#4.
Truyện ngắn:
SẦU RIÊNG
"Em đi bán trái sầu riêng
Sầu riêng bán hết, còn nguyên nỗi sầu!
Dòng đời xuôi ngược về đâu?
Còn em vẫn cứ nỗi sầu riêng mang.
Trái tình em hái vội vàng
Giờ đây đành phải lỡ làng phận duyên."
(Ca dao)
***
Nhà Tư Liễu giàu có nhứt cái xóm Trảng Dài, xưa nay ai mà không biết. Chồng kinh doanh tận "Xì Gòn", nghe đâu cũng giám đốc tập đoàn này, tập đoàn nọ. Coi bộ oách lắm! Vợ ở nhà thì đương chủ cả một xưởng gỗ, nào có kém cạnh gì! Thế đấy, chồng xây, vợ đắp. Người ta bảo "đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn", cấm có sai. Mấy đứa con, đứa nay du lịch nước này, đứa mai du học nước nọ, ôi thôi thì rành rẽ ngoại ngữ đủ bề. Cả xóm kháo nhau: Chắc họ Tư Liễu kiếp trước tích cả một ruộng phước!
Nhưng căn nhà đình đám ấy nào chỉ nổi như cồn vì cái sự giàu: Trong khu vườn rộng thênh thang mấy nghìn héc-ta, cây sầu riêng xum xuê quả, cứ đến mùa là cành nào cành nấy đậu trái thơm phưng phức, mới chính là tâm điểm và niềm tự hào của cả cái xóm Trảng Dài này. Ôi thôi là thích; Ôi thôi là sướng! Sầu riêng thì nơi nào mà chẳng có, nhưng sầu riêng Tư Liễu thì cam đoan chỉ một: Trái to nung núc, vỏ xanh sần sùi, lấy dao vỗ vào nghe tiếng bôm bốp là biết thịt chắc nịch! Bổ sầu riêng ra, múi nào múi nấy vàng ruộm, thơm điếc cái lỗ mũi. Mà khổ! Thèm thì thèm, chớ mua có được đâu. Nhà Tư Liễu hổng bán! À, hổng bán trong xóm, chứ bán ngoài xóm à nghen. Nghe bà Tư đi đâu cũng huênh hoang, "nhà tui có sầu riêng được bán ở Xì Phố" cơ mà!
Xời, người đời tặc lưỡi. Cũng đúng, của hiếm của lạ, của trân của quý. Ai mà bán cho cái xóm nghèo này, phí chết! Rồi người đời than thở: Sầu riêng vầy mà không có dịp được thử. Xui ơi là xui! Xui thiệt là xui!
***
Nhưng mà trong cái rủi nó có cái may. Đúng hơn là rủi của người này nhưng may của người nọ. Thì đó: Nhờ nhà Tư Liễu không bán trong xóm Trảng Dài, mà con Sầu Riêng mới có đất sống chứ đâu!
Con Sầu Riêng đi bán sầu riêng – hay ngược lại, chắc vì nó bán sầu riêng nên nó mới tên là Sầu Riêng. Đúng hay sai? Thực hay bịa chuyện? Ai mà biết! Hơi nào mà quan tâm! Cứ kêu nó bằng Sầu Riêng đi, vì không kêu bằng Sầu Riêng thì biết kêu bằng gì: Chả ai rõ tên thật của nó cả. Chỉ biết từ lúc mới chào đời, oe oe tiếng khóc, con Sầu Riêng đã bị vứt trơ trọi ở bụi trúc gần triền đê đất đỏ, mình trần bọc một lớp khăn, đếm đi đếm lại trên người đúng hai thứ chẵn: Một bình sữa và một bức thư nhòe. "Mẹ xin lỗi con!" – muôn đời vẫn thế, người đời còn có lạ! Lỗi phải gì cái loại đàn bà vô trách nhiệm ấy, họ chép miệng, tặc lưỡi; họ phán xét, chì chiết. Nhưng rồi thôi. Đã bảo, hơi nào mà quan tâm! Thân mình, mình còn lo chả xong chứ đặng...
Con Sầu Riêng chắc chưa tới số, nên nhẽ ra người đời đã mặc nó ở triền đê chết lạnh, thì may mắn thay, cuối cùng nó cũng được bà nhặt rác mang về. Vậy đó, rồi nó sống. Nó sống khỏe mạnh, sống phây phây, sống phơi phới. Bằng nghề nhặt rác phụ má nó, kiêm luôn bán sầu riêng. Thế mà được non mười bảy năm trời!
Một đứa cù bấc cù bơ như nó sống cùng một mụ đàn bà nghèo mạt dở hơi, âu cũng là cái duyên cái phận. Chả rõ má nó có hát ru cho nó nghe hay không, nhưng nếu có thì đã sao - chắc mẩm mấy lời hát ru kia cũng không in hằn vào tâm trí nó được, cũng không "nuôi nấng phần hồn" nó như mấy câu thơ ví von văn vẻ kia được. Vì con Sầu Riêng bị khùng! Đó là lời tụi nhóc trong xóm vẫn thường lải nhải, chòng ghẹo. Con khùng, con khùng. Ờ, cũng hợp quá đó chứ, nhất là khi người ta nghe nó thường xuyên. Một con mèo nếu cứ khăng khăng bị gọi là con chó, hẳn cũng có lúc con mèo đó tưởng mình là chó thật: thế nên con Sầu Riêng tự nhận mình khùng cũng chẳng có gì! Cái có gì là con Sầu Riêng khùng, nhưng nó khùng kiểu khác: nó không ngoác miệng cười ha hả hay bi ba bi bô nói mấy câu ngờ nghệch, cho người đời có dịp cười vào mặt. Nó khùng, nhưng mắt nó buồn thơ thẩn; nó khùng, nhưng nó hay im lặng, rồi nhìn đẩu nhìn đâu một mình. Cứ y một nhà thơ!
Người đời lại kháo nhau: Ông này, bà này, biết hông... Con Sầu Riêng bán trái sầu riêng, nhưng hoài hoài, mà sầu riêng mình thì lại không bán.
***
Dạo này, con Sầu Riêng nom khang khác. Cả mấy đứa trẻ trong xóm hay chọc nó cũng nhận ra điều đó. Sầu Riêng cười nhiều hơn, mắt lúng liếng hơn, ăn diện hơn. Nó không để đầu tóc bờm xờm như hồi nảo hồi nao nữa. Nó chải thẳng thớm, kiếm dây thun buộc gọn gàng rồi đem xõa ngang vai, xinh phát ớn! Con Sầu Riêng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nhưng nó là một cô gái ưa nhìn, ai cũng thầm công nhận. Nay nó lại còn để ý mình mẩy tóc tai, ôi thôi là ôi thôi! Bao nhiêu anh đi qua phải nhìn, đi lại phải ngó, thiếu điều muốn lọt mương ngót nghét hơn chục người. Lần đầu tiên trong mười bảy năm cuộc đời, nó thấy mình có giá quá đi chứ.
Người đời lại được dịp bàn ra bàn vào: Lạ thiệt là lạ! Lạ sao là lạ!
À, nếu người đời chịu khó tinh mắt một chút, thì sẽ nhận ra không có cái gì lạ cả. Chả là, xóm Trảng Dài mới nghênh đón một nam thanh từ Thành Phố về. Tên Khanh. Thư sinh hẳn hoi nghen, thầy giáo hẳn hoi nghen! Nét nào ra nét nấy, lại hay chữ, vô cùng lịch thiệp. Thế mới chết con Sầu Riêng! Mấy nay, bán buôn chẳng được gì; mới dăm đồng nó đã lật đật thu ghém quầy hàng, xấp xãi ngang qua trường học để ngắm hình ngắm bóng. Rồi xuýt rồi xoa, rồi mỉm rồi cười, bụng dạ nghĩ lung lắm. Chưa bao giờ, Sầu Riêng thấy lòng mình kêu rổn rảng đến vậy. Tựa như có thể đong từng giọt khấp khởi vô đầy cái gàu thả ngoài giếng kia cơ! Nó nhìn tới nhìn lui, nhìn xuôi nhìn ngược, thấy áo quần sao mà xộc xệch! Thấy mặt mũi sao mà nhuốc nhem! Quái, nào giờ nó chả chăm chút cho bản thân đến thế ư? Không được, không được, nó phải sửa soạn lại cái đã.
Mắt mũi kèm nhèm để đâu không rõ, mà con Sầu Riêng đâm sầm vào người trước mặt. Nó líu ríu xin lỗi, chẳng nhận ra tay nó đang nắm chặt bàn tay người trong mộng của mình...
***
Vậy đó. Mà đời Sầu Riêng sang một ngã rẽ. Người đời lại có dịp khen nó may thiệt may. Lúc mới sinh suýt chết cóng thì được nhặt. Bây giờ hâm hâm dở dở, mỗi cái đẹp thôi lại vớt ngay một anh bảnh bao trên Sài Thành, sự nghiệp ổn định. Đúng là duyên trời, so với nhà Tư Liễu thì kiếp trước, Sầu Riêng chắc cũng tích được cỡ nửa cái ruộng phước lận à. Hên ơi là hên! Hên quá xá hên!
Nói có sách, mách có chứng: Ngày nào mà xóm Trảng Dài không chứng kiến cảnh tượng "Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" của hai đứa nó. Anh Khanh nom vậy mà ga-lăng hết ý nhé; có đến cây xoài, cây ổi cũng không để bạn gái mình trèo, trong khi nào giờ ai mà chả biết con Sầu Riêng leo nhanh thoăn thoắt nhứt xóm! Mình anh gồng gánh tất việc ngược việc xuôi, lại còn tự nguyện; Con Sầu Riêng có khác gì bà hoàng bà chúa đâu! Ôi thôi thì xuýt xoa, bàn tán, trêu chọc, bóng gió. Ôi thôi thì ngưỡng mộ, ganh ghét, đố kị, tủi hờn. Đủ cả! Người đời bảo: Sầu Riêng giờ hết ôm nỗi sầu riêng rồi – một bước lên hương!
Mà con Sầu Riêng cũng thấy phước đức ba đời nhà tổ tông của nó lớn thật. Khéo đào đâu ra được một gã người yêu, vừa đẹp trai vừa chung thủy, hơn nữa lại còn là Khanh ngỏ lời trước, tuy nó đã kết anh từ lâu. Sướng ơi là sướng! Nó thầm nhủ, trong khi miệng vẫn xởi lởi rao bán sầu riêng. Ấy, tuy nó tin nó đã bớt khùng hơn xưa một chút, bằng chứng là anh vẫn thường ôm nó mà ghẹo "khùng đâu mà khùng, dễ thương muốn chết!", nó vẫn còn phải sống, vẫn còn má già: nó đâu thể bỏ cái chợ này, cái sạp này, cũng đâu thể bỏ mấy trái sầu riêng theo nó từ đời cố hỉ được!
"Ai mua sầu riêng, có ai mua sầu riêng
Xin dừng chân ghé quán em
Em đây chỉ bán sầu riêng
Em đây không bán tình duyên..."
- Nè Sầu Riêng! Bán cho tao một trái, lựa trái nào hạt lép ngon cơm đó nghen mậy! Dạo này, thấy miệng mày cười ngoác ra đến tận mang tai rồi đó phỏng? Biết bây hổng bán tình duyên rồi! Hát chi mà hát hoài vậy.
Nó vừa nhanh nhảu lựa hàng cho thím Năm Lèo, vừa đon đả:
- Dạ, phải hát chớ, thím! Hát để nhà nhà biết con có người thương rồi nè, mới hông tán hươu tán vượn nữa. Mắc công ảnh ghen, hehe.
- Hết nói hà. – Bà Năm Lèo lắc đầu nguầy nguậy – Bọn trẻ chúng mày thiệt tình. Còn mày nữa! Nhìn khùng khùng, mà "lù khù vác cái lu chạy", nom hay chưa?
Bà cười cười, móc tiền ra trả rồi quày quả bước đi. Bà còn bao nhiêu thứ phải mua, bao nhiêu thứ phải làm nữa. Bà chỉ chọc là chọc vậy. Giống như người đời, chọc là chọc vậy. Chứ ai hơi đâu mà quan tâm, ai hơi đâu mà để ý, ai hơi đâu mà... Đã bảo rồi!
***
Hôm nay, xóm Trảng Dài quả là nhộn hết biết! Nghe bảo có cô nào đó mới từ Xì Phố về, ăn bận nom sành điệu lắm. Đi xe hơi đen xịn, láng coóng.Tay đeo mấy chiếc lắc còn vai khoác túi da cá sấu chính hiệu, dòm thích mê tơi! Người xóm Trảng Dài lại được dịp ngồi lê đôi mách với nhau, "Nhìn cô này, chắc giàu gấp mấy lần ông bà Tư Liễu". Ái chà chà. Mà chuyện quan trọng: cổ tên gì? Để mai mốt nhắc lại ngày đó, tháng đó, Trảng Dài có một người giàu nứt đố đổ vách ghé đến, cho con, cho cháu nghe. Làm sao biết được tên gì! Có quen đâu mà hỏi! Thôi, người đời gật gù, gọi bằng cô Sang vậy.
Cái cô Sang đó, không biết vì sao mà đứng lâu thiệt lâu trước cửa nhà con Sầu Riêng. Đứng hoài. Kẻ đi qua người đi lại nhìn, cổ mặc! Cô Sang muốn kiếm nó chăng? Có lẽ. Bởi thế nên hàng xóm chung quanh mới hồ hởi xáp lại chuyện trò:
- Cô đợi con Sầu Riêng hả? Nó ngoài chợ á! Giờ vẫn đang bán, chưa về nhà đâu.
- Mà cô ở trển mới về phải hông? Nhìn sành điệu bá cháy hén! Cái túi da này cô mua nhiêu tiền vậy?
Cô Sang chỉ cười cười, không nói. Cô cười hiền ghê! Người giàu có khác, làm gì cũng quý phái hơn hết thảy, bà con thầm rủ rỉ rù rì. Đến quá trưa, con Sầu Riêng mới tất tả dọn hàng, vừa đến đầu ngõ là biết có chuyện chẳng hay, khi không tự dưng hàng xóm bu quanh nhà mình chật cứng. Nó hối hả vọt lại, xem chừng lo lắng lắm. Nhưng nó lo rõ thừa! Cái người phụ nữ muốn tìm gặp nó này nhìn phúc hậu ghê, chả có tí gì đáng sợ cả. Tim Sầu Riêng thôi đánh lô tô; đầu nó cũng thôi nghĩ vơ nghĩ vẩn. Nó mỉm cười hỏi:
- Chị tìm tui có chi?
Đến lúc này cô Sang mới mở lời.
- Tôi đến kiếm anh nhà. Chồng tôi ấy. Tôi nghe làng đồn ông xã đang ở đây. Cho tui gặp nhà tôi có chút chuyện gấp.
Con Sầu Riêng dòm mặt lơ ngơ phát tội! Chắc nó chưa hiểu cái nơi nó sống bấy nhiêu năm nay, ngoài nó và má nó ra, còn chứa chấp "anh nhà" nào.
- Ơ, chồng chị là ai? Tui hổng có biết. Tui sống có mình ên với má nào giờ hà!
- Chồng tôi đấy chị! – Cô Sang điềm tĩnh giải thích. – Chồng tôi tên Nguyễn Minh Khanh ấy mà. Anh ấy có về đây để dạy học cho lớp tình nguyện...
Nhưng cô Sang chưa kịp dứt câu, người ta đã thấy con Sầu Riêng vừa nãy còn đứng khỏe xông xổng, nay lăn đùng ra đất, nằm im lỉm im lìm. Làng hoảng quá, người nào người nấy xúm xít nhau kêu ầm cả lên, cuối cùng tóm được một chàng khỏe mạnh, trai tráng cõng con Sầu Riêng tới viện xá. Chỉ có điều, ai cũng cam đoan, nó ngất xừ rồi, tui dám cá, vậy mà không hiểu sao đến nơi thì một bên vai áo của chàng thanh niên lại ướt đẫm như vùi chôn nước mắt từ mười đời. Lạ ghê!
***
Đó, được một bữa xóm Trảng Dài nhộn nhịp, náo nức vậy. Rồi thôi. Trảng Dài lại trở về ủ trong nét câm lặng.
Cô Sang đi. Anh Khanh cũng đi. Rủ nhau đi hết, ngộ! Mà càng ngộ hơn là từ dạo ấy, con Sầu Riêng như có ai nhập. Nó cười, nó hát. Suốt ngày. Hồi ấy, trông nó buồn bao nhiêu, ngơ ngẩn bao nhiêu, thì bây giờ nó khúc khích cười bấy nhiêu! Nhưng khó có thể nói là nụ cười vui thực sự. Cái điệu cười của con Sầu Riêng, nó nghe "sầu riêng" lắm. Như có một nỗi sầu riêng nào trong lòng nó, đeo bám hoài hoài. Người ta đã tưởng nó bán được phứt đi cái nỗi sầu ấy ngày gã Khanh về. Nhưng rồi hình như, khách đem trả lại. Khách trả sầu cho nó, để nó ôm riêng mình mình. Chẳng biết ôm đi đâu, ôm đến bao lâu, ôm để làm gì, và rằng lòng nó liệu có muốn. Chỉ biết chiều tha thẩn dọc triền đê, người ta lại nghe giọng hát lanh lảnh đậu xuống bờ sông vắng, giọng vui mà sao ôi da diết, não nề:
"Ai mua sầu riêng, có ai mua sầu riêng
Xin dừng chân ghé quán em
Em đây chỉ bán sầu riêng
Em đây không bán tình duyên..."
Mà hát vậy thì thiệt là trái khoáy. Đã lâu lắm rồi, con Sầu Riêng còn đi bán sầu riêng nữa đâu. Nó bỏ luôn. Bỏ hẳn. Người đời hỏi thì nó lấp lửng đáp, "sầu riêng, tình chung, ai mua mà bán?". Ờ, hẳn rồi, ai mua mà bán! Rồi nó cười. Nó hát. Nó nhởn nhơ. Làm riết chẳng ai thèm hỏi nữa.
Con Sầu Riêng bây giờ nom càng giống khùng hơn, nhưng không một đứa trẻ trong xóm nào còn buồn ghẹo nó. Chắc chúng sợ, nó giận lên rồi túm cổ ném xuống sông thì khốn! Con Sầu Riêng khỏe mà, dám lắm chứ. Nhất là khi nó chẳng còn có vẻ thiết tha thứ gì nữa trên đời. Đến tận cùng, dẫu là hy vọng hay tuyệt vọng, người ta đều hóa điên theo một nghĩa nào đó, hay một cách nào đó, phải vậy chăng?
"Hỡi cô em bán sầu riêng
Cớ sao không bán tình duyên
Để mai đây cánh xuân tàn
Em có còn đi bán sầu riêng
Em còn đi bán sầu riêng?..."
***
Rồi cũng đến ngày con Sầu Riêng bỏ đi. Nó đi, đem theo một cái bụng lưng lửng. Người ta kháo nhau: Con Sầu Riêng có mang rồi! Mà có mang với ai thì chẳng biết! Chắc là chửa hoang. Có lẽ vì vậy mà nó đi biệt xứ. Cũng có lẽ nó bỏ quê vì trót dại lầm lỡ với cái thằng Sở Khanh ấy: Cái thằng đã có vợ có con, mà còn hại đời gái nhà nghèo! Tội nghiệp ghê là tội nghiệp, ấy cha! Thế là tàn một kiếp hoa chóng nở chóng lụi!
Mà dầu sao, cũng không phải chuyện của mình...
Con Sầu Riêng bỏ đi ngay sinh nhật lần thứ mười tám. Mười tám đánh dấu cột mốc; Mười tám đánh dấu trưởng thành một đời người. Nhưng nếu có quay lại, hẳn con Sầu Riêng chẳng muốn lớn. Nó sẽ muốn bé, bé hoài hoài. Bởi vì lớn lên, người ta không phải chỉ có niềm vui. Bởi vì có chắc là ai ai, cũng sẽ bước vào tuổi mười tám rực xuân xanh và đặt chân lên một đại lộ, chứ không phải loay hoay rằng thứ mình chạm trán, hóa ra là ngõ cụt cuối con đường...
Mà con Sầu Riêng bỏ đi rồi. Có nói triết lý nhiều cũng vậy! Ai hơi đâu mà quan tâm. Phận mình, mình còn lo chưa xong!
Chỉ là thi thoảng, chiều đậu triền đê, người dân xóm Trảng Dài lại chợt nghe vu vơ câu hát:
"Ai mua sầu riêng, có ai mua sầu riêng
Xin dừng chân ghé quán em
Em đây chỉ bán sầu riêng
Em đây không bán tình duyên..."
Hết.
Đôi dòng tâm sự:
Có người hỏi tôi: Vì sao cứ hoài viết những câu chuyện buồn? Hỏi thế thì biết trả lời ra làm sao? Tôi đành cười. Thật ra, tôi nghĩ thế này: Đời thì buồn nhiều mà vui ít, buồn lâu mà vui mau. Bắt tôi viết về một thứ gì ngọt ngào quá, hạnh phúc quá, thì tự nhiên tôi thấy không thực. Nhưng bạn có công nhận không, rằng lắm khi nỗi đau cũng là một ân huệ đấy chứ? Ân huệ được học cách trưởng thành, và trưởng thành sau những va vấp. Tôi luôn tin, cái gì càng đau thì càng nhớ! Nhớ hoài!
Đây là bài nộp thứ 2 của tôi cho The Tranquilles. Lần này không được duyệt, có lẽ là do duyên mảnh thật! Nhưng chí ít tôi cũng gật gù, vì rốt cuộc cũng hoàn thành ý tưởng bản thân ấp ủ từ lâu: viết cho một mảnh đời như Sầu Riêng! Đơn giản vì tôi tin những người điên cũng có phút tỉnh. Và có lẽ họ còn tỉnh hơn chúng ta, đôi lần.
Mà ngẫm lại thì cũng xót xa lắm chứ: "Em thương phận con gái, như hoa mười giờ nở, chỉ đẹp giây phút ban đầu..."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top