Đơn Phương...!?


Câu nói này, lần đầu tiên tôi nghe, chính xác hơn là “nghe” bằng tưởng tượng qua từng câu chữ, là trong một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn nữ miền Tây Nam Bộ mà tôi yêu thích nhất trong số các tác giả  Việt Nam.

Xuyên suốt câu chuyện, là câu nói ấy, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Một lần gặp gỡ tình cờ, một  tình yêu sét đánh, một thông mơ hồ “Em là cháu ông xã Nghiệp”, một sự nhầm lẫn tai hại, một cái gật đầu vội vã khi chưa kịp hay người mình thương còn có một cô em sinh đôi, một đám cưới khiến chú rể cầm khay rượu trên tay mà há hốc mồm nhìn cô dâu rồi nhìn chị vợ. Một người chồng phũ phàng nói thẳng với vợ “Cô không phải người tôi thương” đúng ngay tối tân hôn, và rất, rất nhiều lần sau buổi tân hôn.

 

Một cốt truyện như thế, có lẽ đủ để một nhà văn Trung Quốc nào đó có thể viết bồi ra ít nhất là 10 chương truyện ngược văn, miêu tả tỉ mỉ cảnh người chồng hùng hục làm chuyện đó với vợ theo bản năng và vì nghĩa vụ, tâm sự của người vợ phải chịu bao bẽ bàng cay đắng ngày nối tiếp ngày, đêm nối tiếp đêm…

 

Nhưng, tất cả chỉ gói gọn trong một truyện ngắn chưa đầy 1200 từ. Thế mà đi gần hết một đời người, hay đúng ra là hai người cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà, mà câu nói cửa miệng của người này với người kia luôn là “Cô không phải người tôi thương.”

 

“Cô không phải người tôi thương.”

 

Ba mươi năm liền như thế, với câu nói được bật ra trong mọi tình huống. Mỗi việc vợ làm, mỗi điều vợ nói, đều bị mang ra so sánh với hình ảnh người con gái trên sân chiếu bóng năm nào. Một lần gặp gỡ duy nhất, một mối duyên tình dở dang khiến hình ảnh ấy càng thêm đẹp đẽ trong tâm tưởng người chồng. Người vợ bứt lá chuối non nhai ngấu nghiến đắp cầm máu cho vết thương trên chân chồng không thể nào bằng một “người ta kia” thấy máu trên phim còn chẳng dám nhìn. Người vợ cực nhọc đẩy xuồng gặt lúa mồ hôi đầy người bốc mùi chua không thể nào bằng một “người ta kia” thơm lừng như múi mít. Người vợ sau cơn sinh nở đầy đớn đau tóc rụng xơ xác không thể nào bằng một “người ta kia” với mái tóc mướt rượt một vốc. Người vợ “sâu cay” mắng khéo chồng lo ăn nhậu say sưa quên đường về nhà không thể nào bằng một “người ta kia” mủ mỉ thật thà.

 

Oan trái ấy, cay nghiệt ấy, người vợ chấp nhận thản nhiên, không oán hận, không giận hờn. Bởi sau cái bàng hoàng đêm tân hôn, biết rằng có nói gì cũng là quá muộn, người đàn ông kia dù chẳng thương mình thì cũng đã là chồng. Dù có luôn miệng nói “Cô không phải là người tôi thương” thì vẫn lên giường ôm mình mỗi tối, không tình nhưng nghĩa vợ chồng vẫn phải giữ cho tròn.

 

“Cô không phải người tôi thương.”

 

Câu nói này, lại một lần nữa xuất hiện trong đầu tôi, khi đọc Thất tịch không mưa – Lâu Vũ Tình tại nhà sjs Jini.

 

“Cô không phải người tôi thương.”

Tâm Bình không phải người Hàn Vũ thương.

 

Cũng không phải nhân vật tôi thương.

 

Tôi thương người vợ trong truyện ngắn Tình lơ của chị Tư bao nhiêu, đổi lại, tôi ghét Tâm Bình bấy nhiêu.

 

Chẳng phải bởi như một bạn từng comment ở nhà sjs Jini và bảo, Tâm Bình không sai, có sai chỉ sai một điều duy nhất, cô ấy không phải nhân vật chính. Bởi như tôi từng nói, không thiếu nhân vật phụ khiến người ta đồng cảm, thấy đáng thương nhiều hơn đáng giận, và càng không hiếm những nhân vật chính khiến người đọc chỉ muốn xách dép chọi vào mặt cho đỡ tức nếu họ xuất hiện trước mắt mình.

 

Nếu bảo rằng Tâm Bình có lý do, có nỗi khổ, thì cũng xin thưa rằng, con người, bất kỳ ai cũng có lý do để lý giải, biện minh cho những nghĩ suy, hành động của mình. Đến cả tội phạm giết người hàng loạt hay trùm khủng bố còn có thể tự cho mình những lý do cao đẹp là cứu rỗi thế giới, thì huống hồ chi những quyết định trong tình cảm. Ai cũng có cái tình, cái lý của mình, chỉ là người khác có chấp nhận cái tình và cái lý đó của họ hay không.

 

Và tôi, không cảm thấy bản thân mình có thể chấp nhận được việc Tâm Bình ở bên Hàn Vũ một cách tự nguyện, cho dù lý do là cô ấy yêu Hàn Vũ, yêu đến đánh mất sự tôn nghiêm của chính mình.

 

Chẳng phải tôi không biết nỗi khổ khi ở bên một người mà trái tim họ gửi trao về người khác, khi ánh mắt họ nhìn mình để kiếm tìm những đường nét trên một khuôn mặt khác. Càng biết, càng đau, càng không chấp nhận được quyết định của Tâm Bình.

 

Mỗi người có một quan niệm khác nhau về tình yêu. Có thể với người khác, Tâm Bình cao thượng, Tâm Bình tốt đến mức chấp nhận một người đàn ông không yêu mình, Tâm Bình chưa từng giành giật với ai, Tâm Bình yêu Hàn Vũ hơn cả bản thân mình…

 

Còn với cách nghĩ của tôi, Tâm Bình chỉ đang yêu chính bản thân mình, yêu cái cảm giác mà cô ta nghĩ rằng mình đang yêu Hàn Vũ, yêu cái cảm giác khi được ở bên Hàn Vũ.

 

Nếu cô ấy cố chấp nuôi dưỡng tình cảm với Hàn Vũ dù nhiều lần bị từ chối, nếu cô ấy thầm lặng ở bên chăm sóc quan tâm thì không nói làm gì. Nhưng cô chấp nhận mang hạnh phúc cả đời ra đánh cược, kết hôn với một người dù biết rõ người ấy chẳng yêu mình.

 

Là ai đã tự tay đánh sập cánh cửa hạnh phúc của chính mình và người mình yêu?

 

Bao tháng ngày theo đuổi không đủ để cô biết, mình không thể mang đến cho Hàn Vũ hạnh phúc?

 

Tôi bị ám ảnh bởi chi tiết, tại bàn ăn, Hàn Vũ chỉ ăn thức ăn Tiểu Tình làm, không động đến một chút gì do Tâm Bình mang đến, trừ khi chính tay Tiểu Tình gắp cho ép ăn.

 

Vậy mà rốt cuộc, Tâm Bình cũng kết hôn cùng Hàn Vũ, có được thể xác Hàn Vũ cạnh mình, có được Hàn Vũ bên bàn ăn mỗi ngày, trên giường cô mỗi tối. Đâu phải cô không biết, Hàn Vũ thất thần khi nhìn cô là vì cô có nét giống ai, đâu phải cô không biết, Hàn Vũ hôn cô với mục đích gì, đâu phải cô không biết, Hàn Vũ vì cái gì mà ân ái cùng cô, đâu phải cô không biết, anh kết hôn với cô bằng một trái tim khiếm khuyết.

 

Ánh nhìn đó, nụ hôn đó, ân ái đó, những tháng năm kết hôn đó, Tâm Bình không giành giật cùng ai, nhưng cô mặc nhiên chấp nhận khi nó không dành cho mình, không thuộc về mình.

 

Tôi không làm được như thế.

 

Tôi cố chấp. Tôi ích kỷ.Tôi muốn người tôi yêu thuộc về tôi, thuộc về riêng tôi, từng chút một. Nên không chấp nhận được người khác chỉ ràng buộc với mình bằng dây dưa thể xác, bằng nhẫn cưới, bằng tờ hôn thú, nhưng không bằng một chữ yêu đúng nghĩa tôi cần.

 

Một ánh mắt nụ cười của người mình yêu dành cho người con gái khác đủ khiến tôi ghen vật vã, làm sao tôi chấp nhận nổi người ta đầu ấp tay gối với mình mà hình dung đang làm tình cùng người khác?

 

Tôi thương cho người vợ của Tình lơ, bởi cô ấy sống trong một hoàn cảnh khác, một hoàn cảnh thực ra không xa lạ gì với người miền Tây quê tôi ngày trước, thậm chí có thể là cả bây giờ : không làm chủ được hôn nhân của chính mình, chỉ một lần đứng dưới bếp để người khác nhận lầm, tận đám ăn trầu uống rượu mới được gặp chồng, đến đêm tân hôn khi biết chuyện thì ván đã đóng thuyền, chẳng lẽ đến nước ấy rồi cô còn có thể khăn gói trở về nhà mẹ ruột được sao?

 

Nhưng còn Tâm Bình thì sao? Cô ấy được tự do quyết định, sao lại lựa cho mình ngõ hẹp? Nếu đã biết “cửa đóng bưng nhưng vẫn quyết xông vào”, thì có thương tích, khổ đau, cũng là do chính cô chọn lấy kia mà.

 

Tiểu thuyết lẫn đời thực, không thiếu những cặp vợ chồng nảy sinh tình yêu sau hôn nhân. Nhưng nếu tính ra thì tỷ lệ đó có nhiều không? Hy vọng vào chuyện tình yêu sau hôn nhân, chẳng khác nào đánh cược.

 

Đã dám sẵn sàng đánh cược, thì cũng phải biết chấp nhận chịu thua, chấp nhận cái giá phải trả.

 

Người ta kia của người chồng trong Tình lơ vốn chỉ là ảo ảnh do ông tự vẽ nên sau một lần gặp gỡ, và tô đi tô lại trong những mộng mơ. Mất ba mươi năm để ông nhận ra điều đó, để biết rằng người ông thương thực sự là ai. Nhưng tình cảm của Hàn Vũ và Tiểu Tình, chính Tâm Bình thừa hiểu mức độ của nó, nhưng vẫn cố chấp muốn ở bên Hàn Vũ, muốn nắm giữ thân xác đó.

 

Suốt những năm tháng đó, có bao giờ cô đọc được trong mắt, cảm nhận được trong tim Hàn Vũ câu nói: “Cô không phải người tôi thương”?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #1406