8. Trại trẻ
Hôm nay là một ngày nắng đẹp, vì thế tôi quyết định sẽ đi dạo quanh thành phố, chỉ một mình tôi thôi, bởi vì hôm nay Kae nói rằng mình có hẹn với một cô gái. "Hi vọng buổi gặp gỡ của Kae sẽ suôn sẻ," tôi nghĩ, rồi lại đột nhiên nhớ đến chị Elisa. "Tôi vẫn chưa thể yêu thêm bất kì ai khác ngoài Elisa, bóng hình của cô ấy cứ mãi day dứt trong tâm trí kẻ khờ này," Kae từng nói với tôi như thế, nhưng có lẽ bây giờ, anh ấy đã quyết định chấm dứt những tháng ngày u buồn ấy để tìm kiếm một mối quan hệ mới. Người lớn ai chả thế, chuyện gì rồi cũng chìm vào quên lãng. Họ gạt mọi thứ sang một bên để đi tìm một điều thú vị, mới mẻ hơn cho mình. (Kae liệu thật sự đi gặp người khác sao...?)
Trừ một số người.
Khi trước, lúc gia đình tôi vẫn còn đông đủ: Jethro, bố, mẹ và tôi, chúng tôi sống ở một khu ổ chuột không tên, nhưng người dân ở đấy vẫn thường gọi nơi mình hằng sinh sống là "Tổ ấm yêu thương". Đấy là cái tên thảm hại nhất mà tôi từng nghe thấy. Dân cư ở đấy chẳng ưa tí ti gì ở nhau. Họ tranh giành từ lương thực, thực phẩm đến nước uống, đến cơm ăn. Họ cãi vã nhau ở mọi nơi mà họ có thể đặt chân đến trong cái khu bẩn thỉu, khan hiếm tình thương ấy. Từ đó, họ lẫn chúng tôi chẳng bao giờ ra ngoài nữa. Họ lẫn chúng tôi cứ phải chui rúc trong mấy cái xó nhà chật hẹp, bám đầy bụi bẩn và trơ trọi. Tôi đã chưa bao giờ trông thấy được một bông hoa, một mầm xanh, một con mèo hoang hay bất kì con cún nào ở cái "Tổ ấm yêu thương" nghèo nàn đó. Sống ở đấy và hít bụi bẩn, hít sự ảm đạm, hít sự buồn tẻ lẫn hít cái nghèo nát ở đấy hằng ngày còn tệ hơn là bị giam mình trong một nhà tù bỏ hoang trên đảo. Cho đến không lâu sau đấy, khi bố và mẹ li hôn, luật sư phán tôi cho bố, Jethro thì được mẹ gởi cho một họ hàng bà con ở xa, còn số tiền chứa đựng cả biển mồ hôi, công sức của mẹ nhờ bà ngày đêm chăm chỉ làm giặt ủi, chở hàng thuê cho nhà tiến sĩ Penicles thì được chia đều cho cả bố tôi. Nhưng ông ấy nào có dành dụm đồng nào. Lão ta dốc hết số tiền ấy vào các khu bài bạc và rượu chè. Lão ta dụ được một cô gái trẻ tuổi rất xinh ở quán nhậu về làm vợ mình. Ôi chị gái, chị ấy còn quá trẻ để sống tiếp quãng đời còn lại của mình dưới sự tàn ác và đánh đập, bạo hành dã man của lão già kia.
Không biết giờ này, mẹ và chị ấy có ổn không nhỉ?
Sự ồn ào của đường phố như muốn nuốt trọn hết muộn phiền của tôi, đối với tôi thì là như thế, còn đối với một số người, những tiếng kèn, tiếng nổ máy inh ỏi của đường xá chả khác nào những con quái thú to lớn đang gào lên giễu cợt những bản mặt tuyệt vọng và đáng thương của họ. Thành phố lúc nào cũng thế, đắm chìm trong sự bận rộn và ầm ĩ, khiến cho con người ta cảm thấy mình như đang lạc lõng giữa cõi đời.
Nhưng những người tìm kiếm chẳng bao giờ lạc lõng. Họ sẽ luôn đi tìm sao và hoa, dù sự ồn ào của thành phố có xé rách cả dải ngân hà của họ.
Đầu tiên, tôi đi thăm một trại trẻ mồ côi, cách ngã tư con đường gần tiệm bán nhạc cụ không xa mấy.
Trại trẻ mồ côi ấy hình như chỉ vừa được tu sửa xong từ vài ngày trước. Mùi sơn mới vẫn còn thoang thoảng trên các bức tường sặc sỡ. Trẻ em mà, chúng rất thích màu sắc, càng nhiều càng tốt. Vì chúng chỉ như một tờ giấy trắng, chúng thích thử những điều mới lạ, thích khám phá nhiều thứ bên ngoài. Chúng thích màu sắc, càng rực rỡ chúng càng mê mẩn. Ngay trên cổng ra vào của trại có gắn một tấm biển được cột vào hai cái trụ bê tông lớn bằng dây thừng, trông có vẻ rất chắc chắn. Tấm biển được viết tay bằng sơn màu xanh dương: "TRẠI TRẺ HOPINESSA - NƠI CHÀO ĐÓN NHỮNG TRẺ EM MỒ CÔI ĐẾN VỚI THIÊN ĐƯỜNG CỦA HẠNH PHÚC".
Tôi hỏi một cô gái đang đứng trực ở cổng trại:
-Thưa cô, cháu vào thăm các em được không ạ?
-À, được chứ. Cháu cứ tự nhiên đi nhé! Hẳn tụi nhóc sẽ thích lắm, đã lâu lắm rồi chẳng có người nào ghé thăm chúng. Cháu cứ đi thẳng vào trong, đến ngay chỗ tòa nhà kia, cháu quẹo trái sẽ tới phòng của cô Vanessa, cô ấy sẽ dẫn cháu đến gặp chúng.
Tội nghiệp bọn trẻ.
-Thưa cô, cô tên là gì vậy ạ?
-Ồ, thứ lỗi cho cô, cô đã quên không giới thiệu. Cô là Arguet Birch, rất vui được đón tiếp cháu.
-Không sao đâu ạ. Còn cháu là Jeremy Dodoraq, cảm ơn cô đã chỉ dẫn.
Tôi làm theo đúng như sự chỉ dẫn của cô Arguet. Đứng trước của phòng cô Vanessa, tôi gõ cửa và đứng đợi. Bên ngoài phòng của cô ấy cũng sặc sỡ không khác gì những bức tường ngoài cổng trại. Duy chỉ có chiếc nơ lớn được cô ấy gắn trước cửa phòng mình là có màu đen.
-Ai đấy ạ? Ồ, cháu làm gì ở đây thế này, cô gái trẻ? – cô Vanessa mở cửa, dịu dàng đón tiếp.
-Cháu muốn đi gặp các em, thưa cô. Cô có thể đưa cháu đến gặp chúng được không ạ?
-Ồ, đương nhiên là được rồi. Hẳn tụi nhóc sẽ rất vui đây. Đã lâu lắm rồi chẳng có ai đến thăm chúng.
Cô Vanessa từng bước dẫn tôi đi dọc một hành lang dài vẫn còn ẩm mùi nước lau nhà. Sàn nhà và các bức vách trắng tinh không tì vết. Dọc hành lang được treo rất nhiều chậu hoa và đèn cầy. Cô Vanessa lần lượt giới thiệu cho tôi phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp và ti tỉ các loại phòng khác, sau cùng là phòng sinh hoạt. Cô đẩy nhẹ cửa vào niềm nở nói với các em:
-Các em, hôm nay chúng ta có một vị khách quý! Chị ấy sẽ chơi với các em, sẽ rất vui đúng không nào? Hãy cư xử thật đúng mực với vị khách quý này và các em sẽ được thưởng kẹo vào cuối ngày hôm nay nhé.
Bọn trẻ con nháo nhào lên như trước mắt chúng là một ngôi sao nhạc Rock nổi tiếng. Trông chúng mới tội nghiệp đến nhường nào.
-Chị ơi, chị tên gì ạ?
-Chị ơi, chị bao nhiêu tuổi rồi?
-Chị ơi, nhà chị có xa chỗ này lắm không?
-Chị ơi, lần sau chị lại đến đây chơi với chúng em nữa nhé?
Bọn trẻ nhiệt tình hỏi han tôi với những gương mặt trông rất đỗi hạnh phúc. Càng hạnh phúc lại càng tội nghiệp, chúng còn quá nhỏ, có lẽ chúng vẫn chưa hiểu hết mọi thứ đang diễn ra. Duy chỉ có một đứa trẻ là cứ lầm lũi một góc trong căn phòng. Đợi đến khi cô Vanessa yêu cầu bọn trẻ làm một số việc vặt, tôi mới có cơ hội đến bên em và hỏi:
-Rất vui được gặp em hôm nay, em tên gì thế?
-Chị hỏi người khác mà bản thân chị lại không tự giới thiệu mình trước ạ? – con bé đáp lại tôi bằng cách đặt thêm một câu hỏi khác.
Cô Vanessa đứng ở góc phòng nghe được, liền quở trách:
-Helian Westley, em không được nói như thế!
Nghe xong, đứa trẻ ngoảnh đầu đi chỗ khác, im bặt, tiếp tục lầm lũi vẽ bức tranh của mình. Tay nó vẽ một người đang treo cổ.
Từ bên ngoài, một cô gái trẻ với dáng người cao ráo, mảnh khảnh cùng gương mặt có vẻ đẹp đang rất được ưa chuộng, mở cửa phòng sinh hoạt ra, bước đến bên tôi và thì thầm:
-Xin lỗi cháu nhiều nhé, đứa trẻ này vốn dĩ không được lễ phép cho lắm. Nó chẳng chịu chơi đùa cùng những đứa trẻ bình thường khác, nó chẳng bao giờ niềm nở đón tiếp ai đến cả. Cháu cứ đi tham quan nơi này và chơi cùng những đứa trẻ khác đi nhé, các cô sẽ lo liệu cho con bé này. À đúng rồi, tên cô là Hopinessa Clarvelt, rất hân hạnh được đón tiếp cháu đến Thiên đường hạnh phúc!
-À, cháu cũng hân hạnh được gặp cô ạ. Cháu là Jeremy Dodoraq.
-Đợi đã nào... Chẳng lẽ cháu là con của Eva Dodoraq, người đã viết cuốn Một vạn ngân hà đó chứ?
Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi cô Hopinessa biết đến cả cuốn sách ấy – cuốn sách mà mẹ tôi đã dày công viết vào những tháng ngày vẫn còn chưa có sự đổ vỡ của một cuộc tình. Cuốn sách ấy vì không được ưa chuộng nên đã bị ngừng bán không lâu khi nó vừa được xuất bản.
-Vâng, đúng rồi ạ.
Cô Hopinessa hết lời khen ngợi mẹ tôi về tác phẩm ấy. Cô ấy cứ luôn miệng: "Nó là một kiệt tác hiếm có ở cõi đời!". Rồi ngay sau đó, cô lại gạt chuyện cuốn sách sang một bên và hớn hở chạy đến giúp đỡ những đứa trẻ đang miệt mài làm thủ công. Tôi thì vẫn không thể rời mắt khỏi đứa trẻ đang ngồi ngay trước mặt mình.
-Westley, tại sao em lại vẽ bức tranh này...? – tôi hỏi.
-Em vẽ mẹ.
Tôi sửng sốt nhìn vào bức tranh lấm lem của em ấy.
-Westley ... Em đang có chuyện phiền lòng đúng không? Em có thể kể hết cho chị nghe. Chị hứa, chị sẽ buồn thay cho em, em sẽ không còn buồn nữa.
Con bé giật mình quay sang nhìn chằm chằm vào tôi một lúc.
-Người lớn thật nhẫn tâm. – con bé buông thõng một câu, cau mày sau một hồi im lặng
-Tại sao?
-Cha mẹ của em đã chết vào ba năm trước. Vào tháng 1, mẹ đã tự tử vì áp lực công việc, gia đình, con cái. Các viên cảnh sát đến điều tra, họ chỉ tặc lưỡi nói khi nhìn thấy mẹ cùng một sợi dây thừng: "Cô ấy đã tự tử." rồi ra về. Những người bà con của mẹ cũng chẳng lấy làm quan tâm mấy, họ sống chỉ vì ích lợi của bản thân mình, họ sống chỉ để tranh giành của cải mà người bà quá cố sắp ra đi để lại. Họ không biết mẹ đã đau khổ như thế nào. Mẹ xài thuốc ngủ mỗi ngày, nhưng không phải một viên, hai viên, mẹ vơ cả nắm và dốc vào miệng. Ngày nào mẹ cũng đứng trước gương lăm lăm con dao về phía ngực mình. Ở công ti, vì nghèo và xấu xí, mẹ bị cô lập và ghét bỏ. Các đồng nghiệp thường bán tán, nói xấu về mẹ còn lão sếp già ác ôn lúc nào cũng cho mẹ tăng ca. Ông ta dọa nếu không làm việc, mẹ sẽ bị đuổi làm. Về nhà, mẹ lại gặp bố, tay ôm chai rượu lớn đã nốc cạn, tiếp tục chửi rủa: "Mày làm gì mà giờ này mới về thế này? Mày lại đi ăn ở với người đàn ông nào khác đúng không? Đã thế làm việc lại còn chẳng kiếm được bao nhiêu tiền!". Và rồi mẹ đã kết liễu cuộc đời như thế, mẹ ra đi, bỏ lại em lẫn cuộc sống vốn dĩ đã méo mó của mình. Khoảng vài tháng sau, bố cũng mất vì viêm phổi do hút thuốc lá quá nhiều. Em không hiểu vì lí do gì, nhưng con người thật quá đỗi nhẫn tâm. Họ nhẫn tâm trước cái chết của người khác dù trên cương vị là một viên quan cảnh sát kì cựu, họ nhẫn tâm trước cảm xúc của nhau, họ nhẫn tâm chửi rủa, mắng nhiếc, họ nhẫn tâm nói xấu sau lưng và đẩy hết việc làm cho người khác. Họ nhẫn tâm vì đã chẳng hiểu, chẳng cảm thông. Họ nhẫn tâm hành hạ thân xác lẫn tâm hồn mình, họ nhẫn tâm bỏ lại một cuộc sống vốn dĩ đã méo mó. Trước khi ra đi, mẹ đã nói với em thế này: "Sau này, chắc con sẽ chẳng nhìn thấy mẹ nữa. Mẹ ra đi không phải vì chán ghét cuộc sống, mẹ ra đi để thế giới không còn phải chứa một người tồi, con ạ." Cuộc sống có thể biến một con chim lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan thành một con quạ già cỗi vốn dĩ đã chết trong lòng nó. Con quạ chẳng còn chút hi vọng. Nó có cánh, nó có thể bay, nhưng cuộc sống cắt đi đôi cánh tuyệt đẹp của nó. Cuộc sống tước đoạt quyền hạnh phúc, tự do của con quạ. Cuộc sống ghét con quạ vì con quạ không phải là một con chim công hoàn mỹ, cuộc sống ghét chính con quạ đã bị nó nhuốm cho một màu đen tối và trở thành một con quạ đáng ghét, vô dụng. Thật nhẫn tâm, quá đỗi... Cuộc sống lẫn con người. Tại sao chứ? Tại sao mẹ lại rời đi một cách dễ dàng như thế? Mẹ đã hứa rồi mà? Hứa về một ngày đầy nắng, mẹ ôm lấy em ở một miền hoa thật đẹp...
Thêm một lời hứa bị phá vỡ.
Em đã rất bình tĩnh kể hết mọi việc cho tôi nghe. Nếu như em là một đứa trẻ bình thường, có lẽ em đã khóc nấc lên. Nhưng tôi biết em là một đứa trẻ đặc biệt. Những đứa trẻ đã bị cuộc sống bôi đen lên tờ giấy trắng của chúng luôn là những đứa trẻ đặc biệt. Chúng hiểu chuyện, và vì thế, chúng thiệt thòi. Một khi con người ta đã cảm nhận được nỗi đau cuộc sống, họ sẽ chẳng còn ngây thơ nữa. Em thật sự đã rất bình tĩnh, đã chẳng có tiếng nấc, giọt nước mắt hay sự run rẩy nào. Nhưng tôi đã khóc, có lẽ tôi đã khóc thay cho em. Tôi khóc thay cho em trước cái cách cuộc đời đối xử với một thiên thần nhỏ.
"Jeremy, liệu còn có bao nhiêu điều làm em đau đến như thế?"
Westley, liệu còn có bao nhiêu điều làm em đau đến như thế?
Nhìn thấy tôi khóc, em hỏi:
-Chị khóc thay cho em đấy sao?
-Chị không khóc cho một Helian Westley lúc nào cũng thích chôn chặt nỗi đau trong lòng mình và dằn vặt với nó. Chị khóc thay cho một thiên thần.
Ánh mắt em nhìn tôi khóc mới thật dịu dàng.
-Cha mẹ của em... Họ có đối xử tốt với em không? – tôi hỏi.
-Với em ấy ạ...? – Westley ngập ngừng. – Cũng không hẳn... Mẹ em đi làm từ sáng sớm đến tận đêm khuya, rồi ngay khi vừa về đến nhà là mẹ lại khóa cửa phòng ngủ và nhốt bản thân một mình trong đó nên em hiếm khi gặp mẹ. Còn bố không được thích em lắm thì phải, bố thích con trai cơ, bố không thích con gái. Bố đặt áp lực học tập lên em cực kì lớn. Mỗi khi em không được điểm tối đa hay ít nhất là đứng đầu lớp, bố thường bẻ cong một cái móc sắt rồi vụt lên vụt xuống đau điếng vào người em, cho đến khi thấy máu chảy ra từ những vết đánh, bố mới thôi đánh, nhưng lại tiếp tục chửi bới và mắng nhiếc. Bố chẳng bao giờ hiểu cho em. Người ta thường bảo bố mẹ thương, quan tâm mới la rầy. Nếu lời họ nói là thật thì em chẳng cần cái "tình cảm" ấy từ bố làm gì cả. Ngoài chuyện đó ra, bố còn hay đánh em chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Bố hay bắt em quỳ gối ngồi phạt ngoài trời nắng gắt hai tiếng đồng hồ, hay nhịn ăn cơm ba ngày liên tiếp. Rồi bố sa vào các sòng bạc và rượu chè. Bố cho em nghỉ học để có tiền mua rượu và đánh cược vào các sòng bài. Từ ấy, bố nợ nần chồng chất, đâm ra bố còn khó tính và cộc cằn hơn khi trước nữa. Bố đánh em càng lúc càng đau và thường xuyên hơn, và bố cũng bắt đầu đánh mẹ nữa. – vừa nói, em vừa cố gắng lấy tay che đi những vết bầm dập đau đớn trên cơ thể mình. Em khiến tim tôi như se lại đau nhói, em khiến đôi mắt tôi cứ ngấn lệ, và hai hàng nước mắt cứ thế chảy dài mãi không ngưng.
-Em vào đây là vì không có người nào chăm sóc đúng không?
-Vâng. Như em đã nói, các bà con họ hàng của mẹ chẳng quan tâm gì đến nhau, ông bà em thì đã mất từ rất lâu rồi, nên đương nhiên nơi em đến phải là trại trẻ. Em đã đến đây một mình và gặp cô Birch, cô Vanessa và cô Hopinessa, họ đã cho em ở lại đây. Nhưng cái gì mà "thiên đường của hạnh phúc" chứ...
Tại sao cuộc sống lại quá đỗi nhẫn tâm đối xử với em như thế? Em ơi, đáng ra thứ em đáng có phải là một cuộc sống sum vầy hạnh phúc chứ? Tại sao vậy em ơi? Sao cuộc đời không thể hiểu cho em một chút chứ? Tại sao vậy, tại sao em phải quá hiểu chuyện như thế? Ôi, em còn quá nhỏ, em là một thiên thần. Tại sao vậy, tại sao cuộc sống lại nhuốm màu u tối cho một trái tim đã không còn vẻ đẹp thuần khiết của nó?
Tại sao em, chính em là người phải sống với những niềm đau?
Thấy tôi mãi không ngưng khóc, Westley nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi ra ngoài.
-Chị, em sẽ cho chị xem bí mật của em. – con bé nhẹ nhàng nói.
Westley lén lút dẫn tôi ra khỏi phòng sinh hoạt khi những đứa trẻ khác vẫn còn đang cắm cúi làm cái thứ đồ thủ công với kéo, chì màu, hồ dán và giấy. Em dẫn tôi ra sân sau của trại trẻ, ở đó có một hàng rào lớn bằng gỗ. Westley chỉ tay vào một cái lỗ bên dưới chân hàng rào, nói:
-Chui qua đây, rồi em sẽ cho chị xem bí mật của em.
Westley cúi người rồi bò qua trước. Cái lỗ cũng vừa đủ lớn để tôi lách qua phía bên kia hàng rào.
Tôi từ từ chồm dậy, và trước mặt tôi là cả một vườn hoa hướng dương đẹp tuyệt sắc, vừa rực rỡ, vừa rạng ngời. Cây nào cây nấy mọc san sát nhau trong cái khu vườn nhỏ hẹp ấy.
-Đây là khu vườn bí mật của em. Trong một lần bị mắng, em đã lẻn ra ngoài và tình cờ phát hiện ra khu vườn này.
-Oa, đẹp thật đấy! – tôi cười.
-Chị có biết tại sao trên cửa phòng cô Vanessa có một chiếc nơ đen không? – em đột nhiên hỏi.
-Tại sao?
-Đứa em gái ba tuổi của chị ấy, Layla, đã chết vào ba năm trước. Em ấy đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Cha mẹ của Layla đã li hôn và tự quyết định bỏ rơi đứa trẻ ở ngoài đường, lúc đó cô Vanessa đang còn ở nước ngoài làm việc.
Tôi lặng thinh, chẳng biết đáp gì.
-Con người ta đã phải chịu đựng hay trải qua những gì, ai mà biết được, đúng không chị? Cô Vanessa đã cố lấp đầy trái tim méo mó của mình bằng những gam màu mà cô có ở trại trẻ, nhưng nỗi đau mất người em gái mà cô hằng chôn giấu, dằn vặt với nó vẫn sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai được. Cô đã phải sống chung với nỗi đau xót xa ấy, ngày qua ngày, để tiếp tục tồn tại ở nhân gian. Bởi vậy, con người ta lúc nào cũng trông vui vẻ không có nghĩa là họ không có vết thương lòng. Vườn hoa hướng dương đẹp đẽ này cũng thế, ai mà biết được, liệu ẩn sâu trong vẻ đẹp rạng ngời đến chói lòa, có người đã nhờ nó cất hộ những niềm đau?
-Westley...
-Em thường xuyên ra đây tưới cây, chăm sóc cho hoa. Em còn ôm chúng nữa.
-Em ôm chúng?
-Vâng, em sợ những cây này sẽ không đủ yêu thương nên em lúc nào cũng ôm từng cái một. Từ trước đến giờ, bố mẹ chưa một lần nào ôm em cả, họ chẳng bao giờ nói những điều ngọt ngào cho nhau nghe, và với em cũng thế. Nếu những cái cây này cũng bị đối xử như em, chúng sẽ không thể rạng rỡ như thế này được. Em không muốn chúng cũng bị nhuốm một màu u tối, em không muốn chúng cũng phải chết trong những niềm đau.
Đây rồi, trước mắt tôi, một thiên thần với trái tim đã vụn vỡ, đang rạng ngời trong sự thánh thiện và trong trắng của chính em.
-Westley, chị ôm em nhé?
Không đợi đứa trẻ đồng ý hay không, tôi ôm chầm lấy nó.
-Chị cảm thấy rất có lỗi, chị không thể hiểu hết những điều mà cuộc đời đã tàn nhẫn đối xử với em. Chị không thể gánh hết những u buồn và sự mất mát mà em đã phải chôn giữ, đã phải sống với chúng. Nhưng ít nhất, hãy để chị khóc thay phần nào cho những tổn thương của em nhé? Có chị khóc thay rồi, em đừng khóc trong lòng nữa, nhé? Em cũng là một bông hoa hướng dương, em cũng xứng đáng được yêu thương. Chị không muốn em phải tiếp tục sống với những niềm đau nữa. Hãy yêu thương cuộc sống, hãy yêu thương người, hãy yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn nữa, hứa với chị nhé, Helian Westley?
Con bé cũng dang tay ra ôm chầm lấy tôi.
Tôi ra về trong sự tiếc nuối hiện rõ trên khuôn mặt bọn trẻ. Chỉ có Westley là vẫn mỉm cười, nói:
-Chị nhớ thường xuyên đến thăm em nhé. Cảm ơn chị vì hôm nay đã đến.
-À đúng rồi, chị là Jeremy Dodoraq, chị có thể gọi em là Helian vào lần tới được không?
-Được ạ. Em cũng có thể gọi chị là Jeremy chứ?
-Ừm.
Sau đó, các cô giáo tiễn tôi ra tận cổng trại. Bỗng Helian lại từ đâu chạy tới, nắm lấy tay tôi và thiết tha lời cuối cùng:
-Chị, em hứa.
Mặt trời cuối cùng cũng đã như bắt đầu le lói trong trái tim của con bé.
Tôi đã dành cả buổi sáng hôm ấy ở trại trẻ, và tôi hi vọng với khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã có thể khiến cho thiên thần ấy ở lại với nhân gian này. Cuộc sống cần em ở lại. Có em, tôi mới có người để khóc thay. Có em, tôi mới có thể thương xót cho những nỗi đau và mất mát mà em phải gánh chịu. Có em, tôi thấy được rất rõ, những gì một trái tim vụn vỡ đã phải chứa đựng. Có em, tôi mới được cảm nhận sự trong sáng và tuyệt vời trong chính con người, trong chính tâm hồn em. Có em tôi mới được ngồi lại, lắng nghe em và thấu hiểu, cảm thông cho những gì em nói. Có em tôi mới có buổi sáng hôm nay – một buổi sáng đặc biệt vì buổi sáng ấy có em chứ không phải ai khác.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top