Chương 5: NGƯỜI CHỒNG GỠ RỐI NHƯ THẾ NÀO?
Văn Long không thể sang, cả nhà ba người cộng với vú Vương là bốn cùng ngồi ăn bữa tối. giữa bàn ăn là gần ba chục con cua cỡ đại đã hấp chín, nó chiếm gần hết mặt bàn. Tiểu Tuyết vốn rất mê ăn cua, mùa này cua rất béo. Cô đã ăn ba con, ngần ấy thịt cua gạch cua đã khiến cô thấy no căng không ăn thêm được nữa. Tuy nhiên, vì đã lâu không ăn cơm tẻ nên Tiểu Tuyết vẫn ăn hết veo ba bát cơm.
Thấy cô bỗng ăn nhiều cơm khác thường như thế, bà mẹ và Tiểu Vũ rất ngạc nhiên. Tiểu Vũ nhìn Tiểu Tuyết, kinh ngạc kêu lên: "Chị còn ăn kiểu này nữa sẽ phát phì mất thôi."
Tiểu Tuyết mỉm cười, cầm chiếc khăn ướt vú Vương đưa cho, cô lau tay, rồi buồn bã nói: "Đâu phải ngày nào cũng ăn như thế này."
Bà mẹ đưa mắt nhìn, hiểu rằng cô đang có chuyện gì đó, nhưng đang bữa ăn bà không tiện hỏi. Bà gắp thức ăn đặt vào bát cô, và nói: "Ăn được thì cứ ăn thêm nữa đi, chỉ một bữa đâu có thể phát phì? Con vốn mảnh khảnh, mẹ vẫn lo con gầy quá đấy."
Bà dịu dàng an ủi, Tiểu Tuyết gật đầu, rồi lại cúi xuống tiếp tục và cơm. Cô ước ao có thể gục đầu vào bờ vai mẹ để thổ lộ mọi nỗi ấm ức trong lòng, nhưng lại nghĩ tất cả là tại mình gây ra, cho nên cô không thể mở miệng nói với mẹ.
"Chị vẫn ăn nữa kia à? Chị đã nhiều ngày không ăn cơm hay sao?"
Tiểu Vũ mở to mắt, rất lấy làm lạ. Tiểu Tuyết lừ mắt nhìn cô em, nói: "Nói vớ vẩn gì thế? Ở nhà, chị ăn rất nhiều món, bà mẹ chồng biết làm đủ các món bột mỳ, bánh rán, bánh gói, bánh bao, màn thầu... vừa đẹp mắt vừa ngon hơn cả ngoài nhà hàng bên ngoài."
Tiểu Vũ thấy hào hứng ngay lập tức, cô nói: "Thật à? thế thì vài hôm nữa em sẽ đến nhà chị, chắc bà ấy vì nể em là em gái chị, sẽ làm bánh cho em ăn?"
Tiểu Vũ áp đôi tay lên khuôn mặt phinh phính của mình, nói lấy lòng chị gái: "Chị ơi, mẹ chồng chị có thể mở hiệu điểm tâm được đấy!"
Tiểu Vũ cũng quen ăn cơm tẻ miền nam từ bé, cô không sao tưởng tượng nổi ở nhà mà có thể làm ra nhiều món bằng bột mỳ như vậy, cô trầm trồ: "Số chị là số được ăn ngon, có bà mẹ chồng khéo tay làm bếp. Em cũng sẽ lấy chồng miền bắc, em cũng phải tìm bà mẹ chồng miền bắc thạo làm các món bột mỳ mới được! Đã nửa đời người ăn xô bồ như lợn, nửa đời còn lại em phải bù đắp cho mình chứ!"
Lớp trẻ có khác, toàn bạ đâu nói đấy, bà mẹ ngồi đó xua xua đôi đũa, mắng yêu, bảo Tiểu Vũ im đi. Tiểu Vũ thè lưỡi, rồi lại liến thoắng: "Con không trách mẹ đâu, nhưng mẹ nướng cá toàn là cháy thành than!"
Tiểu Tuyết chỉ cười, không nói gì, cô thầm nghĩ: Tiểu Vũ, nếu cho cô ăn một bữa thì không sao, nhưng nếu ngày nào cũng ăn thì chắc cô sẽ chẳng thể vui như thế này đâu. Cô em gái chưa chồng vẫn đang tràn trề hy vọng về một bà mẹ chồng tương lai.
"Mẹ đừng nghe nó nói bừa. Nhà ta có người giúp việc lo toan, đâu đến nỗi khổ sở như nó nói?"
Bà mẹ cười nói: "Cứ kệ nó tha hồ nói. Nó còn bé, đã biết gì đâu? Mai kia lấy chồng, quán xuyến gia đình, nó sẽ hiểu làm mẹ thật không dễ gì."
Tiểu Tuyết gật đầu, tuy cô chưa nói gì với mẹ nhưng hình như bà đã biết cô đang có nỗi niềm gì đó; mấy câu vừa rồi của mẹ có ẩn ý sâu xa thì phải?
Tiểu Tuyết cố làm bộ tươi cười và tỏ ra vui mừng phấn khởi. Tiểu Vũ lém lỉnh vào đề luôn: "Chị ơi, anh Văn Long có quen ai na ná anh ấy, thì giới thiệu cho em với? Em cũng muốn có bà mẹ chồng người miền bắc, để ngày nào cũng làm các món cho em ăn, em cần chăm sóc cái dạ dày đáng thương của em."
Tiểu Tuyết đành cười vui: "Anh ấy có chú em trai vẫn đang học đại học."
"Thế thì giới thiệu cho em đi? Anh ta có đẹp trai không? Hai chị em lấy hai anh em, giống như thời cổ..."
Hai chị em đang tán chuyện thì bà mẹ bỗng đặt mạnh đôi đũa xuống bàn, nghiêm mặt nói: "Ăn cơm thì ăn đi, đừng nói đùa quá trớn!"
Hai cô đưa mắt nhìn nhau, cùng biết điều, im re.
Tiểu Tuyết biết mẹ rất phản đối cô lấy Văn Long, nếu Tiểu Vũ cũng lại như cô - lấy một anh chồng xuất sắc từ nông thôn ra thì có lẽ bà xót xa đến chết mất.
Hồi trước cô lần đầu tiên đưa Văn Long về nhà, cô đã liến thoắng kể với bà mẹ, cô khen ngợi Văn Long hết mức, cứ như là báu vật hiếm hoi giữa trời đất này, và cô đương nhiên không hé một chữ về miền quê của anh.
Lúc đó trước mặt Văn Long, bà mẹ mỉm cười không nói gì, khi anh đã ra về, bà mới nói chuyện riêng với cô.
"Tiểu Tuyết, cậu ta làm gì? Làm về thiết kế à?"
"Vâng. Văn Long là kiến trúc sư trưởng trong một công ty địa ốc, lương tháng hàng chục ngàn tệ."
"Con nhất định lấy cậu ta à?"
"Vâng."
"Mẹ muốn con lấy một người có thể thay mẹ coi sóc công ty. Có một anh chàng là con trai của người bạn của mẹ, cậu ấy mở công ty ở Thâm Quyến, cậu ấy đã có lần gặp con và rất ưng con..."
"Mẹ ơi, con sắp cưới đến nơi rồi."
Tuy không có quan niệm về "gia đình tuyệt tự" như mẹ chồng Tiểu Tuyết, nhưng bà vẫn mong về già có người để nương tựa. Nếu hai cô con gái đều lấy chồng thành phố, biết kinh doanh, rồi kế tục công ty của bà, an cư lạc nghiệp ở Thâm Quyến này, thì bà và ông chồng "người thực vật" có thể nương tựa. Nhưng Tiểu Tuyết lại rất không có chí tiến thủ, thiếu gì thanh niên Thâm Quyến đã làm nên sự nghiệp, thì cô không lấy, lại lấy anh chàng kiến trúc sư! Kiến trúc sư dù tài ba đến mấy thì có mà làm gì? Dẫu kiếm được khá tiền thì vẫn chỉ là anh làm thuê, nếu cứ làm thuê thì đến già cũng không thể trở thành triệu phú. Bà đã nhiều lần giảng giải cho Tiểu Tuyết mà cô cứ không nghe.
Sau đó, Tiểu Tuyết sắp đặt mọi bề rất nhanh, rồi hai cô cậu kết hôn. Trước khi làm đám cưới, Tiểu Tuyết muốn mua nhà, mẹ cô bèn hỏi về gia đình Văn Long, cha mẹ anh không có đồng nào, lúc này bà mẹ Tiểu Tuyết mới thấy rõ vấn đề thật nghiêm trọng, bà lập tức nhờ người quen tìm hiểu về gia cảnh của Văn Long. Điều tra không mấy khó khăn, nhưng bà uất ức cơ hồ muốn chết ngất. Lúc đó bà mới biết thì ra lâu nay Tiểu Tuyết toàn nói dối. Bà vốn tưởng Văn Long chỉ không biết kinh doanh, nhưng vẫn là con trai một gia đình thành phố kha khá (vì Văn Long trông khôi ngô, trang nhã và phong độ), nào ngờ cậu ta chỉ là anh thanh niên nổi trội vừa ra khỏi chốn nông thôn! Vì nghĩ cho hạnh phúc của con gái, bà tuyệt đối không thể tán thành cuộc hôn nhân này, cho nên bà tức tốc gọi Tiểu Tuyết về nhà và ra sức phân tích thuyết phục cô. Bà nói rõ về mọi khó khăn cô sẽ phải đối mặt, về những quan niệm khác nhau giữa thành thị và nông thôn, về tập tục bắc nam xa nhau thế nào... mẹ chồng nàng dâu xưa nay luôn đối địch, rất khó chung sống, lấy chồng đâu phải chỉ lấy người đó, mà là "lấy" cả một họ tộc... Nhưng dù bà phản đối rất gay gắt, thì khi đó ý tiểu tuyết đã dứt khoát rồi, tình yêu khiến cô không thể tỉnh táo nữa, dẫu phải nhảy vào lửa cô cũng cứ lấy Văn Long. Bà mẹ rất tức giận nhưng cũng hết cách, chỉ buông một câu: "Sau này con hãy tự gánh lấy." Bà buông xuôi, không đếm xỉa gì đến chuyện của tiểu tuyết nữa.
Bà đau xót và tức giận, tuy nhiên, khi tổ chức lễ cưới bà vẫn mời bạn bè giúp bà thu xếp sắp đặt, rồi bà cho hai vợ chồng toàn bộ tiền mừng; khi hai người mua nhà, bà lại cho họ một trăm ngàn để nộp đợt thứ nhất.
Khi đưa tiền, vẻ mặt bà thật thiểu não, bà nói thật rành mạch với Tiểu Tuyết: "Con ạ, mẹ vẫn còn có chút tiền. Mẹ không có con trai. Con nhất định không nghe lời mẹ, cứ lấy Văn Long, thì mẹ cũng đành chiều vậy. Con đã lớn, cứng đầu không nghe lời nữa thì mẹ cũng hết cách. Em con còn đang học đại học, bố con thì nằm liệt giường, cho nên mẹ chỉ có thể cho con ngần này tiền. Con hãy thông cảm cho mẹ."
Bà nhét vào tay Tiểu Tuyết cuốn sổ một trăm ngàn tiền gửi ngân hàng, tài khoản mang tên cô. Cô cầm cuốn sổ, im lặng.
Bà thở dài, nói: "Em con nhất định phải lấy chồng thành phố, nếu nó cũng lại như con, không nghe lời mẹ, thì lúc đó mẹ cũng cho nó một nghìn tệ, thế là xong. Mẹ không thể dựa vào hai đứa thì mẹ phải giữ ít vốn để mẹ và bố con sinh sống. Mẹ sẽ rất công bằng, con đừng nên trách mẹ."
Bà thật sự rất đau xót.
Được mẹ cho một trăm ngàn, Tiểu Tuyết đã rất cảm kích rồi, đâu dám trách gì bà nữa. Trước ngày cưới vài hôm, Tiểu Tuyết cầm một trăm ngàn tệ đi nộp đợt đầu để mua nhà; đó là lúc sau buổi trưa, ánh mặt trời vàng rực chói lọi, cô chợt nhớ lại những lời nói xót xa của mẹ, chẳng hiểu sao cô bỗng òa khóc.
Tay cô nắm thật chặt cuốn sổ tài khoản, nước mắt tuôn rơi lã chã, lòng cô chợt thấy vô cùng sợ hãi.
Văn Long ôm lấy cô, anh nói: "Tiểu Tuyết, chúng ta sắp cưới rồi, sao em lại khóc gì thế? Chúng ta sắp có nhà của mình..."
Ngả người vào bộ ngực nở nang và ấm áp của Văn Long, nước mắt cô vẫn cứ trào ra, cô nghĩ ngợi, chẳng rõ Văn Long có biết cô đã quyết định lựa chọn như thế nào không? anh có hiểu tâm trạng sợ hãi của cô khi sắp phải đối diện với cuộc sống vợ chồng không? Lẽ ra cô có thể lấy một người chồng ở Thâm Quyến, giàu có, nhà cửa xe hơi sẵn sàng, cô sẽ sống như các bà hoàng. Nhưng vì tình yêu, vì tình yêu của Văn Long đối với cô, cô không thể dứt bỏ, cô đã lựa chọn anh. Từ nay cô sẽ gắn bó với anh, hai vợ chồng là một, và cùng lo liệu cho cái gia đình nho nhỏ...
Nhớ đến ánh mắt thất vọng ủ ê cùng những lời thiết tha sâu sắc của mẹ, nghĩ đến chốn quê nghèo xác xơ của Văn Long, Tiểu Tuyết buồn bã khóc không thành tiếng. Cô đã khiến mẹ đau xót, nếu mai kia cô không có hạnh phúc thì sẽ ra sao đây? Kết hôn, ấy là cuộc đời, nếu nhầm lẫn thì không quay lại được nữa. Nỗi sợ hãi xâm chiếm cõi lòng, cô thấp thỏm hoang mang, đôi mắt nhòa lệ, mơ hồ...
Người đàn ông này có xứng để ta bất chấp tất cả, đến với anh không? Có đáng để ta gửi gắm cả cuộc đời không? Sau này có hạnh phúc không? Nhưng rồi, sau khi kết hôn, Tiểu Tuyết đã nhanh chóng quên hết những nỗi sợ hãi trước đó, cô đã bước vào đời sống vợ chồng.
Thế là bốn năm đã trôi qua, nay bà mẹ chồng lại về đây, Tiểu Tuyết cảm thấy cuộc sống giống như đi vào ngõ cụt. Cô chạnh lòng hồi tưởng lại mọi nguyên nhân hậu quả trước sau, lòng cô bồi hồi bao cảm xúc.
Hồi nọ, khi Tiểu Tuyết cùng Văn Long về quê chịu tang bố chồng, thì bà mẹ cô mới biết ông thông gia qua đời, nào ngờ chỉ sau mấy tháng bà thông gia lại đến Thâm Quyến. Nhìn Tiểu Tuyết đang lặng lẽ ngồi ăn, bà nghĩ ngợi, hôm nay chỉ một mình nó về đây, chắc chắn là vì sống không hợp với mẹ chồng.
Bà ngầm thở dài, nghĩ bụng lát nữa mình phải nói chuyện với nó xem sao.
Cả nhà vẫn đang ngồi ăn. tiểu tuyết thì đang nghĩ về chuyện gọi điện cho Văn Long. anh ấy không sang đây, đúng là chẳng nể cô tý nào. Chắc chắn là bà già đã điều hành như thế. Càng nghĩ cô càng xót xa, nghĩ ngợi... "quy tắc ghép tranh mẹ chồng nàng dâu" chắc chắn không thể chỉ đơn phương thực hiện mà được. Chỉ có Tiểu Vũ là tươi tỉnh nhất, cười cười nói nói như không, rồi bị mẹ mắng cho, cô không dám nói về chuyện lấy chồng miền bắc nữa, lại nói rặt những chuyện hài hước ở nhà trường, cô sướng vui hết cỡ.
Tiểu Tuyết ngưỡng mộ nhìn cô em, nhớ lại khi chưa lấy chồng, cô cũng hồn nhiên vui vẻ như vậy. thời gian trôi sao mà nhanh. Nếu sớm biết trước kết quả của hôn nhân là như thế thì cô sẽ nhất quyết không lấy ai. Nhớ lại hồi đầu cô cứ như ăn phải bùa mê, khăng khăng kết hôn, cô cảm thấy kỳ lạ không sao tưởng tượng nổi.
Tiểu Tuyết ăn xong trước tiên, vừa khéo nhìn thấy vú Vương bưng bát cháo vào phòng của cha cô. Đó là cháo hoa hết sức bình thường, không có bất cứ hương vị gì. Cha cô đã hơn chục năm nay là người thực vật, chỉ có thể ăn một ít thực phẩm ở dạng lỏng.
Tiểu Tuyết bước vào căn phòng của cha. Ông đang nằm trên giường, cạnh giường có một cái ghế, cô ngồi xuống đó, rồi múc một thìa cháo, thổi cho bớt nóng rồi đưa đến miệng ông. Ông không có bất cứ một phản ứng gì, cô cứ việc nghiêng cái thìa mà bón. Chỉ một chút cháo lọt vào miệng, còn phần lớn lại rớt ra ngoài, cô cầm khăn mặt lau ngay cho ông.
Phải nói là bà mẹ cô thật "vĩ đại", bà đã suốt hai chục năm ngày nào cũng như ngày nào, chăm sóc ông nằm đó. Người thực vật thì không còn tư tưởng. Đừng nói là vật chất, mà ngay tinh thần, bà cũng không được nhận đền đáp một ly. Mình làm tất cả vì người, mà người lại không biết đến! thế mà bà mẹ cô vẫn không mệt mỏi, luôn tự mình chăm sóc ông. Tiểu Tuyết nghĩ đến tình cảm giữa cha và mẹ là như thế, cô hiểu rằng tình yêu vẫn tồn tại trên đời này.
"Tiểu Tuyết, để mẹ làm cho."
Chẳng rõ bà mẹ đã đứng sau lưng cô từ lúc nào, cô chỉ còn cách nhường chỗ, và đưa bát cháo cho mẹ. Bà ngồi ghế, Tiểu Tuyết đứng bên cạnh. Bà vừa bón cháo cho ông vừa hỏi cô: "Mẹ chồng con đến à?"
Cô gật đầu, rồi thưa: "Vâng."
"Đến bao lâu rồi?"
"Gần hai tháng ạ."
"Thế mà con chẳng cho mẹ biết gì cả!"
Tiểu Tuyết lặng thinh, cô thầm nghĩ "vì mẹ luôn luôn bận rộn, cho nên..." Tiểu Tuyết và cô em từ nhỏ đã hình thành một thói quen "hễ có vấn đề thì tự giải quyết" chứ không muốn tìm mẹ làm giúp. Vì hai chị em cũng đã từng tìm mẹ để nhờ, nhưng hoặc là không tìm thấy hoặc chỉ thấy mẹ đang gọi điện thoại. "Mẹ rất bận, có việc gì thì chờ mẹ về rồi hãy nói."
Nay Tiểu Tuyết đã lấy chồng, lớn khôn và hiểu biết hơn, cô biết mẹ mình cũng thật gian nan, cô không hề oán trách bà.
"Bà ấy về đây, mẹ nên sang gặp bà ấy mới phải."
Bà tiếp tục bón cháo, bệnh nhân chợt khẽ kêu ú ớ mấy tiếng, bà mỉm cười, nói: "Chắc là ông ấy không muốn ăn nữa." Rồi bà đứng dậy, cầm khăn mặt lau rất tỉ mỉ các vệt cháo dính quanh miệng ông. Nhìn khung cảnh này, Tiểu Tuyết bất giác tự hỏi mình, nếu Văn Long cũng mãi mãi biến thành vô tri vô giác như cha cô, liệu cô có thể vĩ đại như mẹ để kiên trì chăm sóc anh, không bỏ rơi anh không?
Tự hỏi mình rồi, cô tự trả lời khẳng định mình làm được.
Cô tự nguyện thật sự, chẳng vì lý do gì to tát mà chỉ vì cô bằng lòng làm thế, cô không thể bỏ rơi anh.
Tiểu Tuyết mải nghĩ ngợi, bà mẹ đã chăm sóc người bệnh xong, bà đứng thẳng dậy nói với cô: "Con ạ, con hãy nói với Văn Long ngày mai mẹ mời bà thông gia xơi cơm."
Tiểu Tuyết ngạc nhiên nhìn bà, rồi gọi: "Mẹ ơi..."
Bà mỉm cười, nói: "Trước khi cưới, mẹ đã ra sức phản đối nhưng con không nghe, thì nay còn biết làm gì nữa? Bà ấy thì đã về đây, cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn, mẹ không thể hễ thấy trắc trở thì bảo hai đứa hãy ly hôn."
Tiểu Tuyết nghĩ ngợi hồi lâu, rồi mới nói: "Mẹ ạ, giữa con và Văn Long thì không có bất cứ vấn đề gì."
Bà nhìn cô, rồi nói: "Lấy nhau, chẳng phải chỉ là chuyện giữa hai vợ chồng, lấy chồng rồi thì con phải chấp nhận tất cả những gì thuộc về anh ta. Những điều này khi xưa mẹ đã nói rõ với con, nhưng con cứ không nghe..."
Tiểu Tuyết cúi gằm mặt. Cho đến lúc này cô vẫn chưa thể nói với mẹ một câu.
Nhìn bà đang từ từ cau mày, cô biết rằng bà bắt đầu thấy lo cho cô. Bà đã chẳng dễ chịu gì, cô nhớ lại ngày trước bà rất muốn cô lấy con trai một người bạn của bà, người Chiết Giang, anh ta là chủ một công ty và cũng có nhà cửa ở Thâm Quyến này. Bà nói: "Tiểu Tuyết con lấy cậu ấy là tốt nhất. Lấy nhau rồi, mẹ sẽ giao công ty cho hai đứa coi sóc, mẹ sẽ được nghỉ hưu, chỉ cần ngày ngày chăm sóc cha con là được rồi."
Nhưng Tiểu Tuyết lại cứ chọn Lý Văn Long. Văn Long rất có năng khiếu về thiết kế nội thất nhưng lại mù tịt về kinh doanh, anh cho rằng mình cả đời chỉ có thể là người làm thuê chứ không thể làm ông chủ. Vì thế, dù bà muốn vực anh lên thì cũng không có cơ hội. Sau khi Tiểu Tuyết kết hôn, bà đành vẫn tự mình lo liệu mọi bề, đồng thời bà gửi gắm mọi hy vọng ở Tiểu Vũ. Bởi thế, lúc nãy hai cô con gái ngồi tán chuyện, Tiểu Vũ nói cũng muốn lấy chồng người miền bắc thì bà rất tức.
"Có phải con và Văn Long to tiếng với nhau? Hay là con và mẹ chồng xung khắc?" Bà hỏi Tiểu Tuyết.
Cô nhìn mẹ. Thấy bà tuy chăm sóc da dẻ rất tốt, trông trẻ hơn hẳn các bà cùng tầm tuổi, nhưng ánh mắt đã có nét mệt mỏi, đuôi con mắt đã tập trung nhiều nếp nhăn, càng thể hiện rõ vẻ tiều tụy. Ban ngày thì bận điều hành công ty, tói về còn phải chăm sóc cha cô nằm liệt giường, nay lại phải lo lắng cho hai cô con gái... Nghĩ đến đây, cô cảm thấy mình thật bất hiếu, cô không có can đảm buộc bà phải buồn phiền về chuyện của mình.
Cô mỉm cười, làm như không có chuyện gì xảy ra, rồi mạnh dạn nói: "Mẹ ạ, con không sao cả. Chỉ là hôm nay con rất nhớ mẹ nên mới về nhà thăm mẹ. Con, Văn Long và mẹ chồng con chung sống rất tốt. Bà ấy rất mát tính, cũng rất khéo tay, rất thạo nấu ăn nữa. giờ đây con ăn ngon miệng ngủ ngon giấc, công tác và sự nghiệp đều ổn cả, mẹ cứ yên tâm."
Bà mẹ nhìn cô, lúc này bà mới gật đầu, nói: "Thế thì con nói với Văn Long đi, mai mẹ mời bà thông gia ăn cơm."
Khoảng hơn chín giờ tối, Văn Long đến nhà mẹ vợ, anh hứa đi hứa lại với Tiểu Tuyết: Muộn nhất là ngày mai sẽ thuyết phục bà mẹ anh đòi lại cái bàn kính. Có thế anh mới đón được cô trở về. Bà mẹ vợ hẹn Văn Long rằng tối mai sẽ mời bà thông gia dùng bữa. Vì Văn Long đã hứa với Tiểu Tuyết rất rõ ràng, nên cô cũng bằng lòng bỏ qua khúc mắc khi trước, cô dẫn mẹ chồng ra cửa hiệu mua một chiếc áo ba bốn trăm tệ, nhưng lúc thanh toán cô mới biết đã quên không mang theo ví tiền, cô bảo Văn Long chi ra vậy. Là vợ chồng, tiêu tiền đâu cần phải rạch ròi tiền nong? Cả hai người xưa nay vẫn tiêu pha như vậy. Bà mẹ chồng nhìn thấy, lúc đó bà chỉ im lặng. Nghĩ rằng ngày mai sẽ sang nhà thông gia, bà thấy hơi hồi hộp, bà lúi húi cả buổi tối để nướng bánh, lưng đau ê ẩm. Bà muốn tỏ rõ tư thế trước mặt thông gia, bà muốn chứng tỏ mình rất khéo tay... nào ngờ bà mẹ Tiểu Tuyết rất nghĩ cho con gái, nên bà đã bố trí rất trang trọng để mời thông gia; nào là lái xe đưa đón, nào là bảo mẫu phục dịch... Bàn ăn, tuy nói là bữa cơm thường nhưng lại toàn là đồ hải sản tươi ngon, trong đó có một con tôm hùm nặng gần hai cân. Bà mẹ chồng Tiểu Tuyết lúc đi thì phấn chấn, lúc về thì lầm lỳ. Vừa về đến nhà thì bà gắt toáng lên.
Văn Long đang định thuyết phục bà mẹ để lấy lại cái bàn kính (trên đường từ nhà mẹ vợ trở về, cửa hàng nội thất đã gọi điện cho anh, nói rằng hôm nay họ sẽ chở cái bàn đến nhà), lúc này anh muốn tranh thủ nói với mẹ mấy câu, kẻo mẹ anh chưa được chuẩn bị tâm lý mà lại chở cái bàn về nhà thì gay go...
"Có lái xe, có người giúp việc, đã là ghê à? Con gái bà ta vẫn phải lấy con đấy thôi! Có tiền có ô tô đã là gì? Vẫn cứ là nhà tuyệt tự!" Bà dằn mạnh mấy chữ "nhà tuyệt tự", giọng bà khinh miệt coi thường ra mặt.
"Chỉ sang nhà mẹ nó một lát, mà cần phải mua áo mới à? Nói thế nghe sao lọt tai? Gọi là nó mua cho mẹ, nhưng vẫn là tiền của con! Những ba bốn trăm bạc, khác nào đốt tiền?"
Vào nhà, bà thay luôn áo khác, rồi nhân lúc Tiểu Tuyết còn đứng ngoài nói mấy câu với anh lái xe, bà bèn xả giận cho Văn Long nghe. Khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà tức tối đỏ lựng, những sợi tóc bạc rối mù bám trên má trên mặt.
Văn Long nhìn mẹ đang giận dữ như vậy, anh cũng rất khổ tâm, nhưng anh là người hiểu biết. Mẹ vợ bố trí có phần thái quá, nhưng nguyên nhân chính khiến mẹ anh ấm ức lại là sự khác biệt về quan niệm truyền thống. Cho nên anh chỉ im lặng. Lúc này cứ nghe bà oán thán mấy câu, rồi bà sẽ quay vào phòng. Nếu chưa đem được cái bàn kính về, thì anh còn phải chịu đựng Tiểu Tuyết nữa... Làm chồng, thật đáng ái ngại!
Anh ngồi trên sa-lông, cúi đầu. Bà mẹ đã thay áo. Bà lại mặc chiếc áo cũ màu cháo lòng, giận dữ ngồi xuống bên anh và tiếp tục ca cẩm. "Đàn bà có chồng rồi, tiền kiếm được đều thuộc về cái nhà này. Con xem, nó đã tiêu pha kiểu gì thế? hệt như mẹ nó, vung tay quá trán, tiêu bừa tiêu bãi..."
"..."
"Mao Long, con phải quản lý tiền nong của cô vợ, xem tiền của nó đã đi đâu; con đã không nắm lấy tiền của nó mà còn cho phép nó tiêu tiền! Loáng cái là vài trăm bạc! Con biết không: Cô vợ thằng Lý Trường Căn xin chồng mười đồng để mua trứng gà, còn phải hỏi chán chê nó mới đưa cho! Con thì sao? Chỉ chiều vợ rất vô lối, rồi thành thói quen thì sẽ ra sao? Ôi... tôi tức chỉ muốn chết thôi..."
"..."
Văn Long vẫn cứ lặng thinh. anh biết bà vẫn đang điên tiết, nếu lúc này chỉ cần anh nói đỡ cho tiểu tuyết vài câu, thì e huyết áp bà lại dâng cao... Anh cảm thấy, thuyết phục để bà hiểu ra, là một việc vô cùng gian khó. Nhưng anh cũng hiểu rằng dù sao anh cũng không thể né tránh. Anh mạnh dạn hẳn lên, khẽ nói: "Mẹ không biết đó thôi, vì mẹ và Tiểu Tuyết không hợp nhau, mẹ luôn rất khó chịu; con đứng giữa cũng rất khổ tâm, hôm nay đi làm con cứ thấy bất an, rồi làm sai, các anh em chê cười con suốt một ngày. Cứ thế này kéo dài thì chắc chắn công tác của con loạc choạc. Mẹ ạ, cuộc sống ngày nay áp lực rất căng, hơi sơ suất một chút là bị ông chủ sa thải. Mẹ nghĩ xem, nếu con bị sa thải thì sẽ ra sao? Con còn đang mắc nợ tiền nhà trả góp hai năm nữa... cho nên, mẹ..."
Văn Long ngừng lời. Đôi khi người già rất giống trẻ con, ta phải dỗ dành, nói dối và cả nói lý nữa; trước đó còn phải cho cái kẹo hoặc dọa mấy câu. anh biết những chiêu này rất hiệu quả. Mẹ anh suốt đời ở vùng quê miền bắc, chẳng biết ngoài xã hội ra sao, cho nên, về các chuyện học tập hay công tác, xưa nay Văn Long Văn hổ nói sao thì bà cũng nghe, và rất tin nữa. Lúc này nghe Văn Long nói thế, đôi mắt bà mở to, bà chuyển ý nghĩ sang chuyện khác, không hậm hực về việc gặp mặt bà thông gia nữa, mà chuyển sang quan tâm công tác của con trai. Bà lo lắng nói: "Thế thì... Mao Long, vậy phải thế nào? Lãnh đạo giận con à? Có cần biếu quà cho họ không? Ta
nên "đi cửa sau" đến gặp mà giải thích..."
Văn Long cười thầm, vội nói ngay: "Không cần, mẹ ạ. Ý con là không thể cứ thế này mãi. Cho nên, từ nay mẹ nên nhường nhịn một chút được không?"
Bà đanh mặt lại, lặng thinh.
"Chuyện của bố con chỉ là tai nạn bất ngờ, chứ Tiểu Tuyết không liên quan gì. Muốn trách thì mẹ cứ trách con."
Nhớ lại hồi trước, chính Văn Long cũng ngờ ngợ bố mẹ già đã tiêu tiền vào những việc gì, tại sao anh vừa gửi về hơn hai nghìn đồng thì Văn Hổ lại gọi điện xin tiền anh? Lần đó anh cũng thấy hơi buồn. hình như con cái đã lớn rồi thì cha mẹ không xót thương nữa, chỉ biết đòi con đưa tiền, chẳng biết đến những nỗi gian nan của cuộc sống bên ngoài.
Rồi anh cứ thẫn thờ, tự khép kín mình hai tháng trời. Văn Long rất tự trách mình, vì trước khi xảy ra chuyện với cha, anh đã từng có ý nghĩ bất hiếu như thế này: Nếu anh cứ muốn gửi tiền về quê, thì cuộc điện thoại kia của Tiểu Tuyết cũng không thể ngăn nổi anh. Vì thế, anh nghĩ rằng tại anh đã rất sai lầm nên mới dẫn đến tai nạn đó của cha.
Bà mẹ im lặng.
Văn Long lại gọi "mẹ ơi...", ánh mắt anh như cầu xin.
Lúc này vẻ mặt bà mới dịu xuống, bà nói không mấy tự nhiên: "Mẹ đã không trách nó nữa."
Vẫn có nét miễn cưỡng, không bằng lòng.
Văn Long gật đầu, nghĩ bụng đành phải từ từ vậy. Anh nhìn bà, rồi nói tiếp: "Mẹ ạ, chuyện về cái bàn kính, mẹ không đúng đâu. Mẹ nghĩ mà xem, nếu cái bàn đó là của con thì mẹ có đem đi đổi không? Chắc mẹ vẫn nhớ được: Nếu bây giờ con về quê, thì căn phòng của con vẫn hệt như hồi con học phổ thông; mẹ cũng biết rồi: Con không thích ai đụng đến các thứ của con, cho nên mẹ vẫn giữ nó y nguyên. Tiểu Tuyết cũng vậy, nhà con lại là tiểu thư con nhà giàu, được nâng niu, hôm nay mẹ cũng sang chơi bên đó và đã nhìn thấy rồi, họ là dân thành phố... mẹ nghĩ đi, có phải người ta cũng không thích ai đụng đến các thứ của họ không?"
Bà mẹ hơi sững người, bà nói: "Mao Long con vốn rất tiết kiệm, nếu là con thì con sẽ không mua cái bàn kính ấy; vợ con đã sai, mẹ muốn để cho nó hiểu rõ cách sinh sống ra sao. Con bé chẳng hiểu gì, chỉ toàn tiêu hoang, thì người lớn đâu có thể nhắm mắt cho qua được? Hai đứa hiện đang làm ra tiền, bèn tiêu bừa bãi, ngộ nhỡ mai kia gặp bất trắc gì đó, lại không có tý tiền gửi ngân hàng, nhẵn tiền thì sẽ ra sao? Mẹ đã từng trải, đã nếm đủ mùi gian khổ, thấy hai đứa tiêu pha kiểu ấy, mẹ mặc kệ, mẹ không lo mà được à?" Bà nói rất đàng hoàng dõng dạc.
Văn Long giả bộ rất bí: "Mẹ ạ, có những việc mẹ chưa hiểu rõ đâu, con lấy vợ mấy năm nay, tiền của con đều dùng để trả góp tiền mua nhà và gửi về quê, nhà này sống được đều trông vào tiền của Tiểu Tuyết. Nói ra thì xấu hổ, thực tế là Tiểu Tuyết đang nuôi con. Không chỉ nuôi con mà hiện giờ còn phải nuôi cả mẹ nữa. Lương tháng của con, con đâu có được cầm, mà là bị ngân hàng khấu trừ luôn. Mẹ biết chuyện ở quê ta rồi: Vợ anh Nhị Đan cầm dao thái thịt đuổi theo thím hai! Mẹ thử so thì biết, Tiểu Tuyết đã là người rất tốt rồi!"
Bà mẹ nín lặng, vẻ mặt dịu hơn một chút.
Văn Long lại nói: "Mẹ ạ, nếu vẫn chưa trả hết khoản vay ngân hàng dù chỉ một ngày, thì họ vẫn đến tịch thu căn nhà này. Cho nên, có thể nói con phải làm thuê cho ngân hàng 20 năm nữa. Xã hội ngày nay không thể có việc làm ổn định dài lâu, hiện giờ con có thu nhập khá, có thể trả khoản vay ngân hàng, nhưng nếu có ngày con thất nghiệp thì sao? Nếu mất việc làm, ở đây lại chẳng phải nông thôn có ruộng có đất, lúc đó chúng ta chỉ còn cách về quê mà đi cày! Mẹ nghĩ đi, mẹ có muốn con lại về quê làm ruộng không?"
Bà nghiêm mặt lại, nói rõ to: "Mao Long con nói đùa cái gì thế?"
Đứa con trai mà bà vất vả nuôi nấng, đâu dễ gì được học đại học rồi bứt ra khỏi nông thôn, thế mà nó nói là phải quay về đi cày! Bà vừa hoang mang vừa tức giận, bà bị Văn Long làm cho lú lẫn thì phải? Bà thấy nửa tin nửa ngờ.
Văn Long mỉm cười, anh biết bà đã bị lung lay. Anh nói: "Thật đấy, con không nói đùa đâu mẹ ạ, nếu nhà này chỉ có con, con lại thất nghiệp, thì rõ là phải về quê mà làm ruộng. Tiểu Tuyết là vợ con, là con dâu mẹ, rất có năng lực công tác, kiếm ra nhiều tiền; hiện nay cả hai chúng con cùng đi làm, nếu một trong hai người bị thất nghiệp thì người kia vẫn có thể chống đỡ, nhưng mẹ ạ, nếu con lấy cô vợ ở quê ta thì con có thể mua được nhà ở Thâm Quyến không? Cho nên, mẹ hãy đối xử tốt một chút với Tiểu Tuyết."
Bà mẹ nín lặng hồi lâu rồi mới nói: "Mẹ không tốt với nó à? Mẹ giặt quần áo, mẹ nấu bếp cho nó, mà vẫn là không tốt ư? Còn nó đối xử với mẹ ra sao? thế mà con vẫn nói hay cho nó! Nó xấu tính, rất xấu tính!"
"Mẹ đã rất tốt với nhà con, nếu mẹ cũng thương cô ấy như thương con thì càng tốt hơn."
"Nếu nó bằng một phần mười con thì hay! Mẹ biết con chiều nó, mẹ nể con, mẹ tốt với nó như thế là đủ rồi. Mao Long, mẹ luôn nhẫn nhịn và tốt với nó, nhưng nó cứ ngày càng tớn lên, con cũng đã thấy cả, đúng không? Con và Văn Hổ từ bé đến giờ mẹ nói một là một nói hai là hai, có bao giờ cãi lại mẹ đâu? Còn nó, mẹ bảo thế này thì nó làm thế kia, mẹ đã nói với nó từ lâu rằng phải tiết kiệm tiền mà sống, phải biết làm việc nhà, rốt cuộc, cho đến giờ nó vẫn tiêu tiền bừa bãi và chẳng biết mó tay làm việc gì hết! hồi trước còn biết nói ngọt, nay thì nó chẳng thèm chào mẹ nữa, cả ngày mặt chỉ chảy dài ra! tôi nuôi được đứa con trai đâu có dễ? Tôi đến với con trai tôi, mà tôi phải lựa phải chiều ý nó chắc?" Bà hậm hực giận dữ hết mức.
"Mẹ ạ, mười cái ghế chiếm hết chỗ trong phòng, căn nhà vốn đã chật, nay đi lại cứ phải né tránh; nhà ta lại ít khách khứa, kiểu ghế gỗ uốn cong này là thứ cũ kĩ lạc hậu ở thành phố, không có khách đã đành, nếu có khách đến chơi mà mời họ ngồi, họ sẽ cười vỡ bụng mất thôi!" Văn Long bịa chuyện nói phứa mấy câu nhằm chuyển đề tài khác, anh cúi đầu, giả vờ như xấu hổ.
Bà mẹ ngớ ra, nói rất thật thà: "Thật à? Họ sẽ cười cho?"
Bà vốn rất hay sĩ diện.
Văn Long nói: "Mẹ thử nhớ lại xem, lúc mẹ đổi bàn lấy ghế, nhân viên cửa hàng rất đon đả với mẹ, và đổi rất nhanh, đúng không? Mẹ biết chưa: Ghế này giá thị trường hiện giờ chỉ chưa đầy năm mươi tệ một cái!"
Văn Long nói thật xen lẫn nói dối, cứ như dỗ dành trẻ con.
Bà mẹ cho là thật, bèn nói: "Đúng thế ư? Năm chục mà dám bán cho mẹ hai trăm! Trời đất ạ, bọn họ dám ăn dỗ bà già này! Mao Long, điện thoại đâu? Mẹ phải gọi cho họ, mẹ không cần ghế nữa, mẹ bắt họ trả lại tiền!"
Văn Long nói: "Bảo cửa hàng trả lại tiền sao được? Chỉ có thể đổi. Đám ghế này chưa bằng một cái bàn. Cái bàn ấy tuy không được việc nhưng nhìn vào biết ngay là đồ dùng cao cấp, bày ở nhà trông cũng sang trọng; vả lại, Tiểu Tuyết vốn thích nó, sao mẹ phải đem đổi lấy ghế làm gì?"
Bà đã hiểu ra, bà thở dài rồi nói: "Được, mẹ biết con lại nghĩ cho cô vợ đó thôi. Ừ thì đổi, con đi đổi lại đi! Con cái lớn rồi, mẹ cũng bó tay, lấy vợ rồi là quên mẹ luôn!"
Bà khẽ lầu bầu. Anh con trai nói có vẻ rất thật nhưng hình như nó lại xen lẫn âm mưu gì đó. Bà thấy mơ hồ, lẫn lộn, cộng với cái vẻ hể hả của cửa hàng nội thất khi đổi ghế lấy bàn, bà đã tin là Văn Long nói đúng, và bà nhượng bộ.
Thấy mẹ đã ưng, Văn Long lập tức gọi điện cho cửa hàng nội thất. Người của họ đang đứng ngay ngoài cửa. Lúc đi làm về Văn Long đã gọi điện rồi, cho nên lần này anh vừa gọi điện xong thì họ đã khiêng ngay cái bàn vào nhà. Tất cả chỉ chênh nhau không đầy một phút. Bà mẹ lạnh lùng đứng bên nhìn.
Vừa từ nhà thông gia trở về đã bực mình rồi, lúc này lại nhận ra anh con trai dám trêu ngươi thế này, lòng bà giá lạnh. Nó đã thay đổi thật rồi, vì cô vợ, nó dám nghĩ mọi cách lừa bà, xoay bà như chong chóng!
Mấy nhân viên cửa hàng vừa chuyển xong cái bàn kính vào, thì Tiểu Tuyết về đến nhà. Bước vào nhà lại nhìn thấy cái bàn kính, cô rất vui vẻ hài lòng. Nhìn thấy mẹ chồng cô ngọt ngào chào luôn "Mẹ ơi".
Những lời Văn Long nói, bà mẹ vẫn có phần ngờ ngợ, nhưng lại nghĩ nếu xảy ra như thế thật thì sao? Con mình không có việc làm, không nhà cửa, phải trở về quê, bà rất không muốn thế. Nuôi được anh con trai học lên đại học đâu có dễ! Cuộc sống hiện giờ hơn hẳn ở quê, tuy ở với con dâu không mấy thoải mái nhưng vẫn có thể thu xếp, hơi gượng nhưng vẫn ổn.
Thấy Tiểu Tuyết tươi cười chào hỏi, bà cũng cố mỉm cười, và "ừ" một tiếng.
Vậy là, vì Văn Long đã khéo nói, và bà mẹ vốn vẫn tin anh, cơn giông tố về cái bàn kính coi như đã lắng xuống. Kết quả là Tiểu Tuyết đã thắng, mẹ chồng tạm thua.
Nhưng sóng lặng gió yên chỉ là bề ngoài, thực ra, nếu Tiểu Tuyết thua, mẹ chồng thắng, thì rất có thể đó chỉ như lời tuyên bố ngưng chiến. Vì Tiểu Tuyết là người không để bụng dễ cho qua, nhưng bà mẹ chồng thì khác, bà là người già, bà biết cách nén mình, biết cách tỏ ra xởi lởi bề ngoài nhưng cũng hay thù dai để bụng.
Lần này bà thua, có vẻ như sóng lặng gió yên rồi, nhưng nỗi oan ức của bà lại càng sâu. Chỉ hiềm, đôi vợ chồng trẻ Văn Long Tiểu Tuyết thì không hề nghĩ đến điều này.
Khi muốn tha thứ muốn tiếp nhận một ai đó, con người ta phải thấy cảm động từ trong sâu thẳm đáy lòng, thì mới làm được. Nếu chỉ vì bất đắc dĩ (ví dụ, do con cái khuyên nhủ, vì áp lực của cuộc sống) thì điều gọi là tha thứ và hài hòa kia cũng chỉ là tạm thời, chỉ là bề ngoài mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top