mo hinh o nhiem
CHƯƠNG 1
MỞ ĐẦ
1.1. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP BÁO CÁO
Khu Hố Gần nằm trong diện tích dự án vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, trong diện tích Giấy phép Đầu tư số 140/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp cho Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu ngày 05/3/1991.
Dự án vàng Bồng Miêu của công ty Khai thác vàng Bồng Miêu (BOGOMIN) là dự án liên doanh giữa công ty Covictory Investment Ltd (giấy phép đầu tư số 140/GP ngày 05/3/1991), sau đó chuyển nhượng cho Công ty Bong Mieu Holdings Ltd (Giấy phép điều chỉnh 140/ĐCGP1, ngày 29/11/1993) với công ty Phát triển Khoáng sản (MIDECO) thuộc Bộ Công nghiệp và Xí nghiệp Khai thác vàng Bồng Miêu (nay là Công ty Công nghiệp Miền Trung) của tỉnh Quảng Nam, trong đó Bong Mieu Holding Ltd. sở hữu 80%, MIDECO sở hữu 10% và Công ty Công nghiệp Miền Trung sở hữu 10%. Liên doanh được thành lập để khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, thời hạn giấy phép đầu tư là 25 năm. Thời hạn này có thể gia hạn.
Kết quả của công tác thăm dò ở khu vực mỏ Bồng Miêu do công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu tiến hành từ năm 1991 đến nay đã xác định được trữ lượng có giá trị thương mại là 858.000 tấn quặng với hàm lượng vàng trung bình 2.42 g/T tại khu Hố Gần.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và các Nghị định của Chính phủ về bảo vệ môi trường, công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án khai thác khu Hố Gần thuộc mỏ vàng Bồng Miêu. Báo cáo ĐTM được công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu và Công ty Kingett Mitchell Limited, Auckland, New Zealand lập trên cơ sở các công trình nghiên cứu môi trường thực hiện trong các năm 1994-1996 và 2004.
Báo cáo này trình bày các kết quả nghiên cứu môi trường, phân tích tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu, đồng thời phân tích những mặt tích cực trong việc phát triển mỏ theo hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của luật, nghị định và thông tư về bảo vệ môi trường như liệt kê trong phần 1.2 dưới đây.
1.2 NỘI DUNG BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM)
CÁC VĂN BẢN PHÁP QUY
Báo cáo được thành lập trên cơ sở các văn bản pháp quy chính sau đây:
- Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 và Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố ngày 10/1/1994.
- Nghị định số 175/CP của Chính phủ ngày 18/10/1994 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
- Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
- Các tiêu chuẩn Nhà nước Việt Nam về môi trường: Bộ TCVN theo Quyết định số 35/2002/QĐ- BKHCNMT ngày 26/4/2002 về 31 tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
- Quyết định số 1971/1999/QĐ-BKHCNMT quy định về quy trình công nghệ sử dụng và tiêu hủy xyanua;
- TCVN 4586/1997 về bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
- Thông tư liên tịch Bộ Tài chính-Công nghiệp-Khoa học, Công nghệ và Môi trường số 126/1999/TTLT-BTC-BCN-BKHCNMT, ngày 22/10/1999 hướng dẫn việc ký quỹ để phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.
- Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT, ngày 29/4/1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường v/v: Hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư.
1.2.1 CÁC GIẤY PHÉP ĐƯỢC CẤP
- Giấy phép Đầu tư số 140/GP do Ủy Ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 05/3/1991.
- Điều chỉnh Giấy phép Đầu tư số 140/ĐCGP1, ngày 29/11/1993 của UBNN HTĐT cấp.
- Giấy phép khai thác mỏ số 582/CNNg-KTM, ngày 22/7/1992 do Bộ Công nghiệp nặng cấp;
- Quyết định cấp đất số 1569/QĐ-UB ngày 9/10/1993 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
(xem Phụ lục I)
1.2.2 TÀI LIỆU KỸ THUẬT ĐỂ XÂY DỰNG BÁO CÁO
Các tài liệu đã sử dụng để xây dựng báo cáo này bao gồm:
- Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khai thác khu mỏ vàng Bồng Miêu do công ty Lycopodium - Australia lập năm 1996 .
- Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khu Hố Gần do công ty Micon lập tháng 10 năm 2004.
- Các kết quả thử nghiệm mẫu công nghệ Hố Gần do công ty Gekko – Ballarat Australia lập năm 2004.
- Các tài liệu thăm dò địa chất mỏ Bồng Miêu và khu Hố Gần
- Các tài liệu lưu trữ của đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ, số liệu về địa lý, kinh tế, nhân văn của Ủy Ban nhân dân thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
- Báo cáo nghiên cứu môi trường nền khu vực Bồng Miêu do Jon L. Rau lập năm 1996.
- Số liệu điều tra, nghiên cứu và kết quả phân tích về môi trường hiện tại.
- Số liệu điều tra về tình hình kinh tế xã hội trong khu vực dự án và các khu lân cận.
- Các phương pháp, công nghệ xử lý chất thải.
- Các tài liệu kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới về xây dựng báo cáo ĐTM.
NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO
Mục tiêu của báo cáo đánh giá tác động môi trường là cung cấp cơ sở cho các cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường của Việt Nam có thể đánh giá dự án.
Nội dung chính của báo cáo bao gồm:
- Giới thiệu về mỏ Hố Gần , phương pháp khai thác, công nghệ tuyển luyện, việc sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu và hóa chất, v.v
- Đánh giá hiện trạng môi trường nền (môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội) khu vực dự án.
- Đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực có thể có do hoạt động khai thác và chế biến vàng ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên và sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
- Đưa ra các phương án giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có ảnh hưởng đến môi trường và đánh giá các phương án để lựa chọn.
- Lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường trong quá trình thực hiện dự án. Giám sát, đào tạo và quản lý nhân lực, sử dụng thiết bị. Lập kế hoạch chi phí quan trắc, giải pháp giảm thiểu và ký quỹ môi trường.
Về cơ bản, cấu trúc của báo cáo ĐTM tuân theo “Nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường” quy định trong Phụ lục 1.2, Nghị định số 175/CP của Chính phủ ngày 18/10/1994 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, có tham khảo “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác chế biến đá và sét” do Cục Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành năm 1999.
1.2.3. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG BÁO CÁO
Các phương pháp đánh giá tác động môi trường được sử dụng trong báo cáo ĐTM bao gồm:
- Phương pháp liệt kê (Checklist): thu thập và xử lý các số liệu về điều kiện tự nhiên (khí tượng, địa lý, thủy văn..) và điều kiện kinh tế xã hội tại khu vực triển khai dự án.
- Phương pháp nghiên cứu, khảo sát thực địa: lấy mẫu ngoài hiện trường và phân tích xử lý trong phòng thí nghiệm nhằm xác định các thông số về hiện trạng chất lượng môi trường không khí, nước, đất và tài nguyên sinh vật tại khu vực dự án.
- Phương pháp đánh giá nhanh: dựa vào hệ số ô nhiễm do WHO thiết lập và đánh giá tác động môi trường ở các mỏ có điều kiện tương tự để tiến hành đánh giá mức độ tác động môi trường sinh ra từ các hoạt động của dự án khai thác mỏ Hố Gần.
- Phương pháp điều tra xã hội học nhằm thu thập các thông tin về kinh tế xã hội trong khu vực dự án.
- Phương pháp so sánh dùng để đánh giá tác động môi trường trên cơ sở các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN-1995-2000 và 2001), hoặc các tiêu chuẩn môi trường quốc tế khác.
- Phương pháp mô hình hóa: Khu chứa thải và sự cân bằng nước của khu mỏ đã được mô hình hóa để đánh giá khối lượng nước trong quy trình tuyển và lượng nước được xử lý, thải ra. Đây chỉ là mô hình sơ bộ và sẽ được chi tiết hóa trong kết quả phân tích sau này trước khi đi vào sản xuất.
1.2.4. TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN BÁO CÁO ĐTM
Báo cáo ĐTM dự án mỏ Hố Gần do Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu gồm các ông Rodney H. Murfitt, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh và các chuyên gia môi trường của Công ty Kingett Mitchell, Auckland, New Zealand gồm Geoff Boswell (chuyên viên tư vấn cao cấp), Adrian Goldstone (chuyên viên xử lý môi trường mỏ và Giám Đốc Quản lý), Nick Corlis (Kỹ sư Môi trường cao cấp), Brett Sinclair (Kỹ sư Địa chất thủy văn), Paul May (Kỹ sư Môi trường), Dr.Ian Boothroyd (Nhà sinh thái học) và John Cawley (Chuyên gia đánh giá tác động tiếng ồn) thành lập.
Tham gia thu thập, nghiên cứu, xử lý số liệu còn có các đơn vị và cá nhân:
- Trung tâm nghiên cứu địa chất môi trường của trường Đại học mỏ địa chất Hà nội: Giáo sư Tiến sĩ Võ Năng Lạc, Giáo sư Tiến sĩ Bùi Học, Tiến sĩ Hà Văn Hải, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lãm, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Quý Nhân. Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu về sự ô nhiễm kim loại nặng tại thung lũng sông Vàng, chất lượng nước và nguồn nước ngầm vào năm 1996.
- Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường thuộc trường Đại học Quốc gia, Hà nội. Các nhà khoa học của Trung tâm gồm Giáo Sư Võ Quý, GS-TS Hà Đình Đức, GS-TS Nguyễn Nghĩa Thìn, TS Nguyễn Thái Tú và nhà sinh vật học Nguyễn Đức Tú đã tiến hành nghiên cứu về hiện trạng tài nguyên sinh vật trong vùng dự án, 1995-1996.
- TS sử học Nguyễn Văn Đoàn của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu môi trường kinh tế-xã hội trong những năm 1995-1996.
- TS Jon H. Rau tiến hành nghiên cứu môi trường nước, phân tích các tài liệu sẵn có của các chuyên gia đã thực hiện trước đây và lập báo cáo môi trường nền khu vực dự án vào năm 1996.
- Công ty Coffey Geosciences Ptd., nghiên cứu điều kiện địa chất công trình khu vực và thiết kế đập chứa thải, năm 2004.
- Chuyên viên tư vấn cao cấp Geoff Boswell và những người khác của công ty Kingett Mitchell cùng cán bộ công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu tiến hành nghiên cứu môi trường bổ sung về chất lượng nước, và cập nhật các số liệu mới về kinh tế - xã hội năm 2004 để lập nên báo cáo ĐTM này.
CHƯƠNG 2
MÔ TẢ SƠ LƯỢC VỀ DỰ ÁN
2.1.TÊN DỰ ÁN
Dự án khai thác vàng khu Hố Gần, mỏ Bồng Miêu (sau đây gọi tắt là dự án Hố Gần).
2.2. CHỦ DỰ ÁN
Tên công ty
Tên tiếng Việt:
Tên tiếng Anh:
Tên giao dịch:
Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu
Bong Mieu Gold Mining Co., Ltd.
BOGOMIN
Trụ sở mỏ:
Xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh,
tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng giao dịch:
113/2 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng.
Giấy phép thành lập
Giấy phép Đầu tư số 140/GP ngày 05/3/1991 và Giấy phép điều chỉnh số 140/ĐCGP1 ngày 29 tháng 11 năm 1993
Số điện thoại:
0 511 826518
FAX:
0 511 824130
BOGOMIN là một công ty liên doanh, với các chủ đầu tư gồm:
Bên Việt Nam:
1-Công ty Phát triển Khoáng sản (MIDECO) thuộc Bộ Công nghiệp.
Địa chỉ: 183 Đường Trường Chinh, Hà Nội.
ĐT: 04-8528509 Fax: 04-7840209
Tỷ lệ góp vốn: 10%
2- Công ty Công nghiệp Miền Trung (thay thế cho Xí nghiệp Khai thác Vàng Bồng Miêu), thuộc Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
Địa chỉ: Xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
ĐT: 0510-665022/665023
Fax: 0510-665024
Tỷ lệ góp vốn: 10%.
Bên Nước ngoài:
Bong Mieu Holdings Limited.
Đăng ký tại : Bangkok, Thailand
Địa chỉ : 2507 Soi Labprao
Tỷ lệ góp vốn vào liên doanh: 80%
2.3. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN
Khu Hố Gần nằm trong khu vực giấy phép đầu tư 140/GP của dự án mỏ vàng Bồng Miêu ở địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Khu vực giấy phép đầu tư có diện tích là 30km2, được khống chế bởi các điểm góc A,B,C,D với tọa độ:
Điểm góc X (UTM) Y(UTM)
A 220413.9500 1706845.4200
B 226489.4300 1706845.4200
C 226497.3800 1701706.1800
D 220413.9500 1701706.1800
Mỏ nằm cách thị xã Tam Kỳ 15 km về phía tây - nam và cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về phía Đông - Nam. (xem hình 2.1 và 2.2)
Trung tâm khu vực hoạt động sản xuất của dự án nằm ở đồi Hố Gần, cách khu dân cư gần nhất khoảng 2,0km.
2.4. MỤC TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI VÀ Ý NGHĨA CHÍNH TRỊ CỦA DỰ ÁN
2.4.1 MỤC TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI
Dự án đầu tư mỏ Bồng Miêu là dự án khai thác vàng quy mô công nghiệp và hiện đại đầu tiên ở Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ra đời năm 1987. Dự án khai thác khu Hố Gần là bước đầu của toàn bộ dự án khai thác khu mỏ Bồng Miêu. Dự án có những mục tiêu sau:
(1)Khai thác, tận dụng tài nguyên khoáng sản, góp phần xây dựng khu/ngành công nghiệp khai thác chế bến vàng hiện đại ở khu vực Miền trung và ở Việt Nam;
(2)Tăng thu ngân sách cho Nhà nước từ các loại thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên.
(3)Tạo công ăn việc làm trực tiếp cho lao động phổ thông và có tay nghề tại chỗ của địa phương và gián tiếp thông qua các hợp đồng dịch vụ. Đa dạng hóa các ngành kinh tế trong khu vực dự án, v.v…
(4)Hạn chế và giảm thiểu các hoạt động khai thác vàng trái phép trong khu vực. Điều này chắc chắn sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng phá hoại môi trường như hiện nay, và Nhà nước sẽ thu được thuế từ dự án khai thác vàng ở Hố Gần và các khu khác trong khu mỏ Bồng Miêu theo quy định của pháp luật.
(5)Sự thành công của dự án sẽ có tác động rất lớn đến thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đồng thời cũng làm cho các nhà đầu tư nước ngoài có sự tin cậy an tâm về một môi trường đầu tư an toàn, làm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư vào địa phương nói riêng và cả nước nói chung…
2.4.2. LỢI ÍCH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN
Căn cứ vào trữ lượng đã xác định được, hoạt động khai thác khu Hố Gần dự kiến sẽ kéo dài trong 3 năm. Tuy nhiên việc tiếp tục thăm dò sẽ làm tăng trữ lượng và kéo dài thời gian hoạt động của mỏ. Sản lượng vàng trong 3 năm đầu trung bình từ 14.000 đến 20.000 oz vàng/năm, vàng được xuất khẩu, đem lại nguồn thu cho ngân sách từ các loại thuế, điều không có được từ hoạt động khai thác vàng thủ công trái phép hiện nay.
Trong quá trình hoạt động dự án sẽ sử dụng khoảng 170 đến 220 lao động, trong đó chỉ có khoảng từ 6 đến 8 người nước ngoài, còn lại là lao động địa phương hoặc lao động Việt Nam có kỹ thuật cao tuyển từ các tỉnh khác, v.v. Dự án phát triển sẽ kéo theo một lực lượng lao động khoảng 1.200 đến 1.580 người hoạt động trong các ngành dịch vụ liên quan đến dự án. Đây sẽ là những động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa trong vùng.
Khai thác vàng quy mô công nghiệp sẽ giảm thiểu và chặn đứng các hoạt động khai thác vàng thủ công trái phép, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái do hoạt động khai thác vàng trái phép gây ra, đưa lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phục hồi môi trường.
2.5. NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG CỦA
DỰ ÁN HỐ GẦN
Các hoạt động chính của công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu là tiến hành thăm dò, khai thác vàng và các khoáng sản đi kèm tại khu mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm cuối cùng là vàng doré. Sản phẩm sẽ được xuất khẩu 100%.
Mỏ Bồng Miêu gồm các khu Núi Kẽm, Hố Ráy - Thác Trắng và Hố Gần (hình 2.1, 2.2). Mỏ Bồng Miêu được phát hiện và khai thác bởi người Chàm từ hàng trăm năm về trước, được người Pháp khai thác từ năm 1895 đến 1942 và được công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu tiến hành thăm dò đánh giá lại từ năm 1991.
Khu Hố Gần nằm ở phía nam sông Vàng và phần phía tây của khu vực giấy phép đầu tư Bồng Miêu, cách văn phòng Bồng Miêu 2km về phía nam (xem hình 2.2).
Khu Hố Gần nằm ở trung tâm nếp lồi Bồng Miêu. Tại đây phát triển các tập đá phiến gơnai cắm thoải về tây, bị xuyên cắt bởi granit và pecmatit . Khoáng hóa vàng phát triển trong các đời cà nát, cắm thoải, và đới dăm kết cà nát (hình 3.1, 3.1.1).
Trữ lượng có thể khai thác của khu Hố Gần dự kiến khoảng – 858.000 tấn quặng với hàm lượng 2.42g/t vàng. Tổng trữ lượng vàng có thể khai thác ước khoảng 53.800 auxơ hoặc 1,67 tấn vàng (theo Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi mỏ Hố Gần, 2004)
Theo công suất thiết kế, sản lượng khai thác của nhà máy khoảng từ 100.000 đến 180.000 tấn quặng/năm. Sản phẩm thương mại của mỏ là vàng và bạc.
Song song với việc khai thác trữ lượng quặng đã được xác định, công ty sẽ tiến hành thăm dò bổ sung các khu Hố Ráy - Thác Trắng và Núi Kẽm đã được thăm dò trước đây và các khu có triển vọng khác trên toàn diện tích giấy phép đầu tư nhằm tăng trữ lượng để kéo dài tuổi thọ của mỏ.
2.5.1. MẶT BẰNG XÂY DỰNG MỎ
Mặt bằng xây dựng mỏ khu Hố Gần được trình bày ở hình 2.2, gồm khu khai thác lộ thiên, khu nhà máy và Văn phòng mỏ ở trên đồi Hố Gần, khu đập chứa thải ở thung lũng suối Lò (Xã Kok Sáu), và các công trình xây dựng phụ trợ khác. Khi dự án đi vào sản xuất sẽ phải xây dựng các con đường giao thông sau đây:
· Đường giao thông từ thôn 10, xã Tam Lãnh qua sông Vàng lên Hố Gần dài khoảng 1,0 km. Sẽ phải xây dựng một ngầm tràn bằng bê tông qua sông. Dự kiến con đường này mỗi ngày có dưới 50 lượt xe qua lại.
· Đường nội mỏ từ nhà máy đến khu khai thác, đến đập chứa thải và nhà làm việc tại mỏ, dài 3,5 km.
2.5.2. CÔNG NGHỆ KHAI THÁC VÀ TUYỂN KHOÁNG
2.5.2.1. Lựa chọn phương pháp khai thác
Các tiêu chí sử dụng để đánh giá và lựa chọn phương pháp khai thác lộ thiên mỏHố Gần là:
· Quy mô và hình thái thân quặng
· Hàm lượng khoáng hóa và sự phân bố kim loại
· Độ sâu của thân quặng
Căn cứ vào đặc điểm thân quặng nằm gần mặt hoặc lộ trên mặt, khu Hố Gần sẽ được khai thác bằng phương pháp lộ thiên để bảo đảm khai thác quặng an toàn và hiệu quả nhất. Phương pháp khai thác lộ thiên cho phép đạt sản lượng cao. Đây là một phương pháp công nghệ hiện đang được ứng dụng tại ViệtNam.
Các moong khai thác sẽ được mở theo sườn đồi, từ độ cao 200 m ở đỉnh Hố Gần đến 100m ở thung lũng Suối Lò (hình 2.5)
2.5.2.2 Khu chứa thải (TSF)
Khu chứa thải gồm một đập thải chính và ba đập phụ xây dựng ở thung lũng Suối Lò. Đập chắn thải chính (đập số 1) sẽ được xây dựng tại một vị trí thu hẹp của thung lũng ở độ cao 95m và các đập phụ sẽ được xây dựng ở độ cao 100m. Theo thiết kế thì khu chứa thải là một khu giữ nước không bị rò rỉ, được xây dựng bằng một lớp sét có độ thấm thấp. Dung dịch xử lý trong khu chứa thải ngấm qua lớp sét sẽ được gom vào một cái mương nằm dưới đáy của đập thải rồi chảy vào một trũng thu nước được xây thấp hơn so với đập thải chính, ở độ cao 85m.
Đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết (đập số 3) được xây dựng ở suối nhánh phía đông của thung lũng Suối Lò, phía trên đập thải chính. Bề mặt khu chứa thải ngâm chiết sẽ được lót lớp sét chống thấm để ngăn sự thấm nước thải xuống các tầng nước ngầm.
Sẽ xây dựng hai đập ngăn nước, một ở nhánh suối phía đông (đập số 4) ở phía trên đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết, và một ở nhánh suối phía tây (đập số 3) của thung lũng Suối Lò ở phía trên đập chính. Các đập này dùng để chứa nước và khi đầy nước sẽ chảy vào các kênh dẫn nước bao quanh khu chứa thải.
Để ngăn và tiêu nước từ sườn thung lũng suối Lò đổ xuống các khu chứa thải, sẽ phải đào kênh tiêu nước bao quanh khu chứa thải.
Một trũng thu nước được đặt ở hạ nguồn đập thải chính và từ đây lượng nước thấm ra từ thân đập sẽ được bơm ngược trở về khu đập chứa thải chính.
Chất thải từ quá trình tuyển trọng lực và tuyển nổi sẽ được thải bằng ống dẫn trọng lực từ nhà máy ở độ cao 150m trực tiếp đến đập chứa thải chính. Chất thải từ quá trình ngâm chiết chứa 85% chất rắn sẽ được bơm vào đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết. Vị trí của đập chứa thải được trình bày ở hình 2.3 và 2.4
2.5.2.3 Quản lý nước từ mỏ
Mực nước trong đập chứa thải chính và đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết sẽ được kiểm soát bằng bơm gắn trên phao nổi. Nước từ đập chứa thải dây chuyền ngâm chiết sẽ thải qua đập thải chính và từ đập thải chính sẽ thải ra Suối Lò, rồi thải ra sông Vàng. Đập thải chính sẽ cung cấp nước xử lý cho nhà máy và được bổ sung nước sạch từ đập ngăn nước.
Chất thải và nước trong quá trình xử lý liên quan có khả năng bị ô nhiễm do tiếp xúc với xyanua hoặc sunphua sẽ được thải trực tiếp vào đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết. Chất thải của dây chuyền ngâm chiết luôn được giữ ngập trong nước ít nhất là 2m để làm chậm quá trình ôxy hóa trong thời gian thải lắng kết. Nước từ dây chuyền tuyển trọng lực, nước từ mỏ, nước rò rỉ từ bãi thải, nước chảy tràn từ nhà máy, nước từ công trình xây dựng và nước thải ra từ nhà máy, nhà làm việc sẽ thải trực tiếp vào đập thải chính. Chất thải từ đập chứa thải qua ngâm chiết sẽ thải qua đập chính (hình 2.5).
Thời gian giữ nước thải từ mỏ trong đập thải chính theo thiết kế là từ 6 đến 65 ngày. Phải mất 4 ngày để làm lắng các phần tử bùn của nước mỏ và 16 ngày để làm lắng các phần tử sét. Nước từ mỏ lưu lại trong đập thải chính trên 16 ngày chiếm 82% và lưu trên 30 ngày chiếm 76%. Điều này đảm bảo rằng hàm lượng của chất rắn lơ lửng luôn thấp hơn tiêu chí đặt ra trước khi thải, ngoại trừ lúc có mưa lũ. Thời gian lưu giữ trong đập cũng giúp làm giảm nồng độ xyanua và giảm nồng độ kim loại hòa tan trong nước thải.
Căn cứ vào các số liệu về lượng mưa khu vực, độ bốc hơi, nồng độ xyanua loãng và kết quả thí nghiệm mẫu công nghệ đã thực hiện, cho thấy có thể sử dụng khả năng hòa loãng để kiểm soát chất lượng thải cuối cùng chảy từ mỏ, và chất lượng nước thải này cũng sẽ thấp hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp Việt Nam và thấp hơn ngưỡng cho phép về tiêu chuẩn môi trường bảo vệ các loài thủy sinh.
2.5.2.4 Đá thải
Đá thải được đổ thành đống và để ở bãi thải bên cạnh các moong khai thác. Khối lượng đá thải trong bãi thải dự kiến khoảng 975.000 tấn.
Các bãi thải sẽ được xây dựng sao cho nước rò rỉ và nước chảy tràn từ các bãi thải sẽ được thu vào một đường mương và dẫn vào đập thải chính.
2.5.2.5 Phương pháp tuyển khoáng
Trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi, một số địa điểm xây dựng nhà máy và phương pháp tuyển khoáng đã được xem xét đánh giá.
Địa điểm lựa chọn xây dựng nhà máy là một khu đất bằng phẳng, ổn định nằm ở đồi Hố Gần. Khu đất này nằm cách xa và cao hơn các sông suối, đảm bảo không bị ngập lụt
Các phương pháp tuyển khoáng đã được cân nhắc xem xét trong quá trình nghiên cứu khả thi và tiền khả thi gồm
a) Tuyển bằng ngâm chiết xyanua – hấp phụ bằng nhựa aurix
b) Tuyển trọng lực và tuyển nổi, lấy tinh quặng đưa ngâm chiết xyanua tích cực.
Phương pháp tuyển trọng lực, tuyển nổi và ngâm chiết xyanua đã được chọn lựa do phương pháp này đơn giản nhất, hiệu quả nhất và khả năng thu hồi vàng cao nhất. Phương pháp này cũng được xem là một phương pháp thiết thực nhất đối với các loại quặng khu Hố Gần và các khu lân cận. Quy trình tuyển đã được lựa chọn này cũng cho phép chứa và xử lý chất thải mỏ một cách phù hợp để hạn chế thấp nhất khả năng tác động đến môi trường.
Dây chuyền tuyển khoáng gồm nhiều công đoạn:
1. Nghiền sơ cấp (đập hàm) và nghiền thứ cấp (nghiền côn)
2. Nghiền bi
3. Tuyển trọng lực
4. Tuyển nổi
5. Tinh quặng được đưa vào thùng ngâm chiết chứa dung dịch xyanua 0,7%
6. Tinh quặng sau khi đã được ngâm chiết xyanua và dung dịch sau khi tuyển được đưa ra khỏi thùng, khử độc và lưu giữ trong đập chứa thải từ quy trình ngâm chiết.
7. Dùng nhựa aurix để hấp phụ vàng hòa tan trong dung dịch xyanua
8. Giải hấp vàng từ nhựa aurix
9. Thu hồi vàng bằng phương pháp điện phân
10.Nung chảy vàng để lấy vàng-bạc dưới dạng thỏi và loại bớt tạp chất
Dây chuyền Gekko và quy trình xyanua hóa tích cực sử dụng các hóa chất (xyanua, vôi tôi, oxy lỏng) để hòa tan vàng. Dung dịch xyanua chứa vàng đi qua những cột chứa nhựa aurix để hấp phụ vàng. Than ngậm vàng sẽ được rửa bằng axit và vàng được thu hồi từ dung dịch bằng phương pháp điện phân. Trong bể điện phân vàng sẽ mạ lên những catốt được làm bằng những búi sợi kim loại. Các catốt này được nung chảy, vàng sẽ lắng xuống còn các tạp chất nổi bên trên sẽ được tách ra. Vàng/bạc dạng thỏi và xỉ kim loại là dạng sản phẩm cuối cùng. Sơ đồ mặt bằng và đặc điểm thiết kế nhà máy tuyển được trình bày trong hình 2.6
Quặng thải từ dây chuyền Gekko sẽ được xử lý khử độc (quy trình khử độc bằng hydro peroxit) để giảm nồng độ xyanua từ 0,5% đến 1% (khoảng từ 500 đến 1000mg/L) trong dung dịch xuống còn dưới 5mg/L. Các chất thải rắn và lỏng sẽ được bơm ra đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết và nước thải sau khi lắng sẽ thải ra đập thải chính.
Công suất của nhà máy dự kiến khoảng 100.000 tấn quặng/năm và sẽ nâng dần sản lượng lên 180.000 tấn quặng/năm sau 7 tháng hoạt động sản xuất.
2.6 CHI PHÍ CHO DỰ ÁN VÀ NGUỒN VỐN
2.6.1 HÌNH THỨC ĐẦU TƯ VÀ NGUỒN VỐN CỦA DỰ ÁN
Tổng số vốn đầu tư ban đầu cho dự án mỏ Vàng Bồng Miêu sẽ không vượt quá 15.000.000 USD, trong đó vốn pháp định là 1.000.000 USD. Tỉ lệ vốn góp vốn của các nhà đầu tư được trình bày trong Bảng 2.1 sa
Ngoài vốn pháp định, Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu sẽ phải vay vốn để phát triển dự á
Bên nước ngoài (Công ty Bong Mieu Holdings Ltd ) sẽ bảo đảm cấp vốn, bảo lãnh cho việc vay vốn và an toàn các khoản vốn cho vay.
Toàn bộ tài sản của liên doanh sẽ chịu sự thế chấp, không được đem đi thanh lý khi không có sự chấp thuận của người cho vay.
2.6.2 CHI PHÍ CHO DỰ ÁN HỐ GẦN
Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Trong đó:
· Vốn mua sắm thiết bị: 2.888.000 Đô la Mỹ
· Vốn xây dựng cơ bản khác: 893.300 Đô la Mỹ
· Lãi vay trong thời gian xây dựng: 350.000 Đô la Mỹ
· Đầu tư khác: 596.200 Đô la Mỹ
· Vốn lưu động: 122.500 Đô la Mỹ
· Tổng vốn đầu tư 4.850.000 Đô la Mỹ.
Hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR): 61%
Chi phí cho các công trình bảo vệ môi trường:
· Chi phí dự kiến cho công trình bảo vệ môi trường: 30.000 USD/năm
· Quỹ phục hồi môi trường (năm thứ nhất): 64.000 USD
· Quỹ phục hồi môi trường (từ năm thứ 2 đến năm thứ 4): 85.000USD
2.6.3 TIẾN ĐỘ CỦA DỰ ÁN
Bảng 2.2 tóm lược lịch trình xây dựng mỏ. Dự kiến mỏ Hố Gần sẽ được khai thác trong 4 năm.
CHƯƠNG 3
GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG
MÔI TRƯỜNG NỀN
3.1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
3.1.1 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN
Dự án vàng Bồng Miêu được cấp Giấy phép Đầu tư 140/GP ngày 05/3/1991 có diện tích 30km2 và Giấy phép khai thác số 582/CNNg-KTM ngày 22/7/1992 có diện tích 358ha. Khu Hố Gần mỏ vàng Bồng Miêu là một quả đồi thấp, kéo dài theo phương Tây Bắc-Đông Nam có diện tích 42ha.
Khu vực Giấy phép Đầu tư có tọa độ được xác định từ 108o24’00” đến 108o27’34” kinh đông và 15o22’49” đến 15o22’20” vĩ bắc.
Vị trí khu vực giấy phép nằm ở xã Tam Lãnh, Tam Kỳ và xã Trà Cót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu Hố Gần nằm trọn trong địa phận xã Tam Lãnh, cách thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 15km. Thị xã Tam Kỳ nằm trên Quốc lộ 1, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Nam (hình 2.1).
Để đến được khu vực dự án Bồng Miêu, từ Đà Nẵng đi theo Quốc lộ 1 về phía nam 70km đến Tam Kỳ, tiếp đó rẽ phải đi theo tỉnh lộ về phía Tiên Phước . Trên đoạn đường từ Tam Kỳ đến Tiên Phước có hai con đường rẽ trái dẫn đến Bồng Miêu. Đường rẽ thứ nhất tại Tam Dân cách Tam Kỳ 14km dài 20km. Đường rẽ thứ hai tại xã Tiên Thọ (Cây Cốc) cách Tam Kỳ 20km, dài 14km. Cả hai con đường đều đang được nâng cấp rải nhựa và đá dăm.
Từ văn phòng mỏ Bồng Miêu đến khu Hố Gần là một con đường đất được xây dựng trước đây. Một số đoạn đường này đã bị xói mòn hư hỏng nặng tuy nhiên có thể san ủi và rải đá cải tạo lại đường phục vụ cho việc đi lại trong mọi điều kiện thời tiết.
3.1.2 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH ĐỊA MẠO KHU DỰ ÁN
Dự án Bồng Miêu nằm ở rìa đông của dãy Trường sơn thuộc khu vực Trung Trung Bộ, cách bờ biển Đông khoảng 20km.
Khu vực mỏ Bồng Miêu có địa hình khá phức tạp, gồm các dãy núi có rừng, kéo dài chủ yếu theo phương Đông-Tây. Đỉnh Núi Kẽm cao nhất có độ cao 493m, chạy theo phương gần Đông-Tây, sườn Bắc dốc, sườn Nam thoải.Các dãy núi khác có độ cao từ 200m đến 400m bị phân cắt tạo thành các đỉnh riêng biệt. Thung lũng sông Bông Miêu là thung lũng rộng nhất trong vùng, chạy dài theo phương chủ yếu Đông-Tây. Hệ thống thung lũng phương Bắc Nam thường ngắn, hẹp và dốc.
3.1.3 ĐẶC ĐIỂM THỦY VĂN
Sông Vàng là con sông chính nằm trong khu vực dự án, có hướng dòng chảy chủ yếu về phía Tây Bắc. Sông Vàng dài hơn chục kilomet, có đồng bằng ven sông rộng trung bình 1500m (khu vực hạ lưu) và hẹp dần về phía thượng lưu, chỉ còn 375m (gần khu vực văn phòng Bồng Miêu). Trong thời gian mực nước sông thấp thì đoạn sông nằm trong khu vực Giấy phép Đầu tư có độ rộng thay đổi từ 20-30m (từ khu Núi Kẽm đến khu Hố Gần).
Sông Vàng chảy theo hướng Tây rồi đổ về Sông Tiên ở xã Tiên Lập. Sông Tiên nhập vào sông Thu Bồn ở Tân An và sông Thu Bồn chảy theo hướng bắc sau đó tiếp tục chảy theo hướng đông đổ vào cửa biển Hội An.
Lưu vực sông Vàng và các sông kế tiếp ở hạ lưu (sông Quế Phương và sông Tiên) có tổng diện tích là 101km2, trong đó lưu vực thượng nguồn ở Bồng Miêu là 35km2. Các suối đầu nguồn sông Vàng ở phía đông nam so với mực nước biển là 590m hoặc 658m. Chiều dài sông Vàng chảy qua các khu vực mỏ Bông Miêu là 7km.
Công ty Quốc tế Coffey Partners (CPI, 1992) sử dụng hệ số dòng rửa trôi là 0,35 đối với lượng nước mưa thực vượt trội so với bốc hơi để tính dòng chảy của sông. Căn cứ vào giả định này mà Công ty Quốc tế Coffey Partners đã tính được đỉnh điểm hàng ngày của dòng chảy từ tháng 9 đến tháng 12 vượt quá 250mL/ngày (2,9m3/s) với lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm trên 200.000 triệu. Số liệu dòng chảy của sông do cán bộ của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu thực hiện được trình bày trong phần 3.4.2
3.1.4 ĐỊA CHẤT MỎ
Có ba khu quặng hóa nằm trong khu vực giấy phép đầu tư là khu Hố Gần, Hố Ráy (cả hai khu này có khả năng khai thác lộ thiên) và Núi Kẽm (có thể khai thác hầm lò). Ngoài ra còn có một số khu khác đã được thăm dò chi tiết ở các mức độ khác nhau. Đó là các khu Tây Bồng Miêu, Bắc Bồng Miêu, Tây Hố Ráy, Thác Trắng, Rừng Dẻ, Bắc và Nam Núi Kẽm, Sarô, Nhà Thùng và Suối Tre. Khu Thác Trắng (Hố Ráy kéo dài, Tây Hố Gần (Hố Gần kéo dài) và Bắc Núi Kẽm (Núi Kẽm kéo dài) gần đây đã được tiến hành khoan thăm dò.
Các khu quặng hóa vàng và các khu có triển vọng nằm ở trung tâm và ở hai cánh của nếp lồi Bồng Miêu. Khoáng hóa phát triển trong các đới dập vỡ cà nát chứa các mạch thạch anh- sunphua, dăm kết thạch anh – sunphua-đá phiến hoặc đá phiến chứa sunphua. Các đới cà nát phát triển trong các tập đá phiến biến chất và cắm song song với mặt phân phiến. Một số nơi các đới cà nát chứa quặng tạo thành những cấu trúc song song kéo dài 2km theo đường phương và theo hướng cắm (ở khu Núi Kẽm và Hố Gần). Công trình gần đây ở khu Hố Gần đã xác định một thân xâm nhập thể tường chứa các mạch thạch anh, bị greizen hóa, có cấu trúc gân mạch và chứa sunphua xâm tán.
Khu Hố Gần (Mỏ Hố Gần)
Khu Hố Gần nằm ở bờ trái sông Bông Miêu, cách khu văn phòng mỏ Bồng Miêu khoảng 2km về phía nam.
Khu Hố Gần nằm ở nhân nếp lồi Bồng Miêu, được cấu thành bởi các tập đá phiến và granito-gơnai cắm thoải về tây, bị các thân pegmatit và granit xuyên cắt. Khoáng hóa vàng phát triển trong các đới dập vỡ cà nát cắm thoải và đới dăm kết liên quan với chúng, và trong các đới dăm kết của đá xâm nhập và các thân xâm nhập granit xuyên trong đá biến chất. Các đới cà nát dăm kết và thân xâm nhập phát triển trong tầng đá biến chất và cắm song song với mặt phân phiến. Chúng chứa các mạch thạch anh sulphua, dăm kết thạch anh-sulphua-đá phiến hoặc đá phiến chứa sulphua, (đôi chỗ bị oxy hóa, chứa limonit/gơtit). Khoáng vật sulphua chủ yếu là pyrit, galenit, acsenopyrit và pirotin.
Phần phía tây mỏ có các thể tường granit xuyên cắt và khoáng hóa vàng phát triển trong dăm kết granit (hình 6) và granit biến đổi. Khối xâm nhập chứa các mạch thạch anh (hình 7) bị greizen hóa, có cấu tạo lỗ hổng, gân mạch, chứa sunphua xâm tán.
Khoáng hóa Hố Gần thuộc loại nhiệt dịch nhiệt độ trung bình.
Quặng ở đây phần lớn lộ trên mặt hoặc nằm dưới lớp phủ mỏng. Thân quặng dày từ vài ba centimet đến 12m. Hoạt động khai thác mỏ của người Chàm, người Pháp và người Việt xưa kia đã để lại trên bề mặt mỏ những bãi đá-quặng khá dày. Mặt phân phiến của đá vây quanh và các đới cà nát chứa quặng có hướng cắm gần song song với bề mặt địa hình hiện tại và bị một số khu suối và thung lũng phân cắt.
3.1.5 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH VÀ ĐỊA CHẤT THỦY VĂN
Ở thung lũng sông Vàng, độ sâu của mực nước ngầm đo được ở các giếng nước cách bề mặt khoảng 1,5m. Các giếng này phần lớn nằm trong lớp trầm tích sông.
Nguồn cung cấp nước nước uống có khả năng lấy từ trầm tích aluvi liên quan với sông Vàng. Lợi thế của việc bơm nước từ nguồn nước này là nước được lọc vi sinh tự nhiên từ sông qua các lớp trầm tích (Công ty Quốc tế Coffey Partners 1992).
Khu Hố Gần nằm trên một yên ngựa của Núi Kẽm kéo dài theo phương Tây Bắc-Đông Nam . Tuy vậy, nguồn nước ngầm ở đây ít và do đặc điểm tự nhiên của bề mặt khu Hố Gần mà lượng nước ngầm trong các moong khai thác sẽ rất thấp. Sẽ có một lượng nước ngầm nhỏ chảy theo các đới cà nát ở phía trên xuống moong khai thác, song nước trong moong khai thác chủ yếu sẽ là nguồn nước mưa.
Trầm tích trong các moong khai thác là đá phiến và gơnai có độ thấm thấp. Địa hình khu vực moong khai thác dốc sẽ loại trừ khả năng hình thành các bể nước ngầm (Công ty Quốc tế Coffey Partners 1992).
Công ty khai thác vàng Bồng Miêu và công ty Quốc tế Coffey Partners đã tiến hành nghiên cứu địa chất công trình trong các khu đập thải ở thung lũng Suối Lò (còn gọi là Xã Koc Sáu). Các lỗ khoan cho thấy ở khu vực dự kiến xây đập thải (đập chính) tầng trầm tích aluvi dày từ 5 đến 6m và tầng đá phiến nằm dưới chúng bị phong hóa tới độ sâu khoảng 13m. Khu dự kiến xây đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết có tầng trầm tích aluvi dày 3m và đá phiến bị phong hóa ở bên dưới dày 24,5m.
3.1.6 ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU, KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Công ty đã xây dựng một trạm quan trắc khí tượng tại văn phòng mỏ, ở Bồng Miêu. Công tác đo lượng mưa hàng ngày đã được thực hiện liên tục từ 1/8/1993 - 30/6/1995 và được tiếp tục đo lại từ tháng 4 - tháng 5 năm 2004.
Các số liệu về lượng mưa, nhiệt độ và độ bốc hơi sử dụng trong báo cáo này được trích từ số liệu của Trạm quan trắc khí tượng Nhà nước đặt tại Tam Kỳ (Trạm quan trắc khí tượng thủy văn Tam Kỳ), Tiên Phước và số liệu thu thập tại các trạm quan trắc tại khu mỏ Bồng Miêu.
ố liệu thu thập được ở Bồng Miêu được sử dụng đến mức tối đa.. Hiện tại, Công ty đang tiến hành thu thập các số liệu đầy đủ về khí tượng thủy văn cho khu vực Bồng Miêu.
3.1.6.1 Nhiệt độ
Số liệu về nhiệt độ của hai trạm quan trắc khí tượng thủy văn Tam Kỳ và Trà My trong các thời kỳ 1979-2001 và 1999-2001, được trình bày trong bảng 3.1 và Hình 3.2.
Nhiệt độ không khí cao nhất trong năm là vào các tháng 6 và 7, thấp nhất là từ tháng 12 đến hết tháng 2. Vào mùa lạnh, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới 15oC. Nhiệt độ hạ thấp theo độ cao, biên độ giao động nhiệt độ theo các mùa củng rộng hơn do đó, sự thay đổi nhiệt độ không khí ở Bồng Miêu có thể lớn hơn so với ở Tam Kỳ. Vào mùa đông (tháng 1), nhiệt độ trung bình ở các khu vực miền núi có độ cao 500-1000 m là 18-20oC, thậm chí có năm xuống dưới 10-11oC. Vào mùa hè, ở các khu vực miền núi các tháng nóng nhất là từ tháng 5 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình từ 26,5 đến 27oC. Nhiệt độ tại các thung lũng như Bồng Miêu có thể lên đến 39-40oC.
3.1.7 LƯỢNG MƯA, ĐỘ ẨM
Lượng mưa trung bình năm
Theo số liệu ghi nhận về lượng mưa của trạm quan trắc tại văn phòng Bồng Miêu trong hơn hai năm (từ 08/1993-07/1995) cho thấy lượng mưa trung bình hàng năm là 4.086mm, tối thiểu là 2935 mm và tối đa là 5265mm (bảng 3.2). Hình 3.3 trình bày lượng mưa trung bình tháng và cho thấy mùa mưa bắt đầu vào đầu tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 12.
Công ty đã phải dùng số liệu lượng mưa 23 năm (1977-2000) của trạm Khí tượng thủy văn Tiên Phước để tính toán cân bằng nước cho thiết kế đập chứa thải.
Sự phân bố lượng mưa
Lượng mưa lớn nhất trong năm xuất hiện vào tháng 10. Lượng mưa trung bình của tháng 10 là 1325,6mm (số liệu trong 2 năm). Từ tháng 1 đến tháng 8 là những tháng khô với lượng mưa trong tháng ít hơn 180mm. Từ tháng 1 đến tháng 4 là những tháng rất khô, trong một vài năm lại đây không có mưa vào những tháng này. Lượng mưa vào mùa mưa chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa của cả năm (từ tháng 9 đến tháng 12).
Lượng mưa cao nhất đo được vào các tháng 10, 11 và 12 năm 1993 lần lượt là 1704.1, 1171.0 và 1158.2mm với lượng mưa cao nhất trong 24 giờ là 390mm (và 72 giờ là 617mm). Vào tháng 10 năm 1994, lượng mưa cao nhất đo được trong 24 giờ là 518mm (và 72 giờ là 635mm).
Độ ẩm tương đối
Toàn khu vực này có độ ẩm tương đối cao, khá ổn định quanh năm, trung bình từ 83% vào tháng 4 đến 93% vào tháng 11 và tháng 12. Độ ẩm tương đối lớn nhất vào những tháng mùa đông do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và mưa lớn. Độ ẩm đạt tối thiểu vào những tháng mùa hè do lúc này có gió tây nam nóng và khô. Theo báo cáo, độ ẩm tại Bồng Miêu có thể giảm xuống mức 55% vào những tháng khô nhất. Độ ẩm tại Bồng Miêu có thể giống với Tam Kỳ mặc dù mức cực đại có thể cao hơn (Hình 3.4).
Độ bốc hơi
Tỉ lệ bốc hơi nước có vai trò quan trọng trong việc thiết kế xử lý nước thải cho mỏ vàng Bồng Miêu. Độ bốc hơi thường lớn hơn vào những lúc có gió mùa tây nam khô và nóng. Theo số liệu quan trắc của trạm khí tượng Trà My và Tam Kỳ từ 1999-2003, độ bay hơi nước mặt trung bình năm lần lượt là 664 mm và 1080mm. Giá trị tổng bay hơi hàng tháng là khoảng 26 mm vào tháng 12 đến 145 mm vào tháng 4 (xem hình 3.5). Số liệu quan trắc độ bốc hơi của trạm khí tượng Tam Kỳ được sử dụng để lập mô hình nước xả cho lưu vực Hố Gần và đập chứa thải.
3.1.8 CHẾ ĐỘ GIÓ
Có 4 mùa khác nhau rõ rệt về hướng gió, sức gió và lượng mưa. Đó là:
Gió mùa đông bắc (mùa đông): hoạt động vào các tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2), thường gây ra mưa phùn và lạnh.
Gió lào (mùa Hạ)
Vào giữa mùa hè (tháng 5 và tháng 6) gió Lào thổi qua dãy Trường Sơn mang theo những đợt gió mùa đông bắc nóng, khô ở vùng đồng bằng duyên hải. Những cơn gió khô này có thể sẽ gây thiệt hại cho mùa màng.
Gió mùa mùa hạ:
Gió mùa đông nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, mang theo độ ẩm lớn và mưa rào tại khu vực Bồng Miêu. Đợt gió mùa này cung cấp một lượng nước đáng kể cho các khu vực Cao nguyên Trung bộ và dãy Trường Sơn.
Tín phong nhiệt đới hoạt động trong suốt mùa hạ, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 9, thường đem lại mưa rào, mưa dông;
Bão: Bão thường đổ bộ vào khu vực Quảng Nam vào các tháng 9, 10 và 11, gây ra mưa lớn và gió mạnh, tốc độ trung bình là 18m/s, lớn nhất tới 40m/s.
Các khu vực đồi núi thấp nằm gần dãy Trường Sơn phân cắt mạnh là những nơi thường xảy ra bão lụt. Khi xảy ra bão, lưu lượng nước của các con sông trong khu vực Cao nguyên Trung bộ kể cả sông Vàng có thể tăng từ 10 đến 20 lần trong một ngày.
Theo số liệu ghi nhận được trong 100 năm qua có 493 cơn bão và lốc ảnh hưởng đến Việt Nam, trung bình mỗi năm xuất hiện 4,7 cơn bão.
Bão thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 11, tuy nhiên đôi khi cũng có thể xảy ra vào các tháng 5 và tháng 12. Các số liệu về bão ghi nhận được từ năm 1960 đến 1990 là:
Từ 1960-1969: 55 trận bão, trung bình 5,6 lần/năm
Từ 1970-1979: 66 trận bão, trung bình 6,6 lần/năm
Từ 1980-1989: 72 trận bão, trung bình 7,2 lần/năm
Đà Nẵng và Huế đều nằm ở vành đai của bão nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão. Con số thiệt hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê và trình bày tại Hội nghị ESCAP/UNDRO lần thứ nhất về chuyên đề Thập niên phòng chống thiên tai Quốc tế tổ chức tại Bangkok năm 1991.
Cơn bão Cecil (cơn bão số 2) xuất hiện tại Đà Nẵng ngày 25 tháng 5 năm 1989 gây mưa to ở các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Nghệ Tĩnh, làm 151 người chết, 106 người bị thương, gần 400 người mất tích và 336.344 người mất nhà ở. Cơn bão này còn làm sập 111.000 ngôi nhà, 150 trường học, 21.164 ha lúa bị mất trắng, 81.067 ha lúa bị ngập úng và gây hư hại cho 85.991 ha hoa màu, 12.200 tấn lương thực bị hư hỏng và 7.500 tấn lương thực bị lũ cuốn trôi. Trên 4.000 tấn phân bón bị trôi ra sông, 200 tàu thuyền bị chìm, 161 chiếc mất tích và 200 chiếc bị hư hỏng nặng. Trên 1 triệu mét khối đất đã được sử dụng để đắp đất gia cố cho hệ thống thủy lợi và đường giao thông bị hư hại.
Khu vực Bồng Miêu có khả năng xảy ra mưa lớn bất thường trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân gây nên xói lở đường sá và gây khó khăn trong việc xử lý nước đối với mỏ khai thác lộ thiên.
3.2 ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ XÃ HỘI
3.2.1 DÂN SỐ
Khu Hố Gần, mỏ Bông Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam. Theo số liệu điều tra dân số mới nhất vào ngày 12 tháng 12 năm 2003, xã Tam Lãnh có 11 thôn và 6.440 nhân khẩu. Các thôn này đều được đánh theo số để thuận tiện cho mục đích quản lý hành chính. Số và tên của mỗi thôn cùng với số hộ gia đình sinh sống trong mỗi thôn được trình bày trong bảng 3.3 và vị trí các thôn được trình bày trong hình 2.1.
3.2.2 KINH TẾ
Nền kinh tế của Bồng Miêu luôn gắn liền với hoạt động khai thác ở các mỏ trong khu vực. Trước khi Pháp khai thác, hầu hết người dân Bồng Miêu đều sống bằng nghề khai thác vàng hoặc làm dịch vụ cho dân khai thác. Trong giai đoạn Pháp khai thác, rất ít người dân địa phương được tuyển dụng. Từ 1981 – 1991 là thời kỳ cao điểm của nạn khai thác vàng trái phép, kinh tế địa phương chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động khai thác vàng, hầu hết người dân Bồng Miêu đều sống bằng nghề khai thác vàng hoặc cung cấp dịch vụ cho dân khai thác. Dân làm vàng từ các nơi khác cũng đã đổ về Bồng Miêu để khai thác vàng. Vào thời gian này, Xí nghiệp KTV Bồng Miêu của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã tiến hành khai thác vàng sa khoáng tại thung lũng sông Vàng và đã tuyển dụng hàng trăm lao động địa phương. Từ năm 1989 Xí nghiệp chuyển sang khai thác vàng gốc trong các lò khai thác của Pháp trước đây.
Từ 1991, Công ty KTV Bồng Miêu chỉ giữ lại 10 công nhân của Xí nghiệp cũ làm việc cho Công ty. Lao động địa phương được tuyển dụng làm việc theo thời vụ như đào giếng, hào, chèn chống lò và lấy mẫu tại các hầm lò Núi Kẽm. Tình trạng thất nghiệp trong vùng gia tăng trong những năm gần đây.
Trong chương trình phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có vàng. Ngành khai khoáng có thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực và các địa phương gần mỏ nhờ vào các khoản thuế, tạo công ăn việc làm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, chế tạo và dịch vụ cho các công ty khai thác mỏ.
3.2.3 LAO ĐỘNG
Cơ cấu nghề nghiệp của người dân Bồng Miêu rất phức tạp. Mặc dù 85% dân số là nông dân, nhưng thực tế chỉ có 32% sống bằng nghề nông. Hầu hết các gia đình sống bằng nhiều nghề khác nhau, một số làm nông theo thời vụ và có liên quan đến nông nghiệp và một số khác làm kinh doanh hoặc khai thác lâm sản và vàng tại địa phương.
76% tổng thu nhập địa phương có được từ việc khai thác lâm sản và vàng trong khu vực. Lao động phổ thông chiếm 11% dân số. Giáo viên, người buôn bán nhỏ và người nấu rượu chiếm 4% và thợ may, thợ kim hoàn, thợ mộc và cưa xẻ gỗ chiếm 1%.
Hiện tại, mỗi năm địa phương canh tác hai vụ lúa nước, tuy nhiên năng suất thấp. Ngoài ra địa phương còn trồng thêm các loại cây hoa màu như sắn, chuối, khoai, ngô trong vườn hoặc ở sườn đồi (đốt nương làm rẫy).
Phần lớn các gia đình được phỏng vấn sống bằng nghề lâm nghiệp từ việc đốn củi, phát quang để khai thác cho đến chặt cây, bóc vỏ cây đem bán.
Theo kết quả khảo sát năm 1996, có 87% hộ gia đình được phỏng vấn tham gia khai thác khoáng sản. Họ đào đãi vàng sa khoáng dưới lòng sông hoặc lấy quặng từ khu Hố Gần, Sa Rô, Núi Kẽm để nghiền đãi lấy vàng. Người lớn thì đi khai thác quặng, trẻ em và phụ nữ thì đãi vàng. Tuy nhiên, hiện nay số hộ tham gia vào hoạt động này giảm xuống 10%.
Thu nhập bình quân đầu người là 360.000 đồng/tháng, tuy nhiên còn có nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp hơn rất nhiều. Số hộ khá giả trong xã chiếm 35% và số hộ đủ ăn là 65%. Dân khai thác vàng sa khoáng kiếm được từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi ngày và dân khai thác quặng là từ 20.000 đến 30.000 đồng mỗi ngày. Một số người khai thác cho chính họ, và số khác làm thuê những người có máy xay quặng và tiền công mỗi tháng là từ 500.000 - 700.000 đồng/tháng. Những người bẫy chim có thể bẫy được từ 3 đến 4 con mỗi ngày và bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/con. Một số loại chim quý hiếm có thể bán với giá lên đến 150.000 đồng/con.
3.2.4 TÁC ĐỘNG CỦA DÂN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Theo số liệu của Uỷ Ban nhân dân xã Tam lãnh (năm 2004), diện tích đất sử dụng cho các mục đích khác nhau của xã Tam Lãnh được trình bày trong bảng 3.5 như sau:
Nhiều hoạt động phụ của dân địa phương có tác động đến môi trường khu vực lân cận dự án Bồng Miêu. Chủ yếu là khai thác tài nguyên rừng và săn bắt động vật hoang dã. Tỉ lệ phần trăm hộ tham gia vào các hoạt động này được trình bày trong bảng 3.6.
Bảng 3.6: Các tác động do người dân địa phương đối với môi trường
Số hộ gia đình hiện nay tham gia khai thác vàng chưa xác định rõ, tuy nhiên con số này có lẽ chỉ chiếm dưới 10% số hộ gia đình trong xã.
Dự án Bồng Miêu nằm trong diện tích rừng của địa phương được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm người dân săn bắt hay khai thác tài nguyên rừng tại khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động khai thác trái phép của người dân vẫn diễn ra.
3.2.5 XÃ HỘI
3.2.5.1 Giáo dục
Xã Tam Lãnh có một trường mẫu giáo cho 145 cháu, một trường cấp I (lớp 1-5), các lớp học được bố trí tại từng thôn, và một trường cấp II (lớp 6 - 9) tại thôn 5.
Toàn xã có 35 phòng học và 100% trẻ em trong xã đều đến trường. Sau khi học hết cấp II, học sinh đi về Tam Kỳ để tiếp tục học cấp III. Tất cả các trường học trên địa bàn xã còn thiếu trang thiết bị dạy học, dụng cụ thể dục thể thao cho học sinh.
Nhiều học sinh trong xã nghỉ học sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông cơ sở. Năm học 1994-1995, toàn xã có 54 em tốt nghiệp phổ thông cơ sở tuy nhiên chỉ có 25 em dự thi phổ thông trung học và chỉ có 10 em đỗ trường công lập, còn các em khác phải học bán công. Toàn xã có 3 em thi đỗ vào các trường Cao đẳng Đà Nẵng. Rất hiếm có học sinh khu vực này tiếp tục theo học Cao đẳng hoặc Đại học.
Hiệu trưởng trường cấp I-II xã Tam Lãnh cho biết nhận thức của các bậc phụ huynh về việc học của con em họ đã được nâng cao, họ nhận thức được rằng chỉ có đi học mới có thể làm thay đổi cuộc đời con em họ hoặc có thể giúp con em họ kiếm được việc làm.
Qua điều tra của Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu trên 100 hộ gia đình, trình độ dân trí được trình bày trong bảng 3.7.
3.2.5.2 Sức khỏe
Tình hình sức khỏe của cộng đồng dân cư trong xã Tam Lãnh ở mức trung bình. Không thấy có dấu hiệu của các loại bệnh như: bụi phổi, ngộ độc kim loại nặng. Phổ biến nhất tại các vùng núi là bệnh sốt rét, song đây không phải là căn bệnh nguy hiểm.
Toàn xã Tam Lãnh có một trạm y tế tại Thôn 5 với 5 y tá, 10 giường bệnh và 1 dược sĩ. Tuy nhiên, khả năng khám chữa bệnh của trạm rất hạn chế. Do đường đến Trung tâm y tế hay bệnh viện ở Tam Kỳ xa, nên nhiều người dân địa phương vẫn chọn phương pháp chữa bệnh đông y cổ truyền và tự chữa.
3.2.5.3 Việc làm
Không có số liệu cụ thể về việc làm. Như được đề cập ở phần trên, hiện nhiều người dân địa phương vẫn còn canh tác ở mức tự cung tự cấp, và họ tham gia thêm các hoạt động săn bắn, đánh bắt cá và khai thác khoáng sản để kiếm thêm thu nhập. Trước đây, Xí nghiệp khai thác vàng Bồng Miêu tuyển dụng nhiều lao động địa phương, và nhiều người khác thì khai thác cho chính họ.
Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại Bồng Miêu phần lớn đã được ngăn chặn. Dân làm vàng chuyên nghiệp đã chuyển đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa và thỉnh thoảng mới về quê. Một số người khai thác vàng trái phép vẫn còn hoạt động trong khu vực giấy phép đầu tư của Công ty. Trong vùng hầu như không có ngành nghề nào có thể giúp cho người dân làm ra tiền. 93% số hộ được điều tra cho biết thu nhập của họ đã bị giảm xuống do bị cấm khai thác khoáng sản và tài nguyên rừng. 68% số hộ cho rằng họ vẫn phải tiếp tục, ở chừng mực nào đó, khai thác trái phép khoáng sản và tài nguyên rừng.
3.2.6 SẮC TỘC
Xã Tam Lãnh được xem là khu vực có những nét riêng về lịch sử sắc tộc trong tỉnh Quảng Nam. Nguồn gốc của người dân tại Bồng Miêu – xã Tam Lãnh rất phức tạp và có tầm quan trọng về mặt lịch sử. Trong khu vực dự án Bồng Miêu có 05 nhóm dân tộc khác nhau cùng sinh sống:
1. Người Kinh
2. Người Hoa (chủ yếu ở thôn 9)
3. Người Chăm (chủ yếu ở thôn 9)
4. Người K’ho (chủ yếu ở thôn 9)
5. Người Tày (chủ yếu ở thôn 8)
Người Chăm có quan hệ liên hôn với người Kinh và có lẽ họ là con cháu của những người làm vàng dưới thời Vương quốc Chăm Pa từ thế kỷ V-VII.
Người ta cho rằng người K’ho nói tiếng Mon-kmer đã sinh sống tại khu vực này cùng thời gian với người Chăm. Có nghĩa là người K’ho đã sinh sống tại đây ít nhất được 1600 năm và còn có thể lâu hơn nữa.
Người Kinh là dân tộc chiếm đa số tại đây và giữ vai trò trong đời sống kinh tế và chính trị. Họ từ các vùng khác đến đây sinh sống từ đầu thế kỷ XVIII.
Theo lời kể của những người Hoa lớn tuổi thì người Hoa từ Trung Quốc đã sang định cư tại đây từ giữa thế kỷ thứ XVIII.
Người Tày (nói tiếng Thái) di cư đến Bồng Miêu vào thời cao điểm của nạn khai thác vàng trái phép năm 1984. Họ đến từ các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên. Hầu hết họ đã quay trở về quê năm 1991 sau khi Công ty khai thác vàng Bồng Miêu ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép. Hiện chỉ còn 05 hộ gia đình người Tày sinh sống tại thôn 9 cùng với người Kinh.
Tất cả các nhóm sắc tộc di cư vào Bồng Miêu vì mục đích khai thác vàng. Lý do khiến họ định cư tại đây hơn 1600 năm qua là để khai thác vàng và cung cấp dịch vụ khai thác.
3.2.7 VĂN HÓA
Theo báo cáo, xã Tam Lãnh có nhiều người theo đạo phật, tuy nhiên không có con số thống kê chính thức. Các Nhà thờ Cơ đốc giáo bị tàn phá trong chiến tranh cho đến nay vẫn chưa được xây dựng lại, do đó những người theo đạo cơ đốc giáo chỉ tiến hành lễ tại một số nhà trong xã. Các khu vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng như đình, đền thờ và nhà thờ họ trong xã bị tàn phá bởi chiến tranh và nay cũng chưa được xây dựng lại.
Xã có một sân “văn hóa” rộng 1500m2 được sử dụng cho việc chiếu bóng, diễn kịch, vv, tuy nhiên hiện không được sử dụng do mức thu nhập của người dân còn thấp và hoạt động văn hóa của người dân địa phương còn rất hạn chế. Ở Bồng Miêu có nhiều quán chiếu phim và Karaoke. Từ 5 năm qua, vô tuyến truyền hình đang ngày càng phổ biến ở Bồng Miêu giúp cho người dân nắm bắt được thông tin trong nước và quốc tế.
Trong diện tích khu Hố Gần và khu vực dự kiến xây dựng đập chứa thải không có dân cư sinh sống cũng như các điểm di tích văn hóa.
3.2.8 LỊCH SỬ VÀ KHẢO CỔ HỌC
Từ thế kỷ II đến thế kỷ XV, khu vực dự án Bồng Miêu thuộc lãnh thổ của Vương Quốc Chăm Pa cổ. Người Chăm đã đặt tên cho khu vực này là Bồng Miêu (có nghĩa là cánh đồng vàng) và đã khai thác nó cả 1100 năm qua. Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết được người Chăm có khai thác vàng sa khoáng không, song ở một số khu vực gặp các giếng khai thác các mạch thạch anh và được mô tả là “các giếng khai thác của người Chăm”. Người Chăm không khai thác hầm lò có lẽ là do các mạch thạch anh chứa vàng lộ trên mặt cũng đã đủ cho họ khai thác. Họ sử dụng các tảng đá có hình đĩa làm cối và cuội sông làm chày để nghiền quặng thạch anh sau đó đem đãi chúng để thể thu hồi vàng. Người ta cho rằng đã có hàng nghìn người Chăm tham gia vào khai thác vàng tại nhiều thời điểm khác nhau.
Vào thời nhà Nguyễn (từ thế kỷ XVI-XVIII), người Chăm bị đuổi ra khỏi khu vực này. Trong thời gian này đã lập nên các làng ở Bồng Miêu. Trong suốt thế kỷ XIX, hoạt đông khai thác vàng vẫn tiếp tục diễn ra dưới triều Nguyễn. Thợ mỏ được tuyển mộ như binh lính và được miễn trừ các nghĩa vụ khác. Từ gian đoạn này người ta đã bắt đầu khai thác hầm lò.
Năm 1895 sau khi Việt nam trở thành nước thuộc địa, người Pháp bắt đầu tiến hành khai thác vàng tại Bồng Miêu. Họ khai thác chủ yếu hầm lò khu Núi Kẽm và đến năm 1941 khi quân Nhật đổ bộ xâm chiếm thuộc địa thì hoạt động khai thác chấm dứt. Theo các tài liệu ghi chép của Pháp, mỏ vàng Bồng Miêu vào thời điểm đó có trữ lượng lớn nhất tại Việt Nam. Do đó hàng nghìn thợ mỏ đã được người Pháp tuyển dụng để khai thác.
Từ 1968-1975, do chiến tranh người dân tại Bồng Miêu đã đi sơ tán về các thị trấn ven biển. Từ 1975-1980, họ quay trở về và xây dựng lại làng xóm.
Từ 1981-1991 Xí nghiệp khai thác vàng Bồng Miêu của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) hoạt động khai thác vàng ở Bồng Miêu. Xã Tam Lãnh trở thành một xã giàu có và sầm uất là “thị trấn vàng”. Số người làm vàng tại đây có lúc lên đến 10.000 người, họ khai thác cả vàng sa khoáng và vàng gốc. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cây rừng (quế, cây lấy gỗ) bị chặt phá làm củi và bị khai thác quá mức, các loài động vật hoang dã bị săn bắn làm thức ăn và giải trí. Cá bị đánh bắt bằng mìn và điện.
Năm 1991, Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu được thành lập theo Giấy phép đầu tư của Nhà nước. Từ đó đến nay, Công ty đã tiến hành kiểm soát và giảm thiểu hoạt động khai thác trái phép trong diện tích giấy phép. Tuy nhiên, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản và tài nguyên rừng vẫn tiếp diễn một cách lén lút, không liên tục.
3.2.9 THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN BỒNG MIÊU
Theo số liệu điều tra của Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu năm 1994-1995, 71% số người được hỏi ý kiến cho rằng việc cấp giấy phép đầu tư cho Công ty khai thác vàng Bồng Miêu đã tác động tiêu cực đến nguồn thu nhập và điều kiện sống của họ do việc ngăn cấm người dân khai thác khoáng sản. Đồng thời họ cũng cho biết thêm rằng khu vực này đã trở nên yên tĩnh hơn và mức độ tàn phá môi trường cũng ít hơn so với những năm 1981-1991 khi hoạt động khai thác vàng không được kiểm soát chặt chẽ.
Sự hiện diện của một Công ty liên doanh tại đây đã kích thích người dân địa phương nâng cao hơn trình độ học vấn của mình và tham gia học tiếng nước ngoài để tìm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, người dân trong xã cũng có những đánh giá khác nhau về sự đầu tư của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu: 39% ủng hộ, 39% phản đối và 22% không có ý kiến. 95% dân số muốn sớm thấy được nhà máy đi vào hoạt động sản xuất.
Phần lớn số người được hỏi ý kiến đều nói rằng họ mong muốn được vào làm việc cho Công ty để có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
16% số người được hỏi cho biết họ hiểu khá rõ về các hoạt động của Công ty, 84% biết rất ít về kế hoạch hoạt động của Công ty và 50% không có quan hệ với công ty. Khi được hỏi về quan hệ của họ với nhân viên Công ty, 45% cho biết có quan hệ thân thiết, 52% có quan hệ bình thường và 3% có quan hệ không tốt với nhân viên Công ty. 3% số người này có thể là dân làm vàng trái phép do đó họ không có thiện cảm với bảo vệ của Công ty.
Người dân ghi nhận sự giúp đỡ của Công ty đối với cộng đồng địa phương . Trường cấp I – II Tam Lãnh cũng bày tỏ lòng biết ơn đến sự giúp đỡ của Công ty về trang thiết bị dạy học hay những lần viếng thăm và trao quà của Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty cho những học sinh đặc biệt.
71% số người được hỏi ý kiến cho rằng với việc áp dụng các phương pháp thăm dò và khai thác hiện đại Công ty sẽ không gây tác động đến môi trường, 19% cho rằng sẽ gây ra tác động đối với môi trường và 10% cho rằng công ty sẽ có những tác động tích cực cho môi trường.
25% số người được hỏi ý kiến cho biết rằng họ sợ hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, 19% sợ sẽ ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Số còn lại 75 - 81% dân số không có tư tưởng đó. 87% số người được hỏi ý kiến cho biết họ sẽ ở lại đây khi nhà máy đi vào khai thác, 7% có thể đi nơi khác sinh sống, và 6% có thể sẽ đi nơi khác sinh sống vì những lý do khác.
Trong giai đoạn xây dựng mỏ, Công ty sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc và thông báo với dân về các kế hoạch của mình. Điều này có thể sẽ làm giảm những phản ứng tiêu cực của người dân khi tham khảo ý kiến của họ.
3.3 CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ
Đoạn đường nhựa từ Đà Nẵng qua Tam Kỳ đến Tiên Phước dài 90km. Từ Tam Kỳ đến Tiên Phước có hai con đường cấp phối dẫn đến Bồng Miêu. Con đường thứ nhất dài 20km bắt đầu từ xã Tam Dân, cách Tam Kỳ 14km. Con đường thứ hai dài 14km bắt đầu từ xã Tiên Thọ (Cây cốc) và cách Tam Kỳ 20km. Cả hai con đường này hiện đang được nâng cấp và trải nhựa. Ngoài ra, tại hồ Phú Ninh hiện có một bến đò đưa đón khách qua lại Bồng Miêu.
Điện lưới 35KV và đường dây điện thoại đã được kéo đến khu vực này. 90% hộ gia đình tại đây sử dụng điện thông qua một trạm hạ thế. Công suất của trạm hạ thế này không đủ để cung cấp điện cho hoạt động của nhà máy sản xuất vì vậy Công ty cần phải lắp đặt một trạm hạ thế riêng cho mỏ Hố Gần.
Tam Lãnh có một trạm bưu điện cách khu Hố Gần chừng 4km. Ở đây có một tổng đài cung cấp 15 đường dây điện thoại và được kéo từ bưu điện Tiên Thọ cách đó khoảng 14km. Chất lượng truyền dữ liệu hiện nay là rất kém. Bưu điện tỉnh Quảng Nam có kế hoạch lắp đặt thêm một đường cáp quang mới vào tháng 08 năm 2004 để tăng thêm số đường dây cũng như chất lượng của đường truyền cho khu vực này.
Hầu hết các hộ gia đình trong xã có vô tuyến truyền hình và có thể xem được tin tức hàng ngày trong nước và thế giới. Tam Lãnh hầu như không có bất kỳ ngành nghề dịch vụ nào, tuy vậy các dịch vụ cần thiết đều có thể tìm được ở Tam Kỳ hay Đà Nẵng.
Ngoài hai trục đường chính từ thôn 10 xã Tam Lãnh xuống Tam Dân và từ thôn 5 Tam Lãnh qua Tiên lập là đường nhựa hoặc cấp phối, còn lại đường liên thôn là đường đất Mật độ giao thông trong xã không đông đúc. Phương tiện tham gia giao thông chủ yếu gồm: xe đạp, xe máy, một số xe tải nhỏ và xe buýt. Toàn xã có 8 xe tải và 670 xe máy.
3.4 TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
3.4.1 TÀI NGUYÊN ĐẤT
Tại khu vực Bồng Miêu, đất màu được hình thành từ đá móng kết tinh bao gồm tầng phủ hữu cơ mỏng trên tầng phong hóa đá gốc, gồm đất sét pha cát dày từ 1-4m. Tầng đá gốc ít lộ, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở dưới lòng suối và các vị trí có đường cắt qua.
Các bãi bồi gồm đá, cát đất phù sa lẫn lộn, phát triển ở các thung lũng sông có nguồn gốc từ tầng đá biến chất (hầu hết là đá phiến giàu thạch anh và gneiss) và đá xâm nhập. Các bãi bồi dọc sông khá bằng phẳng, màu mỡ và được dùng để trồng lúa.
Bãi bồi sông Vàng nằm gần trung tâm xã và có tầng bồi tích dày từ 2-5m gồm cát rời, sỏi và cuội có nguồn gốc từ các dãy núi phân cắt ở thượng nguồn. Trong khu vực có các thềm sông, gồm thềm bậc cao ở khu dân cư, thềm bậc giữa tạo nên những cánh đồng trồng lúa, và thềm bậc thấp là lòng sông. Phần lớn các suối nhánh đều tạo nên những bãi bồi ở cửa suối, là một phần của cánh đồng Bồng Miêu.
Bãi bồi chính của sông Vàng và các bãi bồi khác tạo thành những bãi vàng sa khoáng và tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép đã và đang diễn ra ở các vùng này.
3.4.2 TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT
Ngọn sông Vàng bắt nguồn phía trên khu mỏ cũ của Pháp khoảng 3 km. Lưu vực thượng nguồn sông Vàng rộng 35km2, có nhiều suối nhánh, trong đó thung lũng Trà Sung là một trong những trũng có diện tích lớn nhất. Đặc điểm chính của lưu vực sông Vàng là có những bãi bồi bằng phằng và rộng (1,25km2), là vùng đất canh tác và nguồn nước ngầm cho địa phương.
Lưu lượng sông Vàng đo được là 200.000 triệu lít mỗi năm. Theo báo cáo của công ty Coffey Partner International, lưu lượng cực đại từ tháng 9 – 12 có thể vượt mức 250 triệu lít/ngày. Theo số liệu ghi nhận được từ 01/01/1994 đến 28/06/1995, lưu lượng trung bình của suối Lò là 31,91L/giây, thấp nhất là 2,73L/giây vào ngày 20/08/2004 và cao nhất là 338,97 L/s vào ngày 27//03/1994 (theo số liệu của Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu).
Kết quả này cho thấy, mặc dù căn cứ vào lượng mưa (phần 3.1.7) mùa mưa bắt đầu từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12, tuy nhiên lưu lượng của các sông suối trong lưu vực sông Vàng tăng lên và hạ xuống chậm hơn từ 3 đến 4 tuần so với mùa mưa, tức là từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 1 năm sau.
Kết quả này được tính toán theo diện tích mặt cắt của sông và suối Bồng Miêu và bằng các ván đo hình thang đặt tại suối Lò và suối Trang.
Số liệu quan trắc lưu lượng nước sông Vàng từ 02/1/1994 đến 29/6/1995 do Công ty thu thập cho thấy rằng lưu lượng trung bình của sông là 2,53m3/giây, thấp nhất là 0,00m3/giây vào ngày 10/07/1994 và cao nhất là 23,4m3/giây vào ngày 23/10/1994. Biểu đồ lưu lượng nước sông Vàng và suối Lò trong 2 năm được trình bày trong hình 3.6 và 3.7 dưới đây.
3.4.3. TÀI NGUYÊN NƯỚC NGẦM
Nước ngầm trong các tầng đá cổ ở khu vực dự án chưa được nghiên cứu. Khu Hố Gần có thân quặng nằm lộ trên mặt hoặc sát bề mặt nên không bị ảnh hưởng của các tầng chứa nước ngầm trong quá trình khai thác.
Phần tài nguyên nước ngầm ở đây chỉ đề cập đến nguồn nước trong tầng trầm tích Đệ tứ. Hầu hết các hộ dân trong khu vực Bồng Miêu đều sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, một số giếng đã được lấy mẫu phân tích trong quá trình tiến hành nghiên cứu môi trường nền và kết quả cũng được trình bày trong báo cáo này. Tài nguyên nước ngầm trong khu vực rất phong phú mặc dù một phần đã bị ô nhiễm do tác động của con người và các chất ô nhiễm khác trong tự nhiên. Nước ngầm tại đây nhìn chung thấp hơn bề mặt không quá 4m.
Công tác bơm nước thí nghiệm chưa được thực hiện đối với các giếng trong khu vực Bồng Miêu tuy nhiên lưu lượng và lượng nước dự trữ trong lớp sỏi dày ở sông dự kiến rất lớn. Việc khai thác khoáng sản tại Bồng Miêu có khả năng không gây tác động đến tầng nước ngầm ở khu vực phía trên ngã ba suối Lò và sông Vàng.
3.4.4 HỆ ĐỘNG THỰC VẬT (TÀI NGUYÊN SINH THÁI)
Năm 1994-1995 công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu đã hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu môi trường, trường Đại học Tổng hợp Hà nội tiến hành nghiên cứu hệ động thực vật khu vực dự án.
Dưới đây trình bày kết quả nghiên cứu của Trung tâm về các loài thực vật trong vùng dự án được thống kê qua khảo sát trực tiếp và phỏng vấn dân địa phương.
Hệ thực vật
Hệ thực vật trong diện tích giấy phép đầu tư rất phong phú và đa dạng. Có khoảng 417 loài thực vật thuộc 297 chủng loài và 116 họ. Các họ thực vật chính là Dipterocarpacene, Leguminosae và Theaceae.
Hệ thực vật trong vùng thể hiện đặc tính riêng của vùng, đặc biệt có sự hiện diện của các loài hỗn hợp giữa các họ Anacardiaceae, Guttiferae, Lecythidaceae và Leguminosae và đặc biệt trong các loài Me tre (Semecarpus anacardiopsis), Trái lý (Garcinia fragraoides) Bang (Barringtomia spp), La tham (Gymnocladus chinensis) Móng bö hoa phượng (Bauhina coccinea), Khoai lang hoa vàng (Merremia umbelata), nhiều loài trong số này đang ngày càng trở nên quý hiếm.
Nguồn tài nguyên thực vật rất đa dạng gồm 87 loài cây lấy gỗ, 74 loài rau quả, 80 loài cây thuốc và 28 loài cây cảnh.
Một số khu vực có lớp thực vật không bị tác động bởi hoạt động khai thác như khu Nam Núi Kẽm, quanh khu vực suối Tre thượng nguồn sông Vàng.
Rừng xung quanh thung lũng sông Vàng là loại rừng thường xanh cây lá rộng, chủ yếu là loài Dipterocarpaceae và Leguminosae, Buseraceae.
Nhìn chung có 5 loại thảm thực vật chính trong khu vực:
1. Rừng kín thường xanh cây lá rộng nhiệt đới: Đây là kiểu rừng nguyên sinh gồm có 5 tầng thực vật từ mặt đất đến ngọn.
2. Rừng thứ sinh: loại rừng này chủ yếu ở các khu vực rừng tái sinh tự nhiên như phía tây Núi Kẽm và khu Thác Trắng.
3. Cây bụi sống ở vùng đất ẩm: rừng tái sinh tại các vùng đất ướt như lòng sông, bãi bồi gần rừng nguyên sinh.
4. Cây bụi sống ở vùng đất khô: loài cây bụi tái sinh xuất hiện trên vùng đất khô trên sườn núi, ví dụ khu vực bãi thải của mỏ Núi Kẽm phía bắc sông Vàng.
5. Đất canh tác: gồm đất trồng rừng như bạch đàn, keo, đất trồng lúa nương, ngô hay chuối và cây ăn quả trong làng và đất trồng lúa nước trên những vùng đất bồi phù sa dọc sông.
Ở khu Hố Gần chủ yếu phát triển cây bụi và rừng thứ sinh. Cần phải lựa chọn giống và trồng những loại cây có khả năng phát triển nhanh để phục hồi lại môi trường ở những khu vực sau khi đã khai thác hết và hoàn thổ lại lớp đất màu. Một số loại cây dự kiến được sử dụng để phục hồi môi trường là:
Cây thân gỗ: Endospermum chinensis, Anthocephatus indicus, Mallotus paniculatus, Croton argyratus, Barringtomia, Gymnodaduschinensis, Sapium dicolor, Trema orientalis, Symplocos spp and Mallotus mercalfianus.
Cây bụi: Trema plitoria, Macaranga trichocaropa, Memecylon edule.
Cây dây leo: Merremia umbellata. M. vitifolia Argyreia capitàta. Những loại dây leo này phát triển nhanh và đóng vai trò quan trọng trong việc phủ xanh và giúp ổn định đất sau khi khai thác.
Động vật có vú:
Trong khu vực dự án vàng Bồng Miêu có 23 loài thuộc 14 họ và được chia thành 05 nhóm. Trong đó có 13 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Những năm qua do có sự xuất hiện và hoạt động thường xuyên của con người, các loài động vật có vú bị đe dọa nay chỉ còn thấy xuất hiện ở những vùng cao hẻo lánh trên thượng nguồn sông Vàng.
Các loài chim
Các loài chim sinh sống trong khu vực giấy phép rất phong phú và đa dạng với 99 loài thuộc 35 họ và được chia thành 13 nhóm. Trong đó có 8 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Gà rừng (có mào) và vẹt cổ vàng là những loài đang gặp nguy hiểm, tuy nhiên trong khu vực giấy phép chúng thường xuất hiện với số lượng khá lớn. Các loài đang bị đe dọa khác là chim bói cá mỏ cò, chim bói cá có mào, chim mỏ sừng lớn, chim mũi kiếm đuôi dài,chim sẻ có sọc bụng và quạ cổ cườm.
Các loài bò sát
Trong khu vực giấy phép đầu tư đã xác định được 11 loài bò sát thuộc 9 họ và được phân thành 02 nhóm. Trong đó có 5 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam gồm rắn bắt chuột, trăn ấn độ, rắn hổ mang, kỳ đà xám và Physignathus cocincinus. Nhìn chung số loài bò sát sinh sống trong khu vực giấy phép rất phong phú.
Các sinh vật lưỡng cư
Qua khảo sát đã xác định được 04 loài lưỡng cư thuộc 2 họ và cùng thuộc nhóm Anura sinh sống trong khu vực giấy phép đầu tư. Không có loài nào có tên trong danh sách các loài đang gặp nguy hiểm, tuy nhiên chúng không phổ biến trong khu vực giấy phép.
Qua khảo sát đã xác định được 42 loài thuộc 13 họ đang sinh sống trong khu vực. Trong đó 05 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Người dân Bồng Miêu chỉ đánh bắt cá làm thức ăn chứ không vì mục đích thương mại. Trước đây họ sử dụng thuốc nổ và điện để đánh bắt, song tình trạng này hiện nay đã chấm dứt. Những năm giữa thâp kỷ 90 sự ô nhiễm xyanua do hoạt động khai thác trái phép tại khu vực Núi Kẽm đã làm cho số lượng các loài cá giảm đi đáng kể.
Những năm gần đây trong khu vực giấy phép, các hoạt động săn bắn trái phép các loài động vật có vú, bò sát và chim vì mục đích thương mại, làm thực phẩm và giải trí có chiều hướng tăng lên.
Ở khu Hố Gần, thảm thực vật đã được Ủy Ban nhân dân xã Tam Lãnh khai thác tận thu gỗ củi vào năm 1993-1994. Toàn bộ thảm thực vật hiện nay là cây bụi, cây gỗ tái sinh. Động vật hoang dã cũng chỉ còn lại các loài bó sát và chồn, cầy, nhím. Các loài thực vật, động vật quý hiếm được nêu ở trên chỉ có mặt ở những khu vực lân cận mỏ Hố Gần..
3.5 MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG NỀN
3.5.1 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Có hai tập số liệu về chất lượng đất khu vực dự án Bồng Miêu. Từ tháng 8/1994 đến tháng 7/1995 Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu lấy 71 mẫu đất để nghiên cứu môi trường nền và tìm kiếm địa hóa khu vực dự án. Tháng 10/1994, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã lấy và phân tích thêm 22 mẫu. Phần lớn các mẫu này được lấy ở khu bờ bắc sông Vàng, gần các khu khoáng hóa của mỏ Bồng Miêu. Tất cả các mẫu đều được lấy từ lớp đất mặt .
Các mẫu được lấy tại các vị trí đã lựa chọn dọc thung lũng sông Vàng từ suối Hố Ráy ở phía đông xuống đến khu thung lũng hẹp ở khu vực Xóm Giữa, cách thôn 10 khoảng 1.3km. Đây là khu vực có dân sinh sống và là khu trồng lúa. Công tác lấy mẫu đã được thực hiện ở khu hạ lưu suối Lò, Trà Sung, Xóm Giữa và thôn 10.
Các mẫu do Công ty KTV Bồng Miêu lấy được gửi phân tích tại phòng thí nghiệm Analabs ở Perth, Australia. Mẫu được hòa tan trong dung dịch cường toan và kết thúc bằng phương pháp quang phổ hấp phụ nguyên tử (phân tích đồng, crom, cadimi, mangan, arsen) hoặc bằng phương pháp quang phổ hấp phụ nguyên tử tạo hydrit (arsen, selen). Các mẫu do trường Đại học Mỏ - Địa chất lấy được phân tích để xác định độ dẫn điện (đồng, chì, cadimi, thuỷ ngân, arsen, selen), đo màu (crom, mangan) và xác định chuẩn độ (xyanua) tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường địa chất, Hà Nội.
Năm 2004, trước khi đưa mỏ vào hoạt động sản xuất công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu đã tiến hành lấy lại một số mẫu đất ở thung lũng sông Vàng trong khu vực dự án Hố Gần để phân tích kiểm tra. Mẫu được gửi phân tích tại phòng thí nghiệm của Trung Tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng II- Đà Nẵng
Vị trí lấy mẫu đất được thể hiện trong hình 3.8.
Kết quả phân tích địa hoá các mẫu lấy trong khu vực dự án được trình bày tóm tắt trong Bảng 3.8 và 3.9 dưới đây.
Hiện nay Việt Namchưa có quy định về chất lượng đất. Kết quả phân tích mẫu của từng vị trí lấy mẫu được so sánh với các chỉ tiêu về chất lượng môi trường đất theo Quy định chất lượng môi trường của Canada - Sử dụng cho đất nông nghiệp (CEQG A) (2002)
3.5.2 NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG NƯỚC
3.5.2.1 Khu vực lấy mẫu và vị trí lấy mẫu
Mẫu được lấy tại các vị trí lựa chọn dọc thung lũng sông Vàng từ thượng nguồn Suối Trang đến khu vực Xóm Giữa. Đây là khu đông dân cư và có cánh đồng trồng lúa.
Có hai tập số liệu về chất lượng nước mặt khu dự án Bồng Miêu. Năm 1994, hàng tháng các mẫu nước mặt được lấy từ 26 vị trí. Tháng 4 và 5 năm 2004, mẫu nước cũng được lấy tại 14 vị trí cố định mỗi tháng một lần. Vị trí lấy mẫu được thể hiện trong hình 3.9.
Đã tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt, các chỉ tiêu nghiên cứu nước mặt gồm 2 nhóm chính:
1. Chỉ tiêu lý hoá: nồng độ pH, độ dẫn điện, các chất dinh dưỡng, tổng nồng độ chất rắng lơ lửng/hoà tan, độ cứng, suphát.
2. Các kim loại vết: As, Cd, Cu, Hg, Pb.
3.5.2.2 Phương pháp lấy mẫu
Đợt mẫu lấy năm 1994 mẫu nước được đựng trong các can nhựa mới (5l) và không sử dụng a xít để bảo quản mẫu.
Đợt mẫu năm 2004 được lấy theo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam TCVN 6774-2000: Chất lượng nước - Chất lượng nước ngọt bảo vệ đời sống thuỷ sinh. Mẫu được lấy và đựng trong các chai nhựa 3lít, được vặn chặt nắp và bảo quản trong thùng đá khi đưa về phòng phân tích. Chai đựng mẫu được súc sạch 3 lần trước khi lấy mẫu.
Phân tích và phân tích kiểm tra
Các thông số phân tích gồm:
Các thông số lý hoá: nồng độ pH, độ dẫn điện, nhiệt độ, độ cứng, tổng lượng chất rắn hoà tan (TDS), tổng lượng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng nồng độ xyanua (CN), sulphát.
Các chất dinh dưỡng: Phốt phát, nitrat
Các kim loại vết: Arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb), thuỷ ngân (Hg), đồng (Cu).
Các kim loại khác: Sắt (Fe)
Hình 3.9: Vị trí lấy mẫu nước, mẫu thủy sinh
(Phải sửa lại sơ đồ này, thêm vị trí mẫu ốc và cá vào)
Đợt mẫu năm 1994 được gửi đi phân tích tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích và Thí nghiệm, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Một số phương pháp được sử dụng để phân tích gồm:
· Phân tích trọng lượng: hàm lượng chất rắn lơ lửng và chất rắn hoà tan
· Phân tích màu sắc: Xyanua, SO4, NO3
· Phân tích cực phổ: Pb, Cd, Cu
· ICP: As, Fe
· Quang phổ hấp phụ nguyên tử : Hg
Đợt mẫu năm 2004 được gửi đi phân tích theo Tiêu chuẩn Môi trường nước mặt Việt Nam TCVN 5942-1995 tại Phòng phân tích môi trường thuộc Viện Công nghệ Môi trường tại Hà Nội và Phòng Thí nghiệm của Trung tâm Đo lường Chất lượng tại Đà Nẵng.
Kết quả phân tích mẫu nước mặt của từng vị trí lấy mẫu được so sánh với các quy định về bảo vệ sự sống thuỷ sinh sau:
· Tiêu chuẩn Chất lượng nước ngọt bảo vệ sự sống thuỷ sinh của Việt Nam (TCVN 6774: 2000).
· Các tiêu chí quốc gia về chất lượng lượng nước đối với các chất ô nhiễm nghiêm trọng và không nghiêm trọng của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA 2002). Có hai tiêu chí đã được đưa ra trong văn bản hướng dẫn này là nồng độ tối đa (CMC) – đánh giá nồng độ cao nhất của một chất gây ô nhiễm có trong nước mặt không tác động đến cộng đồng thuỷ sinh, và nồng độ liên tục (CCC) – cho phép đánh giá nồng độ cao nhất của một chất gây ô nhiễm thể hiện không rõ ràng không ảnh hưởng đến cộng đồng thuỷ sinh. Phương pháp bảo tồn được áp dụng bao gồm cả hai tiêu chí này.
· Nhóm Ngân hàng Thế giới và Khai thác mỏ (1995). Các hướng dẫn liên quan đến mức xả thải cho phép không gây ra tác động xấu đến môi trường thuỷ sinh và việc sử dụng của con người.
Các chỉ tiêu kim loại trong nước ngọt của (US EPA) được thể hiện qua hàm lượng các kim loại hòa tan trong nước. Các chỉ tiêu kim loại trong nước ngọt còn phụ thuộc vào độ cứng của nước. Các tài liệu hướng dẫn nói trên không quy định các giá trị ngưỡng về độ đục, màu sắc, cặn lắng, độ cứng, độ dẫn điện, sunphat, nitrat, natri, magiê, kali hoặc canxi.
3.5.2.3 Kết quả phân tích nước mặt
Sự thay đổi lưu lương nước sông giữa mùa nắng và mùa mưa có thể làm cho nồng độ các chất ô nhiễm loãng đi trong mùa mưa. Giá trị trung bình, cực đại và cực tiểu đối với mỗi điểm lấy mẫu được tính cho mùa mưa (tháng 11 đến tháng 3) và mùa khô (tháng 4 đến tháng 10) để bảo đảm tính đại diện cho các mùa của chất lượng nước. Lượng mưa trung bình tháng đo được tại trạm quan trắc Bồng Miêu được so sánh với lưu lượng trung bình của khu vực Suối Trang (Trạm quan trắc số 2) thu thập trong năm 1994. Căn cứ số liệu về lượng mưa và lưu lượng của suối (trong phần 3.1.7 và 3.4.2) thì mùa mưa xuất hiện vào các tháng 10, 11 và 12 với lượng mưa trung bình là 1704mm - 1158mm. Số liệu cũng cho thấy lưu lượng nước sông vẫn duy trì ở mức cao đến tận tháng 03 năm sau.
Nồng độ trung bình tháng của các chất ô nhiễm trong nước mặt đã được xem xét để xác định ranh giới giữa hai mùa mưa và khô. Từ tháng 11 đến tháng 3, nồng độ các chất gây ô nhiễm như arsen, thuỷ ngân và độ dẫn giảm đi chứng tỏ rằng mùa mưa nồng độ của chất này bị loãng đi. Hàm lượng magiê và các chất rắn hoà tan cũng giảm xuống lần lượt từ tháng 11 đến tháng 2 và từ tháng 10 đến tháng 3. Điều này chứng tỏ rằng mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 3) và mùa khô (tháng 4-tháng 10) có ảnh hưởng đến thành phần hoá học của môi trường nước tiếp nhận.
Bảng 3.10 và 3.11 thể hiện các chỉ tiêu lý hoá và hàm lượng các kim loại vết trong môi trường nước mặt so với TCVN 6774. Quy định TCVN 6774 là phù hợp so với quy định của US EPA hoặc Ngân hàng Thế giới.
3.5.3 KẾT QUẢ NGHIÊN CƯU MÔI TRƯỜNG NƯỚC NGẦM
3.5.3.1 Khu vực lấy mẫu và vị trí lấy mẫu
Chất lượng nước ngầm được đánh giá qua 7 giếng nước sinh hoạt tại Bồng Miêu. Người dân ở đây sử dụng những giếng nước này để ăn uống, sinh hoạt. Có hai tập hợp số liệu về chất lượng nước ngầm. Mẫu nước ngầm được lấy mỗi tháng một lần từ 7 giếng nước kể trên vào năm 1994. Tháng 4 và 5 năm 2004 mẫu được lấy lại mỗi tháng một lần ở những vị trí trước đây đã lấy.
Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm được trình bày trong bảng 3.12 và 3.13 dưới đây, và các vị trí lấy mẫu được trình bày trong hình 3.9.
3.5.3.2 Phương pháp lấu mẫu
Phương pháp lấy mẫu nước ngầm năm 1994 được thực hiện giống như đối với nước mặt. Phương pháp lấy mẫu nước ngầm năm 2004 được thực hiện theo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam TCVN 5944-1995. Mẫu được lấy trong các chai nhựa 3 lit có nắp đậy chặt và bảo quản trong thùng đá khi chuyển về phòng thí nghiệm. Chai đựng mẫu được súc sạch 3 lần và trước khi lấy mẫu súc sạch thêm 1 lần.
Bảng 3.12: Chỉ tiêu vượt trội của kim loại trong nước ngầm,
Loạt mẫu năm 1994.
3.5.3.3 Kết quả phân tích chất lượng nước
Đã tiến hành phân tích mẫu theo các chỉ tiêu sau: chỉ tiêu hoá lý, chất dinh dưỡng và kim loại vết như trong phân tích mẫu nước mặt.
· Đợt mẫu nước ngầm năm 1994 gửi phân tích tại Trung tâm Dịch vụ phân tích và thí nghiệm, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam và được phân tích theo những phương pháp đã được thực hiện đối với mẫu nước mặt.
Mẫu nước ngầm năm 2004 được phân tích theo Tiêu chuẩn môi trường nước ngầm của Việt Nam TCVN 5944-1995. Kết quả phân tích mẫu của từng vị trí lấy mẫu được so sánh với các tiêu chí hướng dẫn bảo vệ sức khoẻ con người sau:
· Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm của Việt Nam (TCVN 5944: 1995).
· Tiêu chuẩn Quốc Gia của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA) (2002) về chất lượng nước ngầm đối với các chất ô nhiểm không nghiêm trọng hay nghiêm trọng. Tiêu chuẩn nước uống được sử dụng để so sánh.
· Các quy định của Ngân hàng Thế giới và tổ chức Khai khoáng về mức xả thải mà khi đạt dưới mức này vẫn không gây tác động lớn đến việc sử dụng con người.
Các văn bản quy định trên đây không có các giá trị ngưỡng về độ đục, màu sắc, dư lượng, tổng chất rắn lơ lửng, độ dẫn, natri, magiê, kali hay canxi.
Bảng 3.13 Các chỉ tiêu vượt trội của nước ngầm, loạt mẫu phân tích 2004
3.5.3.4 Kết quả phân tích nước ngầm
Tài liệu nước ngầm năm 1994 được phân theo mùa “khô” và mùa “mưa” để đánh giá sự thay đổi nồng độ các chất ô nhiễm theo mùa. Phương pháp và cơ sở đánh giá được đề cập trong phần 3.1.7 và 3.4.2. Bảng 3.12 và 3.13 trình bày kết quả phân tích nước ngầm theo chỉ tiêu lý hoá và hàm lượng kim loại vết so với chỉ tiêu của TCVN 5944. Tiêu chuẩn TCVN 5944 phù hợp hơn so với tiêu chuẩn của US EPA hoặc tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
3.5.4 CHẤT LƯỢNG CÁC LOÀI THỦY SINH
Tháng 4 năm 2005 các mẫu cá và ốc ở sông Vàng, lân cận khu vực dự án Hố Gần đã được lấy phân tích sự tích lũy hàm lượng kim loại nặng và các yếu tố khác trong thủy sinh (xem hình 3.9) .Kết quả phân tích trình bày trong bảng 3.14 dưới đây. Kết quả phân tích thể hiện hàm lượng đặc biệt cao của sắt, chì, đồng và acsen ở mẫu ốc lấy ở khu vực sông Vàng, cạnh khu hầm lò Núi Kẽm (mẫu TS1). Hàm lượng sắt tăng cao cũng quan sát thấy ở các mẫu ôc lấy ở Suối Lò (mẫu TS2) và mẫu cá lấy ở sông Vàng cạnh khu vực Trà Sung (mẫu TS3), nằm dưới cửa suối Lò đổ ra sôngVàng. Mẫu cá ở khu vực Trà Sung cũng chứa hàm lựợng chì tăng cao vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực thực phẩm.
3.5.5 CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ
Khu vực dự án nằm ở vùng nông thôn nên có ít nguồn gây ô nhiễm không khí, trừ trường hợp xảy ra cháy rừng và cháy nhà . Giao thông ở đây không đông đúc và trong vùng cũng không có nhiều đường đi lại. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nào nói về chất lượng không khí ở khu vực này. Trong chương trình quan trắc môi trường, dự kiến sẽ tiến hành cả công tác quan trắc chất lượng không khí tại khu vực mỏ và các thôn ở Bồng Miêu.
3.5.6 TIẾNG ỒN
Khu vực dự án nằm ở vùng nông thôn nên có rất ít nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Mật độ giao thông ở đây không đông đúc và trong vùng cũng không có nhiều đường giao thông. Trong chương trình quan trắc môi trường, dự kiến sẽ bao gồm cả công tác quan trắc tiếng ồn khu vực mỏ và các thôn ở Bồng Miêu.
3.5.7 ĐỊA CHẤN
Một cuộc đánh giá thuần túy về tình hình địa chấn khu vực dự án đã được thực hiện bằng cách kiểm tra chéo kết quả của ba nguồn dữ liệu.
Bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn trên toàn lãnh thổ Việt Nam được lập để phục vụ cho chương trình đánh giá nguy cơ địa chấn toàn cầu (GSHAP, 2002). Khu vực miền trung Việt Nam bao gồm khu vực dự án Bồng Miêu nằm trong vùng có ít nguy cơ xảy ra động đất. Bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn toàn cầu của GSHAP, 2002 được trình bày trong hình 3.10 dưới đây.
Hình 3.10: Bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn toàn cầu
Kết quả nghiên cứu địa chấn ghi nhận được từ năm 1973 đến 2002 cho thấy có rất ít vụ địa chấn lớn xảy ra trong bán kính cách khu vực dự án 500km và theo nghiên cứu của Trung Tâm thông tin động đất Quốc gia Mỹ cũng không xảy ra vụ chấn động nào. Chỉ xuất hiện duy nhất một đợt địa chấn trong vòng 300km quanh khu vực dự án, với cường độ 3.8 Richter, cách khu vực dự án 112km và không gây ảnh hưởng đáng kể đến khu vực dự án. Bốn đợt địa chấn khác có cường độ R=4.7 đã xảy ra cách khu vực dự án khoảng 500km và cũng không gây ảnh hưởng nào đến khu vực dự án.
Theo Uniform Building Code, Tp. Hồ Chí Minh được xếp vào vùng 0. Căn cứ bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn toàn cầu, Tp. Hồ Chí Minh nằm cùng vùng với khu dự án. Đây là vùng có hoạt động thấp nhất nghĩa là có nguy cơ xảy ra địa chấn rất thấp. Cả ba nguồn tài liệu trên cho thấy khu vực dự án được xếp vào vùng có hoạt động địa chấn rất thấp.
3.5.8 MÔI TRƯỜNG PHÓNG XẠ TẠI KHU VỰC KHAI THÁC
Trong khu vực Quảng Nam có một số điểm phóng xạ liên quan với hệ tầng Khâm Đức. Tai Tiên An, cách Bồng Miêu khoảng 10km về phía Tây – Bắc dị thường xạ liên quan đến các thấu kính/ chuỗi thấu kính graphit trong hệ tầng Khâm Đức. Kết quả nghiên cứu địa chất ở khu vực Bồng Miêu nói chung và mỏ Hố Gần nói riêng không cho thấy sự có mặt của các thấu kính graphit. Tuy vậy, công ty cũng đã tiến hành đo cường độ phóng xạ khu vực khai thác mỏ Hố Gần vào tháng 4 năm 2005. Tổng cộng đã tiến hành đo xxx điểm đo trên toàn bộ diện tích mỏ Hố Gần. Cường độ xạ cực đại tính cho các khu khai thác giao động từ 0,263 mSv/năm (phần phía Nam mỏ Hố Gần -tiểu khu 11) đến 0,298 mSv/năm (phần trung tâm mỏ - tiểu khu 7 và 8). Không có giá trị đo nào vượt cường độ phông. Nếu người lao động sống và làm việc ngày 24 giờ tại hiện trường, họ chỉ chịu tổng cường độ phóng xạ 0,298 mSv/năm, bằng 3% mức quy định cho phép đối với phụ nữ không mang thai của Hội bảo vệ xạ thế giới (ICRP) – (mức quy định là 20 mSv/năm cho thời gian kéo dài 5 năm).
Sơ đồ dị thường xạ mỏ Hố Gần được trình bày ở hình 3.11
Hình 3.11: Sơ đồ dị thường xạ mỏ Hố Gần
3.6 ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG NỀN HIỆN TẠI
3.6.1 CHẤT LƯỢNG ĐẤT
Do Việt Nam chưa có quy định về chất lượng đất, nên các thông số về chất lượng đất được so sánh với các quy định về chất lượng môi trường của Canada đối với việc sử dụng đất nông nghiệp.
Tài liệu quy định trên đây không đề ra các giá trị ngưỡng cho nguyên tố magiê hay vàng. Kết quả phân tích cho thấy các nguyên tố xyanua, thuỷ ngân, cadimi không có giá trị vượt trội, ngoại trừ hàm lượng cadimi đáng nghi vấn trong mẫu có giá trị 1s. Tất cả các nguyên tố acsen, đồng, crom, chì và selen đều vượt trội so với giá trị quy định.
Căn cứ theo các quy định của đất nông nghiệp của Canada (CEQG), đất nông nghiệp chứa hàm lượng kim loại khá cao được sắp xếp theo thứ tự (dựa vào giá trị cao nhất) của các thành phần kim loại là Pb>As>Cr>Cu>Se. Tồn tại giá trị vượt trội của một số nguyên tố là do sự tích tụ ô nhiễm lòng sông từ việc khai thác mỏ hầm lò Núi Kẽm và do tuyển luyện vàng quy mô nhỏ của dân trong thôn.
Nhìn chung, tuỳ thuộc vào vị trí tương đối so với Núi Kẽm và các khu vực khai thác và tuyển luyện vàng trái phép, đất trong khu vực dự án có mức độ ô nhiễm khác nhau, từ không bị ảnh hưởng đến ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số kim loại có hàm lượng vượt trội tiêu chuẩn cho phép được tìm thấy trong các khu vực không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác trái phép có thể liên quan đến hàm lượng kim loại trong tầng đá gốc. Công tác lấy mẫu đất ở vùng lân cận khu vực mỏ sau này cũng cần phải tính đến sự phân bố hàm lượng kim loại vết trong đất đã quan sát được thời gian qua.
Ô nhiễm chì
Điều đáng quan tâm nhất là hàm lượng chì trong đất. Các khu vực bị ô nhiễm chì nghiêm trọng là khu vực bắc Bồng Miêu, thung lũng dưới chân đồi Hố Gần, khu vực Cò Bay bên dưới chân Núi Kẽm và hạ lưu của bãi chứa thải Núi Kẽm. Giới hạn cho phép của chì đối với đất canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng đất của Canada (2002 – đất nông nghiệp) là 70mg/kg. Các khu vực này có hàm lượng chì lần lượt là 318, 709 và 741 mg/kg. Các bãi bồi trong thung lũng Trà Sung cũng có hàm lượng chì lên đến 170mg/kg và quanh khu vực thôn 10 Bồng Miêu là 165mg/kg.
Các bãi bồi phía nam Bồng Miêu và bắc Hố Gần có hàm lượng chì 531mg/kg, trung bình là 102-327mg/kg. Kết quả phân tích mẫu bùn được lấy tại vị trí BM5A có hàm lượng chì là 1013mg/kg và mẫu được lấy từ thung lũng phía bắc sông Vàng trên đường đến xã Tam Lãnh là 3489mg/kg.
Một số hoạt động của dân làm vàng có thể gây ra tình trạng ô nhiễm chì nặng ở một số thôn. Được biết rằng ở những nơi người dân sử dụng xyanua để chiết xuất vàng, thì cứ 1 tấn quặng phải sử dụng khoảng 0,3kg muối chì có màu cam (có thể là Pb2O3 hoặc PbNO3) để xử lý.
Ô nhiễm Arsen
Hàm lượng arsen cao hơn mức cho phép ở một số vị trí và tương ứng với hàm lượng chì cao trong đất. Cả hai kim loại này đều gặp ở dạng khoáng vật sulphua trong các mạch quặng thạch anh và đá ở khu Hố Gần và ở một số khu vực khác trong khu mỏ Bồng Miêu. Các chất ô nhiễm này tích tụ lại do xói mòn và rửa trôi tái lắng đọng trong trầm tích aluvi ở các bãi bồi. hiện Sự ô nhiễm này chủ yếu là ô nhiễm tự nhiên.
Ô nhiễm xyanua
Nồng độ xyanua trong đất ở một số vị trí ở mức trung bình và nằm trong tiêu chuẩn cho phép (Tiêu chuẩn chất lượng đất của Canada (đối với đất nông nghiệp, 2002) =0,9mg/kg). Kết quả phân tích cho thấy nồng độ xyanua của tất cả các mẫu đều nằm trong khoảng 0,2-0,95mg/kg và các kết quả này là do việc sử dụng bừa bãi xyanua để chiết xuất vàng từ quặng ở một số thôn. Nồng độ xyanua trong đất cao ở các khu vực quanh văn phòng mỏ Bồng Miêu, thôn Bồng Miêu, và Xóm Giữa, là những nơi xử lý quặng Hố Gần. Theo báo cáo, dân làm vàng ngâm chiết quặng bằng các bồn hoặc các hố ở dưới lòng đất và cho vào mỗi tấn quặng khoảng 0,7-1,5kg natri xyanua để xử lý. Ngoài ra, họ còn sử dụng vôi, natri cabonat hay thuốc tím để điều chỉnh độ pH cho đến khi nồng độ pH= 10-11. Sau từ 7 đến 10 ngày, hỗn hợp trong bồn sẽ có màu vàng nâu và họ sử dụng các tấm kẽm để thu hồi vàng dưới dạng kết tủa. Quặng thải và dung dịch xử lý được xả trực tiếp ra mặt đất hoặc sông suối.
Trong 5 năm qua dân làm vàng trái phép đã đào rất nhiều hố xử lý xyanua như vậy trên sườn bắc Núi Kẽm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu để lập báo cáo này, công ty đã không lấy mẫu thí nghiệm trực tiếp từ các hố đó.
Xyanua bị phân hủy nhanh trong điều kiện nước ngầm có a xít và dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chì và các kim loại nặng khác thì không bị phân hủy.
Độ pH thấp
Nồng độ pH của các mẫu phân tích nhìn chung là thấp, trung bình pH=4,3. Ở điều kiện đất khu vực nhiệt đới, độ pH tương đối thấp (5,5-6,0), song độ pH thấp có thể là do sự phân hủy sunphua tự nhiên trong đất trầm tích và lượng sulphua do dân làm vàng sử dụng để xử lý quặng. Mặc dù thấp, song mức pH này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Độ dẫn điện của các mẫu đất tương đối cao có thể liên quan đến quá trình phân hủy sulphua và sự có mặt của các kim loại và ion sulphat trong đất.
Hình 3.12: Hàm lượng chì trong đất
Hình 3.13: Hàm lượng arsen trong đất
3.6.2 CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT
Nhìn chung, nước mặt ở hầu hết các suối chảy qua khu vực dự án bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào hoạt động tự nhiên trước đây và hiện tại trong lưu vực. Do người dân địa phương trong khu vực dự án sử dụng nguồn nước mặt để ăn uống và sinh hoạt nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt là vấn đề cần được quan tâm.
Giá trị trung bình của các chất rắn lơ lửng, chất rắn hòa tan và chlorua trong mùa mưa và mùa khô thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng của nó. Bảng 3.9 và 3.10 tóm tắt kết quả phân tích và mức vượt trội của nồng độ pH, xyanua, sắt, chì, thủy ngân, đồng, cadmi và acsen. Ngoại trừ cadmi, số lượng vị trí lấy mẫu vượt quá giá trị ngưỡng cho phép vào mùa khô nhiều hơn vào mùa mưa.
3.6.2.1 Chất lượng nước mặt đánh giá năm 1994
Nước trong các hầm lò cũ
Mẫu NK1 và NK2 được lấy từ nguồn nước ngấm từ hầm lò Núi Kẽm và bị ảnh hưởng bởi công trình khai thác của người Chăm trước đây tại Núi Saro có nồng độ pH thấp, và hàm lượng kim loại sắt, chì, thủy ngân, đồng, cadmi, xyanua và arsen cao vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam.
Các nhánh suối
Các phụ lưu chính của sông Vàng, thượng nguồn và các khe suối nước ở mỏ Hố Gần đã được đánh giá. Kết quả phân tích cho thấy có mức vượt trội nhẹ của chì và cadmi tại vị trí lấy mẫu BME và xyanua tại vị trí lấy mẫu HR.
Sông Vàng
Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng cadmi và arsen vượt trội tại vị trí lấy mẫu BM1, hàm lượng chì vượt trội tại vị trí BM4; xyanua vượt trội tại vị trí lấy mẫu BM2, BM4 và BM5.
3.6.2.2 Chất lượng nước mặt đánh giá năm 2004
Bảng 3.10 tóm tắt kết quả và mức vượt trội của chất rắn lơ lửng, chất rắn hòa tan, độ pH, tổng nồng độ xyanua, sắt, chì, thủy ngâm, đồng, cadmi, arsen và nitrit.
Nước trong các hầm lò cũ
Mẫu NK1 và NK2 là mẫu lấy từ nguồn nước chảy từ trong các hầm lò khu Núi Kẽm và có bị ảnh hưởng bởi các công trình khai thác vàng của người Chăm trên đỉnh Sa Ro. Nước có độ pH thấp, chứa hàm lượng vượt trội so với TCVN của nhiều chỉ tiêu: chất rắn lơ lửng, chất rắn hòa tan, sắt, chì, thủy ngân, đồng, cadmi, syanua và arsen.
Nước các suối nhánh
Hàng loạt suối nhánh chính của sông Vàng ở thượng nguồn và chảy qua khu Hố Gần đã được lấy mẫu phân tích. Kết quả cho thấy có sự vượt trội hàm lượng chì ở trạm quan trắc ST1 và đồng ở trạm HR.
Sông Vàng
Hàm lượng syanua vượt trội ở thượng nguồn trạm BM0, sắt và đồng vượt trội ở trạm BM2 và BM 4a, chì vượt trội ở BM2, BM4a, BM5 và BM 5a.
3.6.2.3 Tóm tắt kết quả phân tích nước mặt
Số liệu thu thập được tháng 4 và 5 năm 1994 và năm 2004 đã được đem so sánh để đánh giá những thay đổi về thành phần hóa học của nước mặt trong những năm qua. Độ dẫn, hàm lượng sắt, chì, đồng và cadmi, arsen của các mẫu BM2, TT1, BM4, HR, BME, ST1 HG1, BM5, BM5a, BM6 là giống nhau. Riêng nồng độ xyanua tổng và thủy ngân giảm đi so với kết quả phân tích năm 1994.
Các mẫu được lấy từ các vị trí NK1 và NK2 có hàm lượng của tất cả các chất ô nhiễm nhìn chung đều tăng đáng kể năm 1994. Điều này kết hợp với với sự tăng cao hàm lượng chất rắn lơ lửng và chất rắn hòa tan, chứng tỏ nước trong hầm lò đang bị xáo trộn bởi tác động của con người hoặc bởi các quá trình vật lý tự nhiên.
Số liệu năm 1994 cho thấy vào thời gian đó trên toàn khu vực đã xảy ra rất nhiều hoạt động xử lý vàng bằng xyanua hơn hiện nay, và làm hàm lượng xyanua vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam xảy ra ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, chất lượng nước mặt nhìn chung vẫn ở mức có thể chấp nhận được, ngoại trừ khu lân cận mỏ Núi Kẽm và một đoạn khoảng 1km từ Núi Kẽm về phía hạ lưu, kể cả ở vị trí BM4.
Ngược lại, số liệu ghi nhận được năm 2004 cho thấy mức độ ô nhiễm xyanua là rất thấp. Các số liệu này cũng cho thấy mỏ Núi Kẽm và các công trình khai thác khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sông Vàng. Trong tháng 4 và 5 sự vượt trội của sắt, chì và đồng ít nhất kéo dài trên theo sông về phía hạ lưu cách mỏ Núi Kẽm 1km. Chì có khả năng di chuyển lớn, thể hiện sự vượt trội hàm lượng ở các vị trí lấy mẫu sông Vàng; cách Núi Kẽm ít nhất 6km về phía hạ lưu.
Kết quả phân tích thành phần hóa học của nước năm 1994 và 2004 có một sự khác biệt đáng kể. Năm 1994, dấu hiệu ô nhiễm bắt nguồn từ khu mỏ Núi Kẽm được thể hiện qua độ pH thấp và hàm lượng sắt, chì, đồng, cadmi và arsen cao. Ngoài ra, toàn bộ lưu vực còn bị nhiễm nghiêm trọng bởi xyanua, chì, đồng và arsen. Ô nhiễm xyanua có thể xuất phát từ hoạt động khai thác và xử lý vàng trái phép. Năm 2004, dấu hiệu ô nhiễm vẫn bắt nguồn từ khu mỏ Núi Kẽm, tuy nhiên hoạt động khai thác và xử lý quặng trong thôn có phần giảm đi theo thời gian và chỉ còn một lượng nhỏ chì và đồng.
3.6.3 CHẤT LƯỢNG NƯỚC NGẦM
3.6.3.1 Chất lượng nước ngầm năm 1994
Công tác lấy mẫu đã được thực hiện tại 5 vị trí bên bờ bắc của sông Vàng, đối diện với mỏ Hố Gần và một vị trí bên bờ nam gần chỗ hợp lưu Suối Lò.
Kết quả phân tích được phân theo mùa mưa và mùa nắng như đã đề cập trong phần nước ngầm. Hàm lượng trung bình tháng của các chất ô nhiễm đối với mẫu nước ngầm đã được xem xét để xác định sự phân biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Giá trị trung bình của hai mùa mưa và khô đối với màu sắc, độ cứng, chất rắn lơ lửng, chất rắn hòa tan, sunphat, nitrat, sắt, chì, thủy ngân, đồng và cadmi đều thấp hơn các tiêu chuẩn tương ứng. Bảng 3.12 tóm tắt kết quả phân tích và mức vượt trội của độ pH và xyanua. Kết quả cho thấy rằng hàm lượng hóa học trong nước giữa mùa khô và mùa mưa là giống nhau.
Các vị trí lấy mẫu đều có độ pH trong khoảng từ a xít đến trung tính, 3.77<=pH<=6.89. Kết quả phân tích acsen dưới độ nhạy ngoại trừ có một giá trị ở vị trí BMW5 vượt mức cho phép vào mùa khô. Hầu hết các mẫu phân tích có nồng độ xyanua cao hơn mức quy định của Việt Nam.
3.6.3.2 Chất lượng nước ngầm năm 2004
Theo kết quả phân tích, mức trung bình của các chỉ tiêu về màu sắc, độ cứng, hàm lượng chất rắn lơ lửng, chất rắn hòa tan, sunphat, nitrat, xyanua, chì, thủy ngân, đồng, cadmi, nitrit và photphat không vượt quá mức quy định. Bảng 3.13 trình bày kết quả phân tích và giá trị vượt trội của độ pH và sắt, tháng 4 và tháng 5 cho kết quả tương tự nhau.
Tất cả các vị trí lấy mẫu có độ pH trong khoảng từ axít đến trung tính, 5.3<=pH <=6.89. Kết quả phân tích hàm lượng sắt thấp hơn quy định của Việt Nam, trừ vị trí lấy mẫu BMW1 vào tháng 4 có 1 giá trị cao hơn giá trị cho phép.
3.6.3.3 Tóm tắt kết quả phân tích nước ngầm
Kết quả mẫu nước ngầm ghi nhận được vào tháng 4 và tháng 5 năm 1994 và 2004 được so sánh với nhau để đánh giá những thay đổi về thành phần hóa học của nước ngầm trong thập kỷ qua. Các chỉ tiêu phân tích, kể cả độ pH, của các mẫu BM1, BM2, BM3, BM4, BM5 and BMEW cho kết quả giống nhau. Nồng độ xyanua tổng của các mẫu lấy năm 2004 ở cùng vị trí so với năm 994 giảm xuống dưới độ nhạy (Hình 3.15).
Số liệu năm 1994 cho thấy thời gian đó trên toàn khu vực đã xảy ra rất nhiều hoạt động xử lý vàng bằng xyanua hơn so với hiện nay và hàm lượng syanua vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng nước ngầm nhìn chung vẫn ở mức có thể chấp nhận được. Kết quả phân tích năm 2004 không thể hiện sự ô nhiễm xyanua.
3.6.4 HỆ ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT
Công tác đánh giá hệ động thực vật trong khu vực dự án đã được thực hiện. Xét trên diện tích rộng, số loài động thực vật ở đây rất đa dạng. Ngoại trừ một số loài động thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tiệt chủng đã được biết đến hoặc theo báo cáo của xã, số còn lại nhìn chung xuất hiện bên ngoài khu vực mỏ Hố Gần. Mỏ Hố Gần nằm gần khu dân cư và do vậy các loài động thực vật trước đây đã bị săn bắt và khai thác cạn kiệt một cách có hệ thống vì thế khu vực xung quanh mỏ bị biến đổi nghiêm trọng. Thảm thực vật mỏ Hố Gần đã được Ủy Ban nhân dân xã Tam Lãnh khai thác triệt để tận thu gỗ củi vào năm 1993-1994. Hiên nay chỉ có những cây gỗ nhỏ còn sót lại và những cây bụi, cây gỗ tái sinh. Do vậy việc phát triển dự án Hố Gần sẽ khôgn gây tác động đến hệ sinh thái ở khu vực Bồng Miêu.
3.7 DỰ BÁO DIỄN BIẾN CỦA MÔI TRƯỜNG TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔNG THỰC HIỆN DỰ ÁN
3.7.1 KHÁI QUÁT
Nếu dự án không được thực hiện thì sẽ không xảy ra các tác động tiềm tàng của dự án đối với môi trường. Tuy vậy, trong trường hợp này, sự phát triển của địa phương sẽ bị chậm lại. Hoạt động khai thác vàng trái phép có thể sẽ tiếp diễn, môi trường tại địa phương vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do các hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp trước đây gây nên, sẽ tiếp tục xuống cấp hơn nữa.
3.7.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ
Nếu dự án không được thực hiện, thì những tác động tiêu cực sau đây đối với môi trường có khả năng sẽ tăng lên:
· Người làm vàng trái phép sẽ tiếp tục khai thác vàng gốc trong các hầm lò, khai thác lộ thiên và vàng sa khoáng, làm mất đất màu, ô nhiễm nguồn nước, phá hủy rừng và thu hẹp môi trường sống của các loài. Các tổn thất môi trường này sẽ không được những người khai thác vàng trái phép phục hồi.
· Lượng lớn rác thải từ các lán trại khai thác trái phép sẽ được thải trực tiếp ra môi trường mà không được xử lý.
· Vật liệu nổ và các hóa chất độc hại khác như thủy ngân, xyanua được sử dụng bừa bãi và thải bừa bãi ra môi trường không qua bất kỳ một khâu xử lý nào.
· Hoạt động săn bắt động vật, khai thác lâm sản và đánh bắt cá trái phép sẽ tiếp tục tiếp diễn.
3.7.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
Các hoạt động khai vàng bất hợp pháp diễn ra trong suốt thập niên qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của vùng dự án. Nếu mỏ không được phát triển thì các tác động tiêu cực này (chẳng hạn: hàm lượng kim loại và xyanua trong nước và đất cao, xói mòn đất màu, mất môi trường sống của động vật) sẽ còn tiếp diễn.
Hiện tại vẫn chưa có biện pháp phục hồi nào để loại bỏ hay quản lý các chất ô nhiễm đang xâm hại đến hệ sinh thái, các hoạt động khai khoáng bất hợp pháp sẽ tiếp tục làm tăng cao hàm lượng kim loại trong nước và đất. Điều này có thể sẽ dẫn đến khả năng tích lũy sinh học các kim loại như chì và cadmi nhiều hơn, và có khả năng tạo nên mối nguy hiểm đặc biệt đến sức khỏe của con người.
3.7.4 . TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ-XÃ HỘI
3.7.4.1 Ảnh hưởng trực tiếp
Các hoạt động khai thác trái phép sẽ tiếp tục diễn ra mạnh hơn, song đại bộ phận dân địa phương sẽ không được hưởng lợi gì từ hoạt động khai thác trái phép này.
Việc mở rộng khai thác trái phép trái phép bằng hầm lò sẽ dẫn đến tỉ lệ tai nạn tăng cao.
Sự có mặt của hàng nghìn người như giai đoạn 1980 ở Bồng Miêu không được quản lý chặt chẽ sẽ tạo ra sức ép lớn lên các nguồn lực ở địa phương. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm làm cho giá cả các nhu yếu phẩm tăng cao. Nhu cầu về củi đốt và nhà ở sẽ dẫn đến việc rừng bị phá hoại nhiều hơn.
Nhà nước sẽ không quản lý được tài nguyên khoáng sản và không thu được gì từ nguồn lợi này. Sẽ mất đi những lợi ích trực tiếp đối với Nhà nước, bao gồm các loại thuê.
Khai thác trái phép sẽ dẫn đến việc buôn bán thuốc nổ, hóa chất trái phép từ các nơi khác chở đến Tam Lãnh, mang lại nguy cơ tiềm tàng đối với các cơ sở giao thông, tính mạng của nhân dân.
Sự tồn tại một lượng vàng lớn trong khu vực gây ra những tranh chấp đất đai giữa những người khai thác bất hợp pháp với nhau, là nguyên nhân của tệ nạn trộm cắp, chém giết và gây bất ổn cho xã hội.
Sự có mặt của đông người làm vàng ở Bồng Miêu sẽ làm tăng các tệ nạn xã hội vốn thường thấy ở các bãi khai thác vàng trái phép: nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, mại dâm, chém giết, sử dụng lao động trẻ em và phụ nữ vào các công việc nguy hiểm.
Sự có mặt nhiều người làm vàng đền từ nhiều nơi khác nhau làm tăng khả năng phát sinh các loại bệnh dịch.
3.7.4.2 Những ảnh hưởng gián tiếp
Ảnh hưởng gián tiếp của việc không triển khai dự án trước hết là về mặt kinh tế – xã hội. Vùng này có lẽ sẽ vẫn là một cộng đồng sản xuất nông nghiệp/lâm nghiệp tự cấp tự túc với các dịch vụ y tế và giáo dục nghèo nàn và áp lực luôn gia tăng vào sản phẩm rừng để bổ sung thêm thu nhập của các hộ gia đình nghèo. Mặc dù Dự án sẽ đem lại những thay đổi nhất định và các tác động môi trường không thể tránh được, song nếu không triển khai dự án thì khó có cơ hội xác định và triển khai các giải pháp để giải quyết những vấn đề đang và sẽ còn tồn tại ở địa phương.
Dự án Hố Gần là một trong những dự án khai mỏ quốc tế đầu tiên được xây dựng theo Luật đầu tư nước ngoài và Luật khoáng sản của Việt Nam. Nếu dự án không được phê chuẩn thì bên cạnh những thiệt hại về mặt kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Tóm lại, các tác động nêu trên đã xảy ra trong những năm trước đây, để lại hậu quả nghiêm trọng cho môi trường khu vực dự án. Việc quản lý hoạt động khai thác vàng trái phép là vấn đề hết sức nan giải đối với chính quyền địa phương cũng như trong phạm vi cả nước. Do vậy, biện pháp tốt nhất là đưa dự án Hố Gần vào khai thác quy mô công nghiệp với sự tuân thủ nghiêm ngặt Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế xã hội cao nhất, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến môi trường và phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ.
CHƯƠNG 4
DỰ BÁO, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
4.1KHÁI QUÁT
Khai thác và thu hồi khoáng sản nói chung và vàng nói riêng là không dễ dàng. Do vậy, đã phải tiến hành nghiên cứu, lựa chọn phương pháp khai thác và tuyển luyện thích hợp để thu hồi nguồn tài nguyên vàng một cách có hiệu quả, và ít gây tác động đến môi trường nhất.
Tuổi thọ mỏ khu Hố Gần dự kiến là 4 năm. Trong thời gian này, các hoạt động khai thác sẽ diễn ra liên tục, và khu vực Hố Gần sẽ không thể sử dụng cho các mục đích khác như khai thức rừng, săn bắn, khai thác vàng trái phép .
4.2 CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TIỀM TÀNG
Ba giai đoạn hoạt động chính của mỏ là:
- Xây dựng mỏ
- Hoạt động sản xuất: khai thác và chế biến
- Đóng cửa mỏ
Từng giai đoạn phát triển mỏ đều có những khả năng gây tác động đến môi trường và các tác động đó có thể khác nhau. Các tác động đó có thể là tác động đến môi trường vật lý, môi trường sinh thái và kinh tế - xã hội.
Các nhân tố có khả năng gây ra tác động đến môi trường trong thời gian dự án hoạt động bao gồm:
· Bụi và các loại khí thải
· Tiếng ồn
· Chấn động do nổ mìn
· Đá thải
· Nước thải có chứa dầu mỡ
· Nước thải có chứa chất rắn lơ lửng và các chất ô nhiễm hòa tan
· Thay đổi mục đích sử dụng đất
· Thay đổi cảnh quan
· Mật độ giao thông
· Nước và rác thải sinh hoạt
Các nguồn gây tác động đến môi trường này có thể sẽ xuất hiện trong quá trình xây dựng và khai thác mỏ, tuy nhiên cường độ tác động thay đổi theo từng giai đoạn.
Sau khi mỏ đóng cửa, các tác động đến môi trường có thể bắt nguồn từ:
· Các bãi đá thải
· Nước ô nhiễm rò rỉ ra từ đá thải và thải quặng.
· Cảnh quan bị thay đổi bao gồm các khu vực khai thác, khu nhà máy và khu chứa thải.
Các nguồn gây tác động này liên quan đến các hoạt động chính sẽ diễn ra tại mỏ. Các hoạt động khai thác và khối lượng sản phẩm có khả năng gây ra các tác động đến môi trường được trình bày trong Bảng 4.1.
Bảng 4.1 Nguồn phát sinh tác động đến môi trường trong quá trình phát triển mỏ
Các hạng mục
Đơn vị tính /năm
Số lượng
Khai thác quặng
Tấn
(100.000t
Chế biến quặng
Tấn
(100.000t
Xử lý nước
m3
-
Dầu đi-ê-zel
L
40.000
Xăng
L
-
Dầu
L
5.000
Mỡ
kg
700
Thuốc nổ (ANFO 1.16 kg/m3)
kg
47.200
Thuốc nổ (dạng thỏi 0.2kg/m3)
kg
8.000
Xyanua (9.2kg/tấn tinh quặng)
kg
154.468
Natri hyđroxit (1kg/tấn tinh quặng)
kg
16.790
Hyđro peroxit (15kg/tấn tinh quặng)
kg
251.850
Xantat (60g/tấn) cho tuyển nổi
kg
9.636
Sunphat đồng (50g/tấn) cho tuyển nổi
kg
8.030
Methyl isobutyl carbonat (MIBC –dầu thông) (4 g/t) cho tuyển nổi
kg
642,4
Keo kết tụ (40 g/tấn tinh quặng)
kg
6.424
Các chất dùng trong luyện kim như borac, canxi florua, sođa nung (tổng cộng 900kg) không được liệt kê trong bảng trên vì dự kiến sẽ không thải các chất này ra môi trường.
4.3 BIÊN CHẾ LAO ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP VÀ NHÀ THẦU
Công tác xây dựng mỏ sẽ được triển khai ngay trong năm đầu. Việc xây dựng nhà máy và hoạt động khai thác cũng sẽ được thực hiện trong năm này. Số lao động tại mỏ trong mỗi ca cũng sẽ đạt đến con số tối đa trong giai đoạn này.
Công nhân viên của Công ty sẽ được bố trí ở tại khu văn phòng mỏ Bồng Miêu hiện nay, còn nhân viên của nhà thầu khai thác sẽ ở tại khu nhà được xây dựng dành riêng cho họ ở tại mỏ (xem hình 2.2). Số lượng công nhân viên làm việc cho dự án được trình bày tại Bảng 4.2.
Bảng 4.2: Số lượng công nhân viên theo từng giai đoạn xây dựng và khai thác
Thành phần nhân sự
Giai đoạn xây dựng
Gian đoạn khai thác
Nhân viên của công ty
43
43
Nhân lực của nhà thầu khai thác
60
60
Nhân lực của nhà thầu xây dựng (tối đa)
15
0
4.4 KHẢ NĂNG TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ
4.4.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN KHỐI LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG NƯƠC MẶT
4.4.1.1 Khái quát
Căn cứ theo số liệu khí tượng thủy văn và địa chất thủy văn đã trình bày ở các Chương 1, 2 và 3, nguồn nước mặt và nước ngầm trong khu vực dự án đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của mỏ. Chủ yếu sẽ sử dụng lại nguồn nước của đập chứa thải và được bổ sung thêm bằng nguồn nước từ đập chứa nước để phục vụ sản xuất (ở nhánh suối phía tây của đập thải suối Lò) (hình 2.2). Hiện nay, dân cư ở gần khu vực dự án không sử dụng các nguồn nước từ khu mỏ, do vậy hoạt động của mỏ sẽ không tác động đến nguồn cung cấp nước của địa phương.
Việc xây dựng khu chứa thải (TSF) kể cả các đập ngăn nước ở suối Lò sẽ làm thay đổi dòng chảy tại lưu vực này trong thời gian mỏ hoạt động. Tuy vậy, chúng sẽ không làm thay đổi lưu lượng của sông Vàng.
Theo kết quả tính toán, lưu lượng trung bình của nước thải mỏ là 24,91 lít/giây, bằng 0,98% lưu lượng trung bình của sông Vàng (2.530 lít/giây). Lưu vực suối Lò (diện tích 3,09km2) chiếm 3% tổng diện tích lưu vực sông bắt nguồn từ Bồng Miêu (101km2). Do đó, theo dự kiến khả năng tác động đến mực nước của lưu vực là không đáng kể.
4.4.1.2 Giai đoạn xây dựng
Nguồn gây ô nhiễm nước chính trong giai đoạn này là nước và rác thải sinh hoạt của công nhân và nước mưa chảy tràn trên mặt tại công trường xây dựng và khai thác mỏ. Vào lúc cao điểm của giai đoạn này sẽ có khoảng 153 nhân công làm việc tại mỏ. Căn cứ vào lượng nước thải từ nhà vệ sinh, nhà bếp và nhà tắm, v.v. (khoảng 200l/người/ngày), tổng lượng nước thải sinh hoạt của mỏ sẽ khoảng 30,6m3/ngày (0.35l/s). Nếu sử dụng thêm nguồn nước mưa và tùy thuộc vào biện pháp tích trữ nước được áp dụng mà khối lượng nước thải có thể thấp hơn mức dự kiến.
Nước thải sinh hoạt sẽ được đưa về các bể tự hoại để xử lý sau đó xả qua khu lắng lọc vào trong lưu vực của đập chứa thải. Một số chất dinh dưỡng trong nước thải sẽ được thực vật hấp thụ, nước thải được lọc qua lớp đất trước khi xả ra đập chứa thải. Nguồn nước này sẽ được bơm về nhà máy để tái sử dụng. Chất lượng nước thải của bể tự hoại sẽ được kiểm tra ở bể cuối của hệ thống để xác định xem nước thải có cần phải xử lý bổ sung hay không.
Nước mưa chảy tràn qua các khu vực được phát quang sẽ mang theo đất bùn (chất rắn lơ lửng). Nguồn nước này sẽ được cho chảy qua các bể lắng bùn đất, rồi cho chảy ra sông suối, nếu chúng bị ô nhiễm sẽ được xả ra khu đập chứa thải.
4.4.1.3 Giai đoạn hoạt động khai thác mỏ
Trong quá trình khai thác, sự ô nhiễm nguồn nước có thể do từ nhiều nguồn được trình bày trong bảng 4.3.
Bảng 4.3: Các tác động tiềm ẩn tới môi trường nước trong quá trình
hoạt động sản xuất
Hoạt động
Tác động
Đặc điểm ô nhiễm
Khai thác mỏ
Hạ thấp mực nước ngầm, nước rò rỉ từ bãi đá thải
TSS, thay đổi pH, kim loại hòa tan trong nước, các chất dư từ quá trình nổ mìn
Chế biến quặng
Thải quặng, thải nước xử lý, nước tràn đập và rò rỉ nước ở khu chứa thải
TSS, các kim loại, xyanua và các hóa chất khác
Vận tải (đường bộ)
Bụi, tiếng ồn, khí thải và các loại thải khác.
TSS, lốp và phanh xe hỏng, nhiên liệu và dầu mỡ rò rỉ
Bảo dưỡng xe, máy
Nước mưa trên mặt, chảy tràn
Dầu mỡ, kim loại, chất tẩy rửa
Nhà ở và văn phòng làm việc
Nước thải, nước mưa trên mặt đất, nước chảy tràn, nước rò rỉ từ bãi chôn rác thải
TSS, các kim loại, chất dinh dưỡng, khuẩn Coliform
Sẽ xây dựng một hệ thống kênh mương dẫn nước để dẫn nước của thượng nguồn suối Lò đi vòng ra ngoài đập chứa thải của quy trình ngâm chiết và đập thải chính, xây dựng một hệ thống mương chắn nước để ngăn không cho nước chảy tràn qua các bãi đá thải và moong khai thác. Nước ngấm từ các bãi thải sẽ được thu gom về đập chứa thải chính.
Tổng diện tích của các bãi đá thải khoảng 18.394m2. Với lượng mưa bình quân hàng năm là 5.265mm/năm (số liệu 1993-1994), ước tỉnh tổng khối lượng nước mưa rơi xuống các bãi đá thải là:
Qt = 5,3m x 18.394m2 = 96.852 m3/năm.
Ước tính lượng mưa rơi xuống khu đập chứa quặng thải (194.241 + 38.577 m2) là:
Qt=5,3m x 232.818m2= 1.233.935m3/năm.
Phần lớn lượng nước mưa này (70-75%) tập trung vào 3 tháng mùa mưa (từ tháng 10-đến tháng 1).
Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 515.763m3 (509872,15 + 5891.1) nước và quặng thải từ nhà máy xả ra khu đập chứa thải.
Trong một năm có lượng mưa trung bình, và tính đến yếu tố bốc hơi ở bề mặt khu chứa thải, thì dự kiến khối lượng nước cần xử lý và xả ra ngoài tự nhiên trung bình khoảng 785.497 m3/năm với lưu lượng xả 24,91L/giây và lưu lượng dòng chảy là 0 L/giây. Đập sẽ được lắp đặt các máy bơm sao cho có thể bơm được 200l/giây hay 720m3/giờ để kịp thời bơm nước dư thừa của đập.
Mương dẫn nước phải được thiết kế sao cho có thể bảo đảm thoát nước tốt cho cả trường hợp có mưa lớn hàng trăm năm mới xảy ra một lần (lượng mưa tối đa). Lượng mưa tối đa trong 6 giờ được dự kiến là 1460mm. Lượng nước chảy về đập trong trường hợp này được dự tính là 127,4m3/giây, tương đương với lượng nước thừa của đập thải là 2.900.000m3. Trong trường hợp này, lượng nước thừa này sẽ được xả ra ngoài qua đập tràn và mực nước tối đa giữ lại trong đập là 1,7m.
4.4.1.4 Giai đoạn sau khi đóng cửa mỏ
Sau khi đóng cửa mỏ, toàn bộ trang thiết bị, nhà xưởng và cơ sở hạ tầng mỏ sẽ được di dời và khu vực mỏ sẽ được trồng lại thảm thực vật. Có thể xảy ra tình trạng rửa lũa axit đá dập vỡ chứa sunphua chứa trong bãi thải, quặng thải và ở các moong khai thác còn sót lại. Nước trong khu chứa thải có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu suối Lò và sông Vàng.
Trong lòng đập chứa thải chính và đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết sẽ được thiết kế có một đầm nước nhỏ để ngăn chặn tình trạng oxy hóa chất thải khi chất thải lắng đọng. Nước từ đầm lầy sẽ xả qua một đập tràn. Nước từ mương dưới chân đập sẽ chảy vào một đầm nhỏ hơn được hình thành từ kênh thu nước dưới đập chính. Tại đây nước thải sẽ được pha loãng với nước chảy tràn qua đập tràn và tiếp tục được pha loãng trước khi chảy vào sông Vàng.
Diện tích của đầm nước cuối cùng trong khu chứa thải khoảng 5 ha. Lưu lượng nước từ đầm lầy này gần giống với đặc điểm lưu lượng nước hiện tại của Suối Lò. Lưu lượng xả trung bình của đầm lầy là 32l/giây, cực tiểu là 2,73l/giây và cực đại là 340l/giây trong trường hợp xảy ra mưa lớn.
Dự kiến nước thải chỉ chứa một lượng rất nhỏ các kim loại, sulfat và nitrat bởi vì lớp đất sét và hệ thực vật trong đầm sẽ giữ chúng lại trong trầm tích của đầm lầy. Nước thải sẽ được quan trắc và trong trường hợp cần thiết, đầm lầy sẽ thay đổi để nước được giữ lại trong đầm lâu hơn làm giảm các chất ô nhiễm trước khi xả ra sông Vàng. Các biện pháp này sẽ đảm bảo rằng sau khi đóng cửa mỏ nước thải của khu đập chứa thải đáp ứng được các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp của Việt Nam.
Các tác động tiềm tàng này sẽ được xem xét đồng thời các biện pháp xử lý ngăn chặn sẽ được đề xuất cụ thể trong chương tiếp theo.
4.4.1.5 Môi trường tiếp nhận
Kết quả đo lưu lượng nước sông Vàng được thực hiện từ tháng 01/1994 đến tháng 06/1995 cho thấy lưu lượng trung bình là 2,53m3/giây (tối đa 23,4 m3/giây, tối thiểu 0,00 m3/giây). Hình 3.6 biểu thị lượng nước thải của sông Vàng đo được tại trạm BM5A, cách điểm hợp lưu với suối Lò khoảng 1000m.
Suối Lò đã được xem xét để làm nơi tiếp nhận nguồn nước xả của mỏ. Kết quả quan trắc lưu lượng nước của suối được tiến hành từ tháng 01/1994 đến tháng 06/1995 cho thấy lưu lượng trung bình là 31,91L/giây (tối đa 338,97L/giây, tối thiểu 2,73 L/giây). Hình 3.7 biểu thị lưu lượng của suối Lò đo được tại trạm HG1 gần cửa thung lũng.
Lưu lượng thải trung bình của mỏ là 24,91L/giây, thấp hơn lưu lượng trung bình của suối Lò. Mặc dù nước thải từ đập chứa thải của dây chuyền ngâm chiết được xả qua đập thải chính, nhưng sau khi qua đập chứa thải chính nó sẽ không độc hại vì nó được pha loãng và được giữ lại trong đập thải chính trong một thời gian dài, và do đập thải chính chỉ chứa thải quặng của dây chuyền tuyển trọng lực. Sau khi đóng cửa mỏ, nước chảy qua khu đập chứa thải sẽ là tổng lưu lượng của thung lũng Suối Lò. Căn cứ theo lượng nước xả đã tính toán của đập và lưu lượng đo được ở sông Vàng, sông Vàng sẽ giúp hòa loãng nước thải mỏ với tỉ lệ là 100:1.
4.4.2 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN NƯỚC NGẦM
4.4.2.1 Tháo khô mỏ
Theo tính toán, lượng nước mỏ cần tháo khô sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm vì các moong khai thác nằm trên sườn tây bắc của một dãy núi có lưu vực rất nhỏ.
Tính dẫn nước của tầng đá phiến rất không đồng nhất, dẫn theo mặt phiến cao gấp 10 lần theo phương vuông góc với mặt phân phiến. Do vậy, nước chảy vào mỏ chủ yếu là từ phần cao theo hướng cắm của tập đá phiến ở phía trên các công trình khai thác.
Dựa vào thiết kế và vị trí hiện tại của các moong khai thác, mặt phân phiến, hướng cắm của đá phiến và độ dẫn nước là 1 x 10-6m/giây, lưu lượng nước ngầm vào giữa mùa khô tính được là 167m3/ngày. Lưu lượng nước ngầm có thể còn thấp hơn nữa vào cuối mùa khô và cao hơn gấp nhiều lần vào mùa mưa. Tuy nhiên, lưu lượng của nước ngầm sẽ không đáng kể so với lượng mưa đổ vào khu mỏ.
4.4.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ
Mức độ ô nhiễm bụi trong giai đoạn xây dựng mỏ là khá lớn song sẽ giảm dần trong quá trình mỏ hoạt động do các khu vực bị xáo trộn được phủ đất màu và phục hồi thảm thực vật.
Trong quá trình khai thác, mỗi năm sẽ sử dụng khoảng 55.200 kg thuốc nổ. Nổ mìn sẽ tạo ra các loại khí thải (NOx, SOx, CO, CO2) và bụi. Bụi nổ mìn sẽ được khống chế bằng phun nước.
Khói xe và khí thải do nổ mìn tạo ra gồm: CO2, CO, SOx, NOx và hyđro carbon.
4.4.4 TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN
4.4.4.1 Các nguồn có khả năng gây ra tiếng ồn
Các loại máy móc sẽ được sử dụng cho mỏ gồm: máy đập hàm, máy nghiền côn, máy nghiền bi, máy xúc và xe tải. Dự kiến các nguồn có khả năng gây ồn chính là:
· Các hoạt động khai thác tại moong khai thác lộ thiên
· Các xe tải vận chuyển quặng từ mỏ về nhà máy
· Các hoạt động tại khu vực nhà máy (nghiền, sàng đá)
· Đổ thải
· Xe tải chạy trên đường, chủ yếu trong giai đoạn xây dựng mỏ.
· Máy bơm thải tại đập thải
4.4.4.2 Các chỉ tiêu đánh giá
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5949:1998 quy định các mức độ ồn tối đa cho phép đối với khu vực công cộng và khu dân cư. Bảng 1 của tiêu chuẩn này quy định mức độ ồn cho phép tại các khu vực dân cư là:
06:00-18:00, Leq 60 dB(A);
18:00-22:00, Leq 55 dB(A); và
22:00-06:00, Leq 50 dB(A).
Ngoài ra, trong TCVN 5949:1998 cũng quy định các mức độ ồn cao hơn mức cho phép đối với các khu vực dân cư nằm xen kẽ với các khu kinh doanh, dịch vụ và sản xuất là:
06:00-18:00, Leq 75 dB(A);
18:00-22:00, Leq 70 dB(A); và
22:00-06:00, Leq 50 dB(A).
Mức độ ồn cao hơn mức cho phép sẽ được áp dụng cho các khu vực như Thôn Bồng Miêu, nơi có các hoạt động mua bán và dân cư sinh sống. Mức quy định cụ thể sẽ được áp dụng riêng cho từng thôn.
Cần lưu ý rằng Thôn 9 Bồng Miêu có đường giao thông chính đi qua và nhà dân nằm rất gần trục đường này nên sẽ bị tác động tiếng ồn với mức rất cao bởi các xe cộ lưu thông trên đường vào mọi thời điểm trong ngày.
4.4.4.3 Đánh giá tác động
Do thiếu số liệu ghi nhận về mức độ ồn của thiết bị nên việc đánh giá này dựa vào số liệu của nhà sản xuất thiết bị và số liệu đo được từ các dự án tương tự sử dụng các thiết bị hiện đại ởNew Zealand. Thiết bị sử dụng cho dự án này cũng sẽ là loại hiện đại và được gắn bộ phận giảm thanh của nhà sản xuất (OEM).
Số liệu đo được từ các mỏ khác cho thấy rằng mức độ ồn của các nguồn gây tiếng ồn chính trong giai đoạn khai thác là máy xay/nghiền đá: Lw 120-125 dB(A), khoan đá: Lw 125-130 dB(A) và xe tải/xe xúc gàu: Lw 120 dB(A).
Theo tính toán cường độ tiếng ồn của toàn khu vực nhà máy, bao gồm tiếng ồn của xe cộ là Lw 125 dB(A) vì các nguồn có khả năng phát ra tiếng ồn không thể được vận hành cùng một thời điểm hay hoạt động hết công suất. Trong quá trình thực hiện khoan, mức độ ồn trong khu vực khai thác sẽ lên đến Lw 130 dB(A), tuy nhiên vào những thời điểm khác có thể sẽ không vượt mức Lw 120 dB(A).
Căn cứ theo dữ liệu trên và giả sử rằng không có vật cản giữa khu vực nhà máy với các khu vực dân cư, cường độ tiếng ồn tại Thôn 9 Bồng Miêu và các thôn lân cận có thể lên đến Leq 58-59dB(A) và còn cao hơn trong trường hợp có máy khoan hoạt động. Cường độ tiếng ồn dự kiến tác động đến các thôn xa hơn từ 1.5-2km là khoảng Leq 53-54dB(A).
Cường độ tiếng ồn vào ban ngày tuân theo giới hạn cụ thể cho phép về tiếng ồn, tuy nhiên vào ban đêm cường độ tiếng ồn có thể vượt quá mức cho phép từ 3-8 dB(A).
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng hầu hết nhà dân trong thôn đều nằm gần đường cái chính, dó đó sẽ bị tác động bởi tiếng ồn của xe cộ ở mức cao vào mọi thời điểm trong ngày.
4.4.5 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Các tác động đến việc sử dụng đất đã được đánh giá gồm:
a. Làm suy giảm tầng đất màu hay chất lượng đất do công tác san gạt, xói mòn và ô nhiễm
b. Xung đột với địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng dự án
c. Diện tích đất màu mỡ bị thu hẹp do phát triển dự án
Diện tích đất dự kiến sẽ sử dụng xây dựng mỏ được trình bày trong bảng 4.4
Bảng 4.4 Dự kiến đất có thể bị tác động
Mục
Diện tích
Vùng mỏ bị tác động bề mặt
5.4 ha
Đập chứa thải, các hồ chứa nước mưa, đường vận chuyển
19.4ha
Các bãi chứa đá thải
1.8 ha
Khu nhà máy và khu bảo dưỡng, kể cả 30m vùng đệm
3.4 ha
Đường vào mỏ
12 ha (15000 x 8) hiện có sẽ được nâng cấp
Tổng diện tích
42.0 ha
Trong khu vực dự án không có dân cư sinh sống và đất sử dụng cho mục đích canh tác.
4.5 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
4.5.1 BẢN CHẤT CỦA CÁC TÁC ĐỘNG
Các tác động nghiêm trọng đến sinh thái có thể xảy ra do không kiểm soát được quá trình thải nước thải mỏ hay nước thải đi kèm với quặng thải hay chất thải rắn ra môi trường tiếp nhận. Do đó, trong báo cáo này đề cập đến nhiều hệ thống của mỏ nhằm lượng hóa bản chất hóa học của chất thải mỏ và hiểu được môi trường tự nhiên (lượng mưa, lưu lượng của sông suối, thành phần hóa học, hệ sinh vật) để bảo đảm rằng sẽ không xảy ra việc không quản lý được thải. Nhận thức và việc tính toán về sự cân bằng nước giúp đưa ra phương pháp quản lý thải mỏ trình bày trong phần 5 và 6. Hệ sinh thái sẽ bị tác động nếu nước trong đập bị cạn và quặng thải bị ô xi hóa, nếu nước nhiều hơn dự báo sẽ dẫn đến khả năng không khống chế được nước xả. Sự ô nhiễm vượt các tiêu chuẩn cho phép có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ hệ sinh thái dưới nước và trên cạn.
Các tác động sinh học tiềm tàng từ việc triển khai dự án có thể nhóm thành bốn (4) vấn đề chính
· Ảnh hưởng của độc tố cấp tính từ thải mỏ;
· Ảnh hưởng của độc tố thường xuyên từ thải mỏ;
· Tổn thất môi trường sống và đa dạng sinh học; và
· Sức khỏe và an toàn cộng đồng.
4.5.2 ĐỘC TỐ
Nếu nước bị nhiễm bẩn vô tình chảy từ khu dự án vào thuỷ vực hạ nguồn thì có khả năng ảnh hưởng độc tố cấp tính và lâu dài đến sinh vật, bao gồm cả con người. Mặt nước hở của các đầm chứa thải dung dịch xử lý (như đập chứa thải) có thể thu hút các loại chim, động vật hoang dã và có thể cả các động vật nuôi; sựcó mặt của kim loại và xyanua trong đập chứa thải có thể là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến tử vong của động vật hoang dã và vật nuôi. Tác động bổ sung gây độc hàng ngày đến cơ thể có thể xảy ra do tăng lượng chất ô nhiễm (như bụi, khí thoát ra và nước thải) thải ra môi trường.
Trong môi trường tự nhiên, một số chất gây ô nhiễm như arsen, cadmi, xyanua, chì và thủy ngân có nồng độ tự nhiên tăng cao, và cũng có thể được tăng cao do các hoạt động khai thác mỏ trước đây gây nên. Nồng độ của các nguyên tố này tăng lên cũng gây tác động đến các sinh vật thủy sinh. Vì vậy, các sinh vật thủy sinh bao gồm cả cá cũng có thể có những sự thay đổi để thích nghi với những chất ô nhiễm tự nhiên. Các loại kim loại gây độc hại chủ yếu là thủy ngân, acsen và chì. Các chất hóa học này có thể được tích lũy sinh học, do đó có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu như sự tích lũy này tập trung ở các cây lương thực và động vật.
Khai thác vàng theo dự kiến của dự án sẽ phải xử lý đá quặng chứa nhiều nguyên tố gây ô nhiễm môi trường (như những nguyên tố đã liệt kê ở trên). Tuy nhiên, do có sự kiểm soát và không xả thải bừa bãi ra môi trường như hoạt động khai thác vàng trái phép, nên rất ít khả năng xảy ra tác động đáng kể.
4.5.3 MẤT MÁT NƠI CƯ TRÚ VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
Sẽ xảy ra mất nơi cư trú của động vật hoang dã trong khu vực do phát triển mỏ, gồm khu nhà máy, các bãi đổ đá thải và khu chứa thải.
Có thể sẽ có sự di cư của động vật hoang dã ra khỏi khu dự án do tiếng ồn từ cáchoạt động mỏ gây ra. Nếu các tác động này xảy đến với những loài cư trú bao quanh khu vực mỏ hay các khu vực mà nơi cư trú của chúng bị phá vỡ thì tác động của nó sẽ là rất nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa đánh giá được hết mức độ tác động của các hoạt động khai thác khoáng sản và khai thác rừng bừa bãi trước đây.
Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp động vật hoang dã sẽ di cư khỏi khu vực này và đến nơi ở mới gần đó để tránh tiếng ồn và các hoạt động của con người gây ra khi khai mỏ. Những loài có nguy cơ cao bị mất nơi cư trú, nếu chúng sinh sống gần khu vực mỏ, có thể sẽ không thể tìm được nơi cư trú mới hay không thể sống sót được trong môi trường đã bị thay đổi. Tuy nhiên hầu như không có loài động vật quý hiếm hay đang gặp nguy hiểm nào xuất hiện trong khu vực mỏ.
Ở gần khu vực mỏ, sự mất đi nơi cư trú sẽ là lâu dài, suốt giai đoạn xây dựng và khai thác mỏ, rồi sẽ trở lại ở dạng đã thay đổi sau khi môi trường được phục hồi. Có thể mất 5 đến 20 năm sau khi đóng cửa mỏ để thiết lập một hệ sinh thái mới trên đất đã cải tạo.
Dự kiến sẽ có ít tác động đáng kể đối với việc mất nơi cư trú và đa dạng sinhhọc vì diện tích dự án thì nhỏ và đã phải chịu tác động của việc sử dụng đất cường độ cao trước đây.
4.6 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ - XÃ HỘI
4.6.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Có khả năng xảy ra các rủi ro cho sức khoẻ con người trước mắt cũng như lâu dài trong khu vực dự án và gây hại cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực hạ lưu, nếu các dung dịch ô nhiễm bất ngờ thoát ra từ khu dự án hoặc qua đường nước ngầm, nhiễm bẩn nước mặt hay thoát ra không khí.
Một trong những tác động đáng kể đến sức khỏe của con người có thể liên quan đến hoạt động của các các phương tiện giao thông của mỏ và sự gia tăng áp lực chung lên các khu vực có mật độ dân cư dày như thôn 5 và thôn 6. Tuy nhiên đường nhựa 2 làn xe hiện đang được xây dựng ở khu Bồng Miêu sẽ làm giảm được áp lực này. Sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng mỏ, dự kiến hoạt động giao thông phục vụ mỏ đi từ Bồng Miêu đến Tam Lãnh sẽ khoảng 10 lượt/ngày.
4.6.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ XÃ HỘI
4.6.2.1 Khái quát
Mỏ Hố Gần có thể có những tác động xã hội tích cực và tiêu cực đến khu vực dự án.
Những tác động tích cực của dự án:
· Góp phần phát triển một ngành công nghiệp thăm dò và khai thác vàng hiện đại.
· Kích thích phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới.
· Đóng góp vào ngân sách nhà nước và của tỉnh bằng các loại thuế.
· Tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng và các chuyên gia khai thác của Việt Nam dẫn đến nâng cao mức sông của mọi người
· Tạo cơ hội học hành cho nhân dân trong vùng.
Các tác động tiêu cực có thể có từ dự án bao gồm:
· Có thể cần di dời tái định cư những người dân đang sống trong khu vực dự án.
· Có thể có tổn thất về thu nhập/ tài nguyên cho dân địa phương do rừng bị xáo trộn bởi các hoạt động khai thác mỏ
· Áp lực về dân số từ các dòng nhân công nhập cư có thể làm tăng áp lực về nhà cửa, các dịch vụ công cộng địa phương ở trong vùng dự án.
· Tăng mật độ giao thông và nhu cầu năng lượng cho mỏ có thể gây ra những tác động kéo dài suốt thời gian mỏ hoạt động.
· Mất nguồn tài nguyên khoáng sản đối với những người khai thác vàng thủ công/trái phép hiện nay.
· Tổn hại đến tài nguyên nước
· Tác động đến những khu vực có tầm quan trọng về văn hóa đối với người dân địa phương.
4.6.2.2 Các tác động tích cực đến kinh tế xã hội
Doanh thu
Các chỉ tiêu kinh tế xã hội cơ bản của dự án Hố Gần là:
- Tổng doanh thu: 28,0 triệu USD,
- Tổng chi phí: 23,0 triệu USD,
- Tổng lợi nhuận: 5,0 triệu USD,
- Số lao động trực tiếp: 103 người,
- Dịch vụ việc làm khác: 721 người.
Dự án Hố Gần sẽ đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân, tăng nguồn thu ngân sách cho các ngành và tỉnh, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam, khắc phục các tác động môi trường tồn tại trước đó (do khai thác vàng trái phép để lại), cải thiện dịch vụ xã hội, nâng cao năng lực lâu dài cho ngành quản lý môi trường.
Việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho dự án sẽ tạo việc làm mới và tăng trưởng kinh tế trong các ngành phục vụ. Theo ảnh hưởng tăng theo cấp số nhân, lượng tiền đầu tư vào nền kinh tế khu vực và địa phương thường đi kèm với nhu cầu lớn hơn về hàng hoá và dịch vụ. Điều đó sẽ tạo ra các cơ hội cho kinh doanh và việc làm mới. Nhân dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ được cải thiện và các chương trình quản lý môi trường xã hội.
Cộng đồng địa phương và trong vùng
Các tác động tích cực đến cộng đồng địa phương gồm:
· Kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế địa phương sẽ tạo động lực phát triển kinh tế của khu vực.
· Sáng kiến kinh tế xã hội như cung cấp năng lượng, khắc phục những tác động tồn tại từ trước, xây dựng tiềm năng và chương trình đào tạo, các chương trình kinh tế xã hội khác...
· Cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường bằng việc hỗ trợ chương trình xây dựng tiềm năng cho các ban ngành trong tỉnh (như các cơ quan chức năng quản lý môi trường tỉnh).
· Cải thiện đường sá, sức khỏe, giáo dục, đào tạo, điện năng và thông tin từ việc triển khai các đề án cơ bản.
· Ưu tiên tuyển dụng lao động và dịch vụ cung cấp ở địa phương cho dự án nếu đáp ứng được yêu cầu. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế của địa phương.
· Tạo cơ hội học hành ở mức địa phương và quốc gia (như hỗ trợ các điều kiện trường học/ nguồn vốn, học bổng cho người lao động và gia đình của họ).
· Tài trợ cho các chương trình văn hoá, xã hội (đặc biệt cho nhóm người yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em).
4.6.2.3 Các tác động tiêu cực có thể có từ dự án
Các tác động do tái định cư
Kết quả khảo sát vào tháng 3/2003 cho thấy không có hộ dân nào đang sống hợp pháp ở trong khu vực dự kiến xây dựng nhà máy tuyển và đập chứa thải. Hiện tại chỉ có một vài căn lều của một số người dân làm nương rẫy trong thung lũng suối Lò. Tuy nhiên, Công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh đã thỏa thuận với nhau rằng các lều này chỉ dựng lên tạm thời và sẽ phải di dời khi có yêu cầu của Công ty. Do đó sẽ không xảy ra vấn đề di dời dân, tái định cư.
Ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng
Diện tích khai thác mỏ là rất nhỏ, chiếm 0.84% đất rừng của xã Tam Lãnh. Sản phẩm rừng có thể hái lượm phân bố khá rộng khắp, và những cây gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực mỏ Hố Gần đã được khai thác tận thu hết. Các khu vực bị xáo trộn trong quá trình khai thác sẽ được phục hồi lại môi trường bằng việc trồng rừng trở lại.
Áp lực dân số
Sự phát triển mỏ sẽ kéo theo đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng công sở, nhà ở cho người lao động, truyền thông và cải tạo đường xá, cầu cống hiện có. Công nhân xây dựng sẽ ở tại Bồng Miêu và công nhân mỏ sẽ ở tại khu nhà cho công nhân được xây dựng gần mỏ (Hình 2.2). Nhân viên mỏ ở và làm việc tại văn phòng mỏ Bồng Miêu hiện nay. Các dịch vụ ăn uống sẽ được mang đến từ Bồng Miêu và Tam Lãnh và các vùng lân cận. Dự án sẽ tiếp tục dựa vào cộng đồng địa phương trong suốt tuổi thọ của mỏ.
Dự án sẽ được triển khai thành hai giai đoạn: phát triển mỏ (xây dựng) và sản xuất. Giai đoạn phát triển và sản xuất dự kiến sẽ kéo dài trong 7 năm dựa trên trữ lượng khoáng sản đã biết hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và sản xuất, một dòng công nhân và kỹ thuật viên đổ về khu vực sẽ có khả năng gây tác động đối với cộng đồng địa phương. Những người mới đến sẽ làm tăng áp lực đối với các phương tiện y tế và giáo dục, nhà ở và cơ sở hạ tầng. Các khu vực xung quanh có thể phải chịu việc gia tăng dân số do di dân của các bộ phận khai thác, những người công nhân và gia đình của họ. Các tác động kinh tế xã hội cụ thể bao gồm:
· Bộc lộ mức độ mới và /hoặc cao hơn về các rủi ro an toàn và sức khoẻ.
· Làm tăng tính cạnh tranh đối với các nguồn lực địa phương dẫn đến tình trạng khó khăn về kinh tế và giá cả tăng.
· Sự căng thẳng xã hội và các vấn đề liên quan đến việc nhập cư của người công nhân (mại dâm, cờ bạc, nghiện hút).
· Tăng cường khả năng thất thế của người dân tộc thiểu số và nhóm người ít khả năng cạnh tranh.
Tác động đến giao thông vận tải
Do mật độ giao thông và việc vận chuyển bằng xe tải trong vùng tăng trong quá trình xây dựng và sản xuất của dự án sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh công cộng như bụi và tiếng ồn. Mật độ giao thông trong khu vực tăng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự an toàn và cản trở các hoạt động của nhân dân địa phương. Tuy vậy, sự phát triển của dự án cũng góp phần cải thiện hệ thống đường xá cũng như thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Tác động đến năng lượng
Hoạt động của dự án dẫn đến nhu cầu năng lượng của địa phương tăng lên đáng kể. Dự kiến giai đoạn đầu mỏ sẽ sử dụng nguồn điện từ máy phát điện, sau đó sẽ kéo một đường điện cao thế từ lưới điện quốc gia và xây dựng một trạm hạ thế riêng ở gần khu mỏ. Do đó nguồn cung cấp năng lượng địa phương sẽ không bị ảnh hưởng mà còn có thể tận dụng được các dịch vụ hỗ trợ. Mạng lưới thông tin liên lạc sẽ được cải thiện đáng kể bằng việc lắp đặt thêm các đường cáp quang hiện đại đến bưu điện xã Tam Lãnh.
Tác động đến nguồn tài nguyên khoáng sản.
Các hoạt động khai thác vàng đang diễn ra hiện nay trong khu vực dự án là bất hợp pháp. Dự án Hố Gần sẽ là dự án khai thác vàng quy mô công nghiệp đầu tiên ở địa phương. Dự án sẽ tận thu được nguồn tài nguyên với hiệu quả cao nhất và tỉ lệ thu hồi đạt tối ưu, bảo vệ được môi trường và đóng đầy đủ các loại thuế cho nhà nước, không như hoạt động khai thác vàng trái phép trong thời gian qua.
Tác động đến các công trình văn hóa lịch sử
Trong khu vực dự án, không có khu nào có ý nghĩa văn hóa và lịch sử cụ thể. Do vậy sẽ không có tác động bất lợi nào mà dự án có thể gây ra cho những khu vực có ý nghĩa văn hóa và lịch sử ở địa phương cũng như quốc gia. Tuy nhiên, dự án sẽ làm thay đổi ít nhiều cách sống ở các làng xung quanh, ít nhất là trong thời gian hoạt động mỏ. Sẽ có những tác động văn hoá đến cư dân, có thể tiêu cực đối với người này nhưng lại tích cực với số người khác.
4.7 PHÂN TÍCH CÁC RỦI RO VÀ SỰ CỐ
Bão lụt được xem là rủi ro lớn nhất đối với hoạt động khai thác tại khu vực Bồng Miêu. Khu vực này thường có bão hay lũ quét đi qua mỗi năm một lần. Bão thường đi vào khu vực biển gần Đà Nẵng. Hầu hết chúng di chuyển theo hướng tây bắc, trừ một số di chuyển theo hướng tây nam. Các cơn bão di chuyển theo hương tây nam đặc biệt nguy hiểm đến khu vực Bồng Miêu. Phương án quản lý nước của dự án cũng tính đến mối rủi ro này. Hệ thống mương thoát nước của mỏ được thiết kế để có thể thoát nước tốt trong trường hợp xảy ra mưa lớn trăm năm mới xuất hiện một lần. Đập chứa thải được thiết kế có cả đập tràn để bảo vệ đập trong những trường hợp như vậy.
Sự cố rủi ro địa chấn đã được đánh giá và được đề cập trong Phần 3.5.6, và thiết kế xây dựng được xem xét đủ sức chịu đựng cường độ địa chấn 475 năm mới xảy ra một lần. Đập chứa thải được thiết kế xây dựng bảo đảm chịu đựng được đợt động đất mạnh nhất có chu kỳ lặp lại còn dài hơn nữa (1 lần trong chu kỳ 10.000 năm).
Trong việc sử dụng thiết bị khai thác, nổ mìn, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe sẽ tuân thủ và áp dụng những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.
Mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng là tiếng ồn, tăng mật độ giao thông vận tải, và ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái do dung dịch xử lý hoặc thải sinh hoạt gây nên, và việc tác động xã hội như cờ bạc, đĩ điếm, tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng. Những mối quan tâm lo ngại này đã được đề cập đến trong kế hoạch phát triển mỏ và được trình bày trong chương 4 (Đánh giá tác động môi trường) và chương 5 (Biện pháp giảm thiểu) và chương 6 (Quản lý môi trường) của báo cáo này. Chính quyền địa phương sẽ kiểm soát các tác động xã hội vì họ sẽ nắm được kế hoạch phát triển mỏ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng và lao động trước hàng tháng hoặc hàng năm.
CHƯƠNG 5
CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU
CÁC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CÓ THỂ CỦA DỰ ÁN
ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
5.1 KHÁI QUÁT
Trong suốt giai đoạn lập kế hoạch và phát triển dự án, nhiều phương án khai thác, chế biến quặng, vị trí xây dựng nhà máy, khử độc xyanua, khu chứa thải, vị trí cơ sở hạ tầng đều được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng (Hình 2.4). Các phương án chính thức được lựa chọn sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đặc điểm của thân quặng, các tác động đối với môi trường có thể xảy ra trong giai đoạn xây dựng mỏ và hoạt động khai thác và các biện pháp ngăn chặn cũng như giảm thiểu các tác động đó.
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình mỏ hoạt động và sau khi đóng cửa mỏ có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với phương pháp khai thác chế biến tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Các biện pháp này được thực hiện theo các định hướng sau.
5.2 CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA Ô NHIỄM VÀ SỰ CỐ
5.2.1 PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC
Căn cứ theo bản chất vật lý của thân quặng lộ trên mặt hoặc nằm gần trên mặt, phương pháp khai thác lộ thiên được lựa chọn để khai thác hiệu quả và an toàn nguồn tài nguyên khoáng sản. Khai thác lộ thiên sẽ mang lại hiệu quả cao. Phương pháp này hiện đang được áp dụng ở Việt Nam và là công nghệ đã được kiểm nghiệm.
Các thân quặng ở Hố Gần là những đới cà nát cắm thoải, chứa thạch anh, sulfua vàkhoáng hoá vàng. Chúng nằm ở độ sâu từ 0 m đến 11m và cắm song song theo sườn núi.
Thân quặng nằm gần song song với bề mặt địa hình, hoặc lộ trên mặt hoặc nằm sâu ở độ sâu không quá 15m, do vậy moong khai thác sẽ không sâu. Bờ moong sẽ được mở dốc 70o, các bậc khai thác chỉ cao 1,0m. Do vậy hoàn toàn có thể loại trừ được rủi ro trượt lở đá trong quá trình khai thác.
5.2.2 PHƯƠNG ÁN TUYỂN KHOÁNG
Một số các phương án tuyển khoáng khác nhau đã được xem xét trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, bao gồm:
a) Tuyển khoáng bằng phương pháp ngâm chiết xyanua-hấp phụ vàng bằng nhựa aurix truyền thống.
b) Tuyển trọng lực, tuyển nổi và ngâm chiết sianua tích cực tinh quặng của hai công đoạn tuyển trọng lực và tuyển nổi.
Phương án kết hợp tuyển trọng lực, tuyển nổi và pháp ngâm chiết xyanua tích cực được lựa chọn vì đó là phương pháp đơn giản, hiệu quả và có mức thu hồi vàng cao nhất, phù hợp với các loại quặng của mỏ Hố Gần và các khu mỏ lân cận. Phương pháp này cũng cho phép chứa và xử lý mọi chất thải mỏ một cách tốt nhất nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Quặng của mỏ Hố Gần sẽ được xử lý theo các công đoạn sau:
Nghiền thô
Quặng nguyên khai có kích thước lớn nhất khoảng 500mm sẽ được vận chuyển và đố trực tiếp vào phễu cấp liệu, Sàng rung sẽ sàng tách đi phần quặng có kích thước nhỏ hơn 75mm trước khi đưa vào nghiền hàm. Máy nghiền hàm có kích thước 600mm x 900mm với độ rộng của lỗ tháo là 100mm. Quặng sau khi được nghiền hàm sẽ được kết hợp với quặng được sàng tách ra ở công đoạn trước đó và chuyển đến quy trình sàng tiếp theo. Với hai lớp sàng 40mm và 12mm, phần quặng có kích thước lớn hơn 40mm sẽ được đưa sang máy nghiền côn thô NCHP900 có độ rộng của lỗ tháo là 25mm. Phần quặng có kích thước nhỏ hơn 40mm cộng với quặng có kích thước lớn hơn 12mm sẽ được đưa sang máy nghiền côn tinh NCHP1200 có độ rộng của lỗ tháo là 15mm. Sản phẩm thu được sau khi nghiền của cả hai máy này được chuyển về lại quy trình sàng. Phần quặng có kích thước nhỏ hơn 12mm sẽ được chuyển ra bãi chứa quặng nghiền bi.
Nghiền tinh
Hai máy nghiền bi Dominion 9’ x 11’được bố trí nối tiếp nhau để nghiền quặng. Khoảng 40% khối lượng đưa vào nghiền bị là bi thép dập có đường kính 65, 50, 40, 30 và 25mm. Các máy nghiền bi này sẽ vận hành theo một quy trình khép kín kết hợp với các silô thủy lực có điểm cất 250mm. 80% sản phẩm sau khi nghiền sẽ nhỏ hơn 75 micro mét.
Tuyển trọng lực
Vàng sẽ được thu hồi qua hai giai đoạn bằng phương pháp tuyển trọng lực sử dụng các máy tuyển áp Inline Pressure Jigs của Gekko. Một máy tuyển áp sơ cấp sẽ tiếp nhận toàn bộ bè chìm từ silô để xử lý thu hồi tinh quặng , sau đó tinh quặng thu được từ máy tuyển sơ cấp tiếp tục được đưa sang máy tuyển thứ cấp để làm tinh hơn. Quặng thải của máy tuyển sơ cấp sẽ được chuyển về máng cấp liệu cho máy nghiền bi; quặng thải của máy tuyển thứ cấp sẽ được đưa về bồn xả quặng của máy nghiền bi. Tinh quặng thu được từ máy tuyển thứ cấp sẽ được đưa vào bồn ngâm chiết Gekko. Quy trình tuyển ly tâm Falcon sẽ thu hồi thêm tinh quặng vàng từ bè nổi của silô; phần tinh quặng thu hồi được từ quy trình này cũng sẽ được đưa vào tuyển nổi.
Nước tuyển trọng lực sẽ được thải ra đập chứa thải chính.
Tuyển nổi
Quy trình tuyển bọt tận dụng các đặc tính không thấm nước của các khoáng hóa để tuyển tinh quặng. Các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình xử lý là:
Potassium amyl xanthate (PAX) là một chất thu hồi mạnh các khoáng hóa sulfua.
Đồng sulfat (CuSO4) là chất cải biến được sử dụng để nâng cao khả năng thu hồi các khoáng vật bị ô xi hóa.
Methyl isobutyl carbinol (MIBC) là chất tạo bọt
Phần bè nổi của silô/quặng thải của quy trình tuyển Falcon được xử lý bằng phương pháp tuyển nổi với sáu bể tuyển. Thời gian xử lý khoảng 20 phút, sử dụng máy quạt gió để thổi không khí vào các bể tuyển. Tinh quặng thu hồi được từ quy trình này sẽ được đưa qua quy trình ngâm chiết.
Thải của dây chuyền tuyển trọng lực và tuyển nổi sẽ chiếm 90% tổng khối lượng quặng đưa vào xử lý và sẽ được thải ra đập chứa thải chính. Thành phần chủ yếu của thải là cát felsit, thạch anh. Hàm lượng vàng còn lại trong thải sẽ ở mức 0,25g/T.
Xử lý bằng xianua
Tinh quặng thu hồi được từ quy trình tuyển trọng lực (tuyển áp Gekko cộng Falcon) và tuyển nổi (chiếm 10% tổng khối lượng quặng xử lý) sẽ được đổ vào côn lắng bên trên bồn ngâm chiết. Bồn ngâm chiết là bồn thép kín, hoạt động như một tang quay. Dung dịch trong bồn sẽ được khuấy đều với tốc độ chảy tương đối cao đối với dung dịch có chứa chất rắn, để đảm bảo nguồn ô xi và xianua cung cấp được liên tục. Hyđro peroxit sẽ được cho thêm vào dung dịch để nâng cao lượng ô xi hòa tan. Xianua sẽ hòa tan vàng theo công thức của Elsner như sau:
4Au + 8 CN- + O2 + 2H2O → 4Au(CN)2- + 4OH
Hỗn hợp quặng - dung dịch sẽ được xử lý trong bồn ngâm chiết trong một khoảng thời gian đủ để hòa tan hết vàng. Sau đó, hỗn hợp dung dịch chứa vàng sẽ được bơm vào bồn giải hấp phụ vàng bằng nhựa, còn thải ngâm chiết sẽ được khử độc trước khi thải ra đập chứa thải ngâm chiết. Thải ngâm chiết c ó th ành ph ần chủ yếu là cát felsit - thạch anh và các khoáng vật sulphua và oxit sắt. Hàm lượng vàng còn lại trong thải ngâm chiết ở mức 1g/T,
Công đoạn hấp phụ vàng
Dung dịch ngâm chiết sẽ được bơm qua bồn hấp phụ, vàng hòa tan trong dung dịch sẽ được hấp phụ vào nhựa Aurix 100. Nhựa Aurix 100 là nhựa polystyren liên kết phân tử sẽ phản ứng phối hợp với nhóm guanidin. Bồn hấp phụ gồm bốn phần riêng biệt, mỗi phần chứa 0,15m3 nhựa. Trong quá trình hấp phụ, một số phản ứng xảy ra như sau:
RG + H2O → RGH+OH-
RGH+OH- + Au (CN)2- → RGH+Au(CN)2- + OH-
Trong đó:
R = nhựa Aurix 100
G = Guanidine
Công đoạn giải hấp
Sau khi đã hấp phụ vàng, nhựa Aurin 100 sẽ được lấy ra khỏi bồn hấp phụ và được rửa qua trước khi đưa qua quy trình giải hấp. Dung dịch NaOH 4%– 55oC được sử dụng để giải hấp vàng. Vàng sẽ được giải phóng ra dung dịch theo phản ứng sau:
RGH+Au(CN)2- + OH- → RG + H2O + Au(CN)2-
Nước rửa nhựa Aurin hoặc được đưa trở lại bông ngâm chiết để tái sử dụng hoặc được đưa qua công đọan khử độc trước khi thải ra đập chứa thải ngâm chiết.
Quy trình giải hấp sẽ thực hiện tự động và được điều khiển bởi một bộ điều chỉnh logic được lập trình sẵn.
Công đoạn điện phân
Vàng sẽ được tách ra khỏi dung dịch bằng phương pháp điện phân, trong quá trình điện phân vàng sẽ bám vào các cathot được làm bằng sợi thép theo phản ứng sau:
Au (CN)2- + e → Au + 2CN-
Bể điện phân gồm 9 cathot và 10 anot. Các cathot sẽ được làm sạch và cặn vàng sẽ được lọc, sấy khô để đưa qua nung chảy.
Nung chảy
Vàng sẽ được nung chảy bằng chất cháy gồm borax (Na2B4O7.10H2O), florit (CaF2) và soda ash (Na2CO3). Sản phẩn cuối cùng là vàng doré gồm vàng và bạc. Phần còn lại sau khi tách lấy vàng được gọi là xỉ.
Khử độc
Xianua chứa trong quặng thải ngâm chiết và dung dịch xử lý thừa sẽ được khử độc bằng hyđro peroxit theo phản ứng sau:
CN- + H2O2 → CNO- + H2O
Xianua sẽ phản ứng với hyđro peroxit để tạo thành những hợp chất trung gian không độc như xianat. Hỗn hợp bùn quặng sau khi được khử độc sẽ được bơm ra đập ngâm chiết, tại đây xianat sẽ thủy phân để tạo thành cácbonat và các ion ammoni:
CNO- + 2H2O → NH4+ + CO32-
Khử độc xianua bằng hydroperoxyt (H202) là một trong những phương pháp được nêu trong bản “Quy trình công nghệ tiêu hủy hoặc tái sử dụng xianua” ban hành kèm theo Quyết định số 1971/QĐ-BKHCNMT ngày 10/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Mỗi ngày sẽ có khoảng 24m3 quặng thải ngâm chiết được khử độc còn từ 3-5mg/L xianua yếu được bơm ra đập chứa thải ngâm chiết. Mức xianua này sẽ được hòa loãng tự nhiên trong đập ngâm chiết xuống còn khoảng 0.3 mg/L. Lượng nước dư chứa trong đập này sẽ được bơm ra đập chứa thải chính.
5.2.3 QUY HOẠCH HỢP LÝ TỔNG MẶT BẰNG CỦA DỰ ÁN
Lập vành đai an toàn
Các công trình xây dựng mỏ và hoạt động khai thác, chế biến cũng như khu vực chứa thải của mỏ Hố Gần nằm cách thôn 9 và 10 xã Tam Lãnh 1.5km . Việc bố trí mặt bằng xây dựng và khai thác mỏ như vậy sẽ sẽ tạo được vành đai an toàn cho dân cư trong vùng.
Lựa chọn vị trí xây dựng các công trình
Các vị trí của nhà máy tuyển luyện, khu chứa thải, đường vận tải nội mỏ và nhà ở của công nhân đều đã được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu việc xáo trộn mặt bằng của khu vực, bảo đảm an toàn cho dân cư trong vùng và khai thác triệt để, hiệu quả tài nguyên quặng. Các phương án lựa chọn vị trí xây dựng mặt bằng mỏ được trình bày trong hình 2.4.
Vị trí moong khai thác
Các moong khai thác sẽ được mở ở những khu có thân quặng công nghiệp. Đối với mỏ Hố Gần, ranh giới moong khai thác được xác định bởi hàm lượng biên và các yếu tố kinh tế và hiệu quả khai thác. Các moong khai thác được mở rộng theo sườn núi Hố Gần từ độ cao 200m xuống độ cao 100m trong thung lũng suối Lò (hình 2.2).
Vị trí xây dựng nhà máy:
Việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy đã tính đến hạn chế tối đa diện tích bề mặt bị xáo trộn và đồng thời nhà máy phải ở gần khu khai thác (Hình 2.2). Nhà máy sẽ được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng ở Hố Gần, có độ cao 150m. Vị trí này cao hơn suối Lò 50m và Sông Vàng là 75m nên khả năng bị lũ lụt hầu như không thể xảy ra. Nước mưa chảy tràn từ trên sườn núi xuống khu vực này sẽ được thu vào mương thoát nước và dẫn đi ra ngoài khu vực nhà mày.
Vị trí xây dựng nhà máy khá bằng phẳng. Hệ thực vật và lớp đất mặt tại đây bị biến đổi nghiêm trọng bởi các hoạt động như khai thác rừng, đốt rừng và khai thác khoáng sản trái phép trước đây. Vì những lý do đó mà có thể nói rằng việc xây dựng nhà máy sẽ không tác động lớn đến môi trường đất hoặc hệ sinh thái ở đây.
Để bảo đảm không xây dựng nhà máy lên trên thân quặng, khu xây dựng nhà máy đã được thăm dò bằng các công trình giếng vào những năm 1992-1994 và khoan năm 2004. Các lỗ khoan đạt độ sâu trên 20m, vượt qua độ sâu chung của đới khoáng hóa chung ở mỏ Hố Gần. Kết quả phân tích mẫu giếng cũng như mẫu lõi khoan không thấy có khoáng hóa vàng ở khu vực này (hàm lượng vàng trong các mẫu phân tích giao động từ <0,02 ppm đến 0,31 ppm).
Vị trí xây dựng khu chứa thải (TSF)
Khu chứa thải sẽ được xây dựng ở thung lũng suối Lò cách khu nhà máy 500m về phía tây nam.
Đập thải chính (đập số 1) sẽ được xây dựng ở một vị trí thu hẹp của thung lũng ở cao độ 95m và ba đập khác được xây dựng ở hai suối nhánh của thượng nguồn suối Lò. Đập số 1 có chiều dài 170m m, được xây dựng đến độ cao 107m, cao trung bình 10m và có sức chứa 1.000.000 m3 (dự kiến lượng thải ở đập tải chính sau 7 năm hoạt động là 730.000m3).
Đập ở nhánh suối phía tây (đập số 2) được sử dụng để chứa nước, khi nước trong đập đầy, nước sẽ tự động thoát ra mương dẫn nước được xây dựng chạy bao đập thải chính.
Ở nhánh suối phía đông xây dựng hai đập, một đập (đập số 3) được sử dụng để chứa thải ngâm chiết có chứa sunphua và xyanua. Đập số 3 có chiều dài 129 m, được xây dựng đến cao độ 108 m, cao trung bình 10m. Lượng quặng thải của 7 năm hoạt động sản xuất dự kiến là 101.000m3. Quặng thải trong đập này sẽ được bảo quản trong nước để tránh bị ô xi hóa. Phía trên đập số 3 là đập số 4, được xây dựng để chắn và chứa nước, khi đầy nước sẽ tự động thoát ra mương dẫn nước được xây dựng chạy bao đập thải chính và đập chứa thải ngâm chiết và đổ ra sông Vàng. Vì nhà máy được xây ở độ cao 150m nên quặng thải từ quy trình tuyển trọng lực sẽ được chuyển ra đập thải chính theo quán tính trọng lực. Quặng thải của quy trình ngâm chiết chiếm 85% chất rắn và có thể được vận chuyển ra đập chứa thải ngâm chiết bằng xe tải.
Vị trí khu chứa thải và cấu trúc đập thải được trình bày trong hình 2.2. Các phương án lựa chọn được trình bày trong Hình 2.4.
Vị trí xây dựng khu chứa thải được lựa chọn sao cho đáp ứng được một số yêu cầu về môi trường và đạt hiệu quả. Chiều cao của đập và độ sâu của khu chứa thải được giảm thiểu vì vị trí khu chứa thải được xây dựng trong trong một thung lũng rộng. Đây cũng là một yếu tố an toàn cho khu chứa thải trong thời gian dài.
Trong báo cáo nghiên cứu trước đây vào năm 1992 đã xem xét các phương án để lựa chọn khu chứa thải trong thung lũng suối Trang. Tuy nhiên, theo báo cáo của de Munt năm 1994 cho thấy để chứa được lượng thải quặng tương đương với thung lũng Suối Lò thì đập chắn ở thung lũng Suối Trang phải đắp cao đến 30m. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một con đập cao như vậy sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra vỡ đập.
Cũng như khu nhà máy, khu chứa thải cũng đã được thăm dò để loại trừ khả năng xây dựng khu chứa thải lên trên thân quặng. Đã tiến hành khoan 9 lỗ khoan thăm dò và địa chất công trình trong phạm vi thung lũng Suối Lò vào năm 2004. Các lỗ khoan đạt độ sâu từ 20m đến 100m, vượt qua độ sâu chung của đới khoáng hóa chung ở mỏ Hố Gần. Kết quả phân tích mẫu khoan tất cả các lỗ khoan không thấy có khoáng hóa vàng ở khu vực này (hàm lượng vàng trong các mẫu phân tích giao động từ <0,02 ppm đến 0,3 ppm, cá biệt có một vài mẫu đạt 0,6ppm).
Vị trí các bãi đá thải
Đá thải sẽ được tận dụng để xây dựng đập thải và đường sá. Vì các thân quặng ở Hố Gần nằm ngay hay gần trên mặt và toàn bộ quặng đuôi sẽ được chứa trong khu chứa thải, do đó yêu cầu diện tích bãi chứa đá thải sẽ không lớn. Trong quá trình mở rộng các mong khai thác, lượng đá thải không phải đưa vào máy nghiền hoặc không dùng cho xây dựng sẽ được sử dụng để lấp trở lại các khu vực đã khai thác xong.
Kho chứa thuốc nổ
Kho chứa thuôc nổ sẽ được xây dựng tại một vị trí thích hợp trong phạm vi mỏ Hố Gần theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng thuốc nổ. Nhà thầu khai thác chịu trách nhiệm an toàn trong việc vận chuyển đến mỏ, và lưu kho các loại nhiên liệu, dầu nhớt và thuốc nổ phục vụ cho mỏ. Kho chứa thuốc nổ được dự kiến bố trí nằm ở vị trí có tọa độ 222900 đông, 1704600 bắc, xem hình 2.3.
5.2.4 CHẤT LƯỢNG/SỰ ỔN ĐỊNH CỦA CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Các công trình xây dựng như nhà máy, khu chứa thải, kho bãi, v.v. sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm có khả năng tránh được các sự cố (như cháy, động đất, lũ lụt hay các tai nạn xảy ra trong khi hoạt động).
Trong các công trình xây dựng tại mỏ, độ bền vững của các đập chắn thải ở thung lũng suối Lò là công trình được đặc biệt quan tâm và sẽ được trình bày chi tiết hơn dưới đây.
PHÂN TÍCH TÍNH ỔN ĐỊNH CỦA ĐẬP CHỨA THẢI:
Mục đích của công tác phân tích là:
· Xác định sự độ ổn định của công trình đập sau khi hoàn thành trong điều kiện tĩnh và điều kiện xảy ra địa chấn.
· Xác định độ ổn định của công trình đập trong quá trình vận hành bình thường trong điều kiện tĩnh và điều kiện xảy ra địa chấn.
· Xác định đô ổn định của công trình đập trong điều kiện phải giữ nước mưa trong thời gian ngắn trong điều kiện tĩnh và điều kiện xảy ra địa chấn.
CÔNG TRÌNH ĐẬP:
Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, đập chứa thải quặng thuộc loại công trình đầu mối cấp III, công trình kênh mương cấp IV. Các tiêu chuẩn được áp dụng khi thiết kế tương ứng với TCVN 285-2002 với lũ thiết kế P=1,0%, lũ kiểm tra P=0,2%; dẫn dòng thi công P=10%. Quy mô và các thông số cơ bản của đập chứa thải: diện tích lưu vực: 2,13km2; cao độ yêu cầu chứa thải: +105.00m; mực nước dâng gia cường: +106,56m.
Các số liệu lượng mưa của 23 năm ghi nhận được ở trạm Tiên Phước đã được sử dụng làm cơ sở cho việc tính toán cân bằng nước ở khu vực công trình này.
Đập chính là đập chứa thải từ dây chuyền tuyển trọng lực sẽ được xây dựng ngang qua vị trí thắt cổ chai của thung lũng suối Lò (Xa Kok Sau). Thung lũng này có các tầng bồi tích đất sét, cát và sỏi và phần nền đất hai đầu đập gồm hỗn hợp đất sét và đá phong hóa nằm trên đá biến đổi (đá phiến) tại nhiều độ sâu khác nhau.
Đập được thiết kế gồm: thân đập được chia thành vùng thượng lưu được làm bằng đất sét đầm chặt và vùng hạ lưu bằng đất sét và sỏi đầp chặt, và một tầng tiêu thoát nước ngấm ở hạ lưu. Vùng thượng lưu được làm bằng đất sét đầm chặt kết hợp với mương ngăn thấm nhằm mục đích làm giảm lượng nước rò rỉ ngấm qua thân đập. Vùng hạ lưu giúp sẽ hạ thấp mặt nước ngầm trong đập, qua đó có thể nâng cao tối đa các yếu tố an toàn kháng lại sự mất ổn định của công trình. Ngoài ra, các yếu tố an toàn còn được hỗ trợ của vùng lọc được làm bằng sỏi/cát tuyển sạch được trải bên một phần diện tích móng của công trình. Tầng tiêu thoát nước ngấm được bọc một lớp vải địa và được đặt ngay bên dưới vùng lọc và mặt trên tầng này tiếp xúc với vùng lọc đá pha sét để làm giảm thiểu khả năng chẩy xói đất từ trong tầng móng hay trong thân đập ra ngoài.
Theo thiết kế trong quá trình xây dựng sẽ bóc đi ít nhất 2m đất mặt đến tầng đất sét cứng hay tầng vật liệu đạt yêu cầu thiết kế trong phạm vi thân đập . Từ cao độ này sẽ đào sâu thêm vào tầng vật liệu đạt yêu cầu thiết kế này thêm 3m nữa để làm mương ngăn thấm (sâu 5m so với đất mặt tự nhiên). Công tác đánh giá sự ổn định của đập dựa trên tính toán rằng sẽ không giữ nước vĩnh viễn trong đập và quặng thải của nhà máy sẽ xả ra mặt đập sẽ đẩy vùng ngậm nước trong đập ra xa chân đập về phía thung lũng. chân đập sẽ không có nước tụ vĩnh cửu và công tác xả thải sẽ được quản lý sao cho chất thải sẽ được tập trung vào chân đập để dồn nước tụ ra xa sâu vào lòng thung lũng.
Theo thiết kế, vật liệu sẽ được trải thành từng lớp riêng dày khoảng 300mm và được đầm chặt đạt 95% mức đầm chuẩn và nồng độ ẩm của vật liệu được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo phù hợp với kết quả thí nghiệm đã được thực hiện để đảm bảo tính cố kết như đã được thiết kế .
Kích thước hình học của thân đập
Đập chính là đập chứa thải từ dây chuyền tuyển trọng lực có các thuộc tính sau:
· Cao độ tổng thể RL=107m cao độ của giai đoạn 1: RL=102m,
· Độ rộng của đỉnh đập là 6m
· Độ dốc của phần thượng lưu đập: 1:2.5 (theo phương đứng : theo phương ngang)
· Độ dốc của phần hạ lưu đập: 1:3 (theo phương đứng : theo phương ngang) và độ rộng của bậc chuyển tiếp tại cao độ RL=97m là 5m.
· Độ dày tối thiểu của tầng tiêu thoát nước ngấm hạ lưu là 700mm.
PHÂN TÍCH SỰ ỔN ĐỊNH CỦA CÔNG TRÌNH
Thông số về vật liệu
Các thông số sử dụng phân tích độ ổn định của công trình được trình bày trong bảng 5.1
Bảng 5.1. Các thông số phân tích sự ổn định
Loại vật liệu
Thành phần
Độ kết dính
(c-kPa)
Góc ma sát trong (Φ-độ)
Trọng lượng
(γd-kN/m3)
Nền móng đập
(Đá DW)
Đá phiến
150
30
25
Nền móng đập*
(đất sét cứng)
Đất sét – hỗn hợp đất sét/đá
0
24
18
Vật liệu đá pha sét đầm chặt
(hạ lưu)
Vật liệu làm đập được đầm chặt, vùng 2 hạ lưu
10
30
20
Tầng lọc
Vật liệu cát/ sỏi được tuyển và làm sạch
0
35
19
Vật liệu pha sét được đầm chặt (thượng lưu)
Vật liệu xây dựng đập, vùng 1
10
25
18*
Quặng thải
Quặng thải được chứa trong đập
0
35
22
Nước
Nước được chứa trong đập
0
0
9.8
* Tham số được căn cứ hay lấy từ kết quả phân tích thí nghiệm
Các thông số về vật liệu được sử dụng trong phân tích này được căn cứ theo kết quả thí nghiệm nếu thích hợp, hoặc các thông số giả định được căn cứ theo loại vật liệu nhiệt đới tương tự được dùng xây dựng các đập tương tự ở khu vực khí hậu nhiệt đới. Các thông số về khả năng chịu lực sẽ được xác định và công tác phân tích sự ổn định của công trình sẽ được đánh giá lại khi điều kiện và thông số về đất của khu vực mỏ được cung cấp.
Đánh giá tình hình địa chấn
Thông tin về tình hình địa chất khu vực Bồng Miêu là rất ít, tuy nhiên nó cũng cho thấy rằng hoạt động địa chấn ở đây rất thấp. Đánh giá về tình hình địa chấn đã được trình bày trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Phước Sơn và được tóm tắt như sau:
“Công tác đánh giá địa chấn được thực hiện dựa trên việc kiểm tra chéo kết quả từ những nguồn thông tin khác nhau. Bản danh sách các nguồn thông tin dưới đây được xắp xếp theo trình tự phổ thông và độ tin cậy nhất.
· Bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn toàn cầu.
· Căn cứ theo bản đồ dự báo nguy cơ địa chấn toàn cầu, chương trình đánh giá nguy cơ địa chấn toàn cầu (GSHAP, 1999) đã xác định được chấn động đỉnh theo phương ngang đến khu vực dự án có chu kỳ trở lại là 475 năm và khu vực này nằm trong dẫy hoạt động từ 0.02g đến 0.04g.
· Căn cứ theo tài liệu của Uniform Building Code, Tp. Hồ Chí Minh được xếp vào vùng 0, đây là vùng có hoạt động địa chấn thấp nhất. Chương trình GSHAP xếp Tp. Hồ Chí Minh vào nằm cùng vùng với khu dự án. Điều đó có nghĩa là nguy cơ xảy ra địa chấn tại khu vực dự án là rất thấp.
Vì khu vực dự án nằm ở vùng 0 và nằm tương đối xa các vùng lân cận, đây là lý do để thiết kế đập với gia tốc địa chấn là 0.04g PGA.
Căn cứ theo số liệu của Trung tâm thông tin động đất quốc gia Mỹ (NEIC) về các đợt địa chấn lớn trong lịch sử từ năm 1973 đến 1999 trong bán kính 500km của khu vực dự án chỉ có một đợt địa chấn lớn xảy ra trong bán kính cách khu mỏ 300 km với cường độ 3.8 độ Richter cách khu vực dự án 110km.Sự kiện này không được cho là có thể gây ra dịch chuyển đất tại khu vực dự án. Sáu đợt địa chấn khác có cường độ R = 4.7 đã xảy ra trong vòng bán kính 500km so với khu vực dự án, tuy nhiên không gây ra bất kỳ tác động nào đến khu vực dự án.
Nhưng do mục đích thiết kế, các công trình xây dựng phải có khả năng chịu được gia tốc địa chấn PGA = 0.04g. Với giá trị gia tốc này, chu kỳ lặp của địa chấn là 475 năm và đây cũng là giá trị phổ biến được sử dụng trong các thiết kế của hầu hết các công trình.”
Mặc dù không được xem là có khả năng xảy ra, tuy nhiên đánh giá về các nguồn địa chấn có khả năng tác động cực lớn đến sự ổn định của đập với giá trị gia tốc bằng 0.12 g (xấp xỉ 10000 năm mới xuất hiện một lần) đã được thực hiện và được phân tích trong trường hợp 6.
Phương pháp phân tích độ ổn định
Công tác phân tích đô ổn định đã được thực hiện và là một phần công việc của báo cáo này bằng chương trình vi tính Slope W. Chương trình này sử dụng phương trình cân bằng giới hạn để tính toán các yếu tố an toàn cho các công trình đập và tường chắn . Phương pháp phân tích theo khả năng hình thành cung trượt của Bishop đã được sử dụng để phân tích từng phần của cung trượt. Phương pháp phân tích Wedge Failure cũng đã được sử dụng để phân tích các mặt trượt đặc trưng.
Các trường hợp phân tích độ ổn định của thân đập trong trường hợp được xây dựng đến độ cao tổng thể
Theo thiết kế đập số 1 có thể được xây đến độ cao tổng thể RL = 107m theo phương án xây dựng hoàn chỉnh ngay từ ban đầu. Bảng 2 tổng kết các trường hợp tải (1-6) đã được kiểm nghiệm để đánh giá thân đập.
Bảng 5.2: Các trường hợp phân tích độ ổn định của đập với cao độ tổng thể
Trường hợp tải
Chú thích
TH1
Đỉnh đập chính với cao độ RL=107m, đập chỉ chịu tải trọng bản thân, cung trượt về phía thượng lưu
TH1A
Giống như TH1 nhưng chịu thêm hoạt tải do động đất. Gia tốc ngang = 0.06g (tương ứng với chu kỳ lặp 500 năm/lần) đã được sử dụng để tính toán những ảnh hưởng của các nguồn địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH2
Đỉnh đập chính với cao độ RL=107m, đập chỉ chịu tải trọng bản thân, cung trượt về phía hạ lưu
TH2A
Giống như TH2 tuy nhiên tùy thuộc vào cường độ của địa chấn. Gia tốc ngang = 0.06g (tương ứng với chu kỳ lặp 500 năm/ lần) đã được sử dụng để tính toán các cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH3*
Đỉnh đập chính với cao độ RL=107m, trong điều kiện quá tải, cung trượt về phía hạ lưu
TH3A
Giống như TH3 tuy nhiên phụ thuộc vào độ lớn của hoạt tải do động đất. Gia tốc ngang bằng 0.06 g (tương ứng với chu kỳ lặp 500 năm /lần) đã được sử dụng để tính toán cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH4
Đỉnh đập chính với cao độ RL=107m, trong điều kiện quá tải, chịu thêm hoạt tải ngắn hạn do nước mưa tụ lại trong đập, cung trượt về phía hạ lưu
TH4A
Giống như TH4 tuy nhiên phụ thuộc vào độ lớn của hoạt tải do địa chấn địa chấn. Gia tốc ngang bằng 0.06 g (tương ứng với chu kỳ lặp là 500 năm /lần) đã được sử dụng để tính toán cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH5
Độ cao của đỉnh đập chính RL=107m, trong điều kiện hoạt động quá tải, cung trượt hình nêm về phía hạ lưu
TH5A
Giống như TH5 tuy nhiên phụ thuộc vào độ lớn của hoạt tải do độ của địa chấn. Gia tốc ngang bằng 0.06 g (tương ứng với chu kỳ lặp là 500 năm /lần) đã được sử dụng để tính toán cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH6
Giống như TH5 tuy nhiên phụ thuộc vào cường độ của địa chấn. Gia tốc ngang bằng 0.12 g (tương ứng với chu kỳ lặp là 10.000 năm/lần) đã được sử dụng để phân tích độ lớn của hoạt tải do địa chấn có khả năng tác động nghiêm trọng đến sự ổn định của đập.
Cần chú ý rằng trong phần đánh giá tác động địa chấn, các nguồn địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập đã được đánh giá theo các trường hợp khác với gia tốc ngang = 0.04g, tuy nhiên mục đích của đánh giá này là phân tích các nguồn địa chấn để đảm bảo an toàn và do đó gia tốc địa chấn đã được làm tăng lên đôi chút so với thực tế là 0.06g. Tất cả các địa chấn có khả năng cao nhất tác động đến sự ổn định của đập đã được đánh giá ở mức gia tốc ngang ở mức 0.12g, có chu kỳ lặp là 10.000 năm/lần, xem trường hợp 6.
Kết quả phân tích sự ổn định của công trình đập với độ cao tổng thể được trình bày trong bảng 5.3.
Bảng 5.3 Kết quả phân tích tính ổn định của đập
Trường hợp
Hệ số vượt tải
Hệ số an toàn vượt tải tối thiểu theo tiêu chuẩn*
TH1
1.60 (thượng lưu)
1.50*
TH1A
1.42 (thượng lưu)
1.10*
TH2
2.19 (hạ lưu)
1.50*
TH2A
1.90 (hạ lưu)
1.10*
TH3
1.92
1.50*
TH3A
1.65
1.10*
TH4
1.59
1.50*
TH4A
1.36
1.10*
TH5
2.81
1.50*
TH5A
2.31
1.10*
TH6
1.28
1.10*
Ghi chú: * Hệ số an toàn được đề nghị theo tiêu chuẩn ANCOLD(1992)2.
Kết quả phân tích sự ổn định chỉ ra rằng các trường hợp đã được phân tích (TH1-6) áp dụng rất đầy đủ giá trị của hệ số an toàn khi so sánh với hệ số an toàn tối thiểu được đề nghị trong tiêu chuẩn ANCOLD (1992)2, đối với cả trường hợp hoạt động bình thường và trường hợp xảy ra địa chấn. Kết quả phân tích các trường hợp từ 2 đến 4 cho thấy rằng mái đất bị trượt không có chân ngập sâu qua hết xuống phần móng của đập mà chỉ chỉ năm trong khoảng thân đập, và mặt dưới của cung trượt sẽ thẳng hàng với bề mặt của tầng tiêu nước hạ lưu. Để xác định sự thống nhất của đập, một mái trượt hình nêm ở phần tầng lọc đã được đánh giá như chi tiết trong TH5 và 5A. Kết quả phân tích trường hợp 6, đã kiểm nghiệm đập theo các cường độ địa chấn có khả năng lớn nhất tác động đến sự ổn định của đập kết hợp với điều kiện trong đập có chứa nước, hệ số an toàn theo thí nghiệm này là 1.05 thấp hơn hệ số vượt tải thấp nhất theo tieu chuẩn ANCOLD là 1.10, hệ số an toàn này có thể tránh được bằng cách đảm bảo rằng không cho nước tích tụ lại trên bề mặt của khu chứa thải trong điều kiện hoạt động không bình thường.
Các trường hợp phân tích tính ổn định của đập trong phương án xây dựng nhiều giai đoạn.
Theo thiết kế cũng đã tính toán đến khả năng cho phép phép xây dựng đập chính (Đập 1 trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đập sẽ được xây dựng đến độ cao RL= 102m, được coi là giai đoạn 1 của chương trình xây dựng ban đầu và giai đoạn 2 đập sẽ được xây dựng đến cao độ tổng thể như thiết kể RL=107m. Các trường hợp phân tích sự ổn định của đập được lập trong bảng 4 (trường hợp 7-9) đó là những trường hợp đã được kiểm tra đánh giá độ ổn định của thân đập theo mặt cắt ngang của giai đoạn 1.
Bảng 5.4. Các trường hợp phân tích sự ổn định
công trình đập giai đoạn 1
Trường hợp
Chú thích
TH7
Cao độ đập chính giai đoạn 1 RL=102m, đập chỉ chịu tải trọng bản thân, cung trượt về phía thượng lưu
TH7A
Giống như TH7 tuy nhiên tùy thuộc vào độ lớn của hoạt tải do địa chấn. Gia tốc ngang = 0.06g (tương ứng với chu kỳ lặp là 500 năm/ lần) đã được sử dụng để tính toán các cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
TH8
Cao độ đập chính giai đoạn 1 RL=102m, đập chỉ chịu tải trọng bản thân, cung trượt về phía hạ lưu
TH9
Đỉnh đập chính giai đoạn 1 với cao độ RL=102m, trong điều kiện hoạt động quá tải, do chịu thêm hoạt tải ngắn hạn gây ra bởi nước mưa tích tụ trong khu vực chứa thải, cung trượt về phía hạ lưu
TH9A
Giống như TH9 tuy nhiên phụ thuộc vào độ lớn của hoạt tải do địa chấn. Gia tốc ngang bằng 0.06 g (tương ứng với chu kỳ lặp là 500 năm /lần) đã được sử dụng để tính toán các cường độ địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập.
Cần chú ý rằng trong phần đánh giá tác động địa chấn, các nguồn địa chấn có khả năng tác động đến sự ổn định của đập đã được đánh giá theo các trường hợp khác với gia tốc ngang = 0.04g, tuy nhiên mục đích của đánh giá này là để đảm bảo độ ổn định của thân đập trước các đợt hoạt động địa chấn đã được nâng lên đôi chút để đạt mức 0.06g. Trường hợp địa chấn có gia tốc ngang = 0.12g với chu kỳ lặp 10.000 năm/lần có khả năng gây tác động đến nghiêm trọng ổn định của đập đã không được đánh giá cho phương án xây dựng từng giai đoạn.
Kết quả phân tích sự ổn định của công trình được xây dựng theo phương án nhiều giai đoạn
Bảng 5.5. Kết quả phân tích tính ổn đinh của đập giai đoạn 1
Trường hợp
Hệ số vượt tải
Hệ số vượt tải tối thiểu theo tiêu chuẩn*
TH7
1.81 (thượng lưu)
1.50*
TH7A
1.63 (thượng lưu)
1.10*
TH8
1.75 (hạ lưu)
1.50*
TH8A
1.58 (hạ lưu)
1.10*
TH9
1.72
1.50*
TH9A
1.55
1.10*
Ghi chú: * Hệ số vượt tải được đề nghị theo tiêu chuẩn ANCOLD(1992)2.
Kết quả phân tích sự ổn định chỉ ra rằng các trường hợp đã được phân tích (TH7-9) áp dụng rất đầy đủ giá trị của hệ số an toàn khi so sánh với hệ số an toàn tối thiểu yêu cầu trong tiêu chuẩn ANCOLD (1992)2, đối với cả trường hợp chịu hoạt tải bình thường và trường hợp chịu hoạt tải ngắn hạn do địa chấn. Kết quả phân tích của các trường hợp này chỉ ra rằng mái đất bị trượt không đi sâu xuống qua phần móng của đập mà chỉ nằm trong khoảng thân đập.
5.2.5 SỬ DỤNG THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN
Các trang thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến hiện đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới sẽ được sử dụng trong khai thác và tuyển luyện tại mỏ Hố Gần. Những trang thiết bị và công nghệ này được trình bày chi tiết trong các phần của báo cáo này và được liệt kê trong báo cáo khả thi.
Các loại thuốc nổ sử dụng sẽ là loại ANFO và loại thuốc nổ thỏi (như Powergel). Những loại thuốc nổ này ít gây tác hại đến môi trường và phương pháp nổ vi sai hiện đại sẽ ít gây rung động lên bề mặt. Việc nổ mìn sẽ được thực hiện bởi những nhân viên có kinh nghiệm và có chứng chỉ cho phép hành nghề. Trong lúc nổ mìn, tất cả công nhân sẽ được sơ tán và chỉ được quay lại làm việc sau khi được nhân viên chuyên nghiệp kiểm tra bảo đảm an toàn.
Sẽ tuân thủ một cách nghiêm ngặt các bản hướng dẫn sử dụng trong khi vận hành thiết bị máy móc; toàn bộ công nhân và các nhà thầu sẽ được đào tạo và huấn luyện trước khi được cho phép làm việc tại mỏ Hố Gần.
5.2.6 BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ RỦI RO
Các sự cố rủi ro mang tính khách quan cũng như chủ quan có thể xảy ra trong quá trình xây dựng mỏ, khai thác, xả thải và vận chuyển.
Các yếu tố rủi ro mang tính khách quan như thiên tai (chiến tranh, bão, lụt, bão, lở núi v.v.) là những rủi ro bất khả kháng. Tuy nhiên ở một chừng mực nhất định, có thể hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra bằng cách xây dựng kiên có các công trình dân dụng (nhà xưởng, văn phòng v.v.) và công trình mỏ. Các đập chứa thải và kênh tiêu nước được xây dựng bảo đảm tính bền vững và cân bằng nước trong mọi thời tiết mưa lũ.
Để có thể tránh được sự cố, rủi ro trong quá trình xây dựng mỏ cũng như trong hoạt động sản xuất, mọi hoạt động đều phải tuân thủ nghiêm ngặt nội quy an toàn lao động. Người lao động được trang bị bảo hộ lao động thích hợp cho từng loại công việc và được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động và kỹ thuật vân hành thiết bị.
Công ty sẽ có phòng y tế và đội an toàn được huấn luyện đầy đủ các kiến thức cấp cứu, sơ cứu, được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, sẵn sang ứng cứu kịp thời mỗi khi có sự cố xảy ra.
Để ngăn ngừa và khắc phục hậu quả của các sự cố, ngoài vấn đề trang bị kiến thức cho đội ngũ lao động của mình, công ty sẽ tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng địa phương về hoạt động của công ty; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành, các cơ sở chuyên môn của thị xã Tam Kỳ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng cứu giải quyết hậu quả của các sự cố. Mối quan hệ ưu tiên hàng đầu là với chính quyền xã Tam Lãnh, UBND huyện Phú Ninh, các cơ quan công an, quân đội huyện Phú Ninh và tỉnh Quảng Nam, bệnh viện đa khoa thị xã Tam Kỳ và các bệnh viện ở Đà Nẵng. Mạng thông tin bộ đàm nội bộ và mạng thông tin điện thoaị nối mỏ với bên ngoài sẽ được thiết lập để bảo đảm thông suốt thông tin liên lạc.
Một trong những khu vực cần đặc biệt chú ý đề phòng sự cố là khu đập chứa thải.
Công tác kiểm tra định kỳ (ít nhất ba lần mỗi ca) đường ống dẫn thải, đường ống dẫn nước hồi về nhà máy, các điểm chứa thải, hệ thống gạn lắng và vị trí của khôi nước tụ có liên quan với hệ thống thu nước hồi về nhà máy.
Lưu ý rằng chỉ có bằng cách kiểm tra định kỳ cùng với những sửa chữa thích hợp cho hệ thống xả thải, hệ thống thu hồi nước, và bản thân con đập mới có thể giảm thiểu và phòng tránh được những rủi ro trong công tác vận hành đập thải.
Trong trường hợp có bất kỳ sự cố nào xảy ra với đập chứa thải, sẽ áp dụng biện pháp sau đây:
- Tạm thời dừng hoạt động nhà máy, hoặc giảm khối lượng vật liệu đầu vào.
- Chuyển vị trí xả thải sang khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố.
- Dùng các loại máy công tác đất làm thành một bờ đê chia hướng dòng thải và tạm chứa chất thải.
- Liên lạc ngay với một cơ quan chuyên về địa kỹ thuật để được trợ giúp.
- Bố trí các bơm thu hồi nước bơm trả lại vùng chứa thải nếu như kết cấu đủ tốt hoặc trở về nhà máy nếu như hiện tượng bốc hơi và hoà tan được đánh giá là không khả dụng.
- Trước khi bất kỳ công việc sửa chữa nào được thực hiện phải tổ chức một cuộc kiểm tra cẩn thận khu vực có sự cố và tuỳ theo mức độ của sự cố mà quyết định có hay không mời một chuyên gia tham dự cuộc kiểm tra đó.
- Tiến hành công tác sửa chữa và khắc phục thân đập hư hỏng hoặc bị ảnh hưởng.
- Thu dọn sạch lượng chất thải rơi vãi tuỳ theo điều kiện thực tế sau khi đã khắc phục những sự cố và con đập đã được đánh giá là đã trở lại điều kiện an toàn.
- Viết báo cáo ghi rõ những sự kiện xẩy ra trước khi xảy ra sự cố và tình hình sau khi thu dọn vệ sinh. Trong báo cáo phải nêu được nguyên nhân của sự cố và những biện pháp sẽ được thực hiện phòng tránh những sự cố tương tự xẩy ra.
- Thông báo cụ thể cho những cơ quan nhà nước có liên quan về sự cố xẩy ra nếu thấy cần thiết.
Cần thiết phải luôn nhấn mạnh rằng sự an toàn của đập chứa thải phụ thuộc vào việc thực hiện đầy đủ những quy trình vận hành gồm có: Dịch chuyển vị trí xả thải, vận hành công tác thu hồi nước, tiến hành bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ để giảm xuống đến mức thấp nhất những sự kiện nghiêm trọng như là vỡ đập.
5.3 CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ
5.3.1 KHÁI QUÁT
Các chiến lược giảm thiểu và kiểm soát tác động môi trường đã được quán triệt trong mọi giai đoạn, từ thiết kế, xây dựng, sản xuất đến đóng cửa mỏ của dự án. Tính hiệu quả của chiến lược kiểm soát và các biện pháp giảm thiểu sẽ được giám sát thông qua một chương trình quản lý môi trường toàn diện. Chương trình này sẽ được thực hiện trong suốt các giai đoạn của hoạt động mỏ và sau khi đóng cửa mỏ để đảm bảo đạt được các mục tiêu xã hội và môi trường.
Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường sẽ được thực hiện trong hầu hết các công đoạn của dự án qua việc thiết kế và vận hành dự án theo kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt nhất để kiểm soát sự phát tán chất ô nhiễm và giảm thiểu khả năng xả ngẫu nhiên trong quá trình vận hành. Trong xây dựng, các biện pháp để giảm thiểu sự xáo trộn, ngăn ngừa, kiểm soát sự xói mòn và nước tràn có thể được xây dựng cho từng hạng mục của dự án nhằm hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, bảo vệ nguồn nước và môi trường sống.
5.3.2 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG NƯỚC
5.3.2.1 Quản lý nước mưa chảy tràn
Giai đoạn xây dựng mỏ
Theo chương trình quản lý chống xói mòn và trầm tích mỏ thì trong quá trình xây dựng mặt bằng mỏ, làm đường, v.v., sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp để kiểm soát lượng nước thải sinh hoạt cũng như việc rửa trôi lớp đất màu trên mặt do nước chảy tràn. Việc quản lý lượng nước mưa chảy tràn sẽ bao gồm cả việc lắp đặt các đường ống thoát nước và đắp đê chắn bao quanh các khu vực sản xuất và lát mặt bằng đá thải ngay sau khi các công trình này hoàn thành.Nước từ các ống thoát nước sẽ chảy qua các máng lắng đất màu. Lượng đất màu bị cuốn trôi sẽ được thu hồi khi các máng này được làm sạch định kỳ. Nước cống rãnh sẽ chảy vào các bể tự hoại trong các khu nhà ở của công nhân và khu nhà máy.
Giai đoạn khai thác mỏ
Trong giai đoạn khai thác, toàn bộ lượng nước mưa chảy tràn qua các khu chứa đá thải và khu nhà máy sẽ được đưa tới khu chứa thải trước khi xả ra tự nhiên.
Nước chảy tràn trên mặt đường hoặc chảy qua các khu vực sạch khác như khu nhà ở của công nhân sẽ chảy trực tiếp xuống các máng lắng đất rồi chảy ra suối. Những khu vực này sẽ được lát đá và nước chảy qua đây được đánh giá là không ô nhiễm (đất bùn trong nước sẽ được giảm xuống ở mức cho phép) và không gây tác động xấu đến môi trường.
Mọi công trình nằm ngoài phạm vi quản lý nước mỏ (ví dụ lưu vực khu chứa thải) sẽ được quản lý phù hợp với chương trình quản lý chống xói mòn và quản lý chất thải rắn của mỏ để hạn chế những tác động đến khu vực hạ lưu.
Để nghiên cứu cụ thể hơn về môi trường nền và giúp dự đoán và giảm thiểu các tác động môi trường được hiệu quả hơn, cần thu thập thêm các số liệu về nước mặt từ môi trường tiếp nhận. Các thông số về nước mặt được dùng phân tích gồm độ pH, độ đục, chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, các chất dinh dưỡng (NH4, NO2, NO3, P), dầu mỡ, các kim loại dạng vết (As, Cd, Cr, Cu, Fe, Pb, Ni, Hg, Zn), Coliform, và CN (đặc biệt là các hợp chất xyanua dễ phân hủy trong môi trường a xít yếu (WAD)). Các vị trí lấy mẫu nguồn nước rò rỉ từ các bãi đá thải cũng như nguồn nước xả ra hệ thống tự nhiên ở khu vực hạ lưu sẽ được xác định để quan trắc.
Các vị trí dự kiến lấy mẫu nước phục vụ cho việc nghiên cứu môi trường nền được trình bày trong Hình 6.1. Sẽ tiến hành lấy và phân tích mẫu ít nhất mỗi tháng một lần.
Cho đến nay, các nghiên cứu đã chỉ ra nhưng chưa lượng hóa được những ảnh hưởng của các biến đổi theo mùa. Vì vậy, cần phải xây dựng chương trình nghiên cứu tác động theo mùa cho toàn khu vực. Chương trình này đã được triển khai vào năm 1994 và hiện đang được thực hiện lại; công các lấy mẫu đã được thực hiện lại vào tháng 4 năm 2004. Công tác quan trắc lưu lượng nước tại các vị trí lấy mẫu ở khu vực hạ lưu cần được duy trì để đánh giá được các biến đổi theo mùa và những tác động kèm theo gây nên bởi quá trình khoáng hóa tự nhiên và hoạt động khai thác trái phép của dân trong cả năm. Sau khi hiểu được vần đề, tần xuất lấy mẫu có thể giảm xuống và được thực hiện tại một số vị trí nhất định.
5.3.2.2 Quản lý chất thải rắn
Đá thải
Toàn bộ đá thải có khả năng sinh axit (PAG) sẽ được xác định và chứa riêng vào những bãi thải được bố trí sao cho có thể cách ly tốt nhất với nước mưa chảy tràn và thẩm thấu xuống nước ngầm, bằng cách đó sẽ ngăn cản được sự gây nhiễm axit từ bãi đá thải. Mương thoát nước sẽ được đào quanh bãi đá thải để ngăn không cho nước mặt chảy tràn qua bãi đá thải, gom và dẫn nước rò rỉ từ bãi thải ra đập chứa thải. .
Trong giai đoạn khai thác và sau khi đóng cửa mỏ, hệ thống mương thoát nước sẽ được xả ra khu chứa thải. Sau khi mỏ đóng cửa, hệ thống mương này sẽ được phủ một lớp chống thấm để hạn đến tối đa tác động đến nước mặt.
Mặt dù đã tiến hành một số phân tích độ axít –bazơ (ABA) đối với mẫu đá thải, song số lượng phân tích còn rất hạn chế. Tuy nhiên, đặc điểm địa chất và loại khoáng hóa tại khu vực này cũng cho thấy rằng khả năng đá thải tác động đến nguồn nước là rất ít, song cần phải được kiểm tra bằng:
· Các thí nghiệm tĩnh bổ sung (về khả năng tối đa tạo axít (MPA), khả năng trung hòa axít (ANC) và độ pH thuần do axít tạo nên (NAG pH)); chưa thể biết được chính xác số lượng mẫu tối thiểu cần phải phân tích để xác lập được đặc tính địa hóa của mỗi nhóm đá cho đến khi tiến hành thí nghiệm, tuy nhiên dự kiến khoảng 30 mẫu cho mỗi nhóm có đặc điểm địa hóa khác nhau.
· Sau khi đá thải được phân ra các nhóm địa hóa dựa vào thử nghiệm tĩnh thì một số mẫu đại diện sẽ được đưa đi thí nghiệm ngâm chiết động để xác định các tác động của chúng theo thời gian qua quá trình phong hóa và rửa lũa. Phụ thuộc vào số lượng các nhóm địa hóa khác nhau, mỗi nhóm đá sẽ được tiến hành 3 thí nghiệm ngâm chiết động.
· Các thí nghiệm tĩnh cũng sẽ tiến hành trên các mẫu lấy từ các bãi đá thải của dân làm vàng nhằm giúp xác định các tác động của nguồn nước rò rỉ từ các bãi đá thải này có khả năng xảy ra trong tương lai và phương pháp phục hồi môi trường có hiệu quả.
Quản lý quặng thải
Quặng thải sẽ được lưu giữ vĩnh viễn trong các khu đập chứa thải ở thung lũng Suối Lò. Như đã trình bày ở trên, ở thung lũng suối Lò sẽ xây dựng các đập chắn để tạo ra các trũng chưa thải quặng. Các đập chắn sẽ tạo ra hai khu chứa thải riêng biệt cho thải quặng của dây chuyền tuyển trọng lực và tuyển nổi (khu chứa thải chính) và quặng thải của dây chuyền tuyển ngâm chiết (khu chứa thải quặng ngâm chiết).
Đập sẽ được xây dựng trên nền đá phiến ổn định có độ thấm thấp, chân đập cắm sâu vào tầng sét và nền đá gốc nhằm hạn chế thấp nhất lượng nước bị ô nhiễm ngấm qua thân đập hay bên dưới chân đập. Khu xây dựng đập chứa thải đã được đánh giá về mặt địa chất công trình và nền thung lũng này có lớp sét có độ thấm thấp sẽ được dùng để đắp đập.
Quặng thải dạng bùn sệt sẽ được xả xuống mặt trong của đập chắn, nước thải sẽ bị dồn ra lòng đập phía thượng lưu. Điều này sẽ giảm được khả năng ngấm nước qua thân đập. Mặt ngoài của đập chắn sẽ được phủ bằng đá để chống xói mòn khi có lũ.
Một con mương chắn nước bao quanh khu chứa thải sẽ ngăn không cho nước suối hoặc nước mưa chảy tràn trên sườn núi chảy vào khu chứa thải. Như vậy đập chứa thải sẽ chỉ chứa nước mưa rơi trực tiếp xuống bề mặt của nó và chứa nước thải dẫn từ các khu vực có khả năng chứa các chất độc hại khác (như khu khai thác, nhà máy và các bãi chứa đá thải).
Đập chứa thải sẽ được thiết kế như là một đập chứa nước thông thường với mức độ rò rỉ thấp nhất, được phủ một lớp sét có độ thấm thấp. Tất cả lượng nước thẩm thấu qua lớp sét này sẽ được gom vào một mương thu nước rò rỉ ở đáy đập, chảy vào các giếng gom nước rò rỉ ở chân đập và được bơm trở lại trũng thu nước ở trong đập (hình 2.2). Nước ở mương thu nước rò rỉ sẽ được đưa đi phân tích hàm lượng kim loại ít nhất một tháng một lần để xác định xem dung dịch có bị rò rỉ ra hay không. Các phương pháp này đã và đang được sử dụng rất có hiệu quả ở các mỏ trên khắp thế giới trong việc giảm đáng kể nguy cơ các chất độc hại chứa trong chất thải thoát ra ngoài khu chứa thải.
5.3.2.3 Chất thải sinh hoạt
Nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng hệ thống bể tự hoại. Những bể này có nắp đậy và chôn ngầm ở dưới đất và được bố trí mỗi bể riêng cho mỗi khu nhà với kích thước tương ứng với khối lượng chất thải dự kiến của mỗi hạng mục kể trên.
Tổng khối lượng chất thải sinh hoạt (gồm nước thải sinh hoạt) dự kiến khoảng 200 L/người/ngày x 1.5 (thất thoát) x số người (tối đa là 103)=30.9 m3/ngày.
Hệ thống bể tự hoại có hai tác dụng: lắng và phân hủy chất thải. Khi các chất thải chảy vào các bể tự hoại, các chất thải rắn sẽ lắng xuống rồi bị các vi khuẩn kỵ khí phân hủy thành các chất khí và chất lỏng. Toàn bộ chất lỏng từ các bể tự hoại này sẽ được dẫn ra các khu bay hơi và tiêu ngấm. Phần nước ngấm xuống đất sẽ rất tốt cho cây cối. Các bể tự hoại này đều nằm trong lưu vực của khu chứa thải nên các chất lỏng còn lại sẽ theo nước chảy tràn chảy vào đập chứa thải.
5.3.2.4 Nước thải công nghiệp
Tất cả các loại nước thải mỏ có khả năng gây ô nhiễm và nước chảy tràn trong khu vực nhà máy, nước thải của nhà máy tuyển và quặng thải đều được xả ra các khu đập chứa quặng thải. Căn cứ vào lượng mưa trung bình năm là 5265 mm, khu chứa thải được thiết kế có khả năng chứa được 785.497 m3/ năm (hay từ 0 m3 đến 462240 m3/tháng), và lượng nước thải trung bình là 24,91l/giây.
Thời gian dự kiến lưu giữ nước thải trong đập chứa thải chính là từ 6 đến 65 ngày (Hình 5.1). Khoảng thời gian cần thiết để chất rắn lơ lửng có dạng bùn lắng xuống đập là 4 ngày và có dạng sét là 16 ngày. Nước thải mỏ được giữ lại trong đập dài hơn 16 ngày chiếm 82% thời gian và dài hơn 30 ngày là 76% thời gian. Như vậy, sẽ đảm bảo rằng hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng trong nước luôn thấp hơn mức quy định của các hướng dẫn môi trường trước khi thải xả ra tự nhiên trừ trường hợp xảy ra mưa bão. Trường hợp xảy ra mưa bão, lượng chất rắn lơ lửng trong nước sông Vàng sẽ tự nhiên tăng cao và có thể vượt mức xả của mỏ.
Trước khi xả ra môi trường, nước thải của khu đập thải chính sẽ được quan trắc và phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nước thải công nghiệp của Việt Nam. Do nồng độ của các chất ô nhiễm thấp, dự kiến đập thải chính sẽ chứa lượng nước đủ bảo đảm hòa loãng được tất cả các chất ô nhiễm xuống thấp hơn mức quy định về môi trường của Việt Nam trước khi xả ra tự nhiên.
Nước xả ra sẽ đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc gia về độ pH, độ đục, chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, dưỡng chất (NH4, NO2, NO3, P), dầu mỡ, hàm lượng kim loại (As, Cd, Cr, Cu, Fe, Pb, Ni, Hg, Zn), khuẩn Côli và xyanua (Tiêu chuẩn chất lượng môi trường TCVN 6980 – 2000 và TCVN 6984 - 2000 cho nước thải công nghiệp xuống sông và bảo vệ thuỷ sinh). Hàm lượng xyanua (đặc biệt là các hợp chất xyanua dễ phân hủy trong a xít yếu) cũng sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn nước thải của Ngân hàng Thế giới (0.05mg/L).
Mức xả nước thải từ đập chứa thải quặng ngâm chiết và đập thải chính được mô hình hóa về mặt địa hóa đối với điều kiện khí hậu và lượng mưa trong khu vực (Hình 5.3 và 5.4). Theo số liệu tính toán thì vào mọi thời điểm trong năm nước thải xả từ các khu chứa thải đều không vượt mức quy định của các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Chất ô nhiễm kim loại duy nhất đáng chý ý là arsen (hình 5.2) cũng sẽ có mặt trong nước xả với hàm lượng thấp hơn rất nhiều lần so với Tiêu chuẩn Quốc gia về bảo vệ sinh vật thủy sinh trong nước ngọt (theo TCVN 6774- Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt của Việt Nam về bảo vệ sinh vật thủy sinh trong nước ngọt).
Theo mô hình lượng nước của lưu vực Hố Gần và hàm lượng hóa chất trong nước thải của nhà máy do Công ty Kingett Mitchell Ltd lập thấy rằng với mực nước dự kiến trong các đập chứa thải, tất cả các chất ô nhiễm hóa học sẽ được hòa loãng và hòa loãng tự nhiên đến mức thấp hơn mức quy định trước khi xả ra suối Lò (KML, 2004).
5.3.2.5 Dầu thải
Dầu mỡ thải ra từ các thiết bị của nhà thầu, từ nhà máy xử lý, xe cộ, máy phát điện và các động cơ cỡ nhỏ sẽ được thu gom và chứa trong các thùng phuy. Do dầu mỡ có ảnh hưởng trực tiếp quy trình xử lý xyanua, nên sẽ không xả dầu mỡ thải ra khu chứa thải. Sẽ lắp đặt thiết bị bẫy dầu tại khu vực rửa xe (Hình 5.5). Nhà cung cấp nhiên liệu cho mỏ sẽ có trách nhiệm vận chuyển dầu thải ra khỏi công trường hoặc thải chúng phù hợp với các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường của Việt Nam (TCVN 6984 - 2000)
5.3.2.6 Hoá chất và các chất thải khác
Toàn bộ nguyên liệu hoá chất sẽ được cất giữ tại kho chứa hóa chất thích hợp, bảo đảm nếu có bị rò rỉ chúng cũng sẽ được cách ly và ngăn cản không cho xâm nhập vào nước mặt và nước ngầm. Các nhân viên chịu trách nhiệm bảo quản và sử dụng các hóa chất này sẽ được huấn luyện cách sử dụng và phương pháp bảo quản an toàn.
Các loại chất thải gây hại và không gây hại sẽ được tách riêng. Tất cả các vật liệu thải sẽ được tái sử dụng nếu có thể. Các loại chất thải rắn không độc hại hoặc không tái chế được (rác hoặc vật liệu xây dựng) sẽ được chôn tại một vị trí thích hợp. Các chất thải độc hại như hóa chất dầu nhớt đã sử dụng, và ắc quy sẽ được lưu giữ tạm thời trong các thùng chứa đặc biệt cho đến khi các loại vật liệu này có thể tái sử dụng, tái chế hoặc thải vĩnh viễn phù hợp với các yêu cầu của Luật pháp Việt nam. Nhiên liệu và hóa chất sẽ không cất giữ ngầm dưới mặt đất mà sẽ bảo quản trên mặt đất có các bờ bảo vệ thích hợp để giảm bớt rủi ro và tác động tới môi trường do rò rỉ.
5.3.2.7 Xyanua
Xyanua sẽ được vận chuyển đến nhà máy dưới dạng NaCN rắn trong các công ten nơ có kẹp chì. Xyanua được sử dụng trong quy trình tuyển vàng để hoà tan vàng. Vàng hòa tan sẽ được nhựa aurix hấp phụ. Các thùng xử lý quặng bằng xyanua là thùng bằng hợp kim, không bị hóa chất ăn mòn và rò rỉ. Dung dịch chứa xyanua sẽ được khống chế độ pH ở khoảng 10,5 để bảo đảm không sinh ra khí độc HCN. Trước khi được xả vào đập chứa thải, dung dịch thải từ quy trình ngâm chiết sẽ đi qua quy trình khử độc xyanua hydro peroxit trong 2 giờ. Hydro peroxit (H2O2) sẽ phản ứng nhanh với xyanua tạo ra xianat (CNO-), xianat sẽ nhanh chóng thuỷ phân thành amôniắc (NH4), khí cácbonic (CO2) và nước (H2O).
Khối lượng nước thải có chứa xyanua của nhà máy xả ra đập thải ngâm chiết sẽ ở mức 23,67m3/ngày với nồng độ xyanua WAD là từ 3-5mg/L. Xyanua trong nước sẽ tự phân hủy/hòa loãng trong đập chứa thải ngâm chiết sau đó được bơm ra đập thải chính, tại đây xianua tiếp tục bị phân hủy và nước thải sẽ được hòa loãng thêm một lần nữa trước khi xả ra tự nhiên. Mức hòa loãng của xyanua trong các đập đã được xác định. Nồng độ xyanua trong nước thải (từ đập thải chính) sẽ không vượt quá 0.1 mg/L trong hai năm đầu, thấp hơn mức cho phép của nước thải công nghiệp và sẽ ổn định ở mức 0,13mg/L. Trong 9 tháng đầu của năm (tháng 1 đến tháng 9), sẽ cần cho nước chảy vào đập thải và không hoàn toàn không xảy ra hiện tượng xả nước ra khỏi đập. Công tác bơm xả nước cho đập chứa thải chỉ phải thực hiện vào các tháng mùa mưa (tháng 10 đến tháng 12). Dự kiến nồng độ xianua sẽ bị hòa loãng xuống còn 0,01-0,02 mg/L trong đập chứa thải, thấp hơn nhiều so với nồng độ cho phép là < = 0,05 của tiêu chuẩn nước thải công nghiệp thải vào lưu vực nước sông dùng cho mục đích bảo vệ thủy sinh (TCVN 6984-2001). Vào mùa mưa lũ, khi phải xả cưỡng bức ra sông Vàng, hàm lượng xianua sẽ tiếp tục hạ xuống thấp hơn nữa.
Khả năng tự phân hủy của xyanua trong tự nhiên theo tính toán của Công ty Kingett Mitchell Ltd được thể hiện tại hình 5.6 và 5.7.
Nồng độ xyanua (có khả năng phân hủy trong môi trường a xít yếu) trong đập thải chính sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến các loài chim sinh sống quanh đập (<50mg/L) (theo báo cáo của Mudder & Botts, 2001).
Căn cứ theo nồng độ xyanua trong nước thải, mức độ hòa loãng khi nước thải hòa với nước sông Vàng sẽ đảm bảo rằng nồng độ xyanua trong nước sẽ thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định về sức khỏe con người của Tiêu chuẩn Việt Nam (<0,005 mg/L) và của Ngân hàng Thế giới (dưới 0.022 mg/L được đo bên ngoài khu vực hòa loãng) (Hình 5.8).
Việc quản lý nồng độ xyanua trong nước được trình bày cụ thể hơn trong phần 6.3.8.
5.3.2.8 Nước ngầm
Hệ thống dẫn nước rò rỉ có chứa các chất có thể gây ô nhiễm ra đập chứa thải chính, hệ thống gom nước thẩm thấu dưới lòng đập và chân đập chứa thải được thiết kế xây dựng bảo đảm ngăn chặn và giảm thiểu sự thẩm thấu của nước bẩn từ trên mặt xuống nước ngầm.
Sẽ bố trí 01 giếng quan trắc nước ngầm phía dưới đập thải chính để quan trắc chất lượng nước ngầm nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về khả năng đập chứa thải gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tần xuất lấy mẫu nước của các giếng này là khoảng 1 tháng 1 lần. Vị trí của giếng quan trắc được trình bày trong hình 6.1.
5.3.2.9 Các lỗ khoan
Các lỗ khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng và các lỗ khoan trong khu vực moong khai thác mà chưa bị khai thác đến dáy lỗ khoan đều sẽ được bịt kín và trám miệng để ngăn lượng nước mặt và các chất ô nhiễm khác xâm nhập trực tiếp xuống các tầng chứa nước ngầm qua miệng lỗ khoan.
Các lỗ khoan được dùng để quan trắc nước ngầm sẽ được khoan theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, phần trên của lỗ khoan sẽ được lắp ống chống và lèn chặt để ngăn chặn nước mặt xâm nhập xuống tầng nước ngầm.
5.3.3 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
Bụi sẽ ở mức cao nhất trong suốt thời gian xây dựng nhưng sẽ giảm dần trong giai đoạn khai thác khi các diện tích mặt đất bị xáo trộn được lát phủ hoặc trồng cây.
Trong giai đoạn khai thác, sẽ lắp đặt thiết bị chống bụi ở công đoạn nghiền quặng. Giai đoạn nghiền tinh và xử lý quặng tiếp theo là những quy trình ướt vì vậy mà không sinh bụi. Việc chống bụi bằng các xe phun nước cũng sẽ được thực hiện trên các tuyến đường vận tải và nơi đổ quặng vào mùa khô. Nói tóm lại thì bụi không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Một phần các loại khí sinh ra khi nổ mìn sẽ hòa tan trong nước ngầm của tầng khai thác và được thải ra khỏi mỏ dưới dạng các chất hoà tan. Chúng sẽ được thải ra khu đập chứa thải. Phần còn lại sẽ hòa lẫn vào không khí ngay sau khi nổ mìn hay trong khi xúc quặng. Biện pháp thực hành an toàn nhất trên thế giới là sơ tán triệt để công nhân khỏi khu vực khai thác trong thời gian nổ mìn.
Khí thải của động cơ gồm CO2, CO, SOx, Nox và hydrôcácbon. Tất cả các phương tiện giao thông sẽ được lắp các bộ lọc khí thải theo đặc tính kỹ thuật của thiết bị. Các loại xe hạng nhẹ (landcruiser, v.v.) cũng sẽ lắp các bộ lọc khí phù hợp với hệ thống xả. Ngoài ra, tất cả các loại phương tiện sẽ tuân theo các quy định sau:
· Sử dụng các loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp và có chỉ số Octane và Cetane phù hợp với từng loại xe, loại máy.
· Không vận chuyển quá trọng tải quy định.
· Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị vận tải, sửa chữa kịp thời các sự cố của xe cộ, đảm bảo cho chúng làm việc trong điều kiện thiết bị tốt nhất, an toàn, năng suất cao và sinh ra khí thải độc hại ít nhất.
Như vậy, lượng khí thải của xe phục vụ mỏ cũng sẽ không đáng kể.
5.3.4 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN
Theo đánh giá tác động tiếng ồn cho thấy nếu không áp dụng biện pháp giảm thiểu, thì tiếng ồn phát ra từ khu vực mỏ có thể sẽ vượt các mức quy đinh đến 8dB(A) vào ban đêm, tuy nhiên ban ngày thì vẫn đảm bảo ở trong mức cho phép. Dự kiến công tác khoan và nổ mìn sẽ không thực hiện vào ban đêm, vì vậy tiếng ồn của nhà máy sẽ được khống chế phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế liên quan. Tiếng ồn của các xe tải chạy trên đường cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nhà dân nằm cách đường dưới 50m.
Các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn thường được phân loại và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
· khống chế tại nguồn phát ra tiếng động,
· giảm đường truyền của tiếng ồn,
· bảo vệ từ khu vực bị tác động
Báo cáo đánh giá này dựa trên nguồn dữ liệu về tiếng ồn của loại nhà máy và trang thiết bị hiện đại có thể sẽ được lựa chọn sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, dự án cũng có thể sẽ lựa chọn các thiết bị có tiếng ồn thấp hơn song vẫn đáp ứng được các yêu cầu hoạt động.
Các rào cản âm thanh có thể làm giảm cường độ của tiếng ồn ít nhất 10 dB(A), vì vậy xây dựng một bức tường đất ở phía bắc khu vực xay nghiền quặng sẽ làm giảm đáng kể tác động của tiếng ồn phát ra từ khu vực này đến các khu vực thôn xóm. Tiếng ồn từ khu vực khai thác cũng có thể được chắn bởi các bờ đất từ lớp đất phủ. Cần lưu ý rằng báo cáo đánh giá này đã tính đến rào cản âm thanh giữa khu dân cư và nhà máy bằng địa hình kết hợp với việc đắp bờ chắn khi cần thiết.
Để có hiệu quả, các bờ chắn ít nhất cao 1m và rộng 5m sẽ được xây dựng sát với nguồn phát ra tiếng ồn. Nếu không thể đắp bờ chắn đạt được độ cao cần thiết bằng đất, thì phần trên của bờ chắn có thể dựng thêm các tấm kim loại, ván hay bêtông miễn là các tấm này có khối lượng bề mặt ít nhất là 10-15kg m2 và được lắp đặt sát nhau.
Với tường rào cản có kích thước phù hợp và được xây dựng đúng vị trí thì có thể làm giảm được cường độ của tiếng ồn ít nhất là 10dB(A), và bảo đảm giới hạn về cường độ tiếng ồn vào ban đêm cho khu dân cư.
Các tác động tiêu cực của tiếng ồn từ xe cộ lưu thông trên đường là điều không thể tránh khỏi, song các biện pháp khống chế lại có giới hạn bởi vì con đường này chạy qua các thôn. Biện pháp giảm thiểu dự kiến áp dụng là:
· tất cả xe cộ lưu thông trên con đường này phải đảm bảo luôn trong điều kiện hoạt động tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếng ồn của TCVN 5948:1999, có đầy đủ bộ phận giảm thanh cũng như hệ thống khống chế tiếng ồn
· các lái xe phải chú ý giảm tốc độ và giảm thiểu tiếng rú của động cơ khi lái xe qua khu vực các thôn.
Không thể sử dụng các biện pháp cách âm tiêu chuẩn đối với nhà cửa truyền thống ở nông thôn được xây dựng bằng nguyên vật liệu nhẹ, vì vậy không thể cải thiện được nhiều tác động của tiếng ồn đối với các nhà ở hiện nay.
5.3.5 GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Tác động đến đất mặt
Tài nguyên đất trong khu vực dự án sẽ bị xáo trộn bởi hoạt động khai thác, cụ thể là khu vực xây xây dựng nhà máy, khu chứa thải (TSF) và các bãi đá thải. Đất mặt tại khu vực nhà máy sẽ được bóc đi ngay trong giai đoạn đầu và các khu vực khác sẽ được bóc dần trong vài năm.
Các quy định về kiểm soát xói mòn đất sẽ được áp dụng cụ thể theo điều kiện của khu mỏ (mưa nhiều, địa hình dốc, v.v.). Toàn bộ lực lượng lao động khai thác và xây dựng đập sẽ được tập huấn về các hướng dẫn này và phải áp dụng các hướng dẫn này vào quá trình xây dựng. Tất cả các khu vực xây dựng phải có kênh thoát nước và máng lắng đất bùn theo như hướng dẫn chống xói mòn.
Trong quá trình xây dựng và khai thác, đất từ các khu vực xây dựng sẽ được san gạt dồn thành đống và được trồng cây để chống bị rửa trôi trong suốt thời gian mỏ hoạt động. Nước trong mương cũng sẽ được đi qua máng lắng bùn đất hoặc được xả ra đập thải chính trước khi thải ra môi trường tiếp nhận tự nhiên. Lượng đất màu này sẽ được sử dụng để làm công tác hoàn thổ khi đóng cửa mỏ. Thảm thực vật và các loại cây cối sẽ được trồng để phục hồi lại trạng thái ban đầu của mỏ.
Thay đổi mục đích sử dụng đất
Cảnh quan khu xây dựng đập thải và các bãi chứa đá thải sẽ bị thay đổi vĩnh viễn. Đất trong khu vực dự án sẽ bị xáo trộn do hoạt động khai thác, cụ thể là khu chứa thải, khu nhà xưởng và dọc theo hai bên đường. Tuy nhiên, các khu vực này sẽ được khôi phục, tạo lại cảnh quan và hệ thực vật thích hợp với khu vực sau khi khai thác xong.
Trong diện tích dự án bao gồm khu khai thác, khu nhà máy và khu chứa thải hiện tại không có dân cư sinh sống và hoạt động canh tác hợp pháp.
Việc thay đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực mỏ và phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác sẽ được thông báo cho dân cư trong khu vực.
Khu đập chứa thải và bãi thải sẽ giữ lại những thay đổi đối với đất sau khi đóng cửa mỏ. Các bãi thải sẽ được trồng cây phủ lên. Đập thải chính sẽ được phủ một lớp đất có độ thấm thấp chỉ giữ lại một đầm lầy nhỏ và đập thải quặng ngâm chiết cũng sẽ chỉ giữ lại một đầm lầy nhỏ sau khi đóng cửa mỏ. Việc hoàn phục môi trường đối với khu chứa thải được trình bày chi tiết trong mục 5.4.5.
Rác thải
Sẽ hợp đồng với một nhà thầu để phân loại rác thải mỏ có chứa độc tố ngay tại nguồn và vận chuyển đến khu chứa rác thải phù hợp theo quy định của quốc gia về môi trường. Ngoài ra, các loại rác không độc cũng sẽ được phân loại ngay tại nơi đổ và chia thành các loại có thể phân huỷ, nhựa và thuỷ tinh. Nhà thầu sẽ vận chuyển loại rác thải này ra khỏi khu vực nhà máy và đổ tại các địa điểm được cho phép. Các loại rác có thể tái sinh sẽ được đưa đến khu chứa và xử lý.
5.3.6 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
Như đã nói trong mục 4.1.3, một số ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái có thể xảy ra do không kiểm soát được nước thải hoặc chất thải từ mỏ vào môi trường tiếp nhận.
Vì lý do này mà rất nhiều hệ thống của mỏ được mô tả trong báo cáo này bao hàm việc xác định định lượng các chất hoá học tự nhiên trong chất thải mỏ, đặc điểm của môi trường thiên nhiên (lượng mưa, lưu lượng của suối, etc) và thiết lập nên các hệ thống kiểm soát và xử lý nước thải cho phù hợp với các tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường thiên nhiên.
Chương 6 trình bày chương trình quan trắc môi trường nhằm đưa ra các cảnh báo sớm về các hiện tượng thải ngoài kiểm soát thông qua việc quan trắc và phân tích thành phần hoá học của nước ở những nơi môi trường tiếp nhận và lấy mẫu và phân tích các loại sinh vật nhạy cảm. Việc phân tích sinh vật sẽ xác minh được các chỉ số cơ bản về số lượng, đa dạng sinh học và hoá học qua phân tích các mẫu tế bào. Sẽ tăng cường theo dõi và kiểm soát các điểm xả thải có thể có đồng thời cho dừng ngay nếu xảy ra bất kỳ một sự giảm sút nào về số lượng hay các chủng loại sinh học (ngoài sự biến đổi của thiên nhiên) cũng như việc tăng hàm lượng các kim loại nặng quan trắc được.
Điều không tránh khỏi là sẽ có sự mất mát về môi trường sống hoang dã trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển mỏ và nhà máy, các vị trí đổ đá thải và đập chứa thải. Dự kiến sẽ xảy ra sự di cư các loài động vật hoang dã dễ bị tác động tới nơi ở mới xa khu vực dự án. Có nhiều loài động vật ở khu vực lân cận mỏ có lẽ không còn tồn tại nữa vì khu vực dự án đã bị dân làm vàng và lâm tặc làm thay đổi nghiêm trọng môi trường trong suốt thời gian dài. Như được đề cập trong Chương 3, trong khu vực dự án không có các loài thực vật đang bị đe dọa hay những loài ít gặp ở những nơi khác trong phạm vị giấy phép đầu tư.
Các khu vực trọng yếu và nhạy cảm mà không sử dụng cho các hoạt động của mỏ sẽ được xác định và tạo thành những khu riêng không bị xáo trộn để giảm diện tích môi trường thiên nhiên bị ảnh hưởng bởi các hoạt động phát triển mỏ.
Các hoạt động xây dựng và sản xuất sẽ được giới hạn trong những diện tích nhất định để giảm bớt diện tích đất sử dụng cho hoạt động sản xuất và giảm diện tích khôi phục sau khi mỏ đóng cửa.
5.3.7 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG KINH TẾ-XÃ HỘI
Dự án sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương và sử dụng các dịch vụ do địa phương cung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này sẽ có ảnh hưởng tốt và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tăng tiêu dùng ở địa phương cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Chiến lược giảm thiểu tác động sẽ được phát triển dưới hình thức cùng tham gia, bao gồm cả cộng đồng và các tổ chức quần chúng nhằm đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho địa phương. Biện pháp giảm thiểu bao gồm:
· Tiếp tục làm việc với các nhà chuyên môn và cộng đồng để đánh giá rủi ro và giảm thiểu tác động. Tổ chức các cuộc họp cộng đồng hàng tháng để cung cấp các chương trình thông tin đại chúng và tạo được sự phản hồi thông tin từ các bên có liên quan để đánh giá nhu cầu của cộng đồng và cải thiện sự hợp tác và ủng hộ của cộng đồng.
· Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp để giảm áp lực phụ thuộc vào các sản phẩm từ rừng.
· Khuyến khích phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng kinh tế thị trường, cung cấp các sản phẩm như rau, gia cầm vật nuôi v.v cho thị trường.
· Ưu tiên thuê lao động địa phương: Tuyển dụng lao động địa phương sẽ giảm được rủi ro do các lực lượng lao động bên ngoài mang lại, song cần phải có kế hoạch phù hợp. Có thể tiến hành các chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho người dân địa phương.
· Quản lý chặt chẽ lao động, tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán địa phương để tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư ở địa phương.
· Cung cấp dịch vụ y tế thích hợp nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương khỏi bệnh tật do bộ phận lao động nhập cư mang đến.
· Hỗ trợ các đề xuất kinh tế xã hội và các dự án thử nghiệm trên các cộng đồng quy mô nhỏ để đánh giá các cơ hội kinh tế xã hội lâu dài đối với dự án kinh tế phụ trong thời gian sau khi kết thúc khai thác mỏ.
· Trong khả năng có thể, hỗ trợ các đề xuất kinh tế xã hội, chẳng hạn các dự án nhỏ trồng rừng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, xí nghiệp nhỏ, thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái.
5.4 PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU KHAI THÁC
5.4.1 KHÁI QUÁT
Việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường là một vấn đề rất tốn kém trong ngành khai thác mỏ trên thế giới.Việc đóng cửa mỏ có hiệu quả kinh tế nhất khi công tác này được gắn liền với việc phát triển mỏ từ khi lập dự án cho đến khi dự án kết thúc. Trong suốt thời gian mỏ hoạt động, phương án đóng của mỏ có thể sẽ được thay đổi hay cải tiến cho phù hợp với thực tế của khu mỏ.
Sau đây là các nét chính về phương án dự kiến phục hồi môi trường sau khai thác mỏ Hố Gần. Phương án này có thể thay đổi trong thời gian mỏ hoạt động tùy thuộc vào ý kiến của các bên có liên quan và chính quyền địa phương, và tính phù hợp của từng chiến lược đặt ra :
Việc phục hồi sẽ phải tuân theo các nguyên tắc chính sau đây:
· Phải tôn trọng đặc thù phong tục, tập quán văn hóa xã hội của địa phương.
· Phải hạn chế đến mức thấp nhất tác động của hoạt động khai thác, chất thải để lại trong quá trình khai thác, chế biến đến môi trường tự nhiên và môi trường sinh sống của con người.
· Hạn chế thấp nhất các xáo trộn về mặt kinh tế - xã hội của khu vực.
5.4.2 CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐÓNG CỬA MỎ
Công tác chuẩn bị trước khi đóng cửa mỏ bao gồm:
· Thống nhất với địa phương về việc bàn giao quản lý các công trình mà địa phương có thể sử dụng được.
· Tháo dỡ và di chuyển thiết bị và công trình không cần thiết khác tùy thuộc vào mức độ hữu ích của chúng đối với địa phương.
· Chuẩn bị phương án san lấp lại các moong khai thác, hoàn thổ và phục hồi lại môi trường tại các bãi đá thải, khu chứa thải và đề phòng tai nạn cho người và súc vật đi lại trong khu vực phục hồi.
5.4.3 HOÀN THỔ
Các công tác phục hồi địa hình cảnh quan phải tạo ra một trạng thái ổn định và phù hợp với mục đích sử dụng đất tiếp theo. Cụ thể:
· Khu vực nhà máy được hoàn thổ và trồng cây tạo cho khu vực này có môi trường tự nhiên ổn định gần giống với trước đó
· San lấp, phục hồi tất cả các khu vực khai thác và bịt các lỗ khoan thăm dò.
· Phục hồi bãi đá thải, sử dụng đất mặt được bóc đi trước đó để phủ lên các bãi đá thải và trồng cây xanh.
· Đập chắn của khu chứa thải sẽ được xây dựng dạng bậc thang có độ dốc thích hợp để ngăn chặn khả năng sạt lở xói mòn trong trường hợp mưa lũ. Công việc này sẽ được thực hiện dần trong quá trình khai thác mỏ như là biện pháp giảm thiểu tác động tới cảnh quan môi trường, phần còn lại sẽ được hoàn tất sau khi đóng cửa mỏ.
· Tạo lớp phủ cuối cùng trên khu đập chứa thải, đầm lầy và hệ thống thải nước ở các đập thải chính và đập chứa thải quặng ngâm chiết để không gây hại đến môi trường tự nhiên.
· Trồng cây ở những khu đất trống để cải thiện điều kiện môi trường và chống xói mòn ở những khu vực trống trải.
Tùy thuộc vào tính hữu ích đối với địa phương cơ sở hạ tầng của khu nhà máy và nhà ở một phần hay toàn bộ sẽ bị tháo dỡ di chuyển.
5.4.4 CÁC PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CÁC BÃI ĐÁ THẢI
Các khoáng vật sunfua có trong đá thải thường là nguồn tiếp tục gây ra rửa lũa axit (ARD) sau khi đóng cửa mỏ. Các cuộc thí nghiệm đối với qặng về nước thải có chứa a xít cho đến nay cho thấy rằng có cả đá có khả năng sinh a xít và không có khả năng sinh a xít. Tuy nhiên, theo kế hoạch khai thác thì chỉ các loại đá có khả năng rửa lũa tạo axít sẽ được chất vào giữa các bãi đá thải không có khả năng rửa lũa tạo axit, do vậy, khả năng rửa lũa a xít từ khu vực này khó có thể xảy ra. Vì vậy biện pháp khả thi nhất là sử dụng lớp phủ cách ly có độ thấm thấp .
Sẽ thường xuyên tiến hành thí nghiệm chỉ số axit-bazơ để xác định MPA, ANC và NAG pH và thí nghiệm động lực để phân loại đá trước khi đưa vào bãi đá thải.
Lớp phủ cách ly có độ thấm thấp
Biện pháp này gồm các bước sau:
· Phủ một lớp cách ly có độ thấm thấp trên bề mặt và xung quanh bãi đá thải bằng các loại đất sét tại địa phương hoặc các loại đất mịn chịu nén khác với độ thấm thấp.
· Phủ một lớp đất hữu cơ lên trên lớp đệm cách ly và trồng các loại cỏ tại địa phương để tạo ra lớp ngăn cản quá trình bốc hơi.
· Xây dựng hệ thống mương chặn để thu nước trên sườn dốc không để nước mưa chảy tràn qua bãi thải.
· Thu nước rò rỉ từ chân bãi đá thải.
Sau khi đóng cửa mỏ, nước thải từ các bãi đá thải sẽ được dẫn trực tiếp vào đầm lầy của đập chứa thải chính, sau đó xả tự nhiên ra suối Lò và ra sông Vàng.
Đây là biện pháp phục hồi môi trường bền vững, song cần phải tiến hành quan trắc trong thời gian dài. Trước khi đóng cửa mỏ, tính ổn định lâu dài của phương pháp này có thể phải được kiểm chứng bằng các thử nghiệm độ ẩm đại diện của chất quặng thải và tính toán chỉ số axít – bazơ (ABA).
5.4.5 CÁC PHƯƠNG ÁN ĐÓNG CỬA KHU ĐẬP CHỨA QUẶNG THẢI
Khu đập chứa thải là khu vực quan trọng nhất cần được khôi phục và cải tạo. Thải quặng sẽ được tách riêng thành:
1. Thải mỏ và thải từ dây chuyền tuyển trọng lực và tuyển nổi chứa trong đập thải chính chủ yếu là felzit/thạch anh, và
2. Thải quặng có chứa sulphua của dây chuyền ngâm chiết chứa trong đập thải ngâm chiết là hỗn hợp cát felzit/thạch anh chứa khoảng 5% sulphua, sunphat và oxít.
Các yêu cầu về đóng cửa đập chứa thải đã được tính đến ngay từ khi thiết kế đập thải.Một số biện pháp xử lý đã được xem xét gồm: “xử lý và xả”, “xây dựng lớp phủ có độ thấm và bốc hơi thấp” và xây dựng một đầm lầy xử lý - xả thụ động.
Phương pháp xử lý và xả đòi hỏi nhà máy phải có thời gian hoạt động dài và phải có nhân viên kỹ thuật giám sát (chẳng hạn: xây dựng khu xử lý bùn quặng thải bằng sữa vôi đặc). Phương pháp xây dựng lớp phủ có độ thấm và bốc hơi thấp có thể không ngăn cản được quặng thải giàu sulfua bị ô xy hóa, do đó phương pháp xử lý nước thải thích hợp hơn cả là là hệ thống xử lý xả thụ động qua đầm lầy. Hơn nữa, cả hai đập chứa thải đều được xây dựng trong cùng một lưu vực rộng và được sử dụng để chứa nước trong mùa khô. Mực nước trong các đập này sẽ phục hồi trở lại vào mùa mưa.
Nước trong khu đầm lầy của đập thải chính có thể cạn vào mùa khô, tuy nhiên nước trong đập chứa thải ngâm chiết phải luôn ở mức từ 1- 2m vào mọi thời điểm trong năm để đảm bảo rằng lượng sulphua có trong đập không bị ô xi hóa.
Phương pháp xử lý thụ động qua đầm lầy
Phương pháp này gồm các bước sau:
· Xây dựng lớp cách ly có độ thấm thấp phủ lên một phần bề mặt của đập thải chính và đập thải từ quy trình ngâm chiết bằng các loại sét hoặc các loại đất mịn đầm nén được có độ thấm thấp và chừa lại khu ngập nước gần với đập chắn;
· Trải một lớp đất hữu cơ lên trên lớp lót cách ly và trồng các loại cây cỏ tại địa phương;
· Trồng các loài thực vật sống dưới nước trong khu đầm lầy;
· Đập tràn được xây dựng kiên cố bằng bê tông;
· Làm ngừng hoạt động hệ thống mương chắn nước quanh đập chứa thải để nước mưa trong lưu vực chảy vào đầm lầy trong khu chứa thải quặng;
· Sẽ xây dựng một đập nước để đảm bảo rằng đập thải luôn bị ngập nước ở độ sâu tối thiểu để vùng đầm lầy vẫn có tác dụng tích cực trong mùa khô.
· Sẽ xây dựng thêm một đầm lầy nhỏ dưới đập thải chính để nước chảy ngấm qua thân đập, qua đập chứa thải được hòa lẫn với nước xả từ đầm lầy trong đập chứa thải
· Thời gian giữ nước trong mỗi khu đầm lầy được xác định sao cho đủ để các kim loại trong nước thải liên kết với các nguyên tố khác tạo thành nhưng hợp chất có độ hòa tan thấp và lắng cùng với bùn xuống đáy hồ, sau đó nước được xả ra Suối Lò và chảy ra sông Bông Miêu.
Đây là biện pháp phục hồi môi trường bền vững, song cần phải tiến hành quan trắc trong thời gian dài. Trước khi đóng cửa mỏ, tính ổn định lâu dài của phương pháp này có thể kiểm chứng bằng các thử nghiệm độ ẩm đại diện của chất thải và xác định chỉ số axít – bazơ (ABA).
Kế hoạch sử dụng đất ở khu đập chứa thải sau khi kết thúc hoạt động sẽ được tham khảo ý kiến của Uỷ ban Nhân dân huyện Phú Ninh và cộng đồng địa phương (Tam Lãnh) trước khi đập chứa thải ngừng hoạt động. Kết quả tham khảo ý kiến sẽ cho phép đưa phương án tốt nhất về sử dụng khu đập chứa thải. Tùy thuộc vào nồng độ hóa chất có trong nước của đập chứa thải mà nguồn nước có thể được dùng làm nước tưới trong suốt mùa khô để tăng sản lượng mùa màng trên những cánh đồng phía dưới hạ lưu của đập.
Trong quá trình mỏ hoạt động, một chương trình quan trắc chất lượng nước được trình bày trong Chương 6 dự kiến sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo nước thải mỏ phù hợp với luật môi trường và các tiêu chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp.
Chương trình quan trắc nước ngầm được trình bày trong Chương 6 sẽ được thực hiện trong quá trình khai thác mỏ và sau khi đóng của mỏ nhằm sớm đưa ra cảnh báo về các chất gây ô nhiễm nước ngầm không lường trước có thể xuất hiện tại các khu vực ở phía dưới khu chứa thải.
5.4.6 QUẢN LÝ ĐẤT MÀU VÀ HOÀN THỔ ĐẤT TRỒNG
Diện tích của mỏ Hố Gần nhỏ do đó diện tích đất bị xáo trộn do các hoạt động khai thác sẽ rất nhỏ. Khu vực này hiện không thuộc diện đất canh tác.
Trong quá trình xây dựng mỏ, lớp đất màu tại tất cả các khu vực bị xáo trộn sẽ được bóc đi và tập trung vào nơi quy định và được phủ xanh để bảo quản cho việc hoàn thổ sau khi mỏ đóng cửa.
Công tác hoàn thổ và phục hồi lại hệ thực vật được tiến hành đồng thời trong quá trình thi công Dự án. Những khu vực đã kết thúc các hoạt động khai thác, chế biến, và những bãi thải ngừng hoạt động sẽ được phủ đất màu và trồng cây xanh.
Khi hoàn thổ xong sẽ có biện pháp hạn chế và thu hồi đất bị rửa trôi do mưa bão cho đến khi hệ thực vật tại đây được khôi phục trở lại.
5.5 KHỐNG CHẾ TÁC ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI SAU KHI ĐÓNG CỬA MỎ
Các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế xã hội và văn hóa trong thời gian mỏ hoạt động được đề cập trong Phần 5.3.7 cũng sẽ góp phần giảm bớt các vấn đề cần giải quyết sau khi đóng mỏ cửa. Vấn đề rõ ràng nhất sau khi mỏ đóng cửa là một lực lượng lao động lớn cùng các người kinh doanh phục vụ mỏ sẽ bị mất nguồn thu nhập từ các hoạt động của mỏ.
Các biện pháp nâng cao dân trí cho người dân địa phương sẽ giúp cho họ tìm việc làm dễ dàng hơn, và hy vọng rằng biện pháp nâng cao dân trí cũng sẽ giúp tạo ra được nhiều lĩnh vực công ăn việc làm hơn cho địa phượng.
Sẽ xây dựng biện pháp giúp đỡ người địa phương mở ra các công việc kinh doanh phục vụ mỏ để họ đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình, điều này sẽ giúp họ có tương lai ổn định sau khi mỏ đóng cửa.
Mỏ Hố Gần là một trong số mỏ khai thác thương mại đầu tiên ở khu vực này. Do đó, hoạt động khai thác khoáng sản có thể sẽ còn được tiếp tục ở các khu vực khác nằm trong diện tích Giấy phép Đầu tư và trong diện tích của huyện Phú Ninh hoặc xây dựng thêm mỏ mới. Trong trường hợp này, thì các hoạt động kinh doanh phục vụ mỏ sẽ tiếp tục được phát triển.
Có thể một số công nhân mỏ và gia đình họ từ nơi khác đến sẽ định cư lại địa phương sau khi mỏ đóng cửa. Vì vậy, Công ty sẽ thảo luận với họ và chính quyền địa phương để đảm bảo rằng họ được hòa nhập vào cộng đồng địa phương.
CHƯƠNG 6
CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ, QUAN TRẮC
VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG
6.1 GIỚI THIỆU CHUNG
Phương pháp chính để xác định những tác động môi trường trong quá trình phát triển mỏ là chương trình quan trắc môi trường. Điều kiện có tính chất quyết định trước tiên đối với việc phát triển bất kỳ một mỏ nào trên thế giới là phải nghiên cứu tốt môi trường nền và các điều kiện kinh tế xã hội của khu vực chuẩn bị đi vào sản xuất. Vấn đề đặc biệt quan trọng đối với dự án Hố Gần là làm rõ những tác động đã tồn tại trước đây và đang diễn ra do hoạt động khai thác trái phép vàng gốc và vàng sa khoáng ở các khu vực trong diện tích Giấy phép Đầu tư.
Có thể tiến hành quan trắc môi trường trong quá trình xây dựng, thiết kế và đóng cửa mỏ để xác định hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu; và để phân biệt các tác động tự nhiên hoặc các tác động đã tồn tại trước đó với các tác động do phát triển mỏ. Phần báo cáo này trình bày chương trình quản lý môi trường sẽ được thực hiện tại khu mỏ, khu vực quan trắc môi trường và số lượng mẫu cũng như chi phí dự kiến.
6.2 CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
6.2.1 CƠ CẤU TỔ CHỨC
Đội ngũ môi trường gồm có một giám sát viên môi trường làm việc tại mỏ và từ một đến hai nhân viên môi trường giúp việc cho giám sát viên. Trong suốt các giai đoạn xây dựng, hoạt động sản xuất và sau khi đóng cửa mỏ, mọi công trình nghiên cứu chuyên đề sẽ hợp đồng với các chuyên gia có trình độ chuyên môn thích hợp thực hiện.
6.2.2 KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG MÔI TRƯỜNG
Kế hoạch đào tạo và giáo dục sẽ được thực hiện làm nhiều bước để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Trước hết, toàn thể công nhân viên làm việc tại mỏ sẽ được học về môi trường liên quan đến an toàn môi trường mỏ. Bước này sẽ giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, và giúp họ hiểu được rằng thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của công ty. Trong quá trình học công nhân cũng sẽ được hướng dẫn thực hành làm thế nào để giảm thiểu được tác động môi trường trong hoạt động hàng ngày.
Công tác đào tạo ban đầu sẽ được củng cố bằng kiểm tra thường xuyên (hàng quý) môi trường ở mỗi bộ phận. Điều này sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường trong công ty, và giúp cho công ty sớm xác định được công đoạn nào của mỏ hoặc quá trình nào có thể gây hại nghiêm trọng đối với môi trường, hoặc các tác động bất ngờ xảy đến với môi trường.
Công tác truyền thông môi trường sẽ được thực hiện thường xuyên đối với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, công ty sẽ thường xuyên có những cuộc trao đổi thông tin với chính quyền và nhân dân địa phương xã Tam Lãnh nhằm cung cấp những thông tin về hoạt động sản xuất của công ty, tình trạng diễn biến môi trường. Bằng cách làm như vậy, dân địa phương cũng sẽ được trang bị them kiến thức về môi trường, đồng thời họ có thể cùng tham gia quản lý, kiểm soát môi trường trong quá trình mỏ hoạt động.
6.3 CHƯƠNG TRÌNH QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG
6.3.1 MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG
Mục đích của công tác quan trắc môi trường là xác lập các điều kiện về môi trường nền, đánh giá các tác động môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất, và đánh giá hiệu quả của việc giảm thiểu. Các tác động tiêu cực do hoạt động khai thác gây nên có thể hạn chế được nhờ các biện pháp giảm thiểu, và điều này sẽ được phản ảnh bằng kết quả của chương trình quan trắc môi trường.
6.3.2 ĐO LƯU LƯỢNG NƯỚC
Sẽ tiếp tục đo lưu lượng nước hàng ngày tại 5 trạm trong thung lũng sông Vàng gồm BM4b (mới), BM5, BM5A và ST1 để bảo đảm có số liệu lưu lượng liên tục cho nghiên cứu mô hình cân bằng nước. Công tác quan trắc nước tại trạm HG1 của suối Lò cũng sẽ được thực hiện hàng ngày để nghiên cứu mô hình cân bằng lượng nước và để xử lý lượng nước thải từ mỏ. Các vị trí quan trắc được thể hiện ở hình 6.1.
6.3.3 QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT VÀ NƯỚC NGẦM
6.3.3.1 Quan trắc nước mặt
Các thông số nước mặt cần được giám sát gồm: độ pH, độ đục, hàm lượng chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, các chất dinh dưỡng (NH4, NO2, P), dầu mỡ thải, các kim loại vết (As, Cd, Cr, Cu, Fe, Pb, Ni, Hg, Zn), Coliform, CN đặc biệt là các hợp chất xyanua dễ phân hủy trong môi trường axit yếu (xyanua WAD)
Các vị trí lấy mẫu sẽ được bố trí để quan trắc như sau:
· Nước thải từ nhà máy ra đập chứa thải,
· Nước rò rỉ từ các bãi đá thải,
· Nước thải của mỏ,
· Nước thải và nước rò rỉ từ khu đập chứa thải,
· Các vị trí hạ lưu đã được chọn lựa để thải ra nước mặt
06 vị trí lấy mẫu dự kiến gồm BM4b (mới), ST1, BM5, HG1, BM5a và BM6 trong đó có 5 vị trí được thể hiện trong Hình 6.1. Trạm quan trắc BM6 được đặt tại đoạn hạ nguồn sông Vàng, cách xã Tam Lãnh 3.2km. Tần suất lấy và phân tích mẫu sẽ được thực hiện ít nhất mỗi tháng một lần.
Công cụ lấy mẫu: sẽ bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Việt Nam theo TCVN 6984-2000.
Các vị trí quan trắc nước mặt sẽ được đặt tại:
A. Ở thượng lưu và hạ lưu của mọi khu vực có các hoạt động khai thác
B. Ở thượng lưu và hạ lưu các khu vực thải nước ra hệ thống sông suối tự nhiên.
C. Ở thượng lưu và hạ lưu nơi hợp lưu của các con suối chính
Nếu sau một thời gian quan trắc mà có thể hiểu được đầy đủ các biến đổi theo mùa của lưu lượng và thành phần hóa học sông suối cũng như của nước thải từ mỏ thì có thể giảm tần xuất lấy mẫu và chỉ thực hiện lấy mẫu ở một số vị trí nhất định.
6.3.3.2 Quan trắc mực nước ngầm
Dự kiến các hoạt động khai thác mỏ sẽ không gây ra tác động đáng kể đến tầng nước ngầm trong vùng vì khả năng dẫn nước của đá phiến phong hóa nhìn chung là thấp. Tuy nhiên, tầng nước ngầm có thể sẽ bị tác động cục bộ.
Công tác quan trắc nước sẽ được thực hiện mỗi tháng 1 lần
Sẽ khoan 3 giếng quan trắc ở phía hạ lưu đập thải chính để có thể xác định được nước rò rỉ dưới chân đập thải xâm hại đến môi trường xung quanh. Vị trí lỗ khoan mới dự kiến được trình bày trong hình vẽ 6.1.
Ba giếng quan trắc nước ngầm hiện nay gồm HG1, BMW1 và BMW3 (Hình 6.1) sẽ tiếp tục được lấy mẫu phân tích. Việc quan trắc nước ngầm tại giếng HG1 cho phép xác định mức độ tăng các chất ô nhiễm trong tầng bồi tích của suối Lò. Quan trắc các giếng BMW1 và BMW3 sẽ tiếp tục giúp đưa ra cảnh báo sớm về tác động đến sức khỏe của người khi sử dụng nước từ các giếng này.
Các vị trí quan trắc chất lượng nước ngầm sẽ được lấy mẫu ít nhất mỗi tháng một lần để phân tích kim loại, chất dinh dưỡng, trực khuẩn coliform và các hợp chất xyanua dễ phân hủy trong môi trường axit yếu (WAD). Dụng cụ lấy mẫu sẽ sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Việt Nam TCVN 6984-2000.
6.3.3.3 Lấy mẫu trầm tích
Mẫu trầm tích sẽ được lấy ở mỗi khu vực quan trắc nước mặt (hình 6.1) hai lần mỗi năm để giám sát hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích suối. Hàm lượng tăng cao của các kim loại trong trầm tích có lẽ liên quan với các suối chảy từ khu vực có khoáng hóa và từ các bãi đá thải của hoạt động khai thác trái phép.
Việc lấy mẫu trầm tích là điều cần thiết để biết được hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích ở phía thượng lưu và hạ lưu khu mỏ Hố Gần, đồng thời để hiểu được tác động của các bãi đá thải do khai thác trái phép đối với trầm tích lòng sông trước và sau khi mỏ hoạt động và để có cơ sở chứng minh rằng trầm tích suối bị ô nhiễm có phải do hoạt động của mỏ Hố Gần gây ra hay không.
Hình 6.1: Vị trí các trạm quan trắc
6.3.3.4 Quan trắc khí tượng
Các trạm quan trắc nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, độ bốc hơi và áp suất không khí hàng ngày sẽ được xây dựng tại khu vực văn phòng mỏ (Trạm C1) và tại khu nhà máy (trạm C2) (Hình 6.1). Các trạm tương tự cũng sẽ được thiết lập để quan trắc không khí, tiếng ồn và độ rung.
6.3.3.5 Quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và độ rung
Các trạm quan trắc chất lượng không khí sẽ được đặt gần khu vực nhà máy và văn phòng Bồng Miêu (Trạm C1 và C2) và tại khu đập chứa thải ngâm chiết (trạm C3). Các khu vực dự kiến sẽ tiến hành quan trắc được thể hiện trong hình 6.1.
Các thông số quan trắc gồm nhiệt độ, mức độ ồn, bụi, SO2, NOx, CO và hướng gió như quy định của các tiêu chuẩn TCVN 6993 và 6994:2001. Cũng sẽ xây dựng các trạm quan trắc về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, độ bốc hơi và áp suất không khí hàng ngày tại khu vực văn phòng mỏ và tại khu nhà máy.
Tần suất lấy và phân tích mẫu không khí tối thiểu mỗi tháng một lần. Sẽ sử dụng dụng cụ lấy mẫu phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Việt Nam: TCVN6993-2001 và TCVN5941-1995.
Sự phát tán tiếng ồn giao thông sẽ được giám sát đảm bảo phù hợp với TCVN6438-2001.
Tiếng ồn trong các khu vực hoạt động và các phân xưởng quanh mỏ sẽ được tiến hành đo định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm và đo kiểm tra thêm một khi lắp đặt thêm máy lớn vào dây chuyền sản xuất. Điều này cho phép giới hạn mức độ ồn của các thiết bị khi đặt mua cũng như khi làm việc ở các khu vực này.
Mỗi năm sẽ thực hiện hai lần đo độ rung do nổ mìn quanh khu vực mỏ và các khu vực dân cư ở các vùng lân cận để bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Việt nam (TCVN 6962-2001). Sử dụng phương pháp nổ mìn lệch pha để làm giảm độ rung.
Có khả năng tiếng ồn phát ra từ các hoạt động nhà máy sẽ ảnh hưởng đến các thôn ở Bồng Miêu và Trà Sung vào ban đêm. Sự lưu thông của các phương tiện vận tải cũng có thể có tác dụng tiêu cực đến khu vực này.
Đã tính đến các biện pháp giảm thiểu tác động tiếng ồn cho khu mỏ, kể cả các biện pháp giảm thiểu các tác động tiếng ồn phát ra từ khu mỏ hay xe cộ lưu thông trên đường.
6.3.4 GIÁM SÁT CÁC BÃI ĐÁ THẢI
Để đảm bảo đá thải chuyển vào các bãi thải được phân loại là có khả năng rửa lũa tạo axit (PAG) hoặc không có khả năng rửa lũa tạo axít (PAG), trong quá trình khai thác sẽ lấy mẫu đá thải để thí nghiệm xác định độ pH thực tạo axít. Thí nghiệm này khá đơn giản và cho kết quả nhanh. Kết quả của thí nghiệm sẽ giúp đánh giá được khả năng rửa lữa axít của đá thải nhờ vào mối quan hệ giữa độ pH thực tạo axít (NAG pH) và khả năng thực sinh axít (NAPP) từ khả năng cực đại tạo axit (MPA) và khả năng trung hòa (ANC).
Sẽ thường xuyên tiến hành thí nghiệm chỉ số axit-bazơ để xác định MPA, ANC và NAG pH và thí nghiệm động lực để phân loại đá và có kế hoạch đóng cửa mỏ.
6.3.5 QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Mọi hiện tượng xói mòn xảy ra trong khu vực mỏ hay ở các khu vực lân cận các công trình khai thác trái phép hay các lò khai thác trước đây đều được đo vẽ, tính toán, đánh giá và chụp ảnh trong quá trình khai thác và phát triển mỏ. Chương trình quản lý hiện tượng xói mòn và trồng lại thảm thực vật ở các bãi thải khai thác trái phép sẽ được thực hiện định kỳ như là một phần trong kế hoạch quản lý môi trường.
Trong quá trình khai thác, sẽ lấy và phân tích mẫu đất ở các khu vực bị xáo trộn. Các thông số về môi trường đất được thí nghiệm gồm: độ pH, hàm lượng các kim loại nặng (Cd, Pb, As, Al, Fe, Hg, Cu, Zn) và các chất dinh dưỡng (C, N, P).
6.3.6 QUAN TRẮC HỆ SINH THÁI
Trong quá trình xây dựng và phát triển mỏ, sẽ tiến hành quan trắc môi trường để đánh giá các tác động có thể có đối với môi trường sinh thái, quan trắc sông Vàng mỗi năm hai lần (từ suối Hố Ráy đến BM5A) và Suối Lò để so sánh với lưu vực không bị ảnh hưởng (như thượng nguồn sông Vàng). Sẽ tiếp tục lấy mẫu các loài thủy sinh (ốc, cá), phân tích, theo dõi hàm lượng các kim loại nặng và CN- trong chúng. Quan trắc đã được thực hiện trước khi đi vào hoạt động khai thác mỏ để làm cơ sở nghiên cứu môi trường nền. Sau đó sẽ thực hiện các bước tiếp theo để làm giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có đối với khu vực sông suối, thực vật và động vật trong các khu vực lân cận.
6.3.7 QUẢN LÝ XYANUA
Mặc dù tổng nồng độ xyanua trong mẫu trầm tích hoặc mẫu nước giàu trầm tích có thể cao, các tác động của xyanua có thể có chỉ liên quan với các hợp chất xyanua dễ bị phân hủy trong môi trường axit yếu (xyanua WAD). Xyanua WAD là những loại xyanua dễ phân hủy trong HCN (hyđroxianua) và ở dạng độc tố cao nhất. Xác định nồng độ xyanua WAD là khâu thí nghiệm quan trọng nhất trong xác định các mức nguy hiểm của xyanua và đã ứng dụng thành công ở nhiều mỏ trên thế giới giúp kiểm soát được nồng độ xyanua trong nước thải.
Xyanua sẽ tồn tại dưới dạng hợp chất kim loại xyanua bền vững (xyanua phân hủy trong môi trường a xít mạnh) lắng đọng trong trầm tích, sét và phân ly rất chậm. Các hợp chất này có độ độc thấp hay không độc và không bị phân hủy trong HCN. Các hợp chất xyanua này dần dần sẽ được cây cối hấp thụ tạo ra phân bón cacbon và nitơ.
Theo quy định của Ngân hàng Thế giới đối với các mỏ khoáng sản rắn, chất thải được xử lý có hàm lượng hợp chất xyanua WAD 0.5mg/L và 0.022 mg/L dưới vị trí xả là chấp nhận được. Một số mỏ kể cả mỏ Homestake ở vùng Nam Dakota và các mỏ Martha Hill, Golden Cross ở Waihi, New Zealand đã rất thành công trong việc thải chất lỏng đã qua xử lý vào khu đánh bắt cá hồi nhạy cảm trong nhiều năm dựa vào chỉ tiêu hàm lượng các hợp chất xyanua dễ phân hủy trong axít yếu, chứ không phải căn cứ vào tổng hàm lượng xyanua (Mudder and Botz, 2001).
Các mỏ này áp dụng các tiêu chuẩn hợp chất xyanua dễ phân hủy trong axít yếu ở suối và khu mỏ với nồng độ từ 0.08-0.10mg/L (Mudder and Botz, 2001).
Đối với các mỏ ở Úc thì hàm lượng xyanua WAD được xem là an toàn cho các loài chim sống trong sông hồ là 50 mg/L. Xyanua WAD phân hủy rất nhanh và sẽ giảm ở các khu xa đập chứa thải.
Sau khi đi qua công đoạn khử độc xyanua (phân hủy xyanua bằng hydro peroxit), nước thải từ nhà máy đổ vào đập chứa thải ngâm chiết dự kiến có chứa hàm lượng hợp chất xyanua từ 3 đến 5 mg/L. Mức xianua này sẽ được hòa loãng tự nhiên trong đập ngâm chiết xuống còn khoảng 0.3 mg/L.(thí nghiệm được thực hiển bởi Công ty Gekko Systems năm 2004). Nước thải từ đập chứa thải ngâm chiết sẽ được bơm xuống đập chính. Dự kiến nồng độ xianua sẽ bị hòa loãng xuống còn 0,01-0,02 mg/L trong đập chứa thải chính, thấp hơn nhiều so với nồng độ cho phép là < = 0,05 của tiêu chuẩn nước thải công nghiệp thải vào lưu vực nước sông dùng cho mục đích bảo vệ thủy sinh (TCVN 6984-2001). Vào mùa mưa lũ, khi phải xả cưỡng bức ra sông Vàng, hàm lượng xianua sẽ tiếp tục hạ xuống thấp hơn nữa.
Trong tính toán của Công ty Kingett Mitchell Ltd đã tính đến nồng độ xyanua trong dung dịch thải của nhà máy để đáp ứng được các tiêu chuẩn nước thải. Tổng nồng độ xyanua (bao gồm các hợp chất ổn định như chất rắn lơ lửng) có thể giảm hơn nữa nếu cho thêm keo tụ vào trong dung dịch thải trước khi đưa ra đập chứa thải ngâm chiết. Biểu đồ nồng độ xyanua trong các đập thải và trong nước sông Vàng ở vị trí bên dưới điểm xả thải được trình bày ở hình 5.6, 5.7 và 5.8 của Phần 5.3.2.9.
6.3.8 THỜI GIAN VÀ TẦN XUẤT QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG
Công tác quan trắc môi trường và lấy mẫu sẽ được thực hiện thường xuyên và bất kỳ ở khu vực nào. Nếu trong thời điểm có mưa bão hoặc nước lớn mà không thể quan trắc hoặc không lấy mẫu được thì sẽ tiến hành ngay khi điều kiện cho phép.
Mục tiêu của quan trắc môi trường và lấy mẫu phải được lên kế hoạch trước và cán bộ môi trường sẽ có lịch công tác riêng để báo cáo công việc hoàn thành hàng tháng. Khi có những hiện tượng bất thường thì sẽ lấy mẫu (như hiện tượng xói mòn, thải không theo kế hoạch và sau khi có bão lớn) đồng thời các hiện tượng trên sẽ được quan trắc phù hợp với các quy định về môi trường.
Tần xuất quan trắc nhiều thông số là một lần trong 1 tháng hoặc dưới một tháng. Tần suất quan trắc hoặc lấy mẫu như vậy được xem là tần xuất quan trắc tối thiểu để đảm bảo an toàn đối với mỏ. Khi mỏ đã đi vào hoạt động ổn định, ở những nơi có thể áp dụng được, thì tần xuất quan trắc sẽ giảm xuống 3 tháng một lần phù hợp với quy định của Việt Nam. Theo quy định của Việt nam thì sau một năm đầu hoạt động, tần xuất quan trắc các thông số môi trường là 6 tháng một lần. Kết quả phân tích sẽ được thông báo theo từng đợt.
6.4 CÁC SỰ CỐ VỀ MÔI TRƯỜNG
Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào về môi trường trong quá trình khai thác mỏ (chẳng hạn: hỏa hoạn, sập hầm, rò rỉ hóa chất…) việc quan trắc bổ sung sẽ được tiến hành theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Sau khi khắc phục được sự cố, tần xuất quan trắc tại khu vực bị tác động sẽ được duy trì như sau:
· Sau khi sự cố được khắc phục sẽ tiến hành quan trắc ngay trong vòng một tuần
· 4 tuần một lần trong vòng 6 tháng đầu sau khi sự cố được khắc phục hay cho đến khi thấy rõ môi trường bị tác động đã được phục hồi.
· Sau 6 tháng kể từ khi sự cố được khắc phục, công tác quan trắc sẽ được thực hiện mỗi năm hai lần trong suốt thời gian mỏ hoạt động.
Tất cả các khu vực có xảy ra các sự cố về môi trường sẽ được lập bản đồ và được lập hồ sơ theo dõi. Sau khi đóng cửa mỏ sẽ tiến hành đánh giá các khu vực bị tác động hàng năm.
6.5 CHI PHÍ CHO CÔNG TÁC KHẢO SÁT VÀ QUAN TRẮC
MÔI TRƯỜNG
6.5.1 DỰ TOÁN CHI PHÍ
Dự toán chi phí sơ bộ cho các hoạt động quan trắc môi trường của Công ty được chia ra làm bốn lĩnh vực quan trắc và quản lý môi trường mỏ như sau:
Bộ phận môi trường
Quan trắc hóa học môi trường
Quan trắc sinh thái
Phục hồi sau khi đóng cửa mỏ
6.5.2 CHI PHÍ CHO BỘ PHẬN MÔI TRƯỜNG
Nhân viên môi trường có nhiệm vụ cáo cáo trực tiếp với Giám đốc mỏ các vấn đề về môi trường. Chi phí giám sát, bảo vệ và kiểm tra khu dự án được tính như sau:
Luơng của nhân viên môi trường 250-300 USD/tháng
Chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc môi trường nước và không khí:
Máy quan trắc môi trường: 1.500 USD
Máy đo hướng gió: 450 USD
Máy đo lưu lượng nước của Mỹ 700 USD
Máy đo độ pH, nhiệt độ, DO, độ đục: 3.000 USD
TỔNG CHI PHÍ 5.650 USD
CHI PHÍ HÀNG NĂM (mỏ kéo dài trong 7 năm) 807 USD/năm
TỔNG CHI PHÍ HÀNG NĂM 4.407 USD/năm
6.5.3 DỰ TOÁN CHI PHÍ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
Chi phí dự kiến để lấy và phân tích mẫu môi trường nước ngầm, nước mặt, trầm tích suối và đá thải như đã đề cập đến trong chương 6 được trình bày ở bảng 6.1 dưới đây.
Bảng 6.1 Chi phí quan trắc môi trường
Loại mẫu
Thành phần phân tích
Chi phí phân tích USD
Số khu vực
Số lượng mẫu mỗi năm
Số lần phân tích mỗi năm
Chi phí phân tích hàng năm (USD)
Nước
Kim loại
58
7
12
84
4,872
Chất dinh dưỡng
23
7
12
84
1,932
BOD
36
7
12
84
3,024
COD
16
7
12
84
1,344
Trực khuẩn coli
19
7
12
84
1,596
WAD CN
23
7
12
84
1,932
14,700
Trầm tích
Kim loại
58
7
2
14
812
WAD CN
23
7
2
14
322
1,134
Nước ngầm
Kim loại
58
4
12
48
2,784
Chất dinh dưỡng
23
4
12
48
1,104
WAD CN
23
4
12
48
1,104
4,992
Đá thải và quặng thải có khả năng tạo axit
MPA
23
40
40
920
ANC
58
40
40
2,320
thí nghiệm động lực
1293
6
6
7,760
pH thực tạo axit
16
40
40
640
11,640
TỔNG CỘNG
32,466
Chi phí xử lý số liệu và lập báo cáo dự kiến khoảng 6.500USD.
Dự kiến chi phí khảo sát môi trường sinh thái như đã trình bày trong chương 6 được thể hiện trong bảng 6.2.
Bảng 6.2 Chương trình lấy mẫu và quan trắc sinh thái dự kiến
Chi phí tư vấn 11 ngày NZ$
Lập báo cáo
NZ$
Phân tích 20 mẫu cá và 20 mẫu thực vật
NZ$
Chi phí mỗi lần khảo sát NZ$
Số lần khảo sát trong năm
NZ$
Tổng chi phí
NZ$
Tổng chi phí US$
11,000
1,640
2,800
16,984
2
33,968
21,967
Chi phí quan trắc môi trường hàng năm là USD 60.933.
6.5.4 DỰ TOÁN CHI PHÍ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU KHI ĐÓNG CỬA MỎ
Khu vực
Đơn vị tính
Khối lượng
Đơn giá
Tổng cộng
Di dời cơ sở vật chất khu mỏ
Tháo dỡ
m2
2.295
4
9.180
Vận chuyển
Hoàn thổ
m3
3.640
1,9
6.770
Trồng lại thảm thực vật
m2
7.280
1,25
9.100
Tổng cộng
34.230
Hoàn phục khu chứa thải
Trồng lại thảm thực vật/ha
14
8.500
123.250
Moong khai thác và chân đập thải
Hoàn thổ/phủ đất mặt
ha
5.4
10.000
54.000
Trồng lại thảm thực vật
ha
5.4
8.500
45.600
Tổng cộng
99.600
Bãi thải
Trồng lại thảm thực vật/ha
1.7
8.500
Quan trắc
Tư vấn/kỹ thuật/thiết bị
LS
30.000
Chi phí khác
Chi phí dự phòng
LS
25.000
Tổng chi phí phục hồi
320.580
Như vậy tổng chi phí phục hồi sau khi đóng cửa mỏ 320.580 USD
Con số chi phí dự kiến trên bao gồm các công trình đào đắp đất và công trình dân dụng cần thiết để hoàn thành việc phục hồi. Đồng thời cũng bao gồm việc trồng lại thảm thực vật (sử dụng dân địa phương gieo hạt giống và cây con sau đó trồng chúng ở những nơi cần phục hồi), và chi phí quan trắc môi trường tiếp theo sau khi đóng cửa mỏ.
Các khu vực cần triển khai trồng lại cây xanh là khu vực nhà máy (3,4ha), đường vào mỏ và bãi thải (7,2ha) và khu chứa thải (19,4ha) kể cả trồng lại cây xanh ở khu đầm lầy của đập chính và đập chứa hóa chất.
6.5.5 KÝ QUỸ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
Theo quy định trong Thông tư Liên bộ số 126 của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, số tiền ký quỹ phục hồi môi trường được xác định theo công thức sau.
A=(Tg x Mcp)/Tb
Trong đó:
A: Số tiền ký quỹ dùng phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ
Tg: Thời hạn của giấy phép khai thác (4 năm)
Mcp: Tổng chi phí phục hồi (320.580 USD)
Tb: Thời gian khai thác mỏ theo báo cáo nghiên cứu khả thi (4 năm)
(4* 320.580)/4 = 320.580 USD
Mức ký quỹ phục hồi môi trường trong năm đầu (B) bằng 20% tổng số tiền ký quỹ = 64.000 USD. Mức ký quỹ cho những năm tiếp theo là: C=(A-B)/(Tg-1) =
(320.580- 64.000)/3 = 85.000 USD
Tóm lược chi phí và tiền ký quỹ để phục hồi môi trường
Tổng chi phí phục hồi môi trường 320.580 USD
Tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường 320.580 USD
Mức ký quỹ trong năm đầu 64.000 USD
Mức ký quỹ trong những năm tiếp theo 85.000USD
Chi phí quan trắc môi trường hàng năm : 38.000 USD
CHƯƠNG 7
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Dự án Hố Gần là một trong những dự án khai thác vàng quy mô công nghiệp đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam nói riêng và ở Viêt Nam nói chung. Dự án khởi đầu bằng việc khai thác một mỏ với công suất khoảng 100.000 tấn quặng năm và sản lượng vàng dự kiến khoảng 18.000 auxơ vàng/năm.
Mỏ Hố Gần sẽ được khai thác lộ thiên, quặng sẽ được xử lý thu hồi vàng bằng phương pháp tuyển trọng lực, tuyển nổi kết hợp với tuyển xyanua. Công nghệ và thiết bị khai thác và tuyển luyện hiện đại sẽ được sử dụng, nhà máy và khu chứa thải (TSF) sẽ được thiết kế và xây dựng tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy mới phát huy cao nhất các tác động tích cực của dự án và giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có đến môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội trong vùng.
7.1 CÁC TÁC ĐỘNG CHÍNH CÓ THỂ XẢY RA KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN
Trong quá trình phát triển và khai thác, các tác động tiêu cực chủ yếu đáng quan tâm có thể gồm:
7.1.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN TÀI NGUYÊN ĐẤT, RỪNG
Khu vực mỏ Hố Gần nằm trên dãy Trường Sơn, ở vùng rừng núi của tỉnh Quảng Nam, là nơi hàng năm thường xảy ra lũ lụt, đồng thời cũng là nơi quỹ đất nông nghiệp không phải là dồi dào. Việc phát triển mỏ có thể tác động đến tài nguyên đất, tài nguyên rừng, làm mất đất nông nghiệp và tổn hại đến rừng tại khu mỏ.
7.1.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT VÀ NƯỚC NGẦM
Trong giai đoạn xây dựng mỏ, có khả năng nước mưa chảy tràn qua các khu vực xây dựng mang theo bùn đất, dầu mỡ xuống các sông suối. Trong giai đoạn sản xuất, nước mưa chảy tràn qua khu vực nhà máy, nước rò rỉ từ bãi đá thải và nước thải quá mức từ khu chứa thải là những nguồn ô nhiễm đối với môi trường nước mặt và nước ngầm. Sau khi đóng cửa mỏ, các khu bãi đá thải và khu đập chứa quặng thải vẫn còn có khả năng tạo axit do hiện tượng rửa lũa phân hủy khoáng vật sulphua.
7.1.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ-XÃ HỘI:
Các tác động tiêu cực có thể có từ dự án bao gồm:
· Gây tổn thất về thu nhập đối với dân địa phương từ nguồn tài nguyên rừng,
· Tạo áp lực về dân số từ các dòng nhân công nhập cư có thể làm tăng áp lực về nhà cửa, các dịch vụ công cộng địa phương ở trong vùng dự án,
· Tiếng ồn, mật độ giao thông, ô nhiễm bụi và ánh sáng tăng có thể gây ra những tác động lâu dài nghiêm trọng trong thời gian mỏ hoạt đông.
7.1.4 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI:
Các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái có thể có từ dự án bao gồm:
· Ảnh hưởng của độc tố cấp tính từ thải mỏ,
· Ảnh hưởng của độc tố thường xuyên từ thải mỏ,
· Tổn thất môi trường sống và đa dạng sinh học, và
· Tác động đến sức khỏe và an toàn cộng đồng.
7.2 CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Dự án đã xem xét các biện pháp quản lý môi trường và sẽ áp dụng những biện pháp nào tốt nhất để ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động tiềm tàng nói trên.
Trong quá trình xây dựng mỏ, sẽ xây dựng các mương chắn nước và bờ bao xung quanh các khu vực bị xáo trộn để ngăn không cho nước mưa chảy tràn qua các khu vực này. Lượng nước mưa thu vào mương chắn nước sẽ được tách chất rắn để thu hồi lại đất màu. Lượng đất màu được bóc đi trong quá trình xây dựng sẽ được tập trung lại và phủ xanh để bảo quản, và sẽ sử dụng chúng vào việc hoàn thổ sau khi mỏ ngừng hoạt động.
Trong quá trình khai thác, các tuyến đường vận chuyển sẽ thường xuyên được phun nước và khu xay nghiền đá cũng sẽ được lắp đặt thiết bị hút bụi để giảm thiểu bụi. Nếu cần thiết, sẽ xây dựng các bờ chắn hay tường chắn ồn xung quanh khu nhà máy để đảm bảo rằng cường độ ồn của nhà máy lan truyền đến thôn gần nhất không vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Hy vọng rằng các thôn cách mỏ gần nhất khoảng 1,5km sẽ không bị chấn động do nổ mìn khai thác gây ra.
Mỏ Hố Gần sẽ được khai thác bằng phương pháp lộ thiên. Do các thân quặng tại đây nằm lộ thiên hoặc gần trên mặt, nên khối lượng khai đào sẽ không lớn và lượng đá thải sẽ không nhiều. Vị trí xây dựng mỏ, nhà máy, khu chứa thải và bãi đá thải sẽ được bố trí gần nhau nâng cao hiệu quả của việc chuyển quặng và khống chế diện tích bị tác động do khai thác. Tổng diện tích đất mặt sử dụng cho các công trình xây dựng kể cả diện tích mở đường, sẽ không vượt quá 42 ha. Sau khi đóng cửa mỏ, các khu vực xây dựng nhà máy, đập chứa thải, bãi thải đều được phục hồi và phủ lại thảm thực vật. Các đập chứa thải sẽ chỉ giữ lại một diện tích đầm lầy rất nhỏ để giảm lượng nước thải ra sông suối và lượng ô xi xâm nhập vào quặng thải trong quá trình lắng đọng.
Thiết bị sử dụng dầu diezel sẽ được gắn bộ lọc khí để giảm thiểu lượng khí thải. Xe cộ phục vụ mỏ cũng sẽ được gắn thiết bị lọc khí thải đúng theo quy định của nhà sản xuất. Khí thải do nổ mìn sẽ phát tán tự nhiên vào không khí.
Chất thải rắn (đá thải và quặng thải) sẽ được phân loại ra thành đá có khả năng rửa lũa tạo axít và không có khả năng rủa lũa tạo axít. Có thể đá thải có khả năng rửa lũa tạo axít sẽ được đổ thành đống ở giữa các đống đá thải không có khả năng rửa lũa tạo axít. Nền của các bãi đá thải sẽ được phủ lớp đất sét để cách lý với nước ngầm bãi thải và xung quanh bãi thải xây dựng mương nước ngăn không cho nước chảy tràn từ khu vực ngoài vào.
Các tác động đến môi trường bên ngoài khu mỏ chủ yếu liên quan đến việc quản lý nước thải của mỏ.Để ngăn chặn khả năng thải quá mức, toàn bộ nước thải, quặng thải và nước mưa chảy tràn ở khu vực nhà máy có khả năng bị ô nhiễm sẽ được xả ra khu đập chứa thải. Nước thải từ khu rửa xe và duy tu sửa chữa sẽ được lọc và tách dầu trước khi được bơm xả ra khu chứa thải.
Sau khi được xử lý phân hủy xyanua thì nồng độ xyanua WAD (<5mg/L) và hàm lượng các kim loại nặng, chất rắn lơ lửng trong nước và quặng thải sẽ ở mức chấp nhận được. Ở mức độ này, nồng độ xyanua trong nước thải sẽ không còn ảnh hưởng đến sự sống của các loài chim sinh sống trong đập.
Nước thải bị ô nhiễm trước hết sẽ được xả ra đập thải ngâm chiết, tại đây nước sẽ được hòa loãng với nước mưa và xyanua sẽ tự phân hủy dần. Sau đó, sẽ được bơm ra đập thải chính và tiếp tục được làm loãng thêm một lần nữa trước khi thải ra tự nhiên.
Để đảm bảo sự sống cho các sinh vật trong nước, theo quy định của Ngân hàng Thế giới thì nồng độ của xyanua WAD trong nước thải không được cao hơn 0,5 mg/L. Theo mô hình hóa,nồng độ xyanua WAD trong nước thải mỏ sẽ không vượt quá 0.08mg/L và sau khi hòa vào nước sông Vàng thì nồng độ của xyanua WAD sẽ nhỏ hơn 0.010mg/L.
Các chất ô nhiễm khác bao gồm các kim loại hòa tan trong nước thải sẽ kết hợp với các hợp chất sắt và đất sét trong tự nhiên và lắng xuống đáy đập.
Theo tính toán, thành phần địa hóa như hàm lượng các kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác trong nước thải chứa trong đập thải sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp và môi trường tiếp nhận của Việt Nam.
Nước thải sinh hoạt ở khu vực mỏ cũng sẽ được xử lý bằng hệ thống tự hoại được xây dựng trong lưu vực khu đập chứa thải. Các chất thải từ hệ thống này sau đó được xả ra đập chứa thải.
Để tránh những sự cố do thiên tai gây ra, khu chứa thải được thiết kế đủ sức chứa những đợt lũ lớn hàng trăm năm mới xuất hiện một lần và động đất 10.000 năm mới xảy ra một lần.
Tuân thủ các tiêu chuẩn nước thải sẽ đảm bảo cho khu vực hạ lưu của mỏ không còn bị tác động bởi độc tố cấp tính và độc tố lâu dài.
Công tác hoàn thổ các bãi đá thải do dân làm vàng trái phép để lại tại Hố Gần sẽ được thực hiện ở những khu vực có thể trong quá trình xây dựng các công trình trên mặt. Việc hoàn thổ này sẽ giảm thiểu được mức độ ô nhiễm hiện nay cũng như các vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn cho cộng đồng sống ở khu vực hạ lưu.
Sau khi mỏ đóng cửa, khu vực nhà máy sẽ được di dời, hoàn thổ và phục hồi lại hệ thực vật làm giảm tác động lâu dài đến môi trường cảnh quan .
Dự án có chính sách ưu tiên tuyển dụng dân địa phương vào làm việc cho mỏ, triển khai các chương trình hỗ trợ dân địa phương phát triển các dịch vụ phục vụ mỏ và đa dạng hóa loại hình kinh doanh để đảm bảo rằng công việc kinh doanh của họ vẫn sẽ tiếp tục sau khi mỏ ngừng hoạt động.
Tóm lại, dựa theo kinh nghiệm của các công ty khai thác khác có dự án tương tự trên thế giới và các biện pháp quản lý môi trường nêu trong chương 6, có thể xây dựng, khai thác và đóng cửa mỏ Hố Gần một cách hiệu quả và hạn chế được các tác động tiêu cực đi kèm. Dự án khai thác mỏ Hố Gần sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh doanh và lợi ích cho cộng đồng địa phương. Dự án cũng sẽ có những đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng vàng ở Việt Nam.
Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu đề nghị các cơ quan nhà nước hữu quan chấp thuận kế hoạch quản lý môi trường đề ra trong báo cáo này. Nếu trong quá trình hoạt động, có những thay đổi về công nghệ tuyển khoáng, máy móc thiết bị thân thiện với môi trường hơn, hoặc các biện pháp bảo vệ môi trường theo xu hướng tốt hơn, công ty sẽ kịp thời lập báo cáo điều chỉnh trình các cơ quan hữu quan xem xét và phê chuẩn bổ sung.
Công ty cam kết sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã được đề ra trong báo cáo này.
Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu
Tổng Giám Đốc
R H Murfitt
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1_ 1
MỞ ĐẦU__ 1
1.1. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP BÁO CÁO_ 1
1.2 NỘI DUNG BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM)1
1.2.1 CÁC GIẤY PHÉP ĐƯỢC CẤP_ 2
1.2.2 TÀI LIỆU KỸ THUẬT ĐỂ XÂY DỰNG BÁO CÁO_ 2
1.2.3. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG BÁO CÁO_ 3
1.2.4. TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN BÁO CÁO ĐTM_ 4
CHƯƠNG 2_ 6
MÔ TẢ SƠ LƯỢC VỀ DỰ ÁN__ 6
2.1.TÊN DỰ ÁN_ 6
2.2. CHỦ DỰ ÁN_ 6
2.3. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN_ 7
2.4. MỤC TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI VÀ Ý NGHĨA CHÍNH TRỊ CỦA DỰ ÁN_ 7
2.4.1 MỤC TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI7
2.4.2. LỢI ÍCH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN_ 10
2.5. NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG CỦA_ 10
DỰ ÁN HỐ GẦN_ 10
2.5.1. MẶT BẰNG XÂY DỰNG MỎ_ 11
2.5.2. CÔNG NGHỆ KHAI THÁC VÀ TUYỂN KHOÁNG_ 13
2.5.2.1. Lựa chọn phương pháp khai thác13
2.5.2.2 Khu chứa thải (TSF)13
2.5.2.3 Quản lý nước từ mỏ_ 17
2.5.2.4 Đá thải19
2.5.2.5 Phương pháp tuyển khoáng_ 19
2.6 CHI PHÍ CHO DỰ ÁN VÀ NGUỒN VỐN_ 22
2.6.1 HÌNH THỨC ĐẦU TƯ VÀ NGUỒN VỐN CỦA DỰ ÁN_ 22
2.6.2 CHI PHÍ CHO DỰ ÁN HỐ GẦN_ 22
2.6.3 TIẾN ĐỘ CỦA DỰ ÁN_ 23
CHƯƠNG 3_ 24
GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG__ 24
MÔI TRƯỜNG NỀN__ 24
3.1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN_ 24
3.1.1 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN_ 24
3.1.2 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH ĐỊA MẠO KHU DỰ ÁN_ 24
3.1.3 ĐẶC ĐIỂM THỦY VĂN_ 25
3.1.4 ĐỊA CHẤT MỎ_ 25
3.1.5 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH VÀ ĐỊA CHẤT THỦY VĂN_ 28
3.1.6 ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU, KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN_ 28
3.1.6.1 Nhiệt độ_ 29
3.1.7 LƯỢNG MƯA, ĐỘ ẨM_ 30
3.1.8 CHẾ ĐỘ GIÓ_ 32
3.2 ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ XÃ HỘI33
3.2.1 DÂN SỐ_ 33
3.2.2 KINH TẾ_ 34
3.2.3 LAO ĐỘNG_ 35
3.2.4 TÁC ĐỘNG CỦA DÂN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG_ 36
3.2.5 XÃ HỘI36
3.2.5.1 Giáo dục36
3.2.5.2 Sức khỏe37
3.2.5.3 Việc làm_ 37
3.2.6 SẮC TỘC_ 38
3.2.7 VĂN HÓA_ 39
3.2.8 LỊCH SỬ VÀ KHẢO CỔ HỌC_ 39
3.2.9 THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN BỒNG MIÊU_ 40
3.3 CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ_ 41
3.4 TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN_ 42
3.4.1 TÀI NGUYÊN ĐẤT_ 42
3.4.3. TÀI NGUYÊN NƯỚC NGẦM_ 44
3.4.4 HỆ ĐỘNG THỰC VẬT (TÀI NGUYÊN SINH THÁI)45
3.5 MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG NỀN_ 48
3.5.1 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG ĐẤT_ 48
3.5.2 NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG NƯỚC_ 51
3.5.2.1 Khu vực lấy mẫu và vị trí lấy mẫu_ 51
3.5.2.2 Phương pháp lấy mẫu_ 51
3.5.2.3 Kết quả phân tích nước mặt55
3.5.3 KẾT QUẢ NGHIÊN CƯU MÔI TRƯỜNG NƯỚC NGẦM_ 57
3.5.3.1 Khu vực lấy mẫu và vị trí lấy mẫu_ 57
3.5.3.2 Phương pháp lấu mẫu_ 57
3.5.3.3 Kết quả phân tích chất lượng nước58
3.5.3.4 Kết quả phân tích nước ngầm_ 59
3.5.4 CHẤT LƯỢNG CÁC LOÀI THỦY SINH_ 59
3.5.5 CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ60
3.5.6 TIẾNG ỒN_ 61
3.5.7 ĐỊA CHẤN_ 61
3.5.8 MÔI TRƯỜNG PHÓNG XẠ TẠI KHU VỰC KHAI THÁC_ 62
3.6 ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG NỀN HIỆN TẠI64
3.6.1 CHẤT LƯỢNG ĐẤT_ 64
3.6.2 CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT_ 69
3.6.2.1 Chất lượng nước mặt đánh giá năm 1994_ 69
3.6.2.2 Chất lượng nước mặt đánh giá năm 2004_ 69
3.6.2.3 Tóm tắt kết quả phân tích nước mặt70
3.6.3 CHẤT LƯỢNG NƯỚC NGẦM_ 72
3.6.3.1 Chất lượng nước ngầm năm 1994_ 72
3.6.3.2 Chất lượng nước ngầm năm 2004_ 73
3.6.3.3 Tóm tắt kết quả phân tích nước ngầm_ 73
3.6.4 HỆ ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT_ 74
3.7 DỰ BÁO DIỄN BIẾN CỦA MÔI TRƯỜNG TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔNG THỰC HIỆN DỰ ÁN 74
3.7.1 KHÁI QUÁT_ 74
3.7.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ_ 75
3.7.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI75
3.7.4 . TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ-XÃ HỘI75
3.7.4.1 Ảnh hưởng trực tiếp_ 75
3.7.4.2 Những ảnh hưởng gián tiếp_ 76
CHƯƠNG 4_ 77
DỰ BÁO, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN__ 77
ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG__ 77
4.1 KHÁI QUÁT_ 77
4.2 CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TIỀM TÀNG_ 77
4.3 BIÊN CHẾ LAO ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP VÀ NHÀ THẦU_ 79
4.4 KHẢ NĂNG TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ_ 79
4.4.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN KHỐI LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG NƯƠC MẶT_ 79
4.4.1.1 Khái quát79
4.4.1.2 Giai đoạn xây dựng_ 80
4.4.1.3 Giai đoạn hoạt động khai thác mỏ_ 80
4.4.1.4 Giai đoạn sau khi đóng cửa mỏ_ 82
4.4.1.5 Môi trường tiếp nhận_ 82
4.4.2 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN NƯỚC NGẦM_ 83
4.4.2.1 Tháo khô mỏ_ 83
4.4.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ83
4.4.4 TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN_ 84
4.4.4.1 Các nguồn có khả năng gây ra tiếng ồn_ 84
4.4.4.2 Các chỉ tiêu đánh giá84
4.4.4.3 Đánh giá tác động_ 85
4.4.5 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẤT_ 85
4.5 CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI86
4.5.1 BẢN CHẤT CỦA CÁC TÁC ĐỘNG_ 86
4.5.2 ĐỘC TỐ_ 86
4.5.3 MẤT MÁT NƠI CƯ TRÚ VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC_ 87
4.6 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ - XÃ HỘI88
4.6.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG_ 88
4.6.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ XÃ HỘI88
4.6.2.1 Khái quát88
4.6.2.2 Các tác động tích cực đến kinh tế xã hội89
4.6.2.3 Các tác động tiêu cực có thể có từ dự án_ 90
4.7 PHÂN TÍCH CÁC RỦI RO VÀ SỰ CỐ_ 92
CHƯƠNG 5_ 94
CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU__ 94
CÁC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CÓ THỂ CỦA DỰ ÁN__ 94
ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG__ 94
5.1 KHÁI QUÁT_ 94
5.2 CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA Ô NHIỄM VÀ SỰ CỐ_ 94
5.2.1 PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC_ 94
5.2.2 PHƯƠNG ÁN TUYỂN KHOÁNG_ 94
5.2.3 QUY HOẠCH HỢP LÝ TỔNG MẶT BẰNG CỦA DỰ ÁN_ 98
5.2.4 CHẤT LƯỢNG/SỰ ỔN ĐỊNH CỦA CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG_ 101
5.2.5 SỬ DỤNG THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN_ 108
5.2.6 BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ RỦI RO_ 108
5.3 CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ 110
5.3.1 KHÁI QUÁT_ 110
5.3.2 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG NƯỚC_ 110
5.3.2.1 Quản lý nước mưa chảy tràn_ 110
5.3.2.2 Quản lý chất thải rắn_ 111
5.3.2.3 Chất thải sinh hoạt113
5.3.2.4 Nước thải công nghiệp_ 114
5.3.2.5 Dầu thải117
5.3.2.6 Hoá chất và các chất thải khác117
5.3.2.7 Xyanua117
5.3.2.8 Nước ngầm_ 120
5.3.2.9 Các lỗ khoan_ 120
5.3.3 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ121
5.3.4 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN_ 121
5.3.5 GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẤT_ 123
5.3.6 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI124
5.3.7 GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG KINH TẾ-XÃ HỘI125
5.4 PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU KHAI THÁC_ 125
5.4.1 KHÁI QUÁT_ 125
5.4.2 CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐÓNG CỬA MỎ_ 126
5.4.3 HOÀN THỔ_ 126
5.4.4 CÁC PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CÁC BÃI ĐÁ THẢI127
5.4.5 CÁC PHƯƠNG ÁN ĐÓNG CỬA KHU ĐẬP CHỨA QUẶNG THẢI128
5.4.6 QUẢN LÝ ĐẤT MÀU VÀ HOÀN THỔ ĐẤT TRỒNG_ 129
5.5 KHỐNG CHẾ TÁC ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI SAU KHI ĐÓNG CỬA MỎ_ 130
CHƯƠNG 6_ 131
CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ, QUAN TRẮC__ 131
VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG__ 131
6.1 GIỚI THIỆU CHUNG_ 131
6.2 CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG_ 131
6.2.1 CƠ CẤU TỔ CHỨC_ 131
6.2.2 KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG MÔI TRƯỜNG_ 131
6.3 CHƯƠNG TRÌNH QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG_ 132
6.3.1 MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG_ 132
6.3.2 ĐO LƯU LƯỢNG NƯỚC_ 132
6.3.3 QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT VÀ NƯỚC NGẦM_ 132
6.3.3.1 Quan trắc nước mặt132
6.3.3.2 Quan trắc mực nước ngầm_ 133
6.3.3.3 Lấy mẫu trầm tích_ 134
6.3.3.4 Quan trắc khí tượng_ 136
6.3.3.5 Quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và độ rung_ 136
6.3.4 GIÁM SÁT CÁC BÃI ĐÁ THẢI137
6.3.5 QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG ĐẤT_ 137
6.3.6 QUAN TRẮC HỆ SINH THÁI137
6.3.7 QUẢN LÝ XYANUA_ 137
6.3.8 THỜI GIAN VÀ TẦN XUẤT QUAN TRẮC VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG_ 139
6.4 CÁC SỰ CỐ VỀ MÔI TRƯỜNG_ 139
6.5 CHI PHÍ CHO CÔNG TÁC KHẢO SÁT VÀ QUAN TRẮC_ 139
MÔI TRƯỜNG_ 139
6.5.1 DỰ TOÁN CHI PHÍ139
6.5.2 CHI PHÍ CHO BỘ PHẬN MÔI TRƯỜNG_ 140
6.5.3 DỰ TOÁN CHI PHÍ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG_ 140
6.5.4 DỰ TOÁN CHI PHÍ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU KHI ĐÓNG CỬA MỎ_ 142
6.5.5 KÝ QUỸ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG_ 142
CHƯƠNG 7_ 144
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ_ 144
7.1 CÁC TÁC ĐỘNG CHÍNH CÓ THỂ XẢY RA KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN_ 144
7.1.1 TÁC ĐỘNG ĐẾN TÀI NGUYÊN ĐẤT, RỪNG_ 144
7.1.2 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT VÀ NƯỚC NGẦM_ 144
7.1.3 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH TẾ-XÃ HỘI:144
7.1.4 TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI:145
7.2 CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG_ 145
BẢNG
Bảng 2.1 Tỉ lệ góp vốn đầu tư
Bảng 2.2 Kế hoạch xây dựng mỏ
Bảng 3.1 Nhiệt độ không khí tại Tam Kỳ và Trà My
Bảng 3.2 Lượng mưa trung bình hàng tháng tại Bồng Miêu – số liệu từ năm 1993 đến 1995
Bảng 3.3 Dân số của xã Tam Lãnh
Bảng 3.4 Độ tuổi dân số trong xã
Bảng 3.5 Hiện trạng sử dụng đất ở xã Tam Lãnh
Bảng 3.6 Các tác động do người dân địa phương đối với môi trường
Bảng 3.7 Trình độ dân trí của xã Tam Lãnh
Bảng 3.8 Hệ số vượt trội tiêu chuẩn đất của các kim loại trong đất nông nghiệp
Bảng 3.9 Hệ số vượt trội tiêu chuẩn đất của các kim loại trong đất nông nghiệp năm 2004
Bảng 3.10 Các chỉ tiêu vượt trội trong nước nước mặt, mẫu lấy vào năm 1994/1995.
Bảng 3.11 Các chỉ tiêu vượt trội của nước mặt, mẫu phân tích 2004
Bảng 3.12 Chỉ tiêu vượt trội của kim loại trong nước ngầm, loạt mẫu năm 1994.
Bảng 3.13 Các chỉ tiêu vượt trội của nước ngầm, loạt mẫu phân tích 2004
Bảng 3.14 Hàm lượng kim loại nặng trong ốc và cá
Bảng 4.1 Nguồn phát sinh tác động đến môi trường trong quá trình phát triển mỏ
Bảng 4.2 Số lượng công nhân viên theo từng giai đoạn xây dựng và khai thác
Bảng 4.3 Các tác động tiềm ẩn tới môi trường nước trong quá trình hoạt động sản xuất
Bảng 4.4 Dự kiến đất có thể bị tác động
Bảng 5.1 Các thông số phân tích sự ổn định
Bảng 5.2 Các trường hợp phân tích độ ổn định của đập với cao độ tổng thể
Bảng 5.3 Kết quả phân tích tính ổn định của đập
Bảng 5.4 Các trường hợp phân tích sự ổn định công trình đập giai đoạn 1
Bảng 5.5 Kết quả phân tích tính ổn đinh của đập giai đoạn 1
Bảng 6.1 Chi phí quan trắc môi trường
Bảng 6.2 Chương trình lấy mẫu và quan trắc sinh thái dự kiến
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top