Thiên nhiên gian khổ TT VB

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
+ Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ:
++ Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến":
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được con đường hành quân trùng điệp, hoang vu, hiểm trở của núi rừng; thiên nhiên khắc nghiệt mà kì vĩ qua cách tả chặng đường hành quân nhiều dốc cao, vực thẳm và vắng vẻ (khúc khuỷu,thăm thẳm, heo hút, ngàn thước ... ); người lính Tây Tiến chịu đựng gian nan, vất vả nhưng vẫn tếu táo, ngộ nghĩnh, thanh thản trong tâm hồn (súng ngửi trời, Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi... ); bút pháp lãng mạn, âm điệu thơ cổ kính mà rắn rỏi, giàu chất thi trung hữu hoạ...
++ Đoạn thơ trong bài "Việt Bắc":
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được cảnh mưa trắng nguồn, lũ ngập đầy suối, tả thực về thiên nhiên khắc nghiệt nơi núi rừng Việt Bắc(Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù...). Cuộc sống ở chiến khu cách mạng nhiều gian nan cực khổ; mối thù đối với quân xâm lược đè nặng đôi vai, luôn nhắc nhở nuôi dưỡng ý chí chiến đấu để giải phóng đất nước(miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai); thể thơ lục bát, âm điệu du dương gợi nhớ thiên nhiên và cuộc sống kháng chiến trong tâm trí người cán bộ về xuôi khi tạm biệt Việt Bắc.
+ Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi đoạn: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
++ Sự tương đồng: Hai đoạn thơ tiêu biểu cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện thiên nhiên khắc nghiệt mà hữu tình , cuộc sống gian khổ mà lạc quan yêu đời.
++ Sự khác biệt:
+++ Thiên nhiên trong đoạn thơ của Quang Dũng khắc nghiệt, dữ dội nhưng kì vĩ, thơ mộng; hình ảnh người lính hiện lên trong vẻ đẹp mạnh mẽ, lạc quan; thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại. Cảm hứng lãng mạn chủ đạo cả đoạn thơ.
+++ Thiên nhiên trong đoạn thơ Việt Bắc của Tố Hữu gần gũi, quen thuộc mà trữ tình; con người Việt Bắc hiện lên trong cuộc sống gian khổ mà nghĩa tình, căm thù giặc sâu sắc; thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca, êm ái như lời ru.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: