Chương 3: Mở

Mẹ nhìn tôi chằm chằm khi tôi xuống bếp rót nước mang về phòng. Ánh mắt mẹ dịu hiền và sâu sắc. Người đàn bà đẹp của tôi khẽ cười, ấm áp hỏi:

“Con mới mua à?”

“Gì ạ?”

Mẹ chị lên tóc tôi. À! Cái kẹp. Tôi khẽ lắc đầu rồi nhanh tay gỡ chiếc kẹp trên tóc xuống. 

“Bạn con cho.”

“Con nên nữ tính một chút.”

Nữ tánh như mẹ ạ? Tôi định hỏi nhưng lại thôi vì tôi có cảm giác mẹ sẽ buồn. Nhưng tôi thật tâm nghĩ nếu nữ tánh giống mẹ thì dễ bị ăn hiếp lắm. Tôi sợ mình phải hiền dịu như một cô gái bởi đứa con gái hiền dịu nào cũng sẽ bị một gã đàn ông để mắt tới. Hắn sẽ tỏ tình, sẽ làm cho tâm hồn tôi xao xuyến và rồi tôi sẽ trao tình cảm trong sáng của bản thân mình cho hắn. Nhưng có lẽ, chỉ một thời gian thôi, tôi sẽ được nếm trãi trái đắng ngay. Hắn sẽ giấu tôi đi ngoại tình, rồi ngủ gục trên đùi một cô gái hiền dịu nào khác và rồi tôi mất chồng, mất danh dự và mất luôn chân tâm của mình. Người ta cứ bảo mỗi người mỗi số, mẹ tôi bị ba tôi phụ chứ đâu nhất thiết tôi cũng sẽ giống bà ấy. Nhưng người ta cũng nói: Con gái nhờ đức cha đấy.” Cha tôi đào hoa như thế, phụ tình bao nhiêu cô gái yếu lòng thì số tôi sao có thể tốt lành được. Tôi là người thiếu tự tin, tôi sợ lắm nên cứ thể hiện mình như một thằng con trai cũng tốt, tôi sợ sẽ giống như mẹ!...

Tôi mang ly nước về phòng. Nằm dài trên trên bàn học nhìn ra ngoài cửa sổ. Tay tôi mân mê chiếc kẹp tóc chị tặng. 

Buổi trưa hôm nay, tôi đã kẹp nó trên mái tóc và vui vẻ đi đến trường. Vừa đi tôi vừa hồi hộp chờ đợi chị đạp xe ngang qua tôi và trao cho tôi một nụ cười mỉm khi thấy tôi kẹp chiếc kẹp tóc chị tặng. Khi nhìn thấy dáng chị từ xa chạy lại gần, tôi đã vô cùng hồi hộp, trống ngực tôi đập thình thịch và đôi bàn tay run lên…chị dần dần tiến lại, vòng bánh xe lăn tròn trên mặt đường nhựa nhưng nó không hề dừng lại trước mặt tôi như cái cách nó dừng lại hôm qua. Nó lướt qua tôi nhẹ nhàng và bình thản như chẳng hề quen biết. Chị không nhìn tôi, vô tình và lạnh lùng lướt qua.

Tôi vẫn bước tiếp trên đường đi học như chẳng có việc gì vừa diễn ra nhưng lòng tôi lại cảm thấy xấu hổ. Tôi cảm thấy mình bị quê kiểu gì ấy. Tôi không dám nhìn lại phía sau lưng, chỉ chúi đầu đi lên phía trước, đi cho kịp tới trường mà nước mắt như sắp rơi ra. 

“Mình không khóc, chẳng việc gì có thể làm mình khóc. Cái việc cỏn con này mà buồn nổi gì? Trẻ con quá đi.”

Tôi đã liên tục nói với mình như thế và kiềm nén cơn thất vọng tràn trề. Có lẽ khi thương một ai đó sẽ làm cho tâm hồn mình bắt đầu nhạy cảm hơn. Chỉ một chuyện bé tí tì ti cũng khiến mình buồn rầu và nghĩ đến những điều tiêu cực được. Nhưng dù sao tôi cũng không khóc được thành ra tôi trầm mặc. 

Cả buổi chiều hôm ấy tôi không nói một câu nào, chiếc kẹp vẫn hờ hững kẹp trên tóc cho đến khi mẹ tôi phát hiện ra. 

Bây giờ thì tôi bỏ chiếc kẹp ấy vào ngăn kéo bàn. Tôi không vứt bỏ nhưng cũng sẽ không kẹp nó thêm lần nào nữa. Cứ để nó nằm đó vậy. Một góc riêng nhỏ bé trong ngăn kéo bàn. Tôi sẽ để đó cho tới khi nó tự động biến mất. Bởi tôi tin rằng những thứ lâu ngày chúng ta không xem tới nữa, nó sẽ tự động biến mất hoặc vô tình lẫn vào đâu mất. Chiếc bút chì, cục tẩy hay cái chun buộc tóc của tôi, rõ ràng tôi đã để vào ngăn kéo bàn sau đó quên đi và rồi một ngày tôi tìm lại thì nó mất thật, chẳng thấy lại bao giờ. Nên với chiếc kẹp này tôi cũng sẽ làm thế, nó sẽ tự biến mất thôi.

Vài ngày sau tôi lại gặp chị đạp xe về. Nhưng lần này tôi tỏ ra lạnh lùng hơn. Tôi không muốn chị nhận ra tôi vẫn mến chị dù đã có những tổn thương trong lòng. Tôi không muốn tình cảm của mình bị xem thường, đặc biệt là người mình càng thương thì lại càng không để họ biết. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là những lời ngụy biện đầy vụng về mà thôi, cái chính là tôi sợ…sợ chị lại một lần nữa phớt lờ tôi, bỏ qua tôi. Trái tim nhạy cảm vô cùng này sẽ không chịu nổi mà òa khóc mất, nên tôi cố làm ra vẻ tôi cũng chẳng quan tâm đến chị để rồi tôi có bị phớt lờ thì tôi vẫn có thể tự an ủi chính mình rằng điều đó chả có ý nghĩa gì cả.

Thế là một lần nữa chúng tôi lướt qua nhau như thế và thêm nhiều lần như thế nữa. Mãi đến một ngày…chị khóc.

Tôi không hiểu lý do ấy là gì nhưng lòng tôi lại buồn rười rượi. Tôi khó chịu và ngạc nhiên vì giọt nước mắt long lanh chảy ra từ khóe mắt chị. Nước mắt tôi thấy nhiều rồi, nước mắt của tôi có khi hứng được bằng ca nữa kìa. Có gì hứng thú với những đau thương này? Nhưng vì lòng yêu nên tôi muốn chạm vào nước mắt của chị, tôi muốn nếm thử nó, liệu nước mắt của chị có mặn không? Hay đắng? Người ta hay nói nước mắt người sẽ mặn như nước muối. Tôi cũng không chắc lắm, vì nước mắt của tôi không chỉ có mặn, nó đắng!

“Sao lại khóc?”

Tôi lửng thửng bước tới cạnh chị, lo lắng hỏi. Chị ngước nhìn tôi, sau đó lại quay lưng đi lắc đầu. Chị không nói. Tôi lại hỏi:

“Nói đi xem nào, sao lại khóc? Bị đánh à?”

Lần này chị nhìn tôi trân trân. Bỗng nhiên nức nở nói:

“Con chim…nó chết mất rồi.”

Không hiểu sao lúc ấy tôi lại cảm thấy buồn cười. Nhưng tôi không dám cười ra tiếng vì tôi sợ chị sẽ giận. Bởi tôi nghĩ, một con chim chết thì làm sao? Hàng ngày có hàng vạn sinh vật lìa đời, cứ riêng gì một con chim mà phải khóc? Mãi sau này tôi mới hiểu vì chị khác xa tôi. Cuộc sống của chị không nhiều điều phải đau buồn, không có nhiều trắc trở và nhiều sự phải khóc nên chị có thể dễ dàng khóc cho một sinh linh bé nhỏ như con chim kia khi nó lìa đời. Còn tôi, tôi có quá nhiều sự buồn tủi, tôi phải cân đong nước mắt của mình. Đau khổ thì vô tận mà nước mắt thì hữu hạn thôi. Nếu cứ khóc mãi thì một ngày không xa, nước mắt của tôi sẽ cạn khô. Tôi nghèo, không có gì dư giả, ngay cả nước mắt của tôi cũng không có dư nên tôi chỉ khóc cho bản thân mình. Chỉ khóc cho mình thôi cũng đã thành một đại dương rồi. Còn khóc cho ai được nữa.

“Con chim ấy…chị đã chôn chưa?”

“Chưa! Nó vẫn nằm ở dưới gốc cây Đỗ Quyên ấy.”

“Đừng khóc nữa…em chôn con chim với chị.”

Chị nhìn tôi, mắt vẫn long lanh ánh nước nhưng tôi nhận ra chị đã thôi không khóc nữa. Chị gật đầu nhẹ nhàng và nắm tay tôi dắt đến chỗ con chim đang nằm. 

Dáng nó co quắp, cứng đờ, mắt nhắm nghiền an yên. Nó đã chết nhưng cứ như đang ngủ. Tôi sờ vào nó, không một cử động. Tôi nhận ra, dáng vẻ của cái chết đau có đáng sợ mấy, sao người ta chết lại sợ hãi thế? Người chết cũng như đang ngủ sao chúng ta lại tránh xa ra? Chẳng phải lúc còn sống, chúng ta thân nhau lắm sao? Sao người ta vừa nằm xuống đã vội sợ hãi? Tử thi của một con chim hay tử thi của một con người cũng chỉ như thế thôi, khi nằm đó mới là hiền lành nhất, vô hại nhất. Tôi bỗng nhiên thấy mình thích xác chết nhiều hơn vì chết rất hiền lành.

Tôi lượm một hộp thuốc lá gấp lại thành một cái hộp quan tài nhỏ, bỏ xác chú chim nhỏ vào, tôi hái hoa Đỗ Quyên bỏ vào trong cổ quan tài nhỏ tiễn nó đi vào lòng đất mẹ muôn đời. 

Nguyện kiếp sau em làm mây trời nhé. Đừng làm chim cho người ta bắn, cũng đừng làm hoa cho người ta hái. Làm mây, em có thể bay cùng cơn gió đến đâu tùy thích. Nặng hạt rồi thì rớt xuống đời làm mưa. Mưa tắm mát thế gian, mưa có thể muốn rơi khi nào tùy thích, đó mới thật là tự do…

Từ hôm con chim chết, tôi với chị làm bạn. Chị không phớt lờ tôi nữa và chị nói nhiều lắm mỗi khi gặp tôi. Thì ra, chị là một cô bé thích cười. Chị không lạnh lùng như cách chị thể hiện. Chỉ là ra vẻ mà thôi, thân rồi chị nói nhiều không tưởng.

Chị kể cho tôi nghe về việc chị không thích học đàn, chị thích học võ và muốn chơi trượt băng nhưng ba mẹ sợ chị ngã nên cấm tiệt. Chị thích mặc quần thể thao và thích những chiếc vòng làm từ dây thun cá tính nhưng mẹ chị lại may cho chị toàn váy đầm bông hoa chích chòe. Vì là con gái mà, phải mặc váy và chơi gấu bông chứ? Ừ là con gái mà phải điệu đà và ít nói, mong manh. Ừ! Là con gái mà…

Tôi bỗng thấy ngột ngạt qua những điều chị kể cho tôi nghe khi chúng tôi hẹn nhau tản bộ ra công viên gần trường ăn kem. 

Tôi không bao giờ bị ai ép buộc mặc quần áo này hay quần áo kia. Vì chả ai trong nhà tôi quan tâm tôi mặc thứ gì. Tôi không có gu, quần áo của tôi toàn là những thứ được nhặt nhạnh về trong đống đồ si người ta bày bán ở chợ. Có thứ gì thì tôi mặc thứ nấy chứ nào có cần biết nó là của gái hay trai.

Nhưng trong mắt chị, chị thích những bộ đồ bụi bặm của tôi. Chị thấy nó đẹp. Đó cũng xem như là một ưu điểm của tôi trong mắt chị. Tôi luôn luôn mặc quần áo đẹp. 

Chị biết đàn, biết hát, chị học múa từ nhỏ. Chị có quá nhiều thứ để chia sẻ với tôi, để cho tôi biết người thành thị người ta ăn và ở như thế nào. Còn bản thân tôi, tôi chẳng có gì ngoài những thứ quê mùa, cục mịch. Cuối cùng, để có thể nói chuyện tiếp tôi đã đề cập đến một thứ mà sau này, nó đã gây cho chúng tôi một tội lỗi chẳng bao giờ xóa sạch được. 

“Chị biết gì về…tình dục không?”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ndys