Chương 2: CÁI BÀN KÍNH
Mẹ chồng nàng dâu sống chung, tựa như cái gì?
Nếu bảo Tiểu Tuyết thử ví von, chắc cô cũng chịu không biết nói sao. Nhưng cô có một cảm giác, cái cảm giác này đôi lúc bất chợt lóe lên trong cuộc sống chung giữa cô và mẹ chồng.
Một giây trước, có lẽ bà đang nói cười vui vẻ với ta, nhưng một giây sau đó bà bỗng nghiệt ngã với ta luôn, chẳng khác gì mũi kiếm thọc vào tim ta hoặc giống như ta bất chợt bị người khác nhét cái kim vào cổ họng, hai bên lập tức rơi vào tình thế hùng hổ giương cung giơ kiếm.
Hiện giờ Tiểu Tuyết cảm nhận rất rõ, sự việc bắt đầu nảy sinh từ lúc Văn Long mua cái bàn khác đem về.
Hôm đó Tiểu Tuyết đi làm trở về nhà, Văn Long thì luôn bận công việc, anh thường về nhà rất muộn, quãng thời gian chỉ có Tiểu Tuyết và mẹ chồng ở nhà sao mà dài lê thê. Tuy bà vẫn hay soi mói bắt bẻ cô, nhưng cô đã khác trước, cô giữ vững nguyên tắc chung sống với bà là thỏa hiệp.
Thỏa hiệp, thỏa hiệp và thỏa hiệp!
Cô đã từng kháng cự đấu tranh, kết quả là nảy sinh bi kịch bố chồng chết. Cho nên cô sẽ không đấu tranh nữa, và gắng hết sức để chung sống hài hòa với mẹ chồng. Dẫu chung sống với bà chẳng vui vẻ gì, trong sinh hoạt vẫn xuất hiện nhiều vấn đề, nhưng Tiểu Tuyết vẫn cố xử sự cho tốt đẹp. Nhận xét theo hướng lạc quan, thì sau mấy tháng chung sống cũng có tiến bộ nhất định, mẹ chồng đôi lúc cũng đã mỉm cười với cô. Tiểu Tuyết nghĩ bụng: Có lẽ bà sẽ không gán cho cô cái tội gây nên cái chết của bố chồng nữa.
Tiểu Tuyết chỉ muốn Văn Long được vui vẻ, cho nên cô gắng làm mọi việc để bà thay đổi cách nghĩ về cô, và hết thành kiến với cô.
Tiểu Tuyết cũng chỉnh lại tính cách của mình trước đây, về nhà rồi cô chưa vội vào ngay phòng của mình, cô ngọt ngào chào hỏi "Mẹ ơi..." và trò chuyện, cùng làm việc với bà. Cô cũng cố quên đi cái lối hay bắt bẻ và hiểu lầm của bà đối với cô. Những lúc đó uất ức chỉ muốn khóc, nghĩ rằng cứ thế này thì không sống nổi, nhưng hôm sau cô vẫn gọi "Mẹ" rất thân thiết.
Ngay bà mẹ chồng vốn oán hận cô cũng đã phải nói với Văn Long: "Nay Tiểu Tuyết đã khá lên nhiều rồi, giá mà lúc đầu nó đã thế này thì tốt quá."
Ngày trước Tiểu Tuyết quá khách sáo với nhà chồng, cô nghĩ chỉ cô và Văn Long mới là một gia đình, Văn Long là người thân yêu duy nhất của cô, các người khác trong nhà Văn Long chỉ là họ hàng của hai vợ chồng mà thôi, giúp được gì thì giúp, không giúp được thì cũng đành vậy. Cho nên mới xảy ra sự việc ông bố chồng. Nếu bà mẹ chồng lại xảy ra chuyện bất trắc gì nữa thì cuộc hôn nhân của cô và Văn Long sẽ thật sự chấm hết. Cho nên giờ đây cô gắng hết sức để xây dựng mối quan hệ thật tốt với bà.
Hễ nhìn thấy bà, Tiểu Tuyết đều một điều mẹ hai điều mẹ, thân thiết hơn cả với mẹ đẻ, vẻ mặt cô luôn tươi như hoa, nhiệt tình đến mức không thể nhiệt tình hơn. Thấy con dâu luôn như thế, lòng bà mẹ cũng dễ chịu hơn. Chẳng ai muốn mình luôn luôn phải lựa ý người khác, bà nghĩ bụng, nếu Tiểu Tuyết lúc nào cũng tinh ý như thế này thì tốt biết mấy (nếu trước đây nó cũng hiểu biết thế này thì ông bạn già của bà đã không phải chết). Nếu cô con dâu cứ tốt với bà như thế này mãi, thì dần dà bà cũng không oán trách nó đã hại ông lão nữa.
Những lúc hai mẹ con cùng ngồi ăn hoặc cùng làm việc, bà sẽ nói với Tiểu Tuyết đôi điều về chuyện sinh con.
Hôm nay cũng vậy.
"Tiểu Tuyết à, hai vợ chồng định bao giờ mới sinh con?"
Tiểu Tuyết cười cười, ngoan ngoãn trả lời: "Chắc mẹ rất muốn bế cháu phải không? Chúng con sẽ sinh một đứa..."
Bà gật đầu mãn nguyện, rồi hỏi: "Hai đứa lấy nhau mấy năm rồi nhỉ?"
"Bốn năm ạ."
Bà nghĩ ngợi, rồi nói với cô bằng một giọng vừa nghiêm chỉnh vừa dỗ dành: "Tiểu Tuyết, con có vấn đề gì phải không? Đã bốn năm trời sao vẫn chưa có bầu? Ở thôn nhà ta, con bé Quế hoa lấy chồng ba tháng vẫn chưa thấy gì, bà mẹ chồng bèn đưa nó đi viện kiểm tra, chỉ uống mấy thang thuốc, ít lâu sau đã có bầu luôn!"
Tiểu Tuyết chẳng biết nói sao. Nếu không phải cô đã làm dâu một gia đình nông thôn miền bắc, nếu năm xưa cô chưa từng về đó ít hôm và tận mắt nhìn thấy có người đã sinh 10 đứa con gái rồi mà vẫn rất mong sinh được đứa con trai, thì cô không bao giờ tin rằng đất nước Trung Quốc ở thế kỷ hai mốt này vẫn còn những nơi lạc hậu như thế.
Lấy chồng ba tháng chưa thấy có bầu đã dắt nhau đi khám bác sĩ, đã đẻ chục đứa con gái mà vẫn liều mình để có được đứa con trai, với dân thành phố thì đó thật sự là những chuyện viễn tưởng, hết sức kỳ quặc.
Thấy Tiểu Tuyết im lặng, bà nhìn cô rồi tiếp tục truy hỏi: "Văn Long thì chắc chắn không vấn đề gì. Hay là, ngày mai mẹ đưa con đi viện xem sao?"
Rõ ràng là bà ngờ rằng cô có trục trặc gì đó.
Tiểu Tuyết đỏ mặt, đáp: "Mẹ ạ, con không sao cả. Mà là anh Văn Long chưa muốn có con. Chúng con công tác rất bận, tuổi thì còn trẻ, cho nên vẫn... vẫn..." Mặt cô đỏ bừng không nói được nữa, và thầm nghĩ bà mẹ chồng "bao quát" quá rộng thì phải.
Bà bỗng hiểu ra, bèn nói: "Hai đứa vẫn dùng biện pháp tránh thai chứ gì?"
Tiểu Tuyết thở phào, đáp: "Vâng, đúng ạ."
Bà lại bồi tiếp một câu: "Dùng biện pháp gì?"
Tiểu Tuyết chỉ mong mặt đất có một cái lỗ nẻ để chui ngay xuống. Cô lúng túng xấu hổ không nói nên lời. Bà lại hỏi luôn: "Không uống thuốc đấy chứ? Không nên uống thuốc tránh thai."
Tiểu Tuyết đành lắp bắp nói: "Dùng bao... dùng bao cao su ạ."
Lúc này bà mới yên tâm. Bà ngẫm nghĩ một lát, rồi nói: "Được! Đừng uống thuốc. Uống thuốc rất hại sức khỏe."
Tiểu Tuyết đỏ mặt, nín lặng. Những câu nói vừa rồi cho thấy... hình như cái chuyện trên giường của cô và Văn Long đều bị bà nhìn rõ cả, cô cảm thấy thật chẳng ra sao.
Bà lại nói nữa: "Nay đã có nhà ở rồi, mẹ suốt ngày ngồi nhà cũng rất quạnh hiu. Hai đứa nên sinh con đi! Nhân khi mẹ vẫn còn sức để bế cháu, mẹ sẽ trông nom giúp cho. Lần đầu tốt nhất là sinh được một thằng cu, nếu chưa được, thì lại sinh đứa thứ hai. Bố của Văn Long trước khi qua đời còn nói với mẹ rằng, hai con phải sinh cho được thằng cu kẻo nhà họ Lý này sẽ không có người nối dõi. Ở nông thôn, nhà ai không có con trai, sẽ bị thiên hạ rủa là đồ tuyệt tự."
Tiểu Tuyết ngây đờ, nói: "Vâng, mẹ ạ, chúng con sẽ sinh cháu, sẽ sinh cháu ngay."
Bà mỉm cười với cô, nét mặt tươi tỉnh hẳn lên. Bà lại kể với Tiểu Tuyết nhiều mẩu chuyện buồn cười ở quê nhà. Bà nói: "Con à, ở quê nhà ta có gia đình anh Lưu Quý Hải, cô vợ đã đẻ 10 đứa toàn là gái, chẳng có thằng cu nào. Anh ta sốt ruột muốn chết. Mỗi năm đẻ một đứa, cứ thế tiếp nối, đẻ rặt một lũ vịt trời. Đứa đầu đặt tên là Chiêu Đệ, đứa thứ hai là Tái Chiêu, đứa thứ ba là Hoàn Chiêu, đứa thứ tư là Tứ Cấu, đứa thứ năm là Tuyệt Chiêu, đứa thứ sáu là Tiểu Xú, đứa thứ bảy..." (1)
______
1. Các tên này ít nhiều đều có ý nghĩa "kiếm một cậu con trai". Riêng Tứ Cẩu: "bốn là đủ rồi" và Tiểu Xú: "con bé xấu xí"
______
Tiểu Tuyết nghe rồi cứ bò ra mà cười, sao trên đời này vẫn còn những nơi như thế và những con người như thế. Nhưng cô đâu có biết, vì vẫn còn những nơi như thế, bà mẹ chồng lại xuất phát từ đó, cho nên ít lâu sau cô và Văn Long suýt nữa phải ly hôn chỉ vì chuyện sinh con đẻ cái.
Hai mẹ con đang trò chuyện thì nghe thấy tiếng chìa khóa mở cửa kêu lách cách. Họ đều hiểu rằng Văn Long đã về, cả hai cùng đứng dậy bước ra phía cửa. Tiểu Tuyết thì chậm hơn bà mẹ, bà đã rảo bước lên trước, tấm lưng của người giành phần thắng che khuất tầm mắt cô. Bà tươi cười mở cửa.
Tiểu Tuyết đứng phía sau hai người, im lặng. Đôi lúc cô có cảm giác bà mẹ chồng về đây, đâu phải cô có được một người mẹ, cô có một tình địch thì phải? Bà đang tranh một người đàn ông với cô!
Ý nghĩ này tuy rất bất kính nhưng nó đúng là một cảm giác của Tiểu Tuyết.
Tâm trạng cô bỗng xẹp hẳn xuống. Vì cô không vượt lên trước bà mẹ chồng, bị lép vế thất bại, khiến cô rất buồn.
"Mao Long đã về à? Con ăn cơm chưa?"
Giọng nói hiền từ thân thiết của bà dội vào đôi tai Tiểu Tuyết thật khó chịu.
"Con ăn rồi mẹ ạ."
Văn Long trả lời, phía sau anh còn có hai người lạ. Anh nhắc nhở họ: "Nào, vào đi. Khuân vào trong này là được."
Tiểu Tuyết xoay người nhìn, thấy hai nam giới chắc là công nhân, đang khiêng một thứ gì đó vào. Văn Long trả tiền họ, nói cảm ơn mấy lần, rồi họ ra về.
Tiểu Tuyết và mẹ chồng đều rất tò mò, bà mẹ hỏi con trai: "Mao Long, là cái gì thế?"
Văn Long cười cười, nói với Tiểu Tuyết đang đứng ở chỗ xa hơn: "Tiểu Tuyết lại mà xem đi! Tiểu Tuyết gật đầu. Nụ cười ấm áp của Văn Long khiến cô thấy vui lên. Cô bước lại hỏi anh: "Là cái gì thế, anh?"
Văn Long cười, đáp: "Em cứ mở ra xem đi!"
Tiểu Tuyết mỉm cười bước đến, rồi gỡ bao bì các tông bọc ngoài ra. Đó là một cái bàn bằng kính. Cô bất giác kêu lên một tiếng, bưng hai bàn tay áp lên khuôn mặt. Cô hết sức mừng rỡ.
"Anh mua cho em thật à?"
Nếu lúc này không có mặt mẹ chồng, cô nhất định sẽ chạy đến ôm chầm lấy anh, hôn anh vì niềm vui bất ngờ này.
Văn Long cười, đáp: "Ừ! anh đã hứa với em thì anh phải làm chứ!"
Công việc của anh gần đây khá tốt, thu nhập tăng. Công ty của họ vừa tiếp nhận một đơn đặt hàng lớn xây dựng công sở, trị giá hàng chục triệu đồng. Văn Long là tổng chỉ huy phòng thiết kế, nếu thương vụ này đạt được thỏa thuận thì anh có thể được nhận trích phần trăm hơn 200 nghìn tệ. Bản vẽ thiết kế và thi công do các kiến trúc sư dưới quyền anh đưa ra, hôm qua đã được thông qua, cũng tức là đã thành công một nửa. Cho nên Văn Long bèn mua cho vợ chiếc bàn kính này (những gì đã hứa với cô, anh thường thực hiện được), nó có giá đắt gấp đôi chiếc bàn cũ. Anh vốn định mua chiếc bàn giống y hệt, nhưng khi vào hiệu nội thất anh thấy chiếc này còn đẹp hơn, anh bèn mua luôn. Văn Long là anh chàng rất ham kiếm tiền, và chi tiêu cho người nhà là lúc mà anh vui nhất. Mục tiêu lớn nhất của anh là mình có thể chăm sóc để người nhà được sống sung sướng, vui vẻ; như thế anh mới có được cảm giác mạnh mẽ về sự thành đạt.
"Tiểu Tuyết, em có thích không?"
Nhìn vẻ hân hoan khác thường của Tiểu Tuyết, dù cô không trả lời Văn Long cũng biết cô mừng rỡ và cảm động đến đâu.
Tiểu Tuyết không ngớt gật đầu, tay cô vuốt ve mãi chiếc bàn kính trước mặt. Chiếc bàn cũ dính đầy bột mỳ, dầu mỡ ố bẩn và những vết dao khía, không có cách gì để khôi phục được nữa. Lâu nay cô vẫn không thể quên cái bàn kính nham nhở ấy, không ngờ Văn Long lại mua cho cô chiếc bàn mới, lại rất nhanh chóng nữa.
Hai vợ chồng đang rất thích thú, thì bà mẹ đứng bên lại rất khó chịu. Những bực bội và đau đớn lâu nay vẫn tích tụ trong lòng bà, bà không thể chịu nổi nữa.
"Mao Long, cái bàn này bao nhiêu tiền?"
"Hơn hai ngàn, không đắt đâu mẹ ạ."
"Sao? Những hơn hai ngàn?"
Bà như nổ tung ra, không tưởng tượng nổi, trợn mắt nhìn hai vợ chồng.
Văn Long hiểu ngay rằng mình đã mắc sai lầm lớn, anh rất thiếu cân nhắc, muốn mau chóng đem lại niềm vui bất ngờ cho Tiểu Tuyết, cho nên vừa về đến nhà, ngay trước mặt bà mẹ, anh đã "đập hộp" lôi ra chiếc bàn kính. Đúng ra là, anh nên bí mật chuyển nó vào phòng mình, để một mình Tiểu Tuyết biết là được.
Đây chỉ là ý của anh lúc này. Mẹ chồng nàng dâu cùng một nhà, thì cái cách vẹn toàn mà anh tưởng tượng này khác nào cái kim trong bọc, giấu mãi sao được?
"Nhà vẫn có cái bàn đấy thôi?" Rõ ràng là bà đang bốc hỏa.
Anh cúi đầu, chẳng biết nên chữa cháy ra sao nữa.
Bà nhìn cái bàn, vừa tức lại vừa xót ruột, mắng luôn: "Mao Long, giờ đã sẵn tiền rồi, bắt đầu thích đốt tiền phải không? Con đã quên bố con đã chết như thế nào à? Vì muốn kiếm được 200 đồng sinh hoạt phí cho em trai con, ông ấy phải ra công trường làm thuê 50 đồng một công, vì 50 đồng bạc mà ông ấy bỏ mạng! Nay con lại đi mua cái bàn hơn hai nghìn bạc để làm vừa lòng cô vợ, nhà thì đã có bàn rồi... Trời ơi, ông lão ơi ông thật đáng thương, ông hãy đem tôi đi theo ông ơi! Hãy đưa tôi đi theo, tôi ức tôi khổ thế này..."
Bà đứng đó lau nước mắt khóc than, kêu trời kêu đất.
Bà thật sự đau xót, khoản sinh hoạt phí của cậu con út giờ đây phải thế nào còn chưa rõ, ông lão thì bỏ mạng chỉ vì đi kiếm mấy trăm bạc, thế mà vợ chồng nó chi hai nghìn bạc để mua một cái bàn thủy tinh trong suốt!
Bà nhiếc móc Văn Long: "Đúng là đồ bất hiếu, bất hiếu! Mẹ và bố đã hoài công nuôi nấng con. Sao con lại lấy cô vợ như thế? Nó làm hỏng con rồi! Ngày trước con có thế này đâu? Ôi, tôi hận, tôi quá hận. thật đáng thương cho ông ấy, ông nuôi con để làm gì? Tôi sống thế này còn ra sao nữa, ông hãy đem tôi đi cùng ông ơi..."
Bà làm mình làm mẩy, nước mắt nước mũi giàn giụa. Bà ngồi trên ghế sô pha, hai tay giơ rõ cao rồi vỗ xuống đầu gối, bà khóc lóc la mắng như có nhịp có điệu. Văn Long sợ gần chết, anh lúng túng bước lại bên cạnh khổ sở van xin: "Mẹ ơi mẹ đừng lo gì, nhà ta nay đã có tiền; hôm nay con mua cái bàn này, vì con vừa kiếm được một khoản lớn, con còn có thể mua ô tô nữa. Mẹ đừng buồn. Mẹ cứ thế này thì con cũng khổ tâm, con xin mẹ đấy."
Văn Long chẳng biết nên xử trí thế nào với bà mẹ, nét mặt anh đầy vẻ khổ sở. Bà nói: "Đem trả lại cái bàn đi! Nhà này vẫn đang có bàn, sao còn phải mua nữa? Thừa tiền thì gửi cho thằng em một ít! Con là anh, sao chẳng thèm quan tâm gì đến em cả? Hiện giờ nó đang phải tự lo tiền sinh hoạt phí, con nói xem, nó là chân học trò thì kiếm đâu ra tiền?"
Anh chỉ còn cách gật đầu lia lịa, và nói: "Vâng, được ạ. Mẹ đừng khóc nữa, đừng khóc nữa."
Tiểu Tuyết đứng đó, càng nghe càng thấy chẳng ra sao, cô lựa lời nhẹ nhàng thăm dò: "Mẹ ạ, bây giờ trả lại người ta sao được? Chỉ có thể đổi thứ khác nhưng rất ít thứ đồ nội thất giá hơn hai nghìn bạc. Các cửa hàng chỉ chấp nhận khách đổi mua thứ đắt hơn, thì ta lại càng tốn tiền." Tiểu Tuyết nhớ lại, bà đã từng mắng cô "Cái con vợ này..." và trách cô làm hư hỏng Văn Long, thì lòng cô như bất chợt bị gai đâm, nghĩ mà tức anh ách. nhưng lại nhớ đến cái bàn Văn Long hôm nay đã mua cho mình, cô chẳng muốn gây căng thẳng với bà nữa.
Bà nghe cô nói đến đây thì thôi không khóc nữa. Bà nhìn cô, rồi nói: "Nhất định phải đem trả lại! Cô đừng xía vào việc của con trai tôi!"
Tiểu Tuyết rất bực, nghĩ bụng: Cả vú lấp miệng em, nói bừa rồi!
Cô gợi mở: "Mẹ ạ, tại sao anh Văn Long phải mua cho con cái bàn? Vì mẹ đã dùng cái bàn của con để cán mỳ thái thức ăn, hỏng mất rồi."
"Cô... sao cô..." Bà giận dữ đứng lên, toàn thân run bắn, rồi lại chùng người xuống, bà bảo Văn Long: "Mao Long, mẹ thấy mệt...con đỡ mẹ vào nhà đi. Ôi chao..." Bà kêu bà rên, hình như người bà bỗng rất đau đớn khiến Văn Long phát hoảng, dìu đỡ bà dậy, vừa đi vào phòng của bà vừa hỏi: "Mẹ ơi, mẹ thấy khó chịu ở đâu?"
Hai mẹ con bước vào căn phòng dành cho bà ở, khuôn hình Văn Long bỗng trở nên xa lạ, âm âm, ánh đèn nơi phòng khách bỗng kém sáng hẳn đi.
Tiểu Tuyết ngây người đứng nhìn tất cả, cô lặng thinh.
Dù cô ra sức né tránh, chiến tranh vẫn cứ nổ ra.
Cô chầm chậm bước đến bên cái bàn kính, thu dọn đám bao bì các tông, rồi lại nhìn cái bàn. Cô nghĩ cách để chuyển nó vào phòng.
Lúc nãy hình như khuôn mặt Văn Long hơi dài ra. Sau đây có thể xảy ra chuyện gì nữa, cô khỏi cần nghĩ cũng biết.
Tiểu Tuyết cô độc đứng trong phòng khách mấy phút, cô lo bà mẹ chồng bất chợt ốm nặng thật, cảm thấy bất an, cô bước đến trước cửa căn phòng của bà. Cửa khép kín, vọng ra tiếng bà đang nói gấp nói nhanh, tuy cô không nghe rõ nhưng rõ ràng là bà vẫn khỏe mạnh như thường, nỗi lo của cô bỗng tan biến. Cô lại trở ra với cái bàn kính.
Cái bàn rất nặng, mình cô không thể nhấc để đưa vào; nếu cứ để ngoài này, biết đâu sẽ có ngày bà lại dùng nó để cán mỳ và làm bánh gói cũng nên. thế thì cô nhất định phải tìm cách chuyển nó vào phòng mình. Cách duy nhất là chờ Văn Long ra, cả hai cùng khiêng vào.
Tiểu Tuyết ngồi trên ghế sô pha, hai tay khoanh trên ngực, vừa xem ti vi vừa đợi Văn Long từ phòng bà mẹ bước ra. Nhưng chờ mãi, chờ suốt nửa giờ cũng chẳng thấy bóng anh.
Tâm trạng cô vốn đã không tốt, bao ấm ức vẫn dồn nén bấy lâu nay, lúc này phải đợi chờ, từng giây từng phút trôi đi, những hình ảnh trước đây cũng hiện về, những đốm lửa bực bội âm ỉ trong lòng cô cũng dần nóng bỏng hơn. Cô cảm thấy cứ thế này thì không sao sống nổi.
Có nàng dâu nào có bà mẹ chồng như ác quỷ thế này không? Có phụ nữ nào mua cho nhà mình cái bàn, mà lại bị người khác mắng mỏ thậm tệ không? Có người vợ nào đã vất vả đi làm cả ngày trở về, muốn gặp chồng mà còn phải ngồi mọc rễ chờ ở phòng khách không? Bà ta là mẹ của anh ấy ư? Là bà mẹ chồng thật ư? Là mẹ chồng mà lại tai quái chiếm đoạt thời gian đêm hôm của con trai hay sao?
Ngọn lửa cháy trong lòng cô mỗi lúc một to. Không thể xem ti vi được nữa. Mắt cô như đang bốc khói. Cô chỉ thấy mình không thể chịu nổi nữa. Người cô sắp nổ tung. Nhưng, cô có thể xả giận vào đâu đây?
Rốt cuộc Tiểu Tuyết vẫn phải trở về phòng mình nằm ngủ. Mãi tận 1 giờ sáng, Văn Long mới trở vào phòng. Anh đã một mình chuyển cái bàn vào. Dưới ánh đèn ngủ bên giường, bóng anh dài ngoẵng, gầy đét. Tiểu Tuyết lặng lẽ nhìn Văn Long, lòng đang hậm hực nhưng cô không muốn trút giận lên anh. Tất cả đâu phải lỗi ở anh? Hôm nay nếu không có bà mẹ chồng, thì cô đã rất cảm kích trước những việc anh đã làm cho cô, hai người sẽ có một đêm rất ngọt ngào chứ không phải như thế này.
Văn Long nhíu mày, hình như lòng anh đang bề bộn. Tiểu Tuyết cau mặt, cố gắng nhẫn nại.
"Tiểu Tuyết, anh đã đem cái bàn vào rồi." Văn Long đặt cái bàn ở góc phòng, nơi Tiểu Tuyết thường ngồi viết bài, rồi anh ngẩng đầu nhìn cô, và giải thích: "Mẹ anh không khỏe, nên anh ngồi bên đó chăm sóc bà."
Tiểu Tuyết thầm "hứ" lạnh lùng, rồi nhạt nhẽo nói: "Mẹ khó ở thì anh đưa đi viện, chứ để ở nhà chăm sóc ba bốn tiếng đồng hồ thì có mà làm gì?" Cô dằn mạnh mấy chữ "ba bốn tiếng đồng hồ".
Văn Long không nhận ra cô đang có ý oán trách, anh cười: "Mẹ anh hơi béo, bị huyết áp cao, uống thuốc hạ huyết áp đã ổn ngay. Bà muốn nói chuyện với anh, anh đành ngồi đó một lúc."
Tiểu Tuyết nghe mấy câu này, lửa giận dần dâng cao. Cô thầm nghĩ: Quả nhiên là thế, bà già quái dị đã nói xấu mình!
Cô nói lạnh tanh: "Chắc bà đã nói xấu em không ít?"
Văn Long ngớ ra, rồi lại cười cười bước trước mặt cô, cởi áo khoác rồi vừa lên giường vừa nói: "Tiểu Tuyết nghĩ gì lạ thế? Mẹ chỉ tùy hứng nói lan man đủ chuyện chứ đâu có nói xấu gì em? Mẹ anh rất tốt tính."
Tiểu Tuyết nhìn anh, thấy anh sắp lên giường bèn nằm nhích sang bên để anh nằm cho thoải mái. Cô im lặng.
Văn Long tắt đèn, rồi ôm lấy cô, nói: "Em ạ, mẹ anh không được khỏe, em nên nhường nhịn một chút. Bố anh đã mất, anh không thể lại để mất mẹ. Anh xin em đấy!"
Nghe mấy câu này Tiểu Tuyết rất ấm ức. Cô nhỏ nhẹ nói: "Em luôn luôn nhường nhịn mẹ, anh bảo em phải thế nào nữa? Anh thử đi hỏi mọi người xem thời nay có mấy cô con dâu có thể làm được như em không? anh nghĩ cho mẹ anh thì anh cũng phải nghĩ cho em chứ! Vì mong anh được vui, vì muốn mẹ chồng được vui, em đã chịu đựng bao ấm ức anh có biết không? Em là người miền Nam, mà đã mấy tháng liền không được ăn cơm tẻ ở nhà, trước đây em không làm việc gì trong nhà thì nay em đi làm về còn phải quét nhà, rửa rau rửa bát; em ít mua sắm quần áo, nhưng đều là những thứ đắt tiền, mẹ đã làm hỏng hết cả, hồi nọ anh nhắc mẹ thì mẹ lại to tiếng với em rồi mẹ vẫn không nghe, vẫn giặt giũ kiểu ấy và còn muốn em phải cảm ơn bà nữa, em cũng nín lặng, vì em muốn anh được vui. Nhưng hôm nay mẹ nói những gì anh có nghe thấy không? Bà ấy hận em, nói là em làm hỏng anh, nói là trước kia anh đâu có như vậy. Mẹ chồng gì lại thế? Bà ấy có trái tim đá thì phải, dù em làm những gì cũng không thể vừa lòng bà." Cô càng nói càng uất.
Văn Long lặng im, chỉ biết thở dài thườn thượt.
Tiểu Tuyết nói: "Có phụ nữ nào, ở ngay nhà mình mà phải đợi chồng mình không? Có ai ở trong nhà mình mà còn bị ăn mắng không? Văn Long anh nói xem đây có còn là nhà em nữa không?" Tiểu Tuyết ngẩng đầu, đôi mắt rớm lệ đầy ấm ức.
Văn Long vỗ vỗ vai cô, nói: "Em ạ, anh cũng thấy bí. Chúng ta còn trẻ, đời chúng ta còn dài. Mẹ anh đã già, năm nay bảy mươi rồi, bố anh thì chẳng còn, anh muốn bà được sống ít năm dễ chịu một chút. Bà ở nhà quê một mình thực đáng ái ngại, bà rất muốn đến ở với anh, anh không thể từ chối mẹ anh. Lâu nay mẹ đã đến, thì anh ăn ngon miệng ngủ yên giấc hơn, hàng ngày đều được thấy mẹ, anh rất mừng, em biết không? Sau khi bố anh mất, anh luôn rất cắn rứt, long nặng trĩu như đeo đá. Cho đến khi mẹ đến, anh đã được vui hơn, anh mới thấy dễ chịu hơn. nhưng hôm nay thấy mẹ buồn bã, lại nhắc đến chuyện bố anh, thì lòng anh lại trĩu nặng. Tuyết à, anh chỉ mong em và mẹ anh có thể chung sống hòa bình, lẽ nào lại khó đến như vậy? Hôm nay anh cũng đã nói với mẹ rằng em là cô gái rất tốt, mọi người nên cảm thông lẫn nhau thì hơn, được không? Tiểu Tuyết, mẹ anh không xấu tính đâu, cứ tin anh đi!"
Tiểu Tuyết hạ thấp giọng: "Sự việc hôm nay anh thấy cả rồi, em không sai, mà là tại mẹ mắng em trước. Em đã nhẫn nhịn hết mức rồi, nên đành phải nói như vậy. Chỉ hơi một tý là mẹ kêu trời kêu đất, rồi khóc, rồi kêu là ốm! Cứ hành nhau kiểu này thì ai mà chịu nổi?"
Văn Long nói: "Em ạ, anh đã nói với mẹ rồi, từ nay mẹ sẽ không như thế nữa. Em ráng chịu đựng thêm một chút, từ nay đừng xung đột với mẹ nữa được không? Em cứ coi như là giúp anh đi?"
Tiểu Tuyết ngẩn người, đờ đẫn nhìn anh, nghĩ bụng: Chắc là anh đang oán tôi hôm nay đã nói với mẹ anh mấy câu đó? Nỗi uất ức trong lòng cô trào lên, họng cô tắc nghẹn không nói được nữa. Cô nhìn vào màn đêm tĩnh mịch.
"Thôi nào, ngủ đi. Khuya rồi đấy." Thấy Tiểu Tuyết bỗng nín lặng, Văn Long tưởng rằng lời mình nói đã có tác dụng, anh cố mỉm cười với cô, rồi tắt đèn nơi đầu giường, kéo chăn đắp, đi ngủ.
Tiểu Tuyết nằm bên anh, cũng chẳng rõ bao lâu sau đó, cô nói: "Anh Văn Long, không thể cứ thế này mãi. Chúng ta phải nói chuyện cho rõ."
Thì ra là cô vẫn nghĩ về chuyện này, rõ ràng là Văn Long đã trách móc cô, chứ đây không chỉ là mới bắt đầu.
Văn Long vẫn im lặng.
Cô dứt khoát ngồi dậy, bật đèn lên, rồi nói: "Anh có nghe thấy không đấy?"
Văn Long nhìn cô rồi nói: "Em bảo anh phải làm gì đây? Bố anh đã mất, em anh thì đang đi học, mẹ anh ở nhà một mình, lẽ nào em bảo anh đuổi bà ấy về quê? Anh nói luôn: Anh không thể làm như thế! Anh đã rất bất hiếu rồi, dù sao anh cũng không thể làm chuyện đó."
Anh nói rất dứt khoát.
Tiểu Tuyết hiểu rằng anh đã đứng về phía bà mẹ, trong con mắt Văn Long giờ đây bà mẹ là quan trọng nhất.
Nỗi uất ức dâng trào, cô thật không dám tin, điều khiến cô đau xót không phải là mấy câu nói của Văn Long mà là ngụ ý đằng sau câu nói - anh ấy đã thiên vị bà mẹ. Cô ngẩng đầu nhìn Văn Long, anh cúi đầu không nhìn sang cô.
"Cái chết của bố, anh cũng đổ tại em hay sao?" Nói xong, cô trào nước mắt.
Văn Long gục đầu xuống, hình như anh đã lú lẫn không nhận ra nguyên nhân, kết quả, hoặc thế nào là đúng là sai, nên Tiểu Tuyết phải nói cho anh biết.
"Chính anh cũng biết tại sao lúc đầu em phải lên tiếng. Lấy nhau đã bốn năm, trong bốn năm qua anh đã sống thế nào? Văn Long, em có phản đối anh tỏ lòng hiếu với bố mẹ anh không? Hàng tháng anh có thu nhập chục nghìn thật, nhưng ngoài trả góp tiền nhà thì anh có chi các khoản gì khác không? Chú Văn Hổ học đại học năm thứ ba, khoản học phí từ năm thứ nhất đến giờ, em có nói gì không? Em có phản đối anh cho chú ấy học phí không? Chú ấy rất tốt nết, anh thừa biết em cũng rất quý chú ấy, lần trước em đâu có nhằm vào chú ấy?" Nước mắt Tiểu Tuyết trào ra nhiều hơn, mắt cô nhòa lệ nhìn người chồng cúi đầu im lặng ngồi trước mặt. Cô đã bất chấp tất cả để lấy anh, dù mẹ cô phản đối rất dữ, mấy tháng liền không thèm hỏi han cô, cô cũng mặc. Cô chỉ cần hai người sống với nhau hạnh phúc là được. Kết quả là đi đến ngày hôm nay, cô đã nhượng bộ mãi rốt cuộc vẫn chỉ là thế này!
Văn Long đã không chịu hiểu ý cô, không chừa chỗ để cùng bàn bạc gì nữa. Cho nên hôm nay cô phải cho anh biết rõ ai đã sai. Nếu anh vẫn cứ cho rằng cô sai thì cuộc hôn nhân này chẳng cần thiết phải tiếp tục nữa.
Cô nói: "Văn Long, hôm nay chúng ta phải tổng kết cho rõ, lấy nhau đã bốn năm nay, anh đã cho gia đình anh bao nhiêu tiền. Em đã tính sơ sơ rồi, mỗi năm chí ít là năm mươi ngàn. Thế này nhé: Mừng thọ bố và mẹ anh mỗi năm anh gửi cho mỗi người năm ngàn, cộng lại là mười ngàn; Văn Hổ đi học đại học, anh bao chú ấy cả học phí lẫn sinh hoạt phí, tiền nội trú, không nhiều, thì cũng phải hai mươi ngàn mỗi năm; các biên lai chuyển khoản em vẫn còn giữ đủ cả chứ em không nói quá lên, thực tế là anh phải cho Văn Hổ mỗi năm hơn hai mươi ngàn nhưng em chỉ tính là hai mươi ngàn thôi; hai khoản này đã là ba mươi ngàn. Dịp tết nhất, trung thu, Đoan Ngọ anh đều gửi tiền về nhà, trung thu, Đoan Ngọ gửi hai hoặc ba ngàn, Tết Nguyên Đán gửi cho bố mẹ ít nhất năm ngàn; chắc em không nói sai chứ? Ba khoản này là mười ngàn. Anh Ba, anh Tư, các ông cậu bà mợ và bà con thân thích còn vay anh tiền, mỗi năm chừng mười ngàn. Cả thảy cộng lại là bao nhiêu? Năm mươi ngàn. Em không nói sai chứ?"
Tiểu Tuyết mở to đôi mắt ngẩng nhìn Văn Long. Cô đã bao ngày đêm thầm nhẩm các khoản tiền này rất rõ. Vì Văn Long vốn không có ý giấu cô việc gửi tiền về nhà, lần nào gửi anh cũng cho cô biết ngay. Bốn năm nay cô không có ý kiến gì, cho đến cách đây không lâu cô mới nói - cũng là lần duy nhất cô nói - thì ông bố chồng qua đời.
Nay Tiểu Tuyết lên tiếng lần thứ hai.
Đầu Văn Long căng ra, anh đành phải ngồi lên, đôi lông mày rậm nhíu lại thật chặt. Hình như Tiểu Tuyết đã nhìn thấu tâm can anh, cô nói: "Hôm nay em nói với anh những điều này, và sẽ không to tiếng với anh như với mẹ anh lần trước đâu."
Lần ấy, vì anh vẫn gửi tiền về quê như trước, khiến Tiểu Tuyết ấm ức không nhẫn nhịn được nữa, lúc cô về nhà thì thấy Văn Hổ gọi điện cho Văn Long: "Anh ơi em đã cạn tiền sinh hoạt phí, anh gửi cho em vài trăm đồng được không?"
Vài trăm đồng là nhỏ, Tiểu Tuyết tức giận không vì tí tiền ấy nhưng vấn đề là chắc chắn bố mẹ chồng đang có tiền (hôm trước là ngày tết Đoan ngọ, Văn Long vừa gửi về nhà hai nghìn đồng), đương nhiên hai ông bà đang có tiền, thế mà vẫn coi anh con trai của họ như cái máy rút tiền tự động ATM, mở miệng hỏi tiền không biết đâu là điểm dừng!
Cho nên Tiểu Tuyết mới tức! Dù coi Văn Long là ngân hàng, thì cũng phải ra ngân hàng mới lĩnh được tiền chứ, họ cứ ngồi nhà mà hỏi tiền con trai à? Vì thế cô nhất quyết phản đối, rồi cô gọi điện về nói thẳng thừng với bố mẹ chồng. Kể từ đó vợ chồng cô không gửi tiền cho Văn Hổ nữa. Rồi mới dẫn đến tấn bi kịch ông già đi làm ở công trường bị ngã, qua đời.
Tiểu Tuyết nhìn chồng, nói: "Anh Văn Long, hôm nay em nhắc lại các chuyện cũ, không phải em định giải thích gì hết, bố qua đời em cũng rất buồn. Em chỉ muốn anh biết rằng em yêu anh, dù mẹ có trách móc em thế nào em cũng không ý kiến gì, nhưng anh không thể cũng lại như mẹ; hồi đó tại sao bố lại gặp tai nạn, em mong anh nên hiểu cho rõ. Đúng là em cũng có sai, nhưng em đâu có phải kẻ tội phạm đầu sỏ? Em nếu không vì yêu anh, nếu không phải em xót ruột..." Tiểu Tuyết nghẹn ngào không thể nói tiếp nữa, lại nhớ đến bốn năm trời ấm ức, mắt cô nhòa đi. Các đồng nghiệp mặc quần áo GUCCI, xách ví đầm LV, đi làm bằng xe hơi giá vài trăm ngàn, cô thì vẫn đang vay tiền mua nhà, tiết kiệm chi tiêu, ban ngày đi làm cơ quan, tối về mải miết ngồi trước máy tính viết bài... Tất cả chỉ vì muốn cuộc sống được khá hơn một chút. Muốn được sống khá hơn một chút, là sai hay sao?
Cô đang dốc sức vì cái gia đình nhỏ này, còn Văn Long thì ngoài trả tiền vay mua nhà ra hầu như không đưa cô một đồng, anh toàn gửi tiền về quê. Cô thấy hết sức mệt mỏi ấm ức, không có cảm giác hai vợ chồng là người một nhà, hai trái tim đôi ngả, không hề chung lưng đấu cật. Hình như cô là người làm thuê ở quê nhà Văn Long. Cô có tình yêu với anh, nhưng anh thì sao? Tại sao, tại sao cô yêu anh, cô chịu khó phấn đấu vì anh vẫn chưa đủ, cô còn phải gian khổ phấn đấu vì cả gia đình của anh nữa? Đã hy sinh mấy năm trời, thế mà họ vẫn cứ như đàn muỗi hút máu không biết chán, họ muốn cô mãi mãi hy sinh suốt đời và không được kêu ca gì hay sao? Giờ đây thì thế đấy: Cô chỉ lên tiếng một lần duy nhất, không những không có được cuộc sống hạnh phúc mà mình mong muốn, cô còn bị mang cái tội danh "giết ông bố chồng", bà mẹ chồng thì hận cô thấu xương! Đó là thứ logic gì mà nực cười đến vậy?
Nước mắt càng tuôn trào, cô không chịu đựng nổi nữa. Cô đưa hai tay bưng mặt vì không muốn Văn Long nhìn thấy, nào ngờ nước mắt mỗi lúc một nhiều hơn, rỉ ra qua các kẽ ngón tay cô.
Tại sao bà già lại trách móc cô? Sao lại thế? Chẳng lẽ bà nuôi con cái khôn lớn là nhằm bắt chúng phải suốt đời làm công cho bà? Con bà muốn, thì bà đòi Giang Tiểu Tuyết này cũng phải dè xẻn tiết kiệm theo anh ấy, cũng phải gửi về quê tất cả tiền bạc kiếm được, có phải thế không? tại sao vợ chồng cô không thể sống dễ chịu hơn chút ít? Nay bà lại viện cớ ở quê một mình không ai nương tựa, về thâm Quyến này ở với vợ chồng cô, rồi ráo riết can thiệp vào đời sống của hai người, lại còn nghiễm nhiên coi cái chết của ông già là tại cô gây nên, thật là hết sức nực cười!
Văn Long thở dài, đưa hai tay ôm choàng Tiểu Tuyết, anh nói: "Em ạ, anh chưa bao giờ trách móc em, anh chỉ tự trách mình kém cỏi không thể kiếm thêm tiền để chăm sóc cả nhà tốt hơn." Nửa câu sau, Văn Long nói sao mà chật vật, cảm giác cắn rứt khiến anh nặng nề cúi đầu.
Tiểu Tuyết đẩy anh ra, lắc đầu, nói trong nước mắt: "Anh Văn Long, em cho qua những chuyện này. Mấy năm trời anh gửi tiền về nhà ít ra cũng hai trăm ngàn, em cũng cho qua. Dù bố mẹ anh đã dùng tiền đó đi trả nợ hay đã cất kín nó, em cũng không hỏi làm gì; tiền mà các bà cô bà thím gần xa đã vay, em cũng chẳng trông ngóng họ trả; mọi chuyện cũ em không tính nữa, em chỉ quan tâm từ nay và sau này. Tại sao em lại phản đối việc Văn Hổ hỏi xin tiền anh hồi nọ, điều này anh phải nói cho mẹ anh biết. Không chỉ em sai, mà bà cũng sai. Nếu anh cứ một mực bênh bà ấy thì chúng ta ly hôn vậy, chứ cứ như thế này mãi thì em không sống nổi." Sau khi nhất quyết nói ra những lời này, Tiểu Tuyết không nén nổi nữa cô bật khóc thành tiếng.
Hai chữ "ly hôn" thật đáng sợ. Họ đều yêu nhau là thế, cũng chưa từng đối kháng gì nhau nữa là trực tiếp nói với nhau hai chữ ly hôn.
Cô khóc ầm lên, mặc cho mọi nỗi niềm bấy lâu tuôn chảy, và nghĩ rằng cuộc đời này sao thật tức cười, cả hai với nhau đều không vấn đề gì, họ chung sống hạnh phúc và thương yêu nhau thắm thiết, tại sao buộc phải khơi ra hai chữ ly hôn? Tiểu Tuyết không chịu đựng nổi nữa, mấy tháng nay nỗi uất ức của cô ngày càng trĩu nặng chẳng khác gì quả cầu tuyết càng lăn xa càng lớn, rốt cuộc hôm nay tất cả phải bung ra.
Cứ thế mãi cho đến khi Văn Long ôm chặt lấy cô, nói: "Tiểu Tuyết, anh biết cả, anh sẽ nói chuyện với mẹ. Em hãy cho anh ít thời gian, em hãy tin rằng anh yêu em, và chưa bao giờ nghĩ đến hai chữ ly hôn. Mất cha, anh vẫn có thể sống được, nhưng nếu mất em thì anh..."
Tiểu Tuyết thẫn thờ nhìn Văn Long. Dưới ánh đèn dìu dịu nơi đầu giường, đôi mắt anh đỏ hoe, anh ngồi đó cúi đầu, hai tay buông thõng, dường như đã kiệt sức không gượng nổi nữa. Cô bỗng nhớ lại cái cảnh nửa đêm thức giấc, Văn Long ôm ghì cô rõ chặt. Anh ấy yêu cô thật lòng.
Hiểu ra rồi, Tiểu Tuyết ngẩn người, đưa tay choàng lưng anh rồi gục vào ngực anh khóc nức nở. Cô thật sự rất ấm ức.
Văn Long vừa đưa bàn tay mập mạp chùi nước mắt cho cô, vừa nói: "Em ạ, mẹ anh mới đến đây không lâu, em gắng chịu đựng thêm được không? Anh sẽ thuyết phục mẹ. Em cứ tin ở anh, và cho anh chút thời gian. Anh cam đoan sẽ không xảy ra những chuyện như hôm nay nữa. Lúc nãy anh đã sai, anh xin lỗi. Em hãy lượng thứ cho anh, được không?"
Tiểu Tuyết còn biết nói gì nữa? Biết rõ chồng vẫn yêu mình, anh ấy cũng rất thấu tình đạt lý. Nỗi ấm ức trong lòng cũng lắng xuống, cô mỉm cười: "Văn Long, em biết mình cũng có chỗ sai, em đã làm anh khó xử."
Văn Long cười cười, choàng tay ôm tấm thân thon thả của cô áp dưới vai anh và ghì cô thật chặt. "Tiểu Tuyết, anh bằng lòng chịu khổ sở nhọc nhằn đến mấy cũng được, tiền nong hạn hẹp cũng không đáng ngại, anh sẽ kiếm ra tiền bằng bản lĩnh của mình, chỉ mong em và mẹ có thể chung sống thuận hòa, thế là anh thỏa mãn rồi. Được không em?"
Tiểu Tuyết nhìn anh, mỉm cười: "Điều này anh phải nói với mẹ, chứ em không có ý kiến gì. Đứng giữa mẹ và em, anh cũng rất mệt mỏi, đêm ngủ không ngon giấc, ban ngày còn phải đi làm, em rất thương anh..."
Vậy là hai vợ chồng lại hòa hợp như thuở ban đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top