ĐIỂM ĐẾN CỦA CUỘC ĐỜI - ĐẶNG HOÀNG GIANG
Note: Hiểu về cái chết để trân trọng cuộc sống của mình, hiểu về ý nghĩa cuộc đời để sống can trường, hết mình.
Chị thấy may mắn là giờ phút cuối, chị nhận được lời chào từ Nam.
(...) "Em nghĩ là em được nhiều rồi anh ạ. Như thế là quá đủ cho mình rồi. Mười năm hai mẹ con rất vui vẻ, chưa bao giờ nó làm phật lòng mẹ cái gì, thế là mãn nguyện rồi."
Với chị, được gặp Nam, được yêu thương nhau trong suốt mười năm là một ân huệ. Chị không dám trách ông trời đã cướp Nam khỏi tay mình, mà chị luôn cảm ơn Trời Phật đã để chị có Nam trong cuộc đời.
Hà hoàn toàn có thể chọn cách ứng xử ngược lại. Chị hoàn toàn có thể chìm đắm trong những trách móc bản than rằng mình đã không cho Nam đi khám sớm hơn, có thể ca than không dứt về cái nóng bức, cái chật chội, cái tiêu cực mà hai mẹ con phải chịu trong bệnh viện, có thể tiếp tục oán trách người chồng rượu chè và nhà nội thờ ơ, có thể luẩn quẩn với ao ước giá chị có đủ tiền để đưa Nam sang Singapore chữa bệnh.
Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng tự do lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra. Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo, đúc kết từ trải nghiệm sống của ông qua những năm tháng khủng khiếp trong trại tập trung của phát xít Đức.
Trước những cú đánh của số phận, Hà đã lựa chọn tâm thế đón nhận chứ không phải thế đòi hỏi. Điều này khiến chị gượng dậy được.
Chia sẻ. Học được cách sống vì người khác. Hà đã thay đổi nhiều. (...) Dây là điểm tựa thứ hai giúp chị đi qua bi kịch. Thay vì đắm chìm trong đau khổ của bản than, chị tìm cách xoa dịu nỗi đau cưa người khác. An ủi người khác cũng là để chữa lành cho chính mình. "Không có công việc của nhóm thiện nguyện thì em phát điên rồi anh ạ", nhiều lần chị nói với tôi như vậy.
"Ngày xưa một việc nhỏ mình cũng kêu khổ, nhưng đọc Phật pháp nhiều thì em biết được rằng đừng có phóng đại nỗi khổ của mình, và đừng phóng đại hạnh phúc của người khác, không so sánh hạnh phúc của mình với hạnh phúc của người khác". Một lần khác, Hà bày tỏ. "Mình phải biết mình được cái gì, mình được như bay giờ là hạnh phúc rồi, mình phải tìm thấy hạnh phúc trong những điều bé nhỏ. Ngày xưa hơi một tí là mình nổi đóa lên, mình kêu ca phàn nàn rất nhiều."
"Tôi biết vì sao chúng ta giữ người chết sống: chúng ta giữ họ sống để giữ họ bên ta". Joan Didion viết, một năm sau khi chồng bà qua đời. "Nhưng tôi cũng biết rằng để có thể tiếp tục sống, một lúc nào đó, chúng ta cần buông họ ra, cần phải để họ chết"
Tôi nhận thấy Hà đã đạt tới nhận thức này một cách sâu sắc. "Buông bỏ", tôi hay nghe chị khuyên nhủ những người cha mẹ khác. "Buông bỏ nhưng không buông xuôi."
Hà hiểu là có những thứ thuộc về số phận, mình không chống lại được, có những việc mình không thể kiểm soát. Hãy buông đứa con ra, chấp nhận rằng nó đã chết. Hãy làm bạn với tình thế này, không coi nó là kẻ thù, không kháng cự, căm thù nó. Điều những cha mẹ mất con cần làm không phải làm quên đứa con đi. Điều họ cần làm là học sống với sự xa cách. Với Hà, không những chị không quên, những kỉ niệm về Nam đã trở thành nguồn vui và an ủi cho chị.
"Người có lí do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh." Vikto Frankl nhớ lại những bạn tù của mình trong trại tập trung. Hơn cả vật chất, con người khao khát ý nghĩa; ý nghĩa của cuộc sống chính là ngọn đuốc dẫn người ta vượt qua những quãng đường đen tối nhất. Hà đã xây dựng cho mình một thế giới quan: chị phải trải qua những điều chị đã trải qua để trả nợ cho những kiếp trước. Lời giải thích này đem lại ý nghĩa cho sự đau khổ của Hà, trong khi Ánh chỉ tìm thấy nó trong sự vô nghĩa. Ánh và gia đình cô đã nhầm khi họ đi tìm sự khuây khỏa, điều cô cần tìm là ý nghĩa cho sự tồn tại tiếp theo của mình.
"Nhiều gia đình không hình dung được là có gì tệ hơn cái chết của người thân. Nhưng có điều tệ hơn, đó là cái chết tồi tệ, chết trong đau đớn, hành hạ, với đầy dây dợ, máy móc trên người." (...) Tôi không rũ bỏ được cảm giác gia đình anh bạn tôi làm tất cả những việc họ làm để phục vụ cho người ở lại, chứ không phải người sắp ra đi. Rằng chịu đựng những tra tấn của "chữa bệnh" là nghĩa vụ của người bệnh để người khỏe giữ lương tâm của mình trong sạch.
(...) Kết quả là cái chết đánh úp tất cả mọi người khi nhiều việc còn đang dang dở, nhiều điều chưa kịp nói. Cho tới khi người em trai của anh bạn luật sư của tôi qua đời, gia đình anh chỉ tập trung vào việc tìm gan thay thế. Cuối cùng không có ai có cơ hội nói những lời thương yêu và chào vĩnh biệt anh. Tất cả đều hành xử như là chắc chắn anh sẽ khỏi bệnh , đều khước từ nhìn vào cái chết của anh, tới tận lúc nhịp tim anh trở về con số không.
(...) Nhưng tới giơ tôi biết được là "chữa chạy tới hơi thở cuối cùng" không phải cách duy nhất để bày tỏ lòng yêu thương, trách nhiệm, hay ý thức về đạo lý.
Hãy để cơ thể nghỉ ngơi khi nó quá mệt mỏi, thay vì tiếp tục tra tấn nó bằng các loại máy móc, các can thiệp, mổ xẻ. Chẳng phải sự bình than này là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng hay sao?
Chúng ta có những tự sự anh hùng của chiến đấu chống lại bệnh tật, bà viết, nhưng chúng ta cũng cần có những tự sự anh hùng của buông bỏ, nhìn vào và nhận ra cái kết, và của lời chào từ biệt.
Vậy sự mệnh đời cô là gì, tôi hỏi.
"Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn.
(...) Liên đã tìm được ý nghĩa của đời mình, và không có gì, kể cả cái chết, có thể tước đi được ý nghĩa này. (...) Người mà có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh, tôi nhớ lại Viktor Frankl. Elisabeth Kurbler-Ross đảo ngược lại,: Người đã tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời thì có thể thanh thản đến với cái chết.
"Với em một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà em không bao giờ bỏ cuộc. Em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn, và rồi nhìn nó mỉm cười và chấp nhận."
Một lần Thủy Tiên nói với tôi, "Cái câu 'Cố lên' nhiều lúc làm người ta mệt lắm anh ạ". Nó tước khỏi người ta quyền được mệt mỏi, được khóc, nó không ngừng đẩy người ta lên bục anh hùng.
Trong cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với cô, tôi nhận xét rắng dường như cô không bị cảm giác cô độc đeo bám như trước kia nữa. Liên đồng ý. "Em thấy ấm áp bởi gia đình, bởi bạn bè, bởi những mối quan hệ và bởi những may mắn mà em có được trong cuộc sống." Cuối cùng, tôi nhận thấy, những quan hệ người với người tốt lành là điều nuôi dưỡng cô và giúp cô ra đi thanh thản.
Khi viết những dòng này, tôi cảm thấy bình tĩnh trước ý nghĩ về cái chết của chính bản thân. Với tôi, Liên quả thật là một chiến binh quả cảm. Liên đã là một chiến binh quả cảm, giờ đây tôi phải nói về cô ở thời quá khứ. Nhưng không phải chỉ vì cô vừa chạy hóa trị vừa làm luận án, hay vì cô kiên cường tập đi, mà vì cô đã nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản và cả hài hước nữa.
Cô đã là một con người tự do.
Nếu cô gái bé nhỏ này đã có thể gặp cái chết một cách đàng hoàng như vậy, lẽ nào tôi không làm được như cô?
Elisabeth Kurbler-Ross cho rằng sự chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Những ngày cuối đời, giống như cảnh kết của một bộ phim, có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trước đó. Điều đó đã xảy ra với Vân. Trong bốn mươi tuần cuối cùng của mình, Vân đã chuyển hóa từ một cô gái thôn quê chưa học hết phổ thong , lặng lẽ nhút nhát, thành một con người độc lập và quả cảm. Thuyết phuc được gia đình đứng sau mình trong mong muốn hiến giác mạc, một việc tiên phong ở môi trường của cô, cô đã thay đổi cả những người xung quanh mình, cùng họ vượt qua sự sợ hãi và nỗi đau bản thân, vượt lên sự dị nghị, đàm tiếu xung quanh. Nằm trên giường, nhưng cô đã dẫn dắt mọi người trong nhà bỏ lại sự chật chội của định kiến, hé mở một cánh cửa để họ thấy rằng có thể sống cuộc đời theo một cách khác.
Vân và Hoàng cũng đã chứng minh rằng, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương. Khi tôi mới quen Vân, cô buồn bã cho rằng mình đã thất bại trong hôn nhân. Nhung tuyệt vời thay, bệnh Vân càng nặng thì tình cảm của hai người càng gắn bó. Tình yêu của hai người đã được nuôi dưỡng bằng sự kiên cường của Vân và lòng kiên nhẫn khổng lồ của Hoàng.
Giờ đây cái chết đã trở nên gần gũi với tôi, nó đã mất đi sự bí hiểm, xa lạ, thậm chí đe dọa. Chứng kiến những con người tôi mới quen tiến dần tới cái chết, hay hình dung người thân của mình ra đi, tôi vẫn buồn. Nhưng tôi biết tôi sẽ không hoảng loạn, giận dữ, oán trách hay chạy trốn. Tôi biết giờ đây tôi có thể nhìn thẳng vao bi kịch hay cái chết khi nó tới mà không chớp mắt.
Rất nhiều người tôi gặp trong năm qua nói rằng thời điểm họ biết là họ không còn nhiều thời gian cũng là thời điểm mà cuộc sống thường ngày, với những thứ họ từng cho là hiển nhiên, hiện lên rực rỡ, đẹp đẽ dữ dội nhất. "Giá trị tối thượng của bệnh tật là nó dạy chúng ta về giá trị của sự sống."
Triết gia Aaron Smuts cho rằng một cuộc đời trường sinh ất tử là một cuộc đời vô nghĩa và vô vị. Thời gian sẽ không còn giá trị. Mọi quyết định của chúng ta sẽ không còn nhiều ý nghĩa, chúng không bắt ta trả giá – ta luôn có cơ hội làm lại. Mọi động cơ lao động sẽ sụp đổ khi chúng ta luôn có ngày mai.
Giá trị của cái chết là nó giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức.
Có một điểm chung tôi thấy từ nhiều người cận tử và người thân của họ. Những trải nghiệm khốc liệt đã khiến họ hiểu được giới hạn của con người, hiểu được quyền uy của Tạo hóa. "Không ai lấy tay che được mặt trời đâu anh", một người bố trẻ mất con nói với tôi như vậy. Họ không phát ra những gào thét của cái tôi luôn đói khát, không có sự ngông nghênh, hợm hĩnh hay chua chát đặc trưng của con người hiện đại cho rằng mình điều khiển được mọi thứ và mình có quyền đòi hỏi mọi thứ. Họ hiểu rằng những gì họ có là mong manh, và sống nghĩa là đi qua các thử thách. Cái chết phá hủy sự kiêu ngạo, khiến người ta khiêm nhường.
Họ là những con người tuyệt đẹp, theo cách diễn tả của Elisabeth Kurbler-Ross. Những người đẹp nhất là người đã nếm trải thất bại, khổ đau, vật lộn và tìm được con đường ra khỏi hố sâu, bà viết. Ở họ có một sự trân trọng, nhạy cảm, một sự thấu hiểu sự đời khiến cho họ tràn đầy trắc ẩn, nhẹ nhàng và mối quan tâm thương cảm sâu sắc . Những người tuyệt đẹp không bỗng nhiên xuất hiện, họ được tôi luyện.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top