Chương III


Sáng phải dậy sớm kính thầy, Mễ Ni tuy buồn ngủ cũng không than.

Đợi thầy đi một đoạn xa, Mễ Ni liền cầm chổi quét sân.

-" Ủa Nghiên đi đâu vậy?"

-" Ta đi chợ."

Mỹ Nghiên cầm cái giỏ dừng trước cổng.

-" Cho ta đi với! Đó giờ ta chưa đi chợ ban sáng bao giờ."

-" Mễ Ni quét sân đi, ta đi mua đồ về nấu, chứ không phải đi chơi mà dẫn theo chị."

Rồi, Mễ Ni buồn luôn.

-" Ta có phá gì đâu mà nỡ nói ta vậy..."

Mỹ Nghiên lắc đầu cười nhẹ, cũng quen với cái biểu cảm đó của nàng ta.

Quét sân xong, Mễ Ni đi lòng vòng trong nhà rồi ngồi ở hiên chờ người ta về.

Vừa thấy bóng Mỹ Nghiên xa xa, Mễ Ni hí hửng chạy vọt ra.

-" Ôi trời, chị có cần phải chạy ra không?"

-" Có chứ! Mỹ Nghiên để ta cầm giỏ cho. Nay em mua gì để nấu thế?"

Mễ Ni cầm giỏ ngó nghiêng như đứa trẻ tìm quà mẹ mua vậy, làm Mỹ Nghiên mới sáng đã cười mấy bận.

-" Nấu canh chua cá bóp, Mễ Ni ăn được không?"

-" Được chứ. Chỉ cần đồ Nghiên nấu, cái gì ta cũng ăn được!"

-" Thế ăn canh khổ qua nhồi thịt nhé?"

Mễ Ni buồn chập 2.

-" Em dọa ta hoài...Ý! Em mua hồ lô cho ta hả?" Cầm cây hồ lô được bọc cẩn thận mà cười như đứa trẻ.

-" Không mua chắc chị sẽ lảm nhảm bên tai ta cả ngày mất." Lấy giỏ đồ đi ra sau bếp.

-" Nè, ta không xấu tính vậy đâu, Mỹ Nghiên đừng nghĩ xấu cho ta chứ...?"

-" Ừa, đâu có nghĩ xấu. Đó là sự thật."

Mễ Ni buồn chập 3.

-" Bình thường thầy không có nhà thì em làm gì vậy Nghiên?"

-" Thì vẫn nấu ăn, quét sân, quét nhà, làm vườn."

-" Thế làm hoài có chán không?"

-" Không, làm nhiều sẽ quen. Bình thường Mễ Ni hay làm gì?"

-" Ta đi xem ruộng, lúa; xem sổ sách, không thì đi chơi, đi học, đi gặp em này."

-" Nếu không có vế đầu, hẳn còn tưởng chị là đứa nhóc chưa lớn ấy chứ."

Mễ Ni bĩu mỗi, chán chả buồn nói.

Cả ngày hôm đó Mỹ Nghiên làm gì cũng có cái đuôi bám theo sau. Nấu ăn cũng bị lảm nhảm bên tai, có mỗi lúc nàng tắm thì nàng ta đứng ở ngoài hiên thôi.

-" Nghiên, hay em chỉ ta chơi đàn đi?"

-" Sao nay lại muốn ta chỉ?" Có chút bất ngờ.

-" Ta muốn làm gì đó cho đỡ chán, chẳng hạn như học đàn..."

Mỹ Nghiên ngồi dạy tỉ mỉ cho Mễ Ni. Cơ mà học được một lúc, Mễ Ni mặt nhăn mày nhẹ vì quá khó.

-" Sao? Khó qua chứ gì?"

-" Đương nhiên là khó, nhưng mới ngày đầu, ta chưa bỏ cuộc dễ vậy đâu...!" Thấy nàng ấy có ý chê cười mình, Mễ Ni tức anh ách...

-" Ta thấy chị ngoài làm thơ ca, vẽ tranh thì phương diện khác có hơi tệ đó a..."

Ngày hôm nay Mễ Ni bị Mỹ Nghiên chọc cả ngày rồi, thật không công bằng!

...

Dạo gần đây Mỹ Nghiên cứ có cảm giác kỳ lạ với Mễ Ni. Nàng khó hiểu lắm, không thể hiểu rõ cảm giác ấy là gì.

Đến khi cha nàng hỏi có người thương chưa, Mỹ Nghiên ngớ người nhận ra, nàng thương Mễ Ni mất rồi.

Mỹ Nghiên không đáp lời cha, nàng chỉ cúi đầu bần thần. Rồi thầy Tào nhẹ nhàng xoa đầu con gái.

-" Con là con gái ta, ta hiểu nỗi lòng con. Mỹ Nghiên, ta không chê trách. Dẫu con có khác người, hay sao đi chăng nữa, con vẫn là con ta. Đừng làm đau chính bản thân mình nha con."

Mỹ Nghiên ngẩng đầu nhìn cha. Khuôn mặt ông hiền từ, giọng nói trầm ấm, nhưng sâu trong đôi mắt ông, Mỹ Nghiên vẫn thấy có sự chua xót.

-" Cha..."

-" Ta vẫn mong con có tấm chồng để an tâm, nhưng nếu là nữ nhân, xem như có thêm đứa con gái. Không sao..."

Thầy Tào ôm lấy tấm thân nhỏ bé ông chăm lo cả đời. Ông muốn Mỹ Nghiên có chồng, có con. Khổ nỗi người mà con gái ông thương lại là một nữ nhân, cũng là kẻ có tài mà ông dạy từ nhỏ.

Ông thương con, ông không nỡ ép nó.

Ông cũng sợ miệng đời chê trách con ông, ông sợ lắm chứ.

Thầy Tào chứng kiến Mễ Ni lớn lên với con gái mình, ông hiểu rõ con người của đứa nhỏ họ Kim. Dù có chuyện gì chăng nữa, Mễ Ni vẫn bảo bọc và yêu thương Mỹ Nghiên.

Nhìn đứa nhỏ ôm mình khóc, ông cũng buồn. Thân làm cha, con gái mình trái với luân thường đạo lí, ông cũng có cái khổ riêng.

Nhưng ông suy nghĩ vầy, đời ông chống giặc, mồ côi đã khổ, ông không muốn con gái phải khổ giống mình. Âu cũng là cái duyên cái số, sao ép nó được đây?

Xưa, thời ông trai tráng, văn võ song toàn sắp lên kinh thành làm Quan, tình cờ nhặt được đứa nhỏ người đỏ hỏn nằm bên vệ đường. Suy đi tính lại, ông thà cưu mang đứa nhỏ rồi về làng dạy chữ chứ không lên thành làm lớn. Ông biết nếu ông làm Quan, đứa nhỏ sẽ phải chịu tiếng ác.

Ông đặt tên nó là "Mỹ Nghiên", là "Tào Mỹ Nghiên". Ông mong muốn con gái ông lớn lên nó xinh xắn, là thiếu nữ trong vùng. Thời còn khó khăn, thầy Tào một tay ẵm con, một tay ông che mưa cho nó.

Giờ nó lớn, ông cũng không nở trách mắng. Buồn trong lòng nhưng miễn con hạnh phúc, ông cũng nguyện mà nghe con.

Người ta hay bảo :" Con thầy Đồ là gia giáo, là đoan trang, cả đời không thể dính nhơ nhuốc, không thì ông Đồ chỉ có nước gánh dèm pha cả đời."

Ừ, ông cũng mong là thế. Bởi khi sinh ra, ông đã dính màu nhơ màu nhuốc của đời rồi, nay con gái ông như thế, thà ông lãnh phần nó thì hơn.

...

Trôi qua mấy năm, thầy Tào tuổi đã cao nên không còn dạy chữ nữa. Ông lâm bệnh nằm liền trên chiếu mấy tháng, một tay Mỹ Nghiên, Mễ Ni chăm sóc cho.

Ngày ông hấp hối, môn sinh đứng hàng dài ngoài sân, trưởng lão trong làng kéo nhau đến thăm, nhưng thầy Tào chỉ cho gọi ông phú hộ Kim vào dặn dò đôi ba câu, sau lại gọi Mễ Ni, Mỹ Nghiên.

Mỹ Nghiên nước mắt lưng tròng nắm lấy tay cha, lại thấy ông yếu ớt cầm tay nàng giao cho Mễ Ni.

-" Mễ Ni...ta không còn sống được bao lâu...Kiếp này ta nuôi dưỡng con bé thành thiếu nữ..., giờ chẳng biết gửi gắm ai...Ta có thể tin trò không...?"

Nghe lời thầy nói, nước mắt Mễ Ni dồn nén bấy lâu cũng tuôn rơi, quỳ thụp bên cạnh thầy.

-" Thưa, trò hứa, trò thề sẽ không phụ lòng thầy...Một đời trò, nguyện lo cho Tào Mỹ Nghiên...!"

Nhìn đứa nhỏ nay đã lớn khôn, ông yếu ớt bật cười, nhưng chẳng phải cười chê, là nụ cười mãn nguyện.

-" Được...Ta tin trò..."

Nói rồi ông cầm lấy tay con gái.

-" Mỹ Nghiên, ta từng nói không chê trách...nay ta thành toàn cho hai đứa, được không...?"

-" Cha..."

Mỹ Nghiên bật khóc nức nở. Đến cuối đời, ông vẫn lo lắng cho đứa con gái nhỏ này.

Rồi ông kêu Mễ Ni nắm tay Mỹ Nghiên lùi ra xa, bản thân gượng dậy ngồi ở mép chiếu.

Hai đứa nhỏ hiểu ý ông, vội dập đầu mà bái lạy.

Cái lạy đầu tiên là kính thầy, kính cha.

Cái lạy thứ hai là kính ơn, kính nghĩa.

Cái lạy cuối, là kính cho người thành toàn cho cả hai.

Là kính cho người chấp thuận mối lương duyên này.

Ông cười hiền, cũng công nhận Mễ Ni là con mình, giao nửa đời sau của Mỹ Nghiên cho nàng.

-" Thưa, thầy luôn dạy "một chữ cũng là thầy, nữa chữ cũng là thầy". Nay trò chỉ xin thầy được gọi thầy bằng một tiếng "cha", mong thầy không chê trách."

-" Từ lâu ta đã xem trò như con, giờ ta giao con gái ta cho trò, chẳng lẽ lại tiếc đôi ba tiếng...?"

Thầy Tào vẫn thế, dáng vẻ ung dung ấy khắc sâu vào tâm Mễ Ni. Nó nghẹn ngào đến bật khóc.

-" Thưa cha, Mễ Ni con nguyện một lòng mà yêu thương Mỹ Nghiên nửa đời sau. Dẫu có kiếp sau, con vẫn muốn được chính tay cha dạy dỗ nên người...!"

Thầy Tào bật cười, xoa đầu đứa học trò nay được ông coi là con. Sau đó ông trối với Mỹ Nghiên vài câu rồi buông thõng hai tay, trút nhẹ hơi thở cuối mà ra đi.

Cả ngày hôm đó, làng chìm trong nỗi đau thương khi mất đi ông Đồ họ Tào. Ai nấy buồn cho con gái ông, giờ còn mình ên trên cõi này.

Đám tang nhà ông Đồ Tào vang xa khắp vùng. Trong buổi truy điệu, ngoài cô con gái của ông thì có một nữ nhân khác được đeo khăn tang, là Mễ Ni. Dân làng kháo nhau Mễ Ni được ông xem là con nên để tang, mấy ai biết Mễ Ni giờ là người được ông trao con gái để chăm sóc cả đời.

...

Nửa năm sau Mễ Ni chuyển sang nhà Mỹ Nghiên mà sống cùng. Ai hỏi sao hai nàng chưa gả cho ai thì ông phú hộ sẽ chặn họng ngay.

-" Tụi nó ở giá đấy! Ta cho sống cùng để tiện bề chăm sóc nhau."

Nghe ông phú hộ bênh, mấy ai dám nói gì hai nàng nữa.

Lúc ông bạn già hấp hối, ông phú hộ Kim được bạn dặn vài lời.

-" Chuyện ân nghĩa khi xưa, ta chỉ mong ông còn nhớ..."

-" Ta nhớ...Ông muốn dặn gì cứ nói, ta sẽ lo cho..." Quỳ kế bên thầy Tào mà lo lắng.

-" Vốn ta xem Mễ Ni như con...Mỹ Nghiên ta không dám gả cho ai...Ta mong ông phú hộ để cho Mễ Ni sống cùng Mỹ Nghiên để chúng chăm nhau nửa đời sau..."

Ông Kim lặng người, hiểu ý tứ trong câu nói ấy. Mãi một lúc ông cũng gật đầu, xem như đứa con út cả đời chẳng thể làm thê nhà ai nữa.

-" Được...Ta hứa với ông! Ta sẽ xem Mỹ Nghiên như con gái mà chăm lo..."

Trước, nhà ông phú hộ Kim nghèo lắm , chẳng thể học chữ. Thầy Tào tội bạn, bèn xin thầy, có bao nhiều thì đóng đủ mấy đồng cho bạn học. Chuyện tình của ông Kim với phu nhân cũng một tay thầy Tào tác hợp. Có lần còn cứu phu nhân khi sanh hai đứa con trai đầu, nên ông Kim xem bạn như ân nhân mà đối đãi.

...

Ngồi bên Mỹ Nghiên ngoài hiên nhà, Mễ Ni cảm thán bao năm khung cảnh vẫn thế. Nhìn sang người con gái mình sẽ gắn bó nửa đời sau, lời trong lòng bấy lâu cũng có thể nói ra.

-" Nghiên, ta thương em...!"

Mỹ Nghiên quay sang, nở nụ cười nhẹ. Nàng ấy cười hệt bức tranh vài năm trước Mễ Ni vẽ nàng ở ngoài hiên, nó đẹp lắm. Nụ cười làm lòng Mễ Ni mang tương tư cả mấy năm trời.

-" Ta biết."

Mễ Ni bất ngờ, cũng yêu chiều hôn lên trán Mỹ Nghiên.

-" Thế lòng em thì sao?"

-" Mễ Ni còn nhớ cách đây vài năm, ta từng nói "nếu có, chắc mãi sẽ chẳng thể thành đôi" không?"

-" Có, ta còn nhớ."

-" Mễ Ni không biết người ta muốn nói là ai sao?"

Mễ Ni trầm ngâm. Tuy được thầy khen tài giỏi, nhưng câu này Mễ Ni thật chẳng biết đáp án.

-" Không...ta không biết..."

-" Ngốc ạ. Thôi Mễ Ni cứ ngồi ngoài này đi, ta vào buồng ngủ đây."

Mỹ Nghiên đứng dậy rời đi thì Mễ Ni kéo tay nàng ta lại, khẽ ôm vào lòng.

-" Nghiên, ta không hiểu câu đó của em, nhưng sau này sẽ hiểu. Tuy ta phận nữ nhân, nhưng ta thương em, đừng bỏ ta nghen em?"

Mỹ Nghiên nhìn Mễ Ni, vấng trăng lấp ló sau nàng ấy như muốn đẩy Mễ Ni về phía nàng.

Mỹ Nghiên kéo đầu Mễ Ni sát lại, hôn môi nàng ta.

Khác với lần đầu là chạm môi bâng quơ, lần này là hôn môi trao ý tình.

Mễ Ni tuy bất ngờ cũng không phản kháng, thuận theo Mỹ Nghiên mà yêu chiều.

-" Ta thương Mễ Ni...!"









- Hoàn -

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top