Chương 3: LẠI CHUYỆN CÁI BÀN KÍNH
Tiểu Tuyết nhận rõ tình yêu của Văn Long đối với cô, anh đã ủng hộ và thấu hiểu cô, tâm trạng cô đã nhẹ nhõm rất nhiều. Anh muốn cô cho anh thời gian, anh sẽ khuyên nhủ bà mẹ, Tiểu Tuyết bằng lòng chờ đợi.
Ngày lại ngày trôi qua, hình như mẹ chồng vẫn còn giận cô, vẻ mặt bà lúc nào cũng đanh lại. Buổi chiều Tiểu Tuyết tan làm rồi không có can đảm về nhà, vì cô biết Văn Long thường không thể về sớm, cô không có gan về nhà để một mình đối diện với mẹ chồng. Cô nán lại phòng làm việc rất lâu, cũng vừa khéo dịp này cô không viết bài nào cho nhà xuất bản hoặc tạp chí, ở phòng làm việc cũng rỗi rãi.
Mãi đến 10 giờ tối cô mới rời phòng làm việc, cô đoán chừng giờ này Văn Long đã về rồi. Nhưng bước vào nhà thì vẫn chưa thấy Văn Long về, cô đành đứng ở phòng khách và đánh bạo chào "Mẹ ơi", bà ngỡ ngàng đứng dậy tươi cười hỏi cô: "Đã ăn cơm chưa?"
Tiểu Tuyết đâu có nghĩ đến ăn, hiện giờ hai người tuy không to tiếng với nhau, lúc này bà còn cười với cô nhưng cô biết thâm tâm bà thì vẫn như trước, chắc chắn bà càng khó chịu với cô, cô hạ thấp giọng: "Mẹ ạ, con đã ăn bên ngoài rồi, con về phòng đây."
Nói rồi cô vội vã đi luôn, bước vào phòng mình, tựa vào lưng cánh cửa, thở phào, có cảm giác hình như đây không phải là nhà của mình, tại sao lại thế? Nhà của ta, lẽ nào không phải là nơi để ta có thể tự do thả lỏng tâm trạng? Trở về nhà, sao lại cảm thấy bị ức chế hơn cả ngồi ở phòng làm việc? Văn Long bảo cô cứ chờ, cô phải chờ đến bao giờ?
Cô bước đến đầu giường, thấy rác hôm qua trong thùng đã được đổ đi sạch sẽ, hộp bao cao su vẫn đặt trên cái tủ đầu giường không thấy đâu nữa, cô ngẩn người, kéo ô ngăn kéo ra, thì nhìn thấy nó đang nằm yên ở đó. Rõ ràng là hôm nay bà mẹ đã vào phòng cô dọn dẹp.
Cô thở dài, uể oải ngồi xuống giường, nghĩ bụng, bà muốn vào thì cứ việc vào, miễn là mình không nhìn thấy, không nhìn thấy càng đỡ bực mình.
Ngồi nơi đầu giường, Tiểu Tuyết bỗng thấy là lạ, bèn đứng ngay dậy, nhận ra cái bàn kính Văn Long mới mua về cho cô đã biến mất! Cô đứng nhìn quanh một lượt, vẫn không thấy cái bàn đâu. Cô biết chắc đã có chuyện rồi, đôi chân đứng không vững nữa, cô vội mở cửa bước ra. Mẹ chồng đang ngồi kia lặng lẽ xem ti vi, Tiểu Tuyết gắng tự nhủ hãy bình tĩnh, vẻ mặt tươi cười, hết sức bình thản, cô nói với bà: "Mẹ ơi con muốn hỏi, cái bàn kính ở phòng con đâu rồi? Con vừa định đặt cái máy tính..."
"À, mẹ thấy nhà ta có hai cái bàn, nên mẹ đem nó đi đổi lấy 10 cái ghế rồi." Giọng bà vẫn như thường, tay bà cầm chiếc điều khiển ti vi, tươi cười nhìn cô. Đó là 10 cái ghế gỗ có đường nét uốn lượn theo kiểu cũ, màu da cam sáng, rất vênh với phong cách trang nhã của các đồ vật vốn có trong toàn căn nhà của họ.
Tiểu Tuyết cúi đầu, đôi môi mím chặt, cô dường như hóa điên. Cô không sao chịu nổi nữa. Cái bàn ấy là món quà của Văn Long - người chồng mà cô rất yêu - tặng cho cô, thế mà bà ấy không thèm hỏi cô nửa câu, đem nó đi đổi lấy thứ khác!
Họ đã sống với nhau bốn năm năm, có món quà nào anh tặng mà cô chẳng nâng niu trân trọng?
Vào lúc này bỗng nghe tiếng kẹt cửa, bà mẹ nhanh thoăn thoắt bước ra cửa: "Mao Long đã về rồi à?"
Văn Long tươi cười gật đầu. Hôm nay anh cùng các kỹ sư dưới quyền đàm phán với chủ đầu tư hết sức vui vẻ và thuận lợi, các anh đưa ra con số dự toán, chủ đầu tư đã rất xởi lởi chấp nhận và ký hợp đồng. Dự kiến ngày mai các anh có thể bắt tay vào thi công.
Văn Long đang rất phấn chấn, thân thiết chào mẹ, rồi bước vào nhà. Thấy Tiểu Tuyết đang cúi đầu đứng trước cửa phòng, anh hơi ngạc nhiên. Cô ngẩng nhìn anh, đôi mắt trào lệ, lặng im không nói. Rồi cô quay người bước vào phòng. Cô không muốn thẳng thừng to tiếng với mẹ chồng trước mặt Văn Long, cô không muốn anh phải khó xử.
Nhìn đôi mắt đẫm lệ của cô, Văn Long sửng sốt, nhận ra ngay đã xảy ra chuyện gì đó.
"Mao Long con ăn cơm chưa? Hôm nay mẹ nấu cháo khoai môn, mẹ bưng ra cho nhé?" Đôi chân nhỏ nhắn của bà bước thoăn thoắt, chỉ lát sau đã bưng món cháo khoai môn vào. Bà đưa cho Văn Long chiếc bánh rán. "Mao Long, bánh này hôm nay mẹ mới rán, mẹ rán rất nhiều." "Mao Long, thịt cầy đã hết, mẹ làm nhân thịt bò đấy. Cả một túi thịt cầy mẹ xách từ quê ra đã hết nhẵn, nếu con muốn ăn mẹ sẽ gọi điện về quê. Bảo anh tư của con mang ra cho."
Bà cười tít mắt ngồi xuống bên con trai, vui vẻ nói chuyện với anh liến thoắng.
Văn Long cũng câu được câu chăng đáp lời bà, anh muốn ăn cho chóng xong rồi quay về phòng kể với Tiểu Tuyết việc các anh đã ký được hợp đồng với chủ đầu tư, sau khi công trình hoàn thành, sẽ nhận được khoản tiền 200 nghìn, và hai vợ chồng có thể mua ô tô. Sẽ mua chiếc Toyota Prado! (Văn Long rất mê chiếc Toyota Prado, đã bao đêm anh tâm sự bên tai Tiểu Tuyết điều này.)
Nhưng rồi anh ngẫu nhiên ngẩng đầu, bất chợt nhìn thấy trong phòng khách có thêm mười chiếc ghế, anh ngớ ra, hỏi bà mẹ: "Mẹ ơi, ghế kia ở đâu ra thế?"
Bà mẹ kể với anh chuyện đổi cái bàn kính lấy đám ghế. "Hôm nay dọn dẹp quét tước, mẹ nhìn thấy trong phòng con có tấm danh thiếp của cửa hàng nội thất, ghi rõ số điện thoại, mẹ nghĩ một lát rồi gọi điện hỏi họ rằng mẹ muốn đổi... họ đồng ý ngay. Con xem, thái độ phục vụ của họ rất tốt, làm việc cũng rất nhanh, sáng gọi điện chiều đã chở đến. Con thấy đổi như thế có được không? Cái bàn kính nho nhỏ quá đắt, dùng nó chẳng thực tế tí nào, vả lại nhà ta vẫn còn một cái; sống cũng phải biết cách chứ! Cổ nhân nói rất hay: khéo biết tích cóp gây dựng cơ đồ, nước chảy đá mòn tán gia bại sản. Đúng không hả con? Mẹ đã đổi được chục cái ghế, nếu anh tư và dì hai của con ở quê ra, hay các đồng nghiệp bạn bè của con đến chơi sẽ có chỗ mà ngồi, phải không?"
Văn Long cúi đầu, nặng nề. Hình ảnh Tiểu Tuyết đầm đìa nước mắt lại hiện lên. Anh khổ sở đến cùng cực.
"Mẹ ạ, dân thành phố thường không có thói quen đến thăm họ hàng, hàng xóm sát vách cũng chẳng ai biết ai, các đồng nghiệp cũng không hay đi la cà đây đó; mẹ vẫn nghĩ đang sống ở quê hay sao? Nhà vốn đã không rộng rãi gì, mẹ còn bày ra chục cái ghế... sao mẹ không hỏi con một câu trước đã?" Văn Long đưa tay lên vò xoa mặt, mặt anh đầy vết nhăn nhúm khổ sở.
Nhìn vẻ mặt con trai bỗng trở nên buồn bã, bà thấy hơi chột dạ nhưng vẫn cho rằng mình có lý, bà nói cứng: "Dù sao thì đổi lấy mười cái ghế vẫn cứ là đúng. Dù nó chẳng ích gì thì vẫn còn hay hơn cái bàn kính, đúng không? Cái bán kính bé tẹo, rất dễ nứt vỡ, giá lại đắt như thế, dùng nó để làm gì chứ? Mao Long thấy đúng không nào?"
Văn Long đang rất lo lắng về Tiểu Tuyết, chẳng thiết ăn, anh chỉ nhai nửa cái bánh rán nhân thịt bò, nửa còn lại và nồi cháo vẫn nằm trơ trên bàn. Anh hậm hực đứng lên nói thẳng với bà: "Mẹ ạ, gần đây con rất mệt mỏi, hôm nay con phải đi nghỉ sớm, mẹ cũng đi ngủ đi."
Chẳng đợi bà trả lời, anh bước luôn về phòng mình. Bà mẹ ngẩn người. Lần đầu tiên anh con trai có thái độ như thế này với bà khiến bà có phần thấp thỏm không yên.
Văn Long vừa bước vào phòng của hai vợ chồng thì nhìn thấy Tiểu Tuyết đang ngồi ở đầu giường, cúi đầu. Anh vội bước lại, cúi xuống ôm lấy cô, nói rất áy náy: "Xin lỗi Tiểu Tuyết, anh không hề biết trước, mẹ anh nhìn thấy tấm danh thiếp của cửa hàng nội thất..."
Tiểu Tuyết muốn đẩy anh ra nhưng anh ôm cô rất chặt, nói lẩm bẩm: "Xin lỗi em. Tại mẹ anh... anh xin lỗi."
Tiểu Tuyết không nén nổi nữa, cô phải nổ tung: "Mẹ anh dở hơi hay sao? Có phải thế không? Nhà đã chật lại còn rước chục cái ghế về để làm gì? Bà ấy tưởng vẫn đang sống ở nông thôn miền bắc thì phải! Ghế gỗ uốn cong đã lỗi thời rồi cho nên họ đương nhiên bằng lòng đổi cho ngay! Thế mà bà ấy vẫn tưởng là vớ được báu vật! Đúng là dở hơi, dở hơi!"
Tiểu Tuyết nói rất to, khỏi cần kiêng dè gì nữa, bà già ở ngoài nghe thấy cũng chẳng sao, cô cũng muốn bà ấy nghe thấy.
Văn Long ôm chặt lấy cô, cặp lông mày anh nhíu lại. Anh nói nhỏ: "Em ơi, nói khẽ thôi được không?"
Nghe anh nói vậy cô càng điên tiết. Nói khẽ à? Đến giờ mà anh vẫn còn e ngại bà mẹ?
Cô đẩy mạnh anh ra, tới tấp lau quệt nước mắt trên mặt, cô nghiến răng nói: "Anh đã hứa với em những gì thì anh phải làm cho được. Em muốn có cái bàn kính ấy. Em cho anh hai ngày, nếu vẫn không đem về được, thì... em nhắc lại, chúng ta ly hôn!"
Cô không nhìn anh nữa, rảo bước vào toa lét.
Văn Long đứng đờ ra, bỗng thấy như mình đang cõng tảng đá rõ nặng, anh bất giác khom lưng xuống, rồi chầm chậm ngồi xuống mép giường. Anh nhìn bóng mình trên tường, thấy cái bóng cũng như bất lực, khó xử, không làm nổi việc gì nữa.
Giờ đây hai người phụ nữ đã không to tiếng với nhau nữa, nhưng mọi nỗi vướng mắc lại trút sang anh.
Trước đây hai vợ chồng đằm thắm nồng nàn, luôn thủ thỉ tâm tình đủ thứ, nay biến thành xa vời nhạt nhẽo chẳng biết nói gì với nhau cho phải. Tiểu Tuyết chỉ im lặng lạnh như băng, vô hình chung tạo cho Văn Long áp lực rất lớn.
Đêm xuống, họ quay lưng lại với nhau nằm ngủ (Văn Long muốn ôm lấy cô thì cô hờ hững), tình huống này thật hiếm hoi. Ngày trước họ thường nằm đối diện, ôm nhau ngủ (dù tư thế này khiến Văn Long rất mỏi); Văn Long tiếp xúc với người ngoài thường tỏ ra kín đáo ít nói, nhưng với Tiểu Tuyết thì anh lại rất hoạt bát, cũng vì họ cùng yêu nhau sâu sắc nên anh luôn rất cởi mở với cô. Khi ôm nhau nằm ngủ, anh thậm chí còn phấn chấn khẽ hát bên tai cô: "Vài bát thóc là hai bát gạo, mặt kề mặt mà ôm nhau ngủ, anh nhớ em..." Mỗi khi anh hát mấy câu này, Tiểu Tuyết cảm thấy hết sức hạnh phúc. Cô vừa cười vừa gọi, cuộn mình nằm gọn trong lòng anh, có lúc còn ngồi lên người anh không chịu xuống nữa.
Ngày trước họ thật hạnh phúc, mà nay thì lại khác hẳn.
Sáng ngủ dậy cả hai cùng ra khỏi nhà, bà mẹ đưa cho họ mỗi người một túi đồ ăn sáng, nhưng lần đầu tiên Tiểu Tuyết từ chối, cũng không nói nửa lời, cầm luôn cái túi xách rồi quay người bước ra.
Bà mẹ rất không vui, đặt mạnh cái túi đồ ăn xuống bàn, tức giận nói với theo Tiểu Tuyết: "Mặt chảy dài ra để cho ai xem nhỉ? Để cho ai xem?"
Văn Long cười như mếu, cầm cái túi đồ ăn ấy lên, ủ rũ, nói với bà: "Mẹ ơi con đi đây."
Anh vội vàng đuổi theo Tiểu Tuyết, dúi vào tay cô. Tiểu Tuyết quay ngoắt sang bên, không cầm. Văn Long nói: "Em đừng giận nữa được không? Anh sẽ đi lấy cái bàn kính đó về. Em hãy tin anh..."
Cô nhìn sang anh, lặng thinh, vào lúc này không phải cô không muốn nói chuyện, mà là cô lo hễ mở miệng thì mình sẽ khóc, thì còn nói năng gì được nữa? Những điều cần nói thì cô đã nói rõ cả rồi, nếu Văn Long thật sự yêu cô thì anh ấy phải hành động đi chứ!
Cô nhìn sâu vào mắt anh, rồi cất bước, lần đầu tiên họ không sánh vai nhau, cô rảo bước, tách xa anh, rồi cô lên xe buýt. Văn Long đứng đờ ra, tay cầm hai suất đồ ăn sáng vẫn còn âm ấm, vẻ mặt thiểu não chẳng biết nên thế nào bây giờ.
Tiểu Tuyết ngồi trên xe buýt. Những tia nắng sớm mai chiếu qua cửa kính, rọi trên các ngón tay cô, cái nhẫn lóe sang chói mắt. Cô ngẩn người, đưa bàn tay đeo nhẫn lại gần trước mặt. Chiếc nhẫn bạc cô đã đeo nó suốt bao năm qua, từ hồi cô và Văn Long đang yêu nhau sôi nổi, anh đã mua nó cho cô. Vì đeo quá lâu, cái nhẫn đã bị nứt nhưng Tiểu Tuyết vẫn giữ gìn được. Cô đem nó đến hiệu kim hoàn, nhờ họ hàn lại.
Cô luôn nâng niu từng món quà tặng của Văn Long.
Cái bàn kính, trong con mắt của người già, nó là thứ trông đẹp nhưng không bền, giá đắt mà lại không thực dụng. Nhưng với Tiểu Tuyết thì cái bàn kính ấy là món quà của Văn Long, ở đó có tình yêu của anh, tình cảm của anh; nó là thứ mà cô yêu thích chứ đâu chỉ là một đồ dùng bình thường trong nhà?
Bao năm qua thỉnh thoảng Văn Long lại tặng quà cho cô, kể từ khi họ bắt đầu yêu nhau, những dịp kỷ niệm ngày cưới (ở quê của Văn Long và ở Thâm Quyến), ngày lễ Tình nhân (Valentine phương Tây hoặc của Trung Quốc), ngày sinh nhật Tiểu Tuyết, hoặc những lần Văn Long đi công tác xa, anh thường mua những món đồ ăn, trang phục, đồ chơi đồ dùng... từ những miền đất xa xôi khắp bốn phương trời đem về tặng cô.
Cô đương nhiên rất hiểu rằng Văn Long yêu cô chân thành sâu sắc nên anh ấy dù đi đến đâu cũng nhớ đến cô, luôn gọi điện cho cô và mua quà về tặng cô. Vì thế mà cô luôn rất yêu quý nâng niu gìn giữ các món quà của anh. những năm qua Văn Long đã mua cho cô vô số đồ trang sức, túi xách, váy áo, giày, khăn quàng, cô chẳng thể sử dụng tất cả, phần lớn được cất trong ngăn kéo hoặc đáy va-li, chúng là quà của anh tặng, dù không thể ngày nào cũng mặc cũng đeo nhưng những khi rỗi rãi ở nhà, cô thường đem chúng ra ngắm nghía, nhớ lại anh đã mua chúng ở đâu, khi nào, cô thấy rất ngọt ngào hạnh phúc.
Khi cưới, hai người cần gom tiền để trả đợt đầu cho căn nhà trả góp nên Văn Long không thể mua nhẫn cưới cho cô, cô cũng không phàn nàn gì. Cô yêu anh và thông cảm với anh. Về sau, Văn Long kiếm ra tiền, không đến nỗi phải dè xẻn nữa, anh đã mua bù cho cô cái nhẫn kim cương, nhưng cô chưa bao giờ đeo nó, mà chỉ đeo cái nhẫn bạc, vì nó là kỷ vật Văn Long mua cho cô từ thời họ đang say đắm yêu nhau. Dù nó chỉ là thứ hàng tầm tầm nhưng với cô thì cái nhẫn bạc ấy là báu vật vô giá không gì sánh bằng. Đồ trang sức mà người thiếu nữ thích nhất không phải thứ đắt giá nhất, mà là thứ mà chàng trai thân yêu tặng cho họ khi đang yêu đương, Tiểu Tuyết luôn luôn đeo cái nhẫn bạc là vì thế.
Trong con mắt Tiểu Tuyết, cái bàn kính kia là tình yêu của Văn Long đối với cô.
Những điều này, một bà già nông thôn vốn cả đời hà tiện đâu có thể hiểu nổi? Những ý nghĩ lãng mạn của lớp trẻ, bà hiểu sao được?
Bà đã tự tiện đem đổi cái bàn kính lấy những cái ghế gỗ cong cong, không chỉ làm tổn thương Tiểu Tuyết mà còn khiến cô phẫn nộ và thấy lo lắng. Nhà này không phải của cô nữa, cô không phải là chủ nhà nữa rồi. Đồ vật để trong nhà mà còn biến mất, nhà này có phải là của cô nữa không?
Giờ đây Tiểu Tuyết hận bà đến cùng cực, dẫu cô có tốt nết hơn, cô cũng không muốn sống chung với bà nữa. Vì yêu Văn Long mà cô đã rất lễ phép và rất vui vẻ hiền hòa với bà, nay cô không làm nổi nữa. Tại sao? Những điều này Văn Long đều biết cả, anh biết rõ mọi nguyên nhân nhưng anh lại không biết mình nên xử trí ra sao. Tâm trạng Văn Long bất ổn cả một ngày trời, dù công việc đang tiến hành rất thuận lợi, đã ký được hợp đồng kiến trúc lớn, đã bước vào giai đoạn đo đạc thực địa, có thể nói các anh đã nắm chắc thành công, chỉ cần hoàn thành là nhận được tiền; hơn hai chục kiến trúc sư ở Phòng thiết kế dưới quyền Văn Long đều rất phấn chấn. Anh ngồi nhìn họ qua vách kính ngăn, thấy ai ai cũng nói cười hết sức vui vẻ, nhưng anh thì không sao vui được. Đúng thế, nếu là trước đây thì anh sẽ rất vui, dự án hàng chục triệu, riêng anh được thù lao ít ra là hai trăm ngàn, số tiền này anh có thể mua ô tô mà anh mơ ước đã lâu, anh sẽ thuộc đẳng cấp có xe hơi ở Thâm Quyến, nhưng hiện giờ bà mẹ và vợ anh khúc mắc với nhau không dứt, xung khắc như nước với lửa. Mẹ và vợ đều là rất quan trọng trong lòng anh, anh nên làm gì đây?
Để cho mẹ trở về quê ư? Làm thế sao được? Cha anh đã mất, nếu bà mẹ lại về quê sống cô đơn lủi thủi, không chỉ họ hàng bạn hữu sẽ chỉ trích anh mà ngay chính anh sẽ mang nặng cảm giác tội lỗi, sẽ đập đầu mà chết cũng nên.
Ly hôn với Tiểu Tuyết? Càng không thể như vậy. Anh rất yêu cô. Tiểu Tuyết là cô gái thị thành, có tiền bạc, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng; cô xinh xắn tài hoa lại rất có năng lực, và đáng quý nhất là cô thật tốt tính, hầu như chưa từng to tiếng với anh; và...thật hiếm hoi, khi kết hôn với anh, Tiểu Tuyết vẫn là cô gái nguyên vẹn chưa hề cùng ai.
Giã từ một người vợ như thế này là điều Văn Long chưa từng nghĩ đến. Anh thương yêu cô hơn bất kỳ ai trên đời này. Nhưng mẹ và vợ, cả hai đều rất quan trọng đối với anh, nếu nói giã từ một trong hai người thì khác nào giết chết anh? Thế mà giờ đây cả hai người quan trọng nhất của đời anh lại không thể chung sống thuận hòa như anh mong mỏi và quan tâm săn sóc, anh phải làm gì đây?
Văn Long cau mày, vẻ mặt nhăn nhó khổ sở ngồi trong phòng làm việc suy nghĩ cả một ngày trời.
Tiểu Tuyết âm thầm nhường nhịn và lấy lòng mẹ chồng, cô tin cậy và chờ đợi ở Văn Long, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng rốt cuộc bà lại càng làm khó cho cô, soi mói và trừng phạt cô ngày càng ghê gớm hơn.
Cô trở về nhà mẹ đẻ.
Trên đường về nhà mẹ đẻ, Tiểu Tuyết hồi tưởng lại, ngày trước cô đã bất chấp tất cả để lấy Văn Long là vì tình yêu; cô yêu Văn Long bởi anh đã yêu cô thương cô với tất cả tấm lòng!
Lần đầu cùng Văn Long về quê, anh dự định chỉ dẫn cô về thăm cha mẹ anh, thế rồi cả hai tổ chức luôn đám cưới, bởi ông cụ cứ một mực ép họ phải làm ngay.
Trước khi đi, Văn Long đã nói với cô rằng "vùng quê anh rất nghèo".
Tiểu Tuyết cố gắng nghĩ ngợi, nhưng vì kinh nghiệm sống chỉ có hạn, trí tưởng tượng của cô không thể hình dung nổi cảnh tượng quê anh là thế nào, cô hỏi lại: "Quê anh nghèo đến đâu?"
Văn Long trả lời cô rất chân thật: "Ở đó chưa có điện, nhà nào cũng đốt đuốc dầu thông."
Tiểu Tuyết mở to đôi mắt.
Văn Long lại thật thà nói: "Ở quê anh không có các hoạt động vui chơi giải trí, tối đến là đi ngủ, vào những dịp lễ tết, mới có những nghệ nhân giang hồ đi đến nơi, họ đánh trống và kể chuyện. Đó là hoạt động giải trí duy nhất ở quê anh."
Thấy anh nói rất rành rọt như thế, cô tin là thật, và nói: "Trời đất ạ, nghèo đến thế thật ư?"
Thấy cô có vẻ sợ hãi, Văn Long bật cười: "Em thật thú vị! Anh nói dối đấy! Hiện nay làm gì có nơi nào không có điện?"
Tuy bề ngoài anh tỏ ra không để ý đến phản ứng của Tiểu Tuyết nhưng thâm tâm anh ít nhiều cũng hơi băn khoăn.
Tiểu Tuyết lần đầu tiên về nhà Văn Long. Đi men theo bức tường xiêu vẹo xếp bằng đá, rồi bước đến đứng trước hai cánh cửa gỗ xộc xệch, nhìn ngôi nhà cũ kỹ, tường xây bằng gạch mộc lỏng lẻo rời rạc, cô ngẩn người: Cảnh tượng này cô chỉ nhìn thấy trên ti vi từ hồi còn bé. Cuộc sống ở đây so với Thâm Quyến - nói không ngoa tí nào - phải lạc hậu ít ra là nửa thế kỷ!
Những giây phút đứng trước cổng nhà Văn Long, Tiểu Tuyết có cảm giác ngờ ngợ liệu có phải mình đã đi ngược thời gian năm mươi năm không?
Văn Long xách hành lý, nhìn cô đứng ngây ra đó, anh cố tỏ ra nhẹ nhõm như thường, nói với cô: "Anh đã nói trước là nhà anh rất nghèo, mà em cứ không tin. Nào, ta vào đi."
Văn Long nhìn sang, thấy đôi mắt cô đang mở to, long anh cũng hơi thấp thỏm không yên. Hình như cảm giác căng thẳng và tự ti ngày trước lại đến với anh, trước đó anh đã không ngớt nói quá lên rằng quê anh nghèo, không có điện, phải thắp đuốc dầu thông, nghe đánh trống kể chuyện, và nghĩ rằng quê nhà anh dù sao cũng đã có điện, Tiểu Tuyết sẽ không kinh ngạc nữa... nhưng thấy cô đang đứng đờ đẫn trước cổng nhà thì anh lại rất tự ti.
Anh cúi đầu, cười hiền hòa rồi nói: "Tiểu Tuyết vào nhà đi, vài hôm nữa chúng ta lại về Thâm Quyến."
Tiểu Tuyết chỉ có thể gật đầu, gượng cười, tỏ ra tươi tỉnh: "Được, vào đi. Không khí ở đây tốt thật."
Vì cô thật sự yêu Văn Long, và cũng vì tuổi trẻ ngây thơ nữa, tuy giật mình vì sự nghèo khó lạc hậu của nơi này nhưng cô vẫn nhanh chóng tiếp nhận.
Cô nghĩ bụng, mình đã về đây rồi thì còn cách nào khác nữa? Điều an ủi lớn nhất là Văn Long đã bứt ra khỏi nông thôn, chẳng phải người của nơi này nữa, hai người về đây chỉ là để thăm người nhà. Mấy chữ "về thăm người nhà" được tái hiện mãi trong lòng, rốt cuộc khiến cô thấy dễ chịu hơn đáng kể.
Hai người đẩy cổng bước vào, Văn Long gọi "Bố ơi, mẹ ơi". Hai ông bà bước ra ngay. Tiểu Tuyết đứng ở sân, vừa nghe Văn Long nói chuyện với cha mẹ, vừa nhìn khắp xung quanh. Mọi ngôi nhà trong thôn này đều xây tường bằng gạch mộc, tường vây bốn bề được xếp bằng đá xanh khai thác từ núi, khắp trong ngoài thôn trồng cây bạch dương cao ngất tầng mây, hiện đang là mùa đông, lá bạch dương đã rụng hết, còn trơ lại thân cành. Không khí trong lành, môi trường rất tốt, không ô nhiễm nhưng nơi đây quá nghèo, không có ai đến xây nhà máy phát triển kinh tế cả.
Hai người chỉ định về thăm quê, nào ngờ cha mẹ Văn Long nghĩ rằng anh đã lớn tuổi, bèn quyết định đứng ra làm đám cưới cho họ. Thoạt đầu Tiểu Tuyết không đồng ý, cô rất sợ hãi, tối đến ôm lấy Văn Long khóc lóc, đòi trở về Thâm Quyến. Cô không quản ngại gia đình anh nghèo khó nhưng nghĩ rằng nếu kết hôn, về miền quê hẻo lánh lạc hậu thế này làm dâu thì cô bỗng thấy sợ hãi.
Nhưng ông bà già cho rằng so với thanh niên trong thôn thì Văn Long đã rất cứng tuổi rồi, nếu không lấy vợ thì ông bà rất ngượng, nên họ nhất định làm lễ cưới cho hai người. Họ về đây mấy hôm, ngay từ đầu ông bà chẳng hề hỏi ý kiến họ ra sao, và cứ tự ý ngấm ngầm sắp đặt tất cả.
Văn Long rất chu đáo với Tiểu Tuyết, cô muốn đi vệ sinh, anh dẫn cô đi. Nhà vệ sinh ở đây chỉ là một đống tro, có hai "mành mành" bằng bẹ ngô che ở phía ngoài, không có cửa, đã vào rồi thì cứ nơm nớp có ai đó xộc đến. Tiểu Tuyết nhất định không chịu vào. Văn Long đành dẫn cô ra khu chợ gần đó, và tìm được một nơi. nhà vệ sinh công cộng ở vùng nông thôn này bẩn ngoài sức tưởng tượng của cô, người ra chất ít gạch làm thành ba mặt tường, không nóc, không cánh cửa. Tiểu Tuyết bước vào, thấy một cái hố to, rặt những bãi "chất thải" bẩn thỉu kinh khủng... cô khiếp hãi quay người chạy ra, rồi ngồi thụp xuống nôn thốc nôn tháo. Một hồi lâu sau cô mới hết cơn ghê cổ.
Văn Long nhăn nhó gượng cười, nói: "Chúng ta về nhà vậy. Tiểu Tuyết, thật khổ cho em!"
Cô chẳng còn cách nào khác, đành quay về nhà. Văn Long quét dọn nhà vệ sinh trước, rồi Tiểu Tuyết mới vào; anh thì đứng ngoài canh chừng. Cái "việc kia" đã xong, cũng chẳng có nước xả (đâu như bệ xí để ta có thể ấn nút xả nước), cho nên Văn Long lại phải vào lần nữa để "tổng vệ sinh". Tiểu Tuyết chỉ biết dùng toa lét ở thành phố, tính vốn ưa sạch sẽ và có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cho nên mỗi khi vào toa lét cô đều mất kha khá thì giờ. Văn Long "xử lý" giúp cô, anh không hề kêu ca oán thán, cô đứng ngoài nhìn bóng anh đang loay hoay trong đó, rất cảm động, nghĩ ngợi, anh ấy có thể hộ mình làm cái việc rất thô thiển như thế này, chẳng phải là vì tình yêu rất sâu nặng hay sao?
Tiểu Tuyết do đặc điểm của gia đình mình, cô rất cần có một người đàn ông hết lòng yêu cô. những phút giây cảm động bồi hồi đã khiến cô quyết định bằng lòng lấy anh.
Lại còn chuyện tắm gội ở đây nữa. Miền bắc rất giá lạnh, đến nỗi nước đặt gần bếp lò, đến nửa đêm cũng bị đóng băng; ở nông thôn đâu có bình nước nóng, dân ở đây cả mùa đông không tắm gội. Tiểu Tuyết đã mấy ngày không tắm thấy người rất khó chịu, bèn nói nhỏ với Văn Long rằng cô muốn tắm. Anh nói: "Ở đây không có điều kiện để tắm, em cứ nằm lên giường, đắp hai lần chăn bông, rồi anh lau người cho em được không? Chỉ còn cách này thôi. Anh rất xin lỗi Tiểu Tuyết."
Thật không ngờ anh có thể giúp cô lau người, cô rất cảm động, tươi cười bằng lòng. Văn Long nhanh chóng bưng đến một chậu nước nóng, bảo cô chui vào chăn, cởi quần áo ra, rồi từ từ lau người giúp cô. Trước hết kéo cánh tay cô ra, dùng khăn ấm lau thật nhanh, rồi lùa vào ngay. tiếp đó là tay kia. Lau tay trước, rồi đến đôi chân. Sau đó bảo cô nằm sấp xuống để chà xát lưng thật kỹ. Tiểu Tuyết rất cảm động, thầm nghĩ, người đàn ông mà cô muốn tìm chính là anh. Cô bỏ qua mọi điều khác, anh ấy đã yêu mình thế này, mình có thể yên tâm mà lấy anh. Cho nên, cuối cùng họ đã tổ chức đám cưới ở đây, và không báo cho bố mẹ cô biết tin (cô không đủ can đảm để báo tin, vì sợ họ sẽ phản đối). Và thế là cô đã lấy chồng.
Khi trở lại Thâm Quyến, Tiểu Tuyết dẫn Văn Long đến gặp bố mẹ cô. Cô nói với mẹ bao điều tốt đẹp về Văn Long, và nhất quyết lấy anh. Cha mẹ cô cũng đành chiều ý, và nhanh chóng tổ chức đám cưới ở Thâm Quyến. Tiểu Tuyết xin cha mẹ đủ tiền để đóng đợt đầu mua căn nhà trả góp. Họ cưới nhau thấm thoắt đã được bốn năm.
Nếu hỏi Tiểu Tuyết rằng cô có hối hận không, câu trả lời sẽ là không. Có điều, hồi tưởng lại những sự việc đã xảy ra trong bốn năm qua, cô cảm thấy hồi đó mình thật quá ngây thơ.
Cô vốn nghĩ, mình lấy Văn Long, và nhiều nhất là mỗi năm một lần về thăm vùng quê nghèo ấy vài hôm, ngoài ra thì không tiếp xúc, sẽ không có gì ảnh hưởng đến cuộc sống của hai vợ chồng. Nhưng thực tế đâu phải như vậy.
Bố mẹ chồng cô đã nói, lấy Văn Long rồi, cô là con dâu của nhà họ Lý, cái tên Giang Tiểu Tuyết đã ghi vào tộc phả nhà họ Lý rồi! Sau này qua đời, mộ của cô sẽ nằm bên mộ Văn Long trong khu mộ nhà họ Lý ở nông thôn miền bắc!
Lúc đó nghe nói thế, Tiểu Tuyết suýt nữa bò ra mà cười, nhưng về sau cô cũng hiểu rằng, chưa rõ sau này chết đi mộ cô có đặt ở khu mộ nhà họ Lý hay không, nhưng cô rất biết sự việc không hề đơn giản như cô hình dung lúc đầu. Cô lấy Văn Long, đồng thời cũng là đến với vùng nông thôn miền bắc hẻo lánh nghèo khó và lạc hậu.
Cô cũng dần dần cảm thấy cô không chỉ có quan hệ vợ chồng với Văn Long, mà cô còn có bố chồng mẹ chồng, còn có mối quan hệ với ba mẫu rừng, với khu mộ họ Lý ở đó, cả các bà, bác bà cô ... một lô thân thích nữa!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top