Chủ nghĩa anh hùng

Chủ nghĩa anh hùng qua Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình

1. Mở bài
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã đạt nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là trong mảng tác phẩm thể hiện phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai truyện ngắn " Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi là hai tác phẩm đã thành công trong sự khắc họa những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp, cho lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, sức mạnh chiến đấu của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm.
2. Thế nào là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học?
Đó là sự thể hiện của lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ tổ quốc của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là sự trung thành với lí tưởng cách mạng được thử thách trong những hòan cảnh khốc liệt, qua đó bộc lộ được vẻ đẹp của phẩm chất anh hùng có tính chất tiêu biểu cho cả dân tộc.
3.Thân bài
3.1. Về tác giả :
Cả hai tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều gắn bó với cuộc chiến đấu chống Mĩ, là những nhà văn chiến sĩ ở tuyến đầu máu lửa à Tác phẩm của họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu với những hình tượng nhân vật sinh động, bước vào văn học từ thực tế chiến đấu.
3.2. Về hoàn cảnh sáng tác :
Hai truyện ngắn "Rừng xà nu" ( 1965), "Những đứa con trong gia đình" (1966) đều ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đế quốc Mĩ đổ quân vào miền Nam nước ta, dân tộc ta đứng trước trận chiến một mất một còn để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quyền sống. Đó là bối cảnh lịch sử để từ đó hai tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chất sử thi đậm đà.
3.3. Về hình tượng nhân vật của hai truyện ngắn:
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trước tiên thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu của hai truyện ngắn là nhân vật Tnu và Việt
Trước tiên, họ đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc:
Khi còn nhỏ, Tnú được miêu tả như 1 cậu bé anh hùng: không có chuyện đánh quay, thả diều, bắt dế,...Tnú không sống 1 tuổi thơ bình thường mà đầy ắp những câu chuyện phi thường, đầy ắp chuyện chiến đấu. Tnú sớm là 1 cậu bé can trường, lanh lợi, trung thành với CM. Mặc dù cho giặc chặt đầu những người vào rừng nuôi giấu cán bộ, Tnú và Mai vẫn xung phong làm việc này. Tnú rất khôn ngoan, thường vượt qua suối ở những chỗ nước chảy xiết, tức là chỗ không ngờ nhất. Khi bị địch bắt, tra hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đã chỉ ngay vào bụng: "ở đây nay". Lưng Tnú lại hằn lên những vết dao chém của kẻ thù.Người anh hùng nhỏ tuổi Tnú không sống cuộc đời bình thường và ngay cái việc bình thường như học chữ, Tnú cũng được miêu tả 1 cách phi thường- tức là Tnú học theo kiểu 1 người anh hùng: để tự trừng trị tội chóng quên chữ, Tnú đã lấp đá đập đầu đến mức máu chảy ròng ròng- 1 chi tiết rất" Nguyễn Trung Thành": bởi ông luôn đẩy cái bình thường lên thành cái phi thường đẻ diễn tả vẻ đẹp cao cả của chủ nghĩa anh hùng CN Việt Nam trong những năm đánh Mĩ.
Họ đã chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc. Với Tnú, anh có đầy đủ phẩm chất anh hùng, lại có thêm mối tình thơ mộng với Mai- 1 cô gái xinh đẹp, dịu dàng- vậy mà Tnú vẫn không bảo vệ được hạnh phúc gia đình đang đẹp như trăng rằm soi trên đỉnh Ngọc Linh. Đoạn văn miêu tả sự bất lực của Tnú trước cái chết của vợ con tràn đầy cảm xúc và ấn tượng. " Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy (...).Ở chỗ 2 con mắt anh bây giờ là 2 cục lửa lớn." 1 chi tiết dữ dội và bi thương. Căm thù đốt cháy 2 con mắt Tnú, nhưng căm thù mà bất lực. Vì sao vây? Tác giả đã mượn lời cụ Mết để giải thích thật thấm thía: " Tnú, mày không cứu được vợ con( .....). Trong tay mày chỉ có 2 bàn tay trắng. Tau cũng không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có 2 bàn tay trắng không.". Hình ảnh trong lời cụ Mết, trở thành 1 trăn trở lớn, âm vang 1 triết lí lớn: bạo lực chỉ có thể bị tiêu diệt bằng chính bạo lực, bạo lực CM là con đường sống duy nhất của nhân dân trước kẻ thù. Đây là chân lí lớn của cuộc đời chứ không phải là khẩu hiệu ồn ã. Chất tư tưởng hoà quyện với chất hình tượng và chất trữ tình khiến nhân vật sâu sắc mà không khô khan, tạo nên sức hấp dẫn đầy tính thẩm mĩ. Còn Chiến và Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc.
Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam. Biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Tnú lên đường đi "lực lượng" dù mỗi ngón tay mất đi một đốt, Chiến và Việt cùng vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống. Họ chiến đấu bởi sức mạnh của lòng căm thù giặc, cũng là bởi sức mạnh của tình yêu thương, vì: chỉ có cầm vũ khí đứng lên, ta mới có thể bảo vệ được những gì thiêng liêng nhất, bảo vệ tình yêu và sự sống. Chân lí đó đã được minh chứng qua số phận và con đường cách mạng của những người dân Nam Bộ trong hai tác phẩm trên, chân lí đó cũng được rút ra từ thực tế đau thương mất mát nên nó càng có giá trị, càng phải khắc sâu vào lòng người.
Họ đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm:Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn không khai. Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù à Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ. Nhà văn đã xây dựng nhân vật Tnú bằng cảm hứng lịch sử mê say, bằng những chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh, như hình ảnh "đôi bàn tay Tnú". Đôi bàn tay mà chứa cả 1 cuộc đời : đấy là bàn tay của ý chí học chữ khi Tnú cầm đá đạp vào đầu, đấy là bàn tay run rẩy hạnh phúc khi Tnú thoát ngục trở về được Mai cầm đôi bàn tay ấy mà khóc, bàn tay Tnú kiêu dũng đặt vào bụng mình mà thách thức kẻ thù, ngọn lửa đốt 10 đầu ngón tay Tnú, biến bàn tay thành hành động quả báo để bàn tay Tnú xiết vào cổ họng " những thằng Dục". ( với Tnú " chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục). Bàn tay nhỏ mà mang ý nghĩa lớn: đó là cuộc đời 1 người anh hùng, đó cũng là cuộc đời của cả 1 dân tộc đau thương và hào hùng. Nhân vật sử thi của NTT gánh nặng số phận lịch sử khiến Tnú phảng phất hình ảnh nững anh hùng trong trường ca Tây Nguyên như Đăm San, Đăm bri,....
Với Việt, ta cảm thấy hình như chưa lúc nào Việt hết thơ ngây của một con người không biết thế nào là khuất phục. Nên từ lúc còn bé tí, Việt đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình. Và vẫn dòng máy đỏ chảy trong anh tân binh Việt chỉ khi một mình, với đôi mắt không còn nhìn thấy gì, với hai bàn tay đau đớn vẫn quyết tâm ăn thua sống mái với quân thù: "Trên trời có mày, dưới đất có mày, khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày". Cứ vậy, người trai giản dị ấy thấy việc đi đánh giặc nó cũng tự nhiên như đi bắt ếch hay bắn ná thun, việc đánh giặc cho kỳ đến lúc trả xong thù nhà nợ nước nó là chuyện dĩ nhiên như thế, có gì đâu để mà bàn, để mà nghĩ ngợi...? Ấy thế mà xem ra Việt lại là người đi xa hơn cả trong dòng sông truyền thống. Không chỉ vì Việt là người lập chiến công lớn nhất. Mà còn vì thế hệ cha chú Việt đánh giặc đấy, nhưng vẫn lo tránh giặc. Còn Việt, ngay khi chỉ có một tấm thân trơ trọi và đầy thương tích, Việt vẫn là người đi tìm giặc. "Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy". Hồi bấy giờ, người ta thường nói đến khí thế tiến công cách mạng của thời đại. Việt chính là hiện thân của sức trẻ tiến công. Có thể nói, hành động giết giặc để trả thù nhà, đền nợ nước đã trở thành một trong những thước đo quan trọng nhất về phẩm cách con người của nhân vật Nguyễn Thi.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ thể hiện ở từng nhân vật , mà còn thể hiện ở tập thể nhân vật anh hùng, và mỗi nhân vật đều tượng trưng cho phẩm chất của cả cộng đồng: Cụ Mết, Mai, Dít, Heng trong "Rừng xà nu"; ba, má, chú Năm, chị Chiến, trong "Những đứa con trong gia đình". Họ đều là những con người yêu quê hương đất nước, gắn bó với buôn làng, với gia đình, với người thân yêu. Tình yêu tổ quốc của họ bắt đầu từ những tình cảm bình dị đó, cho nên nó càng bền bỉ, càng có sức mạnh lớn lao khiến kẻ thù phải run sợ.
Tóm lại, các nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng thương đau của chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
3.4. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện ở sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu ác liệt:
Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu mặc dù " Trong rừng hàng vạn cây, không cây nào không bị thương", nhưng vẫn " ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng", một cây ngã xuống thì bốn năm cây con mọc lên. Mai hi sinh thì Dít vươn lên thay thế, Heng như cây xà nu non hứa hẹn trở thành cây xà nu cường tráng tiếp nối cha anh. Tầng tầng, lớp lớp những người dân Xô Man Tây Nguyên tiếp nối đứng lên kiên cường chiến đấu với quân thù để bảo vệ quê hương đất nước mình. Ông nội bị giặc giết, cha của Chiến và Việt trở thành cán bộ Việt Minh, cha bị giết hại dã man, má Việt tiếp tục nuôi con và chiến đấu, đến khi má ngã xuống thì anh em Chiến và Việt lại tiếp nối con đường chiến đấu, thực hiện lí tưởng của gia đình, và trong dòng sông truyền thống của gia đình, họ là khúc sông sau nên hứa hẹn đi xa hơn cả thế hệ trước.Sự tiếp nối và kế thừa đó đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam thời chống Mĩ, là sức sống bất diệt giúp họ vượt qua bao đau thương do kẻ thù gây ra để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.
4. Nghệ thuật
Nghệ thuật sử thi đòi hỏi tác phẩm tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước; phản ánh được chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Đề tài : cuộc chiến đấu của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược. Chủ đề : ngợi ca phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.Nhân vật chính : Là những con người tiêu biểu cho cộng đồng về lí tưởng và phẩm chất, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu hi sinh. Giọng văn: ngợi ca, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn cách mạng.
Hai truyện ngắn là hai bản anh hùng ca thời đại đánh Mĩ.
5. Kết luận
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại chống Mĩ hiện diện trên khắp mọi miền của đất nước. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến miền núi. Tất cả tạo nên một sức mạnh long trời lở đất để " nhấn chìm lũ bán nước và quân cướp nước". Cuộc đời và sự hi sinh của những con người Việt Nam anh hùng mãi mãi là bản anh hùng ca tuyệt đẹp cho các thế hệ Việt Nam noi theo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: