cô nói: "Vậy cũng tốt", cô sẽ nhớ tôi lắm. Nói xong, cô rời đi, trong tôi có chút gì đó mà tôi không thể tả được, đây là lần đầu tiên tôi đi học tại Mỹ và có người quan tâm đến tôi như vậy, tôi cảm thấy rất ấm áp. Tôi có thêm hai lớp nữa, đó là lớp đàm thoại do cô Nancy chủ nhiệm và lớp an ninh do cô Delany đứng lớp. Lớp của cô Delany là lớp học cấp tốc trong vòng 1 tháng, sau khi hoàn thành sẽ có giấy chứng nhận và có thể đi làm. Lớp học diễn ra vào mỗi thứ bảy từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, hơi cực một chút. Tôi rất háo hức khi đến lớp vào những ngày đầu tiên, vì tôi nghĩ rằng mình sẽ được mặc trang phục của người bảo vệ và chụp hình với các bạn cùng lớp... Nhưng chờ mãi đến khi khóa học kết thúc, vẫn không có bộ đồ nào cho tôi, là do tôi kì vọng quá nên tự làm mình thất vọng. Lớp học chỉ có duy nhất 10 người, mấy ông bạn của tôi đều là người trưởng thành và đã lập gia đình. Các ông ấy hỗ trợ tôi nhiều lắm, chưa bao giờ tôi cảm thấy vui đến vậy, chắc là lần đầu tiên tôi cảm nhận được khi đi học ở đây. Người bạn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là Mohammad - ông bạn người Afghanistan, ông trạc tuổi ba tôi, bụng ông hơi bự, da ngâm và quả đầu bị hói; ông xử lý các tình huống rất khéo léo, các lý luận của ông mỗi khi đưa ra đều được mọi người ủng hộ. Chúng tôi nói chuyện với nhau cũng nhiều, tôi nói với Hammad rằng tôi đang cần tìm việc làm, ông ấy hứa sẽ giúp đỡ tôi. Có lần tôi đến cửa hàng Walgreens gần nhà sau giờ học, điều bất ngờ mà tôi nhận được đó là gặp Hammad đang làm việc ở đây! Tôi đội một cái nón lá đi biển màu đen, cùng với một cặp kính râm; Hammad không nhận ra tôi, ông cứ chào hỏi tôi như một vị khách bình thường mà không hề hay biết. Mãi một lúc sau tôi cất tiếng: "Bạn khỏe không, Hammad?", lúc đó ông ấy mới nhận ra và mừng rỡ đáp: "Oh Chery, là bạn phải không? Hôm nay bạn lạ quá, tại vì bạn đeo kính và đội nón nên tôi không biết đó là bạn, nhìn bạn thông thái quá! Bạn đến đây mua đồ hả, bạn có thường đến Walgreens không?". "Ồ, không sao! Tôi cũng hay đến đây mua đồ khi có thời gian rảnh, hôm nay chỉ dạo chơi chút thôi" - tôi mỉm cười đáp. Chúng tôi chào nhau rồi tôi đi dạo quanh mua chút đồ, Hammad bảo protein rất tốt nên tôi đã mua 1 hộp. Tôi cũng thường đi đến chợ trời sau khuôn viên trường mỗi khi lớp học được giải lao; người Mexico bán đồ nhiều lắm, tôi thích nhất là gian hàng 50 cent và 1 đô la, tôi thường mua cà vạt ở đây, hàng hiệu Calvin Klein rẻ bèo nhưng chất lượng cao. "Mỗi ngày mày tha về một món, vậy là chết rồi con", bà mợ thường nói với tôi câu này mỗi khi thấy tôi mua đồ về. Thật lòng mà nói, tôi rất nhớ lớp bảo vệ vào mỗi thứ 7 của tôi, đó là lớp vui nhất mà tôi từng học, các chàng trai tử tế và ga lăng ấy khiến tôi khó mà quên được...

Tôi không thích học chung với người lớn tuổi, một trong số họ rất khó tính, đã vậy còn là người Việt. Một bà già 60 tuổi ngồi đối diện bàn học của tôi quay xuống và bảo tôi rằng: "Ráng nói tiếng Anh khi bạn có thể đi, khi bạn nói tiếng Anh là bạn đang giúp mọi người xung quanh và giúp cả chính bạn". Tôi không trả lời, thật vô duyên! Lúc đó bà bạn già của tôi đang hỏi tôi một kiến thức gì đó bằng tiếng Việt, không lẽ tôi giải thích cho chị ấy bằng tiếng Anh, trong khi chị ấy không giỏi ngôn ngữ đó, thật là lố bịch! Tôi nghĩ có những người không thích sự hiện diện của tôi, có lẽ là do tôi luôn đạt được hạng nhất mỗi khi chơi trò chơi và được nhiều người yêu mến. "Các bạn may mắn đấy, các bạn có một người lãnh đạo tuyệt vời!", cô Michelle từng nói với các thành viên trong nhóm thuyết trình của tôi như vậy, tôi từng là trưởng nhóm của họ. Tôi không hiểu vì sao có những người muốn thể hiện mình là nhà lãnh đạo nhưng trong khi cách họ hành xử chẳng ra gì, điển hình là bà cô 60 tuổi muốn hơn thua với tôi. Trong khi tôi chẳng cần làm gì ngoài cư xử như một người bình thường và tự động sẽ có nhiều người vây quanh ủng hộ. Đó là lí do vì sao tôi yêu thích lớp an ninh đến vậy, các bạn đều rất hòa nhã, và chỉ có một mình tôi là người Việt Nam. Tôi cũng làm quen được các bạn người Mỹ trong khi tham gia vào các event của trường, Zoe và Kamela là hai người bạn đầu tiên mà tôi quen biết. Ngày hôm đó là lễ hội Pride Month (Tháng Tự Hào), các bạn sinh viên và các câu lạc bộ bố trí các gian hàng để trao quà tặng miễn phí cho mọi người, nhằm mục đích quảng cáo cho trường. Tôi đến quầy slime và làm một phần cho riêng mình; cùng lúc đó, Zoe và Kamela đi tới, họ loay hoay vì không biết làm, trên bàn có tờ giấy chỉ dẫn nên tôi đã hướng dẫn cho họ... Đầu tiên là đổ keo vào, sau đó là nước và baking soda, cuối cùng là thêm chất làm đông. Cả hai lọ mọ làm suốt 15 phút, tôi kêu họ nên trộn bằng tay thì slime sẽ thành công... "Oh, trộn bằng tay" - Zoe với mái tóc 2 bính vừa nói vừa làm theo, Kamela cũng vậy. Cả hai là bạn thân của nhau, hai người đều có thân hình nhỏ con nhưng Zoe năng động hơn một chút. Kamela cùng cặp kính cận, bộ răng không được đẹp cho lắm, cô nàng lên tiếng: "Mình nghĩ là thành công rồi", sau đó cả hai bỏ slime vào hộp, mặc dù slime đã chảy thành nước, tôi thấy buồn cười nhưng không dám nói rằng họ đã thất bại trong việc làm slime. Mãi đến một tháng sau chúng tôi mới biết tên nhau, ba người chúng tôi gặp lại nhau trong một sự kiện của trường; đó là lần gặp mặt thứ 3 của chúng tôi. Ngày hôm đó tôi gặp họ ở căn tin, chúng tôi ngồi tán gẫu cùng nhau, Zoe và Kamela đã kể về bạn trai, bạn gái của họ. Lần gặp thứ 2 là tôi tham gia làm tình nguyện viên cho Ngày Tâm Lý Học của trường; giáo sư Douma và cô Jennings tổ chức sự kiện đó rất lớn, đã có hơn 200 người đến ủng hộ chúng tôi. Tôi mặc áo phông màu xanh lá có ghi chữ "GWC Psych Day 2024" trên đó, mỗi tình nguyện viên đều phải mặc nó, vì đó là đồng phục của nhóm. Tôi đứng tại quầy check in, kêu gọi mọi người quét mã QR và điền thông tin để lấy món quà tại bàn. Sở dĩ các giáo sư làm vậy là để khảo sát xem có bao nhiêu người tham gia sự kiện. Sau giờ học, mọi người chen chúc nhau đến quầy check in của chúng tôi, tôi cùng mấy người bạn túc trực ở đó rất đông vui. Khung cảnh đều là màu xanh lá, nó tượng trưng cho màu chủ quản của trường, các dây bong bóng được treo khắp nơi, nào là băng rôn, nào là pháo giấy. Sự kiện diễn ra lúc 10 giờ sáng, nhưng mãi đến 12 giờ trưa thì Zoe và Kamela mới đến. Kamela mỉm cười với tôi và hỏi: "Có phải bạn là người làm slime hôm bữa hông?", tôi mỉm cười gật đầu xác nhận; họ check in rồi sau đó đi vào hội trường để nghe Dr Nancy phát biểu. Lần gặp mặt thứ 4 là khi tôi bắt gặp Zoe ngồi một mình ở căn tin, cô ấy đang vẽ một bức tranh về chú cún của mình. Tôi đi đến chào hỏi và chúng tôi đã ngồi nói chuyện suốt một tiếng đồng hồ, Zoe xin kết bạn Instagram với tôi, tôi đồng ý và cả hai có thể tán gẫu trên đó.

Hân và Mia là hai người bạn tiếp theo mà tôi quen biết thông qua câu lạc bộ Aspire. Hân là một cô nàng với mái tóc dài và thẳng, bộ đồ mà cô ấy thường mặc là áo flannel và quần jeans, cô ấy là người Việt được sinh ở đây nên không rành tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau vào mỗi thứ ba vì câu lạc bộ có chương trình Tea Talk - uống nước và nói chuyện. Hân là một cô nàng cởi mở nên lúc nào cũng có mặt trong các sự kiện, điều đó không mấy ngạc nhiên khi cô nàng có nhiều bạn bè ở trường. Có lần tôi đứng trò chuyện cùng chị Chi và Hân tại Ngày Tâm Lý Học, chị Chi thắc mắc rằng tại sao Hân lại có nhiều thời gian để tham gia sự kiện, trong khi cô ấy có nhiều lớp học và phải đi làm. Hân giải thích rằng hiện tại cô ấy không có việc làm, nhưng khi sự kiện đang diễn ra giữa chừng thì cô ấy lại đòi đi về vì phải đi làm, thật là rối não. Chị Chi nói với Hân rằng mình có số điện thoại của Hân, trong khi đó Hân chẳng nhớ chị Chi là ai, có lẽ cô ấy có nhiều bạn bè quá nên không nhớ nổi. "Chị vẫn còn nhớ nó học ngành gì, thậm chí là có số điện thoại của nó mà nó không nhớ gì hết... Ok, chúng ta là bạn thân đó Hân." - chị Chi đùa giỡn với chúng tôi khi Hân hỏi về thông tin của cô ấy.

Mia là cô nàng người Việt đi du học tại Mỹ. Với thân hình nhỏ con, làn da trắng, mái tóc gợn sóng dài qua vai và được nhuộm highlight màu bạch kim trông thật dễ thương. Mia nhỏ hơn tôi một tuổi, và là tổng thống của câu lạc bộ International Club, ba mẹ Mia kinh doanh khách sạn ở Việt Nam. Chúng tôi gặp nhau tại sự kiện vẽ bí ngô nhân dịp Halloween do câu lạc bộ Aspire tổ chức. Mia đến trễ, cô nàng vẽ trái bí trông giống như trái việt quất bị nhiễm độc; trái bí nhỏ bằng trái cà chua, nó được tô màu màu xanh da trời và thêm các dấu chấm màu đỏ trên đó, cô nàng cũng không quên vẽ thêm một khuôn mặt biểu cảm, trông thật đáng yêu nhưng có phần buồn cười. Chúng tôi cũng thường xuyên gặp nhau khi Mia tổ chức sự kiện cho câu lạc bộ, và đôi khi là ở các sự kiện của Aspire. Tôi hay tặng quà cho Mia, cô ấy cứ hỏi tôi rằng tại sao lại tặng quà cho cô ấy, tôi không trả lời, cũng không muốn cô ấy biết mình đơn phương.

Bà mợ tôi là người nấu ăn cho gia đình mỗi ngày. Bà thường hay nói với tôi rằng: "Con thích gì cứ mua về nấu lên ăn, ở cho thoải mái một chút, sợ riết rồi ăn không đủ chất, bệnh chết đó con". Sáng nay chúng tôi ăn cà ri chay, cô Tú thức dậy sớm nên mở tủ lạnh bưng nồi cà ri ra ngoài... "Bẻngggggg!", cô Tú làm đổ cái nồi xuống đất.

- Ôooo! Tội nghiệp quá, để đó ba làm cho con. (Ông cậu vội vàng chạy đến đỡ cô Tú)

- Tại nó bị sứt cái càng ra rồi. (cô Tú run rẩy đáp vì sợ)

- Sao vậy con, má nói để má làm, con bưng chi cho nó té con! (Bà mợ đi đến vừa nói vừa xem tình hình)

Cả nhà cùng nhau lau dọn, cà ri dính hết vào bộ đồ của cô Tú nên phải đi thay. 10 phút sau, bà mợ tôi nấu một nồi cà ri khác, còn ông thì nướng bánh mì cho chúng tôi. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, bà thường kể chuyện cho chúng tôi nghe, bà nói: "Con biết hông, ngồi ăn mà im ru, ăn xong đứng dậy lau dọn thì chán lắm. Nhà này có mình tao tự biên tự diễn thôi, còn ông thì ông nghe không có nghe rõ nữa nên bà phải la to thiệt to vào lỗ tai ông thì ông mới nghe; người ngoài nhìn vô không biết gì nên nghĩ bà vợ này sao hôm nay hỗn với chồng quá, leo lên đầu ổng ngồi. Nhưng thật ra đó, những người bị như vậy thì họ không muốn giao thiệp nhiều nữa, nghe không rõ rồi trả lời chớt quớt, người ta cười xong mình bị quê. Hồi đó ông vui lắm, mỗi lần ngồi ăn là kể chuyện, còn hát nữa chứ mậy, bây giờ hết rồi; mình thấy người thân mình bị như vậy, buồn lắm con, nhìn cười giỡn vậy thôi chứ trong lòng buồn lắm".

Ăn xong, tôi đi rửa chén, các công việc nhà đều đã được phân công, đến ngày nào là người đó làm; tôi rửa chén vào thứ 2-4-6, còn cô Tú là 3-5-7. Trong khi tôi đang rửa chén, ông đi đến chỉ vào mấy vết khét trong nồi cà ri rồi hỏi: "Mấy cái cháy khét này có ra hông? Không ra thì lấy cái này chà nè", ông vừa nói vừa đưa cho tôi miếng bùi nhùi bằng thép.

- Thôi ba ơi, đừng có lấy cái đó, nó độc lắm, ba lấy cái đó chà riết nó xước mấy cái mảnh nhỏ trong nồi hết. Má không có xài cái này đâu. (Bà nói)

- Hưm hưm, trời đất ơi, hông biết cái gì hết, cái này bằng thép sao xước được, vậy người ta bán làm gì. (Ông cười)

- Tui nói rồi! Cái gì tui cũng thua ông hết, nhưng mà cái nhà bếp này là tui không có thua ông đâu nha! Ba coi má làm nè! (Bà vừa nói vừa đổ baking soda vào chỗ khét)

- Nè con, coi nè nha, còn khét hông? (Bà đưa cái nồi cho tôi xem, quả thật không còn khét nữa)

- Nè ba, ba coi nè, còn khét nữa không? (Bà khều ông rồi đưa cái nồi cho ông xem)

- Chưa đâu, rửa ra rồi mới thấy, bây giờ chưa có thấy đâu. (Ông đưa mặt vào xem rồi nói)

- Chưa thấy quan tài, chưa hết khét phải không? Haha! (Bà cười)

Hai ông bà hay cãi nhau lắm, nhưng theo hướng tích cực chứ không phải giận hờn. Có lần tôi đang khóc khi kể cho bà nghe về chuyện ba tôi bắt tôi làm những điều mà tôi không thích... Ông cậu cầm trên tay mấy trái thanh long bị tét, ông đi tới chỗ chúng tôi và nói: "Mấy trái thanh long này nó cười quá trời!"... Chúng tôi bật cười khi nghe ông nói, tôi cũng ngừng khóc. Ông bà cũng hay có những câu nói rất buồn cười, chẳng hạn như:

- Tai họa tới nữa rồi! (Ông tôi nói mỗi khi đồ đạc trong nhà bị hư)

- Chuẩn bị lên ăn nha con. Quất! Cho nó tử luôn! Haha, bà có ông anh hay nói câu: "Lên ăn đi em. Quất! Cho nó tử luôn!", nghĩa là ăn cho nó chết luôn!

- Ra đây coi nè, ông này làm con chim nè con. Đó, lông chim đó, sao không cho một chùm ở giữa luôn trời. (bà trêu chọc khi đang xem Mister Tourism 2025)

- À, má nấu caramel hả, nấu caramel nhiều quá. (Ông nhìn vào nồi cá kho rồi nói)

- Người ta thắn nước màu mà caramel cái gì! (Bà đáp)

- Nấu caramel nhiều đâu có ngon. (Ông vừa đi vừa nói)

- Dạ, cụ! Tui làm nước màu ông ơi! (Bà la lên vì ông nghe không rõ)

Bà cũng hay kể cho tôi nghe những chuyện hồi xưa, lúc đó cuộc sống khó khăn ra sao, khốn khổ như thế nào, bà kể tất...

- Bà có quen cô đó đi đọc kinh chung với bà. Gia đình bả qua đây nè, đứa con gái của bả phải tháo chỉ cho bả sửa đồ muốn khùng luôn, thằng con thì đi học nhiều lắm. Mấy đứa sinh tháng 9, tháng 10 trở đi thì nó phải học lại một năm. Bả mới hỏi mấy bà cô trong trường: "Con tôi đi học trễ một năm rồi nó ra bác sĩ trễ thì sao?". Mấy bà cô mới ré lên cười: "Hả? Mày nói cái gì? Mày có thể lặp lại cho tao nghe được không? Tụi tao ở đây mấy chục năm rồi, có ai ra bác sĩ đâu, thằng con mày qua mới có mấy tháng mà đòi ra bác sĩ, haha!". Cái bả mới tức quá, bả khóc quá trời, về nhà bả mới nói với con trai bả: "Nỗi nhục ngày hôm nay con phải trả cho mẹ, mẹ nói với mấy bả là hãy đợi đi, sau này con tôi sẽ thành bác sĩ!". Rồi thì hai đứa con của bà cũng ra bác sĩ, bả giữ đúng lời hứa, nói được là làm được. Nhưng mà có một người sẽ thành công, you hope that? Mày ở với tao riết tao thúc đẩy mày, mày sợ luôn.

Tôi nghe xong không khỏi xúc động, bà kì vọng vào tôi nhiều đến vậy sao... Có lần bà kể cho tôi nghe về cô Châu - em gái của bà, cô ấy có 3 người con, tất cả đều là bác sĩ, vợ của họ là dược sĩ, vậy là nguyên gia đình cô Châu đều theo ngành y. Tôi đang đứng xem bà nấu ăn, bà vừa làm vừa kể chuyện cho tôi nghe:

- Hồi xưa đó, thời cô Châu với chồng của cổ mới qua đây nè, làm bác sĩ ở Việt Nam mà qua đây phải xúc ve chai đó con. Một bao ve chai có 1-2 đồng thôi, xúc thấy mẹ luôn. Ngày nào cũng ăn bologna hết, còn dư cái gì thì ăn cái đó. Rồi cái bữa đó, cả nhà thèm kem quá, nhà thờ thấy thương nên cho 10 đồng; tại ông cha nghe kể là hai người này là bác sĩ mà đi xúc ve chai cực quá, thấy thương nên cho. Rồi cái cô Châu với chồng của cổ mới lấy tiền đi mua kem; bả đi sao té rách cái quần, đường tuyết đóng thành đá nên trơn đó con. Rời cái mua một hộp kem bự chảng 10 đồng về hai vợ chồng với mấy đứa con quất. Mấy năm sau cổ học xong ra bác sĩ đó, người này người kia thương nên mỗi người góp tiền một ít để cổ mở phòng mạch nha khoa. Hồi đó chỉ có phòng mạch của cô Châu là Việt Nam thôi nha, có một mình cổ khám bệnh ở vùng đó thôi nên đông lắm. Sau này cổ thành công rồi đó, cổ mới lấy tiền đi làm từ thiện cho nhà thờ mỗi năm, cổ nói với bà là: "Nếu như không nhờ có 10 đồng đó, em không có ngày hôm nay đâu chị Vân". Đó con thấy hông, thời đó khổ lắm chứ không có sung sướng đâu con; ai cũng nghĩ qua Mỹ là sướng ha, mấy người về Việt Nam nói láo quá trời, khoe chính phủ cho tiền, cho nhà,... Ăn Welfare hết đó con! Gia đình bà nè, em gái với ông anh bà nè, đi làm chết dịch luôn, thời đó khổ lắm.

- Bà hồi xưa là y sĩ, ông là sĩ quan hải quân. Bà đi châm cứu với sơ cứu cho tụi lính đó; cái nó dâm tặc đó con, nó kêu bà chích vô chỗ đó của nó; cái lúc tao châm cứu xong, tụi nó đau quá nên la quá trời, kì sau hết dám luôn. Con biết hông, bà với ông với Tú qua đây nè, một phòng ba người ở mà chỉ có mấy mét vuông thôi nha con; nói ra mắc cỡ quá mà cứ nói quài, hai vợ chồng phải chui vô cái tủ đồ nằm ngủ đó, cho con Tú nó nằm ở ngoài, tại hồi đó ông bà cũng còn trẻ, Tú nó cũng lớn rồi, nằm chung thì kì quá. Bà ở bên Texas mấy năm, ông đi làm hay đi học cực lắm, phải đi xe bus mấy chuyến mới tới trường, chưa kể đường tuyết nữa. Rồi con Tú nó bệnh, bà phải ở nhà chăm nó, ông thì đi làm buổi sáng, bà đi làm ca chiều, tối về nhà nằm ngủ rồi mai đi làm tiếp, đâu có gặp mặt nhau nhiều đâu con; mà tại vì con Tú nó đau quá, nó yếu, nên bà phải nghỉ ở nhà chăm nó, chứ không là bây giờ bà cũng thành bác sĩ như người ta rồi. Hồi đó bà làm y tá, cuộc đời bà chỉ làm có hai chỗ thôi nha con, phòng mạch gần trường của bà, với phòng mạch của cô Châu, không có nhảy lung tung như người ta. Con ở đây rồi thì con biết, mấy đứa bà cho nó ở nhờ ở đây đó, đứa nào cũng thành công hết; bởi vậy tao mới thúc mày quài, tại hồi đó không có ai hướng dẫn nên người ta không có đi đúng đường, giờ con ở đây là con phải học, qua tới đây rồi mà không học, uổng lắm con. Bà với Tú không có điều kiện học như ý muốn, tức quá; nên giờ con phải ráng học, đòi lại công bằng cho bà nghe hông!

Tôi chăm chú lắng nghe bà nói và gật đầu bảo "Dạ" sau khi nghe xong. Cuộc trò chuyện giữa hai bà cháu thường kéo dài hơn nửa tiếng; bà hay kể chuyện này chuyện kia cho tôi đỡ buồn, một phần cũng là thúc đẩy tôi. Nhờ có bà mà tôi mới biết cuộc sống ở Mỹ không hề đơn giản như những gì tôi từng nghĩ. Có lẽ bà là người duy nhất hiểu tôi, bà hay lặp lại câu: "Bà là người học tâm lý học đây nè, nên bà biết ai thích cái gì, ghét cái gì hết đó con". Tôi cũng nghe lời bà, tập trung vào học tập. Ba tháng đầu tiên trên đất Mỹ, tôi đậu bằng lý thuyết lái xe. Tôi chỉ dành ba ngày để đọc hết cuốn sách thi bằng lái của DMV, sau đó tôi liều mình đi thi và đã đậu. Hôm đó là ngày mà bà nội út của tôi đi thi lại bằng lý thuyết lần thứ 4. Bà đến chở tôi đi từ sáng sớm, chi nhánh DMV ở thành phố Westminster đông lắm, phải xếp hàng từ 8 giờ sáng. Tôi bóc số và ngồi đợi đến lượt. Sau 30 phút, đã đến số của bà, tôi đưa bà đến ô cửa có nhân viên túc trực ở đó, mỗi ô là một nhân viên hỗ trợ. Đồng thời cũng đến số của tôi, tôi đành phải bỏ bà lại, mặc cho bà tự xử dù bà không giỏi tiếng Anh. Tôi đứng vào xếp hàng đi thi, tôi chọn thi trên giấy, có mấy người thi trên máy tính. 15 phút sau, tôi đã hoàn thành, tôi nộp bài và giám khảo báo tin rằng tôi đã đậu bài thi. Tôi ra ngoài và giả vờ làm mặt thất vọng, tôi đi tới chỗ mà bà tôi đang ngồi... "Buồn quá, con đậu rồi!", hai bà cháu ôm nhau mừng rỡ. "Mày làm tao hết hồn mậy, bày đặt làm mặt buồn, không biết chuyện gì xảy ra luôn" - bà vừa cười vừa trách móc. Ra đến bãi đỗ xe, tôi hỏi bà:

- Vậy còn vụ của nội thì sao? Có phải thi lại không?

- Trời ơi con, nhắc tới tao tức gì đâu luôn á! Có cái thằng Việt Nam nó tới phiên dịch cho nội, nó nói á: "Cô không cần thi lại hay gì hết, lỗi là do cái người làm hồ sơ của cô bị sai, giờ cô chỉ cần renew lại bằng lái thôi". Trời má, nó nói làm tao hết hồn luôn, chính nó là người kêu nội thi lại bằng viết chứ ai, hồi đó nó nói là: "Bằng lái của cô để lâu quá nên quá hạn renew rồi, bây giờ con phạt cô nha, thi lại bằng viết!". Đụ má, không lẽ bây giờ tao nói với nó là: "Em chính là người kêu chị thi lại luôn đó!". Thôi kệ, rớt 3 lần rồi mới nói, làm tao học bài mệt chết mẹ à.

Hai bà cháu cười quá trời, bà chở tôi đi ăn mừng, hai bà cháu ghé nhà hàng mua cơm hến và bún bò về nhà bà ăn. Ăn xong thì bà chở tôi về nhà bà mợ, tôi lại cắm đầu vào học bài. Bà cũng hay tới nhà tôi chơi, có lần bà mợ nói với bà ấy rằng: "Vân thúc nó quài mà nó không chịu thi bằng lái. Thủy biết không, bây giờ nó không có bằng lái, không ai nhận nó đi làm hết". "Vậy giờ kiếm thầy dạy cho nó chứ sao giờ" - bà nội tôi đáp. Sau khi bà ấy đi về, tôi với bà mợ mới lật tờ báo Người Việt Rao Vặt ra xem, tôi thấy rất nhiều người dạy lái xe nên chọn đại một người. Thầy Bình là con lai, nói tiếng Việt không rành, có phần khó tính. Thầy dạy 6 buổi, mỗi buổi 1 tiếng, tổng cộng 600 đồng, bao đậu. Cứ cách vài ngày trong tuần là thầy qua đón tôi đi tập lái xe, khóa học kéo dài hơn 1 tháng vì thầy có nhiều học sinh. Sau gần 2 tháng tập lái xe mòn mỏi, tôi đã đậu bằng lái ở Fullerton; một ông người Mỹ da trắng và hơi bự con chấm thi cho tôi, ông có giọng nói to rõ và có phần dễ tính, ông bảo tôi quẹo phải, chạy thẳng, tấp vào lề,... Phần thi chỉ có 13 phút, 6 phút trong khu nhà và 7 phút ở ngoài đường. Xong xuôi hết, ông bảo tôi chạy về DMV; sau khi đỗ xe xong, ông chúc mừng tôi và vẽ mặt cười vào bảng điểm, sau đó ông hướng dẫn tôi cách nhận giấy chứng nhận trong văn phòng rồi ông vui vẻ rời đi, lúc đó tôi nhìn vào tờ giấy thì thấy mình bị trừ 6 điểm do ôm cua quá rộng và lùi xe không thẳng; không sao, thầy tôi nói bị trừ 15 điểm vẫn đậu, ăn mừng thôi!

Sau khi tôi thi bằng lái xong, bà thím của tôi bên Pennsylvania đặt vé máy bay cho tôi sang bên đó chơi. Trước khi học kì kết thúc, tôi đến trường vào ngày cuối cùng trong tuần; tôi đến để nói lời tạm biệt với những người mà tôi yêu quý. Tôi đem theo một set mì Shin cho Mia, cô ấy không có ở đây, nên tôi đã để lại tờ giấy note trên món quà, và đặt nó ở văn phòng International Club. Đó là những điều cuối cùng mà tôi có thể làm cho Mia, cô ấy cũng rất buồn khi biết tin tôi sẽ rời đi; tôi đã nói với cô ấy rằng mình sẽ không học ở GWC nữa, vì ở đây không có chuyên ngành mà tôi muốn học. Mia nhắn tin cho tôi và nói lời cảm ơn vì món quà, tôi cũng hứa với cô ấy rằng; nếu tôi có thời gian thì sẽ ghé thăm trường hoặc là tham gia các sự kiện như tôi đã từng. Về phía Hân thì tôi nhắn tin nói lời tạm biệt với cô ấy, tôi rất vui khi có một người bạn như Hân, chuyện gì cô ấy cũng giúp đỡ tôi cả. Tôi đi vòng vòng xung quanh trường thêm một lần nữa, tôi muốn ghi nhớ mọi thứ về nơi đây, ngôi trường tuyệt vời này, những con người tốt đẹp này... Địa điểm cuối cùng mà tôi đến đó là căn tin. Tôi bắt gặp Zoe đang ngồi một mình ở đây, cô ấy đang vẽ một chú cún, tôi đi đến chào hỏi:

- Hi Zoe! Bạn khỏe không? Kamela đâu rồi?

- Hi Chery! Mình khỏe, chắc là cô ấy đang bận việc gì đó rồi, mình không biết nữa. (Zoe mở to đôi mắt, cười rạng rỡ đáp)

Vẫn là ánh mắt đó, ánh mắt trìu mến mà Zoe dành cho tôi có gì đó đặc biệt, không giống như bạn bè nhìn nhau, tôi biết Zoe có tình cảm với tôi, nhưng cô ấy có người yêu rồi. Tôi ngồi kế bên Zoe và nói với cô ấy về ý định chuyển trường của mình:

- Thật lòng mà nói thì... mình sắp chuyển trường rồi, mình sẽ học ở Santa Ana College vào mùa xuân.

- Oh vậy hả? (Zoe ngạc nhiên đáp)

- Ừm, tại vì Golden West không có chuyên ngành của mình.

- Vậy bạn có thể nói lại cho mình biết chuyên ngành của bạn là gì không?

- Là dược sĩ! Mình đã hỏi rất kỹ về các chương trình học ở đây nhưng rất ít trường cao đẳng cộng đồng có chuyên ngành này, chịu thôi, mình bó tay rồi. Thật lòng thì mình không muốn xa các cậu đâu, mình sẽ nhớ các cậu lắm!

- Cho mình số điện thoại của bạn nha! (Zoe đưa cho tôi cái điện thoại của cô ấy)

- Oh, bạn có xài Instagram không? (Tôi hỏi)

- Tất nhiên! Chúng ta có thể nhắn tin trên đó, mình rất mong chờ! (Zoe hào hứng đáp)

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau hơn 1 tiếng, Zoe đang cố hoàn thành bức tranh để mang vào lớp mỹ thuật ăn mừng. Tôi hỏi cô ấy vẽ bức tranh này bao lâu, cô ấy trả lời: "Tầm khoảng một tuần", bức tranh khá to và Zoe không có nhiều thời gian để vẽ nó. Chú cún của Zoe là giống chó Doberman, nó có đôi tai dài với bộ lông màu nâu, chàng trai nhỏ tên là Alan. Lớp mỹ thuật đã diễn ra được 30 phút, và chính xác là Zoe đã trễ giờ vì mải mê nói chuyện và hoàn thành bức tranh. Tôi xách đồ giúp Zoe; nào là mâm đựng màu vẽ, nào là túi xách, nào là đàn guitar; cô ấy nói mình sẽ đem rất nhiều đồ vào mỗi thứ năm vì có nhiều lớp học. Đoạn đường từ căn tin đến lớp mỹ thuật khá xa, tầm 100 mét. Đi gần 5 phút mới tới, tôi và Zoe đặt đồ xuống chỗ ngồi còn trống, tôi tạm biệt cô ấy; Zoe cảm ơn tôi và hứa sẽ liên lạc thông qua Instagram; đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Zoe.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top