meanie | hẹn người trước hoàng hôn
Tiếng động cơ xe máy vọng lại từ cuối con dốc, cũ kĩ và bền bỉ.
Ông lão cũng gần bảy chục tuổi rồi, tóc cũng không còn xanh nhưng sức thì vẫn dẻo dai lắm. Một lúc tằng tằng ôm hai thùng sữa đặt lên yên sau, lúc thì ngồi trên chiếc xe mỉm cười lấy sữa đặt trước cổng nhà nọ rồi bấm chuông.
Người ta gọi ông là ông Quý, người giao sữa ở tiểu khu này.
Mỗi buổi sáng ông đều dậy từ rất sớm, bon bon trên con chiến mã đi lấy sữa về giao cho từng nhà. Ở gần tiểu khu có một nhà máy sản xuất sữa, người dân ở đây đều đặt sữa theo tháng, có hộ đặt theo quý nên công việc giao sữa đều đặn mỗi ngày được gửi gắm ông Quý.
Ông già cả, không có con cái, không có vợ, chỉ một mình nên xung phong nhận việc này. Thù lao kiếm được không nhiều, cộng với lương hưu và lương chế độ là vừa đủ trang trải cuộc sống.
Mọi người ai cũng quý mến ông Quý, chăm chỉ tỉ mỉ cần mẫn lại vô cùng thân thiện.
Nhà số 232 đi du lịch không ở nhà nên phần sữa được chủ nhà tặng cho ông, nhưng ông lại rất ít khi uống sữa. Ông Quý đem cho trường mẫu giáo trong tiểu khu, các cô giáo đều ngại ngùng không dám nhận.
"Các cô cầm lấy cho các cháu, tôi già cả rồi, uống sữa làm gì nữa"
"Ông uống thêm sữa cho chắc khỏe xương, mấy đứa nhỏ mỗi ngày đều được bổ sung đầy đủ canxi rồi ạ"
Ông Quý xuống xe, ôm cả thùng sữa đi thẳng vào trong sân.
"Các cháu đầy đủ thì còn có các cô, chứ tôi gần đất xa trời rồi không cần bổ sung canxi gì đâu"
Các cháu nhỏ nhận ra ông Quý, đứa nào đứa nấy lon ton chạy lại khoe ông hôm nay cháu nhận bao nhiêu hoa học trò, bao nhiêu phiếu bé ngoan, cô khen cháu thế nào. Tiếng nói của những đứa nhỏ là thanh âm tươi mới rộn ràng mà ông mong nhất trong ngày làm việc của mình.
Ông ẵm một bé gái lên thơm vào má, lại cúi xuống xoa đầu một bé trai với ánh mắt trìu mến, miệng không ngừng khen ngợi.
"Các cháu bạn nào cũng giỏi, bạn nào cũng ngoan, nghe lời các cô"
Cô bé được ông ẵm thì cứ sờ cằm lún phún râu của ông tò mò, sau đó lại thì tầm vào tai ông.
"Ông ơi ông thả cháu xuống không lại mệt"
Đến lúc vào giờ học mới thì các bạn nhỏ đi vào lớp, ai cũng nắm tay chào tạm biệt ông hẹn ngày mai lại gặp.
Ông Quý ôm thùng sữa còn lại gửi các cô. Hai bên lưỡng lự mãi, ông đành cầm về hai hộp thì các cô giáo mới dám nhận sữa.
Khởi động chiếc xe máy của mình trở về nhà, nhà ông Quý nằm xa tít gần cuối đường, phần đất chỗ ông ở giáp với đồng ruộng của mấy hộ sống gần đó. Ông đã giao kèo sẵn sau này sẽ bán lại cho họ với giá rẻ, tiền thì sẽ để lo chi phí tang lễ, còn dư thì để quyên góp. Căn nhà cũng không quá lớn, chủ yếu là ở một mình nên thấy rộng rãi.
Trên đường trở về ông Quý thấy một ông lão trạc tuổi mình, lấm lét nhìn ngó khắp nhà này nhà nọ trong tiểu khu. Nếu là người trẻ hơn chắc chắn ông đoán là ăn trộm, nhưng người này già, còn kéo một chiếc vali khá to.
Bản thân già rồi thì không nên tò mò, nhưng có vẻ là người này cần ông giúp.
"Ông tìm ai ở khu này à?"
Ông lão kia cất giọng trầm ấm trả lời ông.
"Tôi tới để mua nhà, mà gọi điện thoại lại không nghe máy, địa chỉ này hơi khó tìm"
Ông Quý gật gù, sau đó trả lời hào sảng.
"Tôi giúp ông tìm, tôi là thổ địa khu này đấy"
Tiếng cười của ông xua tan đi bầu không khí gượng gạo giữa hai người lạ, hoặc là cũng vì họ trạc tuổi nhau lại đều lớn tuổi nên không có gì có thể khiến họ mất tự nhiên cả.
"Vậy thì tốt quá, cảm ơn ông"
Đáng lẽ ông Quý có thể mời người ta lên xe để mình chở đi, nhưng thùng giao sữa vẫn còn ở sau xe ông, ông lão kia lại kéo vali to nên ông Quý đành để người ta đi bộ, còn mình thì dắt xe máy đi bên cạnh.
Hai người vừa đi vừa trò chuyện rất vui. Ông lão này là người phương Bắc, tìm về phương Nam ấm này mua một ngôi nhà để ở những năm tháng cuối đời, cũng không có gia đình người thân gì cả.
"Tôi là Kim Minh Quý, ở đây mọi người trong khu đều gọi tôi là ông Quý"
"À vâng rất cảm ơn ông đã giúp đỡ tôi, tôi vừa đi vừa tìm chắc đến tối mất"
Ông lão trạc tuổi mình mà da vẫn rất đẹp, cười lên nhìn vô cùng phúc hậu. Ông Quý chợt nổi một chút ghen tị sao cùng già mà da ông lão kia lại đẹp như thế được chứ.
"Ông còn chưa cho tôi biết tên ông"
"Tôi là Đoàn Nguyên Vũ, sinh năm Nhâm Ngọ"
"À tôi Quý Mùi, ông anh hơn tôi một tuổi rồi"
"Cũng- cũng phải"
Ông Quý cười một tiếng rồi đặt ra vấn đề xưng hô - "Tôi nên gọi ông là anh Vũ không đây? Nhưng mà ông anh trông rõ là trẻ hơn tôi ý, Nhâm Ngọ nhé, mà chẳng có vết chân chim nào"
"Tùy ông quyết định"
"Sau này là hàng xóm rồi, nhà tôi ở cuối đường, qua con dốc thứ hai đoạn trên kia là tới, hôm nào mời ông anh tới chơi"
Nhờ sự giúp đỡ của ông Quý, ông Vũ tìm được địa chỉ người bán nhà nhanh hơn nhiều. Dắt chiếc xe máy vào, ông Quý mới biết hóa ra họ bán nhà vì cô con gái lấy chồng trong thành phố đón lên ở cùng.
Có con cái cũng thích thật, về già cũng có người chăm lo, cũng có người bầu bạn.
Nghĩ một lúc, ông ở ngoài sân xem mấy cây cảnh, dù gì cũng đang rảnh rỗi. Nhà này còn có một cửa hàng nhỏ ở phía trước, sau này ông Vũ có buôn bán gì ông cũng có thể tiện đường giúp giao đồ đi. Nghĩ đến tương lai có thể giúp được ông Vũ làm gì đó, tâm tình ông Quý tốt hẳn lên.
Giúp người thì giúp cho trót, ông Quý chờ đến khi họ bàn giao xong hợp đồng mới hỏi chỗ ở của ông Vũ.
"Họ chắc mai mới chuyển đi, vậy tối nay ông ở đâu?"
"Ở gần đây có nhà nghỉ nào không?"
"Nhà tôi nè"
Dáng vẻ một ông lão 64 tuổi đôi mắt chớp chớp nói như vậy thấy không đúng cho lắm, ông Quý thu hồi biểu cảm, đè giọng xuống nói trầm đục, nhà tôi nè. Ông Vũ chỉ thấy vô cùng buồn cười, người này 64 tuổi rồi mà sao vẫn trẻ con như vậy.
"Vậy nếu ông không phiền..."
"Phiền, rất phiền, tôi không cho ông ở ké đâu"
Ông Quý nét mặt đắc thắng trêu chọc ông Vũ, người ngoài còn tưởng họ mười chín đôi mươi hoặc đã quen nhau từ lâu lắm chứ không phải mới quen hôm nay.
"Cái lão này..."
Ông Vũ cũng không kém cạnh, mắng một câu.
"Hồi nãy ông còn mời tôi hôm nào tới nhà ông chơi"
Ông Quý phủi phủi cái tay vừa xem mấy cây cảnh ở trước sân vào quần áo, nhìn ông Vũ một lát rồi ra điều kiện.
"Ông có thích uống sữa không?"
***
Ra đến cổng, ông Quý mới nhớ ra thùng giao sữa vẫn còn ở trên xe, vội vàng báo ông Vũ chờ một chút.
Ông về nhà cất thùng giao sữa, sau đó lái xe tới đón người bạn già mới quen và cái vali to, nhưng mà thương ông anh đặt cái vali lên đùi mà đi thì khéo lại mua xe lăn sớm. Vậy nên ông Quý lại hì hục cho vali lên yên sau, đi một chuyến nữa về nhà rồi mới quay lại đón ông Vũ.
Bớ người ta, cướp đồ.
Ông Vũ đặt tay lên miệng sau đó nói thầm trêu chọc người vừa giúp mình thảy cái vali lên yên sau con chiến mã già cỗi mang đi, rồi cũng người đó cất công tới đón mình.
"Ý là ông mà hét vậy là tôi không chở ông về nữa đâu đấy"
"Lấy hành lý của người ta mang về rồi mà không chịu trách nhiệm với người ta à?"
Ông Quý tự nhiên thoáng qua bối rối.
Từng này tuổi đầu, ông mới được nghe một câu, ừm, có được gọi là tán tỉnh không.
Tâm trí đang treo ngược trên cây táo bên vệ đường, ông Quý được ông Vũ kéo cái hồn lại.
"Nói mới nhớ, sức ông ghê ha, chạy xe cứ tằng tằng, mà mồ hôi nhiều quá này"
Ông Vũ chủ động lấy khăn tay lau mồ hôi lấm tấm trên mặt ông Quý.
Trời ơi cái khăn sao mà nó thơm!!!
Cho đến khi chiếc khăn tay yên vị trong túi áo ông Vũ, ông Quý vẫn còn tiêng tiếc cái sự mềm mại thơm tho vừa xuất hiện trên mặt mình.
"Bám chặt vào tôi, ông anh nảy ra ngoài rơi tại đâu lại mất công tôi đi nhặt về"
Ông Vũ vừa lên xe, đặt hai tay lên eo ông Quý được khoảng hai giây liền thuận tay nhéo một cái làm ông Quý quắn người.
"Cũng tại mới quen, nên em trai à, em chưa biết anh có võ rồi"
Võ mèo hay sao mà cào cấu dữ vậy hả?
Con mèo 65 tuổi...
Ông Quý tiện đường còn ghé qua chợ mua ít đồ về nấu cơm. Hỏi hết món này món nọ, mới biết con mèo già ngồi sau xe ông khá là kén ăn, bảo sao mà gầy như vậy. Gầy như vậy mà da dẻ tốt ghê, mỗi khi nói là cái má cứ nhún nhảy. Ông anh không định già à? Ông anh không bị lão hoá à?
Ông Quý chốt hạ mua sườn về nấu canh củ cải, mà cố ý mua dư nấu thêm món sườn xào chua ngọt, đi qua hàng gà lại thấy nay có khách mà, đãi thêm con gà làm dăm món đi, gà xào sả ớt, gà hấp lá chanh, thêm chục cái chân vừa nhâm nhi vừa bia bọt thì vui phải biết, nghĩ thế là lại chốt thêm két bia dù sao ở nhà cũng sắp hết bia rồi.
Hôm nay nhà có khách, phải ăn sang một tí.
Ông Quý vào bếp nửa tiếng là đã có cỗ bàn đầy đủ, làm ông Vũ vô cùng xúc động, lâu lắm rồi không được ăn một bữa thịnh soạn như vậy. Bình thường là ông Vũ sẽ ăn đơn giản hoặc gọi đồ ăn bên ngoài, mà mấy cái App hiện đại bây giờ ông không hiểu cách dùng nên hay nhờ hàng xóm ở chỗ ở cũ đặt giúp, hoặc ông tự đi tiệm ăn. Sự thật là trù nghệ ông Vũ không được tính là ổn nên rất biết tự lượng sức mình.
Tối hôm ấy cũng là ông Quý vào bếp, ông Vũ rửa bát. Ăn xong hai người ra đầu ngõ hóng gió, gió thổi từ đồng vào mát rượi. Sau đó hai người đi dạo quanh tiểu khu, vừa đi vừa nói rất nhiều chuyện.
Trước đây ông Vũ là thầy giáo dạy âm nhạc ở một nhạc viện, xin nghỉ hưu sớm. Không có người thân nào, họ hàng cũng đều định cư ở nước ngoài, những năm tháng tuổi già muốn tới phương Nam này sống, khí hậu tốt mà ở đây có vẻ rất yên bình. Điểm này ông Quý đồng ý, nhất là ở tiểu khu này, ông đã sống ở đây từ rất lâu chưa từng nghe một chút cãi vã nào hay có biến động gì.
Ông Quý giới thiệu về tiểu khu, đi qua đến đâu là giới thiệu đến đó, sau đó giới thiệu về công việc mình làm mỗi ngày.
"Thế nên là, ông có thích uống sữa không?"
"Nếu không uống tôi có thể dùng để làm cái khác không?"
"Làm cái gì?"
"Kem sữa chua"
"Trời đất ơi ông anh không biết nấu ăn nhưng biết làm kem sữa chua luôn hả? Sao lạ lùng quá vậy?"
Ông Vũ nhìn vẻ bất ngờ của ông Quý mà không giấu được nụ cười.
"Nghe lạ ha, nhưng chắc do hồi nhỏ tôi đã cùng mẹ làm rất nhiều nên thành thạo đó"
"Mai làm luôn, chuyển nhà xong làm luôn. Ngon nghẻ là mở cửa hàng bán luôn, tôi đầu tư, cho làm cổ đông ké nhé"
"Chẳng tính buôn bán đâu, làm cho ông ăn thôi"
Ông Quý vẫn còn đang đuổi theo suy nghĩ về vốn đầu tư, không để ý kĩ lời ông Vũ nói. Ông Vũ cũng cúi đầu không dám nhìn ông Quý, không hiểu sao già rồi, nhưng mặt lại nhanh ấm lên thế.
Sáng hôm sau, ông Quý dậy sớm đi giao sữa để chìa khóa cho ông Vũ kèm lời nhắn "Ông cứ khóa cửa sang nhà mới chừng nào về tới là tôi lấy, tiện thể giúp ông dọn dẹp mua sắm đồ tân gia luôn".
Tờ giấy nhắn được ông Vũ gấp lại cẩn thận rồi cất đi.
Việc chuyển nhà trông vậy thôi cũng tới mấy ngày, gia đình kia có khá nhiều đồ đạc. Vì thế ông Vũ cứ ở nhà ông Quý, giặt đồ phơi đồ dọn dẹp nhà đợi ông Quý đi làm về nấu cơm. Mà bình thường mấy việc nhà ông Quý đều tự tay làm hết vì tính ông vốn không thích bừa bộn, về đến nhà thấy nhà cửa tinh tươm là mát hết cả lòng cả dạ, vừa nấu cơm vừa hát. Buổi chiều thì hai ông đi dạo, đi khắp tiểu khu, ông Quý cũng dẫn ông Vũ ra trường mẫu giáo xem cảnh các cháu chơi đùa.
"Ông định cứ lủi thủi một mình như hồi trước à?"
Ông Vũ cắn một miếng lê, im lặng trong chốc lát.
Ông Quý cũng không vội, kiên nhẫn chờ người kia nhai xong miếng lê.
"Vậy chắc ông lủi thủi hai mình?"
Ai ngờ sau một hồi kiên nhẫn không nhận được câu trả lời thay vào đó là một câu trả treo.
"Tôi khác người khác ấy, nên tôi không lấy vợ, cũng không có con, nhưng ông nhìn xem, tôi có rất nhiều cháu, mà cháu nào cũng ngoan"
"Khác thế nào?"
Ông Vũ hỏi một câu, cũng không nghĩ ngợi nhiều về đáp án kia.
"Cho dù khác thế nào, tôi vẫn tôn trọng ông và quan điểm về hôn nhân của ông. Lấy vợ sinh con xây dựng tổ ấm là một phần của hôn nhân. Nhưng trước hôn nhân phải là tình yêu, chỉ là ông không gặp được người cho ông cảm thấy những xúc cảm của tình yêu thôi"
"Có thể là chưa gặp? Sắp gặp? Đã gặp nhưng không biết bày tỏ thế nào?"
"Nhiều câu hỏi ghê ông tự đi mà trả lời"
Ông Vũ đứng dậy đi trước mặc cho ông Quý ôm cái cặp lồng đựng trái cây đuổi theo
***
Tiệc tân gia cũng không tổ chức quá lớn, mời mấy hàng xóm sang, chủ yếu là người quen ông Quý muốn giới thiệu cho ông Vũ để sau này sống ở đây có vấn đề gì có thể tìm họ.
Tối hôm ấy khách khứa về hết, dọn dẹp cũng xong, ông Quý mới nhìn ông Vũ ngồi trong góc tủm tỉm cười.
"Có chuyện gì mà vui thế?"
"Không kể cho ông nghe"
"Coi tôi là người ngoài đấy à?"
"Thì ông là người ngoài còn gì"
Ông Quý hậm hực vào trong nhà uống nước, dỗi ra mặt.
"Được rồi, là người trong, là người trong là được chứ gì"
"Người trong là cái gì?"
Ông Quý chút nữa thì phun hết nước ra, may mà nuốt xuống kịp rồi ngồi cười ha hả. Thành công đánh lạc hướng ông Quý, ông Vũ vào lấy kem sữa chua mình làm ra mời ông bạn già ăn thử. Tấm tắc khen ngon, nhưng mà lạnh quá, sắp rụng hết răng rồi. Ông Vũ cười bảo, rụng hết đi tôi mua cho ông bộ răng giả đắt nhất cái hành tinh này.
Người già nói chuyện này không hiểu sao cứ giống mấy đứa nhỏ.
Hoặc là vì, ở cạnh ông nên tôi mới có thể tự coi mình là đứa nhỏ như vậy.
Hôm nay có người hỏi ông Vũ là bạn lâu năm của ông Quý phải không, sao việc nhà ông mà ông Quý đi mời khách khứa như chủ nhà luôn vậy. Ông Vũ không phủ nhận, chỉ bảo một câu, cái lão ấy việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng chắc cả tiểu khu này biết rồi. Bây giờ ông Vũ nghĩ lại, thật ra việc nhà cũng đâu có nhác, lo toan rất chu toàn, làm giúp ông bao nhiêu việc lại còn biết nấu ăn, hơn nữa nấu ăn lại còn rất ngon.
Phải cái răng hơi yếu, ăn lạnh là la oai oái thôi.
***
Ông Vũ nghe lời ông Quý, mở cửa hàng bán kem, bán thì ít mà cho thì nhiều. Kem mà ông Vũ làm vô cùng ngon, đám nhóc đi học về ngày nào cũng tới mua, nổi tiếng cả tiểu khu. Hơn nữa, ông Vũ đặc biệt tốt, mua hai chỉ tính tiền một. Có hôm đám nhóc có một bạn không có tiền mua, ông Vũ đều cho, còn bảo lần tới nếu không có tiền cũng không sao, ông không ghi nợ gì cả. Ông Quý từ xa nhìn thấy, cảm thấy trái tim mình cũng ấm áp hơn rất nhiều, mặc dù trời mùa hè nóng như đổ lửa.
Mỗi ngày ông Quý đều đi giao sữa, sau đó về tới cửa hàng của ông Vũ lấy kem mang đi giao cho cửa hàng ở tiểu khu khác. Kem của ông Vũ được mọi người vô cùng yêu thích, ở nơi khác cũng đặt hàng về.
Ông Quý nhớ đến hồi trước từng nghĩ sẽ giúp ông Vũ giao hàng nếu mở cửa hàng, không ngờ lại thành sự thật.
Tuy vậy cả hai người đều có một nỗi lòng khó nói với nhau.
Ông Vũ thấy trời nắng mà ông bạn già của mình vẫn phải chở kem đi giao giúp mình thì rất không nỡ.
Ông Quý thấy ông bạn già của mình mỗi ngày đều vất vả làm cho đủ số lượng kem cũng rất không đành lòng.
Chuyện này đến mãi về sau gần hết mùa hè hai người mới nói cho nhau nghe. Cuối cùng đi tới quyết định, sắp sang mùa đông rồi, không cần làm kem nữa, mùa hè năm sau cũng sẽ làm ít đi.
Đến mùa hè năm sau, ông Vũ không làm kem, ông Vũ chuyển sang muối dưa cà bị ông Quý trêu là mỗi năm một loại chắc năm sau chuyển qua buôn hoa quả.
Ấy vậy mà ông Vũ chuyển qua buôn hoa quả thật.
Hoa quả là cả hai ông cùng trồng cùng chăm, cùng thu hoạch, vừa an toàn sạch sẽ lại bổ dưỡng. Hàng xóm mua ủng hộ rất nhiều, mẹ bỉm sữa lại càng mua nhiều vì vô cùng tốt.
Bẵng qua mấy năm, sạp hoa quả của ông Vũ tạo thành thương hiệu. Tuy vậy cung không đủ cầu, mà làm vườn vất vả, tuổi hai ông đã cao nên hai ông quyết định chuyển qua trồng thuốc.
Vườn thuốc không cần chăm quá kĩ, chủ yếu đều là những loại cây chữa đau đầu mất ngủ và một số bệnh của người già.
Tại vì năm nay sức khỏe của ông Vũ không ổn lắm.
Ông Quý quyết định bán đứt căn nhà cũ, về ở chung một nhà tiện chăm sóc cho nhau luôn, không cần biết ông Vũ có đồng ý hay không.
Người trong tiểu khu cũng ủng hộ quyết định này, hai người thân nhau như vậy nên sớm về chung chăm sóc nhau mới phải, thân già lủi thủi một mình mỗi người một nơi như thế rất bất tiện.
Nhưng họ không nhìn ra, giữa hai ông lão này có một loại tình cảm còn hơn cả tri kỉ tâm giao.
Hai người tự hiểu tấm lòng nhau cũng từ khoảng một năm trước, lúc ông Quý đi thi Thách Thức Danh Hài mà bị loại ngay từ vòng đầu, còn chẳng được lên tivi. Ông Quý cũng không vì chuyện đó mà bực tức, chỉ thấy khó hiểu.
"Nhưng mà ông có kể sai không?"
"Làm sao mà kể sai được, tôi đã kể chuyện cười này cả nghìn lần cho ông nghe rồi. Này nhé, có một củ khoai tây, đang đi đường mà tự nhiên nó đói quá, thế là nó tự ăn mình luôn, nhưng mà nó chưa tắm, vậy là nó bị ngộ độc thực phẩm"
Ông Vũ không thể không mỉm cười nhìn ông lão ngốc kia.
"Đấy, tôi kể cho ông một nghìn lần rồi, kể thêm lần thứ một nghìn không trăm linh một này ông vẫn cười, thế mà tôi kể họ lại không cười"
"Họ là ai thế?"
"Cái chương trình này, là kể chuyện cười nếu ban giám khảo cười là được vào vòng trong, mà một phút tôi kể năm lần họ đều không cười"
Ông Vũ không nhịn được, nằm ra cái phản để trước sân mà cười.
"Đấy lần nào tôi kể ông cũng cười, khó hiểu thật, thế mà họ lại không cười"
Ông Quý cầm chén trà uống, rót cho ông Vũ một chén, còn bảo cười ít thôi già rồi chức năng nội tạng không tốt như lúc còn trẻ.
Ông Vũ bình tĩnh lại, uống xong chén trà mới từ tốn nói.
"Tôi cười vì ông là người kể, chứ bản chất câu chuyện đó không hề buồn cười"
Ông Vũ chợt dừng tay rót trà, đưa mắt sang nhìn người đối diện.
Ông Vũ biết mình nói lỡ lời, bèn xua xua tay muốn giải thích thì ông Quý đưa tay mình lên nắm lấy tay ông.
"Thật may mắn vì ông luôn cười mỗi lần nghe tôi kể chuyện"
***
Những năm sau đó, cuộc sống của hai ông lão vẫn vô cùng yên bình, người giao sữa, người luân chuyển từ bán kem, bán cà dưa muối, sang bán hoa quả, bán rau xanh sạch, bán thuốc, vừa bán vừa cho. Tình cảm cũng sắt son, là tôi muốn cùng ông trải qua những năm tháng này, cho dù chỉ có chúng ta biết.
Năm mới cùng nhau gói bánh, cùng nhau lì xì đám nhóc sống trong tiểu khu. Đi chúc Tết từng nhà, rồi ngắm pháo hoa, chúc nhau bình an.
Tết Đoan Ngọ cùng nhau làm bánh mang tặng cho từng nhà trong tiểu khu. Mang cho những người vô gia cư ở khu phố trên, tặng cho nhân viên nhà máy sữa.
Tết Thiếu Nhi cùng nhau gói quà tặng cho các cháu ở trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung cấp, thậm chí cả sinh viên đại học. Với các ông, các cháu đều là những mầm non hết.
Lễ Vu Lan cùng nhau đi thăm mộ cha mẹ, cùng nhau đi làm từ thiện ở các trung tâm, cùng nhau đi lễ chùa.
Tết Trung Thu ở nhà ngồi xem chương trình trên ti vi, bánh trung thu cũng có thể tự làm. Ngồi cùng nhau trên cái phản ngoài sân, vừa thưởng trà vừa thưởng nguyệt.
Giáng sinh đến Nhà thờ, đi xem biểu diễn âm nhạc, đến chỗ cây thông lớn nhất thành phố chụp ảnh. Là tấm ảnh chụp chung sau đó được đóng khung treo ở nơi đẹp nhất trong nhà.
"Năm qua thiếu một lễ rồi"
Ông Quý sờ lên má của ông Vũ, nhéo một cái, vẫn là vô cùng ganh tị, già rồi mà da vẫn đàn hồi tốt lắm.
"Lễ gì?"
Cốc trà nóng tỏa khói nghi ngút trước mặt ông Vũ, không biết là khói trà làm má ông ấm lên hay là tay bạn đời làm má ông ấm lên nữa.
"Lễ Tình nhân"
"Ông đừng có theo lớp trẻ bây giờ hoa hồng rồi socola nhé, già rồi không thích đồ ngọt đâu"
Ông Vũ bổ mấy quả lê, lê này hai ông được một hộ trong tiểu khu biếu. Ông Quý hướng dẫn người ta cách chăm bón cây sao cho đậu nhiều quả nên người ta cảm kích lắm, vài năm nay cứ mùa lê tầm nào quả ngọt nước là hái biếu hai ông, vừa là tình làng nghĩa xóm, vừa là kính già yêu trẻ.
Ông Quý chạy vào trong phòng, lấy ra một chiếc guitar mới. Ông biết ông Vũ trước là thầy giáo của nhạc viện, nhưng từ lúc về đây sống chưa từng thấy ông Vũ chơi đàn. Hẳn là có lý do, nhưng ông Vũ không chủ động kể, ông Quý cũng không hỏi.
"Quà nè"
"Ôi ông lão ơi, ông dùng nhiều tiền thế để mua cái này cho tôi ư?"
"Tôi muốn thấy ông chơi đàn"
Ông Quý không muốn nói là "nghe", vì ắt hẳn là thầy giáo thì tài năng thực lực của ông Vũ không thể bàn cãi, khẳng định là chơi đàn rất hay.
Ông chỉ là muốn thấy dáng vẻ ông lão nhà mình lúc chơi đàn thôi.
"Đã rất lâu rồi không chơi đàn rồi"
Ông Vũ đi rửa tay, lau khô rồi mới cầm vào chiếc guitar. Không cần nhìn cũng biết là loại đắt tiền nhất cửa hàng, tính ông Quý lúc nào chẳng vậy. Không phải là tiếc tiền, chỉ là ông Vũ bị ông lão nhà mình làm cho cảm động rồi.
"Đàn bài Người Tình Mùa Đông nhé" - Ông Quý chỉnh lại giọng của mình thật trầm - "Sau đây là nhạc phẩm Người Tình Mùa Đông thể hiện bởi ông lão Kim Minh Quý với phần đệm đàn của ông lão nhà ông ấy tên Đoàn Nguyên Vũ"
***
Ông Vũ mấy tuần gần đây cứ ho mãi khiến ông Quý lo lắng không thôi. Cả hai người đều hiểu nhưng mỗi lần ông Quý nói chở ông Vũ lên bệnh viện lớn thì ông Vũ lại kiếm cớ lảng tránh.
Không phải ông bỏ mặc sức khoẻ của mình, mà là vì người đi cùng là ông Quý.
Ông Vũ không muốn ông Quý nhận sự thật đau lòng.
"Ông ấy ơi, chẳng lẽ ông không muốn ở bên tôi thêm chút thời gian nữa hay sao?"
Ông Quý chẳng rơi giọt nước mắt nào nhưng giọng thì nghẹn lại, như giữa bộn bề triền miên câu chữ phát ra thanh âm đau đớn nhất.
Ông Vũ không nói gì, lẳng lặng quay mặt đi để tránh giọt nước mắt rơi trước mặt người mình thương.
"Anh Vũ, xế chiều rồi thì hoàng hôn cũng tới, không thể cho phép em tham lam hơn một chút sao anh?"
Hai người như trẻ ra cả bốn năm chục tuổi, về lại ngày tháng thanh xuân mơn mởn. Khi ấy Kim Minh Quý vẫn là chàng trai sắc vóc hơn người, Đoàn Nguyên Vũ vẫn là thầy giáo âm nhạc tuấn nhã.
Ngược dòng thời gian, ngược cả sinh lão bệnh tử, chỉ có mình với mình.
Cái nắm tay dịu dàng gấp bội, cũng run rẩy gấp bội.
Ông Vũ đứng dưới mái hiên nhà, nén cơn ho trong cổ họng không nổi, từng tiếng ho như xé toạc trái tim đã bảy chục năm có lẻ tồn tại trong lồng ngực ông Quý.
Ông Quý cuối cùng cũng vẫn dỗ dành được ông Vũ đi khám, kết quả không ngoài dự đoán của cả hai ông là bao nhiêu.
Đêm đông lạnh, ông Quý kéo chăn lên đắp thật kín cho ông Vũ như sợ chỉ cần hở ra một chút thôi là ông Vũ sẽ đóng băng mất. Ông Vũ nằm bên cạnh ông Quý, mỉm cười, người nhà mình lúc nào cũng vô cùng chu đáo.
Ông Quý nắm lấy tay ông Vũ đặt lên trước ngực mình.
"Mai tôi với ông đi chụp ảnh"
"Chụp ảnh gì? Ảnh thờ à?"
"Không, ảnh cưới"
"Gớm, già rồi cưới xin con trẻ nó cười cho"
"Không, tôi muốn chụp"
"Ừ thì chụp"
"Giờ thì đi ngủ, trong mơ phải mơ thấy tôi đấy"
"Eo ơi ông muốn tôi gặp ác mộng à?"
"Trong mơ tôi cũng sẽ bên cạnh ông, sẽ bảo vệ ông"
"Nói mấy lời sến súa, chi bằng-"
"Chi bằng hôn vào má một cái"
Nói xong ông Quý liền quay đầu sang, chạm nhẹ môi mình vào má ông Vũ, sau đó là cầm tay ông Vũ đang đặt trước ngực mình lên hôn.
"Có lẽ đây là lời chúc ngủ ngon lãng mạn nhất nhỉ?"
Ông Vũ cũng đáp lại bằng một nụ hôn trên má ông Quý.
Nhẹ nhàng, mà chứa đựng tất cả tấm lòng của người có tình dành cho nhau.
***
Sáng hôm sau, một tuần nữa là tới năm mới, nhưng năm mới này ông Quý đón một mình.
Ông Vũ đã đi rồi.
Đôi mắt vẫn nhắm nghiền, như vừa mới đi ngủ, như vừa mới tối hôm qua còn chúc ông Quý ngủ thật ngon.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top