MN tu 54-60,S.W 61-65
Miền Nam đấu tranh chống chế độ Mĩ - Diệm, giữ gìn và xây dựng lực lượng tiến tới “Đồng khởi” (1954 - 1960)
Chế độ Mĩ - Diệm ở miền Nam Việt Nam
- Đế quốc Mĩ dưới thời Aixenhao ra sức thực hiện việc “lấp chỗ trống”, sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, Mĩ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mĩ, tiêu diệt phong trào cách mạng nước ta, chặn đứng phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á. Lập một phòng tuyến ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á.
Để thực hiện những mục tiêu trên, đế quốc Mĩ đã thực hiện nhiều chính sách thâm độc của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
+ Về chính trị: đưa ra khẩu hiệu “Đả thực, bài phong, chống cộng”, Mĩ từng bước hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiến hành tổng tuyển cử riêng rẽ để lập ra trái phép chính quyền tay sai, thông qua đó dùng viện trợ kinh tế, quân sự và hệ thống cố vấn Mĩ để thống trị nhân dân miền Nam.
+ Về quân sự: đưa các phái đoàn cố vấn quân sự, nhân viên quân sự vào miền Nam, trực tiếp trang bị, huấn luyện, xây dựng quân đội ngụy thành quân đội đánh thuê cho Mĩ.
+ Về kinh tế: đưa hàng hóa ế thừa vào miền Nam, biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ, làm cho kinh tế miền Nam bị lũng đoạn và phụ thuộc vào kinh tế tư bản Mĩ.
+ Về văn hóa -giáo dục: du nhập lối sống tha hóa, đồi trụy kiểu Mĩ để đầu độc nhân dân miền Nam, trước hết là tầng lớp thanh niên. Khuyến khích các băng đảng, nạn mãi dâm, cao bồi nhằm phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc ta.
- Về phía Ngô Đình Diệm: vừa lên nắm quyền Diệm đã tập hợp chân tay dựng nên một chính quyền độc tài, phát xít, gia đình trị và thân đế quốc Mĩ, đối lập với nhân dân, chống lại cách mạng, thiết lập quyền kiểm soát trên toàn miền Nam.
+ Giữa năm 1954, lập ra “Đảng cần lao nhân vị”, là đảng cầm quyền do em trai là Ngô Đình Nhu đứng đầu. Cuối năm 1954, Diệm tổ chức “Phong trào cách mạng quốc gia” do Trần Chánh Thành tổ chức, bọn này nêu chương trình “Đả thực, bài phong, chống cộng”, thực chất là để thâu tóm quyền hành về tay, gạt bỏ những người chống đối.
+ Bước sang năm 1955, Diệm mở chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” và nâng chiến dịch này lên thành “quốc sách”. Chúng tổ chức hàng loạt cuộc vây bắt, tàn sát, bỏ tù những người kháng chiến cũ, những người đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, những người tình nghi và cả những người không ăn cánh với chúng. Với phương châm “Tiêu diệt cộng sản không thương tiếc”, “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Mĩ - Diệm dùng những hình thức giết người hết sức dã man.
+ Mĩ - Diệm còn cho thực hiện chương trình “Cải cách điền địa”, nhằm lấy lại ruộng đất cách mạng đã chia cho nông dân, lập ra các “Khu dinh điền”, “Khu trù mật” vừa là tổ chức mang tính kinh tế, vừa là tổ chức chính trị - quân sự để kìm kẹp khống chế nông dân.
+ Bản chất của chính quyền Mĩ - Diệm còn bộc lộ rõ trong một loạt hành động chống nhân dân. Tiêu biểu có vụ thảm sát dã man đối với những người yêu nước, với các chiến sĩ cách mạng ở Chợ Được, Vĩnh Trinh (Quảng Nam), ở Hướng Điền (Quảng Trị) và tàn ác nhất là vụ đầu độc 6.000 người ở nhà giam Phú Lợi (Sài Gòn), giết chết 1.000 người ngày 1-12-1958.
Đấu tranh chống chế độ Mĩ - Diệm, giữ gìn và xây dựng lực lượng (1954-1959)
- Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (7-1954), Đảng chủ trương chuyển từ hình thức đấu tranh vũ trang (trong chống Pháp), sang đấu tranh hòa bình chống Mĩ - Diệm, đòi chúng thi hành Hiệp định, bảo vệ hòa bình, giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng.
+ Tháng 8-1954, “Phong trào hòa bình” của trí thức và các tầng lớp nhân dân miền Nam diễn ra tại Sài Gòn - Chợ Lớn (do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo) đã mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ta. Phong trào ra đời với bản hiệu triệu hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ, ủng hộ hiệp thương tổng tuyển cử. Ở khắp nơi, những “Ủy ban bảo vệ hòa bình” được thành lập và hoạt động công khai.
+ Giữa năm 1955, phong trào đấu tranh lan rộng ra toàn miền Nam, nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi chợ, rải truyền đơn, đưa kiến nghị đòi Mĩ - Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ.
+ Gay go, quyết liệt và đẫm máu nhất là phong trào đấu tranh chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, các gia đình kháng chiến cũ, những gia đình có người đi tập kết là đối tượng chủ yếu của “tố cộng”, chúng phân loại các gia đình thành 3 loại A, B, C để kìm kẹp, khống chế. Các lớp “tố cộng” được tổ chức ở khắp mọi nơi. Khi chúng đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật (5-1957) không khí khủng bố, chết chóc bao trùm từ nông thôn đến thành thị. Bọn phản động hoành hành ở khắp nơi, dồn ép quần chúng đến nghẹt thở. Trên toàn miền Nam 9/10 số đảng viên bị bắt bớ, giam cầm và giết hại, nhiều huyện, nhiều xã đã trắng không còn đảng viên.
- Bản “Đề cương về đường lối cách mạng miền Nam” (tháng 8-1956, do Lê Duẩn viết), đã nêu rõ đấu tranh chính trị là chủ yếu, nhưng trong hoàn cảnh nhất định phải sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ... trong những năm 1958-1959 đã mở rộng và hình thức đấu tranh đã thay đổi nhằm phù hợp với tình hình mới do Mĩ - Diệm gây ra. Đấu tranh giữ gìn lực lượng kết hợp với xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Hình thức đấu tranh từ đấu tranh chính trị hòa bình chuyển sang đấu tranh vũ trang tự vệ. Tại Nam Bộ ta đã xây dựng được 37 đại đội vũ trang (đơn vị 250 là lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên ở Đông Nam Bộ).
+ Tháng 4-1958, khởi nghĩa Bắc Ái (một huyện phía bắc tỉnh Ninh Thuận) đã diễn ra, tại đây nhân dân nổi dậy phá khu tập trung, chống dồn dân, bảo vệ nương rẫy.
Phong trào “Đồng khởi” (1959-1960)
- Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (1-1959) trên cơ sở nhận định tình hình miền Nam dưới ách thống trị của Mĩ - Diệm đã ra Nghị quyết 15 chỉ rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân.
+ Ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày, với những vũ khí thô sơ đã đồng loạt nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải tán chính quyền địch.
+ Từ Bến Tre, phong trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Tính đến cuối năm 1960, tại các tỉnh Nam Bộ, ta đã làm chủ hơn 600 xã trong tổng số 1.298 xã, ở các tỉnh đồng bằng Trung Bộ có 904/3829 thôn được giải phóng, ở Tây Nguyên có 3.200/3.721 thôn không còn chính quyền địch.
- Cuộc “Đồng khởi” đã giáng một đòn nặng nề vào chiến lược Aixenhao và chính sách thực dân mới của đế quốc Mĩ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc rễ chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. “Đồng khởi” thắng lợi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục mạnh mẽ, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh một phía” của đế quốc Mĩ. Từ trong phong trào “Đồng khởi”, ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.
2.1.5. Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961-1965)
Đế quốc Mĩ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam
- Để cứu vãn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tập đoàn thống trị Giônxơn -Kennơđi chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam nước ta.
- Âm mưu cơ bản của Mĩ trong “Chiến tranh đặc biệt” là dùng quân ngụy, do cố vấn Mĩ chỉ huy, dựa vào trang bị, vũ khí của Mĩ để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, với mục tiêu “bình định” miền Nam, tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, tấn công ra Bắc, là “dùng người Việt đánh người Việt”.
- Để thực hiện âm mưu đó, tháng 5-1961 Mĩ cử phó tổng thống Giônxơn sang miền Nam rồi xây dựng nên kế hoạch Xtalây – Taylo: tăng cường quân ngụy về mọi mặt, lấy quân ngụy làm công cụ chủ yếu để tiến hành chiến tranh. Đưa thêm nhiều cố vấn quân sự, nhân viên quân sự cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị chiến tranh hiện đại vào miền Nam.
+ Ngày 8-2-1962, lập ra bộ chỉ huy quân sự Mĩ do tướng Háckin chỉ huy. Số lượng quân ngụy tăng nhanh, năm 1965 là 36,2 vạn quân chính quy và 17,4 vạn bảo an dân vệ.
+ Cùng với những biện pháp trên, Mĩ - Diệm ráo riết tiến hành bình định, lập “ấp chiến lược”, coi đó là “quốc sách”. Chúng dự định xây dựng hệ thống ấp chiến lược bao gồm 16.000 ấp để thực hiện “tát nước bắt cá”, đã tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân càn quét bằng các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Ném bom phát quang các vùng căn cứ cách mạng, các đường hành lang dọc Trường Sơn và khu giới tuyến quân sự tạm thời.
Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ
- Sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi”, nhân dân miền Nam tiếp tục mở rộng khởi nghĩa, phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng từng bước đập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ. Phương châm đấu tranh là dùng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, tấn công địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận.
+ Tháng 1-1961, Trung ương cục miền Nam được thành lập. Ngày 15-2-1961, tại chiến khu D, các lực lượng vũ trang miền Nam thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam. Trong năm 1961 cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam đã diễn ra trên cả ba vùng chiến lược, kết hợp quân sự với chính trị, đẩy mạnh công tác binh vận... vùng giải phóng được giữ vững và củng cố.
+ Sang năm 1962, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị tiếp tục thu được những thắng lợi mới, cuối năm 1962 có 6,5 triệu dân miền Nam được giải phóng. Ở các thành phố lớn, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, trong đó tầng lớp trí thức miền Nam bao gồm học sinh, sinh viên, nhà giáo đóng một vai trò quan trọng.
+ Ngày 2-1-1963, nhân dân miền Nam giành được một thắng lợi quan trọng ở Ấp Bắc thuộc tỉnh Mĩ Tho. Tại đây, với quân số ít hơn địch 10 lần, Quân giải phóng đã đập tan cuộc càn quét của 2.000 quân ngụy với trang bị đầy đủ, diệt 450 tên, bắn rơi 16 máy bay, bắn cháy 3 xe bọc thép M.113. Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự trưởng thành của Quân giải phóng.
+ Phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 8-5-1963, 2 vạn quần chúng nhân dân Huế trong đó có 1/2 là tăng ni và tín đồ Phật tử đã đấu tranh phản đối chính quyền Diệm cấm treo cờ Phật trong các chùa. Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Mĩ - Diệm. Xúc động trước hành động đó, ngày 16-6-1963, 70 vạn đồng bào và tín đồ Phật đấu tranh. Cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân đã làm rung chuyển cả Sài Gòn.
+ Ngày 1-11-1963, Mĩ ủng hộ nhóm tướng lĩnh ngụy do Dương Văn Minh cầm đầu lật đổ anh em Diệm Nhu, nội bộ ngụy quân, ngụy quyền lâm vào khủng khoảng trầm trọng.
- Nhằm cứu vãn tình thế, đầu năm 1964 tổng thống Mĩ Giônxơn thay cho Kenơđi bị ám sát 22-11-1963 thông qua kế hoạch Giônxơn - Mác Namara nhằm bình định miền Nam trong vòng 2 năm. Kiên quyết giữ vững thế tiến công địch cả về quân sự và chính trị, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trong 2 năm 1964-1965, ta đã liên tiếp giành những thắng lợi lớn có ý nghĩa quyết định. Cuối năm 1964, địch chỉ kiểm soát được 3.300 ấp, đến tháng 6-1965, chỉ còn 2.200 ấp, như vậy “quốc sách ấp chiến lược” đã bị ta phá tan, vùng giải phóng được mở rộng với 4/5 diện tích và 10 triệu dân.
- Lợi dụng nội bộ ngụy quyền mâu thuẫn, lục đục, Quân giải phóng chủ động mở nhiều chiến dịch với quy mô lớn, tiêu biểu là chiến dịch đông - xuân 1964-1965 với trận đánh mở màn vào ấp Bình Giã-Bà Rịa. Qua trận Bình Giã “quân ngụy Sài Gòn tỏ ra không đủ sức đương đầu với việt cộng”. Thừa thắng, sau Bình Giã quân và dân ta ở miền Nam đẩy mạnh tấn công và thắng lớn trên khắp các chiến trường. Tại Ba Gia-Quảng Ngãi tháng 6-1965, ta đã tiêu diệt từng đơn vị lớn của địch, làm cho quân ngụy tan rã từng mảng lớn và đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Như vậy, mặc dù “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ được đẩy lên mức độ cao nhất vào đầu năm 1965, nhưng vẫn bị nhân dân miền Nam đánh bại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top