Chương thứ hai: Hội tranh trống (Tiết 1)
Những năm tám mươi, thị trường đồ cổ ở thành Bắc Kinh phân ra làm bốn khu vực lớn, phía đông có hai cái chợ âm phủ hay còn gọi là “chợ sớm”, một cái ở Sùng Văn môn, một cái ở Tuyên Vũ Môn, canh ba mở chợ, canh năm tan chợ, hai trăm năm nay vẫn luôn như vậy, bán hầm bà lằng các loại hàng bất chính vàng thau lẫn lộn, đồ tốt ở đó giá cũng không hề rẻ chút nào. Còn có hai nơi khác nữa, một là Xưởng Lưu Ly, ra đời và phát triển từ hai triều đại trước, còn một cái khác ra đời sau chót hiện cư ngụ tại chợ đồ cũ Phan Gia Viên. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng người ta vẫn truyền tai nhau rằng, nếu muốn tìm đồ cổ chất lượng thực sự thì phải đến Phan Gia Viên.
Lúc ấy mặt hàng buôn bán ở chợ đồ cũ Phan Gia Viên có thể nói là thượng vàng hạ cám, từ đồ cổ đến tang vật trộm cắp. Trong chợ, kẻ gian nhan nhản, rùa, thỏ tả pín lù loại người nào cũng có. Các sạp hàng ở vỉa hè đồ giả như mây mà đồ thật trên tay cũng không ít. Hôm nay ở chợ tôi đụng trúng một gã béo đeo bùa Mô Kim, kiếm chén cơm đổ đấu. Hồi đó ở Phan Gia Viên nhắc tới tên tôi, tốt xấu gì dù sao cũng có chút số má.
Gã béo đó là Lão Nghĩa mù, hôm đó, lão tới thăm tôi. Nếu xét về vai vế tôi phải gọi lão một tiếng "sư thúc". Lão tìm tới, giao cho tôi một cái túi vải lớn, trong túi có dù kim cương, bát chu sa, vuốt phi hổ, roi đả thần, móng lừa đen, áo thủy hỏa, áo da chuột, giày may mắn, ấn Phát Khâu, túi càn khôn, còn cả một cuốn "lăng phổ" nữa. Tôi nghe lão Nghĩa mù nói roi đả thần, bát chu sa, dù kim cương, túi càn khôn, vuốt phi hổ, áo thủy hỏa chính là do sư phụ lão tức sư tổ của tôi truyền lại.
Đó là toàn bộ trang bị hành nghề của dân đổ đấu. Mấy thứ này người ngoại đạo có cũng vô dụng, chỉ nằm trong tay người được trân truyền bùa Mô Kim mới có thể phát huy khả năng chân chính của nó.
Tôi vốn tưởng rằng lão Nghĩa mù niệm tình hương hỏa mà chiếu cố tôi, đâu biết rằng thực ra không phải lão định cho không. Mắt lão không tốt, lại lớn tuổi, tay chân chậm chạp, kiếm ăn không nổi nữa, muốn tôi đi kiếm đồ rồi chia cho lão một nửa. Kỳ thật cho dù lão không nói tôi cũng sẽ không để lão phải chịu thiệt. Có điều từ sau khi chui ra được từ núi quan tài, tôi đã không còn đổ đấu nữa. Theo tôi được biết, Mô Kim Phát Khâu nổi lên từ thời Hậu Hán, người đeo bùa là Hiệu úy, lưng cõng con dấu gọi là Thiên quan, đều có thuật tầm long.
Nói đến tầm long, long là gì? Long giả có thể sáng có thể tối, có thể lớn, có thể nhỏ, bay lên trời, lặn xuống vực sâu. Có người cho là chém gió, làm gì có ai nhìn thấy long? Người khác nhìn không ra nhưng Mô Kim hiệu úy có thể nhìn ra. Cái gọi là tầm long, chính là nhờ vào xem hình thế núi, xem thiên văn tìm nơi có long mạch, long huyệt. Tầm Long Quyết có nói: "Đại đạo long hành suất hữu chân, tinh phong lỗi lạc thì long thân, tứ chi phân xuất tứ thế giới, nhật nguyệt hạ chiếu vi sơn hình!" (Đi theo đường lớn sẽ gặp rồng, đỉnh tinh tú chiếu sáng là thân rồng, tứ chi phân ra bốn thế giới, soi sáng nhật nguyệt thành hình núi!) Mô Kim phù là vật hộ thân của dân đổ đấu Mô Kim Hiệu Úy, không có Mô Kim phù, không phải là Mô Kim Hiệu Úy. Mô Kim Hiệu Úy đeo phù tầm long, đào trộm mộ lấy bảo vật cứu nhân độ thế. Tổ sư gia lập ra quy củ: Mô Kim Hiệu Úy có hai điều đại cấm kỵ: Một: Không đi một mình; Hai: Không truyền cho người trong nhà. Không đeo phù thì không sao, đeo Mô Kim phù rồi, dám không tin hai đại kỵ này sao?
Điều hai đại kỵ này muốn dăn dạy đó là, không phải kiêng lúc gà gáy tắt đèn không được trộm mộ mà là tối kỵ việc hành động một mình, riêng lẻ. Bất luận bạn tài giỏi, nhiều kỹ năng thế nào đi chăng nữa, phạm vào đại kỵ, quay đầu lại đều không có kết quả tốt! Nghe nói Phát Khâu tầm long ấn bị hủy vào đời Minh, tôi không biết vật mà lão Nghĩa mù lấy được này thật hay là giả. Còn Mô Kim phù truyền lại tới đời sau chỉ còn ba miếng, tới những năm cuối triều Thanh lại rơi vào tay Trương Tam Thái Gia, một mình hắn ta đeo ba phù, cũng không dám tách Mô Kim phù ra. Trương Tam Thái Gia có bốn đồ đệ, Mô Kim phù truyền lại cho ba người đồng thời còn truyền lại một câu: "Hợp tắc sinh, phân tắc tử" (Hợp thì sống, chia thì chết). Mấy người bọn họ không tin lời này của Trương Tam Thái Gia, kết quả là toàn bộ đều bị chôn vùi trong lòng đất.
Ban đầu do hoàn cảnh bức bách tôi mới bất đắc dĩ phải đi trộm mô, tôi cũng không phải loại người lúc ngã sông thì hô cứu mạng, được cứu lên bờ mặc quần áo vào rồi lại còn khóc đòi xuống sông, chân không dài ra trên cơ thể người khác, đường đều do mình tự chọn mà đi, không nên nói hai chữ hối hận, nhưng mà cái nghề đổ đấu này, vất vả khổ cực thì không nói, nguy hiểm đến tính mạng mà cũng chỉ thu được vẻn vẹn một hai món đồ chôn theo người chết, tôi càng nghĩ càng cảm thấy không đáng. Minh khí (đồ chôn theo người chết) cho dù có đáng tiền, vẫn không đáng giá bằng mạng người. Người đời thường nói trộm mộ đoạt bảo có thể phát tài, đó là trong truyền thuyết cổ xưa thôi, thời đại bây giờ, tên lửa cũng phóng lên vũ trụ rồi, vài ba thủ đoạn trộm gà, trộm chó này cơ bản đã lỗi thời lâu rồi?
Nói khó nghe hơn một chút thì trộm mộ tổn hại âm đức, không cần biết là anh kiếm lời bỏ vào túi riêng hay là giúp đỡ người nghèo khổ, nói thế nào cũng vẫn là lấy đồ vật của người chết bán lấy tiền. Đồ người chết là đồ không nên lấy, kỳ trân dị bảo trong mộ cổ một khi lại thấy ánh mặt trời, tất nhiên sẽ dẫn tới chuyện tranh giành, cướp đoạt, tất có người mất mạng, nguyên nhân cũng đều đổ lên đầu Mô Kim Hiệu Úy. Bởi thế mới nói, chén cơn đổ đấu bới mộ này, không thể ăn cả đời được, tôi đã quyết tâm phải cao chạy xa bay.
Lão Nghĩa mù không đồng ý: "Hổ không rời núi, rồng không rời vực, cao chạy xa bay, nói dễ vậy sao!"
Lão tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao, tôi đã quyết tâm là phải ra đi, tôi mang toàn bộ vốn liếng trong tay đưa hết cho lão Nghĩa mù, lão chê không đủ, tôi cũng không có thêm nữa.
Đêm hôm ấy, tôi hẹn Thượng Bàn Tử (Thượng Béo) cùng Đại Kim Nha (Răng Vàng Lớn), đến quán cơm Đông Tứ. Nửa đêm không còn đồ ăn, chỉ còn bát bánh canh. Ba người ngồi xuống, tôi mang những việc đã trải qua nói với bọn họ một lượt.
Đại Kim Nha nói: "Hồ gia, buôn bán thứ đồ này không sợ thua lỗ, anh nên thuận theo chớ có coi thường số mệnh, mệnh của anh đã định là phải ăn chén cơm đổ đấu này rồi, nếu không những thứ này cũng sẽ không rơi vào tay anh!"
Tôi nói: "Tôi đổi lấy roi Đả thần, bát Chu sa, ô Kim Cương, Áo Thủy hỏa, cũng không phải là vì muốn hành nghề đổ đấu, chỉ vì không thể bỏ vật mà tổ sư truyền lại mà thôi. Hai người các anh không cần phải lo lắng, hiện giờ, tuy rằng tôi một đồng xu cũng không có, nhưng tôi đã nghĩ thông rồi. Sau này ra ngoài, ba anh em ta cũng không thể không ăn không uống, nghề mới thì làm không nổi, vả lại nghĩ kỹ lại thì sao phải đổi nghề chứ, trăm hay không bằng tay quen mà. Chúng ta vẫn cứ làm con buôn thì tốt hơn. Nghe đồn Quỷ thành có một kỹ nghệ tuyệt đỉnh, làm đầu phật giả cháo đầu thật, người bình thường căn bản không thể phân biệt. Anh mà có được một cái đầu Phật khiến cho hai ba mươi gã nhà nghề chong mắt mười ngày, nửa tháng cũng không dám chắc là thật hay giả, không sợ không bán được hàng, bán một cái cũng đủ ăn nửa năm. Chỉ có điều kỹ nghệ đó cũng không dễ có được, tôi còn phải nghiên cứu nữa, nhưng dù sao cũng tốt hơn đến nơi rừng sâu núi thẳm móc mộ cổ có phải không?”
Bàn Tử nói: "Bán một cái đủ ăn nửa năm, vậy còn trần chừ gì nữa? Hai hoành dựng lên đánh một chữ - Kiền!*
(Chữ Kiền干 hay là can nghĩa trong câu này là theo, do hai thanh ngang có một thanh dọc ở giữa dựng lên tạo thành nên mới có câu: hai hoành dựng lên đánh một chữ Kiền).
Đại Kim Nha nóng nảy: "Ôi trời hai vị đại gia, các người đừng trách Đại Kim Nha ta nói chuyện không lọt tai nha, bán một cái mà đủ ăn nửa năm, vậy cũng còn phải xem là ăn cái gì nữa kìa, ăn bánh canh nửa năm cũng còn chưa chắc, thật đó! Hồ gia anh đừng có chê tôi nói năng dông dài, anh nói xem anh cũng già đầu rồi, vì sao vẫn phải tối ngày lăn lộn ở cái chỗ không ra gì, thực ra chỉ cần qua lại với mấy người có lai lịch thôi thì cuộc sống của anh cũng đã khác lắm rồi. Ngược lại anh cái gì cũng không muốn, chỉ chăm chăm buôn bán “lược giao hàng” (hàng giả), không phải là muốn làm muối mặt tổ tông sao? Không để cho anh gặp vố thua lỗ lớn, đồ đạc trong nhà đội nón đi sạch, thì anh còn chưa trắng mắt ra! Tôi cũng không muốn múa lưỡi với anh nữa, anh ngồi đây mà tự ngẫm lại đi, đừng khiến cho toàn bộ nước miếng của Đại Kim Nha tôi phải lãng phí trôi theo dòng nước!"
Đại Kim Nha lại nóng nảy nói: “Béo ca ca, ngươi đừng có chỉ biết quan tâm đến bánh canh như thế, nói vài câu đi!
Bàn Tử nói: “Tôi theo Hồ huynh, như anh nói đó tương lai sợ rằng cả bát bánh canh cũng không được húp nhiều nữa, tôi còn không tranh thủ húp hai bát được sao?
Đại Kim nha nói: "Lại còn hai bát nữa? Đầu óc giản đơn, đổi lại là ta, nuốt cũng chẳng trôi!"
Bàn tử nói: "Bánh canh còn húp không được? Anh dựa vào cái gì mà đòi làm việc lớn? Dựa vào tổ tiên hả?”
Đại kim nha thấy Bàn tử không để ý tới lời của hắn, xì mũi chán nản một cái, xoay đầu lại nì nèo tiếp với tôi.
Tôi nói: "Anh phun ra cả chậu nước miếng, rốt cuộc là muốn nói gì? Không phải là muốn tôi đi đổ đấu đó chứ?”
Đại Kim Nha nói: "Không phải, anh đường đường là Mô Kim Hiệu Úy, vậy mà lại buôn bán “lược giao hàng”, còn mặt mũi đi lại bên ngoài sao? Anh không thấy có lỗi với tổ sư gia sao? Trên tay không có đồ thật mà có thể là Mô Kim Hiệu Úy sao? Chỉ có Mô Kim Phù thôi chưa đủ, muốn kiếm nhiều tiền vẫn là phải có hàng thật, không cần tham nhiều, chỉ cần có một hai món đồ thật, từ nay về sau tuyệt đối có thể phát tài!"
Tôi cùng Bàn Tử đều biết Đại Kim Nha không giỏi chửi bậy, hắn ta đầu tóc suốt ngày chải keo bóng nhẫy, giọng thì lơ lớ Bắc Kinh pha tiếng Mỹ, ít chửi bậy nhưng giọng điệu thì đầy vẻ lên lớp, rất biết ra oai, nhìn qua thì là “nhân mô cẩu dạng” * có điều người ngoài chỉ cần mạo phạm tới hắn một chút thôi, hắn dám bán con của họ lấy tiền, để họ khóc tới mù mắt chứ đừng đùa! Loại thương nhân như hắn, cần bạn thì nói trước mặt, không cần bạn sẽ nói xấu sau lưng, bình thường kiếm cơm bằng cái miệng. Có điều những lời này của hắn cũng không phải hoàn toàn vô lý, "Lược giao hàng" là tiếng lóng trong nghề, nói cách khác, người mua bán thứ đồ này chẳng khác nào để cho người ta ném qua ném lại, chẳng may mua bán thất bại ngã sứt đầu mẻ trán như chơi. Hơn nữa giới buôn bán “lược giao hàng” ở thành phố thường phải có nhiều mánh lới đối phó với người ngoài, muốn phát tài ở nghề này, tuyệt không hề đơn giản.
(* thành ngữ có ý châm chọc chỉ những người hình dung, cử chỉ, không giống người như dáng vẻ giả bộ nghiêm trang, lịch sự thái quá …)
Buôn bán đồ cổ không giống với những loại hình kinh doanh khác, có đổi vật ra tiền được hay không, hoàn toàn dựa vào nhãn lực và kiến thức, sau này phát giác ra bị mắc lừa, cũng đành ôm hận nhận phần thiệt thòi mà thôi. Xét trên đạo lý này mà nói, trước mắt thật giả bất phân, sau này dù thật dù giả biết được rồi cũng chỉ là "cánh tay gãy trong ống tay áo", ngã ngựa rồi dậy không nổi, phải tranh thủ lúc còn sớm kiếm bãi nước trong tránh lội nước đục. Ở Phan Gia Viên "lược giao hàng" có thể dễ bán, tôi lại đeo Mô Kim phù, đồ trên tay tôi ai dám nói không phải là đồ thật? Nhưng ra ngoài rồi, không có đồ thật thì đương nhiên là không ổn. Muốn bán được "Lược giao hàng", ít nhất cũng cần có một hai món đồ thật để ngụy trang, nếu không thì khó mà có chỗ đứng.
Đại Kim Nha nói: "Hai người các anh nghe tôi một lần, không phải bảo chúng ta đi đổ đấu, mà là ra ngoài một chuyến, thu mua mấy món đồ mới được đào lên rồi nói là Mô Kim Hiệu Úy chúng ta móc được, Đại Kim Nha tôi nhận chi tiền vốn, cho dù bất kể kiếm được bao nhiêu tiền, anh đây ba phần ăn một, thế nào? Hồ gia, Bàn gia hai người các anh đều là người thẳng thắn, nói một câu xem, có được hay không, một lời quyết định đi!"
Tôi với Bàn Tử vốn là những kẻ không thích ngồi mát ăn bát vàng, ưa lao đầu vào mấy nơi mạo hiểm, nghe con đường Đại Kim Nha vẽ ra như vậy thấy cũng có lý, không thể không động tâm, vấn đề là đồ thật ngày nay không dễ tìm, không móc ở mộ thì lấy đâu ra?
Vừa hay ở Quan Trung (Lưu vực Sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) có một gã là Mã Lão Oa Tử, không lâu trước đây nhờ người bắn tin, tuyên bố rằng mới lượm được bảo vật trên núi. Chúng tôi ngay cả Đại Kim Nha cũng chưa từng gặp Mã lão Oa Tử, không biết tin này chính xác được mấy phần.
Đại Kim Nha nói nếu thực sự muốn thu mua đồ thật, không phải là không có khả năng. Quan Trung- Thiểm Tây xưa kia vốn là vùng đất Đế vương, Nhà Chu hưng thịnh như rồng, đất Tần vững như hổ, từ thời Lưỡng Hán (Tây Hán và Đông Hán) đến nay đều vô cùng coi trọng Quan Trung. Ở đó cổ mộ nhiều, dân trộm mộ cũng nhiều, có điều cổ mộ cho dù nhiều, trộm mãi cũng cạn. Nhất là đối với những vùng quê nghèo hoang vắng, mười năm thì tới chín năm không cấy hái gì được.
Từ hai triều Tần, Hán tới nay, trộm mộ đã trở thành phong trào. Đạo tặc đào nhiều năm như vậy, không có ngôi mộ cổ nào mà chưa bị động vào. Có đến trên trăm cái mộ sắp bị rỗng như cái rổ rồi, cũng chẳng còn đồ gì có giá trị để trộm nữa. Dân chúng địa phương ăn chén cơm này quả thật cũng vô cùng vất vả, buông bỏ thì không được, đói ăn vụng, túng làm liều, quyết tâm chuyển sang làm “lược giao hàng”. Tay nghề chế tác “lược giao hàng” nghe nói cũng truyền qua nhiều đời, làm đồ giả tráo đồ thật. Người mua chỉ cần sơ sót một chút, chẳng những không thu được chút tiền lời nào, mà còn có thể lỗ nặng vì mắc lừa.
Cũng may Đại Kim Nha có cái mũi rất thính, hắn không cần nhìn mà chỉ dùng lỗ mũi cũng ngửi ra được thật giả, hơn nữa hắn có mối khách hàng lớn, cổ nhân thường nói "Hóa đáo địa đầu nhi tử"*, có người mua mới dám kiếm hàng. Ba người thảo luận hồi lâu, quyết đinh đi Quan Trung một chuyến, tìm một hai món đồ thật làm màu để từ nay về sau đi lừa đảo.
*(Hàng xuống đất thủ lĩnh chết- ngạn ngữ Trung Quốc ý nói nếu người bán không chuẩn bị thương lượng với khách hàng trước, sản xuất số lượng lớn, đến lúc chuyển tới bị ép giá hoặc không lấy nữa người bán sẽ chịu thua thiệt)
Theo hoàng lịch, bốn ngày sau là ngày tốt, thích hợp xuất hành. Hôm đó, tôi cùng Bàn Tử, Đại Kim Nha gấp rút tới Quan Trung. Vận trang phục mang theo đạo cụ đổ đấu bất li thân, trước giờ chúng tôi ra ngoài làm ăn buôn bán cũng đều dựa vào mấy thứ này để dọa người.
Ba người tới Tây An trước, không hổ danh là đất cố đô, tám trăm dặm đất Tần bụi vàng tung bay, danh lam thắng cảnh cổ xưa nhiều vô số. Nói tới ẩm thực, sủi cảo Đức Phát Trường, phao mô hay thịnh tường (các món đồ ăn vặt ở TQ) có thể nói là cái gì cần có cũng đều có đủ. Có điều chạy qua chạy lại ở đây lâu cũng không được, còn phải về vùng nông thôn hẻo lánh nữa. Chúng tôi đi dạo ở Tây An nửa ngày, rồi lại ngồi xe đường dài tới Hàm Dương, qua Kỳ Sơn, lại đi về hướng tây, đều là núi non trùng trùng điệp điệp. Thế núi hoang dã oai phong, hùng vĩ như rồng xanh, từng ngọn từng ngọn như lầu rồng bảo điện.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top